Longform
img
[E-Magazine] Sầm Sơn - Một vùng thắng tích - Ảnh 1.

Một số tài liệu cho biết, ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã được đánh giá là bãi biển tốt nhất ở Việt Nam bởi bờ cát mịn, sạch, thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển hiền hòa mang nồng độ mặn phù hợp với sức khỏe con người. Người Pháp đã từng xây nhiều villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng, Sầm Sơn đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng xứ Đông Dương. Rồi đến vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã xây cho mình một "hoàng cung" nơi đây để nghỉ ngơi, làm việc. 

[E-Magazine] Sầm Sơn - Một vùng thắng tích - Ảnh 4.

Những năm trở lại đây, Sầm Sơn vươn mình bừng lên sức sống mới trong nhịp điệu của cuộc sống hiện đại hối hả, nhưng trong trái tim một Sầm Sơn hừng hực sức trẻ là nhịp đập của những huyền thoại lung linh…

[E-Magazine] Sầm Sơn - Một vùng thắng tích - Ảnh 5.

Sầm Sơn là những huyền thoại đắm mình trong câu chuyện của đá và núi. Sừng sững Trường Lệ bao đời đổ bóng xuống tâm thức dân gian là Bà Mẹ Núi. Truyện kể rằng: Tại ngọn núi này xưa kia có một người phụ nữ đã qua đời sau khi sinh con, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường. Thương mẹ, chú bé nhặt đất đá đắp lên thi hài mẹ để nấm mồ lớn dần thành Núi Trường Lệ. Cậu bé đó trưởng thành trở thành một chàng trai khổng lồ, dũng cảm, phi thường cùng người dân làng chài đánh tan loài quỷ biển, về sau trở thành thần Độc Cước. Truyền thuyết này là bản anh hùng ca chiến trận, ngợi ca những người con làng biển không tên và có tên như Độc Cước, chàng trai đã tự xẻ thân mình ra làm hai nửa vì cuộc sống bình yên của đồng loại. Một nửa theo bè mảng cùng dân chài ra khơi đánh cá và chống lại bầy quỷ biển, nửa còn lại ở đất liền bảo vệ dân lành khỏi bị quỷ Đỏ lẻn vào hãm hại. Ngôi đền cổ kính, linh thiêng có tượng thần ngự ở đầu non, dõi nhìn ra biển lớn luôn sáng soi trong tâm thức mỗi người, như ngọn hải đăng dẫn lối cho thuyền bè vào lộng ra khơi cập bến an toàn, tôm cá đầy khoang.

[E-Magazine] Sầm Sơn - Một vùng thắng tích - Ảnh 6.

Cùng với Độc Cước, người anh hùng làng Núi là Tây Phương Đại tướng quân - Trần Đức, vị tướng thời Trần có tài tả xung hữu đột khiến giặc ngoại bang phải bạt vía kinh hồn, bỏ mộng xâm lăng và làm cỏ nước Nam.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thống chí, An Nam chí lược, vào giữa thế kỷ thứ XIII, cuộc sống của Nhân dân Đại Việt đang ổn định, mùa màng tươi tốt, thì được tin quân xâm lược Mông Cổ từ Bắc lan tới. Vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu thành lũy tan hoang, nhà cửa đổ nát, Nhân dân chết chóc hoặc bị bắt làm nô lệ. Trong đó, giai đoạn giữa thế kỷ XIII, Thanh Hóa là địa bàn chiến lược, diễn ra nhiều cuộc chiến đấu gay go quyết liệt. Lịch sử còn lưu truyền trận đánh ở Cửa Hới (xã Quảng Tiến) nay là phường Quảng Tiến nhằm chặn cuộc truy kích của giặc Mông Cổ, bảo đảm an toàn cho lực lượng quân đội và Vua tôi Nhà Trần rút bằng đường biển qua Cửa Hới. Trong trận đánh này, Tây Phương Tướng Quân, vốn quê gốc ở làng Cá Lập có võ nghệ tinh thông và rất giỏi về sông nước, đã nêu tấm gương sáng về sự mưu trí và lòng dũng cảm hy sinh quên mình. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài, triều đình nhà Trần đã ban sắc phong thần, giao Nhân dân làng Cá Lập dựng đền hương khói quanh năm. Đến thời Trần Thánh Tông xét công tích của ngài, gia phong tặng Tây Phương đại tướng quân biển hiệu "Đại Vương thượng đẳng". Các triều đình phong kiến đều có trao sắc phong thần và tặng nhiều mỹ tự cho Ngài như: "Bảo chiếu đàm ân" (có công giữ nước giúp dân), Thượng đẳng thần tối linh, "Nhất Vị đại vương hiển ứng phù âm, phổ tế cương nghị anh linh"; sắc cho Nhân dân làng Cá Lập trùng tu miếu điện một năm xuân - thu hai kỳ tế lễ.

Sau khi đất nước đánh đuổi được giặc Nguyên - Mông, triều đình nhà Trần nhớ lại công ơn của Tây Phương Tướng Quân trong quá trình bảo vệ đất nước, đã sắc cho làng Cá Lập lập miếu thờ Ngài ở khu vực cửa Hới này.
Ông Vũ Đức Triệu - Thủ từ Đền Cá Lập - Sầm Sơn

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dù đã có hư hỏng và mất mát, nhưng hiện ngôi đền còn lưu giữ 9 đạo sắc phong. Với rất nhiều hiện vật gốc, đặc biệt toàn bộ cung trong còn nguyên trạng, ngày 17/10/1993 Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận di tích làng Cá Lập là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Năm 1999 Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Miền đất bên bờ sóng Sầm Sơn không chỉ ngợi ca những anh hùng chiến trận, mà các làng chài vùng Lương Niệm còn tạc dạ ghi lòng, tri ân công ân đức của Bà Triều - Anh hùng văn hóa, bà tổ của nghề xăm súc, người đã dạy cho ngư dân nghề dệt ngư cụ để đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống đủ đầy.

Lấp lánh trong sắc màu của huyền thoại, Bà Triều - vị tổ nghề dệt xăm súc vẫn rất gần gũi với hình ảnh một người phụ nữ có công dạy cho dân biển nghề đan lưới, dệt xăm súc, biến vùng đất nghèo trở nên sầm uất, no đủ và giàu có. Lý giải cho tên gọi Bà Triều, người dân biển vẫn thường kể lại với cháu con: Khi nghề đan lưới, dệt xăm súc ở Sầm Sơn hình thành, phát triển mang đến cuộc sống no đủ cho người dân biển thì vào một ngày trời âm u, khi nước triều dâng, người ta thấy bà lão ăn xin năm xưa hóa thân mình vào trong sóng nước. Bà lão đến và đi đều vô cùng kỳ lạ. Kỳ lạ hơn, đến khi bà rời đi vẫn không ai biết tên người đã có công dạy nghề đan lưới, dệt xăm súc cho cư dân làng biển. Vì thế, người ta gọi Bà Triều, vừa để nhắc nhớ buổi triều dâng bà ra đi; nhưng còn bao hàm ý nghĩa, bà đã hóa thân vào không gian biển, mãi mãi bất tử để luôn dõi theo và phù trợ, giúp đỡ cho người dân. Tên bà được đặt cho cả vùng Triều Dương rộng lớn ven biển, ngày nay là làng Triều (trong) và Triều (ngoài) gồm hai phường Trung Sơn, Quảng Cư.

Nhưng Bà Triều không đơn thuần là tổ nghề đan lưới, dệt xăm súc. Sâu sa hơn bà chính là người phụ nữ - vị nữ thần phi thường đã đặt nền móng, xây dựng cơ nghiệp, mang đến sự no đủ, giàu có cho những làng biển Sầm Sơn. Tuy nhiên, khác với nhiều vị thần trong hệ thống tín ngưỡng tâm linh của người Việt, Bà Triều "đời" hơn, "thực" hơn. Dù có những lưu truyền về nguồn gốc Bà Triều khác nhau, nhưng tựu chung ở đó vẫn là hình ảnh người phụ nữ Việt lam lũ, tảo tần, khéo léo và chịu thương, chịu khó. Nó giống với hình ảnh người mẹ, người bà trong tâm thức người dân Việt. Và phải chăng vì thế, Bà Triều dù là vị "Thượng đẳng thần" song không xa lạ mà vô cùng gần gũi, thân thuộc.

Với tài năng, công đức, Bà Triều trở thành vị nữ thần bất tử trong tâm thức văn hóa người dân vùng biển. Dễ hiểu vì sao, hàng trăm năm qua ở nhiều làng biển, người dân đã lập dựng đền thờ bà hương khói tôn kính. Tín ngưỡng thờ Bà Triều phổ biến ở nhiều nơi. Chỉ riêng trên địa bàn phường Quảng Cư đã có hai đền thờ bà tổ nghề dệt xăm súc (đền Bà Triều và đền Kỳ Phúc); ở phường Trung Sơn, Bà Triều là vị thần hoàng làng - "Hùng triều Thành tổ". Lễ hội đền Bà Triều diễn ra hàng năm từ mùng 10 đến 14 tháng 2 (âm lịch) là lễ hội lớn của cả vùng, thu hút đông đảo người dân về dự hội.

Không riêng làng Triều Dương, nhân dân trong vùng luôn tôn kính Bà Triều. Cứ ngày Mồng Mười tháng Hai, Nhân dân lại tổ chức Lễ hội Rước bóng Bà.
Ông Nguyễn Văn Khanh - Thủ từ Đền Bà Triều - Sầm Sơn

Hiếm có một vùng đất nào ở xứ Thanh mà mỗi thắng tích đều mang sắc màu lung linh huyền thoại: Một hòn Trống Mái tình tứ, lãng mạn ngự trên dãy Trường Lệ; một đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã... bảo vệ sự bình yên cho người dân xứ Thanh; một truyền thuyết về Bà Triều - tổ nghề chài lưới, lao động dựng xây, và sự ngưỡng vọng những vị nhân thần đã mang cuộc sống bình yên đến cho nhân dân.

Đền thờ Đức thánh Tô Hiến Thành còn gọi là Đền Đệ Nhị hay đền Trung (Đền Độc Cước là đền Thượng, đền Đệ Nhất; Đền Hoàng Minh Tự là đền Đệ Tam hay đền Hạ). Đây là một hệ thống ba đền của một làng. Làng Núi (gọi nôm), tên chữ là Sầm Thôn. Đền là một trong những ngôi đền linh thiêng cổ kính nổi tiếng ở Sầm Sơn với những kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt.

Theo thần phả đền thờ để lại, Thái uý Tô Hiến Thành (1102 - 1179) sinh ra ở Xóm Lẻ, làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) nay thuộc huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Ông là nhà chính trị tài năng, văn võ song toàn, một vị quan thanh liêm, công minh, chính trực nổi tiếng thời Lý. Ông đã có công chống giặc ngoại xâm, củng cố triều đình, xây dựng nhà nước vững mạnh. Ông làm quan dưới ba triều vua Lý, từ Lý Thần Tông, Lý Anh Tông đến Lý Cao Tông, được coi là trụ cột của triều vua Lý là Lý Anh Tông (1138 - 1175) và Lý Cao Tông (1175 - 1210), giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước, với các vai trò là Nhập nội kiểm hiệu, Thái phó, Thái úy, rồi làm Quyền nhiếp chính sự. Vai trò nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, được các nhà sử học đời sau hết lời ca ngợi về tấm lòng vì dân, vì nước. Công trạng của Thái úy Tô Hiến Thành đã được các đời vua Trần, vua Lê, Triều Nguyễn phong nhiều sắc phong, chứng nhận ca ngợi công lao to lớn của ông là hộ quốc tỷ dân. Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông đối với Nhân dân. Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành ở khu phố Sơn Hải, Phường Trường Sơn tương truyền đã có trên 800 năm, toạ lạc trên một khuôn viên rộng rãi, có nhiều cây xanh che bóng, tạo cảm giác yên bình, mát mẻ. Đền hiện còn giữ được một số hiện vật, đồ lễ: Cỗ kiệu Bát Cống, các câu đối, Đại tự, Chúc văn, Bộ Chấp Sự, Thánh vị, hòm sắc, bát hương, lư hương, hạc đồng… 

Trước những giá trị văn hóa, lịch sử, đền Tô Hiến Thành đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cùng với khu danh thắng Sầm Sơn gồm: Núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Cô Tiên và Hòn Trống Mái. Hàng năm, cứ vào dịp ngày sinh, ngày giỗ của Thái úy Tô Hiến Thành, cán bộ, nhân dân thành phố Sầm Sơn và du khách thập phương tổ chức lễ dâng hương tri ân công lao to lớn của ngài; cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu cho con cháu học hành đỗ đạt, "tâm sáng, trí giỏi". Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dù đã nhiều lần ngôi đền được trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị vị thế vốn có.

[E-Magazine] Sầm Sơn - Một vùng thắng tích - Ảnh 13.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Sầm Sơn cảnh sắc kỳ thú, non nước hữu tình, con người nơi đây với lòng tin, tài năng và bàn tay lao động đã xây dựng nên nhiều di tích đình, đền, nhà cổ, xóm chài và thổi hồn mình vào đó, khiến cho Sầm Sơn luôn hấp dẫn, lay động lòng người.

[E-Magazine] Sầm Sơn - Một vùng thắng tích - Ảnh 14.


Mai Việt Hà
Phương Hằng
Minh Quyên
Xuân Quang, Thanh Sơn
Minh Đức
Văn Hùng
20/04/2023 09:30

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận