“Những “ngọn lửa” không bao giờ tắt | Quỳnh Thơm | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe Ký “Những “ngọn lửa” không bao giờ tắt của tác giả Quỳnh Thơm qua giọng đọc Huyền Linh.
Mường Lát - mảnh đất cực Tây xứ Thanh vốn nổi danh là vùng đất của "hoa về trong đêm hơi" với những "dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm". Nơi biên ải mù sương ấy hiện ra trong tôi với núi đồi trùng điệp, những bản làng nhỏ, những ngôi nhà nhỏ như chêm vào giữa lưng chừng núi, lưng chừng mây và những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp. Đến với mảnh đất xa xôi, diệu vợi và nghèo khó đó tôi thấy lòng mình bình yên. Bình yên từ màu áo xanh thấp thoáng trong bảng lảng sương sớm trên những nẻo đường tuần tra. Bình yên trong sắc nắng hắt ra từ cột mốc đá hoa cương nhờ bàn tay người trông nom, săn sóc. Bình yên trong buổi chiều tà khói bếp nhà ai bay lơ lửng quện ánh chiều còn sót lại nơi biên cương tím ngắt...
Lên Mường Lát lần này, tôi quyết tâm vào bản Ón để thực hiện bài viết về người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Bản Ón được coi là khu vực ngã ba tiếp giáp với huyện Vân Hồ (Sơn La) và bản Pưng (huyện Xốp Bâu - Lào). Đây cũng là nơi xa và có địa hình hiểm trở nhất mà Đồn Biên phòng Tam Chung quản lý. Vượt qua những con dốc dựng đứng, chiếc xe máy luôn phải cài số một, ì ạch leo qua từng cung đường quanh co, uốn lượn với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, tuyến đường vào bản đang trong quá trình thi công nên khúc khuỷu, gập ghềnh. Con dốc Nháp và dốc Đá như thách thức những tay lái lần đầu tiên lên với núi rừng. Sau hơn một giờ vật lộn với con đường "đau khổ" giữa cái nắng đỉnh điểm của trưa hè, chúng tôi cũng có mặt tại trụ sở Tổ công tác đóng tại bản Ón. Lúc đó ở tổ có Trung tá Trịnh Gia Ngọ, nhân viên vận động quần chúng và Thiếu tá Nguyễn Đình Cường, nhân viên phòng chống ma túy và tội phạm. Các anh đã sửa soạn mâm cơm tươm tất đợi chúng tôi. Bữa cơm trưa muộn đầy ắp tiếng cười và thắm đượm tình quân dân.
Biết mục đích chuyến đi của chúng tôi, Trung tá Trịnh Gia Ngọ sắp xếp cho chúng tôi gặp nhân vật để viết bài. Là người lính áo xanh nhiều năm "cắm bản", Trung tá Ngọ gắn bó và thấu hiểu được nỗi niềm của đồng bào dân tộc Mông nơi biên giới xa xôi, hẻo lánh này. Những người dân bản trọn tình với dải đất miền biên ải, hết lòng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sau ít phút nghỉ trưa, nhân vật của tôi xuất hiện trong trang phục của đồng bào dân tộc Mông, nụ cười hiền lành gây thiện cảm với người đối diện. Đó là anh Giàng A Chìa, người có hơn hai mươi năm tình nguyện trông coi cột mốc 270 ở bản Ón. Dáng người nhỏ nhắn, giọng trầm ấm, nói về mốc, đôi mắt người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần ấy sáng lên như tâm tình về điều gắn bó, thân quý đời mình.
Tuổi thơ của Giàng A Chìa là những năm tháng theo cha trèo đèo lội suối đi thăm cột mốc. Hồi ấy quãng đường hơn 15 ki lô mét lên mốc G3 (giờ là 270) với những dốc đứng, suối sâu… vô cùng khó khăn, hiểm trở. Hai cha con phải đi từ sáng sớm tinh mơ, cha đi trước vừa đi vừa phát quang dây rừng, cỏ dại; Chìa lẽo đẽo theo sau như cái đuôi. Ngày ấy tiếng hú của các loài thú còn vang lên rất rùng rợn. Nhiều hôm trời mưa, rừng tối sầm, đường trơn trượt, nhưng hai cha con anh vẫn không bỏ buổi kiểm tra nào. Mỗi chuyến đi rừng thăm mốc, Chìa được nghe cha giảng về ý nghĩa của cột mốc, về tầm quan trọng của việc phải giữ gìn, chăm sóc cột mốc như chăm sóc ngôi nhà của mình vậy.
- Cơ duyên nào từ đời cha anh đã gắn bó với công việc trông coi cột mốc?
Như được khơi đúng mạch, bao nhiêu ký ức về người cha bỗng chập chờn sống lại trong người đàn ông Mông ấy. Vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, cha anh là ông Giàng A Sềnh đã đưa gia đình di cư từ Trạm Tấu, Yên Bái về bản Ón. Lúc ấy, bản Ón xơ xác, tiêu điều được dựng lên bởi một nhóm đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc. Cuộc sống của bà con phụ thuộc vào núi rừng. Cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám. Để giúp đồng bào Mông ở bản Ón ổn định cuộc sống lâu dài, bộ đội biên phòng đã tìm đến tuyên truyền, vận động dân bản. Bộ đội giúp dân dựng nhà, hướng dẫn cách làm ăn, giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ có những người lính mang quân hàm xanh, đồng bào Mông nơi đây đã biết yêu đất, mến làng, không còn hiện tượng du canh, du cư "nay đây mai đó" nữa.
Có thời điểm ở bản Ón cây thuốc phiện trở thành loài cây cho thu nhập cao nhất. Những vạt nương nơi đây được phủ màu xanh của cây thuốc phiện. Cả bản gần như chìm trong làn khói thuốc u mê của "nàng tiên nâu", chẳng ai thiết gì đến lao động sản xuất, làm nương rẫy nữa nên cuộc sống người dân ngày càng đói nghèo. Những người lính áo xanh đã cùng các lực lượng triển khai kế hoạch triệt phá cây thuốc phiện. Các anh phải lặn lội vào tận bản để tuyên truyền cho người dân biết về tác hại của cây thuốc phiện. Mưa dầm thấm lâu, bằng những nỗ lực và quyết tâm của người lính quân hàm xanh đã khiến đồng bào ưng cái bụng và làm theo chủ trương. Rồi người nọ bảo người kia, nhà nọ truyền tai thủ thỉ nhà khác cùng đi chặt cây thuốc phiện và thay thế cây trồng khác. Những người nghiện cũng hiểu rõ được tác hại của thuốc phiện đã nghe lời động viên của bộ đội biên phòng đi cai nghiện ở trung tâm. Để giúp bà con "đoạn tuyệt" với cây thuốc phiện một cách bền vững, bộ đội biên phòng đã giúp bà con bản Ón ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Những nương thuốc phiện xưa đã được trồng lúa, trồng ngô, cây ăn quả. Những bồ thóc vàng ruộm, lợn gà đầy chuồng, những đàn trâu thung thăng gặm cỏ nơi sườn đồi... mở ra cuộc sống mới cho bà con dân bản. No ấm dần hiện hữu trên mảnh đất dù vẫn còn nhiều gian khó này.
Kể từ cái ngày cai được thuốc phiện, ông Giàng A Sềnh coi bộ đội biên phòng như người nhà của mình. Mỗi khi bộ đội vào bản làm việc gì ông cũng tích cực tham gia. Thấy bộ đội lặn lội cả vài chục cây số vào bản kiểm tra cột mốc, nhiều anh lính trẻ, lính mới không thông thuộc địa bàn nên ông tình nguyện làm người dẫn đường. Căn nhà gỗ của gia đình ông Sềnh trở thành chỗ bộ đội ngủ lại qua đêm, rồi sáng sớm ông lại cơm đùm, cơm nắm cùng bộ đội đi tuần tra. Thời đó đường lên mốc vô cùng hiểm trở với những dốc cao dựng đứng và suối sâu… Thấy bộ đội vất vả, ông tình nguyện đảm nhận công việc trông coi cột mốc. Ngoài những lần tuần tra cùng bộ đội biên phòng, mỗi lần đi chăn thả gia súc, cha anh đều lên thăm mốc, kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường gì để báo cáo lại cho bộ đội biên phòng.
Là người con của bản làng biên giới, ông Giàng A Sềnh đã đồng hành cùng các chiến sĩ quân hàm xanh vận động bà con định canh, định cư ổn định cuộc sống lâu dài. Ông cũng tình nguyện đảm nhận trông coi cột mốc G3 mà không đòi trả công, là để trả cái nghĩa mà bộ đội biên phòng đã giúp đồng bào, giúp bản làng của ông được định cư lâu dài ở đất này và có được bình yên, no ấm.
Người cha của anh Giàng A Chìa đã có gần ba mươi năm tình nguyện trông coi cột mốc. Khi cha tuổi cao sức yếu không thể đảm nhận được nữa, Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung đã đồng ý giao lại công việc trông coi cột mốc cho anh. Cha anh mất năm 2016, khi ông gần bảy mươi tuổi. Anh Chìa còn nhớ mãi trước khi nhắm mắt, đôi mắt của cha vẫn không thôi hướng về rừng - nơi đã gắn bó với cả cuộc đời và là một phần máu thịt không thể tách rời của ông. Anh nhớ mãi lời cha dặn "Bảo vệ đường biên, cột mốc là bảo vệ chính mình, gia đình mình, bảo vệ bản làng mình". Với anh, được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà là tâm nguyện của cha, và cũng là niềm tự hào, hạnh phúc.
Trái với suy nghĩ về người băng rừng, lội suối nhiều năm để trông coi cột mốc phải cao to, vạm vỡ nhưng không, anh Chìa dáng người nhỏ bé, mái tóc đã điểm bạc nhưng trông rất nhanh nhẹn. Từ nhỏ Giàng A Chìa đã gắn bó với vùng đồi núi hoang sơ này, từng cái cây, viên đá của con đường này anh đều nhớ. Ngày trước còn chưa có lối đi, cây cỏ mọc um tùm, hai cha con anh phải vừa đi vừa phát cây mở đường lên cột mốc. Hơn hai mươi năm qua, dù thời tiết nắng cháy hay mưa giông, gió rét, những dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường tầm 10 ki lô mét đường rừng lên kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh cần mẫn phát quang những cây cỏ xung quanh cột mốc, kiểm tra tỉ mỉ, kịp thời phát hiện các dấu hiệu đường biên, cột mốc là báo cáo ngay cho bộ đội biên phòng xử lý. Cơm nắm và nước mang theo, anh đi từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về đến bản.
- Trong suốt hơn hai mươi năm trông coi cột mốc, có lần nào anh gặp phải nguy hiểm, bất trắc?
- Có lần đi thăm mốc tôi còn suýt chết ấy cô ạ...
Đôi mắt dõi về phía rừng xanh, người đàn ông ấy bồi hồi kể lại cho tôi nghe về cái lần "chết hụt" khi đi thăm cột mốc. Đó là một ngày vào mùa mưa năm 2018. Sáng sớm hôm ấy, khi nghe tiếng con gà rừng gáy le te, anh Giàng A Chìa đã dậy rục rịch chuẩn bị đồ "nghề" để thực hiện chuyến đi rừng thăm cột mốc. Mấy hôm nay thời tiết nồng nồng, oi bức khó chịu. Với kinh nghiệm của người nhiều năm đi rừng, anh đoán trong nay mai mưa sẽ kéo đến. Vào rừng mà gặp mưa sẽ vô cùng nguy hiểm nhưng sau những ngày nằm bẹp vì trận ốm, chưa lên thăm mốc được, anh Chìa thấy lòng thấp thỏm. Dù mấy ngày trước, con trai anh là Giàng A Chùa đã thay cha đi thăm mốc và báo cáo lại là không có vấn đề gì xảy ra nhưng anh vẫn không yên tâm. Bao nhiêu năm qua, đôi chân anh đã thuộc rừng bén suối, không quen ở mãi một chỗ. Hình ảnh cột mốc nơi phía rừng xanh cứ vẫy gọi, thúc giục đôi chân người đàn ông ấy. Vậy là mặc lời khuyên bảo, can ngăn của vợ con, anh Chìa vẫn quyết tâm đi thăm mốc.
Cũng như bao chuyến đi rừng thăm mốc khác, sau khi kiểm tra, dọn dẹp, lau chùi cột mốc cho sạch sẽ, anh Chìa định quay về thì cơn mưa giông bất chợt kéo đến. Trời bỗng tối sầm lại. Rừng núi chìm trong một màu xám xịt. Những con chim dáo dác tìm chỗ trú ẩn. Gió thổi mạnh như muốn cuốn phăng tất cả. Từng cơn gió rít mạnh khiến cây cối lắc lư, ngả nghiêng. Nhiều cành cây bị gió mạnh rung gãy rạp. Biết trời sắp mưa, anh Chìa phăm phăm tìm đường trở về nhà. Bởi nếu chậm trễ ít phút nữa, anh sẽ phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm. Bàn chân anh thoăn thoắt leo qua những mỏm đá sắc nhọn, vượt qua những cành cây đổ chắn ngang lối đi. Nhưng mưa rừng đến rất nhanh. Mưa ào ào trút nước, táp vào mặt anh đau rát. Cơn mưa to khiến đất đá trượt lở, vạt đồi như bong tróc ra từng mảng. Nghe thấy tiếng ầm ào của đất đá bên trên đổ xuống, anh vội bám vào một cành cây, đu mình né sang hướng khác và may mắn tránh được. Nếu không nhanh trí, anh đã bị đá đè lên người. Trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, người đàn ông dân tộc Mông ấy chỉ biết cố gắng thật nhanh tìm đường trở về nhà. Con suối lúc sáng anh vừa băng qua chỉ xâm xấp mắt cá chân mà giờ bỗng trở nên hung dữ khác thường. Nước từ thượng nguồn đổ xuống khiến con suối dâng cao, dòng nước đục ngầu giận dữ như muốn nuốt chửng tất cả. Khi cố băng qua con suối anh đã bị dòng nước cuồn cuộn cuốn ngã. Chới với giữa dòng nước xiết, anh tưởng như số phận của mình đã kết thúc. Nhưng khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, bên trong con người luôn tiềm ẩn một sức mạnh phi thường và niềm khao khát sống mãnh liệt. Vùng vẫy giữa dòng nước xiết, anh may mắn túm được một khúc cây dập dềnh trôi. Dồn hết sức lực anh cố leo lên bờ thoát thân. Mưa mỗi lúc một to hơn. Mưa trắng trời thối đất, tối tăm mặt mũi. Không khuất phục trước thiên nhiên hung dữ, bàn tay bám đá, chân trần tứa máu anh cố lết từng đoạn, leo lên lưng chưng chừng đồi. Và anh đã tìm thấy một chỗ trú ẩn an toàn. Trời tối mà mưa vẫn xối xả, từng cơn gió rít lên từng hồi, từng hồi rùng rợn… Nơi rừng núi hoang vu này, anh Chìa phải trải qua đói rét. Mưa đến trong rừng vắt nhiều vô kể. Tiếng muỗi vo ve, tiếng vắt lách tách bám đầy chân tay cũng không làm nao núng tinh thần người đàn ông ấy. Những lúc này, anh chỉ thèm cái cảm giác được sum vầy, đoàn tụ cùng vợ con bên bếp lửa bập bùng nơi bản làng yên bình. Một mình giữa đêm tối nơi thâm u cùng cốc nhưng anh không hề cảm thấy sợ hãi. Trong bóng tối tịch mịch, anh chợt nghĩ đến cha và những hôm hai cha con đi thăm mốc về gặp mưa phải ở lại qua đêm chốn rừng núi hoang vu này. Những kinh nghiệm đi rừng cha truyền lại, lời cha dặn cứ văng vẳng bên tai anh. Cha chính là nguồn sức mạnh tinh thần giúp anh vượt qua tất cả. Cha luôn bên cạnh và che chở, bảo vệ anh khỏi những hiểm nguy…
Sáng sớm, những tia nắng ban mai lóe rạng, tiếng chim rừng lảnh lót đánh thức người đàn ông Mông ấy. Ngoài trời mưa đã tạnh tự lúc nào. Trên những phiến lá xanh mướt mát còn đọng lại những giọt nước trong veo. Sau cơn mưa mọi vật như được tưới tắm, gột rửa. Con suối anh vẫn băng qua thường ngày nước cũng đang rút dần. Dòng nước hiền hòa, lững lờ trôi. Chưa vội trở về nhà, anh Chìa chống gậy vượt quãng đường trơn trượt leo lên dốc thăm mốc. Những khi trời mưa gió, cây cối gãy đổ hay đất đá lăn dễ làm hư hỏng mốc. Các đối tượng xấu cũng thường lợi dụng mưa gió để phá hoại. Người đàn ông vừa leo vừa bò mãi cũng đến được đỉnh đặt mốc. Chân tay xây xát, tứa máu, toàn thân ướt đẫm mồ hôi nhưng khi nhìn thấy cột mốc sừng sững giữa núi rừng, không bị sứt sẹo gì, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Anh dọn dẹp, vệ sinh khu vực quanh mốc. Rồi anh dùng khăn tỉ mẩn lau chùi đất bám bẩn nơi phiến đá hoa cương kia. Dưới bàn tay chăm sóc của người đàn ông dân tộc Mông, cột mốc lại trở nên sáng đẹp dưới những tia nắng mặt trời. Với anh, được chạm vào cột mốc thiêng liêng, bao nhiêu vất vả, hiểm nguy anh vừa mới trải qua đều không đáng gì. Xong xuôi mọi việc, anh Giàng A Chìa mới yên tâm trở về bản và báo cáo lại cho bộ đội biên phòng.
- Khi đứng giữa ranh giới cái sống và cái chết như vậy, anh có nghĩ là mình sẽ từ bỏ công việc này không?
- Nếu vì gặp phải nguy hiểm mà từ bỏ công việc thiêng liêng này thì không bao giờ. Với bản thân tôi, việc trông coi cột mốc không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, là hạnh phúc. Vì vậy, những gì đã trải qua tôi thấy hoàn toàn xứng đáng.
Anh Giàng A Chìa là người cảm nhận rõ nhất được nỗi gian nan, vất vả và nguy hiểm khi đảm đương công việc này. Nhưng biết bao năm qua anh vẫn tình nguyện gắn bó với nó. Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc. Giàng A Chìa yêu Tổ quốc bằng những việc làm bình dị. Với anh, việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Hơn hai mươi năm qua, cái chân đã yêu dốc mến đèo, đã thuộc rừng bén suối để mỗi tháng anh vượt hàng chục cây số đường rừng lên với "điểm tựa tinh thần" của mình. Bất kể những ngày nắng quái hay mưa lũ, hôm nào không lên thăm mốc là anh ăn không ngon, ngủ không yên. Trái tim người đàn ông dân tộc Mông ấy luôn hướng về mốc…
Câu chuyện của chúng tôi bỗng trở nên rôm rả khi có sự xuất hiện của một chàng trai trẻ với dáng người mảnh khảnh cùng nụ cười hiền lành. Theo sự giới thiệu của anh Chìa thì đó là Giàng A Chùa, con trai đầu của vợ chồng anh. Sau Chùa còn có tới ba người em nữa. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ anh Chìa phải nghỉ học sớm ở nhà phụ bố mẹ nuôi em trai ăn học. Vì vậy bao ước mơ, hoài bão đời mình, anh đều gửi gắm vào các con. Cả bốn người con của vợ chồng anh đều được cha mẹ lo cho học hết lớp 12. Trong bốn người con, Giàng A Chùa là một người con trai sáng dạ và nhanh nhẹn. Chùa mong muốn được đi học mở mang kiến thức để về phục vụ bản làng. Sau khi học hết cấp 3 Trường Hữu Nghị Việt - Lào, Giàng A Chùa đã trở lại bản Ón rồi tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, giúp bà con dân bản phát triển kinh tế. Nhận thấy đây là một nhân tố mới có nhiều tiềm năng nên các đồng chí trong Chi bộ bản Ón đã bồi dưỡng, kết nạp Giàng A Chùa vào Đảng. Vậy là vào năm 2021, Giàng A Chùa đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Rồi một năm sau đó Chùa được bầu giữ chức Phó bản Ón khi tuổi còn rất trẻ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình từ đời ông đến đời cha luôn tích cực tham gia đóng góp cho địa phương; tình nguyện trông coi cột mốc, vì sự bình yên của biên giới nên Giàng A Chùa nhận thức được trách nhiệm của mình với bản làng nơi núi rừng hoang vu này. Mỗi lần theo cha lên thăm cột mốc, được cha giảng giải về ý nghĩa của cột mốc và trách nhiệm phải bảo vệ đường biên, mốc giới, tình yêu dành cho bản làng, cho Tổ quốc cứ lớn dần, lớn dần trong trái tim Chùa. Tôi hỏi Chùa: "Khi cha già yếu, Chùa sẽ thay cha trông coi cột mốc chứ?". Đôi mắt sáng lên, giọng Chùa chắc nịch: "Chắc chắn rồi chị. Không chỉ em mà cả các con của em sau này nữa". Rồi Chùa khẽ nhoẻn miệng cười. Nụ cười hiền lành tan vào cái nắng, cái gió miền biên ải.
*
Buổi sáng tinh mơ, chúng tôi cùng với Trung tá Trịnh Gia Ngọ và anh Giàng A Chìa lên mốc 270. Con đường tầm 10 ki lô mét lên cột mốc lổn ngổn đá dăm, đá hộc, bụi đỏ mù mịt. Nhiều đoạn bị sạt, xóc nổ đom đóm mắt. Những cung đường uốn lượn một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, những khúc cua rất gấp, hoàn toàn đủ sức thử thách bất cứ tay lái lụa nào. Trước đây để lên được cột mốc, phải đi bộ quãng đường rừng hơn 15 ki lô mét. Những ngày nắng đường mù mịt bụi đỏ, ngày mưa đường lầy lội thì bùn đất ngập nửa bánh xe không thể bò nổi. Những ai chưa quen đi đường rừng, vượt đèo, leo dốc sẽ thấy khá "sốc" khi bắt gặp những con dốc cao, nhiều đoạn dựng đứng, trơn trượt. Ngay cả những chiến sĩ nhiều năm kinh nghiệm "đi tuần tra mốc" như Trung tá Ngọ cũng không thể nào quên. Đến nay, nhờ có dự án đường vành đai biên giới mà đường đang được mở lên sát cột mốc 270, có thể đi xe máy thay vì vừa cuốc bộ vừa phát quang bụi rậm như trước đây.
Trung tá Trịnh Gia Ngọ cho biết, Đồn Biên phòng Tam Chung được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 7,347 ki lô mét đường biên giới với 4 mốc quốc giới từ 270 đến 273 đều nằm trong địa giới bản Ón, nơi cách xa vị trí đóng quân của đồn chừng 19 ki lô mét. Nếu tuần tra khép kín kiểm tra hết 4 cột mốc phải đi từ hai đến ba ngày tùy vào điều kiện thời tiết, hành quân ròng rã trên các địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và nhiều hiểm nguy rình rập.
Cuối hành trình chúng tôi phải đi bộ vượt con dốc cao khoảng 200 mét mới lên được mốc 270. Vừa leo dốc tôi vừa thở hổn hển, cứ được đoạn lại phải dừng chân nghỉ. Ấy vậy mà người đàn ông người Mông kia chẳng mấy chốc đã leo đến đỉnh rồi. "Trông anh Chìa nhỏ bé vậy mà leo núi cứ thoăn thoắt như một chú sóc ấy đồng chí Ngọ nhỉ?". Nghe tôi nói vậy, anh Ngọ cười vui: "Đã bao lần anh em chiến sĩ đồn cùng Chìa đi tuần tra cột mốc rồi nhưng đôi chân chẳng thể theo nỗi bước chân anh. Có lúc Chìa còn phải đợi anh em chúng tôi nữa đấy".
Có đi cùng mới thấm cái sự mệt nhọc, vất vả của người leo núi. Có tận mắt thấy người đàn ông tóc hoa râm cõng nước, lau khăn tỉ mỉ làm sáng lên cột mốc hoa cương mới biết người Mông cũng yêu và giữ gìn biên cương Tổ quốc đến nhường nào. Giàng A Chìa đã nối nghiệp cha mình một cách tận tụy, tận tâm như thế.
Trong tiếng xào xạc của lá rừng nơi đồi núi cao, anh Giàng A Chìa nhớ lại những ngày tháng vất vả cùng bà con bản Ón và bộ đội biên phòng dựng cột mốc. Năm 1991, bản Ón chỉ có cột mốc G3 (giờ là 270). Năm 2012, tôn tạo, tăng dày thêm ba cột mốc: 271 đến 273. Mỗi cột mốc dựng lên giữa núi rừng hoang vu là cả một câu chuyện dài, một quá trình khảo sát, định vị, đàm phán, trao đổi thống nhất giữa hai bên rồi mới tiến hành cắm mốc. Hành trình cắm cột mốc biên cương vô cùng gian nan, vất vả. Thời điểm đó đướng sá đi lại xa xôi, hiểm trở, việc vận chuyển nguyên vật liệu vào bản và nhất là đến các vị trí xây dựng cột mốc vô cùng khó khăn. Từng người dân trong bản góp công, góp sức hỗ trợ với lực lượng biên phòng cõng từng bao xi măng, từng gùi đá, gùi cát, lấy cây rừng làm gậy. Mỗi cột mốc nặng cả tấn, làm từ đá nguyên khối, lại không có đường mòn nên người dân cùng với bộ đội biên phòng phải làm ròng rọc, hò nhau kéo lên từng đoạn một…
- Để xây dựng được cột mốc bao người đã phải hy sinh mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả xương máu. Vậy mà sau khi xây xong, có người vô ý thức đập phá làm sứt sẹo, có người dân chăn dắt, buộc gia súc vào cột mốc… Buồn lắm! Chỉ tại họ chưa hiểu hết ý nghĩa của cột mốc biên giới thôi - Anh Chìa ngậm ngùi.
Chính vì vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, người đàn ông dân tộc Mông ấy không ngại vất vả lặn lội đến từng hộ gia đình trong bản, nói cho bà con hiểu mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên cột mốc; tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự bản làng... Từ việc làm của anh Giàng A Chìa, nhiều hộ gia đình trong bản Ón đã tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản cũng như tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới; chung tay cùng bộ đội biên phòng bảo vệ sự bình yên biên giới.
Đứng ở vị trí cột mốc 270, phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh núi rừng hùng vĩ, một dải biên cương trùng trùng, điệp điệp, tôi càng thấy yêu Tổ quốc mình hơn. Những ngọn núi xếp chồng lên nhau, mây trắng vấn vít sà xuống. Bên kia sau những tán rừng già là đỉnh núi Pha Luông hùng vĩ và thơ mộng đã đi vào những vần thơ của Quang Dũng: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Gió lồng lộng và nắng chói chang, tận hưởng không khí trong lành, ngắm từng dấu mốc và khung cảnh hùng vĩ của quê hương, đất nước thật là cảm giác khó tả…
*
Biên giới đẹp và bình yên đến lạ. Rời bản Ón, lời của Giàng A Chìa khiến chúng tôi vẫn còn nhớ mãi suốt chặng đường về: "Còn khỏe, tôi còn trông coi cột mốc". Chẳng vì mưu cầu lợi ích, những người con đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới xa xôi, hẻo lánh đã nối tiếp truyền thống cha ông, nguyện dành cả cuộc đời trông coi, chăm sóc cột mốc biên giới. Họ thể hiện tình yêu đất nước bằng cách góp một phần công sức nhỏ bé cùng với những người lính mang quân hàm xanh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đi dọc biên cương Tổ quốc, không chỉ nghe câu chuyện giữ đường biên, mốc giới mà còn thấy bao nụ hoa nở thắm tình quân dân và chủ quyền lãnh thổ được vẹn toàn, cũng do những con người ấy… Xin mượn vài lời thơ của nhà thơ Lại Duy Bến trong bài "Cột mốc" thay cho lời kết:
Mỗi tấc đất biên cương Tổ quốc
thấm đẫm máu xương
vương vấn hồn người
Mấy ngàn năm
dựng nước và giữ nước
thế hệ nào
Tổ quốc cũng thiêng liêng.../.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.