ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 27/03/2024 08:44

Những ngôi sao Mường Lát - Bài 1: Binh pháp vùng biên | Nguyễn Xuân Thủy | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe bút ký “Binh pháp vùng biên” thuộc chùm bài “Những ngôi sao Mường Lát” của Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy qua giọng đọc Thùy Dung.

Thiếu tá Vi Xuân Thao là một dạng "biên phòng ngoại tuyến". Anh thuộc diện cán bộ biên phòng được điều động về địa phương tham gia cấp ủy để tham vấn đóng góp xây dựng chính quyền cơ sở. Anh Thao dân tộc Thái, nhà ở huyện Quan Hóa nhưng cả cuộc đời quân ngũ gắn bó với Mường Lát. Anh thuộc diện có nền tảng khá tốt, trước khi nhập ngũ anh đã học trung cấp y. Sau huấn luyện anh được điều về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, làm chiến sĩ quân y theo chuyên môn đã được đào tạo. Mười tám năm làm chiến sĩ quân y, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội và các vấn đề về y tế của đơn vị. Thế nhưng vào lực lượng, tự lúc nào anh đã thẩm thấu những tố chất đặc trưng của bộ đội biên phòng, ngồi một chỗ nhìn anh em đi cơ sở, xuống địa bàn Thao bỗng thấy… thèm. Vậy là anh trình bày nguyện vọng được đi học nghiệp vụ biên phòng. Nguyện vọng được đáp ứng. Năm 2008 anh được cử đi học. Năm 2010, học xong anh được phân công về Đồn Biên phòng Tam Chung, đúng lúc tỉnh Thanh Hóa có Nghị quyết về việc đưa cán bộ biên phòng về cơ sở xóa bản trắng đảng viên, tỉnh mở lớp tập huấn công tác Đảng, công tác chính trị, anh được đơn vị cử tham gia.

Sau khi kết thúc lớp học anh được điều về làm Phó Bí thư Chi bộ bản Ón, là bản mới nhất, lại ở vị trí địa đầu với 100% người Mông, cả bản chưa có một đảng viên nào. Thì bây giờ có, là anh đó. Khi ấy bản Ón chưa có các ban ngành đoàn thể, chưa có các tổ chức quần chúng. Xã Tam Chung cử hai cán bộ về, một người làm Bí thư chi bộ, một người làm Trưởng bản. Trên cương vị Phó Bí thư chi bộ, trách nhiệm của anh Thao là phải cùng với họ gây dựng, bồi dưỡng tạo nguồn tại chỗ để có thể phát triển Đảng, làm nòng cốt cho hệ thống chính trị. Thời gian đó Giàng A Chống, một thanh niên của bản Ón hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ đảo Mê trở về, cũng thuộc diện tạo nguồn và đã được kết nạp Đảng tại đơn vị. Về địa phương, Chống tiếp tục được bồi dưỡng, đến năm 2012 thì chức Bí thư Chi bộ bản Ón được chuyển giao cho Giàng A Chống, Chống cũng kiêm luôn vai trò Trưởng bản, cán bộ trên xã rút về. Còn lại anh Thao trong vai trò Phó Bí thư, tham vấn, đồng hành với lãnh đạo bản trên mọi mặt trận.

Quay đi quay lại cũng đã mười năm có lẻ. Bản Ón từ chỗ trắng đảng viên đến nay chi bộ đã có 18 đảng viên, trong đó có 15 đảng viên là người đồng bào. Bản Ón mười năm trước tìm một chiếc bát ăn cơm còn khó, nay mọi gia đình nhà cửa sạch sẽ, bát đũa đủ đầy. Vốn là chiến sĩ quân y nên trên cương vị mới Thiếu tá Vi Xuân Thao rất quan tâm đến việc giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh trong ăn ở, sinh hoạt. Bà con người Mông thì lại có những tập tục riêng của họ, những thói quen thâm căn cố đế, khó mà thay đổi. Mọi thứ phải từ từ với những phương pháp phù hợp. Như là cán bộ mượn cái bát pha mì tôm nhưng mang bát xuống suối đánh rửa cho sạch bong lên. Cán bộ mượn bát màu đen nhưng khi trả lại bát lại màu trắng, cái bát trắng sạch nhìn bát mì pha cũng ngon hơn. Từ những hành động trực quan nho nhỏ như thế để dân tự nhận ra mà làm theo, mà thay đổi từng chút một, từng người một, từng nhà một. Cán bộ không chỉ dạy bằng mồm mà còn dạy bằng tay, hướng dẫn, động viên, khuyến khích. Để làm được thế thì cán bộ phải biết cái tiếng của đồng bào. Dù là người Thái, tiếng Thái là tiếng mẹ đẻ, dù là cán bộ nói tiếng Kinh thì anh Thao vẫn phải học thêm tiếng Mông, học để nghe để hiểu, dù không nói tốt nhưng nghe cũng được đến tám mươi, chín mươi phần trăm. Ngôn ngữ là cầu nối quan trọng để người đến với người, để người gần với người hơn.

Thiếu tá Vi Xuân Thao chia sẻ rằng: Mọi tập tục đều có nguyên do lịch sử. Những thói quen không phải ngẫu nhiên cứ lặp đi lặp lại từ đời này sang đời khác để ăn sâu thành căn tính. Như là tục tang ma của người Mông ấy. Người chết nằm xuống rồi thì mỗi người con trai phải dắt đến một con bò. Nhà năm con trai thì năm con bò, bảy con trai thì bảy con bò. Mỗi ngày sẽ thịt một con, thế nên số ngày người chết được lưu lại trong nhà cũng tương ứng với số bò dắt đến. Bao giờ hết bò làm ma, linh hồn đủ vòng luân hồi, đến ngày đẹp mới đưa thi thể người chết đi chôn. Khi ấy thì thi thể đã chảy nước ra rồi, bốc mùi lên rồi. Ấy thế mà người Mông lại không đưa người chết vào quan tài tại nhà. Thi thể được bó chiếu mang đến cho vào quan tài cũng là cho xuống huyệt luôn. Vận động thế nào bà con cũng không chịu nhập quan cho người chết khi họ mới nhắm mắt. Do tập tục nộp bò làm ma mà sau mỗi đám tang nhiều gia đình có người chết gần như khánh kiệt, nhiều hộ rơi vào tình trạng đói nghèo và phải gánh số nợ lớn nhiều năm sau chưa trả hết. Phó Bí thư chi bộ Vi Xuân Thao trăn trở lắm, nghĩ mãi không ra cách để vận động bà con thay đổi. Cho đến khi chính bà mẹ Giàng A Chống ốm nặng chuẩn bị nằm xuống thì anh thấy đây là thời điểm quyết định cần "điểm huyệt". Bằng quan hệ công tác sẵn có, lại đánh vào vai trò gương mẫu của đảng viên, của Bí thư chi bộ, anh dùng lời lẽ phù hợp thuyết phục đồng chí Bí thư làm điểm việc tang ma. Trước đây, khi Giàng A Chống chưa được bồi dưỡng để giữ vị trí Bí thư chi bộ - Trưởng bản thì anh của Chống là Giàng A Sào đã có thời gian được chỉ định tạm thời làm Trưởng bản, giờ không làm nữa nhưng cũng coi như cán bộ cả. Thiếu tá Vi Xuân Thao đã gặp gỡ A Sào, A Chống vận động khi mẹ nằm xuống hãy rút ngắn số trâu bò xuống, rút ngắn số ngày lưu ma tại nhà lại cho đỡ tốn kém, làm gương để bà con noi theo, người chết cũng nên đưa vào quan tài cho vệ sinh. Dù đồng ý nhưng hai anh em vẫn phân bua bảo chỉ rút được một ít thôi không có dân bản chửi. Bàn thảo mãi cuối cùng số trâu rút xuống còn hai con, nghĩa là để ma hai ngày. Thi thể mẹ cũng được hai anh em vị Trưởng bản thống nhất cho vào quan tài, nhưng là quan tài trống nắp, lúc mang ra huyệt chôn mới đóng nắp lại. Như thế cũng đã là thành công. Anh Thao bảo, với đồng bào mọi thứ phải từ từ. Ở vùng biên có những cái lí riêng của nó. Như là bắt mãi sao vẫn còn ma túy, dạy mãi sao vẫn còn người mù chữ… câu trả lời thật không dễ. Vậy nên, khi triển khai một chương trình nào đấy đừng có kì vọng quá mà phải hiểu tình hình thực tế. Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều, nhưng có những thực tế không mấy chuyển biến đều có căn nguyên của nó. Cái căn nguyên của việc tang ma theo Trưởng bản Giàng A Chống lí giải là vì người Mông từ xa xưa bị truy đuổi phải trốn lên núi cao cố thủ và trú ngụ, lâu thành quen, mọi tập tục theo thế mà thành. Ở trên cao, luồn lách dốc đèo, khi người chết cũng không thể đưa ma rình rang, không thể khênh quan tài hàng ngang mà đi được, vì thế nên mới có tục bó chiếu khênh đến huyệt, quan tài sẽ lắp sẵn dưới huyệt để làm nhà cho người chết tại chỗ. Sâu xa là như thế. Người Mông có cái lí của người Mông, đừng lên án họ khi giữ góc nhìn từ ngoài vào mà không có sự đồng điệu. Có thể mọi thứ sẽ thay đổi từ những điều kiện do đời sống mới mang lại, thói quen mới sẽ hình thành nên những tập tục mới phù hợp với cuộc sống hiện đại. Như những cô cậu người Mông trẻ tuổi đi làm xa giờ đây đã sẵn sàng trút bỏ bộ quần áo, váy thổ cẩm mặc những bộ quần áo hợp thời, những bộ đồng phục hòa nhập với thanh niên ngày nay để đi làm ăn tại các khu công nghiệp. Tương tự như thế, khi những con đường được mở ra, việc lưu thông đã dễ dàng hơn, nơi ở của người Mông cũng không còn quá cheo leo nữa mà về khu tái định cư ổn định thì rất có thể mọi thứ sẽ tự khắc từ từ thay đổi, rồi dần dần việc tang ma sẽ không còn như trước nữa. Vấn đề là thời điểm. Cái lí của người đi vận động quần chúng cần tương đồng với cái lí của đối tượng vận động, của người Mông, người Dao, người Mường… thì công việc mới chạy, mới thông.

Bây giờ thì việc tang ma của người Mông ở bản Ón cũng đã được giản lược hơn, cuộc sống văn minh, vệ sinh hơn. Đó cũng là lúc Thiếu tá Vi Xuân Thao chuẩn bị nghỉ hưu. Không phụ lòng tin của cấp trên, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ biên phòng cắm bản. Trong hơn mười năm lăn lộn với bà con bản Ón của anh có biết bao câu chuyện xây dựng, củng cố vùng biên với những phương pháp công tác đặc biệt mà những điều kể trên chỉ là vài ví dụ nhỏ. Một phần đời quân ngũ của anh đã được ghi dấu tại bản Ón với những "binh pháp" từ thực tế trong những điều kiện hết sức đặc thù của vùng biên giới.

*

Tôi gặp Nguyễn Văn Phương trong sự vội vã của chuyến đi lên Mường Lát. Đồn Biên phòng Pù Nhi không phải là địa điểm chúng tôi lưu lại qua đêm lần ấy, chỉ là đôi chút dừng chân. Phương xuất hiện với tư cách Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của đồn để trả lời về một số vấn đề liên quan đến chương trình "Bữa sáng yêu thương" mà Đồn Biên phòng Pù Nhi thực hiện tại các điểm trường trên địa bàn. Nhìn vẻ tươi trẻ và thân thiện của Phương tôi nghĩ bụng, với thần thái này có lẽ Phương sẽ hoàn thành tốt vai trò "vận động quần chúng" của mình thôi. Nhưng một bất ngờ là Phương vừa mới "chuyển ngành" chứ từ trước đến nay anh làm Đội trưởng Đội Vũ trang.

Phương cho biết, Đồn Biên phòng Pù Nhi quản lí gần 22 kilomet đường biên, với 8 cột mốc. Cột mốc gần thì từ chỗ không đi xe được phải tuần tra bộ cũng dăm cây như cột 309, 310, 312; cột mốc xa thì tám, chín cây như cột 305, 307, 308, đó thực sự là thử thách với những đôi chân mới. Ngày đầu về đồn, Phương đi tuần xuống bản Pù Quăn, là bản xa nhất trong 11 bản của Pù Nhi, giáp với xã Quang Chiểu, cách đồn 9 cây số. Đi bở hơi tai mới đến. Rồi thì cũng quen dần.

Phương còn trẻ quá. Học sinh thi đỗ thẳng vào Học viện Biên phòng. Mặt bấm ra sữa đã tốt nghiệp ra trường, mới có mấy năm nằm tại Đồn Cà Tu của tỉnh Tây Ninh rồi về Thanh Hóa, lên Mường Lát. Gần chục năm sau ra trường, mọi quăng quật chưa đủ khuất phục làn da trắng và nụ cười trong veo của Phương. Tỉnh nhà đấy nhưng từ Pù Nhi về nhà cũng lại chả hai trăm năm mươi cây chứ ít à. Chả than nghèo kể khổ, chả nghiêm ngắn, đề cập đến những khó khăn Phương cứ tưng tửng kể, điệu bộ như thể vẫn chưa hết ngạc nhiên về vùng đất anh đang gắn bó. "Ui! Đợt mới ra em choáng lắm. Ở Thanh Hóa nhưng nhà em ở miền biển, em chưa bao giờ lên đây. Trong Tây Ninh là đồng bằng, giải quyết công việc gì cũng thuận tiện, ở đây leo núi xù chân, bở hơi tai cả ngày chưa đến". Dù bở hơi tai thế nhưng chuyến đi cơ sở đầu tiên của Phương lại không xỉu vì mệt mà là xỉu vì rượu. Cán bộ cơ sở nhiệt tình quá cứ trao đổi công tác bằng những lần nâng lên đặt xuống. Cậu trai lẻo ngoẻo nhanh chóng bị hạ gục như cún con say sữa. Dân chuốc rượu cho biên phòng say mềm rồi dân lại giúp biên phòng giã rượu bằng cách khênh sang trạm y tế để… truyền. Khi kim sắp cắm vào tay thì anh lính trẻ Đội Vũ trang sợ quá tỉnh cả rượu. "Đời em sợ nhất bị cắm kim tiêm vào người". Sợ cắm kim tiêm vào người nhưng mà có lúc vẫn phải tiêm, không thể nào khác được. Chả ốm đau gì nhưng tiêm là mệnh lệnh. Thì cái đận cô vít đấy, ai mà không tiêm. Không tiêm có mà chết à. Còn bị kỉ luật nữa chứ chả đùa. Nên là dẹp cái lí do sợ tiêm đi, tự làm công tác tư tưởng cho bản thân mà chìa bắp tay ra. Tư tưởng cho mình thông rồi thì đi vận động cho những cái đầu không thông khác, là bà con dân bản ấy. Là vì khi ấy Phương vừa được "nhấc" từ Đội Vũ trang sang Đội Vận động quần chúng. Chả hiểu do lẻo ngoẻo quá hay do niềm nở quá mà "trển" bỗng nhìn ra tiềm năng dân vận ở cậu. Cũng là Tây nhưng là miền Tây Thanh Hóa, không phải là Tây Ninh, nên là mọi thứ cũng khác lắm. Ban ngày bà con ở ngoài rẫy cả, mà rẫy thì tít hút trên rừng, có khi dân dựng chòi ở luôn ngoài ấy có về nhà đâu mà vận động. Nên là phải hẹn, phải nắm lịch của bà con mà vận dụng, chứ đến nhà mà không gặp thì vận động vào mắt à. Dù có niềm nở nhưng cũng phải gặp người mới niềm nở được chứ, không lẽ lại cười với đá núi cây rừng, với con gà con sóc. Mà cái vụ vận động tiêm đừng có nói là cứ niềm nở là xong chuyện nha. Dở khóc dở cười đấy. Cả bản sợ tiêm cái thuốc vào nó làm cho cái thằng người nó sẽ bị ngu ra, không tốt đâu, bọn thanh niên nó xem trên Yu tút rồi, Yu tút nó bảo thế đấy, có khi không chết vì cô vít mà lại chết vì tiêm đấy. Khổ thế, thời đại công nghệ, cái thằng Yu tút nó lại "vận động quần chúng" nhanh hơn cả những người có chức năng vận động. Vào một nhà có một thanh niên mới đi làm ăn xa ở khu công nghiệp về, yêu cầu đi tiêm thì cậu ta nói tỉnh bơ "ơ, em sợ tiêm nên em mới trốn về quê đấy chứ". Đi đến đâu cũng vấp phải những cái lắc đầu "Không tiêm đâu! Không tiêm đâu!", đến đi ngủ Phương còn ám ảnh nói mớ câu đó. Dăm ba người sợ thì còn vận động chứ cả bản sợ thì biết vận động ai. Thế rồi cũng tìm ra được mũi đột phá tiến công. "Bà không sợ tiêm đâu, bà không sợ chết đâu, bộ đội bảo tiêm thì bà sẽ tiêm", một bà lão 82 tuổi nói với Phương chắc như ngô treo trên gác. Nhưng bà cụ dũng sĩ tiêm Thao Thị Dính đã ngoài bát thập lại không đi lại được, nhà mãi trên núi cao của bản Cá Tớp giáp biên giới, cách điểm tiêm vắc xin cả nửa ngày đường. Làm thế nào để đưa cụ bà hình mẫu chống giặc cô vít xuống núi đi tiêm bây giờ? Lại đang trong điều kiện dịch bệnh, mọi thứ đều hết sức ngặt nghèo. "Thôi được rồi, để con cõng bà". Nói là làm, Phương sửa soạn vào việc. "Anh có cõng được không? Nhỡ ngã xuống vực thì chết" - Thao Thị Dua, cán bộ phụ nữ xã đi cùng tròn mắt lo lắng trước quyết định bất ngờ của đồng chí biên phòng bạch diện thư sinh. Nói thế chứ dù lẻo khoẻo thì Phương cũng đã vượt qua những đợt huấn luyện dã ngoại ở trường, dù lẻo khoẻo thì Phương cũng đã đi tuần cùng anh em. Người có sức khỏe, ở núi lâu đi mất một tiếng thì Phương đi cùng lắm cũng một tiếng mười lăm phút. Phương yếu hơn nhưng chân Phương dài hơn. Người trước bỏ người sau cách quãng xa không nhìn thấy nhau thì đi một đoạn lại hú lên làm hiệu để biết là vẫn đang đi, vẫn ổn. Hú thôi, không gọi tên nhau đâu. Người Mông kiêng gọi tên nhau trong rừng vì sợ ma theo nên đi rừng họ chỉ hú không thôi, chứ hú tên nhau là thành… hú hồn đấy. Lính biên phòng thì không sợ ma theo, không sợ "hú hồn" nhưng cũng chỉ hú suông như thế, là vì bí mật, và vì nhiều lí do khác. Nên là ai ở rừng cũng đều biết hú cả. Chỉ hú không thôi mà ai cũng hiểu. Nên là Phương đã khẳng quyết xốc bà cụ Dính lên lưng rảo bước trên đôi cẳng dài như sếu. Cán bộ phụ nữ Thao Thị Dua đi cùng để vận động, chân ngắn hơn, vừa lũn cũn chạy theo phía sau vừa cười rũ, không quên lôi điện thoại ra chụp vài bức ảnh. Sau này cô gửi những tấm ảnh ấy cho Phương, dù ảnh bị nhòe vì di chuyển, bị nhòe vì sương núi nhưng vẫn là kỉ niệm đáng nhớ. Vừa đeo khẩu trang vừa cõng, mệt hết hơi cũng không dám bỏ khẩu trang ra mà thở. Thế mà Phương cõng được cụ Dính đến điểm tiêm thật. Tiêm xong cụ được theo dõi sức khỏe rồi được đưa về. Tin về cụ già 82 tuổi tiêm xong vẫn sống nhăn cái thằng người lập tức bay khắp bản, ai cũng há mồm tròn mắt, rồi lác đác những người khác xuống tiêm. Rồi cả bản tiêm gần hết. Số đông đã giải quyết xong, còn một số thành phần cứng đầu thì cần vận dụng đến biện pháp mạnh. Thông báo trên loa rõ ràng, ai chống đối sẽ phải cưỡng chế. Mềm nắn rắn buông, các cụ đã dạy rồi. Vụ cưỡng chế đầu tiên là nhắm vào thanh niên trốn tiêm ở khu công nghiệp về quê trú ẩn. Đoàn công tác vừa bước vào nhà, chưa kịp đọc lệnh cưỡng chế thì cậu ta đã chạy vọt ra rừng, tưởng là chạy trốn, ai ngờ, cậu ta phi thẳng một mạch xuống… điểm tiêm vắc xin. Bất hết cả ngờ. Phen này ngon ăn rồi đây. Còn một hộ cuối cùng, đoàn công tác hùng dũng mở cửa xông vào liều mình như chẳng có.

- Các anh là ai? Giấy tờ các anh đâu, các anh cho xem giấy tờ!

Ái dà. Cuối đời tưởng gặp Lan hóa ra lại gặp phải bê tông hạng nặng. Cán bộ biên phòng Phương mặt thì non bấy thế nhưng vào việc thì cũng cứng ra trò.

- Thứ nhất, chúng cháu mặc quân phục, quân hàm quân hiệu thế này bác phải biết chúng cháu là ai. Thứ hai, chúng cháu đến nhà bác vận động không phải lần đầu, những lần trước bác đã nói chuyện, đã làm việc bình thường mà lần này bác lại đòi hỏi giấy tờ. Chúng cháu đi làm là có kế hoạch, có mệnh lệnh của đơn vị. Hơn nữa, tiêm là quyền lợi của bác...

- Không! Cứ phải có giấy tờ tôi mới tiếp!

Giời không chịu đất thì đất phải chịu giời. Tưởng gì chứ giấy tờ chiến sĩ biên phòng lúc nào cũng có nhé.

- Đây, bác xem. Đấy bác xem rồi bác đi tiêm giúp chúng cháu.

- Tiêm hay không là quyền của tôi, chết tôi chịu, các anh không được ép.

- Chết bác chịu nhưng chúng cháu không thể để bác chết, hơn nữa tiêm là quyền lợi của bác, chúng cháu có trách nhiệm vận động để bác thực hiện quyền lợi của mình, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thế mà hộ dân lì đòn ấy vẫn một mực nói không. Cán bộ tiêm vẫn ôm xi lanh ngồi trực ở điểm tiêm chờ kết quả vận động với tinh thần còn nước còn tát, còn tiêm còn chờ, chỉ chờ vận động được là tiêm luôn. Nhưng càng chờ càng vô vọng. Cán bộ y tế không thể kiên nhẫn hơn được nữa phải dời sang điểm khác để tiêm phủ vắc xin cho kịp tiến độ. Tổ công tác bắt gia đình nói không ấy kí cam kết rồi ra về. Có những việc bất khả, có những trường hợp bó tay chấm com thì đành phải chịu. Ấy thế mà hai ngày sau thì hộ dân này lại bất ngờ quay xe, đồng ý thực hiện "quyền lợi". Tổ liên ngành cười mếu tìm phương án, bàn nhau huy động bốn chiến sĩ gồm cả biên phòng, công an mang xe máy lên chở gia đình ông ta lên Trung tâm y tế dự phòng của huyện để "thực hiện quyền lợi cho dân".

Mấy năm dịch dã đúng là cơ khổ. Cái vụ tiêm chỉ là một đầu việc, còn bao nhiêu việc nữa, nào khoanh vùng khử khuẩn, gác đường mòn lối mở ngăn chặn việc xâm nhập biên giới trái phép mang nguy cơ dịch bệnh vào theo, tổ chức cách li người ở xa về… Những việc này thì biên phòng cả nước đều căng mình ra, lều bạt dã chiến giăng khắp nẻo biên cương chứ riêng gì xứ Thanh, riêng gì Mường Lát. Dịch rồi cũng qua, vùng biên lại trở về nhịp điệu vốn dĩ với những công việc thường xuyên. Những việc thường xuyên là gì ấy à? Có mà đầy. Như cái vụ tuyên truyền vận động không sử dụng súng tự chế ấy. Gớm, gì chứ súng kíp thì phàm là đàn ông Mông ai chả biết, chế thì cũng có người làm được người không chứ sử dụng thì ai chả bắn nhoay nhoáy. Chiến sĩ biên phòng đi tuần vừa là đi tuần biên giới, vừa là tuần bảo vệ rừng, vừa là phát hiện ngăn ngừa tội phạm… Tích hợp e nờ trong một. Loáng cái gặp đồng bào lăm lăm khẩu súng kíp thò ra từ góc núi, cái đồng bào thấy bộ đội biên phòng thì vù một phát bay xuống taluy âm nhẹ bẫng, cán bộ nhảy theo xuống đã thấy cả người và súng mất hút. Sử dụng súng nhoay nhoáy mà cãi thì cũng nhoay nhoáy. Rõ ràng đi tuần tra trên nương, ghé vào chòi canh thấy súng mà vẫn cãi được.

- Ây, bố ơi, khẩu súng này của ai đây?

- Ây, bố không biết đâu, đứa nào nó bỏ vào chòi của bố đấy.

- Súng kíp là vũ khí tự chế không được tàng trữ, bọn con phải thu đây.

Lần sau lại gặp một bố khác đang đeo lúc lắc khẩu súng săn trên vai. À, để xem cãi vào đâu nào.

- Ây! Bố ơi, bố đi đâu đấy?

Ông bố người Mông cười xí xóa liếc nòng khẩu súng săn:

- Bố đi kiếm con chồn, con cáo một tí thôi mà.

- Bố có biết là dùng súng kíp là sử dụng vũ khí tự chế, là vi phạm pháp luật rồi không?

- Ò, bố biết gòi, nhưng cho bố đi săn một tí, bố đi nốt lần này thôi.

- Giờ con mà thu, con lập biên bản là bố bị phạt, mà phạt những mấy triệu bố lấy tiền đâu ra mà nộp. Lần này con châm trước, để bố tự giác mang súng xuống đồn giao nộp, coi như bố tự giác, tự nguyện nhé. Tự giác, tự nguyện thì bố sẽ không bị phạt. Lần sau là con lập biên bản cho bố nộp phạt còng lưng đấy.

Phương tái hiện một vụ "vận động" như thế. Lúc mềm lúc cứng, lúc bắt lúc buông, dần dà thì cũng thành kỹ năng, kỹ xảo, gọi cho có tính chuyên môn thì là kinh nghiệm công tác. Vì sao phải vận động giao nộp vũ khí tự chế? Trong rất nhiều lí do thì còn có một lí do là sự an toàn. Phương vẫn còn ám ảnh về vụ hai thợ săn trên bản bắn nhầm nhau gây chết người vì người nọ tưởng người kia là thú. Vết đạn xuyên giữa trán người thợ săn trong vụ việc mà Phương tham gia giải quyết là hình ảnh mạnh nhất trong trải nghiệm của anh từ khi lên Mường Lát nhận nhiệm vụ.

Bây giờ tửu lượng của Phương đã khá lên, chưa đến cảnh giới muỗi đốt inox nhưng cũng đã vượt lên chính mình, có thể vật nhau với ma men giành phần thắng, còn giữ được lí trí để chủ động ứng xử. Ở nơi biên giới, trong vùng đồng bào, chén rượu làm đầu câu chuyện, không uống là công việc không trôi, không uống là không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, ở vùng biên, uống rượu cũng là một… "binh pháp". Vài cuộc vui trong đơn vị cũng giúp Phương nâng cao tửu lượng. Như là lễ tết, như là dịp lên quân hàm. Người khác lên quân hàm thì còn đỡ, chứ mình là nhân vật chính mới gay. Lần lên Thượng úy, Phương bảo, anh em phải "đẩy xe rùa" đưa anh về phòng. Lần lên Đại úy vừa rồi thì đỡ hơn, được hai đồng đội xốc nách hai bên. Phương cười bảo đang phấn đấu để lúc khao Thiếu tá có thể tự đi về được.

*

Khi Thiếu tá Vi Xuân Thao nhập ngũ, năm 1989, thì Đại úy Sùng A Ư, Đội trưởng Đội Trinh sát của Đồn Biên phòng Tam Chung lúc ấy chưa chào đời. Ư sinh năm 1990. Bố của Ư là ông Sung A Di, là Trưởng bản Trung Thắng, xã Mường Lý. Mường Lý ngày ấy thuộc địa bàn quản lí của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, sau này mới thuộc Đồn Biên phòng Pù Nhi. Vì bố làm Trưởng bản nên các chú biên phòng vẫn qua lại nhà vừa thăm hỏi vừa "quan hệ công tác". Các chú như chú Vi Xuân Thao, hay chú Bùi Ngọc Hùng đều qua lại nhà Ư, mỗi lần các chú qua quay đi quay lại đã không thấy mũ đâu, hóa ra thằng cu Ư đã vồ lấy đội đi chơi khoe với lũ bạn. Lớn lên, yêu màu áo lính Ư nhập ngũ vào Trung đoàn 3 của Sư 324, Quân khu 4. Trình bày nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội, Ư được đơn vị cho đi ôn văn hóa để thi sĩ quan. Ban đầu Ư chọn thi Sĩ quan Chính trị, nhưng khi chuẩn bị thi anh lại tự tin đổi nguyện vọng đăng kí thi Học viện Biên phòng với độ chênh lên mấy điểm. Cán bộ tuyển sinh khuyên anh nên cân nhắc nhưng Ư vẫn quyết. Và đỗ. Là người Mông nhưng Ư có niềm tự hào của riêng mình khi thi đỗ đi học sĩ quan đàng hoàng chứ không phải đi học theo diện cử tuyển. Thi đỗ và nhập học, tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2010, Ư được phân công về Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa làm Trinh sát viên, Đội Trinh sát ngoại biên. Năm 2020 Sùng A Ư được điều về Đồn Biên phòng Tam Chung, kề ngay Mường Lý nơi anh sinh ra, lớn lên và có nhiều kí ức đẹp về hình ảnh những người lính quân hàm xanh. Ở tuyến biên giới ấy, chú Thao, chú Hùng ngày nhỏ Ư quen vẫn đang công tác, thế là Ư thành đồng đội cùng đơn vị, lúc đầu Ư gọi chú như ngày xưa nhưng "các chú" bảo gọi anh thôi cũng được, vì đằng nào ngày trước các anh cũng gọi bố Ư là chú. Thế là Ư và các chú lại thành anh em một nhà.

Làm việc tại "đồn nhà" cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn nhất định. Thuận lợi ở chỗ thông thuộc địa bàn, ai, cái gì, ở đâu đều biết. Dù Ư đã đi vắng mười năm mới trở về thì vẫn biết, qua bà con chòm xóm, qua anh em họ mạc, qua những người thân người quen để biết. Mà người thân thì Ư có những 12 anh chị em ruột. Tương đương với số đó lại là 12 anh chị em dâu, rể cùng 12 gia đình thông gia. Tha hồ mắt xích cung cấp thông tin. Thế nên có những thông tin người khác không biết thì Ư biết, có những chuyện dân bản chưa hay thì Ư đã hay. Thuận lợi nữa là biết tiếng, thì là tiếng mẹ đẻ, nói lóng, nói bóng, nói gió gì mà Ư chả biết, nên đừng hòng ai qua mặt được Ư. Thuận lợi nữa là hiểu phong tục tập quán, hiểu văn hóa của người Mông để mà vận dụng trong công tác. Nhưng ưu thế này vô cùng hiếm có và đáng quý đối với một cán bộ biên phòng vùng biên. Nhưng Ư cũng phải đối mặt với những khó khăn riêng. Như là khi tuyên truyền thực hiện các chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bà con dễ xuê xoa "gần chùa gọi bụt bằng anh", như là khi nhắc nhở khi dân làm gì sai, người hiểu thì không sao, người không hiểu hoặc cố tình không hiểu thì lại ỉ ôi bảo cán bộ Ư không thương dân gì cả. Có lần, Ư nhắc nhở một hộ dân thực hiện đúng Nghị định về tôn giáo ở bản Suối Phái, về việc phải sinh hoạt đúng địa điểm tập trung đã đăng kí, thế là dân cho rằng cán bộ người Mông làm khó dân. Những lúc như thế, Ư lại phải dựa vào bộ máy lãnh đạo địa phương, dựa vào những quần chúng tốt mà thực thi nhiệm vụ. Ngược lại, lãnh đạo địa phương cũng tin tưởng ở Ư. Có lần lực lượng biên phòng phối hợp với lực lượng công an vào nhà một đối tượng tình nghi tàng trữ ma túy ở một bản, khi đoàn công tác đến thì đối tượng bỏ chạy vào rừng, cửa chỉ ngoắc khóa chứ không sập, đoàn công tác vào nhà kiểm tra. Sau đó địa phương nhận được phản ánh từ đối tượng ấy rằng cán bộ phá cửa vào nhà anh ta khi anh ta không ở nhà. Biết trong đoàn có cán bộ người Mông đi cùng, lãnh đạo xã đã điện cho Ư để nắm tình hình. Ư giải thích rằng không có chuyện phá cửa, chỉ là cửa chưa khóa thì vào thôi. Nếu là người khác nói chưa chắc họ đã tin, nhưng Ư nói thì họ tin.

Là cấp ủy viên trong Đảng ủy Đồn Biên phòng Tam Chung, Sùng A Ư cũng có những tham vấn cho lãnh đạo chỉ huy đồn về phương thức thực hiện nhiệm vụ, tiếp cận đồng bào sao cho hiệu quả. Song song với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục bài bản cần linh hoạt bằng nhiều hình thức. Đến với đồng bào không cần đao to búa lớn, cũng có những lúc không nhất thiết cứ phải quân hàm quân hiệu chỉnh tề, đến chơi thăm hỏi, bàn trà, chén rượu trò chuyện hỏi han để mọi thứ ngấm từ từ. Ư cũng đã và đang làm như thế trong công tác. Ư vẫn luôn nói với những người đồng bào: "Tôi sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, gắn bó với bà con thôn bản ở đây, và sẽ chết ở đây, tôi sống chết cả đời với bà con cho nên tôi nói gì bà con phải tin". Bởi thế, có những chuyện nếu là cán bộ khác hỏi thì dân không nói nhưng là Ư hỏi thì dân nói. Mới về Đồn Biên phòng Tam Chung ba năm, nhưng Sùng A Ư được lãnh đạo đồn đánh giá cao về khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Có nhiều phương thức tiếp cận dân, nhiều bài học để thực hiện nhiệm vụ, và bài học lớn nhất với Sùng A Ư có lẽ là bài học "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu". Anh tự hào là thanh niên người Mông tham gia lực lượng biên phòng, và bà con người Mông cũng tự hào vì có anh trong màu xanh áo lính.

*

Mỗi chiến sĩ biên phòng ở vùng biên Mường Lát khi về với nhân dân đều có những phương pháp công tác của riêng mình để hoàn thành nhiệm vụ, những "binh pháp" từ thực tế mà họ sáng tạo, vận dụng đều toát lên những phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Và "binh pháp" quan trọng nhất các anh luôn thuộc nằm lòng, đó là sự thương yêu, đùm bọc nhân dân, coi bà con các dân tộc vùng biên là những người cần được bảo vệ, che chở.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận