Ký: Mối “lương duyên” bền hơn núi sông | Quỳnh Thơm | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe ký "Mối “lương duyên” bền hơn núi sông " của tác giả Quỳnh Thơm qua giọng đọc của Huyền Linh.
- Việc kết nghĩa giữa bản Xắng Hằng và bản Cân có rất nhiều điều đặc biệt. Nhà báo lên thăm một chuyến cho biết.
Câu nói qua điện thoại xen lẫn tiếng gió rừng của Trung tá Bàn Văn Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương như chất men khơi dậy niềm hứng khởi trong tôi. Ngay sáng hôm sau, bất chấp thời tiết mưa gió, tôi bắt xe đi Yên Khương - xã nằm ở phía Tây của huyện Lang Chánh, dọc theo hai bờ sông Thao, một chi lưu của sông Âm. Xe đi qua những cung đường uốn lượn quanh núi non trập trùng, hiểm trở. Càng lên cao, xe chúng tôi như bồng bềnh trôi xuyên qua những dải mây mù. Bên đường, chốc chốc lại bắt gặp vài người dân bản đứng chờ xe gửi hàng về xuôi. Qua cửa kính là những nụ cười và những bàn tay vẫy chào thân thiện. Giao thông thuận lợi đã góp phần thúc đẩy kinh tế của đồng bào phát triển. Dẫu chưa thể nói là khấm khá nhưng đó là tín hiệu vui cho niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng…
Đồn Biên phòng Yên Khương - cuối cùng cũng đến, tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhìn bên ngoài, đồn khang trang, sạch đẹp. Ấn tượng ban đầu đã làm vơi đi những mệt mỏi sau một chặng đường dài gần bốn tiếng đồng hồ với hơn trăm cây số. Trung tá Bàn Văn Tuấn cùng cán bộ, chiến sỹ đón tôi với những cái bắt tay thật chặt và nụ cười tươi roi rói. Đồng chí Chính trị viên vui vẻ: "Anh em cán bộ đồn cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện Lang Chánh vừa có chuyến sang thăm, tặng quà và chúc tết huyện Sầm Tớ của nước bạn. Nhà báo lên đúng dịp tết Lào thế này sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị lắm đấy". Câu nói của đồng chí Chính trị viên khiến tôi thêm phần háo hức. Tôi cũng cảm nhận được việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sỹ trong việc góp phần vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.
Xã Yên Khương (huyện Lang Chánh) có đường biên giới dài 6,73 ki lô mét với 3 mốc quốc giới 348, 349 và 350 tiếp giáp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trên khu vực biên giới có một lối mở và hai đường mòn qua lại do Đồn Biên phòng Yên Khương và Trung đội Biên phòng bản Cân, cụm bản Phôn Xay phụ trách. Để tăng cường hơn mối quan hệ gắn bó của đồng bào giữa hai bản hai bên biên giới, năm 2013 Đồn Biên phòng Yên Khương đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức lễ kết nghĩa giữa bản Xắng Hằng (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) với bản Cân (cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào).
"Kết nghĩa" hiểu đơn giản nhất là cách để con người gắn bó, kết nối với nhau trên cơ sở của tình cảm, nghĩa tình, thậm chí là coi nhau như người thân, anh em họ hàng. Đó là mối quan hệ mà lợi ích mang lại cho mỗi người hay cả cộng đồng, là sự đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi khi vui hay buồn, hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Việc kết nghĩa giữa hai bản có chung đường biên giới không chỉ giúp nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa của mỗi bên, mà còn phát huy được sức mạnh của nhân dân hai bên biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của mỗi nước. Từ mô hình kết nghĩa bản - bản, người dân hai bên đã được tuyên truyền về các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới của mỗi nước. Qua đó bà con nhân dân hai bên nỗ lực chung tay cùng với lực lượng bảo vệ biên giới của mỗi nước phòng ngừa, ngăn chặn với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn, bản biên giới của mỗi nước, bảo vệ nguyên trạng đường biên, mốc giới, góp phần xây dựng biên giới Việt - Lào vững mạnh.
*
Bản Xắng Hằng nằm vắt mình trải dài theo đường biên giới với nước bạn Lào. Đây là một trong những bản xa xôi, khó khăn của huyện Lang Chánh. Xắng Hằng có 113 hộ dân với 551 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái. Người dân ở đây chỉ làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Dù phải hứng chịu hậu quả của nhiều trận lũ lụt nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng bám trụ, tái thiết cuộc sống, xây dựng bản làng. Xắng Hằng đẹp tựa bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn bằng gỗ được dựng bên những con đường nhỏ vào bản, những triền đồi hay cánh đồng lúa xanh mướt, đàn trâu thung thăng gặm cỏ…
- Nhà báo lên đây mất nhiều thời gian đấy nhưng cái đường lên với bà con vùng biên đã không còn phải trèo đèo, lội suối nữa rồi. So với nhiều năm trước, đường sá đi lại đã thuận lợi rồi.
Với nét mặt vui tươi, giọng nói đằm thắm đúng chất người Thái, anh Lò Văn Hợp, nguyên Trưởng bản Xắng Hằng đã chiếm được cảm tình ban đầu của tôi. Ngồi đối diện tôi là một vị nguyên Trưởng bản khá trẻ so với cái tuổi ngoài bốn mươi. Ấy vậy mà anh đã có hàng chục năm gánh vác trên vai các công việc quan trọng của thôn bản, được bà con nơi đây yêu mến. Đặc biệt, anh Hợp là người có công đặt viên gạch đầu tiên trong việc thiết lập mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa bản Xắng Hằng và bản Cân. Ngày ấy, vị Trưởng bản đã không ngại vất vả, trèo đèo vượt suối sang bên bản bạn để trao đổi về việc kết nghĩa giữa hai bản có chung đường biên giới. Nhờ sự chân thành, và nhất là mối thâm tình lâu nay giữa nhân dân hai bản biên giới nên lời đề nghị từ phía Trưởng bản Xắng Hằng đã nhận được sự ủng hộ, nhất trí của cán bộ và nhân dân bản Cân.
Từ xa xưa nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ thân tộc lâu đời, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán. Trước khi kết nghĩa, người dân hai bản giáp biên giới đã gắn bó thắm thiết. Bản bên này có chuyện gì xảy ra thì người dân bên kia cũng cùng chia sẻ, giúp đỡ. Ngày làm lễ kết nghĩa, nhân dân hai bản ai cũng rạng rỡ niềm vui. Mọi người diện những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ sắc màu, tập trung ở điểm bản Xắng Hằng từ sớm. Dưới sự chứng kiến của chính quyền, bộ đội biên phòng Yên Khương và bà con nhân dân hai bản biên giới, hai vị Trưởng bản đại diện hai bản đã ký vào biên bản kết nghĩa, mở ra mối quan hệ bang giao, gắn bó keo sơn giữa bản Xắng Hằng và bản Cân. Hôm ấy, cán bộ, nhân dân hai bản kết nghĩa như hòa làm một, cùng vui điệu lăm vông, múa sạp, cùng uống chung chóe rượu cần, cùng nói với nhau bằng cả tiếng Lào và tiếng Thái, tình cảm thắm thiết như anh em một nhà…
- Tôi nhớ mãi cái bắt tay thật chặt cùng câu nói của Trưởng bản Cân là anh Viêng Phăn: "Việt - Lào mãi là anh em. Mong mối quan hệ giữa hai bản chúng ta ngày càng gắn bó khăng khít".
Sau khi kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới càng có điều kiện gần nhau hơn thông qua các hoạt động thăm thân và trao đổi hàng hóa. Khi mỗi bên có sự kiện hay công việc quan trọng như: Hội nghị, hội họp, cưới xin, ma chay,… đều có sự thông báo cho nhau biết để tham dự hoặc giúp đỡ nhau. Đặc biệt, người dân hai bản giáp biên đã có gần mười năm "ăn tết chung", "một năm ăn hai cái tết". Nếu như tháng giêng, người dân bản Cân sang Việt Nam ăn tết Nguyên đán, thì đến tháng tư, bà con dân bản Xắng Hằng lại sang bản Cân đón tết Bun Pi May. Quà thăm tặng là bao gạo nếp thơm, vài con cá suối, cân măng khô hay chóe rượu cần,… nhưng chan chứa tình anh em. Trong dịp tết Nguyên đán của Việt Nam và tết Bun Pi May của Lào, chính quyền hai bên đã tổ chức thăm hỏi, chúc tết, đồng thời tổ chức cho nhân dân hai bên giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các điểm bản.
Là bản vùng biên còn nhiều khó khăn nhưng với phương châm "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", người dân bản Xắng Hằng luôn sẵn sàng giúp đỡ người anh em bản Cân. Mỗi năm, bản Xắng Hằng còn hỗ trợ bản Cân 50 ki lô gam giống lúa. Bên cạnh đó, bản Xắng Hằng cũng đã hỗ trợ bản Cân 20 tấn xi măng để xây đường giao thông nông thôn, hướng dẫn người dân bản Cân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Trong đợt dịch Covid-19, dù còn nhiều khó khăn nhưng bản Xắng Hằng với tinh thần "tương thân, tương ái" đã hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn cho người dân bản Cân đồng thời phối hợp với bộ đội biên phòng, lực lượng an ninh hai bên, cùng chung tay phòng dịch bênh, hạn chế xuất nhập cảnh trái phép.
Chúng tôi định rời nhà anh Hợp thì Trưởng bản Xắng Hằng là anh Lò Văn Chinh đến. Anh cùng với một số người dân Xắng Hằng vừa sang chúc tết Bun Pi May bên bản Cân về. Nhìn nét mặt tươi vui, rạng rỡ của anh, tôi hỏi: "Mối quan hệ giữa hai bản kết nghĩa vẫn gắn bó bền chặt chứ đồng chí Trưởng bản?". Với chất giọng hào sảng, anh Chinh phấn khởi: "Mối quan hệ kết nghĩa giữa hai bên vẫn luôn bền vững. Nhân dân hai bản sống hòa thuận. Cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng, cùng giữ gìn, bảo vệ biên giới" - Câu trả lời ngắn gọn, không màu mè, đúng chất người Thái. Đồng chí Trưởng bản còn khoe với chúng tôi sắp tới sẽ xin kinh phí cũng như sẽ sang trao đổi, bàn bạc với bên bản bạn để thống nhất tổ chức kỷ niệm 10 năm kết nghĩa giữa bản Xắng Hằng và bản Cân.
Tôi cảm thấy vui lây niềm vui của đồng chí Trưởng bản. Nhờ việc kết nghĩa, hai bên đã không còn xâm canh, xâm cư, di cư tự do nữa. Khi có những vụ việc phát sinh, hai bên đã biết cùng ngồi lại với nhau giải quyết trên tinh thần hữu hảo. Nhân dân hai bản biên giới cũng đã thường xuyên duy trì phong trào tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; cử người tham gia, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước, thường xuyên duy trì tuần tra đường biên, cột mốc, phát quang cột mốc biên giới.
*
Biên giới thật bình yên. Những cánh bướm sặc sỡ sắc màu rập rờn trên chùm hoa rừng điểm xuyết giữa màu xanh mướt mát của cây cối rậm rạp. Sau cơn mưa dầm dề hàng tuần trời, mọi vật như được tưới tắm, gội rửa, thanh khiết. Chiếc xe của đồn đưa tôi cùng bốn cán bộ, chiến sỹ biên phòng qua đường biên sang chúc tết cổ truyền Bun Pi May bà con bản Cân nước bạn Lào. Từ cột mốc 349 vào bản Cân là con đường đất hẹp, ngoằn ngoèo, gập ghềnh, với những dốc cắm đi lại rất khó khăn. Nhất là những ngày mưa gió, đường lầy lội, trơn trượt, vô cùng nguy hiểm, chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ vào bản. Dù đường sá đi lại còn nhiều khó khăn nhưng bà con hai bản kết nghĩa vẫn thường xuyên qua lại thăm nhau. Không ngại đường sá khó khăn, vất vả, họ đến với nhau bằng cái tình, cái nghĩa.
- Bà con dân bản bên biên giới nước bạn hiền hòa, thật thà lắm nhà báo ạ. Họ là những người sống chân thành, tình cảm. Nếu mình sống chân thành với họ thì họ cũng sẽ chân thành lại với mình - Thiếu tá Bùi Văn Hòa, cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương, tâm tình với chúng tôi. Anh Hòa là người phiên dịch tiếng Lào cho chúng tôi trong chuyến đi này.
Những lời nói gan ruột của anh chính là sự đúc rút từ việc tiếp xúc thường xuyên và có thời gian gắn bó thân thiết với bà con bản bạn, đặc biệt là việc coi trọng tình cảm tốt đẹp "quân với dân như cá với nước" của những người lính quân hàm xanh dành cho người dân nước mình cũng như nước bạn Lào. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà anh Hòa được người dân bản bên kia biên giới yêu mến gọi là "người con của bản Cân" như lời chia sẻ của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Yên Khương.
Bản Cân với những nếp nhà sàn xinh xắn san sát nhau nằm lọt thỏm giữa một thung lũng, bao quanh là núi non hùng vĩ. Nhìn từ xa, làn khói trắng của bếp lửa nơi biên cương lững thững, mềm mại bay lên giữa bát ngát núi rừng đem lại cho chúng tôi cảm giác thân thương, xao xuyến đến lạ. Mùi khói thơm nồng như xua tan không khí lạnh nơi núi rừng. Đặt chân đến bản Cân, chúng tôi cảm tưởng như mình được trở về nhà, trở về nơi ấm áp, bình yên. Trong tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng, bà con dân bản reo vui, cùng hát mừng năm mới. Trưởng bản Cân là ông Viêng Phăn với dáng người đậm cùng nụ cười đôn hậu đon đả đón chúng tôi. Dưới nếp nhà sàn nâu bóng là những khuôn mặt rạng rỡ tươi cười khi nhận ra những người anh em chí tình từ Việt Nam qua thăm. Với bà con nhân dân hai bên mỗi lần được gặp mặt là mỗi lần cảm xúc được dâng trào, với bao niềm vui chung vì sự đoàn kết và no ấm của nhân dân hai bên biên giới ngày càng được nhân lên nhờ vào hoạt động kết nghĩa bản - bản mang lại.
Sau những câu chào hỏi, chúc tụng bằng tiếng Lào như: Xa bai đi (Xin chào), Sạ bai đi pi mày (Chúc mừng năm mới), Xa ma khi (Đoàn kết); Khọp chay đơ (Cảm ơn),… người dân bản Cân nắm tay chúng tôi cùng hòa vào không khí đón mừng năm mới. Tết cổ truyền Bun Pi May của người Lào diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 dương lịch hàng năm. Tết Nguyên đán của người Việt và Bun Pi May của người Lào có nhiều nét tương đồng. Đó là sự tương đồng về thời khắc thiêng liêng nhất trong năm của mỗi gia đình và đây cũng là dịp để mọi người thân trong gia đình đoàn tụ, sum họp sau một năm lao động, học tập. Đến đúng vào dịp tết Lào nên chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Chúng tôi cùng hòa trong tiếng hát, điệu múa như người anh em ruột thịt trong một nhà, không còn khoảng cách về địa lý hay quốc tịch. Chúng tôi được thưởng thức ẩm thực Lào với những món ăn truyền thống. Đặc biệt mọi người được hòa vào phong tục tết té nước, một trong những lễ hội truyền thống của Lào, mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Cả đoàn chúng tôi đều bị té nước ướt sũng sượt nhưng lòng ai cũng thấy ấm áp lạ thường…
Sau những giây phút cùng chung niềm vui đón năm mới của người dân bản làng, chúng tôi tập trung tại nhà Trưởng bản Cân. Ngôi nhà sàn của ông được dựng bằng gỗ kiên cố, vững chãi. Các vật dụng trong nhà được chủ nhân bày trí khá gọn gàng, đẹp mắt. Ông Viêng Phăn gây ấn tượng với người đối diện bởi gương mặt phúc hậu cùng nụ cười thường trực trên môi.
Bản Cân hiện có 29 hộ với 117 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi. Bản nằm xa trung tâm, giao thông đi lại cách trở, điều kiện kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn.
- Người dân bản Xắng Hằng và bản Cân gần như không còn khoảng cách, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, khó khăn tìm cách giúp nhau tháo gỡ - Tôi khá bất ngờ với khả năng nói tiếng Việt rất sành sỏi của Trưởng bản Viêng Phăn khi ông chia sẻ về tình cảm hai bản từ khi kết nghĩa.
Như để nói rõ hơn sự gắn bó khăng khít giữa nhân dân hai bản của hai nước, ông Viêng Phăn chia sẻ: "Đã là anh em một nhà thì chuyện lớn, chuyện nhỏ của bản Xắng Hằng cũng là chuyện của bản Cân mình. Người dân hai bản chạy qua chạy lại đỡ đần nhau, vui buồn cùng chia sẻ, cũng nhờ thế mà khó khăn vơi dần, đời sống người dân hai bên ngày một khá lên. Bộ đội biên phòng Yên Khương giúp bà con dân bản biết bỏ cây lúa nương, cây ngô lép để trồng cây lúa nước, cây ngô lai. Các anh đến vừa động viên vừa xắn tay áo cùng bà con chăn nuôi, trồng trọt, khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Khi ốm, khi đau các anh nhiệt tình thuốc men chạy chữa. Tình nghĩa ấy nhân dân bản Cân không bao giờ quên được".
Để thay đổi không khí, Trưởng bản Viêng Phăn dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh bản. Những ngôi nhà sàn được dựng kiên cố, vững chãi nằm san sát nhau, chia làm hai dãy ngay ngắn, ở giữa là con đường bê tông sạch đẹp, thông thoáng. Những người dân sống tập trung, quây quần, đoàn tụ bên nhau. Điều đặc biệt mà tôi nhận thấy là những ngôi nhà sàn ở bản Cân đều được đánh số nhà như nhà dưới phố. Chìm vào khung cảnh yên bình nơi đây, nhiều vị khách không biết rằng, đã có lúc, bản Cân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, ngập ngụa, hoang tàn, xơ xác vì mưa lũ,...
Vào những ngày đầu tháng 10-2017, mưa như trút nước. Biên giới chìm trong mưa ngàn gió núi. Nước từ thượng nguồn đổ xuống khiến con suối Cân và suối Xá nằm hai bên bản Cân ngày một dâng cao. Con suối ngày thường hiền hòa, êm đềm chảy trong mơ màng bỗng gầm gào nổi giận. Nước dâng cao, cuồn cuộn chảy rồi tràn vào bản làng nhấn chìm, cuốn trôi tất cả mọi thứ. Trâu bò, lợn gà, hoa màu… của bản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ đục ngầu, ngập ngụa rác rưởi. Những gương mặt thất thần, những tiếng la ó, có cả tiếng khóc than hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng mưa, tiếng gầm gào của thiên nhiên. Người dân bản Cân ai cũng lo lắng, hoảng sợ khi nước đã chạm quá nửa cột nhà mình. Vị Trưởng bản với dáng người đậm nhưng nhanh nhẹn, không ngại mưa gió, hiểm nguy, dầm mưa, lội nước bì bõm đến từng nhà dân kêu gọi họ nhanh chóng di chuyển đến những ngôi nhà khác kiên cố, an toàn để trú ẩn… Một số người dân phải dựng lán nhỏ ven sườn núi để ở tạm. Những ngày lũ lụt, trải qua đói rét, nhà nào còn lương thực thì hỗ trợ nhà không có. Cùng nhau chống chọi, cùng nhau vượt qua những ngày đen tối. Gần một tuần sau mưa tạnh, nước lũ cũng rút dần, rút dần. Cả bản làng tan hoang, xơ xác, tiêu điều. Những gương mặt rầu rĩ, những đôi mắt phủ đầy bóng tối. Cả bản tưởng phải di dời đến nơi khác… Bỗng từ phía xa những bóng áo xanh thẫm trong sắc xanh của lá rừng, theo sau là rất nhiều người dân nữa đang tiến dần về phía bản. Đó là cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Yên Khương và bà con nhân dân bản Xắng Hằng sang giúp bản Cân. Đúng là khi khó khăn, hoạn nạn mới biết người tri kỷ. Khi bản Cân rơi vào cảnh khốn khó tưởng như phải bỏ xứ mà đi thì những người anh em bên kia biên giới luôn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ. Người vác thùng mì tôm, người đùm quần áo, người xách con gà,... ai có gì mang nấy. Những bàn tay nắm chặt bàn tay, những cái ôm an ủi, vỗ về. Rồi không ai bảo ai, người cầm cuốc, người cầm xẻng cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, thu dọn đổ nát, cùng giúp bản khắc phục hậu quả sau trận lũ. Họ còn giúp bà con bản Cân dựng lại nhà, ươm thêm một số giống cây, nuôi thêm trâu bò, lợn gà… Chỉ vài tháng sau đó, bản Cân lại như được hồi sinh. Tiếng nói, tiếng cười xôn xao khắp bản làng.
Mối quan hệ gắn bó giữa hai nước Việt - Lào đang từng ngày được giữ gìn, vun đắp từ chính tình cảm chân thành mà người dân hai bên biên giới dành cho nhau. Do mối thâm tình giữa hai nước, có rất nhiều người Việt Nam và người Lào đã vượt khoảng cách về địa lý, biên giới lãnh thổ mà nên vợ nên chồng. Họ sinh con đẻ cái, cùng nhau lập nghiệp nơi biên viễn. Và khi dòng máu hồng của hai dân tộc Việt - Lào hòa quyện vào nhau thì tình cảm của những người dân nơi biên giới hai nước cũng vì thế mà càng thêm thiêng liêng, thủy chung. Gia đình hạnh phúc của Nang May (tên Việt là Vi Thị Mười, người xã Yên Khương) và anh Thạo Núi (bản Cân) với ba đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn là minh chứng cho điều đó. Sự gắn bó giữa hai bên chung đường biên giới đã làm nảy nở mối tình đẹp đẽ của đôi trai gái.
- Nang May đã quen với cuộc sống bên này rồi nhỉ?
- Thời gian đầu làm dâu bên bản Cân mình cũng nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ người thân lắm. Thế nhưng quê hương và nhà chồng chỉ cách nhau một đường biên nên việc qua lại thăm thân cũng thuận tiện. Phong tục, tập quán, văn hóa bên đây lại gần gũi; chồng lại hiền lành, tình cảm, yêu thương vợ con nên mình không có cảm giác lạc lõng. Giờ đây, Lào đã trở thành ruột thịt của mình rồi.
Những gia đình Lào - Việt chung sống hạnh phúc như vợ chồng Nang May - Thạo Núi được xem là những "sứ giả" trong việc thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng. Như dòng sông Mã chở nặng phù sa để bồi đắp cho những cánh đồng lúa xanh tốt, những vườn cây sai trĩu quả; mối tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng được đơm hoa kết trái từ những việc làm nghĩa tình và thiết thực của người lính mang quân hàm xanh nơi biên giới. Cái cách mà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Yên Khương giúp đỡ người dân bản Cân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng bởi "Việt - Lào hai nước anh em". Những người lính áo xanh đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm gần hai trăm cây ăn quả các loại như hồng xiêm, vú sữa, chanh… tại khu đất của một số hộ dân trong bản Cân. Các anh đã mang giống, đào hố trồng và hướng dẫn người dân cách trồng, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả. Nếu thành công, đồn sẽ nhân rộng mô hình ra khắp bản. Các chiến sỹ mong muốn qua mô hình này sẽ giúp bà con bản Cân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường", Đồn Biên phòng Yên Khương cũng đã phối hợp với Ban Quản lý bản Cân lựa chọn, đỡ đầu một cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi học hết lớp 12.
Trên đường về chúng tôi ghé thăm và chúc tết Trung đội Biên phòng bản Cân. Mọi người chào hỏi nhau bằng tiếng Lào, cùng chúc mừng năm mới… Tình cảm thắm thiết như anh em một nhà của những người chiến sỹ cùng chung nhiệm vụ bảo vệ biên giới, mốc quốc giới khiến tôi cũng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Nhờ sự hỗ trợ phiên dịch của Thiếu tá Bùi Văn Hòa, tôi đã hiểu thêm về mối gắn kết giữa lực lượng bảo vệ biên giới giữa hai nước Việt - Lào. Thượng úy Súc Lương Li Khăm - Phó Trung đội Biên phòng bản Cân chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên trao đổi tình hình, kịp thời thông báo những vấn đề có liên quan để cùng nhau xử lý, tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các quy định, hiệp định, hiệp nghị quy chế biên giới. Sẵn sàng giúp đỡ nhau trong phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tuần tra song phương, thực hiện tốt việc phối hợp phòng, chống cháy rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân qua lại biên giới thăm thân, trao đổi hàng hóa. Cùng xây dựng tình cảm đoàn kết quân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt".
Tạm biệt đất Lào chúng tôi trở về bên kia biên giới. Đã bao lần đứng giữa ranh giới hai nước Việt - Lào nhưng mãi đến khi cảm nhận đủ đầy tình cảm thiêng liêng, sắt son của những người dân nơi bản làng biên giới hai nước; tôi mới nhận ra rằng hóa ra thứ tình cảm ấy được bắt nguồn từ những mối "lương duyên", từ mô hình kết nghĩa bản - bản, những việc làm giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm, cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ biên giới… của hai dân tộc anh em. Những câu chuyện về tình cảm gắn bó thắm thiết, keo sơn giữa hai bản có chung đường biên giới kể mãi không hết. Và trong câu chuyện tưởng như không dừng lại trong chiều biên giới ấy, lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bấy lâu cách trở quan hà/ Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau/ Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" vẫn như còn vang vọng mãi…/.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.