Một ngày ở làng cổ Tân Hùng
Thôn Tân Hùng, xã Thanh phong, huyện Như Xuân là nơi sinh sống của đồng bào Thái. Nơi đây có 165 hộ dân thì có hơn 90 hộ hiện còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn cổ, đặc biệt có những ngôi nhà tuổi đời gần 100 năm tuổi.
Từ thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, trên cung đường ghé thăm vùng đất " 6 Thanh", chúng tôi đến với làng cổ Tân Hùng thuộc xã Thanh Phong. Với khung cảnh thanh bình thơ mộng, khí hậu mát mẻ, người dân thân thiện, ngôi làng cổ này đã để lại trong lòng mọi người ấn tượng khó quên.
Đến với Tân Hùng, có lẽ điều làm cho du khách thích thú nhất chính là hình ảnh những ngôi nhà sàn vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ của người Thái. Có nhiều ngôi nhà sàn với tuổi đời từ 30 đến 50 năm tuổi, nhưng cũng còn những ngôi nhà được dựng lên cách đây hơn 80 năm và hiện vẫn đang là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong gia đình.

Ông Vi Văn Lắng là người sinh ra và lớn lên ở thôn Tân Hùng. Sau khi trưởng thành và lập gia đình riêng, vợ chồng ông đã gom góp, dành dụm để dựng được ngôi nhà sàn cách đây 30 năm. Giờ đây ở tuổi gần 60, ngôi nhà sàn không chỉ là tài sản quý của gia đình, mà chính là người bạn tri kỷ cùng ông đi qua những thăng trầm của cuộc đời. Theo chia sẻ của ông, thời gian tới khi thôn Tân Hùng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây sẽ tu sửa, làm mới ngôi nhà để phục vụ nhu cầu thăm quan, lưu trú của du khách.
Ông Vi Văn Lắng, thôn Tân Hùng, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi dựng ngôi nhà này khi đang còn trẻ, ngay từ khi ấy tôi đã đam mê với việc lưu giữ văn hóa truyền thống, nhất là phong tục ở nhà sàn từ bao đời nay của người Thái chúng tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn thích ở nhà sàn".
Ông Hà Văn Đức, Trưởng thôn Tân Hùng, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhân dân trong thôn rất đoàn kết và luôn nhắc nhở nhau phải biết quý trọng và gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy để khai thác hết các thế mạnh của thôn, tạo điểm thu hút khách du lịch đến khám phá".

Đồi mua - một điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với làng cổ Tân Hùng. Khi huyện Như Xuân triển khai phát triển du lịch cộng đồng ở Tân Hùng, bà con đã lựa chọn cây mua để trồng phục vụ cho du khách đến thăm quan. Theo lời của bà con nơi đây thì mua là loại cây gắn bó với vùng cao, khi đến mùa hoa nở có màu tím rất đẹp, quả lại có thể ăn và ngâm rượu, vì vậy trồng cây mua rất phù hợp. Giữa đại ngàn, sắc mua tím hòa cùng màu xanh của rừng chắc chắn sẽ là bức họa tuyệt đẹp. Đặc biệt hơn, du khách có thể khoác lên mình những trang phục đặc sắc của đồng bào Thái để check-in, lưu lại những tấm hình quý giá cho mình khi đến với vùng cao yên bình này.
Thôn Tân Hùng là nơi sinh sống của đồng bào Thái, vì vậy, khi đến nơi đây du khách sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những cô gái Thái đang miệt mài, nhẫn nại bên khung cửi, dệt gấm thêu hoa, tạo nên những tấm thổ cẩm lung linh sắc màu.
Sau những khám phá không gian làng bản ở Tân Hùng, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc do chính người dân nơi đây biểu diễn. Bên nếp nhà sàn, những cô gái Thái uyển chuyển trong điệu sạp rộn ràng, hòa trong tiếng cồng chiêng ngân vang đã tạo nên một bức tranh độc đáo nơi miền sơn cước, níu chân du khách không muốn rời xa.

Chị Vi Thị Đảm, thôn Tân Hùng, xã Thanh phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thôn chúng tôi hiện còn lưu giữ khá nhiều bản sắc văn hóa truyền thống. Khi du khách đến đây, ngoài biểu diễn phục vụ các tiết mục văn nghệ, chúng tôi còn đưa khách đi tham quan cảnh sắc của địa phương, từ đó để lại ấn tượng tốt cho du khách".
Điểm nhấn khi khám phá Tân Hùng, du khách sẽ được bà con mời lên nhà sàn và cảm nhận văn hóa uống rượu cần của người Thái nơi đây. Bên ché rượu, khách và chủ sẽ cùng vít cần, thưởng thức men say tình nồng trong vòng xòe của các cô gái bản. Để rồi khi rời xa vẫn còn dư âm ngọt ngào khó quên.

Chia tay làng cổ Tân Hùng, chúng tôi vẫn ấn tượng với những cách làm du lịch thân thiện, chân chất mộc mạc của đồng bào nơi đây. Đó không chỉ là làm du lịch từ tài nguyên bản địa, mà còn là cách đồng bào bao đời gìn giữ, trao truyền, lan toả các giá trị văn hoá truyền thống. Làng cổ Tân Hùng- hãy một lần đến trải nghiệm và khám phá, chắc chắn mọi người sẽ cảm nhận được thế nào là vẻ đẹp bình yên trong tâm hồn của nơi thời gian ngừng lại.

Chương trình nghệ thuật quần chúng và chiếu phim lưu động tại huyện Thường Xuân
Trung tâm xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa vừa tổ chức Chương trình nghệ thuật quần chúng và chiếu phim lưu động chào mừng thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025) tại huyện Thường Xuân.

Hải Tiến sẵn sàng cho mùa du lịch biển năm 2025
Để đón mùa cao điểm du lịch biển năm 2025, thời điểm này, trên địa bàn Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tổ chức đoàn thể đang khẩn trương hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, cảnh quan môi trường biển để phục vụ du khách.

Vang vọng Chí Linh Sơn
Huyện miền núi Lang Chánh không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với đỉnh Pù Rinh hùng vĩ cùng dòng thác Ma Hao tuyệt đẹp, mà còn là vùng đất gắn liền với câu chuyện lịch sử hào hùng về người anh hùng dân tộc Lê Lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Đây cũng là nơi quần cư, sinh sống của 3 dân tộc lớn: Thái, Mường và Kinh với những nét đẹp văn hóa riêng biệt. Chính nhờ những yếu tố nổi trội cả về thiên nhiên và con người, những năm qua, Lang Chánh đã và đang "chuyển mình" trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong hành trình khám phá xứ Thanh.

Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm
Tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust (Anh) đánh giá Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm tại Việt Nam.

Bông hoa của đại ngàn
Những năm gần đây, Thạch Lâm đã trở thành địa chỉ được ghi dấu trên bản đồ du lịch cộng đồng của tỉnh Thanh Hoá. Để có những đổi mới trong cách làm du lịch nhằm thu hút du khách, những người trẻ ở xã Thạch Lâm đóng vai trò tiên phong. Một trong số đó là cô gái Mường Bùi Thị Nga - người mang khát vọng khai phá tiềm năng du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới cho người dân bản địa. Giữa núi rừng đại ngàn, Nga như bông hoa nhỏ, kiên cường mà rực rỡ vươn lên với khát vọng thoát nghèo.

Loạt video clip quảng bá du lịch Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G
Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã cho ra mắt 3 video clip quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Các điểm du lịch cộng đồng sẵn sàng đón khách dịp lễ 30/4 - 1/5
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Đây là thời gian cao điểm để các địa phương đón lượng lớn du khách và mở đầu cho mùa du lịch hè 2025. Đến thời điểm này, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để đón tiếp và phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

Công bố quy hoạch khu di tích Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu
Chiều ngày 14/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên) giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất cổ Thủy Chú
Sáng 12/4, Hội khoa học và lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Thủy Chú, nay là thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, khảo cổ, dân tộc học trong và ngoài tỉnh.

Cần xung lực mới để khu di tích Đền Nưa - Am Tiên phát triển đột phá
"Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và thiếu tính bền vững” - đó là thực trạng đáng buồn của khu di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên) kể từ khi được chính thức công nhận là di tích cấp Quốc gia đến nay. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đã đến lúc cần định vị lại giá trị của khu vực này trong dòng chảy văn hóa truyền thống và xu thế hiện đại, nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá, đặc biệt là khắc phục hạn chế về cơ chế quản lý lỏng lẻo, cơ sở vật chất nghèo nàn và sự thiếu hụt giáo dục di sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.