Nét đẹp tục gội đầu cuối năm ở bản Thái
Là cộng đồng dân cư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở khu vực miền núi xứ Thanh, đồng bào Thái đã và đang gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như các lễ nghi, phong tục, trang phục truyền thống, ẩm thực hay các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian... Và một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu, đó là tục gội đầu ngày cuối năm để cầu may mắn cho năm mới.
Sinh ra và lớn lên ở bản Thái, am hiểu về văn hóa Thái và mong muốn truyền lại những nét đẹp truyền thống cho thế hệ mai sau, đó là điều ông Cao Bằng Nghĩa, nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa luôn trăn trở. Vì vậy, suốt nhiều năm qua, ông luôn dành thời gian, tâm huyết để đến các bản làng người Thái, vừa tìm hiểu, vừa tuyên truyền nét đẹp văn hóa Thái cho bà con dân bản.

Theo ông Nghĩa, dù điều kiện vật chất của người dân đã khá hơn trước rất nhiều, nhịp sống hiện đại đem theo nhiều điều mới mẻ đến các bản làng, nhưng truyền thống văn hóa mà các thế hệ trước trao truyền lại vẫn được bà con gìn giữ, phát huy trong đời sống ngày nay. Và tục gội đầu ngày cuối năm là một trong những phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp, đã được lưu truyền trong cộng đồng người Thái qua nhiều đời.
Với nguyên liệu là các loại lá thơm được hái trong rừng và vườn nhà, bà con đã tạo nên nồi nước gội đầu đặc biệt. Người Thái quan niệm: gội đầu bằng nước lá thơm sẽ giúp loại bỏ được những xui xẻo của năm cũ và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Mỹ tục này cũng chính là nét văn hóa độc đáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ở tuổi 75, bà Lương Thị Nhã ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa đã có hơn 50 năm gắn bó với việc đun nước gội đầu cho cả gia đình vào dịp cuối năm. Cứ vào ngày 29 tháng chạp, bà Nhã sẽ đi hái các loại lá thơm vườn nhà như lá khế, lá sả, lá bưởi, lá núc nác... cùng một số loại lá trong rừng như sa nhân, lá ké sé, hương nhu. Theo bà Nhã, các loại lá cây này khi kết hợp với nhau, sẽ tạo ra nồi nước thơm gội đầu rất tốt cho sức khỏe. Tất cả các gia đình trong bản đều dùng nước thơm vào ngày cuối năm, với mong muốn xua đi những điều không may mắn của năm cũ.

Để có được nồi nước gội đầu ưng ý cũng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Lá sau khi được chuẩn bị đầy đủ sẽ được chọn lại một cách cẩn thận, những chiếc lá khô héo, bị sâu sẽ được loại bỏ. Sau khi rửa sạch lá thì cho vào nồi đun lên. Bên bếp lửa hồng, bức tranh cuộc sống miền sơn cước hiện lên thật thân thương, bình dị. Các thiếu nữ bản Thái sẽ được các bà, các mẹ truyền dạy nhiều điều, được nghe kể về nguồn cội, ý nghĩa của tục gội đầu ngày cuối năm. Từ đó, thêm hiểu, thêm yêu về phong tục, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.
Nơi gội đầu phải được diễn ra ở khu vực sông, suối. Bởi ở những nơi này có dòng chảy lưu thông, khi gội đầu, nước chảy xuống sẽ được đẩy trôi, cuốn theo bao mệt mỏi, vất vả, muộn phiền của năm cũ. Để nghi thức gội đầu được ứng nghiệm, trước khi gội đầu, người cao tuổi nhất sẽ niệm "lời chú", xin với Vua Trời, xin với lá ké sé phù hộ cho con cháu: "Năm cũ chuẩn bị qua, năm mới sắp đến, hôm nay con cháu gội đầu hết năm, mong những điều không may, không tốt theo sông, theo suối trôi về sông Mã, trôi ra biển lớn. Bước sang năm mới con cháu xin được bề trên ban cho sức khỏe, vui vẻ, làm ăn ngày càng phát đạt". Sau khi hết bài niệm, mọi người mới được gội đầu. Khi nước thơm được múc dội lên đầu thì người gội sẽ phải dùng lược chải theo dòng nước, hàm chứa ý nghĩa gạt bỏ mọi điều xui xẻo của năm cũ.

Ta gội đầu, rửa mặt rửa chân
Cho mặt ta đẹp như trăng rằm rọi cửa,
Cho mặt ta đẹp như trăng 16 rọi ngàn
Dưới gầm trời ai ai cũng khen,
Việc gì cũng tốt đẹp, việc gì cũng hanh thông!
Những lời chú trong tục gội đầu ngày cuối năm vọng giữa núi rừng, mang theo niềm tin của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là thông điệp mà nhiều thế hệ người Thái ở xứ Thanh muốn trao truyền đến con cháu mai sau. Qua mỹ tục gội đầu ngày cuối năm, mọi người cùng cầu mong sự an lành, may mắn đến với mỗi cá nhân, gia đình, bản làng trong năm mới.

Những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Dao
Giữa nhịp sống hiện đại, vẫn có những con người lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ trang phục đến tiếng nói, chữ viết. Đó là cộng đồng người Dao tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Họ đang góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa đang đứng trước không ít thử thách.

Cả nước đón 10,5 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa) cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ từ ngày 30/4 đến ngày 4/5, ngành Du lịch cả nước ước phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách có lưu trú.

Thành Nhà Hồ - giữ gìn “bức thông điệp” văn hóa cho muôn đời
Thành nhà Hồ - công trình kiến trúc đá cổ, một kiệt tác thể hiện tài năng, trí tuệ siêu phàm của người Việt, chứa đựng biết bao điều bí ẩn và những huyền tích. Không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, Thành nhà Hồ còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho bản sắc văn hóa và tinh hoa trí tuệ người Việt trên “bản đồ văn hóa” nhân loại. Để rồi, qua mỗi thế hệ, cùng với sự ngưỡng vọng và tinh thần ngợi ca, là câu chuyện về trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản ấy cho muôn đời...

Huyện Hoằng Hóa tăng cường quảng bá du lịch qua các nền tảng số
Huyện Hoằng Hóa vừa đưa vào hoạt động website Du lịch Hoằng Hoá - Thanh Hoá tại địa chỉ https://dulichhoanghoa.vn đem lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp, người dân và du khách.

Thành phố Sầm Sơn đảm bảo an toàn cho du khách.
Đô thị du lịch biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá hấp dẫn du khách không chỉ bởi bãi biển đẹp, cơ sở hạ tầng hiện đại, sản phẩm, dịch vụ đa dạng… mà còn bởi môi trường du lịch ngày càng an toàn, thân thiện. Cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng chức năng đã và đang không ngừng nỗ lực vì một Sầm Sơn ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.

Chiều ngang qua phố
Có một mùa hạ rất xanh, trong lành nơi ánh mắt. Đó là những buổi chiều mùa hạ về ngang qua thành phố mà nắng chưa đủ gắt gỏng, và mưa cũng chẳng thể dữ dội, ồn ào… Mỗi con đường, góc phố nơi đây đều mang những nét đẹp rất riêng của chiều tháng 5 yên lành, dịu mát.

Tăng cường quản lý thị trường tại các khu du lịch biển
Thanh Hoá đang bước vào cao điểm mùa du lịch biển 2025, kéo theo đó là nhu cầu mua sắm, sử dụng các dịch vụ, hàng hoá tại các khu, điểm du lịch tăng cao. Nhằm tạo dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thị trường, bình ổn giá, ngăn chặn các hành vi chèo kéo, ép khách.

Các điểm đến tại thành phố thu hút đông đảo du khách dịp nghỉ lễ
Trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, các điểm du lịch, vui chơi giải trí tại Thành phố Thanh Hoá cũng khá nhộn nhịp và thu hút đông đảo người dân, du khách, đặc biệt là với những người không có điều kiện đi du lịch xa.

Các điểm đến tại thành phố Thanh Hoá thu hút đông đảo khách những ngày lễ
Ngoài các khu du lịch biển, sinh thái cộng đồng, văn hoá tâm linh và các khu vui chơi giải trí trên toàn tỉnh thì 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, các điểm đến tại thành phố Thanh Hoá cũng khá nhộn nhịp và thu hút đông đảo người dân, du khách, đặc biệt với những người không có điều kiện đi du lịch xa.

Di sản thế giới Thành Nhà Hồ đón hơn 10 nghìn khách đến tham quan
Theo thống kê, trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, từ 30/4 đến 2/5, Di sản thế giới Thành Nhà Hồ đã đón khoảng 10.000 lượt khách, trung bình mỗi ngày trên 3000 lượt, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.