Chuyển đổi số xây dựng thôn, xã thông minh
Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hoạt động về chuyển đổi số. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng thôn, xã thông minh.
Xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương là địa phương được huyện giao hoàn thành xây dựng xã thông minh trong năm 2024. Để hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số, xã đã thành lập ban chỉ đạo cấp xã, tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, chủ động bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng số. Trong đó tập trung nâng cấp hệ thống đường truyền Internet, trang bị máy tính kết nối mạng cho 100% phòng làm việc của cán bộ, công chức. Riêng bộ phận một cửa được trang bị thêm máy Scan phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, xã triển khai tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, chính sách xã hội, sổ sức khỏe điện tử, Hiện nay, toàn xã có 3.706 công dân được hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và mức độ 2; 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản phần mềm văn bản điều hành tác nghiệp, tài khoản thư điện tử công vụ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận qua phần mềm một cửa điện tử của xã đạt 100%; phòng họp trực tuyến của xã được liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, Trung ương, được quản lý, khai thác và vận hành, sử dụng hiệu quả.
Anh Phạm Mạnh Hiệp, Bí thư đoàn thanh niên xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đoàn thanh niên cùng các tổ chức, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin, sau đó hướng dẫn Nhân dân ứng dụng, hưởng lợi từ chuyển đổi số trong cuộc sống".
Trước đây, khi thông báo về các cuộc họp, cán bộ các thôn trên địa bàn xã Quảng Bình phải sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời, thì nay các nhà văn hóa thôn đã được lắp đặt internet tích hợp mạng wifi, truyền hình họp trực tuyến; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối internet. Nhờ ứng dụng và phát triển các mô hình chuyển đổi số và sự đồng thuận của người dân, đến nay xã Quảng Bình đã có 3 thôn được công nhận thôn nông thôn mới thông minh, là tiền đề để Quảng Bình hoàn thành xã nông thôn mới thông minh trong năm 2024.
Ông Phạm Công Trung, Trưởng thôn Xa Thư, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Chuyển đổi số đã góp phần tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện cài đặt Zalo, không dùng tiền mặt, năng động tham gia mọi hoạt động của chuyển đổi số của xã".
Trong năm 2024, xã Quảng Bình tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí thôn thông minh, xã thông minh trên 3 trụ cột: Về xã hội số, 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên; hệ thống thông báo qua nền tảng app "Công dân số" giúp người dân tiếp nhận các thông tin, đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị; Lập mã QR địa chỉ Google Maps các hộ trên nền tảng bản đồ số để quản lý thông tin các hộ. Về kinh tế số, xã xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng và xây dựng chợ thông minh. Về chính quyền số, 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình.
Bà Trần Thị Huệ, Bí thư đảng uỷ xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Điểm nổi bật trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức số cho người dân trên là nâng cao nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi cho xã triển khai các mặt hoạt động của công tác chuyển đổi số như thế nào, phương hướng thời gian tới".
Chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh, anh Mai Văn Kỳ, trưởng thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa đã có thể điều khiển được hệ thống điện chiếu sáng công cộng của thôn và theo dõi lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng. Đồng thời, hệ thống 10 camera giám sát an ninh của thôn cũng được kết nối về điện thoại của trưởng thôn và hệ thống camera an ninh của xã. Mọi thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tin tức hoạt động tại địa phương cũng đã được kịp thời phổ biến trên nhóm zalo của thôn Nguyên Lý. Nguyên Lý là một trong 2 thôn xây dựng thành công thôn thông minh của xã Thiệu Nguyên.
Anh Mai Văn Kỳ, Trưởng thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để tiếp tục xây dựng thôn thông minh, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền Nhân dân nâng cao tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng trong mô hình sản xuất, tiêu dùng hàng hoá và hạn chế sử dụng tiền mặt".
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng thôn, xã nông thôn mới thông minh, ngay từ đầu năm 2024, huyện Thiệu Hóa đã giao nhiệm vụ cho các địa phương; trong đó tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế. Đến nay, trên 80% nhân dân toàn huyện đã từng bước tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến; trên 50% các xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông, tiêu chí số 15 về hành chính công trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Chúng tôi sẽ triển khai chính quyền số, tuyên truyền cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thứ 2 làkinh tế số, tập trung chỉ đạo và phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử và chữ ký số điện tử; thứ 3 về xã hội số, chúng tôi sẽ tuyên truyền việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt".
Việc thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đã giúp thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, là tiền đề để các địa phương xây dựng thành công thôn, xã nông thôn mới thông minh.
Cảnh báo, dự báo sóng lớn trên vùng biển Thanh Hóa
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông, vùng biển ven bờ Thanh Hoá có gió Đông Bắc cấp 4, ngoài khơi cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình là giải pháp quan trọng để thực hiện Chính phủ điện tử, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ và các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hướng tới đạt được mục tiêu đề ra.
Kiểm soát tải trọng phương tiện ngay từ đầu mỏ khai thác
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện, Công an huyện Nông Cống đã tăng cường ngăn chặn, xử lý ngay tại các khu vực khai thác, bãi mỏ hay điểm tập kết hàng hoá.
Phấn đấu năm 2025 phủ sóng tất cả vùng lõm viễn thông
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9/2024, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng 316 thôn chưa có sóng di động, nâng tổng số thôn đã phủ sóng từ năm 2021 đến tháng 9/2024 là 2.549/3.310 thôn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 761 thôn chưa có sóng viễn thông, chủ yếu là các thôn bản đặc biệt khó khăn.
Phát huy vai trò người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
Những năm qua, ở miền núi Thanh Hóa, lực lượng người uy tín có những đóng góp quan trọng nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời. Họ là những tấm gương sáng trong mọi phong trào, là “điểm tựa” của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Người dân gửi ngân hàng gần 7 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tính đến hết tháng 8 đạt gần 7 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7 năm nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân đến cuối tháng 8 tăng trên 86.000 tỷ đồng.
Áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 9 đã suy yếu thành một vùng áp thấp
Sáng sớm ngày 20/11, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 9) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Vĩnh Lộc: Tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024
Để chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030, sáng ngày 19/11, Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024.
Đảm bảo môi trường tại các nhà máy chế biến tinh bột sắn
Thời gian gần đây, các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn đến việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, qua đó không chỉ góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển bền vững.
Bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Chiều tối ngày 19/11, bão số 09 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 19 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 20km/h.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.