Longform
img

Nghệ thuật dân gian - Nét đặc sắc của du lịch Xứ Thanh

Từ thuở xa xưa, trải qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, người xứ Thanh đã hình thành nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú, sáng tạo ra nhiều giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo, trong đó, nổi bật là các trò diễn, làn điệu dân ca, dân vũ. Qua nhiều thế kỷ, những lời ca, câu hát, những vũ điệu truyền thống ấy trở thành hồn cốt quê hương xứ sở, làm nên một phần bản sắc văn hóa của xứ Thanh.

Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa nghệ thuật truyền thống trở thành yếu tố mang tính đặc trưng riêng biệt, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách muôn phương về với Thanh Hóa. Thực tế cho thấy, việc đưa nghệ thuật dân gian vào các sự kiện lớn, hay biểu diễn ngay tại địa điểm du lịch đã góp phần đa dạng hóa, tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, kích thích sự tìm tòi khám phá của du khách.

 Thanh Hóa bảo tồn và phát huy nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trò diễn, làn điệu dân ca dân vũ

Hiện nay, tại Thanh Hóa, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trò diễn, làn điệu dân ca dân vũ được bảo tồn và phát huy tốt, trở thành điểm nhấn du lịch đáng kể tại các địa phương.
Dân ca dân vũ Đông Anh là di sản văn hóa quý báu của xứ Thanh. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, những lời ca câu hát của bộ môn nghệ thuật độc đáo này vẫn còn vang vọng cho tới tận hôm nay, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân trên mảnh đất này.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 4.

Làng Viên Khê thuộc xã Đông Anh (nay là xã Đông Khê), huyện Đông Sơn. Mảnh đất này chính là nơi đã sản sinh ra Ngũ trò Viên Khê, thuộc hệ thống 12 trò diễn dân ca dân vũ Đông Anh nức tiếng trong cả nước.

Nội dung của dân ca dân vũ Đông Anh thể hiện đời sống tinh thần cực kỳ phong phú của người nông dân, được hình thành trong nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm. Với hình thức hát kết hợp với múa và diễn trò, loại hình nghệ thuật này đem đến cảm giác thú vị và hấp dẫn cho người thưởng thức.

Nhạc cụ sử dụng trong dân ca dân vũ Đông Anh khá đơn giản, bao gồm: trống, mõ, phách... thế nhưng, bằng sự tài tình của các nghệ sĩ dân gian, đã trở thành những giai điệu vừa vui nhộn vừa độc đáo. Để có thể biểu diễn thành thục các trò trong hệ thống tổ hợp dân ca dân vũ Đông Anh, dù là nghệ nhân hay các con trò trẻ, đều phải nỗ lực và tâm huyết trong quá trình học hỏi.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Cảnh, làng Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tâm sự: "May mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất dân ca, tôi yêu thích nên đi theo đàn anh, đàn chị và ngấm dần. Khi lấy chồng, tôi được bố mẹ chồng truyền dạy. Tôi đi diễn từ năm 1991 đến nay".

Xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương là nơi nổi danh với  nghệ thuật hát nhà trò Văn Trinh. Hoằng Hợp thuộc Tổng Văn Trinh xưa - vốn được xem là vùng đất "tàng phong tích thủy". Nơi đây, non nước hữu tình, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Tương truyền, từ xa xưa, tao nhân mặc khách đến xứ Thanh đều ghé qua Văn Trinh để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và đón nhận những ân tình thơm thảo của người dân đất này.

Đền thờ Trần Nhật Duật

Đền thờ Trần Nhật Duật là di tích tiêu biểu của xã Hoằng Hợp. Theo sử sách ghi lại, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con trai thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Không chỉ là một tướng tài, Ngài còn là người khoan dung độ lượng, am hiểu văn chương nghệ thuật. Vào cuối thế kỷ thứ 13, Ngài được giao trấn giữ vùng đất Văn Trinh ngày nay. Vốn là người sành âm luật, Ngài truyền cho nhân dân kĩ  thuật biểu diễn Hát nhà trò. Ca từ của bài hát tương truyền cũng do Ngài đặt ra. Hát Nhà trò tức là vừa hát vừa làm trò. Đây được xem là một trong những loại hình nghệ thuật căn bản, là nguồn gốc của ca trù hiện đại.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 8.

Đứng giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất Văn Trinh xưa, nghe tiếng đàn Đáy, tiếng trống phách vang vọng, mới thấy hết vẻ tinh túy trong nghệ thuật hát nhà trò. Qua từng lời hát, người nghe, người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, con người; khắc ghi công lao của các bậc tiền nhân tiên tổ trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương. Ngày nay, theo dòng chảy thời gian, hát nhà trò Văn Trinh cũng đã được cải biên một số ca từ mới. Nhưng chất cổ truyền vẫn là thứ quan trọng nhất làm nên giá trị đích thực cho loại hình hát xướng dân gian đặc sắc này.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 8.

Ca nương Lê Thị Thu, Câu lạc bộ Hát nhà trò Văn Trinh xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa rất tâm huyết chia sẻ: "Hát nhà trò Văn Trinh rất khó nên khi hát phải tròn vành, rõ chữ; nhả chữ phải đúng tiếng đàn, nhịp phách nghe mới rõ".

Nói đến du lịch xứ Thanh, không thể không kể đến sông Mã - dòng sông mẹ linh thiêng. Tự bao đời, dòng Mã Giang không chỉ cung cấp nguồn nước mát, hình thành nên những dải phù sa màu mỡ, kiến tạo xóm làng, mà còn góp phần sinh ra một đặc sản văn hóa - Hò sông Mã. Hò sông Mã ra đời trong quá trình con người chinh phục thác ghềnh, cải biến dòng sông thành con đường chuyển vận ngược xuôi. Cũng bởi vậy, những câu hò vừa mang âm vực chắc khỏe, vừa chở nặng tâm tình mênh mang sông nước.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 8.

Các làn điệu của hò sông Mã được hát theo lối xướng - xô: Một người giữ vai trò lĩnh xướng, những người khác đồng thanh phụ họa theo. Mỗi làn điệu có thanh âm, khúc thức khác nhau nhưng đều thể hiện được khí chất phóng khoáng và bản lĩnh phi phàm của người xứ Thanh trên hành trình chinh phục dòng Mã Giang hùng vĩ.

Xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân là nơi lưu giữ một tổ hợp múa dân gian đặc sắc, độc nhất vô nhị của xứ Thanh. Đó chính là trò diễn Xuân Phả, một trong những nét văn hóa tiêu biểu nhất, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc của Thọ Xuân.

Trò Xuân Phả bao gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Tú Huần. Tương truyền, các điệu trò này mô phỏng những điệu múa, hát đặc sắc của các nước lân bang triều cống vua ta. Chiêm ngưỡng những điệu múa của trò diễn Xuân Phả, người xem như được bước vào một không gian rộn ràng, rực rỡ sắc màu với trang phục, đạo cụ phong phú, đa dạng, tôn thêm vẻ độc đáo cho các điệu trò. Đặc biệt, những điệu múa của trò diễn Xuân Phả đều phóng khoáng, khi mạnh mẽ, lúc uyển chuyển nhịp nhàng. Một số nhà văn hóa khi tìm hiểu về các điệu múa trong trò Xuân Phả đều khẳng định đây là những điệu múa mang tính liên tục, như một vở diễn có năm lớp, tương đương với 5 trò diễn và mang đậm chất của người Việt Cổ.

Trước đây, trò diễn Xuân Phả được diễn trong lễ hội cúng tế Thần Đông hải Đại vương tại nghè thờ của xã. Ngày nay, trò Xuân Phả đã được giới thiệu, biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của huyện và của tỉnh. Cũng vì thế, tác phẩm nghệ thuật dân gian truyền thống quý báu này đã được công chúng trong và ngoài tỉnh biết đến rộng rãi hơn, trở thành một vốn văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa phong phú của huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 12.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng cho biết: "Trước đây chúng tôi đào tạo múa cho tất cả các thôn, làng trong xã. Mỗi một thôn, làng có một đội múa. Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đào tạo cho các cháu học sinh trung học cơ sở, mỗi một năm đào tạo tầm từ 120 - 150 cháu. Vốn văn hóa này có từ xa xưa, truyền từ đời này qua đời khác. Để giữ gìn và phát huy được văn hóa truyền thống, chúng tôi tập trung đào tạo cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài ra, chúng tôi phát triển thông qua các lễ hội truyền thống ở địa phương..."

Không chỉ trò Xuân Phả, hiện nay, hò sông Mã, hát nhà trò Văn Trinh, dân ca dân vũ Đông Anh... đã được đưa vào biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện lớn của tỉnh Thanh Hóa. Điều đó không chỉ làm rực rỡ hơn sắc màu văn hóa cho các lễ hội, sự kiện, mà còn tạo điểm nhấn riêng biệt, độc đáo, góp phần thu hút du khách về với xứ Thanh.

Nghệ thuật dân gian - nét đặc sắc của du lịch xứ Thanh - Ảnh 11.

Việc phát huy các bộ môn nghệ thuật dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống sẽ góp phần không nhỏ giúp ngành du lịch Thanh Hóa phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Kịch bản và đạo diễn: An Thư
Quay phim: Xuân Quang - Mạnh Tuấn
Chuyển thể và trình bày: Linh Phượng

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận