ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 06/02/2024 11:38

Bút ký "Đền Đồng Cổ" - Nguyễn Minh Khiêm | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe Bút ký “Đền Đồng Cổ” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm qua giọng đọc Huyền Linh.

Đền Đồng Cổ (đền thờ thần Trống Đồng) được xây trong chân núi Khả Lao, làng Đan Nê (xã Yên thọ, Yên Định, Thanh Hoá). Núi Khả Lao có nhiều tên gọi khác như Kẻ Lao, Khả Nãi, Khả Phong, Đan Nê. Núi Khả lao có ba ngọn núi nằm quây tròn lại với nhau như hình một bông hoa trà xoè ra ba cánh, nằm dựng đứng sát bờ sông Mã, trên bến Trường Châu xưa, trông rất đẹp nên núi còn có một tên khác là Tam Thái Sơn hay núi Tam Thai. Tên làng Đan Nê cũng có nhiều lý giải. Tên cổ là Kẻ Lao, rồi Khả Lao. Tương truyền, khi vua Lý qua vùng đất này, chân ngựa nhà vua dính bùn đỏ. Đan Nê thành tên từ đó. Cũng có thuyết rằng, khi Nhà Trần đào nắn dòng sông Mã (từ bến Trường Châu cắt qua núi Vực, Kỳ Ngãi, Vĩnh Lộc- núi Kiểu) khi đào lên thấy toàn bùn đỏ (đan là đỏ; nê là bùn) nên gọi là Đan Nê. Núi cũng được gọi là núi Đan Nê. Đền thờ gốc ở Đan Nê nằm dưới một chân núi trong Tam Thái Sơn hướng về phía Tây Nam nhìn ra một khu đất rộng, có hồ bán nguyệt ở giữa, tạo phong cảnh sơn thủy hữu tình. Trước cửa đền, bên kia hồ bán nguyệt, có hai tấm bia trên vách đá núi Xuân. Một tấm bằng chữ Hán khắc lại bài văn bia do Nguyễn Quang Bàn, con vua Quang Trung, viết năm 1802, ca ngợi phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây, và kể lại chuyện một chiếc trống đồng cổ được tìm thấy và cúng tiến vào đền. Tấm kia bằng tiếng Pháp, khắc năm 1889, nội dung chép lại bài văn dân làng Ðan Nê tỏ lòng sùng kính với ngôi đền. Còn tấm bia chữ Hán chép rằng, năm Canh Tuất (1790) Tuyên công Nguyễn Quang Bàn vâng mệnh vua cha vào làm quan đặc sai đốc trấn Thanh Hóa. Một đêm, ông nghỉ tại làng Ðan Nê, có vào cầu khấn trong miếu thờ Ðồng Cổ Sơn Thần. Sau đó ứng nghiệm bằng việc ông bỗng thấy bên bờ Nam sông Mã xuất lộ một chiếc trống đồng cổ rộng 9 thước, cao 4 thước. Có luận giải rằng đây là chiếc trống đồng năm xưa đã giúp vua Hùng đã làm linh khí đánh giặc loạn xâm vùng này. Năm Nhâm Tuất (1802) lại có dịp đi qua miếu, Nguyễn Quang Bàn sai đem chiếc trống đồng tìm được dạo trước hiến cho đền, đồng thời viết bia (lúc đó là bia gỗ) ghi lại để đời sau được rõ.

Có một bài báo nói rằng, một người trong đoàn ngoại giao nước ta khi vào Bảo tàng Paris, Pháp thấy nguyên bản chiếc trông đồng có đề trống đồng Đan Nê Thanh Hoá, năm 1932. Ông đã chụp lại ảnh và sau này đúc một Trống Đồng theo mẫu ấy dâng tặng đền Đồng Cổ. Theo những người cao tuổi trong làng Ðan Nê, đền Ðồng Cổ từng có 38 gian, bề thế tựa lưng vào Tam Thái Sơn. Đền có nghinh môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), cao 9 m, rộng 3 m, được ghép bằng những khối đá vuông vức (không dùng vữa), cuốn thành vòm tò vò.. Ngày xưa ba ngọn núi đá bao quanh đền là rừng cây nguyên sinh rậm rạp, nhiều cây to, có nhiều chim, thú. Nhưng, qua biết bao biến đổi, nay chỉ còn những ngọn núi đá với cây mọc tái sinh tầng thấp. Thời kháng chiến chống Pháp, binh công xưởng Nguyễn Công Cậy sản xuất vũ khí ngay trong hang động Ích Minh, ngọn núi bên phải của đền. Khi quân Pháp phát hiện ra vị trí công binh xưởng Ích Minh, chúng đã cho máy bay ném bom san phẳng cả đền Ðồng Cổ. Những di tích nguyên gốc còn lại đến nay, ngoài hai tấm bia kể trên, chỉ còn chiếc miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và chiếc cổng Nghinh môn nằm ở phía tây ngôi đền.

Năm 2001, đền Đồng cổ được Nhà Nước cấp bằng công nhận di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc Gia. Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo núi và đền Đồng Cổ theo 2 giai đoạn với tổng kinh phí dự toán hơn 35 tỷ đồng. Ngày 4-7-2008 khởi công xây dựng các hạng mục công trình: Tu bổ và tôn tạo Nghi Môn, Quán Triều Thiên, Tiền Điện và Thượng Điện, trong đó Thượng Điện là hạng mục chính. Sau hơn 1 năm xây dựng, ngày 15-8-2009 hoàn thành giai đoạn I với nguồn vốn hỗ trợ đầu tư đợt 1 (15 tỷ đồng) của UBND thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Một số hạng mục chính yếu của khu di tích đang rất cần được nâng cấp tôn tạo hoàn chỉnh như: Bàn cờ tiên trên đỉnh núi, chùa Thanh Nguyên, bến Trường Châu, Tiền Điện, Nghinh Môn…Hệ thống đường vào đền, đường quanh hồ bán nguyệt, đường lên núi, khu dịch vụ du lịch cũng cần được xây dựng, nâng cấp xứng tầm với giá trị và quy mô của khu di tích này. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thọ 1930 - 2010, phần viết về Làng Đan Nê có ghi: " Tương truyền, đời vua Hùng vương thứ nhất (938 TCN), khi nhà vua đi chinh phạt quân giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao Thôn. Đêm đến, nhà vua chiêm bao thấy có một thần tự xưng là thần miều Khả Lao Thôn xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Khi tỉnh giấc, nhà vua sai sai quân lính mang trống đồng và dùi đồng cho thần miếu Khả Lao Thôn. Quả thực, khi xung trận, tiếng trống đồng vang lên văng vẳng trên không trung khiến quân giặc hoảng loạn, hồn xiêu phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng vào tạ lễ ở miếu Khả Lao Thôn và ban phong cho thần miếu Khả Lao Thôn là Đồng Cổ Đại Vương( tức thần trống đồng) và là vua của các thần. Sau đó nhà vua cho đúc trống đồng, dùi đồng để thờ trong miếu. Tên miếu Khả Lao Thôn có từ đó và đến nay được gọi là đền Đồng Cổ". Xét về mặt niên đại, đền Đồng Cổ, Đan Nê có thể được xem là ngôi đền có tuổi lâu đời nhất Việt Nam hiện còn đến ngày nay (hơn 2500 tuổi). Núi Đan Nê có đền thờ Thần Trống Đồng gọi là núi Đồng Cổ. Năm 986, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Lê Hoàn đánh giặc Chàm ở phương Nam tại sông Ba Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Thắng trận, Lê Hoàn tạ ơn và ghi cho đền câu đối: "Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh/ Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ". Sách "Việt điện U Linh" (NXB Văn hóa năm 1960) của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) chép một đoạn về Lý Thái Tông, đại ý: Phụng mệnh vua cha là Lý Thái Tổ, Thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu (núi Khả Lao ở làng Đan Nê) đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: Tôi là thần Đồng Cổ, nghe tin Thái Tử đi đánh giặc phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công. Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh giấc. Quả nhiên, theo lời Đồng Cổ Sơn Thần, vua cho quân tiến đánh giặc Chiêm Thành, giành thắng lợi. Khải hoàn, về qua Trường Châu, Thái tử bèn sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ và rồi rước bài vị về kinh đô để dựng đền giúp cho quốc thái dân an. Đền Đồng Cổ chính thức có từ đây. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: "Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ". Thái Tử theo lời, cho hưng công xây dựng. Không bao lâu đền dựng xong (nay là đền Đồng Cổ (Hà Nội). Đền được xây ở nơi gặp nhau của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch thuộc làng Đông Xá (nay là số 353 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đến khi Lý Thái Tổ mất, Lý Thái Tông lên nối ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: "Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, xin nhà vua nên kíp đề phòng!". Vua thức dậy còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra đúng như lời thần báo. Vua lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm "Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương .

Nói về việc thờ phụng, tế lễ đền Đồng Cổ, Đan Nê, theo cổng thông tin điện tử huyện Yên Định, "Năm 1028, vua Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã chưa kịp lên ngôi thì xảy ra loạn Tam vương. Các hoàng tử Vũ Đức, Đông Chính và Dực Thánh khởi loạn giành ngôi báu. Từ vụ dẹp xong tạo phản, vua càng tin vào sự linh thiêng của thần Đồng Cổ, xuống chiếu giao cho quan hữu ty dựng đền thờ tại Thăng Long vào năm mới lên ngôi sau chùa Thánh Thọ (1028), lấy ngày 25-3 dựng đàn thề. Sau đó vì tháng 3 có ngày Quốc kị nên chuyển sang ngày mồng 4-4 hàng năm. Nhà vua ban chiếu lập đàn treo cờ tại đền Đồng Cổ, bắt các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời thề rằng: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh làm tội". Hội thề này được duy trì suốt thời Lý qua thời Trần. Sau đó, Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, chuyển đô vào thành Tây Giai Thanh Hoá. Hội thề được khôi phục, tổ chức ở núi Đún (tức Đốn Sơn, nằm phía ngoài chính môn của thành Tây Đô, gọi là Hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãn và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong Hội thề Đốn Sơn nhưng không thành. Hồ quý Ly cho bắt, giết hơn hai trăm bảy quần thần. Cho rằng Hội thề không còn thiêng nữa, Hồ Quý Ly tuyên bố bỏ hội thề. Nhưng các triều đại sau như nhà Hậu Lê, Lê-Mạc; Trịnh – Nguyễn, Hội thề lại được khôi phục, duy trì hội thề này như một minh chứng cho lòng trung quân ái quốc. Như vậy trong Lịch sử dựng nước, giữ nước thời phong kiến, nước ta có hai hội thề tầm cỡ Quốc gia của các bậc vua chúa, đó là lời thề của Thục Phán An Dương Vương khi được Vua Hùng nhường ngôi lời thề ghi cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh. Và bây giờ là Hội thề đền Đồng Cổ. Theo PGS Trịnh Sinh, hiện nay ở nước ta có hai địa phương thờ thần Trống Đồng là Thanh Hoá và Hà Nội. Ở hà Nội có bốn di tích thờ thần Trống Đồng, lớn nhất là đền Đồng cổ Phường Bưởi (quận Tây Hồ), ba di tích khác đều nằm trong phường Minh Khai, Từ Liêm.

Theo thần phả của đền Đồng Cổ làng Nguyên Xá, từ những năm bốn mươi, thế kỷ Một, đầu công nguyên, nhân dân làng Khả Lao Thôn (tức làng Đan Nê, Yên Thọ) có nhiều nghĩa sĩ khi nghe Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đã rước theo linh vị thần Đồng Cổ ở núi Khả Lao đi tụ nghĩa với nghĩa quân Hai Bà Trưng ở Mê Linh. Khi đến làng Nguyên Xá, họ dừng chân tại đó và dựng miếu Đồng Cổ để phụng thờ. Khi nghiên cứu về đền Đồng Cổ ở Nguyên Xá, tiến sĩ Bùi Xuân Đính viết "Như ta đã biết, miếu Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng – một biểu tượng của văn minh Đông Sơn của người Việt cổ có ở phường Hồ Khẩu (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ). Hàng năm, vào ngày mùng 4 tháng Tư, quan quân triều đình về đây tế và làm lễ ăn thề sự trung hiếu. Còn miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá gắn với truyền thuyết, một lần, vua Lý từ Thăng Long đi kinh lý ra phía tây, đến làng Nguyên Xá, voi của vua bỗng dưng bị ngã, ngà cắm xuống đất. Vua sai các quan vào miếu làm lễ cầu mới biết miếu thờ thần Đồng Cổ rất thiêng, bèn lệnh từ năm sau, ngay sau khi tế và làm lễ ở miếu Đồng Cổ (phường Hồ Khẩu), vua và triều thần lên miếu Nguyên Xá làm lễ. Như vậy, miếu Nguyên Xá có tầm quan trọng quốc gia".

Thứ tư là đền Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Thần tích thần Đồng Cổ làng Mỹ Đà (Hoằng Minh huyện Hoằng Hoá) ghi lại như sau: "Lại nói lúc đó Thái Tông còn đang là Thái Tử, chưa được lên ngôi vua, nhưng đã được đem quân đi dẹp giặc Chiêm, khi tiến quân đến đất Đan Nê, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên (nay là phủ Thiệu Hoá, trấn Thanh Hoa) có một quả núi hình Rùa vàng thế đất linh thiêng, non xanh nước biếc. Lúc đó nhà Vua cho đóng quân tại đấy, nửa đêm bỗng nghe thấy trên núi có ba tiếng trống đồng thật lớn như tiếng sấm. Nhà Vua lấy làm linh dị, sáng hôm sau lập tức truyền quân lập đàn lên núi để cúng tế. Qua một ngày, bỗng trên núi đó nhà Vua lại thấy một vị thần nhân, tướng mạo đường đường, thần uy lẫm liệt, áo mũ chỉnh tề đứng trên đỉnh núi tự xưng "Ta là bản cảnh Sơn thần được Thiên đình sai trấn giữ nơi đây. Nay nghe Hoàng Tử tiến quân đi đánh giặc Chiêm nghỉ lại ở đây, cho nên ta đến để tỏ sự hiển ứng, che chở của thánh thần". Nói xong bỗng bay lên không trung biến mất. Nhà vua sực tỉnh, biết đó là thần ứng mộng. Sáng sớm hôm sau nhà vua lễ tạ thần và nhân tiếng trống đồng mà phong cho thần là "Đồng Cổ Sơn Thần". Lại truyền cho dân tại trang đó dựng đền thờ. Sau đó, nhà Vua cho quân tiến thẳng đến nơi đồn trú của giặc Chiêm, hai bên đại giáp chiến một trận. Đương lúc thế trận còn chưa phân thắng bại thì nhà Vua cho quân rút về Trường An. Qua địa giới trang Mỹ Cụ, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung thuộc bản trấn là lúc giữa trưa, bỗng thấy trời nổi mưa gió, sấm chớp dữ dội, không thể tiến quân tiếp được. Nhà vua bèn dừng xa giá, cho quân nghỉ lại ở đây. Trong khoảnh khắc thì trời quang mây tạnh trở lại. Nhà vua mới nhận ra địa hình của bản trang như một đoá hoa sen, được che bởi một đám mây mờ. Nhà vua cho là sự lạ, lập tức cho lập đàn tế ngay tại chỗ và đốt hương ngầm khấn. Đến nửa đêm bỗng thấy một vị thần nhân dáng hình uy nghi như người trong mộng trước đây, đứng ở trên đàn tế tự xưng "Ta là Sơn Thần Đồng Cổ, theo vua đi dẹp giặc. Nay thấy nơi đây là đất linh thiêng cho nên hiển ứng". Nói xong tự nhiên bay lên trời biến mất. Lại thấy một dải mây vàng tựa như tấm lụa từ trên trời giáng xuống ngay giữa đàn tế. Trong đám mây có viết hai chữ "Bảo Hựu".

Một lát sau thì dải lụa biến mất (đó là mồng 10 tháng giêng là ngày "Linh hiện"). Bấy giờ nhà vua mới cho là có thần linh ứng phù trợ, bèn cấp tốc cử giá tiến quân vào đồn giặc, giáp chiến một trận. Giữa trận tự nhiên nổi lên ba tiếng trống đồng lớn vang như tiếng sấm dậy. Quân giặc thấy vậy tưởng như trời đang trợ giúp cho quân ta, bèn cùng nhau bỏ chạy tan tác, không dám chống lại quân ta, thế là nhẹ nhàng mà giặc lui quân. Sau khi bình được giặc, nhà vua khải hoàn trở về triều đình, mở tiệc lớn ăn mừng, khao thưởng ba quân tướng sĩ. Xong việc vua Thái Tổ lui về nghỉ ngơi, cho Thái Tông lên ngôi Vua. Thái Tông bèn lệnh cho đình thần đem sắc chỉ về bản trang, truyền cho dân dựng đền thờ trên chỗ đất Hoa Sen xưa từng là nơi lập đàn tế làm nơi hương khói phụng thờ. Lại cấp cho dân trang 70 quan tiền để làm tiền công quỹ hương khói. Còn cấp cho dân trang 30 quan để làm tiền công quỹ sửa sang đền miếu. Ngoài ra còn miễn việc binh lương phu dịch trong 3 năm. Bao phong mỹ tự cho thần là Thượng đẳng phúc thần. Ngàn năm thờ cúng hưởng lộc nước mãi mãi lấy đó làm hằng lệ vẻ vang thay". Trải qua các triều đại, đền thờ thần Đồng Cổ Đan Nê vẫn được coi là đền chính. Đền Đồng Cổ là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước ta. Trong đền còn rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại. Các vương triều Lý, Trần, Lê, Trịnh - Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại đền Đồng Cổ ở Đan Nê (Yên Định) và đền Đồng cổ phường Bưởi (Hà Nội). Nói về sắc phong và câu đối. Đền Đồng Cổ nào cũng nhận được nhiều sắc phong. Trải qua chín đời vua Lý (1010-1225), mười hai đời vua Trần (1225-1400) là hai thời thịnh vượng, mỗi một vị vua phong bao nhiêu sắc cho thần Đồng Cổ. Thời Hậu Lê cũng thế. Chỉ riêng thời Lê Sơ (1428- 1527) Lê Thái Tôn, Lê Thánh Tông cũng ban cho thần Đồng Cổ nhiều sắc phong. Các triều đã phong cho Thần đến 62 duệ hiệu (tên đẹp) như: "Dực chính, thuận hòa, Thông tế, Dũng Liệt, Khâm triết"… Riêng thời Lê Trung Hưng còn giữ được mấy chục đạo sắc phong. Theo Linh tích núi Tam Thai của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng, đền Đồng Cổ, Đan Nê nhận được hai mươi tám sắc phong của vua và hàng chục đạo chỉ của chúa Trịnh.

Sắc phong ngày mùng 2 tháng 6 năm Hoằng Định thứ 2 có nội dung rất nhiều duệ hiệu "Chủ minh chiêu cảm, linh ứng, bảo hựu, dực chính, thuận hòa, thông tế, dũng liệt, hiểu hựu, quảng đức, chương tín, mặc vận, khuông hóa, phổ huệ, tỉnh nạn, định quốc, hoằng phúc, tuy hưu, trinh nghị, mậu công, hộ dân, trạch vận, thi tuệ, chí nhân, phổ bác, uy minh, khâm triết, mặc nghiêm, hoành lễ, thuần nghĩa, đoan túc, cung ý, diển khách, bố đức đại vương". Trong gần 30 đạo sắc phong thời Lê và thời Nguyễn còn lưu giữ ở Mỹ Đà ngày nay đều ca ngợi, đánh giá cao và sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của thần Đồng Cổ: "Ngài là bậc Thánh thần về văn võ, có lòng trung chính, tinh thần"; Ngài là "Bậc đức độ, Ngài cao vời vợi, đáng bậc trượng phu"; "Ngài là bậc đức độ cao siêu"; "Ngài là sự tinh tuý của núi sông, chung đúc của trời đất, mênh mông khắp nơi, đức độ tràn đầy"; "Ngài là bậc núi sông chung đúc, trời đất sản sinh, cảm thông biến hoá, đặc điệu huyền diệu". "Ngài là bậc tài giỏi, kiệt xuất có tiếng không ai bằng, luôn dùng phúc lộc mà triều đình ban tặng để cứu giúp người ở phương Nam làm điều lành". "Ngài có nhị khí (khí âm và khí dương) rất linh hiển, vận dụng tam quang (ba nguồn sáng) để phát triển thịnh vượng" (theo sắc phong thời Lê và Nguyễn)...Về công trạng của Thần Đồng Cổ, đã được triều đình phong kiến ghi rõ trong các sắc phong là "....do công phù trợ Hoàng gia trường cửu, kế nối vương nghiệp ở trong Chính phủ, tôn phù tông xã, củng cố hồng đồ... được Vua tiến phong Vương vị, hằng năm có lễ lạc, phong phẩm trật... lại được tặng thêm các chữ báu là "Hựu Quốc", "Long Tuấn", "Tú Ngưng", "Dực Bảo", "Trung Hưng", "Bảo Hựu", "Xương Vương", "Diên Hựu". Đến thời Nguyễn, đền Đồng Cổ được tám sắc phong, với nội dung chính là " Trung đẳng thần anh thanh minh chiếu đôn tín Đồng Cổ Sơn chủ minh". Có sắc phong còn ghi rõ " Chuẩn cho xã Đan Nê Thượng, huyện Yên Định, thờ phụng như trước để che chở cho lê dân của ta".

Từ xa xưa đến nay, cứ vào rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, nhân dân làng Đan Nê nói riêng, Yên Thọ nói chung lại náo nức tổ chức Lễ hội đền Đồng Cổ. Trước rằm một ngày, dân làng lên đền xin rước Ngài về đình Phúc giữa làng để bảy mươi dòng họ tế lễ. Bảy mười dòng họ là bảy mươi mâm cỗ thành kính dâng lên sự linh thiêng vô hạn. Sáng Mười Lăm, bảy mươi dòng họ, hai đội trống tế, cờ hoa lộng quạt, rước kiệu Linh Thần trở về đền. Cứ mỗi lần đúc Trống Đồng, Hội Di sản Cổ vật Thanh Hoá lại sắm lễ về đền Đồng Cổ xin nhập linh khí.

Năm 2010, Nhà Nước ta tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, một đoàn cán bộ cấp Nhà Nước đã dẫn đầu một đoàn xe chở giàn trông đồng từ Hà Nội về Đồng cổ Đan Nê để làm lễ xin nhập linh khí rồi mới rước về Thăng Long khai hội. Lễ hội Lam Kinh cũng thế. Trước ngày hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, bao giờ Hội Cổ vật- Di sản Thanh Hóa cùng đoàn chủ tế cũng rước toàn bộ trống đồng về đây làm lễ nhập linh khí rồi mới rước về Lam Kinh. Gần đây nhất là tổ chức Lễ hội năm du lịch Quốc Gia các tỉnh có những di sản Lịch sử - Văn hóa thế giới, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Trưởng Ban tổ chức Lễ Hội, cùng một đoàn nghệ nhân đen hàng trăm chiếc trống đồng lên đền Đồng Cổ làm lễ xin nhập linh khí về mới khai hội. Đến khi kết thúc Năm du lịch Quốc gia lại đem giàn trống lên tạ lễ. Đầu Xuân 2016, hàng trăm chiếc Trống Đồng được Hội Cổ Vật Thanh Hoá rước lên đền Đồng Cổ làm lễ xin nhập linh khí trước khi đem trao tặng cho đất Phật Trần Nhân Tông Yên Tử. Đó là một nét đẹp lâu bền truyền thống uồn nước nhớ nguồn, chiều sâu văn hoá, tâm thức, tâm linh người Việt đã trở thành tài sản vô giá cho mọi thời đại. Đền Đồng Cổ, Lễ Hội đền Đồng Cổ, hội thề Đồng Cổ cũng là biểu tượng thuyết phục nhất về một đất nước mang Lịch sử các Vua Hùng bốn nghìn năm còn minh chững tận bây giờ./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận