ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 13/03/2024 16:24

Ký "Về lại Hải Hòa, một miền ký ức" | Trần Đoan Trang | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe Truyện ngắn ký "Về lại Hải Hòa, một miền ký ức" của tác giả Trần Đoan Trang qua giọng đọc Huyền Linh.

Vào sáng hè đầu tháng sáu, khí trời mát mẻ có lây phây mưa rớt sau một đêm giông lớn và sau cả một đợt nắng nóng kéo dài, tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Hải Hòa, đơn vị hiện đang trấn giữ một dải biên cương biển phía Bắc thị xã - khu kinh tế Nghi Sơn. Tôi về lại nơi đây như về lại một địa chỉ có những con người dù chỉ gặp một lần mà không thể nào quên…

Gần hai mươi năm trước, khi mới làm giáo viên trường THPT Tĩnh Gia 3 chưa được đầy nửa niên khóa, tôi may mắn có mặt trong nhóm công tác của huyện đoàn, gồm các thanh niên tiêu biểu có chút thành tựu công tác và năng khiếu văn nghệ đi giao lưu với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn nhân dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Khi thăm Đồn Biên phòng Hải Hòa, sau buổi giao lưu quân dân trẻ trung, sôi nổi, nhóm chúng tôi được các anh bộ đội đưa tới thăm gia đình ông Bùi Bá Nậu ở xã Hải Thanh, là điểm đóng quân đầu tiên của Đồn Công an nhân dân vũ trang Du Xuyên, tiền thân của Đồn Biên phòng Hải Hòa, được thành lập từ năm 1959; thăm trận địa, nơi đồn đã độc lập tác chiến, bắn rơi một chiếc máy bay AD6 của giặc Mỹ bằng súng bộ binh; thăm cửa biển Lạch Bạng, nơi thuyền bè của ngư dân trong vùng ra khơi đánh bắt cá, và cũng là nơi trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của địch, các toán tàu, thuyền, không kể ngày đêm, đội mưa bom bão đạn, chở bộ đội, vũ khí lương thực ra đảo Hòn Mê… Những cảm nhận đó cứ ấn tượng tươi nguyên mãi trong tôi. Gặp dịp Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền", nguyện vọng muốn quay lại vùng đất ký ức, gặp gỡ các anh bộ đội mang quân hàm xanh của tôi đã được thực hiện…

Hải Hòa ngày nay đã thành phường, thành địa chỉ du lịch của thị xã Nghi Sơn với những con đường mới có hè phố rộng rãi, có những dãy nhà nghỉ dưỡng, khách sạn cao tầng, bãi đỗ xe khách, xe taxi được kẻ ô nghiêm ngắn, quy củ. Đồn Biên phòng Hải Hòa đóng trên địa bàn phường cũng đã được xây dựng bề thế trên khu đất rộng thoáng có khuôn viên tường bao và cây xanh vuông vức, khang trang. Chính trị viên, Trung tá Lê Duy Lượng và Chính trị viên phó, Thiếu tá Lường Khắc Hành đã chờ sẵn, đón tôi trước cửa hội trường khu nhà Ban Chỉ huy.

Vào đầu buổi gặp, Trung tá Lê Duy Lượng cho biết, hiện tại Đồn Biên phòng Hải Hòa có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực địa bàn ven biển thị xã Nghi Sơn, dài 23,5 kilomet, gồm 9 xã/phường với cư dân là 98.409 người/25.141 hộ gia đình, trong đó có ba xứ đạo công giáo là Ba Làng, Thượng Chiểu và Hoài Yên với cư dân là 13.363 người/2.830 hộ gia đình.Dường như đã đoán trước rằng, tôi sẽ hỏi về "bức tổng quan lịch sử" của đơn vị mình nên Trung tá Lê Duy Lượng đưa cho tôi tập tài liệu in vi tính trên khổ giấy A4, đóng bìa xanh có tựa đề "Biên niên sử Đồn Biên phòng Hải Hòa" mới được Đảng ủy và Ban Chỉ huy đồn chỉ đạo biên soạn.Lật nhanh những trang sử biên niên về các sự kiện qua từng thời kỳ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong suốt 65 năm của đơn vị, tôi yên tâm về nguồn tư liệu cần thiết và tiếp tục trao đổi với các anh về các ý tưởng, nội dung đã ngẫm ngợi, đã lược định trước khi vượt chặng hành trình hơn năm mươi cây số đến đây.Trung tá Lê Duy Lượng cho biết thêm, Ban Chỉ huy đồn có năm người. Hiện tại, đồng chí Đồn trưởng, Trung tá Trương Ngọc Tùng và hai đồng chí Phó đồn trưởng là Trung tá Lê Văn Hiệp và Thiếu tá Ngô Tiến Dũng đang xuống địa phương chỉ đạo công tác phòng chống cháy, nổ, bảo vệ rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng và công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh bãi tắm trong mùa du lịch, anh và Thiếu tá - Chính trị viên phó Lường Khắc Hành được phân công đón và làm việc với tôi. Với một tâm thái cởi mở, hào hứng, Trung tá Lê Duy Lượng vào chuyện. Từ ngàn xưa, nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc đã được cha ông ta coi trọng như một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả và trọng nhiệm sinh tử nhất… Điều đó có thể thấy, khi ngự giá thân chinh đi dẹp loạn cát cứ nơi biên viễn, trên đường khải hoàn trở về, vị Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, Thái Tổ nhà Hậu Lê đã không quên đề lên vách đá núi dòng chữ: "Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an" (Nghĩa là: Phòng thủ bảo vệ biên cương phải luôn đặt sẵn các phương lược tốt nhất/ Xây dựng xã tắc giang sơn cần có các kế sách mầu nhiệm dài lâu). Đức vua Lê Thánh Tông, trong thời thái bình thịnh trị bậc nhất của Đại Việt, vẫn hằng tâm răn dặn các quan: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại vứt bỏ… nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di". Dẫn ra các phẩm chất đảm lược kinh bang tế thế của các bậc tiền nhân rồi Lê Duy Lượng khẳng định rằng, với người lính Đồn Biên phòng Hải Hòa thì từ ngày thành lập đơn vị đến nay, nhiệm vụ nào cũng quan trọng, cũng phải hoàn thành bằng được, hoàn thành với hiệu quả cao nhất nhưng nhiệm vụ kiến tạo lòng dân, không ngại gian khổ, hy sinh vì cuộc sống bình yên của người dân là quan trọng hàng đầu, là nền móng của mọi thành công và phát triển. Anh nói chi tiết hơn: "Chị thử nghĩ mà xem, chỉ với gần năm chục con người (13 sĩ quan và 35 quân nhân chuyên nghiệp) mà đảm nhiệm việc quản lý, trông coi, bảo vệ một địa bàn rộng dài đến chín xã/phường, có hai cửa sông (cửa lạch) với trung bình mỗi ngày đêm có trên dưới năm trăm lượt tàu thuyền ra khơi về bến mà nếu không dựa vào dân, không được dân đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ thì làm sao đồn chúng tôi quản cho xuể? Đó là chưa kể còn rất nhiều thứ công tác nghiệp vụ khác như an sinh xã hội, phòng chống các loại tội phạm trộm cướp, buôn lậu, ma túy, tội phạm tuyên truyền chống phá chế độ; phòng chống thiên tai, thủy hoạn, hỏa hoạn,…".

Trung tá Lê Duy Lượng có phôn, mời tham gia đoàn công tác liên ngành của thị xã Nghi Sơn đi kiểm tra đột xuất về hoạt động của hệ thống xe điện, xe taxi phục vụ du khách ở phường Hải Hòa và vùng phụ cận. Anh giao cho Chính trị viên phó Lường Khắc Hành, tiếp tục trao đổi công việc với tôi, bằng câu nói vui: "Đồng chí Hành trưởng thành từ chiến sĩ đến Chính trị viên phó đồn biên phòng bằng công tác vận động quần chúng đấy và có biệt danh là Thiếu tá Bò! Chị chịu khó "khai thác" đồng chí Thiếu tá Bò này, chắc chắn sẽ biết nhiều chuyện thú vị về công tác vận động quần chúng, kiến tạo lòng dân để được dân ủng hộ trong mọi nhiệm vụ!". Câu nói của Trung tá Lê Duy Lượng khiến tôi không ít tò mò về ba từ Thiếu tá Bò. Đây là tên gọi thân mật đùa vui hay là một biệt hiệu nào đó liên quan đến tính cách hoặc nhiệm vụ công tác của anh chàng Thiếu tá trẻ, sinh năm 1987, ba mươi sáu tuổi đời và mười sáu tuổi quân này? Để thay đổi không khí làm việc, tôi đề nghị Chính trị viên phó Lường Khắc Hành "chuyển" buổi trao đổi ra không gian hiện trường "ngoài trời", kiểu vừa đi đường vừa kể chuyện. Hành đồng ý và hứa sẽ cho tôi "diện kiến" một đối tượng mà anh đã cảm hóa thành công trong công tác vận đồng quần chúng của mình.Dọc đường, trong khi trò chuyện, tôi cũng mất khá nhiều mẹo vặt để có được một trích ngang tóm tắt về Lường Khắc Hành, Thiếu tá Bò. Sinh ra ở vùng biển huyện Hoằng Hóa trong một gia đình ngư dân nghèo, tuổi thơ của Hành khá hàn vi thất bát. Anh nhớ lại, suốt một thời gian dài, tất cả nguồn sống nuôi sáu miệng ăn trong cái gia đình nghèo của anh chỉ trông vào mỗi chiếc bè luồng, ngày ngày bám biển của người cha. Đến năm Hành học lớp 10 thì cha anh bị bệnh hiểm nghèo và qua đời sau đó hai năm, khi cậu em út mới học lớp 3. Bà mẹ góa, một tay nuôi bốn con côi, tuổi lít nhít trứng gà trứng vịt, muốn Hành nghỉ học, thay cha, làm lao động chính đi biển, kiếm nguồn mưu sinh độ nhật cho cả nhà. Nhưng rồi Hành đã năn nỉ, vận động mẹ cho anh được học tiếp. Chỉ có con đường học hành đến nơi đến chốn thì mới mong có cuộc đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo túng. Thấy con trai có chí hướng và hy vọng sẽ là tấm gương tốt cho các em tiếp bước việc học, người mẹ đã đồng ý. Bà cố sức tần tảo, làm lụng không kể mưa nắng, không quản ngày đêm để nuôi Hành và các em anh theo con đường chữ nghĩa. May sao, trong thời gian đó, Hội phụ nữ xã tín chấp vay vốn ngân hàng, mua tặng mỗi hội viên nghèo một con bò giống. Chỉ trong ít năm sau đó, từ một con bò nghĩa tình bầu bí tương hỗ ban đầu của Hội phụ nữ xã, mẹ đã nhân thành đàn bò năm con, bảy con rồi mười con… Ngày Hành tốt nghiệp Học viện Chính trị (Sỹ quan chính trị) của Quân đội, bà bán một con bò lấy tiền cho anh sắm sửa hành trang đi làm; các em anh, người nào đi học, đi làm cũng được bà tặng một con bò "quy thóc" làm chi phí ban đầu. Cậu em út mồ côi cha từ khi lên tám đến khi thi đỗ vào Trường Trung cấp Phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an cũng được mẹ anh bán một con bò làm "lộ phí" nhập học. Thế nên, với Hành, cái biệt danh Trung úy Bò, Thượng úy Bò..., rồi nay là Thiếu tá Bò được bắt nguồn từ "sự tích" bà mẹ gây đàn bò, bán từng con để nuôi đàn con ăn học, trợ giúp cho họ vào đời.

Năm 2015, đang làm công tác tại Tiểu đoàn huấn luyện - Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Trung úy Lường Khắc Hành viết đơn tình nguyện đi tăng cường bảo vệ biên giới Tây Nam gồm các tỉnh Long An, Bình Phước và Tây Ninh. Tại Long An, anh được giao trách nhiệm làm Đội phó Đội Vận động quần chúng. Đây là công việc mới mẻ và cũng là địa bàn còn lạ lẫm với Hành, thế nên anh gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn nhưng với sự tận tụy hết lòng vì dân, Hành đã tìm được cách khắc phục. Mỗi khi gặp khó, anh luôn vận dụng câu nói của đồng chí Đồn trưởng Phạm Văn Thắng: "Dù có làm trinh sát, chống ma túy, vận động quần chúng hay bất cứ lĩnh vực nào cũng không được đối đầu với dân; đối đầu với dân là hỏng". Nay, người Đồn trưởng ấy đã là Thượng tá, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh nhưng mỗi khi gặp nhau, Hành thường nhắc lại câu nói đó coi như là cái chìa khóa nhiệm mầu, mỗi khi anh gặp bí trong công tác vận động quần chúng.

Thiếu tá Lường Khắc Hành kể tiếp, khi anh chuyển công tác đến Long An cũng gặp không ít tình huống khó, có trường hợp tưởng như hỏng hết cả một cách thức xóa đói giảm nghèo mới bắt đầu thực hiện. Số là, ngày ấy, ngành khuyến nông của tỉnh có chủ trương tặng mỗi gia đình hộ nghèo một cặp gà để gây vốn làm ăn ban đầu. Một số hộ nhận gà xong thì thịt luôn đánh chén. Có hộ còn nói khoa trương lên rằng, lãnh đạo cho cặp gà, mình phải tốn thêm thùng bia nữa mới đặng được một bữa nhậu, thành ra vì cặp gà mà mình đâm ra nợ thêm bà chủ quán tạp hóa thùng bia mấy trăm ngàn. Được cử đi vận động bà con để không thịt gà và "nợ thêm tiền thùng bia bà chủ quán" nữa, Hành chợt nhớ cái cách mẹ anh gây được đàn bò nuôi bốn đứa con ăn học từ một con bò giống ban đầu. Anh đem câu chuyện đó kể bà con trong các cuộc họp dân và đề xuất với chính quyền, với ngành khuyến nông cấp lại cho các hộ đã thịt gà nhậu bia bằng một cặp gà giống mới.Người dân cảm động trước tình cảm chân thành của bộ đội biên phòng và nhận gà giống mới về nuôi.Không bao lâu, các hộ nghèo đó đã gây dựng được nhiều đàn gà, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống…

Hành trình vừa đi vừa kể chuyện của chúng tôi tạm dừng khi một người đàn ông lực lưỡng, da thịt săn chắc, múi ngực dồ lên như lực sĩ cử tạ đưa cả hai tay ra hiệu dừng trước xe. Lường Khắc Hành nói với tôi, người đang dừng xe là ngư phủ Lê Đức Giang, chính là "đối tượng" mà Đồn Biên phòng Hải Hòa đã cảm hóa được trong phong trào vận động quần chúng, hiện đã chuyển nghề, trở thành chủ nhà hàng kinh doanh ẩm thực cạnh một khách sạn lớn trên bãi biển Hải Hòa.Trong tâm trạng cảm động và tri ân, ông chủ nhà hàng Lê Đức Giang kể lại rằng, cách đây ba năm, Giang và người anh ruột là Lê Đức Dương đã được bộ đội Đồn Biên phòng Hải Hòa phối hợp với Bộ đội Biên phòng Nghệ An cứu sống ở vùng biển ngoài khơi, thị xã Cửa Lò trong một trường hợp thiên tai mười phần chắc chết. Ngày ấy, hai anh em Dương và Giang lái hai chiếc bè đi câu mực ở ngoài khơi vùng biển Nam Thanh, Bắc Nghệ. Đang mải mê công việc thì bộ đội Đồn Biên phòng Hải Hòa truyền tin, gọi loa cảnh báo, một áp thấp nhiệt đới hình thành rất nhanh trên biển Đông, đang mạnh lên thành bão, yêu cầu mọi ngư dân phải cấp tốc đưa thuyền về bến. Lúc đầu, hai anh em Dương, Giang chấp hành lệnh của bộ đội, đưa bè vào bến neo lại như mọi ngư dân khác. Nhưng sau đó, họ lại nẩy ra ý tiếc rẻ, vì theo kinh nghiệm, trước khi bão lớn đổ về thường có nhiều tôm cá nổi lên mặt nước. Thế là hai người mạo hiểm "cắt neo", bí mật cho bè ra biển hòng kiếm được mẻ vét, bội thu. Bất ngờ giông gió ập đến, hai cái bè bị sóng đánh, lật úp, hai anh em Dương và Giang bị cuốn trôi ra khơi. Họ bám vào các thùng xốp, phó mặc sự sống còn cho sóng nước, bão bùng…Tại Hải Hòa, không liên lạc được với người nhà, vợ Dương, vợ Giang quẫn trí la lối ầm ĩ, buông những lời xúc phạm, đổ lỗi cho bộ đội đồn biên phòng không biết quản người thân của họ, không ngăn chặn kịp thời sự mạo hiểm của ngư dân…Trước thái độ bức xúc cực đoan vô lối đó, Hành và các đồng đội của anh vừa kiên trì khuyên giải, động viên gia đình của Dương và Giang, vừa liên hệ với lực lượng biên phòng của đồn bạn, tỉnh bạn. Một nhóm công tác được cử vào thị xã Cửa Lò phối hợp với Bộ đội Biên phòng Nghệ An tìm kiếm nạn nhân.Được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Cửa Lò, ngày hôm sau, người anh là Lê Đức Dương đã được cứu, nạn nhân đã quỳ, tạ trước các chiến sĩ biên phòng như tạ các đấng cứu tinh. Sang ngày tiếp theo, ngư phủ Lê Đức Giang cũng được cứu sống. Hai anh em được Bộ đội Đồn Biên phòng Hải Hòa đưa về quê. Khỏi nói là người thân của họ đã hối lỗi và biết ơn bộ đội biên phòng như thế nào. Kể đến đó, đôi mắt của Lê Đức Giang chớp chớp như cố ghìm, khỏi bật khóc.Bài học để đời từ cơn thoát hiểm sinh tử của anh em Lê Đức Dương, Lê Đức Giang đã được các anh bộ đội Đồn Biên phòng Hải Hòa làm "tài liệu" trong các cuộc họp dân phổ biến về Luật Biên phòng, về các quy định chấp hành nội quy làm ăn trên biển của ngư dân. Vừa rồi có hiện tượng một số cơ sở du lịch định đưa khách ra đảo Hòn Mê hoặc chạy tàu ngoài khu vực an toàn của bãi tắm một cách tự phát, Đồn Biên phòng Hải Hòa đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn kịp. Trong các biện pháp kịp thời đó, câu chuyện được cứu sống của anh em Lê Đức Giang đã được lấy làm ví dụ để tuyên truyền và cảnh báo đến mọi người dân trên địa bàn.Khi đi qua khu nhà thờ của Giáo xứ Ba Làng, tôi hỏi Thiếu tá Hành về công tác vận động quần chúng trong đồng bào Công giáo, anh kể, công việc thì ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Điều quan trọng nhất là luôn hòa nhập vào cuộc sống của người dân. Chân thành, thấu cảm cuộc sống, tâm tư của người dân thì mới đưa ra giải pháp tốt nhất. Đối với đồng bào theo đạo, mình cần tôn trọng, quan tâm đến thái độ ứng xử, đến tình cảm kính Chúa yêu Nước của bà con. Mọi cử chỉ, từ nói năng đến hành động đều phải chuẩn mực, cẩn trọng nhưng gần gũi, thành tâm, lễ độ và nhân văn. Thế nên, mọi sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp ở Đồn Biên phòng Hải Hòa, đặc biệt là những người làm công tác vận động quần chúng luôn luôn cần nuôi dưỡng và làm lan tỏa nhiệt huyết công tác, tinh thần gắng gỏi tích cực, kiên trì xây dựng hình ảnh tốt đẹp, gương sáng danh dự của người lính biên phòng để hình ảnh và gương sáng đó kết đọng, neo giữ trong lòng dân, thành trì bền vững nhất, nền móng chắc chắn nhất của tình quân dân, tác nhân hàng đầu để "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành/ Khó khăn nào cũng vượt qua/ Kẻ thù nào cũng đánh thắng" và bảo vệ "Biên cương một dải vững bền"…. Đi hết cả năm vị trí đóng quân trong suốt 65 năm của Đồn Biên phòng Hải Hòa rồi theo một đoạn phố ngắn, hai bên chi chít hàng quán và số nhà chẳng khác gì phố cổ nơi đô hội, chúng tôi đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Bạng. Cơ ngơi của trạm cũng khá khang trang với tòa nhà hai tầng, hiên rộng, phía trước có các dãy ghế ngồi, tọa dưới cây ổi, quả sai lúc lỉu, tán tỏa rộng đến vài chục mét vuông và một sân bóng chuyền. Trong phòng họp, tôi thấy có bức hải đồ khí tượng dài rộng gần khắp mặt tường chính, trên đó là các không gian thiên văn, thủy văn, hải trình kéo dài từ Thái Bình Dương qua quốc đảo Philippines đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và điểm cuối là dải đất ven biển của của xứ Thanh, của thị xã Nghi Sơn. Bức hải đồ này như càng sống động hơn khi nó cũng được scan vào màn hình trực ban của người sĩ quan trắc địa đang theo dõi các diễn biến trên đại dương, trên biển Đông.

Vị trí của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Bạng được đánh dấu đỏ. Từ đây, có thể phóng mắt về phía quần đảo Hòn Mê (gồm 15 đảo) với Hòn Bằng gần tầm nhìn nhất, trông bằng bịa như một cái bàn đá khổng lồ giữa mênh mông bể cả; Từ đây cũng nhìn thấy rõ những cần cẩu cao vút đang đưa hàng xuống tàu ở phía cảng biển Nghi Sơn. Tôi thầm nghĩ, vị sĩ quan tham mưu nào đã khéo có cách chọn vị trí đóng quân cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Bạng. Còn Thiếu tá Lường Khắc Hành thì nhận xét một cách trực giác: "Tại vị trí này, bộ đội Đồn Biên phòng Hải Hòa mở mắt ra là nhìn thấy mục tiêu cần bảo vệ!". Sau cuộc trao đổi với các anh về việc quân trấn nhậm ở trạm, tôi được ăn bữa cơm thân mật cùng với tám cán bộ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp của trạm. Bữa cơm gồm toàn những món cây nhà lá vườn như: canh cá cơm nấu lá vung vang, thịt chân giò hầm với hoa đu đủ đực hái phía hồi nhà, cá nục da xanh tươi roi rói rán vàng. Ông đầu bếp là một Trung tá dáng người vâm váp, da bánh mật, tóc húi cua có lốm đốm đôi sợi bạc cười rạng rỡ tay cầm đũa trở đầu, tiếp món mời cơm khách, miệng đủng đỉnh giới thiệu: "Các món ẩm thực và cách nấu nướng sao để ăn cho ngon miệng này đều có nguồn từ bà con quanh đây đấy chị ạ! Bà con, khi thì cho giống cây rau các loại để trồng, khi thì nhượng cho cân cá, mớ tôm còn tươi nguyên vừa chuyển từ thuyền lên, rồi dặn dò kỹ lưỡng nào cách pha chế, tẩm ướp, nào cách nấu nướng! Anh em tôi ở trạm đây, ai cũng là một đầu bếp cứng đấy nhé!".Bữa cơm gợi lên trong tôi cảnh sắc làng quê dân dã, nơi đã đùm bọc Bộ đội Biên phòng Hải Hòa suốt từ năm 1959 đến nay. Thế rồi, chủ khách cũng phải kết thúc sớm để đúng 13 giờ, một kíp trực ban sẽ có mặt tại bến tàu Lạch Bạng để làm nhiệm vụ biên phòng. Theo các anh ra bến cá, tôi thật ấn tượng, khi nhìn thấy những đoàn tàu, thuyền của ngư dân với cờ đỏ sao vàng thắm tươi lộng gió trên đỉnh cột buồm, tiến ra khơi bám biển làm ăn và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Chứng kiến khí thế an nhiên mà không kém phần kiêu hãnh đó, tôi bỗng nhớ lại các hình ảnh mà người sĩ quan trắc địa làm thao tác bằng máy nghiệp vụ, theo dõi các biến động khí hậu thời tiết và các diễn biến khác để kịp thời thông báo và cảnh báo đến mọi ngư dân đang sinh kế trên biển…Tôi thầm nghĩ, những ngư dân ấy hẳn đinh ninh và an tâm rằng, trên mọi hải trình của họ luôn được các chiến sĩ biên phòng bảo vệ từ xa, bảo vệ trong mọi cảnh huống để họ kịp thời điều chỉnh công việc bám biển cũng như phòng tránh kịp thời những rủi ro bất cập. Nghĩa tình quân dân "cá nước" là đây! Phương thức gây dựng lòng dân của bộ đội Đồn Biên phòng Hải Hòa là đây! Và, thu hoạch lớn của tôi, khi về lại miền ký ức cũng là đây!./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận