Hội làng trên đất Mường Đủ
Mường Đủ (nay thuộc xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành) vốn là một vùng đất rộng lớn nằm dọc theo con sông Bưởi. Đất Mường Đủ xưa kia chủ yếu là rừng rậm, trải qua thời gian, những người con dân tộc Mường nơi đây đã không ngừng mở mang, khai phá, tạo nên những xóm làng trù phú, đông vui, với những cánh đồng “chim bay mỏi giò, cò bay mỏi cánh”. Và cũng từ bao đời nay, người dân xã Thạch Bình vẫn luôn gìn giữ cho mình những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường thông qua các lễ nghi, phong tục, sinh hoạt ngày lễ tết, hội làng…
Đó là hoạt động biểu diễn cồng chiêng, những trò chơi, trò diễn dân gian, hát xướng với những câu dân ca thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước… Tất cả đều góp phần tạo nên một vùng đất giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mường xứ Thanh.
Cứ vào độ tháng 9, tháng 10, khi những cánh đồng lúa ngả màu vàng trải dọc triền đê sông Bưởi, đó cũng là lúc bà con nông dân ở các thôn, xóm của xã Thạch Bình cùng nhau tổ chức lễ thăm đồng. Đây là một nghi lễ không thể thiếu, để mọi người "rước vía cây lúa" về nhà: "Năm nay được mùa, Hội làng sẽ mở"…
Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, Lễ mừng cơm mới của người dân xã Thạch Bình, huyện Thạch được tổ chức với quy mô nhỏ, ở từng gia đình, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Ngày nay, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư", những phong tục, tập quán trước kia vẫn được lưu giữ, nhưng đã được người dân chọn lọc, lược bỏ đi những yếu tố mang tính chất mê tín, dị đoan. Cũng bởi vậy, "Lễ mừng cơm mới" ở mỗi gia đình được thay thế bằng hội làng, nơi chung vui của cả cộng đồng về một năm mùa màng bội thu, nhà nhà yên ấm. Dù thay đổi tên gọi, quy mô tổ chức, nhưng cho đến nay, hội làng trên đất Mường xã Thạch Bình, vẫn được xem là một trong những nghi lễ nông nghiệp truyền thống, hàm chứa những giá trị độc đáo về tín ngưỡng tâm linh, là nơi lưu giữ đầy đủ nhất những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường qua nhiều thế hệ.
Trước khi hội làng diễn ra, các gia đình sẽ cùng nhau nổi lửa, nấu những món ăn truyền thống. Bên bếp lửa hồng, mọi người cùng kể cho nhau nghe chuyện vui buồn của mỗi gia đình, chuyện về những đổi thay của quê hương, làng xóm. Mâm cơm ngày lễ của bà con dân tộc Mường nơi đây có nhiều món, nhưng không thể thiếu món xôi nếp hạt cau Mường Đủ, một trong những sản vật nổi tiếng đã được xếp hạng OCOP 3 sao của đất Mường Thạch Bình trong suốt nhiều năm qua.
Để ngày hội làng được chính thức diễn ra, những thanh niên trai tráng sẽ cùng nhau rước kiệu qua các trục đường chính của thôn, xã, mời Tổ tiên, Thần linh về dự hội làng cùng con, cháu. Sau phần lễ rước kiệu, đại diện các bậc cao niên của mỗi thôn xóm sẽ thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn Trời đất, Tổ tiên, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà bình an, hạnh phúc.
Khi phần lễ đã xong, Phường bùa sẽ mở đầu cho hội làng với những thanh âm rộn rã của tiếng cồng, chiêng. Trong những ngày lễ, tết…, Phường bùa đến từng gia đình để hát chúc mừng năm mới. Trong ngày hội làng, Phường bùa sẽ đi quanh các thôn xóm "khua chiêng, gióng cồng", thúc giục mọi người nhanh chân về nhà văn hóa thôn (nơi diễn ra lễ hội), cùng nhau cổ vũ, hoặc tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian, tạo không khí vui tươi cho ngày hội. Phường bùa về đến sân nhà văn hóa thôn, màn diễn tấu cồng, chiêng chính thức bắt đầu.
Với cộng đồng dân tộc Mường xứ Thanh nói chung, xã Thạch Bình nói riêng, cồng chiêng được bà con sử dụng linh hoạt, tùy theo từng công việc, nghi lễ mà sử dụng số lượng cho phù hợp. Một dàn cồng, chiêng đầy đủ có 12 chiếc to, nhỏ khác nhau, biểu thị của 12 tháng trong năm, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Khi biểu diễn, đội hình chơi chiêng thường được sắp xếp theo hàng dọc, hình tròn hoặc hàng ngang. Có thể đánh chiêng tại chỗ hoặc vừa đi vừa đánh. Lại cũng có khi, dàn cồng chiêng của bà con lên tới 20 - 50 người, tùy vào từng sự kiện, góp phần tạo nên dàn hợp xướng hùng vĩ nơi núi rừng xứ Thanh.
Anh Bùi Văn Lý, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đội cồng, chiêng của thôn chúng tôi đã hình thành từ rất lâu đời, tập luyện đánh cồng, chiêng cũng rất khó, rất kén người. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, để chúng tôi có thể duy trì, phát triển hơn nữa".
Ông Bùi Quý Tiên, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trước đây, văn hóa truyền thống của dân tộc Mường có nhiều nét bị lãng quên, văn hóa cồng chiêng của chúng tôi cũng vậy, đã có thời gian bị mai một. Những năm gần đây, đời sống của bà con được nâng cao, chúng tôi đã cùng nhau khôi phục lại, cùng nhau luyện tập, đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài huyện, được bà con nhiệt tình ủng hô".
Chị Quách Thị Nguyệt vốn quê ở đất Mường Ngọc Lặc, khi theo chồng về Mường Đủ, chị mang theo những câu hát xường, hát đang… Trong ngày hội làng, chị Nguyệt lại có dịp hát cho mọi người cùng nghe những câu hát về quê hương, đất nước, về bông lúa mới, về những con người lao động…
Chị Quách Thị Nguyệt, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi là người con của dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc. Về làm dâu nơi này, tôi luôn muốn được góp sức mình vào việc khôi phục, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Chúng tôi có những làn điệu dân ca, dân vũ, có hội phường bùa, có tiếng cồng, chiêng, trống dàm, có các trò chơi dân gian… Đến với hội làng, tôi hát cho mọi người cùng nghe, dạy cho mọi người cùng hát, mọi người lại cùng nhau gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy trong cuộc sống hôm nay".
Trong kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Mường, đánh mảng là một trong những trò chơi dân gian phổ biến nhất. Trò chơi này không quy định lứa tuổi, không quan trọng người thắng, người thua… Cũng bởi thế, đánh mảng thu hút được nhiều người tham gia. Với mỗi người con đất Mường, trò chơi đánh mảng chính là sợi dây yêu thương, gắn kết, để xích lại gần nhau hơn.
Trò đánh mảng thường được tổ chức ở những khoảng sân rộng, bằng phẳng. Đồng mảng là hạt của cây mảng, có vỏ cứng, màu đen hoặc nâu. Trò chơi này bao gồm 7 bước: bắn đất, lăn chân, sang xếu, bước bàn, chò què, nhảy rột và đóng. Người chơi xác định đồng đội của mình bằng cách tung đồng mảng và sau đó thỏa thuận đội chơi trước. Đây là trò chơi đòi hỏi kinh nghiệm, sự nhanh nhẹn và khéo léo của những người phụ nữ. Người chơi phải xác định chính xác vị trí của bia để bắn đồng mảng đổ bia và bay ra ngoài, khéo léo giữ đồng mảng trên mu bàn chân sao cho không bị rơi trong lúc nhảy lò cò và đá chân ra trước, sau...
Tại hội làng ở Mường Đủ còn có trò chơi ném còn. Trước ngày hội, bà con sẽ cùng nhau dựng một cây tre cao từ 5 - 7 m, trên đỉnh cây tre là một vòng tròn. Khi chơi, nếu ai ném qua được vòng treo trên cột thì được xem là thắng cuộc. Cách thứ hai, mọi người chia làm hai tốp nam, nữ hoặc cả nam cả nữ tùy thuộc vào từng hội chơi. Nếu ai bắt trượt quả còn, sẽ phải có một đồ vật để trao cho người thắng, thanh niên trai gái thường trao cho nhau khăn, mũ, áo, vòng tay coi như vật làm tin. Lại cũng có khi, cả người thắng và người thua đều nhận được tràng vỗ tay tán thưởng từ mỗi người chơi, từ bà con các thôn, xóm…
Kho tàng văn hóa dân gian của người Mường Đủ, xã Thạch Bình rất phong phú với những truyện thơ nổi tiếng; cùng các loại hình như xường, mo, hát đối, hát đúm, sắc bùa... gắn liền với tâm thức của cư dân nông nghiệp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Mường Đủ vẫn gìn giữ vẹn nguyên các giá trị văn hóa truyền thống ấy.
Lão thành cách mạng Nguyễn Cao Thăng, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Người Mường trên đất Thạch Bình từ bao năm nay vẫn luôn đoàn kết bên nhau, cùng nhau lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái. Khi con cái lớn lên, lúc dựng vợ, gả chồng, nhà nào cũng có 1 đội cồng, chiêng đến biểu diễn, chung vui. Mọi người nói chuyện với nhau bằng tiếng Mường, hát cho nhau nghe cũng bằng tiếng Mường. Tôi năm nay tuy đã già yếu, nhưng vẫn nhớ, vẫn hát được những câu hát dân ca: "Hỡi em mặc áo ngả vàng/ Bởi do nắng sớm, chiều tàn vậy em/ Ruộng sâu,lúa tốt, mùa lên/ Chớ vì vui hội mà quên đường về…".
Trong cuộc sống hôm nay, văn hóa truyền thống của người Mường Đủ, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành đã và đang được các cấp chính quyền quan tâm bảo tồn và phát huy. Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, các nghệ nhân… trên đất Mường Thạch Bình đã được đầu tư về trang thiết bị, được tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn văn hóa, về thực hiện các nghi lễ truyền thống.
Hội làng của bà con dân tộc Mường, xã Thạch Bình không chỉ là nơi để bà con tri ân, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở đất, tạo dựng nên các làng bản hôm nay mà ở đó còn biểu hiện rõ nét lòng tự hào dân tộc, niềm tin của Nhân dân vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới. Thông qua đó, mỗi người dân được tiếp thêm sức mạnh, cùng nhau đoàn kết, góp sức xây quê hương ngày một giàu, đẹp, văn minh.
Khai mạc "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ 2025
Sáng 18/1, tại Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng), Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã khai mạc chương trình "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.
Năm 2024, loại hình khách du lịch MICE đến Thanh Hoá tăng
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành Du lịch. Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Làng hương vào Tết
Ở huyện miền núi Như Xuân có một ngôi làng 4 mùa ngập trong sắc đỏ, nơi gói ghém lòng thành kính, dâng lên gia tiên mỗi dịp lễ, Tết.
Năm 2024, Thanh Hoá khai thác mạnh loại hình khách MiCe
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành du lịch. Theo đánh giá Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Trưng bày Bảo vật quốc gia “Đường kách mệnh”
Bản gốc “Đường kách mệnh” - Bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu tới công chúng tại trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử” tại 216 Trần Quang Khải, Hà Nội. Cuốn "Đường kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều ngày 15/1, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Bình yên chùa Cảnh Yên
Chùa Cảnh Yên nằm trên dãy đồi Sóc thuộc vùng giáp ranh giữa thị trấn Kim Tân và xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi chùa nằm ở một vị trí tuyệt đẹp, “sơn thủy hữu tình”, mặt tiền hướng ra sông Bưởi. Dù vậy, trong những năm cuối thế kỷ 20 do sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn.
Nét đẹp tục gội đầu cuối năm ở bản Thái
Là cộng đồng dân cư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở khu vực miền núi xứ Thanh, đồng bào Thái đã và đang gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như các lễ nghi, phong tục, trang phục truyền thống, ẩm thực hay các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian... Và một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu, đó là tục gội đầu ngày cuối năm để cầu may mắn cho năm mới.
Việt Nam được vinh danh điểm đến du lịch lý tưởng
Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút trên bản đồ du lịch toàn cầu khi được hai tạp chí danh tiếng, National Geographic và Travel + Leisure, đưa vào danh sách những điểm đến lý tưởng cho các chuyến du lịch gia đình và tuần trăng mật năm 2025.
Nem của Việt Nam lọt danh sách đồ chiên rán ngon nhất thế giới
Chuyên trang ẩm thực thế giới - Taste Atlas vừa công bố 100 món ăn chiên rán ngon nhất thế giới. Món nem là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.