Ký "Ngược dòng suối Tút" | Thiếu tá Lê Hải Chuyền | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe Podcast Ngược dòng suối Tút” của tác giả Lê Hải Chuyền qua giọng đọc Huyền Linh.
Ngay sát biên giới nước bạn Lào, dưới chân núi Pù Tát, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bao đời nép mình bên dòng suối. Ông Phan Văn Xiết kể lại, người Dao chúng tôi đã định cư ở nơi đây gần một thế kỷ. Chúng tôi yêu quý từng cành cây, ngọn cỏ nơi mình sinh sống. Và ông cũng dạy con cháu trong gia đình và làng bản cách bày tỏ tình yêu bản làng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất. Chẳng có điều gì vững vàng hơn là tâm huyết, trách nhiệm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của làng, bản, bởi đó là một phần máu thịt của non sông đất nước…
Trong ngôi nhà sàn giản đơn, cái vị thơm dẻo của nếp nương quyện cùng hơi men rượu cần khiến câu chuyện giữa chúng tôi và chàng trai Phan Văn San càng thêm thân tình, ấm áp. Phan Văn San nhẩn nha kể lại: Ông nội tôi - già làng Phan Văn Xiết là người đi đầu trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi tôi còn là một cậu bé 6 tuổi đã quen thuộc với hình ảnh người ông cần mẫn đến hẹn lại khăn gói ngược dòng suối Tút lên thăm cột mốc. Trước mỗi chuyến băng rừng, ông vẫn thường dặn tôi: "Cháu ngoan ở nhà để ông với cha đi rừng làm rẫy và bảo vệ biên giới, giữ cho nơi mình sinh sống luôn đẹp đẽ và bình yên nhé!". Lúc ấy tôi chưa hiểu hết những ý nghĩa lời ông dặn, nhưng sau gần 20 năm tất cả những ý nghĩa sâu sắc ấy dần sáng tỏ trong tôi.
Bản Suối Tút những ngày này ngập tràn sắc thu, khí thu. Hơi thu nồng đượm hơn nhiều bởi sương mù che phủ, gió có phần thâm u, lạnh lẽo hơn bởi mưa lâm thâm. Ba người đàn ông nhanh chóng trở mình khỏi chiếc chăn ấm, chuẩn bị cho chuyến đi rừng kiểm tra cột mốc. Đó là cha con Phan Văn Cấu và cháu Phan Văn San cùng cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu.
Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, 22 mốc quốc giới. Trong những năm qua lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa nói chung, Đồn Biên phòng Quang Chiểu nói riêng, luôn đoàn kết thống nhất khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia. Đạt được những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trên hai tuyến biên giới của tỉnh nhà. Ngoài gia đình già làng Phan Văn Xiết còn có anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Gần 5 năm nay, cứ mỗi tháng một lần anh thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 304, đây cũng chính là cột mốc mà cha anh, già làng Lâu Văn Hự, năm nay đã gần 100 tuổi tình nguyện bảo vệ trong nhiều năm qua. Năm 2018, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho người con trai thứ 5 của già làng là anh Lâu Văn Lâu tiếp tục đảm nhận trọng trách lớn lao này.
Trong ánh sáng mờ tỏ, mẹ của Phan Văn San cũng nhanh chóng trở dậy như một thói quen. Suốt từ năm 2016 đến nay, cứ trước đêm trăng 16, mẹ của Phan Văn San đều chuẩn bị cơm nắm, sắn luộc, muối ớt, nước uống cho chồng, cho con và cán bộ biên phòng trước khi lên đường. Bà không quên nhắc chồng mang theo dao quắm. Bà bảo: "Đi rừng vào ngày trăng 16 để nhỡ đường đêm xuống nhanh còn biết lối mà quay về. Mùa này hay có lũ xuống đột ngột, để ý khe núi ở Pù Tát và Suối Tút. Hai cha con và cán bộ đi đường cẩn thận nhé", trong lời dặn dò có chút gì rưng rưng. Nỗi lòng người mẹ, người vợ là thế, dẫu miền xuôi hay miền ngược, truyền thống hay hiện đại cũng chẳng bao giờ khác được. Người phụ nữ miền ngược lại càng thế. Ý chí, tâm huyết của chồng, con cũng là ý chí, tâm huyết của cả đời mình. Ông nội, bố con Phan Văn San yêu bản làng, tâm huyết và trách nhiệm với cột mốc - biểu tượng chủ quyền quốc gia thì người phụ nữ trong nhà cũng mang trong mình tình yêu lớn lao ấy.
Khi ánh trăng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong những vạt rừng; đêm như chiếc chảo đen khổng lồ đè xuống bóng người, chúng tôi theo chân bố con anh Phan Văn Cấu và Phan Văn San lên đường kiểm tra cột mốc 286. Cột mốc 286 phân định giữa xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, nằm ở độ cao 2000m trên đỉnh núi Pù Tát. Đây là cột mốc xa nhất và cao nhất, của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, đường đi hiểm trở, trước đây thời gian cả đi và về phải mất 11, 12 tiếng đồng hồ, bây giờ vào ngày nắng ráo, thuận lợi cũng phải ngót nghét 8, 9 tiếng.
Dọc đường đi, anh Cấu kể lại: "Năm 1980, khi cột mốc G6 (sau này có thêm các cột 285, 286, 287 và 288) được xây dựng, người bác họ của bố anh là ông Tặng Phú Minh được giao nhiệm vụ trông coi. Tuy nhiên, đến năm 1985 ông Minh ốm nặng rồi qua đời, không còn ai canh giữ cột mốc G6 nên bố tôi xung phong thay bác ấy đảm nhận công việc này cho đến năm 2016".
Anh Cấu còn cho biết thêm, một trong những thời điểm khó khăn nhất với bản Suối Tút là khi đất nước vừa thống nhất, bọn phản động lợi dụng việc tuyên truyền, lôi kéo bà con bỏ bản, theo chúng sang bên kia biên giới sinh sống. Chúng hứa là sẽ giúp bà con có một cuộc sống giàu sang, không phải lao động vất vả, cực nhọc. Nhiều người lúc đó tin theo, đốt nương, phá nhà cửa, giết trâu bò ăn khao rồi kéo nhau vượt biên. Cả bản ngày ấy mới có 37 hộ thì mất 30 hộ đi vượt biên. Những hộ còn lại rất nao núng và định đi theo, ngay trong gia đình tôi lúc ấy cũng có người rơi vào tâm trạng hoang mang, dùng dằng nửa muốn ở nửa muốn đi... Nhưng lúc bấy giờ, bố tôi kiên định lắm. Một mặt, ông làm công tác tư tưởng với các thành viên trong gia đình, củng cố niềm tin cho số bà con còn ở lại bản. Mặt khác, ông đã nhanh chóng báo cáo tình hình với bộ đội biên phòng. Ông cùng lực lượng bộ đội biên phòng không quản khó khăn, vất vả, vượt nắng thắng mưa qua bao nhiêu đồi núi điệp trùng, suối sâu, đối mặt với không ít hiểm nguy để tìm cách liên lạc, kết nối, giảng giải, thuyết phục bà con quay trở lại bản sinh sống. Anh Cấu hồi tưởng lại, trong giọng kể không giấu được sự căm phẫn: Kẻ xấu đã tìm cách trả thù, ném mìn vào nhà, khi đó gia đình tôi vẫn kiên cường đấu tranh đến cùng. Và bố tôi được bầu làm già làng, cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền, dạy bà con dân bản cách làm nương sao cho năng suất, sống đoàn kết, không để kẻ xấu lợi dụng, cùng sinh sống, làm ăn thành một bản lớn cho đến tận hôm nay.
Chúng tôi cùng nhau đi trên con đường đã in dấu chân của cha anh trong suốt 30 năm nay. Từ chân dốc đến cột mốc 286 dài khoảng 8 km và phải đi bộ hơn bốn tiếng đường rừng với núi cao, suối sâu và những con dốc dựng đứng. Ngày trước còn chưa có lối đi, cây cối mọc um tùm, nhiều đoạn phải đi lom khom mới qua, anh Cấu cùng cha vừa đi vừa phát cây mở đường lên cột mốc. Những ngày nắng còn đỡ vất vả chứ ngày mưa thì đường trơn trượt, không vượt suối nhanh thì nước nó cuốn mình đi trong nháy mắt. "Sợ nhất là bọn vắt với muỗi rừng, cứ thấy hơi người là xúm lại, đốt đến khi no vằng máu. Nhưng chúng có thể làm chân cha tôi chảy máu chứ không làm ý chí của cha tôi mất đi được" - anh Cấu tâm sự. Và giờ đây, anh Cấu thay cha vẫn đi trên lối ấy, đi để đến nơi thiêng liêng của Tổ quốc, để thấy thêm tự hào về từng tấc đất quê hương.
Được theo bước hành trình mà bố con anh Phan Văn Cấu lên kiểm tra cột mốc trong suốt 30 năm qua, lòng chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Bởi đây là hành trình của tình yêu, của nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm đáng trân trọng. Thời tiết bắt đầu nắng lên, đôi chân của chúng tôi chẳng thể theo nổi bố con anh Cấu nữa, miệng vừa nói vừa thở: "Nghỉ một chút đi anh ơi". Chúng tôi cũng chọn một tảng đá to nhất bên dòng suối Tút để nghỉ, anh Cấu lấy con dao quắm trong túi hành lý chặt nhanh một ống nứa để làm chiếc điếu cày và nhả những làn khói, mắt nhìn về tôi và người con trai rồi kể: Trước đây khi bố còn trẻ theo chân ông nội con từng ngày. Quãng đường từ nhà ta đến cột mốc rất xa và khó khăn nên ông đã chỉ cho bố cách giữ sức để trèo đèo vượt suối an toàn. Ông nội bảo bố phải thường xuyên đi nương rẫy, đi rừng thì mới phát hiện các đối tượng xấu, người lạ mặt qua lại biên giới trái phép, xâm hại cột mốc, buôn bán ma túy… để báo cáo kịp thời cho bộ đội biên phòng xử lí.
Cách đây hơn 10 năm, cũng trên cung đường này, ông nội của Phan Văn San đã phát hiện 2 đối tượng vận chuyển ma túy. Ông đã kịp thời liên hệ, báo cho bộ đội biên phòng bắt giữ, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Rồi những lần theo chân ông tới cột mốc 286, nhìn cột mốc lấm lem bởi mưa bụi, ông nghiêng người, kéo vạt áo mình lên lau sạch vết bẩn, ghi chép hiện trạng cột mốc vào cuốn sổ tay. Trong những bữa cơm gia đình hay những khi ngồi chuyện trò, ông cũng đã trải lòng và dặn dò con cháu rằng: "Biên giới Tổ quốc là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cha ông ta bao đời đã đổ xương máu đấu tranh mới có được nên con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ. Giờ tôi như con ngựa già... Vì thế, dạo này tôi hay đưa thằng Cấu đi theo, giảng giải cho nó hiểu thêm về tầm quan trọng của cột mốc biên giới. Mai này tôi có khuất núi, nó sẽ thay tôi tiếp tục công việc này…".
Không chỉ tận tụy với công tác bảo vệ đường biên, gia đình già làng Phan Văn Xiết cũng là một tấm gương cho người dân bản Suối Tút noi theo. Già làng Xiết có sáu người con, ba trai, ba gái. Các con đều tham gia công tác xã hội rất tích cực, trong đó, người con cả Phan Văn Cấu hiện giữ chức Bí thư chi bộ bản Suối Tút; con thứ Phan Văn Sụ làm phó bản kiêm công an viên.
Sợ màn đêm phủ phục xuống lúc nào không hay, chúng tôi vội vã tiếp tục hành trình. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến được cột mốc 286 khi nắng đã dội xuyên qua tán rừng rậm, hắt lên gương mặt ướt đẫm mồ hôi và từng nhịp thở hổn hển. Chân cột mốc phủ phê lá rụng. Cũng như những lần "gặp gỡ" khác, chúng tôi chỉnh lại trang phục, đứng nghiêm trang giơ tay chào cột mốc. Một nghi thức linh thiêng giữa đại ngàn trùng điệp. Đặt tay lên ngực mình để thấy Tổ quốc mãi nơi đây. Rồi mỗi người một việc, anh Cấu kiểm tra thân mốc; con trai anh Cấu bẻ những cành cây tươi kết thành cái chổi để quét dọn những lá khô, lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ Việt Nam, Lào và con số in trên hai mặt chính của cột mốc, phát quang xung quanh… Xong xuôi đâu đó, anh Cấu lấy điện thoại trong túi ra chụp xung quanh cột mốc, đồng thời anh cũng lấy ra cuốn sổ nhỏ ghi chép lại nội dung đã kiểm tra.
Chúng tôi tìm một vị trí thuận lợi, cầm chiếc bế mà sáng nay chị Phan Thị Náy, vợ anh Cấu chuẩn bị ra ăn, lấy sức cho "lượt về". Bữa cơm vội giữa núi rừng, bên cột mốc hôm ấy sao mà ngon, mà rưng rưng nhớ mãi. Anh Cấu vừa ăn vừa nói với con trai của mình bằng cả tiếng Dao và tiếng Kinh: "Cột mốc này có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là ranh giới chỉ rõ chủ quyền của đất nước ta. Do vậy mỗi người dân như chúng ta phải có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự nguyên trạng của những cột mốc này. Chúng ta phải luôn quý trọng cột mốc như chính cơ thể của mình, không ai bảo vệ cột mốc hiệu quả bằng chính những người dân như chúng ta con ạ".
Đang tâm sự cùng tôi và con trai, thời tiết bắt đầu mây che ánh nắng mát dần, chúng tôi khẩn trương thu dọn đồ, bởi anh biết mưa có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, việc quay xuống có thể gấp hai lần thời gian và vất vả hơn nhiều. Anh Cấu biết sẽ có mưa xuống nên đã chặt cho tôi và cháu San mỗi người một cái gậy khi xuống dốc dùng gậy để hãm, đi được khoảng 1/3 quãng đường vô tình anh Cấu phát hiện phía bên trong cạnh đường đi có cái nồi đang còn đặt lên 3 hòn đá, vỏ gói thuốc lá ngoại, vỏ lon bia ngoại một số vật dụng. Chúng tôi nhìn xung quanh và thấy anh Cấu vẻ mặt lo âu, anh nói với con trai bằng tiếng dân tộc Dao… Sau đó anh lấy chiếc điện thoại ra để gọi nhưng không có sóng, anh nói với tôi và con trai xuống trước, hình ảnh xuống dốc của anh cũng xa dần. Tôi và con anh tiếp tục lẽo đẽo theo sau, khi xuống đến địa điểm có sóng anh đã kịp thời gọi điện cho Chỉ huy Đồn Biên phòng Quang Chiểu, trực tiếp Thiếu tá Chu Đình Giáp, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu trực chỉ huy, đơn vị đã khẩn trương triển khai lực lượng tuần tra gồm 5 đồng chí do Trung tá Nguyễn Văn Lương, nhân viên Đội Vận động quần chúng làm tổ trưởng vào bản phối hợp với dân quân bản tuần tra, xác minh, nhận định tình hình báo cáo chỉ huy Đồn có hướng xử lý.
Trời nhá nhem tối, đoàn chúng tôi đã xuống đến chân dốc đầu bản. Trong căn nhà sàn lộng gió đại ngàn, như thường lệ anh Cấu cùng với con trai lại đứng trước bàn thờ bố miệng lẩm nhẩm, tôi đứng gần đó chỉ nghe được đại ý: "Bố ơi hôm nay con và cháu San cùng cán bộ biên phòng đi kiểm tra cột mốc, cột mốc vẫn còn nguyên vẹn. Trên đường đi về con đã phát hiện một số vật dụng của đối tượng lạ, con đã kịp thời báo cáo cho đồn biên phòng rồi".
Từ thông tin của cán bộ phụ trách địa bàn, chúng tôi biết được, ông Xiết mất năm 2016. Trước khi mất, ông vẫn nắm chặt tay cán bộ biên phòng dặn dò: "Tôi không ở lâu được nữa, việc trông coi cột mốc tôi đã nhắn gửi cho con, cháu tiếp tục thay cha đảm nhận việc này. Cháu yên tâm về báo cáo cho chỉ huy đơn vị được biết". Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, bản Suối Tút tự hào có gia đình cụ Xiết 3 đời gìn giữ, bảo vệ cột mốc. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng hơn 30 năm qua, già làng Xiết, con và cháu của cụ làm hoàn toàn bằng tinh thần tự nguyện. Với gia đình già làng Xiết đó là cách giản dị và ý nghĩa để thể hiện tình yêu của mình với quê hương, với Tổ quốc Việt Nam - Tổ quốc duy nhất trong trái tim của đồng bào Dao bản Suối Tút nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Ghi nhận những đóng góp của gia đình già làng Phan Văn Xiết đó là những Bằng khen, Giấy khen được Đảng, Nhà nước, Bộ đội Biên phòng trao tặng được gia đình treo ngay ngắn, thẳng hàng theo từng năm, có những Bằng khen không còn nhìn thấy chữ nữa. Chúng tôi cũng được anh Phan Văn Cấu vào trong buồng cầm ra một cái túi, kỷ niệm của bố là những kỷ niệm chương với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia, về công tác dân vận…
Dư âm, cảm xúc về chuyến đi rừng, kiểm tra cột mốc 286 còn lắng đọng trong tâm trí, một ngày "thu rất thật thu" giữa lòng phố, chúng tôi vui mừng nhận được tin anh Phan Văn Cấu thông báo cháu Phan Văn San con trai anh có giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Khi ở trên biên giới cháu San tâm sự, ước mơ của mình là học thật tốt để có thể vận dụng những kiến thức đã học được vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho xã nhà. Câu chuyện về gia đình già làng Phan Văn Xiết, được nghe những câu chuyện về gia đình ông, chứng kiến những việc con và cháu ông đang làm khiến chúng tôi thật sự khâm phục và trân trọng tấm lòng của gia đình ông với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ. Cả cuộc đời ông Phan Văn Xiết và con ông Phan Văn Cấu, cháu Phan Văn San luôn vững niềm tin không đâu bằng Tổ quốc mình. Những việc làm của gia đình ông đã góp phần lan tỏa tinh thần, trách nhiệm bảo vệ đường biên cột mốc, quê hương cho nhiều thế hệ người Dao của bản Suối Tút nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp dải đất hình chữ S này nói chung - một phần gắn bó máu thịt trong khối đại đoàn kết dân tộc. Lẽ sống, niềm tin ấy sẽ sống mãi trong tâm trí mỗi người dân nơi đây, như dòng suối Tút vẫn chảy một cách kiên gan, bền bỉ suốt hàng triệu năm qua…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.