Truyện ký “Người Cồn sỏi” - Đăng Văn | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe Truyện ký “Người Cồn sỏi” của tác giả Đăng Văn qua giọng đọc của Lê Dung.
Năm 1966 chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đã đi vào giai đoạn ác liệt nhất, khủng khiếp nhất và cũng tàn bạo nhất. Các cây cầu và những con đường là mục tiêu chính của những trận oanh tạc dữ dội từ máy bay Mỹ. Làng tôi nằm giữa hai cây cầu Hàm Rồng và cầu Tào, hai trọng điểm đánh phá của địch nhằm triệt tiêu con đường huyết mạch của miền Bắc chi viện cho mặt trận miền Nam đánh Mỹ. Vì miền Nam thân yêu, miền Bắc thực hiện mỗi người làm việc bằng hai trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Anh cả Minh nhà tôi một lao động chính, trụ cột quan trọng nhất trong một gia đình đông nhân khẩu và một số xã viên Hợp tác xã nông nghiệp đang ở tuổi sung sức được điều vào lực lượng Dân quân tự vệ của làng Phượng Đình, rồi được giao nhiệm vụ trực chiến đấu cùng với dân quân Hàm Rồng bắn máy bay Mỹ. Phượng Đình làng tôi rộng dài chưa đầy một ki lô mét vuông nhưng ngay từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc làng tôi đã trở thành cái túi bom đạn. Các loại bom từ trên trời ném xuống, đạn pháo tầm xa từ ngoài biển câu vào. Thương vong hầu như sảy ra mỗi ngày, mỗi giờ sau trận oanh kích của địch. Có gia đình chỉ còn trơ lại những đứa trẻ mồ côi nheo nhóc rất thương tâm, nên việc sơ tán để tránh thiệt hại về người và của được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thực hiện triệt để, hơn nữa cũng là thực hiện chính sách phát triển kinh tế Văn hóa ở miền núi, gia đình tôi cùng bảy mươi hộ trong diện được vận động và tình nguyện ký đơn đi xây dựng kinh tế ở huyện miền núi Thạch Thành.
Thông tin đi xây dựng kinh tế miền núi vừa phổ biến, nhà tôi có ngay cuộc họp do cha tôi làm chủ tọa. Thế là trong đại gia đình cả thảy bốn thế hệ từ đây sẽ phải tách hộ. Bà nội, bố mẹ, một chị một anh và tôi là một gia đình. Vợ chồng anh cả Minh ngày đó mới có cu Khánh bấy giờ tầm bảy tuổi, bé Hương năm tuổi, bé Thủy (zách) ba tuổi đi phía tả ngạn sông Bưởi. Bên này cha tôi là chủ hộ, theo chú Nguyễn Lương Bảo chồng người dì bên mẹ, chỉ huy dẫn mười lăm hộ lên cấy cư tại làng Cự Môn, xã Thạch Đồng.
Vào tháng chín năm Bính Ngọ tiết trời se lạnh, những chiếc lá bàng trước nghè Thượng đã đốm vàng, dưới bến sông Tuần là nơi tập kết người và đồ đạc. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc chia tay đẫm nước mắt giữa người đi và người ở lại. Đồ đạc bàn ghế, rương hòm, giường tủ phục vụ sinh hoạt của các gia đình được vận chuyển lên thuyền đi bằng đường thủy, lại thêm mỗi khẩu được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ hai mươi cân gạo. Đoàn thuyền vận tải của xã Hoằng Anh căng buồm rời bến để bắt đầu ngược dòng sông Mã, đến địa phận giữa hai xã Vĩnh Khang- Vĩnh Thái huyện Vĩnh Lộc, thuyền rẽ lên sông Bưởi, qua phà Công, phà Cổ Tế đến bến đỗ Kim Tân, "thủ phủ" của huyện Thạch Thành. Thạch Thành là huyện miền núi, cách cầu Hàm Rồng quê tôi chừng năm mươi cây số.
Rời đường sông, đoàn người già trẻ bắt đầu nối đuôi nhau rồng rắn ngược miền sơn cước. Các em bé đứa ngồi xe thồ, đứa ngồi lọt thỏm trong thúng của bà, của mẹ. Họ nối nhau đi trên triền đê sông Mã, qua Hoằng Khánh, qua bến Ba Bông, qua Vĩnh An, Vĩnh Minh, Vĩnh Tân, Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc, rồi bắt đầu ngược dốc Eo Lon. Eo Lon trước đó là trại chăn nuôi bò của xã Thành Long, nơi đây hoang vu hiểm trở. Mùa mưa dốc trơn, mùa hè nắng nóng như đổ lửa, không một bóng cây nên có nhiều người gồng gánh từng bị say nắng trên đỉnh dốc Eo Lon.
Các hộ định cư bên xã Thành Tiến phía tả ngạn sông Bưởi có khoảng bốn mươi bảy hộ, được chia ra thành ba đoàn. Ông Nguyễn Lương Mưu cán bộ cốt cán lão thành, của HTX Phượng Tiến làng Phượng Đình dẫn mười tám hộ dân lên lập nghiệp tại làng Thành Văn, nay là thôn 1. Đoàn thứ hai do ông Lại Tiến Chểnh hồi đó đang là chủ nhiệm HTX Tam Hùng Tiến, dẫn đầu hai mươi hộ lên làng Thành Hùng, nay là thôn Ba. Anh cả Minh của tôi dẫn đoàn có chín hộ lên làng Liêu Sơn, nay là thôn Bốn. Miền đất hứa Thành Tiến nơi họ đến là một xã miền núi, cách trung tâm huyện chừng hơn ba km về phía Nam, cửa ngõ quan trọng từ quốc lộ 1A qua Hà Trung, qua Vĩnh Lộc đi qua xã Thành Long, qua Thành Tiến đến thủ phủ huyện Thạch Thành. Xã có hai dân tộc Kinh và Mường sinh sống trên diện tích 837,01 ha, đây là vùng bán sơn địa; đồi Đá, đồi Than, đồi Khử, đồi Chuối, có cánh đồng chiêm chạy dài đến tận đồng cỏ Bái Trời.
Làng Liêu Sơn có Cồn Sỏi, còn gọi là Lũng Chờ, diện tích khoảng bốn ha, cồn đồi ấy mỗi lần nước lụt dâng lên hệt như một hòn đảo. Thuở hoang sơ ở đây chi chít cây gai sọng, cà gai leo, tre gai mọc như thành như lũy, cũng là nơi hang ổ của lũ chuột đồi, rắn rết. Cái tên Cồn Sỏi có lẽ vì trên đó đa phần là sỏi đá. Đây lại là "bến đỗ" của chín hộ dân miền xuôi mà anh trai tôi lựa chọn, để rồi chính mảnh đất Cồn Sỏi có một thời khởi sắc, một thời huy hoàng, rồi một thời tàn lụi với bao câu chuyện vui buồn. Cồn Sỏi vẫn đầy ắp kỷ niệm với một thời vượt khó của những người cả đời quen cầm cày cầm cuốc. Không quản ngày đêm, mưa giông bão tố, họ một nắng hai sương để khai phá đất hoang, biến sỏi đá đồi hoang thành cơm áo, tất cả cho cuộc sống mới khởi sắc. Họ bên nhau lúc tối lửa tắt đèn, giúp nhau dựng lên từng ngôi nhà tranh vách đất. Cồn Sỏi qua bàn tay lao động cần cù của chín hộ dân làng Phượng Đình nên từ sỏi đá khô cằn chẳng bao lâu đã được thay bằng màu xanh của sự sống, của đại ngàn rau củ quả, trên thế đất cao hơn đó là lạc vừng, ngô đậu, sắn khoai, tín hiệu vui cho cuộc sống no đủ.
Anh cả Minh trưởng bản Cồn Sỏi, kẻ "vác tù và hàng tổng" lăn lộn với công việc làng xã, chòm bản, cùng các anh Bùi Ngọc Sử, Bùi Đình Giáp, Bùi Đình Viết là bộ tứ của làng hồi đó. Anh cả Minh của tôi có nghiệp vụ về kế toán, bởi trước đó anh từng là kế toán cho Ty Thủy sản Thanh Hóa, chữ lại rất đẹp nên kiêm cả việc kẻ vẽ khẩu hiệu áp phích. Thời đó Liêu Sơn còn nghèo và lạc hậu, ban đêm việc lớn trong nhà trong bản chỉ dùng thứ ánh sáng bằng những ngọn đuốc, được thắp sáng lên bằng thứ dàu mazut. Anh cả Minh lại sáng kiến hơn, anh thắp sáng bằng loại đèn Axitylen còn gọi là đèn đất, đèn này còn có thể dùng đi man cá về đêm. Anh là người có chiếc đài bán dẫn RIONTONG của Hung Ga Ry đầu tiên ở Thành Tiến thời đó, mỗi lần đi họp anh mang theo bên hông, có hôm cho đài nói oang oang giữa sân kho Hợp tác, chiếc đài phục vụ cho cả làng cả xã cùng nghe mỗi lần hội họp. Thứ bảy chủ nhật, các cụ ông trong làng Liêu Sơn thường rủ nhau chống gậy ra Cồn Sỏi uống nước chè cùng mấy cụ miền xuôi, cùng trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nói chuyện phong tục tập quán rồi nghe "kể chuyện cảnh giác, sân khấu truyền thanh" từ chiếc đài phát ra.
Trường cấp I cấp II của xã thời đó chỉ lèo tèo mấy nhà tranh tre xiêu vẹo, bàn nghế chỉ là những đoạn tre gốc luồng ghép lại. Lớp học trống hoác, mùa Đông gió lùa tứ phía. Anh Minh cùng bộ tứ làng Liêu Sơn ra sức vận động bà con lên rừng chặt nứa đan phên để che chắn cho con em mình đỡ rét, chặt cây luồng cây bương làm cột cờ, chôn cây tre gác ván làm cổng trường, chữ " TRƯỜNG CẤP I – II XÃ THÀNH TIẾN" được anh kẻ chữ in không chân bằng thứ bột Oát màu trắng pha keo khiến mấy cụ già bản đến xem gật gù khen ngợi. Anh Sử đã tiến cử ngay anh Minh vào Ủy viên Văn Hóa của xã. Hai con người này có lẽ tâm đầu ý hợp, họ đồng niên, lại đồng ngũ từ hồi đi lính Điện Biên Phủ. Anh Sử kể: những ngày khó khăn nhất của gia đình anh nếu như không có anh Minh thì vợ anh chắc đã không còn. Chị đã mắc phải căn bệnh mà các bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới, thầy bà tứ xứ, thuốc tây thuốc ta đủ cả nhưng bệnh của vợ anh mỗi ngày một thêm nặng. Thôi thì còn nước còn tát! Anh Minh đã động viên anh Sử đưa vợ về quê chạy chữa xem sao. Ở làng tôi có một ông lang vốn nổi tiếng cả vùng Hoằng Hóa lúc bấy giờ, ông cũng là người "phi nội tắc ngoại" trong gia đình vì vợ ông là em bố tôi, đôi bạn con dì, ngược lại ông lại là anh mẹ tôi trong ngôi thứ dòng họ, rồi may mắn làm sao! sau một thời gian dài chữa trị bằng các bài thuốc gia truyền, kết hợp với châm cứu đốt xạ trên các huyệt đạo, căn bệnh tưởng như vô phương cứu chữa của chị Sử đã được đẩy lùi, từ đó hai nhà đã thân lại càng thêm thân thiết hơn.
Hồi mới mười hai mười ba tuổi, thi thoảng vào những ngày Chủ nhật, tôi lại từ làng Cự Môn sang tận Thành Tiến bên kia sông, chỗ anh trai Nguyễn Đăng Minh để chơi thăm các cháu của mình, quãng đường chỉ bảy tám cây số nhưng phải " lụy đò" bởi cách sông cách bến, đó là bến đò Đồng Trạch hai bên dốc bến cao thăm thẳm đi bộ đã khó, nếu vác xe đạp xuống đò lại càng khó khăn hơn, nhất là đối với một đứa trẻ. Không sao ! Chả khó khăn nào ngăn cản được bước chân tôi đến với người ruột thịt của mình. Qua dốc đò đã gian truân rồi, khi đến Hón Nga tiếp tục lại phải vượt qua dốc cao, suối sâu, phía dưới chân nước từ phía đập Đồng Ngư dồn về chảy xiết, lổn nhổn các viên đá gập ghềnh, tôi vẫn cứ đi! Đi như một thử thách chính mình, như thách đố với núi cao, suối sâu.
Cồn sỏi trông xa lờ mờ như một chú rùa con đang lồm cồm bò vào làng Liêu Sơn. Liêu Sơn đây rồi! chỉ một bận dao quăng nữa là đến nhưng thử thách vẫn chồng thử thách, con đường hồi đó chỉ hẹp như bờ mương, mỗi lần lũ lụt là mỗi lần các nổ lội lại phình to ra, sâu thêm xuống bởi do các dòng chảy xuyên qua. Phải vượt qua nhiều nổ lội như thế, có chỗ bờ cách bờ vài ba sải tay người lớn, có chỗ bùn ngập sâu tận đùi. Vào những ngày mưa đất nhão nhoét bám dính chặt vào bánh xe đạp, nếu là xe có chắn bùn thì không tài nào dắt được, chỉ bằng cách vác vai. Mưa dầm người lớn thường phải cõng con em mình trên vai để đưa chúng tới trường đi học.
Cồn Sỏi có năm lụt về nước dâng tận nền nhà anh tôi, dù ngôi nhà đã ở trên cao, mấy đứa cháu lõm bõm úp nơm, bắt cá rô, lươn, trạch ngay trong sân nhà mình. Anh cả Minh của tôi thì lủng lẳng chiếc giỏ bên hông thỉnh thoảng lại cong lưng kéo vó ngay chái bếp. Chị dâu loay hoay hì hục với mấy gánh rau chạy lụt phải nhổ non. Chị dâu tôi là người phụ nữ chân quê, một người lao động cần cù, lúc nào quần cũng xắn ống thấp ống cao, chị vừa ăn cơm vừa cho con bú. Thông thường những bữa cơm bao giờ chị cũng chỉ ăn củ khoai củ sắn được hấp trên nồi, phần phía dưới là cơm chị dành cho các con mình, những năm thất bát mất mùa cơm độn toàn ngô với sắn. Cơm xong chỉ kịp uống bát nước rồi lại lao vào công việc, từ dần sàng đến bờ bãi lúc nào chị cũng luôn tay, luôn chân. Trước ngày phiên chợ chị thức gần như cả đêm. Hành tỏi, rau củ rửa sạch bóng, rễ trắng tinh. Tờ mờ sáng chị đã kẽo kẹt đòn gánh trên vai đến chợ Kim Tân, có hôm đi chợ tận dưới Thành Long.
Anh cả Minh có ba cháu sinh ở dưới quê cũ là làng Phượng Đình đó là Khánh, Hương, Thủy. Sau này cái Phương, cu Hội và cu Trường được sinh ra trên đảo Cồn Sỏi nơi quê hương mới. Anh tôi là người coi trọng chữ thánh hiền, nên việc học của các con bao giờ cũng được anh chú ý hàng đầu, anh luôn tạo cho các con điều kiện tốt nhất, cũng tạo cho các con sự hứng thú trong việc học tập. Anh tôi rất chiều ba đứa con gái "rượu", Mỗi khi ra phố hay về xuôi bao giờ cũng có quà cho các con, quà chỉ là chiếc cặp ba lá nhưng lại có tác dụng động viên rất lớn đối với các cháu, cả ba chị em, Hương, Thủy, Phương lúc nào cũng được bố quan tâm đầu tóc gọn gàng, những quyển sách giáo khoa anh thường căn dặn các cháu phải bọc bìa, bảo quản thật cẩn thận, không được làm quăn mép, không viết vào sách. Thời thiếu thốn, cứ năm đến sáu học sinh phải học chung một cuốn sách giáo khoa, vì thế những quyển sách giáo khoa luôn được luân phiên. Của anh của chị lại chuyền xuống cho các em dùng tiếp. Kết thúc năm học anh thường thưởng cho các cháu bằng chuyến đi chơi ra phố huyện, đến hiệu ảnh Quang Thọ chụp vài phô ảnh, uống nước ngọt xi rô hồi đó là nhất rồi. Khoái hơn cả là được ngồi đò sang sông thăm bà cố, thăm ông bà nội cùng các chú bên phía làng Cự Môn.
Cuộc sống của gia đình anh tôi đang vui vẻ đầm ấm. Cả xóm Cồn Sỏi đang bắt đầu khởi sắc. Nhiều nhà đã phấn đấu làm được nhà gỗ xoan, thay mái bằng ngói lợp, các giống cây lưu niên của mỗi gia đình đã đơm hoa kết trái, những thành quả công sức lao động đã bắt đầu được đền đáp, thì một nghị quyết lạ hoắc từ một nhân vật có lẽ là do ghen ăn tức ở của một kẻ dốt nát lại có chức có quyền trong Hợp tác xã, đã khiến cho mọi người điêu đứng. Họ buộc chín hộ dân trên Cồn Sỏi phải di rời đi nơi khác, thế là thành quả công sức lao động của chín hộ dân sau mười hai năm bị hắt đổ xuống sông xuống suối. Đó là dự án xây dựng "trại chăn nuôi bò". Ưu tiên cho dự án trang trại nuôi bò, chín hộ dân một lần nữa lại phải dời đi nơi khác với hai bàn tay trắng đến các làng, Thành Văn, Thành Hùng, Vân Sơn để làm lại từ đầu. Thế rồi Cồn Sỏi sau nhiều năm dự án "trại chăn bò" chỉ là một dự án treo, lộ rõ một ý đồ xấu xa của vài kẻ xấu, lại dốt nát hẹp hòi, tâm địa bẩn thỉu tầm thường. Tên Nh một kẻ khởi xướng trại bò hồi đó, không những không thực hiện được dự án mà vài năm sau đó hắn đã hoàn toàn lộ ra nguyên hình là một kẻ phá hoại, hắn thoái hóa biến chất, rồi sa lưới pháp luật, hắn bị bắt quả tang trong phi vụ đánh cắp chiếc máy bơm Trần Hưng Đạo của HTX nông nghiệp, một tài sản rất có giá trị của nhân dân xã Thành Tiến lúc bấy giờ. Nhận cảnh cáo, rồi hắn bị khai trừ ra khỏi Đảng. Cồn Sỏi hoàn lại bãi sỏi đá như xưa, sau này biến thành khu mồ mả của người chết.
Thương lắm chín hộ dân trên Cồn sỏi, nhưng lực bất tòng tâm. Năm 1978 các hộ phải di tản đến các làng Thành Văn, Thành Hùng. Anh Sử lại dẫn anh Minh tôi vượt đồi Khử, vượt đồi Chuối để đi tìm đất hứa cắm dùi, thế rồi họ dừng lại dưới chân đồi phía trong cùng của làng Vân Sơn cạnh một con suối cạn. Nơi đây, anh chị tôi cùng vài hộ bắt đầu làm lại từ buổi ban đầu "đi khai sơn lập địa", anh chị lại khai phá đất hoang, lại mua gỗ, mua cây để dựng nhà mới, chị dâu lại ra sức tăng gia trồng trọt rau màu, đất rộng trồng được nhiều cây lưu niên. Đất không phụ công người, qua đôi bàn tay lao động cần mẫn, vườn cây hoa trái lại đơm hoa kết trái.
Nơi ở mới hẻo lánh, đường đi đến trường càng xa hơn, nên việc học hành của những đứa trẻ gặp khó khăn gấp bội. Nhưng tất cả đều phải khuất phục trước sự nỗ lực phi thường của anh chị tôi những con người cần cù lao động. Các cháu những đứa trẻ chăm ngoan hiếu học lại một lần nữa phải gồng mình lên mà vượt khó, vượt qua hoàn cảnh của gia đình mình để không phải bỏ dở chuyện học hành. Nơi ở mới tuy hẻo lánh nhưng đổi lại đất đai có phần màu mỡ, lại có thể đào được ao thả cá trên đồi, nguồn nước dồi dào. Phía trước nhà nhô lên hòn đá, không biết ai đã đặt tên, hoặc có tên từ bao giờ, chỉ nghe mọi người vẫn gọi là hòn đá Bông, sau này hòn Bông đã ghi lại nhiều kỷ niệm tuổi thơ của bọn trẻ cháu tôi, hòn đá ấy cũng chính là nơi các cháu đã ngồi học bài, trông nhà giữ vườn rau của mẹ khỏi lũ gà vào quấy phá. Vào các buổi trăng suông đám trẻ con của cả mấy gia đình lân cận tụ tập chơi ú tim bên hòn đá Bông. Những lần tôi về phép thường mang theo máy ảnh, hòn đá Bông là nơi chụp ảnh cho mấy đứa cháu đáng yêu, có lần cho cu Trường đeo súng săn cưỡi chú lợn đen để chụp ảnh, con lợn cao to như loài hà mã, khiến cha tôi bật cười. Cụ lại tấm tắc khen: "Thằng ni giỏi, lớn lên cho vô lính Biên phòng tha hồ phi ngựa". Cu Hội lại khác, nó thích chụp ảnh được đội chiếc mũ mềm trên có gắn ngôi sao, việc chụp ảnh bao giờ nó cũng thấy quan trọng, hai tay khép hông rất nghiêm trang, môi mím mắt nhìn thẳng, trước ống kính nó không mấy khi cười, hồi nhỏ Hội có đặc điểm ngực nở, có lực hơn anh trai và đứa em nó, hai tai rất to, cha tôi có một lần nhận xét: "thằng ni lớn lên rồi sẽ mằn to, giám đốc không biết chầng, ông thấy cấy tai nó khác người, để rồi coi!".
Tháng hai năm 1985 một mất mát lớn đến với gia đình tôi, anh cả đột ngột ra đi, anh bị bệnh xuất huyết não. Thời kỳ này mới có ba cháu đã trưởng thành, cháu trai cả xuất ngũ đã có gia đình và chuyển ngành làm việc tại Công ty Thương nghiệp của huyện, cháu gái thứ hai đang dạy học tận huyện Bá Thước, cháu thứ ba chuẩn bị tốt nghiệp sư phạm 12 + 2. Cháu gái thứ tư thôi học THPT vì căn bệnh đau đầu, cháu Hội khi đó mới mười bốn tuổi, út Trường mới mười tuổi. Thế là cả gánh nặng gia đình đổ dồn vào đôi vai chị dâu tôi và đứa cháu dâu hiền lành tần tảo. Nhớ lời cha dặn khi còn sống: Các con phải cố gắng học hành. Có học sau này mới thấy giá trị cuộc sống. Hai cháu Hội và Trường vì thế đều quyết tâm học tập, dù trường học xa nhà, dù những ngày mưa bão đường xa trơn lầy lội, nhưng cũng không ngăn được tinh thần hiếu học của các cháu. Buổi sáng đến trường, buổi chiều chăn trâu giúp mẹ. Chuyện chăn trâu của hai đứa đều để lại những kỷ niệm sâu sắc, trên lưng trâu vẫn say sưa với các phép tính, với những bài học thuộc lòng, bất ngờ con trâu bị ong vàng tấn công, trâu chồm lên hất tung cu cậu xuống đất rồi tung vó phi nước đại. Hậu quả làm cu Hội bị gãy tay, đó là hồi cha Hội còn sống, cha phải mang Hội xuống tận nhà ông cụ Đích tận làng Cổ Tế để bó bột.
Khi người cha trong gia đình không còn. Anh cả thoát ly, các chị đã đi làm, đi xây dựng gia đình riêng, cháu Hội nhỏ tuổi lại trở thành trụ cột gia đình. Một buổi cháu đến trường một buổi ra đồng giúp mẹ. Nếu không ra đồng thì cuốc đất trồng rau trong vườn. Với đứa em bao giờ Hội cũng quan tâm nhất. Cháu dành nhiều thời gian quan tâm đến việc học của em trai và thế rồi không phụ lòng cha mẹ bởi những lời cha dặn lúc còn sống bao giờ cũng được các con ghi nhớ kỹ trong lòng. Hội và em trai luôn luôn là con ngoan trò giỏi sau mỗi năm học. Mùa thi năm 1989 tôi thay mặt người anh trai đã mất của mình đưa cháu ra Hà Nội dự thi, rồi kết quả thật bất ngờ, tin vui bất tận đã đến với chị dâu tôi, với gia đình chúng tôi, cháu Nguyễn Đăng Hội đã đỗ cả ba trường Đại học mà cháu tôi đã dự thi tuyển : Đó là trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là trường Đại học Quốc gia, trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên và một trường Đại học Mở. Nguyễn Đăng Hội đã chọn trường Đại học Tổng hợp để lập thân lập nghiệp.
Năm 1993 Hội ra trường với tấm bằng loại Giỏi, được nhận về công tác tại Viện Địa Lý Việt Nam. Năm 1995 theo tiếng gọi sinh viên mới ra trường nhập ngũ, thế là Hội trở thành anh lính cụ Hồ, rồi có cơ duyên với chính ngành mình đã học, Hội được tuyển về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ( TTNĐVN ) thuộc Bộ Quốc phòng với nghĩa vụ hai năm. Thời gian gần hết nghĩa vụ của Hội cũng là thời gian em út Đăng Trường đậu trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Cũng tại Thủ đô hai anh em Hội và Trường đã nương tựa vào nhau, Hội thay mẹ để động viên lo việc học tập cho út Trường. Do có trình độ ngành chuyên môn, tố chất và năng lực đơn vị đã gợi ý để Hội ở lại quân ngũ tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học. Hội chấp nhận. Tại cơ quan, Hội có điều kiện vào thứ bảy chủ nhật để dìu dắt đứa em trai của mình cho đến ngày Đăng Trường cầm trong tay tấm bằng đại học Nông nghiệp. Cứ vậy cháu Đăng Hội miệt mài với công tác khoa học, hết trong phòng sinh thái lại đến với cánh rừng, đến với dòng nước. Cùng với các nhà khoa học Nga tiến hành nghiên cứu về sinh thái, cảnh quan đa dạng sinh học, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; phục vụ công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của đất nước, niềm đam mê của Đăng Hội là làm việc và cống hiến. Năm 2004 Hội bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ trong niềm vui hân hoan của người mẹ nơi quê nhà, của các o các chú, anh chị em trong gia đình, nhất là Ngọc Thúy, người vợ người đồng đội xinh đẹp của Đăng Hội. Chưa dừng lại trên con đường chinh phục khoa học, tháng 11 năm 2015 Đăng Hội được Hội đồng Khoa học Nhà nước cấp bằng công nhận học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành các Khoa học về Trái đất.
Như vậy từ cậu bé được cất tiếng oe oe chào đời trên Cồn Sỏi tại làng Liêu Sơn năm nào, đã thấm nhuần lời người cha căn dặn: Giá trị cuộc sống chỉ dành cho những người ham học. Để rồi suốt chặng đường hai mươi bảy năm công tác khoa học Đăng Hội đã cống hiến cho đất nước cho quân đội nhiều công trình khoa học có giá trị: Hội đã công bố tám mươi ba công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành ở trong nước và quốc tế, trong đó có mười công trình trên tạp chí uy tín của thế giới, xuất bản một sách chuyên khảo, biên soạn hai giáo trình đào tạo nghiên cứu sinh. Đã hướng dẫn hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luân án Tiến sỹ, hiện tại đang hướng dẫn bốn nghiên cứu sinh, tham gia hướng dẫn nhiều sinh viên Việt Nam và Liên bang Nga trong nghiên cứu khoa học, thuộc lĩnh vực sinh thái, cảnh quan rừng nhiệt đới.
*
Ngày húy nhật của người cha kính yêu 14-2- âm lịch (2016). Đăng Hội cùng vợ Ngọc Thúy và hai con trở về làng giỗ cha, báo công lên Tổ tiên, ông bà và người cha kính yêu. Tấm bằng Phó Giáo sư là kết quả phấn đấu không mệt mỏi trong học tập công tác để đáp lại công ơn dưỡng dục của cha mẹ, sự quan tâm của gia đình.
Ba hôm sau đó khi ngày giỗ lần thứ ba mươi mốt của chồng, chị dâu tôi đột ngột lại ra đi, chị đi thanh thản như đã thu hoạch xong một mùa rau cải. Cháu cả tôi Nguyễn Đăng Khánh đã lên chức ông nội. Sau khi rời quân ngũ về địa phương xây dựng quê hương mới, từ trưởng thôn đến chủ nhiệm HTX. Chủ tịch Hội Nông dân của xã. Là chủ vườn đồi có diện tích trên ba ha. Trên đó là thanh long đỏ, là các loại cây siêu quả quý hiếm, đem về từ các vùng miền trong Nam ngoài Bắc, cũng là địa chỉ nơi cung cấp các loại giống cây trồng ăn quả trên địa bàn toàn huyện. Kết hợp một trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, ao thả các loại cá tăng sản. Nhiều năm liền được công nhận trang trại chăn nuôi trồng trọt điển hình của huyện Thạch Thành. Cháu gái trưởng nữ Nguyễn Thị Hương là cô giáo dạy trường chuyên có uy tín của huyện nhà nay đã nghỉ hưu, có ba đứa con đều đã ra trường nhận công tác sau khi đã tốt nghiệp các trường đại học với tấm bằng Giỏi. Cháu gái Nguyễn Thị Thủy, sáng dạ từ bé, chăm ngoan học giỏi hay hát, nay đã là cô Hiệu trưởng một trường Tiểu học cơ sở, cũng có hai con một trai một gái đang là sinh viên trường Đại học. Đặc biệt có gái Tố Uyên sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, khoa Đạo diễn truyền hình. Cháu gái Nguyễn Thị Phương, tuy chỉ học hết THPT do căn bệnh đau đầu, nhưng nay cũng trở thành một Doanh nghiệp tại địa phương, phát triển chuồng trại chăn nuôi, cung ứng vật tư xây dựng, hai con trai đều qua Đại học, bé út Thảo nhiều năm liền đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trai thứ Nguyễn Đăng Hội hiện nay là Viện trưởng Viện Sinh thái thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga thuộc Bộ Quốc phòng. Chủ tịch Hội Địa lý quân sự Việt Nam; Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Địa lý Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh Thái học Việt Nam; Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới, cấp hàm Đại tá. Cháu rốt Nguyễn Đăng Trường tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp hiện đang công tác, cũng có rất nhiều đóng góp cống hiến về đề tài nông nghiệp tại địa phương trên cương vị một kỹ sư đảm nhiệm công việc địa chính.
Câu chuyện nơi Cồn Sỏi của gia đình anh cả Minh. Cuộc sống vươn lên từ đôi bàn tay cần cù lao động. Tinh thần hiếu học trong gian khó của các cháu tôi là thế đó. Nơi ấy, miền đất ấy anh chị tôi nay đã lần lượt theo cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Các cháu tôi, những đứa con cháu ngoan hiếu thảo của anh chị đã thành danh, tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực tri thức. Những tấm bằng, danh hiệu của các cháu hôm nay đều có hình ảnh dáng dấp gánh rau, gánh ổi đè nặng trên vai của người mẹ những năm ở Cồn Sỏi, ở Làng Vân. Đó là trái ngọt dâng đời, là giá trị đích thực của của cuộc sống mà đương thời anh chị tôi thường mong mỏi./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.