Truyện ngắn “Gió xuân êm đềm” | Ngân Hằng | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Gió xuân êm đềm" của Nhà văn Ngân Hằng qua giọng đọc Minh Hồng.
Gió dịu nhẹ trên những cành cây, trời vào tiết xuân cái rét lay lắt khiến ai ra đường cũng thu mình lại. Giờ đã là hai mươi tết, nhưng mọi vật chuyển động, nhúc nhắc. Khu chợ Tam Ba không có cái ồn ào, tấp nập như mọi năm, không có những sắc đào thắm đỏ, tiếng trao đổi mua bán rộn rạo, tất cả vẫn diễn ra ì ạch. Ai cũng cố tranh giành với thời gian, để mong kiếm thêm chút nữa. Với cô lại khác, cứ qua ngày rằm tháng chạp, chị em cô lại phân nhau sắm sửa cho cái tết mới, có biết bao thứ cần chuẩn bị. Nhà cửa phải quét dọn, bày biện đồ đạc chỗ này, chỗ kia, rồi tự tay làm mứt để biếu cho họ hàng.
Cô đi thêm một vòng chợ, dù trên tay đã lỉnh kỉnh túi nhỏ, túi to. Giữa cái mưa phùn, rét mướt, mầu vàng của những bông cúc đại thọ rực lên sưởi ấm không khí xung quanh. Cô không nén, khẽ thở dài đầy ưu tư.
Ngôi nhà hai tầng nằm khép mình khiêm tốn ở một góc phố nhỏ, cổ kính. Một không gian tĩnh lặng và thanh bình đến lạ, gió vẫn thổi phất phây trên những dây hoa kèn quấn quanh chiếc cổng dẫn lối vào. Nghe tiếng xe máy dừng, cửa mở, một người đàn ông mặc bộ pizama vội chạy ra:
- Con về rồi đấy à? Sao lâu thế con, mua gì nhiều đồ vậy, có ai đâu…
- Dạ! Cũng vài món mẹ thích ăn thôi, bố ạ.
Người đàn ông xách đỡ túi đồ cho con gái vào nhà, trên mặt bàn những tấm ảnh đang được bầy la liệt. Tất cả đều là chân dung của một người phụ nữ, gương mặt quý phái, đôi mắt đen thẳm buồn da diết.
- Bố lại nhớ mẹ nữa rồi, nhưng chỉ hôm nay nữa thôi, bố nhé.
Nhìn vào đôi mắt của vợ mình được tái hiện nơi con gái, bàn tay người đàn ông luống cuống thu dọn những bức ảnh cất vào trong chiếc hộp khảm đỏ. Ông lững thững đi vào phòng riêng. Dáng đi như nhỏ lại.
Cô buông mình xuống chiếc ghế gỗ, cảm giác cái lạnh từ những thớ gỗ cứ thấm dần vào da thịt. Bàn thờ đã được lau dọn sạch sẽ, chiếc khăn voan mỏng cũng đã được vén lên để lộ di ảnh của mẹ cô. Đây là năm thứ ba, cô phải thay mẹ chuẩn bị tết cho nhà, cũng là cái giỗ thứ ba từ ngày mẹ mất trong một vụ tai nạn. Ngày mẹ cô còn sống, mọi việc hầu như do mẹ chuẩn bị hết, chị em cô còn mải nghĩ xem năm nay mình sẽ mặc gì và chơi ở đâu. Nhưng thích nhất vẫn là những tối mấy mẹ con cô quây quần bên bếp lửa làm mứt. Thời con gái, mẹ là người nổi tiếng trong làng về tề gia nội chợ, một cô gái đẹp, lại nấu nướng giỏi, nên mẹ được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng mãi cho đến khi anh bộ đội tên Nhân, người bạn từ thuở để chỏm, trong chiến trường niềm Nam trở về, mẹ mới thẹn thùng sánh vai bên người bạn ấy, rồi nhận lời làm vợ, làm mẹ của hai đứa con gái. Như nếp xưa, lên sáu tuổi mẹ đã bắt đầu dạy chị em cô làm những công việc bếp núc.
Cô nhớ quay quắt cái mùi hăng hăng của củi cháy rực lách phách bên tai, nhớ trời rét buốt được sà bên mẹ, nhìn bàn tay thoăn thoắt mẹ thái cà rốt. Những củ cà rốt tròn lẳn, vàng tươi cứ rơi thành khoanh xuống chiếc mẹt, rồi cả những sợi dừa mẹ nạo, vừa dài, lại vừa dậy lên mùi thơm ngầy ngậy. Nhưng cô mê hơn cả là lúc mẹ thả cà rốt, thả dừa vào chiếc chảo đường đã nóng già, những hạt đường li ti như tuyết cứ phủ đều lên bề mặt của mứt. Mỗi lần như vậy, cô lại không cưỡng lại được liền cho một miếng vào miệng, vị ngọt của đường cùng với cái dẻo bùi cứ thấm dần nơi đầu lưỡi khiến cô vô cùng thích thú. Rồi cô lấy những sợi dừa xoăn tít hệt những chiếc lò xo cho lên bên tai lúc lắc. Thấy vậy, bao giờ mẹ cũng khẽ lắc đầu cốc lên trán cô mắng yêu: "Lớn đầu mà như trẻ con hoài rồi đến chết ế thôi con ạ". Ánh mắt mẹ thật ấm áp, hiền từ, mẹ như chứa đựng cả trời xuân tràn ngập nắng trong tiếng cười gia đình.
Nước mắt cô lại lăn xuống gò má. Giờ đây không khí gia đình lúc nào cũng lạnh tanh, tiếng cười gần như tắt hẳn, ba bố con cô sống qua ngày, ngơ ngác trong nỗi nhớ về mẹ. Với bố, thì nỗi đau đó còn khoét sâu hơn nữa. Khi nghe tin mẹ mất, bố không nói không rằng, người ra, người vào lo ma chay cho mẹ, đến việc cần hỏi, bố chỉ nhìn mọi người bằng đôi mắt vô hồn rồi bảo: "Anh hỏi nhà em xem thế nào? Trước đến nay, việc gì nhà em cũng liệu hết, chu toàn và tươm tất lắm anh ạ". Hai chị em cô như hóa dại, cứ bấu chặt lấy bố mà khóc đến khản lời. Từ ngày đó, bố cô sống trong những ký ức với mẹ, lúc thì những lời thì thầm khi yêu, lúc lại là tiếng nhỏ to như hai người đang bàn việc gì đó. Đêm đêm cứ vẳng lại rõ ràng. Đã bao lần cô và em gái tìm mọi cách để kéo bố ra khỏi những ký ức ấy, qua một trăm ngày cho mẹ cô lấy đồ dùng cá nhân của bà đem đi đốt, khi ngọn lửa vừa xém vào đống quần áo, bố cô từ trong nhà lao ra:
- Không được đốt… không được đốt…
Miệng la, chân không đi dép bố lao thẳng vào đống lửa, rồi đưa tay quăng mạnh những chiếc áo chưa bị lửa ăn đến. Chị em cô chỉ còn biết ôm lấy bố giằng ra, tiếng em gái như ngẹn lại:
- Bố hãy để mẹ an lòng, để cho chị em còn được gửi đồ xuống cho mẹ.
- Nói láo, mẹ con đang trong nhà kia kìa, đang chuẩn bị nấu cơm cho chúng mày ăn đấy, thế mà chúng mày nỡ đem đồ đạc của bà ấy đốt đi thế này à? Ai dạy chúng mày bất hiếu thế…
Đôi mắt bố long lên, cái nhìn nóng hơn lửa, đứa em gái cô ngã qụy xuống đất.
- Bố tỉnh lại đi, bố không thể tự lừa dối mình mãi như thế được. Mẹ đã đi xa thật rồi. Bố có yêu mẹ thì vì mẹ mà sống tiếp thực tại với chúng con đây này.
Những lời cô nói như gáo nước lạnh dội xuống khuôn mặt người đàn khắc khổ. Tiếng ông thiểu não:
- Bố xin các con… chiếc áo này các con cho bố giữ lại, coi như là kỷ niệm cuối cùng.
Sau lần ấy, bố sống có phần tỉnh táo hơn, ban ngày ông bận với những việc không tên, ra vào một mình trong căn nhà trống trải, lặng lẽ chờ đến đêm để sống với mẹ trong tâm tưởng. Nhiều khi nhìn bố ít nói ít cười, lòng cô như nghẹn lại, như có ai xát muối vào. Nhất là khi đứa em gái đi lấy chồng, căn nhà chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả với nhau. Ba năm rồi cô không thể nào xoa dịu nỗi đau trong lòng bố. Có lần đi làm về dì Năm bên hàng xóm gọi cô sang rồi bảo:
- Nếu cháu muốn bố khỏi bệnh có lẽ chỉ còn cách là cho ông ấy lấy vợ lần nữa.
- Bố cháu lấy vợ?... Lấy ai… Mà ai lấy, hả bác?.
Thấy vẻ mặt sửng sốt của cô, dì Năm ân cần nắm lấy bàn tay thuôn dài khẽ cười:
- Sẽ có người cho bố cháu lựa chọn. Chỉ phụ nữ mới chữa lành vết thương do chính họ để lại trong lòng đàn ông thôi, cháu ạ. Vả lại cái Mỹ cũng đã lập gia đình rồi, chẳng nhẽ cháu định để thằng Quân nhà dì thui thủi một mình mãi vậy sao… Hai đứa yêu nhau cũng đến bảy năm rồi còn gì.
Đêm ấy cô cứ lăn qua, lăn lại trên chiếc giường rộng hoác. Những lời dì Năm nói cứ âm âm bên tai cô, nửa như thúc giục, nửa lại khiến cô lưỡng lự, luyến tiếc và xót xa về mẹ. Là con, nào ai muốn người khác thay vị trí mẹ mình bên cạnh bố, nhưng hình ảnh lầm lũi, tiếng bước chân đang cố rón rén như sợ cô nghe được bên phòng bố làm cô như nghẹn lại. Còn cả Quân nữa, anh đã chờ đợi cô quá lâu, chỉ còn vài ngày thôi, anh sẽ hoàn thành chương trình tu nghiệp ở Pháp trở về. Tình yêu từ thời học trò, trong sáng và mơ mộng cũng đã va vấp rất nhiều thử thách. Những ngày tháng xa Quân lòng cô luôn thổn thức, ngày còn có mẹ, hai gia đình đã bàn đến chuyện cưới xin. Cô vẩn vơ nghĩ đến cảnh về làm dâu nhà dì Năm, không phải chỉ vì tình yêu đối với Quân, mà còn bởi mối thân tình giữa bố mẹ cô và gia đình anh nữa. Bố Quân trước đây là bạn cùng quân ngũ với bố cô, rồi bệnh tật đã cướp ông đi xa vĩnh viễn, khi anh chỉ là cậu nhóc chín tuổi. Thời gian đó, cả gia đình cô thường xuyên đến nhà Quân, mẹ thì cơm nước chuyện trò cùng dì Năm, bố lại sửa sang nhà cửa, còn cô và em Mỹ cứ quẩn quanh bên Quân, tìm mọi cách chọc cho anh cười. Giờ đây cả cô và anh đã bước vào cái tuổi cần một gia đình nhỏ cho riêng mình. Nhưng cảnh nhà, cảnh bố khiến cô không thể nào nói câu đồng ý với Quân. Nghĩ đến anh, cô vừa như thấy thương, lại vừa như thấy có lỗi. Cô thèm cái cảm giác bình yên bên anh, được cùng anh đi dưới những lớp mưa mỏng cùng cái rét khi xuân về. Rồi cả những chiều hai người thong dong ngắm dòng người đi sắm tết, chỗ kia là gian hàng mứt thơm lựng đầu mũi, chỗ này bày bán phong bao lì xì và những câu đối tết đỏ hồng, nhưng thích nhất vẫn là khi cô được cùng Quân dạo trong những dãy hoa đầy mầu sắc, chỗ nào cũng ngào ngạt hương thơm đến mê hoặc lòng người. Quân vẫn thường có thói quen cài lên mái tóc người yêu bông hoa cúc vàng, rồi nhẹ xiết cô trong vòng tay vững chãi của mình. Những lúc ấy, thời gian không còn tồn tại với cả hai người, chỉ còn tiếng đập nhanh của hai trái tim tràn ngập tình yêu.
*
Người dì Năm dẫn đến giới thiệu cho bố cô là một phụ nữ đã qua tuổi bốn mươi, làm nghề giáo viên. Dù đã bước vào cái tuổi gần sấp bóng nhưng người phụ nữ ấy vẫn tươi tắn, nước da còn thì con gái, thân hình tròn lẳn, duy chỉ có ánh nhìn căng đẫy cứ xoáy vào bố của bà là khiến cô hơi dợn lòng. Bố nhìn người đàn bà trước mặt mình thờ ơ, rồi mặc nhiên quay sang nói chuyện với dì Năm. Cô đành cười ngượng.
Sự có mặt của một người đàn bà lạ trong ngôi nhà nhỏ của bố con cô đã làm cho cuộc sống vốn lặng lẽ hàng ngày bị đảo lộn. Cô và em gái đã gọi người đàn bà ấy là "mẹ". Từ chăn màn đến việc chuẩn bị nước tắm cho bố, trước đây cô vẫn hay làm, đã được "mẹ" tự tay lo cả. Cô không còn phải tất bật với những hôm làm vội về lo nhà cửa, giặt giũ. Bữa cơm gia đình có thêm tiếng nói chuyện giữa hai người đàn bà cũng phần nào ấm cúng hơn. Nhưng bố cô ngược lại. Ông ít nói, cũng chẳng buồn hỏi cô xem công việc thế nào, hằng đêm không còn thói quen sang phòng nhắc cô ngủ sớm. Ông nhìn cô như nhìn người có lỗi. Đêm đêm, cô cố lắng nghe mọi âm thanh từ trong phòng bố vọng ra, lúc đầu có tiếng của "mẹ" và những câu trả lời cắt cụt của bố, rồi dần dần ít đi, và sau cùng chỉ còn lại hơi thở nghe dài thõng và cái trở mình trằn trọc của người đàn bà đang độ "căng" nhất. Cứ tối tối bố cô lại lén ra phòng khách nằm một mình, trong tay ông vẫn ôm chặt chiếc áo của mẹ. Nào có ai chịu cảnh có chồng cũng như không ấy, cô biết vậy nên đã luôn bên cạnh thủ thỉ động viên "mẹ", lúc thì món quà nho nhỏ, lúc lại chiếc áo hay những buổi đi chợ cuối tuần. Cả việc dành thời gian để chỉ cho bố sự quan tâm đến "mẹ", mỗi lần thế, bố cô chỉ quay mặt đi. Để rồi ông lại trốn lên tầng một mình ngồi khóc, giọt nước mắt của người đàn ông đã qua tuổi năm mươi thật non nớt và tội nghiệp. Tất cả những việc đó không sao lấp hết chỗ trống trải của người đàn bà khi đối diện với đêm đen. Mỗi lần đối diện với chồng, sự khát khao bản năng lại trỗi dậy, bà cố lôi kéo chồng từ một chiếc áo ngủ hờ hững trên vai, chiếc đèn bàn xinh xinh tỏa ra ánh sáng hư thực, rồi những lần tay mượt mà của bà lướt nhẹ trên tấm lưng cong cong của chồng đầy yêu thương. Nhưng đáp lại bà, chỉ có đôi mắt lạnh băng, cái nhìn dửng dưng, thậm chí có phần khinh bỉ, làm thân thể bà rã rời. Bà đành ngoảnh mặt vào tường nghe tiếng côn trùng rúc rích, bỏ mặc người đàn ông lững thững ôm chiếc hộp khảm đỏ đi ra. Ngày lại ngày, bà như người không tồn tại trong ngôi nhà ấy, không gây bất kỳ sự thay đổi nào ở người đàn ông mà bà gọi là chồng. Lúc đầu bà thầm khóc, nhưng dần dần những ức chế, đố kỵ cứ nổi lên một lớn hơn, bà không bằng những tấm ảnh vô tri hay sao. Bà không thể bằng lòng như vậy. Bà phải đốt đi, phải giành quyền làm vợ về cho mình. Bà như mê dại trong những ý nghĩ đó, cho đến khi tiếng thét thanh cùng bóng người lao đến đẩy mạnh bà xuống đất, bà mới bừng tỉnh:
- Cô điên à? Ai cho cô đụng vào đồ của tôi. Cút… cút ngay ra khỏi nhà tôi, rõ chưa.
Nhìn đống lửa với những tấm ảnh đang bị lụi dần. Nào kia là đôi mắt thẳm buồn, nào kia là nụ cười nhẹ giờ chỉ còn là tàn tro bay lơ lửng, chồng bà kia ư? Người đàn ông đang đưa mười đầu ngón tay cào cào dưới đất như tìm báu vật đã coi bà có khác gì một thứ gớm ghiếc. Bà vùng dậy bỏ chạy về cuối con đường. Ấy là những ngày chuyển mùa, trời trở rét, những đợt rét đầu khiến cho không
khí có phần ngột ngạt hơn.
*
Mưa lại rả rích, nhẹ như một màng áo mỏng tang khoác lên đất trời. Gió xuân vẫn thổi, những khúc nhạc trầm dễ gây sự rung động cho con người. Phố xá đông hơn, dòng xe như nêm cứ ứa ra, có đoạn tắc lại, phình ra như con trăn khổng lồ say mồi. Những cành đào xen lẫn cả sắc vàng của hoa mai càng điểm tô hơn sự lộng lẫy của một thành phố trẻ vào xuân. Vậy mà cách thành phố chỉ hơn chục cây số, không khí dường như khác hẳn. Vùng ven đô không có cái ồn ào, tấp nập, quang hơn, thi thoảng mới thấy một bóng người lướt qua. Cái rét rõ rệt, gió cứ âm u trên những ngọn cây, trời nhoèn tối. Cô mặc kệ, dường như cô không còn hay biết gì xung quanh nữa. Trước mắt cô cảnh tượng của người đàn bà mà cô đã gọi là "mẹ" đang ân ái cùng kẻ khác, hai thân hình bóng nhẫy cứ nhập nhoằng che đi tất cả. Sau chuyện những tấm ảnh mẹ cô bị người đàn bà ấy đốt, về nhà thấy bố bất động, trân trân nhìn đống tro và tấm ảnh đen góc, cô hiểu tất cả. Dù có trách người đàn bà kia đã vô tâm làm tổn thương bố, nhưng nỗi đau và ấm ức mà người vợ hờ như bà phải chịu, cô hiểu lắm chứ. Dù sao mọi chuyện cũng do cô chủ định và sắp xếp. Cô không những thấy có lỗi với bố, mà còn có lỗi hơn với người đàn bà ấy. Đã gần tháng nay bà không về nhà, cô có nhắn nhưng đều vô vọng. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, cô vội thu xếp đến tận nơi bà dạy học, để thuyết phục và thay mặt bố xin lỗi, mong bà quay trở lại.
Đến nơi, trường học vắng hoe, chỉ có những cành cây đang độ đâm chồi là xanh mơn mởn. Hỏi mãi cô mới tới được căn phòng của bà ở khu tập thể. Căn phòng nhỏ khép hờ cửa, cô định gõ, thì tiếng thở hổn hển, sự lăn lộn rậm rạo giữa hai thân thể làm cô sững sờ. Gương mặt của người đàn bà ấy hừng hực sinh lực cứ cuốn lấy đôi mắt đang mở to hết cỡ của cô. Cô xô cánh cửa sổ, rồi bỏ chạy. Mọi thứ nhảy múa, cứ hoa lên. Cô phóng xe đi mà không định hình được mình đang làm gì, cho đến khi nghe "sầm' một tiếng và mọi vật lịm dần.
Tiếng nhốn nháo, tiếng rào rào, mùi sát trùng cứ ập dần vào hơi thở của cô. Đôi mắt nặng trĩu, môi khô khốc, chân tay không tài nào nhấc lên được. Cô biết mình đang nằm trong bệnh viện. Dáng người đàn ông đang ngủ vùi bên cạnh khiến cô rơi nước mắt, khẽ cựa cô làm ông bừng tỉnh
- Con dậy rồi à. May quá... may quá...
- Sao con lại ở trong này vậy?
- Con bị tai nạn, ngất đi, có người trông thấy liền đưa con vào đây cấp cứu. Suốt từ tối qua đến giờ cái Mỹ, rồi dì Năm và cả... đều túc trực ở đây. Con muốn ăn gì không? Mà sao con lại đi về phía ven đô thị làm gì, đường vắng lại đang làm nữa, nguy hiểm lắm.
- Không có gì đâu bố ạ. Việc riêng của con thôi.
Người đàn ông khẽ nhíu đôi chân mày nhìn đứa con gái đang nhăn nhó trên giường bệnh hỏi:
- Việc riêng là việc gì?
- Con đi để làm rõ một số chuyện thôi. Mọi việc cũng đã xong hết rồi, bố ạ.
Cô tránh đôi mắt dò hỏi của bố mình, hướng nhìn ra bên ngoài. Trời xanh trong, gió vẫn miên man thổi để đón nàng xuân đang đến cận kề. Tiếng người đàn ông trầm đục nói với con gái:
- Bố xin lỗi vì thời gian qua đã làm con phải khổ tâm nhiều. Giờ bố mới nhận ra rằng các con là báu vật mà mẹ đã để lại cho bố. Vì thế bố không thể sống mãi với hoài niệm của bà ấy, mà phải tiếp tục sống vì các con.
Nước mắt cô lại rơi, những giọt nước mắt cô đã chờ đợi rất lâu. Từ cửa phòng tiếng đứa em gái tíu tít xen vào:
- Và nữa, dì Năm cũng đã đồng ý làm bạn già với bố, nếu chị nhận lời lấy anh Quân.
- Em nói gì? Thật thế sao.
- Thật. Đúng không dì Năm?
Như đáp lời cô, dì Năm và bố không hẹn mà cũng nhìn nhau cười, rồi khẽ gật đầu. Cô thấy lòng như lâng lâng.
- Con nhìn xem ai đến kia.
Trước mắt cô, Quân đang tiến vào. Trên tay anh vẫn ôm chặt những bông hồng đỏ thắm. Miệng cô run run không nói thành lời. Quân đến bên, trao cho người yêu bó hoa, vỗ về.
- Anh đã giữ đúng lời hứa với em rồi nhé. Anh sẽ trở về khi gió xuân đến xóa hết ưu phiền trong đôi mắt em. Anh muốn gió xuân mãi mãi chỉ hát bài ca êm đềm hạnh phúc cho mọi người thôi, em ạ./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.