Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 15/07/2025 15:32

Chuyện nơi phố nhỏ - Kỳ 9 | Đào Hữu Phương | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe Kỳ 7 - truyện dài “Chuyện nơi phố nhỏ” của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc Thùy Dung.

Chương 11: Lá thư từ tuyến lửa

Hết phiên tuần tra, Hà và Tuệ đi vội về Câu lạc bộ. Trăng rằm đã lơ lửng trên đầu. Không khí oi nồng của một ngày hè đã có phần dịu xuống. Trên nền xi măng của cái sân rộng, bọn Quang đánh trần, ngủ lăn lóc. Mỗi đứa nằm một kiểu. Hà khẽ bấm Quang dậy.

- Có chuyện gì thế? Quang ngồi lên, dụi mắt, hỏi – Các cậu về lúc nào?

– Vừa về! Hà ghé sát tai Quang, nói nhỏ – Bọn mình mới được tin đêm nay đại đội chú Đồng sẽ di chuyển pháo sang trận địa mới bên đồi Đại Lý…

– Thế à? Quang tỉnh như sào – Đánh thức các cậu ấy dậy thôi.

Tuệ lần lượt đi lay từng đứa một:

– Dậy! Dậy các cậu ơi!

Tất cả lồm cồm trở dậy, mặc áo, ngồi quây quần giữa sân. Quang ra hiệu cho các bạn im lặng rồi khẽ nói:

– Các bạn chú ý! Đêm nay đơn vị chú Đồng sẽ chuyển pháo sang trận địa mới bên đồi Đại Lý. Tôi đề nghị tất cả chúng ta tập trung lên đồi Đén để cùng tham gia kéo pháo…Quang ra hiệu cho cả đội – Hiền đang mệt. Đề nghị các bạn chuẩn bị khẩn trương và nhẹ nhàng…

Tất cả lục tục đứng dậy, thu dọn chiếu rồi lặng lẽ kéo ra đường, nhập vào đoàn dân quân các hợp tác xã nông nghiệp trong vùng cùng tiến lên trận địa.

Những con voi chiến được đẩy ra khỏi công sự. Mấy chiếc ô tô lùi vào, kéo từng khẩu xuống đường rồi lại ngược dốc, bò lên đồi Đại Lý. Chưa có việc gì để làm, Quang định bổ đi tìm chú Đồng. Chợt nghe tiếng lợn kêu, nó ra hiệu cho cả bọn kéo nhau xuống nhà bếp…Hai chú anh nuôi đang gò lưng khiêng mấy bì gạo ra mảnh sân lỉnh kỉnh những xoong, chảo. Độ xắn tay áo, bô bô:

– Các chú để đấy, bọn cháu làm cho.

Tất cả xúm vào, xếp chồng các thứ nồi, xoong chảo lại rồi chia nhau khiêng đi. Còn lại con lợn, Quang và Độ đè ra, lấy thừng trói lại rồi vật lên chiếc xe cải tiến, thằng kéo, thằng đẩy chạy theo các bạn.

Những khẩu pháo nhanh chóng được kéo vào công sự mới trên đồi Đại Lý. Dân quân cùng các pháo thủ chuyển hết đạn vào lán rồi mới ra về. Mấy chiếc ô tô lại nổ máy, chạy xuống đậu trong lùm xanh của con đường rợp bóng tre sau núi. Lúc bọn Quang lên, công việc đã đâu vào đấy.

Chú Đồng bắt tay, tiễn mấy chú chỉ huy dân quân xuống đồi rồi trở lên, vui vẻ bảo bọn Quang:

– Nào các cháu! Lại cả đây! Có các cháu giúp sức, tổ anh nuôi hoàn thành công diệc sớm nhất đấy! Chú nhìn quanh rồi hỏi – Còn mấy bạn nữa đâu? Thi không lên à?

– Thưa chú, Hiền mệt không lên được. Hùng và Ái ở nhà nấu nước chưa lên. Còn Thi…Quang ngập ngừng – Bạn ấy vẫn chưa sinh hoạt với đội ạ!

– Dậy sao hôm dừa rồi lên trận địa, Thi bảo là dẫn ở lại Bái?

– Vâng! Bạn ấy vẫn ở lại. Nhưng…

– Chú hiểu rồi! Nào, các cháu ngồi cả lại đây.

Cả bọn lục tục kéo nhau lên thành công sự ngồi. Gió Nam thổi lồng lộng. Trăng sáng như ban ngày. Dưới ánh trăng, núi Mục sừng sững như một con voi nằm phủ phục, hướng đầu về phía bắc. Phía tây và tây nam là cả một vòng cung khép kín những dãy núi xanh thẳm của dãy Bù Rinh. Mấy cụm mây trắng bồng bềnh bay lơ lửng ngang sườn núi trông đẹp như tranh vẽ. Sông Chu như một dải lụa, trải ra từ lòng núi. Mấy trận mưa rừng nước nguồn đổ về nhiều, dòng sông rộng mênh mang. Trên dòng nước ngàu đục phù sa, những thân cây đen ngòm vun vút lao như tên bắn. Nước tràn qua đập ngăn dòng, bọt tung lên trắng xóa. Sóng từng đợt liên tiếp xô vào vách đá dựng đứng của núi Thị. Xoáy nước lồng lên, vo tròn từng mảng lá rừng rồi dìm xuống…Bên kia sông, bãi dù dì ẩn hiện, khi chìm, khi nổi bên dòng nước xiết…

– Quê hương các cháu đẹp thật! Chú Đồng nói – Có ai biết đập nước được xây dựng từ năm nào không? Tại sao ngọn đồi này lại gọi là đồi Đại Lý nhỉ?

Cả bọn cùng ngớ ra, không biết trả lời câu hỏi của chú Đồng ra sao. Qủa là lâu nay không ai quan tâm đến tuổi của đập nước và lý do vì sao ngọn đồi này lại mang cái tên là đồi Đại Lý. Chúng chỉ biết trong lòng đất ngay dưới chỗ chúng đang ngồi có một đường hầm khá rộng và kiên cố của thực dân Pháp để lại. Tô khẽ bấm Quang:

– Việc này chỉ có Hùng. Hùng rất hay sưu tầm những chuyện ấy. Tiếc quá, Hùng lại không có đây.

Độ bỗng chỉ tay xuống dốc reo lên:

– Hùng kia rồi! Cả Hiền và Ái nữa.

Mọi người nhìn xuống dốc. Hiền và Ái khiêng thùng nước, còn Hùng tay cầm đàn, tay bê cái rổ đựng mấy cái ca đang đi lên. Quang vội chạy xuống đón.

– Công việc xong cả rồi. Không cần nước nữa.

– Bắt đền bạn đấy! Hiền phụng phịu – Tại các bạn không cho mình biết…

– Thôi! Mình xin nhận khuyết điểm – Quang cười xòa – Mà các cậu đi cả, nhà để cho ai?

– Yên trí, mình khóa cẩn thận rồi! – Hùng nhìn về Câu lạc bộ – Từ đây có thể quan sát toàn cảnh phố xá. Trăng lại sáng thế này. Không đứa nào dám vào đâu. Tiếc quá! Mình đem đàn lên, định bảo Hiền hát tặng các chú ấy mấy bài.

– Vậy thì hay lắm. Quang kéo Hùng lên công sự – Cậu lại đây đã. Bọn mình đang bí vì chú Đồng muốn biết tuổi của con đập và cái tên đồi Đại Lý…

Hùng tỏ ra lúng túng. Nó thú thật với chú Đồng:

– Cháu cũng chưa được rõ lắm. Đầu năm, cháu có ý định đến hè, thi hết cấp hai xong cháu sẽ đi sưu tầm, ghi chép lại lịch sử công trình đầu mối hệ thống thủy nông Sông Chu và một số địa danh trong khu vực này từ trước cách mạng Tháng Tám. Song vì chiến tranh nên cháu chưa làm được. Con đập này, như ông cháu kể thì nó được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ theo thiết kế của một kỹ sư người Đức. Đập tràn phía hạ lưu lúc đầu có hình dáng giống mái đê nên mùa lũ nước xối vào chân đập rất mạnh. Sau này người Pháp phải cho sửa lại, xây thêm hệ thống răng lưới để cản nước nên đập mới có hình dáng như ngày nay…Ngọn đồi này, cùng thời gian ấy, ngoài cái đồn hai tầng, có tháp canh cao vút do một trung đội lính khố xanh, dưới sự chỉ huy của một viên quản người Việt gọi là Át-duy-dăng đóng giữ, bọn cai trị còn xây một ngôi nhà kiên cố cho viên quan Một người Pháp. Người ta gọi là quan Đề-lê-ghê hay quan Đại Lý. Quan Đại Lý có toàn quyền đối với khu vực năm huyện miền núi Thanh Hóa và một phần phía Tây huyện Thọ Xuân. Dưới quyền quan Đại Lý có hai viên quan người Pháp là quan "Kiểm lâm" chuyên quản lý và thu các nguồn lợi về rừng và nông giang. Quan "Lục lộ" chuyên quản và thu các nguồn lợi về đường xá, cầu cống… Ở dưới phố có một viên quan người Việt, có học vị và được chính quyền thực dân bổ nhiệm gọi là Bang Tá. Dưới Bang Tá có Lý Trưởng, Cai Tổng. Sau này, khi có ý định quy hoạch Tổng Bái thành thị trấn, Pháp bỏ các chức danh Cai Tổng, Lý trưởng mà thay vào đó là các Trưởng phố. Phố Bái bấy giờ được chia thành ba phố chính là phố Đệ Nhất, phố Đệ Nhị và phố Đệ Tam. Tòa Đại Lý và đồn lính khố xanh này là nơi xuất phát những cuộc hành quân đàn áp mấy huyện miền núi và các tổng phía tây phủ Thọ Xuân. Dưới lòng đất chúng xây một cái hầm rất kiên cố. Tất cả những người bị chúng cho là chống đối từ Châu Lang, Châu Ngọc, Châu Thường, Quan Hóa, Bá Thước và một phần phủ Thọ Xuân đều bị đưa về đây giam cầm. Nhiều người bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn đến chết…

Hùng đột ngột dừng lại. Không khí im lặng kéo dài một lúc lâu. Chú Đồng khẽ gật đầu rồi vỗ vai Hùng:

– Cháu có một dự định rất tốt. Diệc ấy nên làm, đừng dì chiến tranh…Hãy cố gắng sưu tầm, ghi chép. Càng hiểu về quá khứ quê hương mình bao nhiêu các cháu sẽ càng yêu mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình lớn lên bấy nhiêu. Chú Đồng đột ngột dừng lại. Giây phút nhớ quê hương bỗng trào dâng trong lòng người cán bộ miền Nam tập kết. Chú ngoảnh nhìn về phương Nam, giọng xúc động – Ở quê chú cũng có một con đập. Đập Dĩnh Trinh! Chắc các cháu còn nhớ dụ thảm sát ghê rợn ở con đập này. Bây giờ mỗi lần nghĩ dề quê hương, mối thù bọn Mỹ-Ngụy lại bốc lên trong lòng chú…

Bọn trẻ nhìn chú, im lặng. Một đứa vô tình chạm phải cây đàn làm một âm thanh trầm nhẹ khẽ vang lên…Chú Đồng quay lại, sôi nổi:

– Nào, các cháu! Hãy hát đi! Hát bài hát ca ngợi quê hương của các cháu ấy…

Hùng nhìn Quang rồi xốc lại cây đàn. Cả bọn ngồi xích lại quanh chú Đồng. Những ngón tay của Hùng nhẹ nhàng lướt nhanh trên phím…Một giai điệu trữ tình, tươi mát, ngọt ngào lan tỏa dưới ánh trăng…

***

Vừa nghe nói có thư anh Lân, cả bọn đã quây lấy Quang. Mấy đứa rối rít:

– Thư đâu? Đưa mình xem nào.

– Hãy khoan! Quang lau mồ hôi – Các bạn ngồi cả vào ghế đi.

– Thôi, miễn nghi thức. Cậu đọc đi! Độ giục.

– Từ từ nào! Quang vừa bóc thư vừa hỏi – Còn thiếu ai không?

– Đủ rồi đấy!

Quang đưa lá thư cho Hiền:

– Hiền đọc đi.

Tất cả yên lặng. Hiền cất giọng đọc:

– "Nhật Lệ, ngày 10 tháng 9 năm 1965.

Các em thân mến!

Lần đầu tiên, từ đất lửa Quảng Bình, anh gửi về các em lời chào thân ái.

Các em thân mến!

Sau ngày tạm biệt quê hương, tạm biệt các em lên đường nhận nhiệm vụ, anh được biên chế về một đơn vị pháo bảo vệ Quảng Bình. Qua một thời gian học tập, được sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí trong đơn vị, đến nay anh đã trở thành một pháo thủ vững vàng.

Các em thân mến!

Anh báo tin này để các em mừng: Chiều hôm nay, hồi mười sáu giờ ba mươi lăm phút, bốn máy bay phản lực "Ép 105-D" từ ngoài khơi bất ngờ ngập vào, ném bom xuống thị xã Đồng Hới. Với tinh thần cảnh giác cao, đơn vị anh và các đơn vị bạn đã nổ súng kịp thời, ngay phút đầu bắn rơi tại chỗ một chiếc. Những chiếc khác hốt hoảng tháo chạy ra biển. Đây là trận đánh đầu tiên trong đời bộ đội của anh…"

– Hoan hô! Mấy đứa nhảy lên reo. Hiền phải dừng lại vì tràng pháo tay giòn giã chào mừng chiến công đầu của anh phụ trách trên đất lửa Quảng Bình.

Hiền đọc tiếp:

– "Các em thân mến!

Đơn vị anh đóng quân bên dòng Nhật Lệ. Sông Nhật Lệ nước cũng trong và hiền hòa như sông Chu của quê ta. Ở đây cũng có các đội viên "Ba phòng" làm công tác bảo vệ trị an. Ngày nào các em ấy cũng đem lá ngụy trang lên cho đơn vị. Anh đã có dịp nói chuyện với các em ấy và nhờ đó anh được biết đội là do các em tự quản…"

– Ồ! Giống đội mình quá. Mấy đứa thốt lên.

– Im lặng nào! Quang xua tay – Hiền đọc tiếp đi.

– "Các em thân mến!

Qua báo, đài anh biết địch đã đánh đến quê ta. Nhiệm vụ của các em sẽ còn nặng nề và gian khổ hơn nhiều. Anh mong trong điều kiện tự quản, các em hãy cố gắng đoàn kết, phát huy khả năng và nhiệt tình cách mạng của mình để hoàn thành những nhiệm vụ mà bác trưởng đồn giao cho.

Chúc các em thắng lợi.

Anh chờ thư các em.

Thân ái: Lân."

Hiền gấp lá thư lại. Độ hỏi Quang:

– Viết thư cho anh ấy luôn chứ cậu?

– Viết luôn đi! Báo tin bọn mình sắp hoàn thành nhiệm vụ! Mấy đứa tán thành – Chắc anh ấy sẽ vui lắm.

Quang nhìn Hùng như muốn hỏi: "Nên viết chưa?" Hùng suy nghĩ rồi nói:

– Theo mình ta nên để đến khi hoàn thành nhiệm vụ hãy viêt thư trả lời. Ngày ấy cũng sắp đến rồi.

– Đúng đấy! Thái nói – Hiện nay vẫn còn một phần tư số tài sản chưa chuyển hết. Viết bây giờ, nhỡ ngày mai địch đến đánh, kho lương thực hay kho bách hóa cháy, bấy giờ…

– Cháy thế nào được! Độ ngắt lời Thái – Mình phải tin ở thắng lợi chứ!

– Nhưng dù sao để đến ngày nhiệm vụ hoàn thành viết vẫn hơn. Hiền nói.

– Phải đấy! Tất cả vui vẻ chấp nhận ý kiến của Hiền.

Quang cũng nghĩ như vậy. Viết bây giờ, nói cái gì. Nhiệm vụ xem như vẫn chưa hoàn thành. Còn một phần tư số tài sản của các cơ quan và hợp tác xã chưa chuyển lên khu sơ tán. Khó khăn gian khổ của những ngày cuối cùng…Quang nhớ lại buổi gặp mặt chiều qua giữa các đội viên với bác trưởng đồn trong câu lạc bộ…

Lúc ấy vào khoảng ba giờ, bọn Quang đang tranh luận về hai chiếc phản lực mới bay qua bầu trời thị trấn ở độ cao rất thấp. Sơn thắc mắc:

– Lạ thật! "ngon" thế mà các chú ấy không bắn.

– Mình cứ đinh ninh thế nào lưới đạn cao xạ của ta cũng tung lên, vít cổ chúng xuống kia đấy! To thật! Thái tiếp.

Quang giải thích:

– Chú Đồng nói chúng ta bảo vệ đập nước là chính. Khi nào địch chưa có hiện tượng oach tạc…

– Cậu nói lạ! Độ ngắt lời Quang – Không lẽ cứ đợi nó "sút" mình rồi mình mới "sút" lại à? Phải ghi bàn trước đi chứ!

– Nhưng đấy chỉ là bọn đi trinh sát, bắn dễ lộ mục tiêu.

– Trinh sát! Độ càu nhàu – Theo mình để xổng mấy thằng trinh sát này rất nguy hiểm. Không tin rồi các cậu xem. Độ khoát tay nói như dọa cả bọn – Cứ gọi là nó đã chụp ảnh hết rồi!

Cái lý của Độ như vậy nhưng không ai cãi được. Cả bọn vừa quay vào nhà thì bác trưởng đồn đạp xe từ trên khu sơ tán xuống. Bác dựng xe, mở dây buộc, ôm vào môt gói to. Cả bọn xúm lại.

– Còn thiếu ai không? Bác hỏi.

– Thưa bác, trừ nhóm bạn Hùng, Tô, Thân và Tuệ đang đi làm nhiệm vụ, còn đủ cả. Quang nói.

– Các cháu ấy đi gần đây không?

– Thưa bác! Các bạn ấy qua đây trước lúc báo động. Giờ này có lẽ đang ở ngoài khu vực kho lương thực.

– Thế thì thôi. Sau này cháu Quang truyền đạt lại cho các bạn nghe vậy. Bác đang rất vội. Nào, các cháu ngồi cả lại đây.

Bọn Quang kéo ghế ngồi quanh bàn bóng. Bác trưởng đồn nói:

– Đầu tiên bác báo một tin để các cháu phấn khởi là sau mấy tuần lao động khẩn trương, đến nay tất cả các cơ quan và nhân dân trong thị trấn đã dựng xong nhà cửa. Kho tàng, nơi ăn ở như thế là tạm ổn…

– Hoan hô! Tất cả phấn khởi vỗ tay.

– Sở dĩ đạt được thắng lợi này là do nhân dân ai cũng yên tâm vì có các cháu ở lại trông coi tài sản cho mình…

– Hoan hô! Lại một tràng pháo tay nữa.

– Hiện nay vẫn còn một phần tư số tài sản chưa chuyển được. Số này phần lớn là của cửa hàng bách hóa. Vậy cần các cháu ở lại thêm một thời gian nữa.

– Thưa bác, nếu cần ở hết hè chúng cháu cũng sẵn sàng ạ! Quang nói.

– Tốt lắm! Tinh thần của các cháu rất đáng quý. Nhưng…

– Sao kia ạ? Thấy bác trưởng đồn ngập ngừng, cả bọn lo lắng.

Bác trưởng đồn nhìn khắp lượt rồi thấp giọng nói:

– Những ngày cuối cùng chắc chắn sẽ là những ngày khó khăn và gian khổ nhất, các cháu ạ!

Những cánh tay vụt giơ lên:

– Thưa bác, chúng cháu không sợ gian khổ ạ!

– Vậy thì tốt lắm! Bác rất tin tưởng các cháu. Ngừng lại một lúc, bác hỏi – Vừa rồi, lúc hai chiếc phản lực bay qua các cháu có thấy không?

– Có ạ! Nó bay rất thấp!

– Sao pháo mình không bắn? Độ thắc mắc hỏi.

Bác trưởng đồn giải thích:

– Chúng nó đi trinh sát mục tiêu và thăm dò hỏa lực của ta đấy. Theo nhận định của trên, trong thời gian gần, có thể là mai hay ngày kia thế nào địch cũng đánh phá khu vực này. Bác đã đàm thoại với chú Đồng và xuống đây báo để các cháu biết. Nếu tình huống xấu xảy ra, các cháu hãy nêu cao tinh thần dũng cảm, gan dạ của người đội viên thiếu niên tiền phong, bình tĩnh và mưu trí, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ số tài sản còn lại của Nhà nước…

Quang vụt đứng dậy, thay mặt các bạn hứa với bác trưởng đồn:

– Thưa bác! Chúng cháu luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào!

– Bác hoan nghênh tinh thần của các cháu. Bác kéo gói báo trên bàn lại – Đây là chút quà của các cơ quan và nhân dân gửi tặng các cháu.

Bác trao gói báo cho Hiền. Hiền reo lên:

– Ồ! Đường! Thưa bác sao nhiều thế này ạ?

Bác trưởng đồn chỉ cười.

Quang nói:

– Thưa bác chỉ còn vài ngày nữa, chúng cháu xin ít thôi.

Bác trưởng đồn xua tay:

– Đây là tấm lòng của mọi người. Các cháu cứ nhận lấy.

Hiền cảm kích nói:

– Các bác, các chú và nhân dân không quên chúng cháu. Chúng cháu hứa sẽ…

Bác xoa đầu Hiền:

– Được rồi! Bây giờ bác phải xuống Thọ Xương họp cụm. Chúc các cháu mạnh khỏe để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Bác lần lượt bắt tay tất cả rồi dắt xe ra đường./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận