ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 01/03/2024 09:29

Truyện ngắn "Quà Tết cho mẹ" | Lê Ngọc Minh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Quà Tết cho mẹ" của nhà văn Lê Ngọc Minh qua giọng đọc của Huyền Linh.

1. Tôi là Hoàng, một thượng sĩ mới hơn hai tuổi quân. Trước khi được đứng trong đội ngũ cảnh vệ, tôi không nhớ ai đó đã nói rằng, trên đời này chẳng có nỗi buồn nào đắng đót hơn hỏng thi. Lại còn có người nói thêm, thất tình cũng là nỗi đáng buồn nhất trong tất cả các nỗi buồn. Thế mà đã có lúc, tôi lâm vào cả hai.

Số là vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cách đây ba năm, tôi chỉ đỗ loại chót bảng nên không đủ điểm chuẩn đăng ký vào bất kỳ một trường đại học nào.

Trong khi đó, cô bạn quý cùng lớp tên là Ly, người đã nhận lời tỏ tình của tôi vào cuối một ngày sắp thi tốt nghiệp ở góc sân trường, lại đỗ điểm cao ngất ngưởng, được tuyển vào một trường đại học danh tiếng của thủ đô.

Vì không vào được đại học, mối tình đầu của tôi bị Ly trả lại bằng một câu có thể gọi rất phũ:

- Giá cái đầu Hoàng cũng phát tiết anh hoa như vẻ mặt đẹp trai thì tốt biết mấy nhỉ? Vì rất cú câu đó, tôi quay ngoắt góc vuông chia tay Ly.

Sau cái khoảnh khắc tổn thương cùng cực, có thể gọi là rất đáng sỉ nhục ấy, tôi chỉ ngủ suốt ngày nhưng chập chờn như kẻ sắp chết lâm sàng.

Cơm mẹ nấu, có món thịt kho vàng sẫm, có rau xanh tươi non vườn nhà... mà tôi ăn như người nhai trấu.

Mẹ là người thấu cảm với cảnh huống của tôi, luôn động viên:

- Con thử đi hỏi xem, có trường tư thục nào tuyển không?

Thương mẹ, tôi gật đầu bừa nhưng kết quả thi của tôi cũng chẳng đủ điểm chuẩn để vào các trường tư thục. Vả lại, tôi cũng không muốn mẹ phải vất vả thêm vì tôi nữa. Mẹ đã khổ nhiều rồi.

2. Nhân đây, tôi cũng chẳng giấu giếm gì gia cảnh nhà mình. Cha tôi đi làm ăn xa, có nơi chốn mới nên khi mới học lớp 1, tôi đã nhìn thấy cảnh mẹ tảo tần nuôi ba anh em chúng tôi như một người đơn thân. Mẹ tôi đảm như một đàn ông tháo vát, biết sửa đồ điện, chữa nhà dột, xỉa mai, vắt đất đắp bờ ao...; mẹ còn biết khá nhiều các bài thuốc dân gian. Tôi nhớ, lúc nhỏ, anh chị em chúng tôi, hễ bị mụn nhọt hoặc sốt mọc răng, sốt viêm họng..., mẹ chỉ dùng các thứ cây lá trong vườn, khi nhai, khi giã, chữa là khỏi.

Chúng tôi vô cùng yêu thương mẹ, hai anh chị tôi học xong THPT là xin đi làm khu công nghiệp để tự nuôi thân.

Tôi là con út, sức khỏe và dáng vóc hơn hẳn anh chị mình đến mấy chân kính. Tôi học cũng không đến nỗi nào, có lúc còn được thầy cô khen là nhanh trí. Nhưng học tài thi phận, biết làm sao được!

Trong những ngày thê thảm với hai nỗi buồn khủng, tôi đã tự rút ra bài học thất bại. Chung quy là tính tôi hay hấp tấp. Ngay chuyện chia tay với Ly, tôi cũng nông nổi. Giá kiên trì hơn chút, biết đâu nàng sẽ mủi lòng; hoặc giả nàng chỉ nói đùa để thử tôi. Trong cõi nữ tính thiên la địa võng, là một cậu bé mới lớn, tôi chẳng biết đầu cua tai nheo đẩu đâu mà lần...

Đang khi ấy thì công an về quê tôi tuyển lính nghĩa vụ, sung vào đội quân cảnh vệ của Bộ Công an.

Tôi vô cùng hào hứng đăng ký. Hôm đi khám tuyển sức khỏe, thấy các anh công an đều mặc cảnh phục, đeo cấp bậc quân hàm ở cầu vai, biển số hiệu ở ngực áo, tôi mê mẩn cả người.

Khi khám tuyển xong, anh Hồng, Trung tá, là người có giọng nói khá truyền cảm, thân thiện ôm vai tôi, khen chắc, lại còn khen thêm, tôi có đôi mắt sáng, cách nhìn chăm chú, đó là một trong các tố chất của người làm nhiệm vụ cảnh vệ...

Hôm tiễn tôi lên xe về trung tâm thành phố, mẹ dặn dò: "Hoàng ơi! Mẹ biết con rất thương mẹ. Càng thương mẹ lại càng phải cố gắng cho bằng anh bằng em, con nhé!".

Tôi làm vẻ đứng nghiêm, "quân dung tươi tỉnh" đưa tay chào mẹ như một cảnh sát thực thụ nhưng hai hàng nước mắt lại ứa ra...

3. Thời gian hai tuần đầu ở đơn vị cảnh vệ, đám lính mới chúng tôi học chính trị và tập các môn võ thuật cơ bản. Sau khi phổ biến nhiệm vụ chung của trung đoàn là bảo vệ các vị trí quan trọng bậc nhất của thủ đô, Trung tá Hồng tiếp tục giảng về nhiệm vụ cụ thể, phẩm chất căn cốt, đặc biệt là lòng trung thành tuyệt đối, xả thân vì đối tượng mà mình có trách nhiệm bảo vệ, bất cứ đối tượng đó là một vị tổng thống của nước ngoài đến thăm Việt Nam hay một người nông dân nghèo, một cụ phụ lão trọng tuổi từ miền quê heo hút về thủ đô viếng Lăng Bác...

Chúng tôi đều gọi Trung tá Hồng là thủ trưởng, là thầy nhưng anh bảo, chúng ta là anh em, người trước người sau chỉ hơn nhau chút ít về bề dày kinh nghiệm công tác thôi. Cứ gọi nhau là anh em cho thân mật nhưng lúc vào học tập, công tác thì phải hết sức nghiêm túc. Nghề cảnh vệ là nghề nhà binh, chỉ có hành động mưu trí nhất, dũng cảm nhất để đạt hiệu quả nhiệm vụ tốt nhất, chứ không được "nếu như" hoặc "giá như" thế này thế khác...

Ít lâu sau, tôi thực hiện buổi cảnh vệ đầu tiên ngoài hiện trường ở vị trí tập kết, bảo vệ và hướng dẫn các đoàn khách vào Lăng viếng Bác không để xảy ra bất kỳ một tình huống lúng túng nào.

Song, một ngày sau đó, tôi gặp sự cố.

Khi đang làm nhiệm vụ hướng dẫn trật tự cho thầy trò một trường phổ thông đến từ Lạng Sơn nối vào dòng người vào Lăng thì tôi phát hiện ra, từ khoảng cách hơn mười mét, có một cô gái đi cùng một anh chàng dáng bụi bậm, mặc áo ba lỗ và quần soọc từ taxi xuống, sấn vào đứng chen ngang giữa một đoàn khách toàn người ăn vận chỉn chu. Nhiều cặp mắt nhìn đôi trẻ này vừa lạ lẫm, vừa không thiện cảm.

Vừa đi đến để giải quyết sự cố đó, tôi bỗng nhận ra Ly. Cô hồn nhiên vồn vã chào tôi và nói:

- May quá gặp Hoàng, bọn mình đang vội vì bạn trai mình bay chuyến trưa sang Hàn, ưu tiên cho chen ngang chút nha!

Chàng trai khẽ hất đầu về phía tôi, hỏi giọng kẻ cả:

- Anh bạn linh động chứ?

Tôi kiên quyết:

- Không linh động được đâu, mọi người thấy đấy, hôm nay có nhiều đoàn về viếng Lăng, các bác trong đoàn này đã chờ ba mươi phút mới được xếp vào đội hình; vả lại... - tôi nhìn người bạn trai của Ly, nói chỉ đủ nghe - vào viếng Lăng cần phải trang phục lịch sự...

Chàng trai cười khẩy bảo tôi:

- Thế bọn tây ba lô thì sao? Chúng vẫn quần soọc, áo thun đầy khắp Hà Nội đấy thôi!

Tôi lắc đầu:

- Ở đâu tây ba lô ăn vận thế nào là việc của họ, còn ở đây, tôi đều thấy họ vào viếng Lăng với trang phục tươm tất, lịch sự.

Ly nói chen:

- Hoàng làm khó rồi, bạn bè ai lại thế?

Tôi hơi nghiêm mặt lại bảo Ly:

- Mình có giải quyết cho hai bạn thì đến vị trí khác, cảnh vệ khác, họ cũng không giải quyết đâu. Đó là nội quy! Các bạn không nên mất thêm thời gian nữa.

Ly liền ngúng nguẩy kéo anh chàng may ô quần soọc sang bên kia đường Ngọc Hà mua cái áo sơ mi dài tay, mặc vào.

Lát sau, tôi thấy hai người xếp hàng nối dài của một đoàn khác. Khi họ đi qua chỗ tôi, tôi gật đầu chào nhưng cả hai đều nhìn thẳng kiểu "mục hạ vô nhân".

Hôm ấy tôi buồn.

Buổi chiều đánh cầu lông với Trung tá Hồng, tôi toàn thua. Anh quan tâm hỏi, đã xảy ra chuyện gì. Tôi kể lại câu chuyện...

Anh cười:

- Chú mày nhạy cảm quá, như thế sẽ rất mệt đầu. Anh đây làm cảnh vệ đã ba mươi năm rồi. Ngày trước vất vả hơn nhiều. Chưa có ô tô rải quân như bây giờ đâu, đi bộ từ doanh trại ra hiện trường là chính; trang phục, ăn uống cũng kém. Những ngày rét dưới 10 độ, da mặt cứng lại như kính, sờ tay lên chẳng có cảm giác gì thế mà vẫn cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Có lần gặp người ở quê ra, họ bảo tưởng đi công an lên tướng lên tá hóa ra chỉ là người gác đường. Nếu nghe thế mà cứ đeo nỗi niềm vặt vãnh vào mình thì không khéo đến chết non mất. Cậu quên cái cô Ly ất ơ ấy đi, hai anh em mình sẽ làm một séc cầu mới thì chắc chắn cậu sẽ thắng đo ván anh ngay.

Không chờ tôi trả lời, anh Hồng đứng lên.

Hai chúng tôi ra sân, vào một trận cầu đầy hào hứng...

4. Một chiều hè tháng 6, lúc hơn hai giờ, trời rất nắng, từ khoảng cách cảnh giới hiện trường ở trạm gác Cột Cờ trước Lăng, tôi bỗng nghe có tiếng kêu thất thanh:

- Cấp cứu! Mọi người ơi...

Tôi nhìn về hướng có tiếng kêu, nhận ra một người phụ nữ trẻ đang vẫy hai tay ra các phía kêu cứu. Bên chị, hai đứa trẻ níu lấy hông quần mẹ, khóc thét.

Tôi bổ đến và nhận ra một người đàn ông, mắt trợn trừng, miệng ngáp ngáp, chân tay co giật liên hồi. Nhìn cảnh người bị nạn, tôi không ra đường gọi taxi vội mà ngó quanh xem có vật gì cho vào miệng anh ấy, kẻo trong lúc co giật mà răng cắn vào lưỡi thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Sở dĩ lúc đó trong tôi vụt ra ý này là do hồi còn ở nhà, mỗi khi anh em tôi bị sốt co giật, mẹ bao giờ cũng lấy một chiếc đũa "ngáng" vào hai hàm răng rồi mới cho uống các thứ nước lá hạ sốt. Nhưng hiện tại, quanh tôi làm gì có chiếc đũa hay một vật hữu dụng có thể thay chiếc đũa được? Mà chạy vào phố, nhờ nhà dân, kiếm được một chiếc đũa thì liệu có kịp không?

Nghĩ thế, tôi liền nẩy ra ý định, cho ngón tay vào miệng bệnh nhân thay vì chiếc đũa. Trong tích tắc đó, tôi vẫn kịp nghĩ mình phải dùng ngón tay cái, vì ngón tay cái to hơn, ngáng vào kẽ hai hàm răng sẽ tốt hơn.

Bằng một động tác dứt khoát tôi dùng hết sức lực banh được miệng nạn nhân ra và thùa nhanh ngón tay cái của mình vào khoảng giữa hai hàm răng đang lập cập của anh ta.

Ngay lúc đó, người bệnh lên một cơn co giật rất mạnh, tôi nẩy mình đau nhói như người bị chặt ngón tay, kêu "ái" lên một tiếng và thấy từ miệng người đàn ông máu tươi đỏ lòm phun ra thành dây.

Thượng úy Đa, đốc gác của trung đội đến, anh cúi xuống tìm cách "cứu" ngón tay cho tôi nhưng hai hàm răng người bệnh đã cắn chặt như găm không thể nào rút ra được. Bỗng anh Đa choài tay, rút cái ví da ở túi quần sau ra. Anh thận trọng thùa cái mép ví vào miệng nạn nhân. Mất chừng một phút thì một phần ba cái ví đã ngập sâu vào hai hàm răng người bệnh. Tôi cố nén đau rút được ngón tay cái ra.

Máu tươi vẫn chảy thành giọt, Thượng úy Đa gọi taxi và hướng dẫn cho ba mẹ con đưa người bệnh đến Bệnh viện Xanh Pôn gần đó cấp cứu.

Anh Đa cũng định đưa tôi đi viện nhưng tôi chỉ đề nghị anh gọi phôn cho y tá đơn vị đến "cấp cứu" là được.

Hôm sau tôi được tin, người bị bệnh tên là Quy, người dân tộc, làm nghề sửa xe cơ giới ở Hòa Bình. Anh đưa vợ là cô giáo Hà cùng hai con về thăm thủ đô. Viếng Lăng xong, cả nhà dạo thăm các khu vực cảnh quan khác, rồi ăn trưa để ra bến xe, đi chuyến chiều về quê. Bỗng dưng anh Quy bị phát chứng đau đầu dữ dội, mất tri giác; may mà phát hiện kịp, được cứu sống. Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn chẩn đoán, anh có khối u trong não, cần phẫu thuật, sau khi theo dõi và xét nghiệm bệnh phẩm xong.

Còn tôi, cũng thật may ngón tay chỉ bị dập phần mềm, xương khớp không việc gì nên sau khi được thầy thuốc của nhà "cấp cứu" xong, tôi vẫn đi làm bình thường.

Khi được chỉ huy biểu dương tôi ngượng chín cả mặt, vì cứ nghĩ ai trong trường hợp tôi cũng phải tìm cách cứu giúp người bị nạn thôi. Còn anh Hồng, người thầy đầu tiên của tôi trong cuộc đời làm cảnh vệ cứ một mực khen hoài, tôi đã nhanh trí xử lý một tình huống bất ngờ, cứu kịp mạng sống của đối tượng bảo vệ.

5. Do thành tích đó, tôi được chọn đi bồi dưỡng nghiệp vụ tại trung tâm huấn luyện của ngành. Hàng ngày, chúng tôi học võ nghệ nâng cao và được xem cảnh vệ của đơn vị bạn diễn tập các tình huống hết sức mưu trí, điêu luyện, sử dụng mọi khả năng trong tấn công mục tiêu xâm hại, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng được bảo vệ...

Trước tết, tôi được chỉ huy cho về thăm nhà. Quà tôi mang về biếu mẹ là một bó rau đắng mà nhà bếp ở trung tâm huấn luyện thường nấu canh với lòng gà rất ngon. Tôi còn xin được một cây mật gấu giống để vườn mẹ có thêm một vị thuốc dân gian.

Đang giúp mẹ làm cơm thì nhà tôi có khách. Khách chính là vợ chồng anh Quy từ Hòa Bình đi xe máy vào. Tôi ngạc nhiên hỏi họ:

- Làm sao mà anh chị biết nhà em ở tận trong này?

Anh Quy:

- Đường ở mồm, chú em ạ.

Mẹ tôi cũng ra đón khách, mời vào nhà. Tôi kể vắn tắt với mẹ về chuyện anh Quy bị bệnh và bảo:

- Chỉ một chuyện nhỏ mà anh chị đã đi xa gần trăm cây số vào Thanh Hóa để đến thăm nhà mình đấy mẹ ạ.

Chị Hà liền nói:

- Nhỏ là nhỏ thế nào, hở em? Cứu một người là phúc đẳng hà sa! Anh chị biết ơn em suốt đời - nói đến đấy, chị nắm tay mẹ tôi nói như thưa - Vợ chồng chúng con tạ ân bác đã sinh ra ân nhân cho gia đình con. Nếu chúng con không gặp được em Hoàng thì chắc chắn...

Chị Hà đang ngập ngừng thì anh Quy nói thêm:

- Chắc chắn là xanh cỏ rồi bác ạ.

Mẹ tôi ân cần mời khách vào trong nhà. Trong lúc chị Hà cùng mẹ tôi làm bếp, tôi pha nước mời anh Quy. Tôi thấy anh cứ đứng ngây người ngắm bức ảnh, tôi trong cảnh phục vệ binh đứng cạnh người mẹ thân yêu của mình, phía sau là một cây đào lớn đang rộ hoa.

Và, tôi chợt nghĩ rằng, anh chị Quy đến thăm là món quà tết quý nhất năm nay của mẹ tôi!


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận