ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 11/04/2024 10:21

Những ngôi sao Mường Lát - Bài 2: Những người cha | Nguyễn Xuân Thủy | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe tác phẩm "Những ngôi sao Mường Lát" - Bài 2: "Những người cha" của tác giả Nhà báo Nguyễn Xuân Thủy qua giọng đọc Huyền Linh.

Người cha thứ nhất, cũng là người trẻ nhất, Đại úy Nguyễn Văn Phương. Phương sinh năm 1993, quê Hậu Lộc. Nhìn thì trẻ thế nhưng đã có vợ con ở quê. Thì cũng đã ba mươi rồi còn gì. Nhìn trẻ thế nhưng Phương cũng đã "kinh qua" gần chục năm công tác. Ngoài hai cậu con trai năm tuổi và hai tuổi của mình thì Phương còn đến… hơn hai mươi người con nữa. Là hơn hai mươi trẻ em Đồn Biên phòng Pù Nhi nhận đỡ đầu. Đồn nhận đỡ đầu thì phải có người đại diện đồn làm bố đỡ đầu, bởi vì bố đỡ đầu không thể là cả đồn, mà cần một đại diện. Đại diện này thường là người của Đội vận động quần chúng. Phương là Đội trưởng Đội vận động quần chúng.

"Lúc đầu em mới lên, đến mặt các con còn không nhớ hết. Chúng nó giống nhau lắm anh ạ"- Phương kể. Đúng là những đứa trẻ dân tộc giống nhau đến kì lạ, nhất là những đứa sàn sàn tuổi, người không có kinh nghiệm không dễ phân biệt. "Thế làm sao em nhớ được?" - Phương chỉ gãi đầu cười.

Đồn Biên phòng Pù Nhi quản lí 3 xã với 33 bản trải dọc biên giới gồm xã Pù Nhi, xã Nhi Sơn và một phần diện tích có các hộ người Mông thuộc xã Mường Lý. Hiện đồn đang cưu mang một em trong chương trình "Con nuôi biên phòng", hỗ trợ sáu em trong chương trình "Nâng bước em tới trường" và hai mươi em trong chương trình "Con nuôi Quân đội".

Làm bố đỡ đầu là làm gì? Mỗi tháng hỗ trợ một khoản tiền chỉ là ở khía cạnh kinh tế. Không thể đem phong bì năm trăm, một triệu đến đưa cho các em hay người thân các em là xong, càng không thể ngồi đấy mà chuyển khoản ting ting là xong. Qua lại thăm hỏi, động viên, nắm tình hình học tập của các con, đầu năm thì đưa các con đến trường khai giảng, con ốm đau hay có việc gì đột xuất tham gia giải quyết và tham vấn cách giải quyết… Đại thể là như thế. Nhưng đầu tiên là phải vận động các em và người thân (nếu còn) đồng ý tham gia chương trình đã. Lại là vận động. Thao Thị Dung ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn ban đầu cứ nhìn thấy bộ đội là sợ, hỏi gì cũng "Chi pâu". Có câu chuyện rằng, cánh dân phượt kia lên núi khám phá, đến bản người Mông, thấy một loài hoa nở tím núi rừng, đẹp quá, bèn hỏi người bản địa rằng đó là hoa gì. Hỏi người thứ nhất câu trả lời là "Chi pâu". Hỏi người thứ hai câu trả lời vẫn "Chi pâu". Gặp người thứ ba gặng hỏi mãi mới trả lời, thì câu trả lời vẫn là "Chi pâu". Thế là yên tâm loài hoa ấy tên là Chi pâu. Dân phượt chụp ảnh đồi hoa chỉnh màu óng ả, viết bài lời lẽ hoa mĩ pốt phây búc "Phát hiện loài hoa Chi pâu phủ tím rừng". Dân mạng lai còm ầm ầm. Nhưng hỡi ôi!, "Chi pâu" tiếng Mông có nghĩa là "không biết", "không biết đâu". Người Mông khá khép kín, ngại giao tiếp, nhất là với người lạ, nên vồn vã quá, hỏi han xôn xao quá người ta không bao giờ bắt chuyện, có biết người ta cũng không nói. Những việc sơ đẳng thế cán bộ biên phòng phải biết. Ai không biết chứ cán bộ biên phòng làm công tác vận động quần chúng không thể không biết. Thế mà Thao Thị Dung lại cứ "Chi pâu" thì phải làm sao? Kiên trì giảng giải, từ từ, dần dần Dung cũng hiểu bộ đội đến là để giúp em tiếp tục học cái chữ, tiếp tục đến trường, chỉ có cái chữ mới giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Em đã mở lòng và tin cậy. Còn Thao Thị Pó thì bố mẹ li hôn, em ở với chú ruột. Đỡ đầu thì cũng cần thủ tục, dù một vài thủ tục thôi, và cũng đơn giản thôi. Như là việc khám sức khỏe đầu vào. Phương đề nghị người chú đưa Pó xuống Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát để khám cho cháu. Cháu nào cũng thế chứ không riêng gì Pó. Đa phần các gia đình đều hiểu và nhất trí, tập trung đông đủ, đúng giờ tại bệnh viện huyện. Thế nhưng còn Pó mãi không thấy có mặt. Thôi chết rồi, hôm đến giải thích chú của Pó cứ băn khoăn, cháu tôi đang khỏe mạnh sao lại phải đi khám, cháu tôi có bệnh gì đâu mà khám. Khám không phải là có bệnh thì loại ra, không đỡ đầu nữa mà là để biết thực trạng tình hình sức khỏe của các cháu để có "giải pháp đỡ đầu" phù hợp. Phải khám thì mới có cơ sở để đánh giá sức khỏe, tâm sinh lí của các cháu trước khi được nhận đỡ đầu, để có tiêu chí đối sánh. Trong hội nghị, trong trao đổi chuyên môn thì có thể nói như thế, nhưng với đồng bào thì phải nói khác. Giải thích cho chú của Pó rồi, tưởng đã thông, ai ngờ đến ngày đến giờ lại mất hút thế này. Điện thoại thì chú Pó không có, nhắn về bản thì chú của Pó lại không biết đi xe máy. Chạy xe về bản để chở Pó lên thì cả mấy chục cây số, chắc chắn quay lên sẽ không kịp khám tổng thể, đấy là chưa kể còn phải túc trực phụ trách khám cho đàn vịt con lít nhít ở đây. Cuối cùng đầu Phương cũng lóe sáng khi tìm kiếm sự trợ giúp của một anh bạn người địa phương làm công tác đoàn thanh niên tại xã Pù Nhi. Phương nhờ người bạn này tức tốc đến nhà chở ngay Pó lên bệnh viện huyện. May thay mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Hôm ấy cả hai mươi con đã được khám đầy đủ để làm thủ tục đỡ đầu.

Về cái vụ nhớ mặt, Phương bảo, do theo dõi các cháu từ đầu, đưa đi khám sức khỏe, làm hồ sơ nên dần dần sẽ nhớ. Vì trong làm hồ sơ có mục chụp ảnh. Lại đưa các cháu đi chụp. Chụp rồi thì chú in mỗi cháu mấy cái, dán vào hồ sơ một cái còn thì chú để đấy lưu, chú để đấy chú ngắm, file ảnh thì chú để trong điện thoại, thi thoảng lôi ra đối chiếu ảnh các cháu với tên. Trên điện thoại của Phương có một danh mục thông số các cháu tham gia các chương trình con nuôi, con đỡ đầu. Đối chiếu ảnh với tên mãi thì sẽ quen dần, sẽ nhớ dần. Rồi đọc tên của các con nữa, nhiều cái tên đọc khó, phát âm mãi không tròn. Cứ thế Phương làm quen dần. Chứ chú mà chả nhớ mặt các cháu thì còn gọi gì là chú, đỡ đầu mà chả nhớ tên con thì gọi gì là đỡ đầu.

Con nuôi biên phòng của Đồn Pù Nhi là em Hà Bình Minh. Đúng ra con nuôi sẽ ở trong doanh trại, nhưng cũng có những trường hợp vận dụng. Trường hợp của Minh là vận dụng vì em còn mẹ. Năm 2018 triển khai chương trình, bố của Minh bị bệnh mất nên em được nhận làm con nuôi của đồn. Khi đó em bắt đầu học lên bậc trung học phổ thông. Mẹ Minh là cô giáo Lê Thị Thọ đã chuyển từ Pù Nhi lên thị trấn thuê nhà ở cùng để nuôi em ăn học tại trường huyện Mường Lát. Như vậy cũng khá là yên tâm. Con cái không ở với ai tốt bằng ở với bố mẹ, bất đắc dĩ mới phải cách xa. Năm nào khai giảng chú Phương cũng lên đưa Minh đi. Năm đầu cháu đứng đến ngực chú, rồi mỗi năm nhích lên một ít. "Ui! Bây giờ thì nó cao hơn em rồi ý" - Phương nói về cậu con nuôi của đồn đang học lớp chín.

Những sự giúp đỡ như những cái dắt tay qua khúc gập ghềnh, như cái ủn mông khi đang bước lên con dốc. Đời người có ai chọn được số phận, hoàn cảnh, ai nắm tay thâu ngày đến tối được đâu. Đến con của chính chiến sĩ biên phòng còn bỗng một ngày lại trở thành con nuôi biên phòng cơ mà. Cái không may của đời người xảy đến với người lớn đã đành nhưng xảy đến với trẻ con thì lại khác, những mầm non thơ ấy cần những cánh tay chìa ra. Phương bảo, anh rất mong sau này các cháu được bộ đội biên phòng và quân đội hỗ trợ sẽ có một tương lai tốt để vùng biên cương bớt đi những mảnh đời cơ cực.

*

Người cha thứ hai cũng là người nhiều tuổi nhất, Thiếu tá Đinh Anh Tuấn.

Ngồi bên tôi trong căn phòng nhỏ có tấm biển "Nhà ở con nuôi đồn biên phòng" của Đồn Biên phòng Trung Lý là hai người tên Tuấn một già một trẻ. Thiếu tá Đinh Anh Tuấn là bố nuôi, thay mặt đồn chăm sóc, quản lí, bảo ban con nuôi của đồn. Người con nuôi là em Gia Ngọc Tuấn. Gia Ngọc Tuấn đang học lớp 9B, Trường THCS Trung Lý. Tôi đến thăm hơi đường đột lúc cả hai bố con đang ngủ trưa. Tuấn vừa kết thúc năm học, đang nghỉ hè và chuẩn bị thi lên THPT.

Trong phòng kê hai chiếc giường bộ đội song song, một của con, một của bố. Đầu giường có gắn hai chiếc móc áo, một móc quân phục biên phòng, một móc đồng phục học sinh. Cuối giường của Tuấn có một chiếc bàn học nhỏ và giá sách. Ngày ngày Tuấn con đạp xe đi học, Tuấn bố làm công việc chuyên môn. Tuấn con ăn bán trú tại trường, Tuấn bố ăn tại bếp ăn của đồn. Cuối tuần, nếu không có việc gì đột xuất thì Tuấn bố nấu cơm hai bố con cùng ăn.

Gia Ngọc Tuấn đang vào độ trổ mã, nước da trắng, môi hồng với những nét đặc trưng của người Mông. Bố Tuấn là người Mông. Mẹ Tuấn là người Mông. Đương nhiên Tuấn cũng là người Mông. Bố Tuấn vốn là một chiến sĩ biên phòng, cũng làm nhiệm vụ ngay tại Đồn Trung Lý này thôi, là Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính. Thế rồi, trong một lần xuống bản Tà Cóm, xã Trung Lý công tác, do đường trơn trượt, Đại úy Gia Cá Dính đã bị ngã xe. Tưởng cũng thường thôi, ai ngờ bị chấn thương sọ não không qua khỏi. Bố mất. Khi ấy Tuấn mới 12 tuổi, học lớp năm. Bản Tà Cóm, cùng với bản Pung là hai bản xa nhất của Đồn Trung Lý, cách đồn cả sáu chục cây số, việc đi lại rất nguy hiểm. Bố của Tuấn bị tai nạn, xếp vào tai nạn giao thông nên không có chế độ gì. Khi bố còn sống và công tác tại đồn, đã mấy lần bố đưa Tuấn đến đơn vị chơi. Thế mà rồi không ngờ sau này đồn lại là nhà của Tuấn. Bố mất. Mẹ bỏ lại hai anh em sang Sơn La lấy chồng. Tuấn thành côi cút. Đồng đội của bố đã dang tay. Tuấn trở thành con nuôi biên phòng, về làm con của bố Hơ Văn Cấu. Và bây giờ là con bố Đinh Anh Tuấn. Em gái Tuấn là Gia Ngọc Chi ở với bà nội. Chi cũng được Đồn Biên phòng Pù Nhi nhận đỡ đầu trong chương trình "Nâng bước em tới trường".

Bố Đinh Anh Tuấn quê ở Hoằng Chinh, Hoằng Hóa nhưng hiện tại nhà ở thành phố Thanh Hóa. Bố Đinh Anh Tuấn trước ở dưới đồn tuyến biển, mới lên Đồn Trung Lý từ năm 2021 thôi. Trước khi bố Tuấn lên thì con Tuấn ở với bố Hơ Văn Cấu. Vì sao lại có sự chuyển giao này?

Thiếu tá Đinh Anh Tuấn là nhân viên phiên dịch tiếng Lào. Không hiểu có phải vì phiên dịch tiếng Lào hay không mà ở anh có nét ưu tư "mắt trừng gửi mộng qua biên giới". Anh sinh đầu năm 1972 thì cuối năm ấy bố anh hi sinh tại Sóc Trăng. Tuấn không biết mặt bố. Anh lớn lên dưới danh xưng con liệt sĩ. Không biết đã bao lần cảm thấy nhói lòng mỗi khi có ai hỏi bố đâu. Sau này anh nhập ngũ, theo con đường binh nghiệp bố đã đi. Anh đã vào Sóc Trăng, đi tìm mộ bố, đến nơi bố nằm thì chỉ là một loạt mộ vô danh, anh đành để bố nằm đó bên những đồng đội của ông. Thấm cảnh cô đơn khi không có người cha bên cạnh những năm còn thơ bé, bố Tuấn có sự đồng cảm với những mảnh đời đơn côi. Khi lên Đồn Trung Lý công tác, biết hoàn cảnh của Tuấn con, nhìn cậu bé như gà con mất mẹ lọt trong doanh trại giữa một bầy gà trống anh không khỏi động lòng. Dù lúc ấy Gia Ngọc Tuấn đang có bố Hơ Văn Cấu rồi nhưng Tuấn bố vẫn báo cáo Chỉ huy đồn xin "nhượng" lại chức bố nuôi từ đồng đội. Chỉ huy đồn thấy hợp lí nên sắp xếp để hai bố con Tuấn - Tuấn về ở với nhau. Mọi chế độ thì đồn lo nhưng tình cảm là thứ không thể cắt đặt hay cân đong được, cũng không thể giao nhiệm vụ bằng những mệnh lệnh được. Sự tự nguyện bao giờ cũng đáng trân trọng.

Tết năm vừa rồi, bố Tuấn đưa con Tuấn về nhà ở thành phố Thanh Hóa chơi. Gọi là về ăn tết. Kỷ niệm về chuyến đi ấy, Tuấn con bảo, ở dưới xuôi đúng là ăn tết, chỉ thấy ăn là nhiều, còn trên miền núi của em thiên về chơi tết nhiều hơn. Nhưng ngoài ăn tết thì Tuấn con còn được đi thăm họ hàng, được gặp và làm quen với chị con ruột của bố, chị Nga con bố Tuấn đang học Đại học Kinh tế quốc dân cũng về nghỉ tết, được chơi cùng em trai con bố nữa. Năm ấy Gia Ngọc Tuấn đã có một cái tết gia đình đầm ấm. Nhà bố Tuấn ở gần Bệnh viện Hợp Lực, khu cầu Hàm Rồng. Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, con sông chảy từ quê của Tuấn, từ nơi hai bố con gắn bó xuống hạ lưu và ra biển. Bố Tuấn cũng mong sau này học phổ thông xong con Tuấn cũng xuôi dòng sông Mã, đi xa, học lên nữa để trở về phục vụ quê hương.

*

Người cha thứ ba là Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, người mãi mãi ở tuổi 47.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng nguyên là Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Tam Chung. Anh sinh năm 1976, nhập ngũ năm 1998. Nhìn vào bảng tóm lược quá trình công tác của anh tôi không khỏi nhói lòng. Nhập ngũ năm 1998, tính đến năm 2018, nghĩa là 20 năm quân ngũ, Trịnh Tứ Thắng đã thuyên chuyển vị trí công tác 9 lần, với vị trí trải khắp Nam - Trung - Bắc. Ban đầu anh nhập ngũ vào Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó đi học trường Trung cấp Biên phòng 2 rồi được phân về Đồn 622 ở Trà Vinh. Tiếp đó Thắng ra Hà Nội học chuyển cấp Đại học tại Học viện Biên phòng rồi về lại Trà Vinh công tác ở Đồn 618. Sau đó anh về làm Trợ lí Kế hoạch tổng hợp của Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng Trà Vinh. Năm 2012 Trịnh Tứ Thắng lại chuyển ra Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, làm Đội trưởng Đội vận động quần chúng, sau đó làm Chính trị viên phó của Đồn Cà Roòng. Đến năm 2017 anh mới chuyển về quê hương tại Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa; làm Trợ lý Tuyên huấn của Phòng Chính trị được một năm, đến năm sau lại đi Đồn cửa khẩu Nghi Sơn. Năm 2021, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng về làm Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Câu chuyện về anh bắt đầu từ đây.

Trịnh Tứ Thắng là người khéo tay hay làm. Từ thời trẻ, anh đã có bề dày tham gia công tác đoàn, đội. Khi vào quân ngũ, trải khắp các vùng miền với những khác biệt về văn hóa, phong tục, anh cũng đã tích lũy được nhiều vốn sống, vốn văn hóa và hiểu biết xã hội. Thắng có nhiều tài lẻ. Anh có thể chăm tỉa, tạo dáng cây cảnh rất đẹp. Anh cũng có thể quay chụp, dựng clip, phim ngắn. Thắng còn biết độ xe máy. Nghề này anh học lỏm từ những ngày công tác ở phía Nam. Những chiếc Honda 67 được anh độ lại trông rất bắt mắt, lại phù hợp với địa hình miền núi. Đó cũng là một công việc giúp anh kiếm thêm thu nhập. Thắng làm tất cả những việc gì có thể kiếm ra tiền bằng lao động chính đáng. Anh không ham kiếm tiền để làm giàu. Tiền kiếm được anh dành cho công việc thiện nguyện. Nói là thiện nguyện nhưng cũng là công việc liên quan mảng công tác anh đảm nhiệm tại Đồn Biên phòng Tam Chung. Mười tám đứa trẻ Thắng đứng ra nhận đỡ đầu đều là những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong đó có những hoàn cảnh rất thương tâm.

Bốn anh em cô bé Hơ Thị Tho ở bản Cá Tớp, xã Pù Nhi chẳng hạn. Bố mẹ tảo hôn, lấy nhau từ khi chưa đủ tuổi làm hôn thú, có với nhau bốn mặt con nhưng vì cuộc sống khó khăn, giữa hai vợ chồng thường xảy ra những bất đồng. Sau một trận cãi nhau, người bố không làm chủ được mình đã tìm đến lá ngón tự vẫn. Mẹ của bốn đứa trẻ không chịu nổi cảnh tượng đau lòng đó đã bỏ đi lấy chồng khác. Bốn đứa trẻ thơ dại bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình, một ngôi nhà nhỏ trên đồi cao bốn bề gió táp. Người anh 14 tuổi nhưng nhận thức không bình thường, thành ra cô em gái kế tiếp Hơ Thị Tho, 12 tuổi, phải đảm đương vai trò chị cả chăm anh và hai em. Sự xuất hiện của Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã như một vị cứu tinh đem ánh sáng đến cho cuộc sống của bốn đứa trẻ côi cút. Các em được giúp đỡ về vật chất và động viên về tinh thần. Khi thì bao gạo, khi thì quần áo ấm, chiếc chăn bông, khi thì đồ dùng sinh hoạt, học tập… Ngôi nhà chống chếnh giữa đồi cao dần trở nên ấm áp. Bố Thắng đã kéo điện về để bốn anh em Hơ Thị Tho có cái dùng, có ánh sáng để học tập. Bố Thắng che lại vách nhà cho gió khỏi lùa, lợp lại chỗ dột trên mái nhà cho mưa khỏi thấm. Anh đã đến với những đứa trẻ bằng tấm lòng của một người cha. Bốn anh em Tho cũng đã coi Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng thực sự là người cha mới.

Trường hợp hai anh em Lò Việt Anh và Lò Tiến Dũng ở bản Lát, xã Tam Chung lại có những khó khăn khác. Bố mẹ của hai em chẳng may bị ung thư và đều qua đời để lại hai cậu con trai bơ vơ tự lo liệu cuộc sống. Ông bà nội của hai cậu bé vẫn còn nhưng vì quá nghèo họ cũng không giúp được gì cho hai người cháu nội. Lò Tiến Dũng đang học cấp ba phải đứng lên gánh vác công việc gia đình. Nghỉ hè cậu đi làm thuê để lo cho hai anh em vào năm học mới. Thế nhưng lứa tuổi học trò, đồng tiền kiếm được mấy tháng hè chẳng là bao, làm sao đủ trang trải cho cả hai anh em tiếp tục việc học tập. Vậy là Lò Tiến Dũng đã quyết định nghỉ học để đi làm nuôi em. Biết được thông tin này, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã đến gặp gỡ, động viên. Bằng những tâm tình, phân tích thiệt hơn, cộng với những giúp đỡ thiết thực anh đã vận động Dũng trở lại trường học. Biết ông bà của Việt Anh và Dũng tuy nghèo nhưng rất thương các cháu, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã tìm cách giúp họ làm ăn để thoát nghèo. Anh tìm nguồn hỗ trợ giúp ông Lò Văn Dự, ông nội của hai em Lò Việt Anh và Lò Tiến Dũng một con bò giống. Lại hứa sẽ giúp ông cải tạo lại chiếc ao bỏ không sẵn có để thả cá tạo thêm nguồn thu.

Có nghề độ xe máy, Thắng cũng độ một chiếc 67 cho riêng mình. Chiếc xe 67 màu đỏ mận của anh có lắp một chiếc cốp phụ to phía sau. Sẽ có nhiều câu chuyện về chiếc cốp này. Chiếc xe ấy đã gắn bó với anh trong mọi chuyến đi, trên mọi cung đường. Trong chiếc cốp ấy mỗi lần về bản bao giờ cũng đầy bim bim, bánh kẹo và đồ dùng học tập cho các cháu con nuôi biên phòng, các cháu mà anh nhận đỡ đầu.

Nhà Thắng ở Sầm Sơn phía biển. Anh có một gia đình và ba cậu con trai. Có lẽ vì yêu trẻ con nên trời cho anh số con cũng nhiều hơn một chút so với phần đông các gia đình hiện đại. Khi lần sinh thứ hai, năm 2007, chị Hiền vợ anh cho ra đời hai cậu con trai kháu khỉnh. Thành ra cuộc sống của Thắng tứ bề con đẻ, con nuôi, những đứa trẻ sàn sàn gà vịt lúc lỉu như cây đu đủ sai quả, chen chúc nhau bám vào thân cây là bố Thắng. Mỗi lần vượt quãng đường hai trăm năm mươi cây số về thăm nhà quay trở lại đơn vị với Thắng bao giờ cũng lễ mễ những thứ từ quê biển, vài bọc moi khô, vài cân cá biển, nước mắm, mì chính… Những thứ ấy là để cho các con đỡ đầu, những đứa trẻ vẫn ngóng trông anh, vẫn chờ mong tiếng xe quen thuộc rẽ trong làn bụi đỏ của bố Thắng biên phòng mỗi lần về bản.

Mười tám đứa trẻ anh nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ từ 300 đến 500 nghìn đồng một tháng đều từ nguồn của cá nhân anh cộng với sự hỗ trợ từ anh em, bạn bè và các nhà hảo tâm mà anh có kết nối. Năm 2018, sau trận lũ lụt lớn, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã bằng các mối quan hệ của mình ở thành phố Thanh Hóa, vận động được 200 thùng mì tôm chở lên cứu trợ cho bà con. Món to thế thì phải có ô tô chứ chiếc xe máy gắn cốp của anh không chở hết được. Còn lại với anh là những chuyến đi nhỏ lẻ. Từng thôn bản của các xã Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý đều hằn in dấu xe anh. Hằn in thực sự theo nghĩa đen, là vì đường đất, mưa thì lốp xe đóng triện trên bùn mềm, nắng thì vẽ hình lên bụi đỏ. Chiếc cốp xe vẫn ẩn hiện trong bụi đỏ mờ xa, là một thứ rất hút ánh nhìn con trẻ các bản làng. Chiếc cốp ấy như đựng cả những điều ước và tương lai của lũ trẻ.

*

Tôi không gặp được Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng để nghe anh kể về những gì mình đã làm cho con em các dân tộc vùng cao gắn với vị trí công tác. Cuộc đời đã không công bằng đến hai lần khi đã lấy đi của những mầm non một cuộc sống bình thường, ổn định có mẹ có cha rồi lại còn một lần nữa cướp đi người cha nuôi như chút hơi ấm động viên dành cho những đứa trẻ thiệt thòi ấy. Trong một lần về nhà ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, một buổi chiều tháng bảy năm 2022, trên đường đi lấy hàng từ thiện để mang lên đồn tiếp tục hành trình thắp lửa tương lai cho đàn con thơ, chiếc xe gắn cốp của Thắng cứ tấp dần, tấp dần vào lề đường và anh khuỵu xuống, mặt tím tái. Người dân phát hiện đã trợ giúp đưa anh vào bệnh viện nhưng Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã ra đi. Một sự ra đi nhẹ nhàng, bất ngờ đến ngỡ ngàng đối với người thân, đồng đội và những người anh quen biết.

Thật xót xa khi số phận lại dành cho người đàn ông có tấm lòng bồ tát ấy một cái kết dở dang giữa hành trình. Giờ đây, chính những người con ruột của Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, các em Trịnh Hồ Hoài Nam, Trịnh Hồ Việt, Trịnh Hồ An lại trở thành những đứa trẻ mồ côi bố. Và những đứa con nơi biên cương ấy, chúng sẽ mong và nhớ bố Thắng xiết bao… Từ hôm biết tin bố Thắng ra đi, chị em Hơ Thị Tho vẫn không tin đó là sự thật. Chiều chiều Tho vẫn ngồi trước nhà, trên con dốc cao ngóng xuống, chỉ mong bố Thắng bỗng xuất hiện, ngược con dốc quen thuộc lút cây rừng đến với anh chị em cô. Tho vẫn mong có một phép màu để bố Thắng quay về. Những gì người cha đỡ đầu mang đến cho chị em cô không chỉ là những vật chất bình thường, mà cao hơn thế là gieo một niềm tin sống, niềm tin vào sự tốt đẹp tồn tại trong cuộc đời này. Nhờ bố Thắng, Tho đã trưởng thành hơn, nghị lực hơn để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Giờ đây, mong ước của cô là một lần được về nhà bố Thắng để nói lời chia sẻ với mẹ Hiền và các anh con bố. Còn ông Lò Văn Dự thì nước mắt ngân ngấn theo những đường chân chim dăn deo của người đàn ông già trước tuổi, nhìn ra chiếc ao mà Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng bảo sẽ về cùng ông nạo vét để thả cá. Con bò anh mang đến cho gia đình giờ đây đang có chửa, bụng kềnh càng sắp đẻ. Thế mà người bố của các con ông, người con trời mang đến cho ông mãi mãi không về với ông cháu ông nữa. Lời hứa của bố Thắng sẽ đưa hai anh em Lò Việt Anh và Lò Tiến Dũng về Sầm Sơn quê bố chơi giờ đây cũng thành bỏ lửng.

*

Đi khắp dải biên cương của các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa, không khó để bắt gặp những câu chuyện về những người cha biên phòng. Sự tận tâm, tận hiến của họ vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu công tác nhưng cũng là nhu cầu tự thân. Họ đã đến với đồng bào, đến với con em các dân tộc, đối đãi với họ như chính những người thân của mình. Trên mỗi đồn biên phòng, câu khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" đã được thực hành bằng mỗi lời nói, mỗi việc làm và bằng cả cuộc đời của mỗi chiến sĩ biên phòng mà cảm nhận rõ nhất qua hình ảnh những người cha như: Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Thiếu tá Đinh Anh Tuấn, Đại úy Nguyễn Văn Phương cùng nhiều những người cha khác nữa.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã ra đi. Thiếu tá Đinh Anh Tuấn cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Đại úy Nguyễn Văn Phương rồi sẽ chuyển công tác đến một nơi nào đó có các đơn vị bộ đội biên phòng trải dài khắp đất nước. Nhưng dải đất biên cương với chiều dài hơn hai trăm kilomet của tỉnh Thanh Hóa chắc chắn sẽ vẫn có những người cha áo lính khác tiếp tục công việc của họ, đến với những mảnh đời trẻ thơ không được may mắn, bởi bà con nhân dân các dân tộc nơi biên giới cần các anh. Bằng những việc làm của các anh, biên viễn mờ xa bỗng trở nên gần gụi khi những đức tính tốt đẹp của người Việt đã được lan tỏa với tinh thần tương thân tương ái từ trong huyết quản chứ không phải ở những hô hào./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận