Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 16/07/2025 15:30

Chuyện nơi phố nhỏ - Kỳ 10 | Đào Hữu Phương | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe Kỳ 10 - truyện dài “Chuyện nơi phố nhỏ” của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc Huyền Linh.

Trời nóng như đổ lửa. Giao cuộn song vừa vớt được cho mấy anh công nhân nhân phà, Hà và Độ bơi qua sông trở về. Hà nhìn lên trận địa lóa nắng, vừa mặc áo vừa nói:

– Mấy cậu đem lá ngụy trang lên trận địa có lẽ cũng sắp về rồi. Ở nhà bọn Hiền, Hùng chắc là đang đun nước.

– Về mình phải làm một ca mới được. Khát quá! Độ sờ tay lên cổ họng khô rát, nói. Lúc bơi qua sông, nó đã định giấu Hà lặn xuống làm một ngụm. Nhưng vì nước nguồn đục quá, nó không thể nào uống được.

Hai đứa vừa lên khỏi dốc phà, kẻng báo động bỗng hét lên giục giã:

– Keng! Keng! Keng!

– Keng! Keng! Keng!

– Keng! Keng! Keng!

Lẫn trong tiếng nước nguồn đang tràn qua đập, tiếng động cơ phản lực ì ì nổi lên…Lúc sau, từ trong đám mây bạc trên nền trời phía sau dãy Bù Rinh, bầy máy bay kẻ cướp chui ra. Chúng dăng đàn, kéo về Bái và các vùng phụ cận.

Các trận địa pháo trên đồi Đén, đồi Đại Lý, đồi Thị và các ụ súng phòng không của dân quân rộ lên những tiếng hô khẩu lệnh ngắn gọn:

– Mục tiêu! Hướng…tầm…

– Một, năm, bảy, chín, mười bốn…Ồ, nhiều quá! Độ dậm chân, hậm hực – Chỉ tại để sổng mấy thằng trinh sát! Chỉ tại để sổng mấy thằng trinh sát!

Hai đứa chạy thục mạng vào trong phố. Đến trước cửa hàng Bách hóa chúng nó gặp thằng Tuệ ôm một đầm quần áo đang hăm hở chạy lên. Hà nhận ra cái quần ống tuýp và cái áo sọc ka rô hồi tết nó cho Thi mượn.

– Cậu đi đâu đấy?

– Lên trận địa. Tuệ đáp và định chạy.

– Chờ bọn mình với. Các cậu ấy đâu cả?

– Một nửa lên trận địa còn một nửa ở lại…

– Bọn mình thuộc bên nào?

– Ở lại! Tuệ khoát tay ra hiệu.

– Ồ! Bọn mình…

– Các cậu ở lại. Quang phân công rồi! Độ dứt khoát – Về Câu lạc bộ đi, ở đấy cũng rất cần người.

Hà chỉ đầm quần áo, hỏi:

– Cậu đem nó lên trận địa làm gì?

– Lau đạn! Tuệ đáp rồi co cẳng chạy.

Trên không, bầy phản lực đã chia thành nhiều tốp, bắt đầu bổ nhào xuống các mục tiêu…

– Đoành! Đoành đoành! Đoành đoành!

– Pằng! Pằng pằng! …

– Chiu…chiu…uỳnh!

Cao pháo và liên thanh tung lên trời một lưới lửa dày đặc. Bom nổ rung chuyển mặt đất…Phía cầu Mục Sơn và bến phà Cham những cột khói cao ngất dựng lên.

Hà và Độ vội lần theo mái hiên chạy về Câu lạc bộ.

Hiền và Hùng đang vò chè, bỏ vào mấy thùng nước vừa đun sôi. Độ vừa thở vừa hỏi:

– Bọn mình…lên trận địa luôn thôi chứ?

– Không được! Hùng cương quyết – Hai cậu cảnh giới khu vực Bách hóa.

Từ đỉnh núi Miềng, một chiếc máy bay đang lao xuống… Hỏa lực pháo và súng bộ binh từ các trận địa trực chiến của dân quân lại rộ lên:

– Đoành! Đoành đoành! Đoành đoành!

– Pằng! Pằng pằng! …

– Chiu…chiu…uỳnh!

Loạt bom nổ ngoài sông Chu, khói và lửa đùn lên mấy cột, cao ngất…

– Có ai việc gì không? Tô và mấy đứa từ ngoài kho gạo chạy về.

– Sao các cậu lại bỏ nhiệm vụ? Hùng hỏi.

– Có dân quân của hợp tác xã nông nghiệp Hồng Sơn ở ngoài ấy rồi. Bọn mình về đây hiệp sức với các cậu. Tô bô bô – Tuyệt lắm! Bọn mình túm được mấy kẻ gian…

– Nhiều không? Già hay trẻ? Hùng lo lắng hỏi.

– Năm đứa! Trẻ cả. Tô đủng đỉnh trả lời.

– Đâu rồi?

– Đuổi vào trong làng rồi!

– Sao không giữ lại? Hùng dậm chân kêu.

– Mình xét…chúng nó có lẽ chỉ vì sợ máy bay nên mới chạy vào kho lương thực.

– Trời! Hùng nhăn nhó – Phải giữ lại xem cụ thể thế nào đã chứ. Chúng nó nói sao các cậu cũng tin à?

– Có đứa nào biết nói đâu! Tô vẫn lấp lửng.

– Vì sao?

– Vì…chúng chỉ là một lũ bê con…

– Chà! Hùng gãi đầu – Lúc này mà cậu còn đùa được.

Cả bọn thú vị cười vang. Hiền chạy ra hỏi:

– Hùng ơi, nước đã pha đường, bây giờ…

– Đem luôn lên trận địa thôi. Hai người khiêng một thùng…

– Không cần! Thân lên tiếng – Để mình gánh đi cho.

Mấy đứa nhao nhao:

– Chúng ta lên trận địa cả đi!

– Không được! Hùng dứt khoát – Cậu Thân và Hiền đi, còn tất cả ở lại.

– Đoành! Đoành đoành! Đoành đoành!

– Pằng! Pằng pằng! …

Cao pháo và liên thanh lại thét lên. Hùng hét:

– Xuống hào!

Một vệt lửa đỏ lòm vút qua đầu cả bọn. Quả rốc két đâm trúng cửa sổ nhà Hùng…Uỳnh! Ngôi nhà trong tích tắc bốc lửa dữ dội.

– Cháy! Độ nhảy lên, la to – Cháy nhà Hùng rồi các cậu ơi!

Cả bọn đạp đất, nhảy lên đường rồi lao lại đám cháy. Những ống nước cứu hỏa của các gia đình được tháo xuống…Hùng không dội nước vào nhà mình mà chạy sang nhà bên cạnh, lớn tiếng gọi:

– Để nó cháy! Lại đằng này! Lại đằng này…

Ngọn lửa dữ dội, chỉ lúc sau đã đốt trụi nhà Hùng. Nguy đến nơi rồi. Nếu không nhanh tay, ngọn lửa sẽ lan sang cửa hàng Bách hóa.

– Bỏ đi mấy nhà! Tô hét lên – Lại phá nhà mình, mau lên!

Cả bọn xúm vào đập phá nhà Tô. Rầm! Mấy gian nhà luồng rung lên rồi đổ sập xuống.

– Tập trung dội thật nhiều nước vào! Hùng hét.

– Nước hết cả rồi! Tô la lên.

– Còn đây! Độ phá rào, chạy sang nhà mình. Nó nhảy tùm vào bể nước mưa la oai oái – Đưa ống nước xuống đây. Nhanh lên…

– Đoành! Đoành đoành! Đoành đoành!

– Pằng! Pằng pằng! …

Cao pháo và liên thanh lại thét lên, nhằm vào chiếc máy bay đang bổ nhào…Mấy quả bom đen xì vừa lủng liểng rơi ra, đuôi thằng giặc đã bốc lửa. Nó duệnh doạng lao đầu về phía rừng cây…

– Cháy rồi! Cháy rồi! Cả bọn mừng quá, nhảy lên reo.

Độ bỗng ra hiệu cho các bạn im lặng. Trong cái âm thanh hỗn loạn của bom đạn, nó nghe hình như có tiếng đổ vỡ và tiếng người kêu trong kho bách hóa. Hà sực nhớ đến nhiệm vụ của mình. Nó lao vội sang đường và hốt hoảng la lên:

– Khóa bị mở, các cậu ơi!

Hùng, Độ và Tô cùng chạy đến. Hà rút ổ khóa khỏi then sắt, mở toang cửa kho ra. Một cảnh tượng làm cả bọn ngạc nhiên và sửng sốt: Giữa đống bộn bề vải vóc và mấy buộc lốp xe đạp đổ ngổn ngang, một người nằm kẹt, bất tỉnh…

– Thi! Hà thét lên rồi nhanh tay cùng các bạn nâng mấy kiện vải và lốp xe đạp sang một bên. Nó lập cập cúi xuống, bế xốc Thi chạy vào trạm cấp cứu trong làng

Thi cựa mình, tỉnh dậy. Nó mở mắt, nhấp nháy mấy cái rồi hốt hoảng nhắm vội lại. Nó đã nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, đầy vẻ lo âu. Tiếng cô y sĩ nói nhỏ:

– Thi không việc gì đâu, các em cứ yên tâm về đi.

Thi nằm im, giả vờ ngủ. Nó biết việc gì đã xảy ra và mình hiện đang nằm ở đâu…

– Thằng đểu! Thi căm giận, rủa thầm – Nó đã bỏ mặc mình mà cao chạy xa bay. Vậy là…Thi chua chát nghĩ – Xem như một lần nữa lại bị bắt quả tang!

Những bước chân êm nhẹ của Hùng và mấy đứa xa dần…Thi từ từ mở mắt. Nó nhìn trân trân lên trần nhà. Những việc xảy ra từ trưa đến giờ lần lượt hiện về trong ký ức nó…

…Lão Hứa nheo cặp mắt một mí sùm sụp, đưa tay xoa xoa cái đầu hói, nhếch mép cười rồi ném xuống trước mặt hai đứa một quyển sổ:

– Xem đi! Chưa kể sáng nay, đủ năm trăm rồi đấy!

Thi sợ hãi nhìn lão thầy lang Tàu, giật mình vì món tiền quá lớn. Nó hỏi Tấn:

– Sao nợ nhiều thế anh?

Tấn quệt tay ngang bộ râu rậm rì, lẳng lặng đẩy quyển sổ lại cho Thi. Thi xem qua rồi nhìn Tấn, kinh ngạc:

– Anh hút cả thuốc phiện nữa à?

Tấn gật đầu, trả lời nhúc nhắc:

– Thỉnh thoảng cũng phải làm một quắn!

Thi bực mình gấp quyển sổ đưa trả lão Hứa. Lão người Hoa bật diêm, châm thuốc hút rồi nhủng nhẳng hỏi:

– Bây giờ các anh định thế nào? Tiền của tôi có phải giấy lộn đâu! Lão lừ lừ đi ra cửa rồi đột ngột quay lại, nhìn xoi xóc vào mặt hai con nợ. Các anh học đến lớp mấy rồi?

– Tốt nghiệp cấp hai! Tấn đáp.

– Hớ hớ! Vậy ra các anh cũng vào loại có học cả đấy chứ! Lão trở giọng mỉa mai – Tại sao các anh tính toán lại dốt vậy nhỉ?

– Ông bảo tính cái gì? Tấn dương mắt hỏi.

– Anh lại còn giả vờ! Tính toán trong cách làm ăn chứ còn tính gì nữa. Đi buôn phải tính mua cái vốn ít, lãi nhiều. Đi ăn cắp phải chọn thứ nhỏ gọn mà đáng giá hãy lấy chứ. Trong Bách hóa thiếu gì hàng quý mà các anh lại vào kho lương thực vác từng bì gạo ra cho mệt xác?

– Nhưng thưa ông…khu vực bách hóa bọn Cờ Đỏ chúng nó đi tuần luôn, rất khó đột nhập. Vào kho gạo dễ tẩu thoát nếu bị phát hiện vì gần đồng…

– Hừ! Lão Hứa bằm mặt, dằn từng tiếng – Có hai con đường kiếm tiền: Hoặc là lao động, hoặc là ăn cắp. Lao động thì phải đổ mồ hôi, còn ăn cắp thì phải có gan, phải li…ề…u! Cả hai thứ các anh đều sợ thì làm sao kiếm được tiền? Thấy hai đứa ngồi im như phỗng, lão khoát tay, nói bằng một giọng kiên quyết – Từ nay ngộ không có lấy gạo nữa đâu nhé! Ai mà ăn được cái của nợ ấy. Còn đem bán? Hừ, hơi đâu!

– Thế…Tấn ngẩng lên hỏi – Ông cần cái gì?

– Hàng bách hóa! Lão Hứa ghé sát mặt Tấn, nói nhỏ – Pô-pơ-lin hoặc lụa. Thuốc bắc thì tam thất, táo tàu…Lão vuốt cái đầu hói, mỉm cười – Chỉ những thứ ấy mới dễ tiêu thụ và bán được giá. Tất nhiên là các anh lợi hơn tôi nhiều. Hiểu chưa? Lão với bao thuốc trên tủ, rút hai điếu ném ra bàn rồi gõ gõ lên cái trán nhẵn bóng của mình – Phải biết tính toán, chớp thời cơ. Những lúc chiến sự xảy ra chính là thời cơ tốt nhất. Phải dũng cảm lên!

Tấn đứng dậy, bật diêm châm thuốc hút. Lão người Hoa cũng vật cái thân hình phì nộn, núc ních những mỡ xuống sa lông. Lão có vẻ khoái trá khi thấy bài "huấn thị" của mình tỏ ra có hiệu lực. Khuôn mặt vốn lì lợm, rậm rì râu của Tấn bỗng ánh lên một vẻ kiên quyết. Y rít một hơi thuốc dài, nhìn lão Hứa, nói như thề:

– Ông yên tâm! Chúng tôi không phải là những thằng hèn!

– Hảo! Hảo! Lão hứa bật dậy cười vui vẻ.

Kẻng báo động bỗng vang lên. Lão người Hoa vớ vội quyển sổ ném vào tủ rồi giục hai đứa:

– Đấy! Thời cơ đã đến! Hãy hành động đi, các bạn trẻ!

Tấn nhổ điếu thuốc đang hút dở xuống đất, bật dậy lao vút ra đường. Thi cũng vội bám theo như một cái bóng…

Hai đứa lần theo hào giao thông, tiến lên hướng cửa hàng Bách hóa. Vừa đi Tấn vừa hỏi:

– Lúc trưa chú nắm tình hình hoạt động của bọn Cờ Đỏ chiều nay thế nào?

– Một nửa đội thằng Quang dẫn lên trận địa. Thằng Tô và thằng Thân gác ngoài kho gạo và hợp tác xã giấy. Con Hiền, thằng Hùng, thằng Tuệ ở nhà nấu nước. Thằng Độ và thằng Hà thấy khiêng một cuộn dây song đi ra bến phà…

– Vậy chúng nó bỏ ngỏ khu vực bách hóa à? Mắt Tấn sáng lên.

– Chắc thế! Thi gật đầu.

– Thời cơ! Tấn lẩm bẩm – Mẹ kiếp, thằng Tàu ấy ranh thật.

Trên không, bầy phản lực đã bắt đầu triển khai đội hình, bổ nhào ném bom các mục tiêu…

Pháo từng loạt bắn lên dồn dập…

Một chiếc "Ép" phóng xuống một quả rốc két. Nhà thằng Hùng bốc cháy dữ dội…

Tấn vọt lên, lao sang kho bách hóa. Nó rút chùm chìa khóa "vạn năng" mở cửa rồi giục Thi:

– Vào đi! Tìm lấy đúng mấy súc Pô-pơ-lin. Anh đứng ngoài cảnh giới. Cứ yên trí mà lục. Khi nào xong vỗ tay làm hiệu. Tấn đẩy Thi vào. ngoắc cái khóa lên cửa rồi nhào ra hào giao thông…

Thi lần vào kho. Hàng nhiều quá. Những kiện xà phòng xếp cao, chật không còn lối đi. Lốp xe đạp từng bó, chồng lên nhau. Chật vật lắm Thi mới lần đến chỗ mấy chồng vải. Không mấy khó khăn nó đã lôi được hai súc pô-pơ-lin ra. Hì hục chập hai cuộn vải đặt lên vai, Thi lách đi trong bề bộn những thùng và kiện hàng…Bỗng…sầm…ầm! Đống lốp xe đạp bị va mạnh, lúc lắc rồi đổ ập xuống, đè lên người Thi. Thi chỉ kịp kêu lên:

– Ối! Rồi lịm đi, bất tỉnh.

***

Tấn râu ngồi thu lu trên chiếc ghế đẩu, hai tay quắp chặt lấy đầu, im lặng đảo mắt nhìn lão Hứa đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại, vẻ hậm hực, tức tối.

– Không còn ra cái gì! Lão người Hoa lẩm bẩm – Không ngờ một người như anh lại hành động ngu ngốc thế. Hừ! Sớm muộn rồi nó cũng sẽ khai ra…

– Ông yên tâm! Tấn quả quyết – Nó sẽ không khai đâu!

– Anh lấy cơ sở nào để tin điều đó?

– Tôi hiểu nó mà! Đó là một đứa can đảm, biết trọng lời hứa. Tấn thủng thẳng trả lời bằng một giọng cả tin.

Lão người Hoa vụt quay lại, dứ dứ hai nắm đấm trước mặt Tấn, dằn từng tiếng:

– Nhưng anh đã bỏ rơi, đã phản bội nó!

– Cái đó là do…tình huống tạo ta…

– Tình huống! Lão Hứa cười mỉa mai. Song dù sao lão cũng có phần yên tâm trước những lời đảm bảo của Tấn. Trong cái đầu hói của lão thoáng nhanh một bài tính: Năm trăm đồng bạc! Nếu bây giờ làm căng, cái thằng mắt xếch, rậm râu bất tử này có thể bỏ xéo, khó mà lấy lại được. Còn muốn lấy lại được thì bây giờ phải thả câu tiếp. Lão có phần ngần ngại. Suốt đêm qua, với một lực lượng lớn người và xe, tất cả hàng hóa ở các kho lương thực, bách hóa…đều đã được vận chuyển đến nơi sơ tán. Hàng đã hết, moi túi chúng nó liệu rồi thu lại cái gì! Lão đến bên cửa sổ, kéo tấm màn, nhìn lên mấy trận địa pháo…Bỗng mắt lão sáng lên. Lão đột ngột quay lại hỏi Tấn:

– Này anh Tấn! Nếu tôi yêu cầu anh kiếm một số vỏ đạn cao xạ, anh có làm được không?

– Vỏ đạn? Tấn ngẩng mặt, nhìn lão Hứa – Thằng Thi đã đưa về cho ông mấy cái rồi đấy là gì?

– Mấy cái ấy chỉ để làm cảnh chơi. Tôi cần nhiều cơ! Lão ghé sát tai Tấn thì thào – Ta sẽ bán cho bọn đúc đồng ở Thiệu Hóa, hời lắm!

Hai mắt Tấn sáng lên:

– Được rồi! Tôi sẽ lấy cho ông thứ ấy! Tấn quả quyết.

Lão Hứa đập tay xuống vai Tấn:

– Mình anh không làm nổi đâu. Việc này phải có thằng Thi. Nó quen tay Đại đội trưởng. Lão lại tủ, lấy ra một hộp sữa và một túi đường, đặt trước mặt Tấn – Bây giờ anh phải đến ngay trạm y tế, vỗ về, trấn an nó. Phải làm cho nó biết mình quan tâm, săn sóc nó chu đáo và đặc biệt anh phải chứng minh để nó tin việc anh bỏ chạy là vì lý do khách quan, hiểu chưa?

– Tôi hiểu! Ông yên tâm. Tấn ôm túi đường và hộp sữa đứng dậy.

Lão người Hoa xé một tờ lịch, ném xuống bàn:

– Không còn mấy thì giờ nữa đâu! Khẩn trương lên!

Tấn nhìn tờ lịch. Đã 22 tháng tám! Hết hè, thằng Thi sẽ về trường huyện học. Lão Hứa nói đúng. Phải khẩn trương! Nếu không món nợ kia mình nó phải gánh. Tấn chào lão Hứa rồi nhao ra đường, cắm cổ chạy vào trạm y tế…

***

Thi nhìn qua cửa sổ, chờ cho cái dáng lênh khênh với cái đầu bù xù của Tấn khuất sau dãy hầm chữ A của trạm y tế mới quay vào. Nó ôm đầu, nằm vật xuống giường, mồ hôi túa ra…Đôi mắt xếch, khuôn mặt vừa lì lợm vừa gian xảo của Tấn lại hiện lên, nửa vỗ về, nửa hăm dọa. Những tiếng thì thào phát ra từ cái miệng rậm rì râu và hôi hám mùi thuốc lá cứ như còn lẩn quất đâu đây.

Chúng nó không từ một thủ đoạn nào để làm tiền. Nham hiểm thật! Thi bỗng lo sợ khi thấy mình đã thực sự trở thành tay sai cho Tấn râu và lão Hứa. Mà cái lão người Hoa ấy, không biết lão còn muốn giàu đến cỡ nào. Thật khó hiểu. Thi bỗng thấy nghi nghi hoặc hoặc. Biết đâu đây chỉ là mưu đồ của Tấn định dùng món nợ của lão để xúi bẩy mình làm bậy!

Ăn cắp đạn, tháo lấy vỏ đồng…Thật là khủng khiếp! Thi đã từng nghe chú Đồng nói về cái giá của từng loại vũ khí. Một viên đạn súng trường đã bằng ba, bốn ki lô gam gạo, còn một viên đạn pháo cỡ ba mươi bảy li ấy đủ nuôi một người ít nhất nửa năm. Vậy mà, vì sự bình yên của quê hương, đất nước, mỗi ngày hàng ngàn viên đạn lớn nhỏ như thế phải bắn lên trời để tiêu diệt bầy máy bay kẻ cướp. Thiếu đạn, lũ giặc trời kia sẽ được tự do thả sức ném bom, bắn phá.

Lúc ấy …Thi nhắm nghiền hai mắt lại. Cảnh tượng những ngôi nhà bốc lửa ngùn ngụt, những xác người nhầy nhụa máu trong vụ máy bay ném bom phố Tứ Trụ như bày ra trước mặt nó…Thi nghĩ đến chú Đồng và bác trưởng đồn, đến Hà và Quang, nghĩ đến cả những việc làm từ trước đến nay của mình, cố tìm một lời giải đáp cho câu hỏi vì sao mình lại đi theo Tấn…Nhưng nó đã không tự trả lời được. Mệt mỏi rã rời, Thi nằm úp mặt vào tường, ngủ thiếp đi…

…Thi hì hục buộc chặt mối dây vào cái thùng chất đầy vỏ đạn., hể hả bảo Tấn:

– Ra hiệu cho lão hói kéo xuống đi!

Tấn cầm ngang đoạn dây, giật giật ba cái. Thi nhìn thấy dưới đường, sau lùm cây, lão Hứa với cái đầu hói và cái bụng phệ đánh trần ra, đang mắm môi kéo thùng vỏ đạn xuống. Khi cái thùng đã nằm dưới chân, hai tay lão giơ lên, chập vào nhau hua hua trên đầu, miệng lắp bắp như đang nói "Hảo! Hảo!" Thi hỏi Tấn:

– Ta xuống luôn thôi chứ?

– Xuống thế nào được! Tấn trừng mắt nhìn Thi – Từng ấy đã thấm gì!

– Anh bảo sao? Hai chục vỏ đạn còn ít à?

– Phải năm lần như thế mới tạm đủ! Chú thử tính xem: Gần sáu trăm đồng…

– Cái gì? Thi quên cả mình đang ở trong khu vực quân sự, thốt kêu lên – Vậy ra anh định lấy vỏ đạn trả đủ nợ cho lão Hứa thật à?

– Chứ sao! Tấn nhếch mép cười – Hết hè rồi, không trả cho xong, chú đi học…Hừ! Món nợ ấy rồi chấp lên đầu lên cổ tôi à?

Mũi Tấn rúm lại, đôi lông mày dựng lên, dính lại với nhau làm thành một chữ V đen ngòm như kẻ bằng mực tàu trên đôi mắt xếch. Thi đấu dịu:

– Nhưng anh xem, có còn cái nào nữa đâu!

– Hì! Hì! Tấn cười nhạo báng – Chú mày thật thà lắm! Đống gì kia?

– Đấy là đạn chưa bắn!

– Không hề gì! Tấn xua tay – Đem về, tháo bỏ thuốc và đầu đạn đi…

– Tù đấy! Lấy gì bắn máy bay…

– Thiếu cha gì! Tấn vỗ vai Thi, cười hềnh hệch rồi đai miệng nói bằng cái giọng Tàu pha của lão người Hoa – Tám trăm triệu nhân dân Trung Quốc luôn ở bên cạnh các bạn! Lại còn ông anh cả Liên Xô nữa. Chú chỉ lo bò trắng răng. Nào, lại lôi xuống đi!

– Không được! Thi vùng khỏi tay Tấn – Tôi…la lên bây giờ!

– Á! Tấn lùi lại, lừ mắt nhìn Thi. Cái khuôn mặt lì lợm của nó cuộn lên những vết nhăn trông rất dữ tợn – Đừng dại dột! Mày mà la…Tấn rút dao nhọn, tiến dần lại gần Thi – Tao sẽ giết!

Thi lạnh người khi mũi dao dí vào gáy. Tấn lấy thêm một cuộn dây, bắt Thi bê xuống một hòm đạn buộc vào, còn mình thì cầm một đầu lần xuống đồi…Thi đứng đực nhìn hòm đạn bị lôi xềnh xệch xuống dốc…

Kẻng báo động bông vang lên. Tiếng chú Đồng dõng dạc:

– Các đồng chí! Chú ý! Tiết kiệm đạn, chỉ bắn những cái bổ nhào…

Thi lần ra khỏi kho đạn. Nó nhìn lên…Hàng đàn máy bay đang xẻ dọc xẻ ngang bầu trời…Chúng thay nhau lao xuống đập nước và mấy trận địa pháo. Hỏa lực phòng không của ta đánh trả quyết liệt. Những làn đạn lửa vun vút lao lên, chùm lấy những cánh bay màu xám…

– Báo cáo hết đạn! Từ tất cả các khẩu đội nhiều pháo thủ lên tiếng.

– Cho lấy đạn dự trữ! Chú Đồng ra lệnh.

– Báo cáo! Đạn dự trữ đã bị lấy cắp hết!

– Mất bao giờ? Tại sao?

– Báo cáo…không rõ!

Chú Đồng rời ụ chỉ huy, chạy bổ xuống kho đạn rồi hớt hải lao lên. Hai mắt chú đỏ ngàu:

– Đạn bị lấy cắp hết rồi. Tất cả dùng súng bộ binh quyết tâm chiến đấu bảo dệ an toàn mục tiêu!

Trận địa mịt mù khói bom. Bầy quạ sắt đã phát hiện ra bộ đội không còn đạn, chúng tự do thay nhau bổ nhào xuống cắt bom. Những công sự vững chắc, những khẩu pháo nặng chịch bị bom hất tung lên. Các pháo thủ lần lượt ngã xuống…Một mảnh đạn cắm phập vào ngực chú Đồng. Máu tươi trào ra…Thi chạy lên, ôm chầm lấy chú:

– Chú Đồng! Trời ơi! Chúng nó…thằng Tấn…

Thi hét lên rồi lồm cồm ngồi dậy…Nó chợt nhận ra mình vừa qua một giấc mơ kinh khủng. Bên giường bệnh, chú Đồng và bác trưởng đồn đang lo lắng nhìn nó.

– Cháu thấy trong người thế nào? Nằm mơ à? Chú Đồng đỡ Thi nằm xuống.

– Dạ! Không ạ…Thi bối rối chối. Nó nhìn chăm chăm vào ngực chú Đồng. Một niềm ân hận trào dâng trong lòng. Những giọt nước mắt nóng hổi tự nhiên cứ trào ra. Thi ngồi bật dậy, ôm lấy chú. Nó lấy can đảm kể lại tất cả…

Chú Đồng và bác trưởng đồn chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng lại nhìn nhau khẽ gật đầu.

Bác trưởng đồn ân cần vỗ vai nó:

– Cháu cứ yên tâm điều trị cho chóng khỏe. Nếu Tấn trở lại, cháu hãy cứ tỏ ra mình sẵn sàng thực hiện lời hứa với nó. Bác và chú Đồng sẽ có kế hoạch hỗ trợ cháu./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận