Phát huy vai trò của Nhân dân trong gìn giữ văn hóa truyền thống
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu cư dân sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 600.000 người, gồm các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ mú… Những năm qua, việc bảo tồn truyền thống văn hóa tốt đẹp, quý giá của các dân tộc đã được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên ngành tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Vai trò của chính đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc tham gia bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã được phát huy.
Chuyện kể rằng, đầu thế kỷ XX, gánh hát của ông Hai Hoạt đi từ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến vùng đất Mường Đòn (thuộc xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành ngày nay). Hằng ngày, gánh hát đi hết làng này sang làng nọ để biểu diễn và chỉ hát một thể loại tuồng. Vốn là vùng đất thanh bình, trù phú, lại yêu văn hóa văn nghệ, người dân vùng Mường Đòn dần yêu thích những câu hát tuồng… Họ bắt đầu tập hát, những câu hát cứ thấm dần, trở thành nét văn hóa riêng của người Mường Đòn, Thanh Hóa. Việc hát tuồng và nghe tuồng cổ của người dân Mường Đòn dần trở thành nhu cầu thường nhật.
Và cứ thế, vào mỗi dịp hội làng, tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng xây quê hương, đất nước, người dân đất Mường Đòn lại cùng nhau cất lên những giai điệu tuổng cổ, với những trích đoạn Nam Bình, Nam Ai, Tẩu Mã, Hát khách... và các vở diễn như: Tam Cầu Tam Phóng, Tam khí Chu Du, Lưu Bình - Dương Lễ... Không những vậy, các nghệ nhân nơi đây còn sáng tác lời mới, để những làn điệu tuồng mang hơi thở nhịp sống hiện đại, với nội dung ca ngợi bản Mường, quê hương, đất nước. Bởi thế, loại hình nghệ thuật này được các thế hệ đi trước truyền lại và tiếp tục phát huy, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Mường Đòn ngày nay.
Bà Bùi Thị Phiêu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát tuồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Câu lạc bộ hát tuồng cổ của chúng tôi hình thành từ năm 1964. Cũng đã có thời gian bị mai một. Được sự quan tâm của các cấp ngành, trong hơn 10 năm qua, câu lạc bộ đã được khôi phục, nhiều nội dung biểu diễn được chúng tôi tập luyện, dàn dựng lại. Chúng tôi rất mong được sự quan tâm hơn nữa, để chúng tôi gìn giữ, phát huy được nét văn hóa hàng trăm năm của vùng đất này".
Lễ hội "Sết Boóc Mạy" hay còn có tên khác là "Tết cây bông", một trong những lễ hội cổ truyền của người Thái tại Mường Mó, xã Cán Khê, huyện Như Thanh. Tích xưa kể rằng, thuở hỗn hoang, đất trời tăm tối, ma quỷ, thú dữ quấy phá, đời sống của người dân vô cùng khổ cực. Trước tình cảnh ấy, Ngọc Hoàng đã phái 3 người con của mình là Mo Mụt, Mo Mường và Mo Mùn xuống cứu giúp chúng sinh. Đây là 3 vị thiên sứ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Thái. Họ đã hướng dẫn, giúp đỡ người dân chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để xây dựng gia đình no ấm, bản làng ngày càng phát triển.
Mở đầu Lễ hội Sết Boóc Mạy là những nghi lễ truyền thống, được trình diễn theo hình thức nghệ thuật sân khấu hóa: "Lễ cúng thần linh - Đất thiêng hội tụ" - "Lễ dựng cây Sết Boóc Mạy" cầu cho mưa thuận gió hòa, tái hiện cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái trải suốt chiều dài các thời kỳ lịch sử.
Sau phần lễ, các hoạt động khác diễn ra sôi nổi gồm thi biểu diễn văn nghệ; thi đấu thể dục thể thao với các môn đẩy gậy, kéo co, tung còn, bắn nỏ, bóng chuyền cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc khác. Thông qua những làn điệu dân ca dân vũ, những âm thanh của trống phách, cồng chiêng, khua luống vang vọng khắp núi rừng… lễ hội Sết Boóc Mạy bày tỏ ước mong của người dân được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Mới đây, Lễ hội Sết Boóc Mạy đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Bà Vi Thị Giáo, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Lễ hội là những nét văn hóa của cha ông để lại. Tôi và mọi người luôn mong muốn được gìn giữ lại cho lớp con cháu sau này, để văn hóa truyền thống không bao giờ mất đi".
Các giá trị bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được bồi đắp, tạo dựng từ những sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán và các tín ngưỡng dân gian. Điều đặc biệt, người dân vừa là chủ thể sáng tạo, chủ thể hưởng thụ văn hóa, đồng thời cũng chính là người lưu giữ, trao truyền cho thế hệ sau. Bởi vậy, trong suốt những năm qua, ngành văn hóa tỉnh thông qua các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa, đã dày công gặp gỡ các nghệ nhân dân gian, những người cao tuổi có uy tín, để mời họ tham gia vào các chương trình bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của chính dân tộc họ.
Ngoài việc cung cấp đầy đủ các thông tin, tư liệu thì đồng bào cũng chính là người được thực hành các giá trị văn hóa truyền thống ấy. Do đó, văn hóa truyền thống càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống. Nhiều nghệ nhân vùng dân tộc thiểu số đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh với các danh hiệu như nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú. Đây là vinh dự, và cũng là động lực để họ tiếp tục đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi biết hát Xường, hát Đang… từ lúc còn nhỏ. Lớn lên, lại được nghe các ông, bà dạy thêm cho. Bây giờ, tuổi đã cao, sức cũng đã yếu, tôi muốn truyền dạy lại cho mọi người, để văn hóa truyền thống của người Mường không bị mai một đi".
Ông Phạm Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi luôn xác định người dân là trung tâm, là chủ thể của mọi hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường. Chúng tôi cũng đã có nhiều việc làm, để khuyến khích mỗi người phát huy tối đa trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa và cũng chính người dân là người được thụ hưởng những giá trị văn hóa ấy".
Có thể khẳng định rằng, nhờ sự dày công sưu tầm, đóng góp của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian và chính những người dân đang lưu giữ, thực hành các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian, mà ngành văn hóa đã phối hợp cùng các địa phương phục dựng, bảo tồn và phát triển được rất nhiều lễ hội, nghi lễ văn hóa truyền thống đặc sắc. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện 12 dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Lễ tục làm vía Kéo si của dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy; Lễ hội Xên Cung của đồng bào Khơ Mú, huyện Mường Lát; Lễ hội Sết Boóc Mạy, huyện Như Thanh.... Các lễ hội sau khi phục dựng đã được phát huy trong đời sống, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, có vai trò rất lớn của các nghệ nhân và Nhân dân. Huyện cũng đã có sự quan tâm, đầu tư cho các hoạt động của các nghệ nhân, các câu lạc bộ văn hóa, qua đó, cùng với Nhân dân phát huy tốt văn hóa truyền thống trong cuộc sống".
Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tại 11 huyện miền núi của tỉnh, trong hơn 10 năm qua, đã có hàng chục câu lạc bộ văn hóa dân gian các dân tộc được thành lập. Tiêu biểu như: Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc; Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân tộc Thái ở các huyện Bá Thước, Như Thanh, Thường Xuân... với hàng nghìn thành viên là các nghệ nhân và Nhân dân tham gia. Đây chính là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8 về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", qua đó, phát huy tối đa vai trò chủ thể của Nhân dân trong việc sáng tạo, cũng như thụ hưởng các giá trị văn hóa bản địa.
Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành về gìn giữ, phát huy những giá trị của lễ hội; chúng tôi cũng quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần, vật chất của các nghệ nhân và Nhân dân, qua đó, phát huy vai trò của người dân trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, để văn hóa không chỉ đem đến những giá trị về tinh thần, mà còn cả về lợi ích vật chất cho Nhân dân".
Xác định rõ: Nhân dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa, mà còn là chủ thể sáng tạo nên những giá trị văn hóa ấy, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Tin tưởng rằng, với các giải pháp phù hợp, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách thiết thực, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các nghệ nhân, của đồng bào, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục được các thế hệ kế thừa và phát triển, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa xứ Thanh.
Khai mạc "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ 2025
Sáng 18/1, tại Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng), Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã khai mạc chương trình "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.
Năm 2024, loại hình khách du lịch MICE đến Thanh Hoá tăng
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành Du lịch. Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Làng hương vào Tết
Ở huyện miền núi Như Xuân có một ngôi làng 4 mùa ngập trong sắc đỏ, nơi gói ghém lòng thành kính, dâng lên gia tiên mỗi dịp lễ, Tết.
Năm 2024, Thanh Hoá khai thác mạnh loại hình khách MiCe
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành du lịch. Theo đánh giá Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Trưng bày Bảo vật quốc gia “Đường kách mệnh”
Bản gốc “Đường kách mệnh” - Bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu tới công chúng tại trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử” tại 216 Trần Quang Khải, Hà Nội. Cuốn "Đường kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều ngày 15/1, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Bình yên chùa Cảnh Yên
Chùa Cảnh Yên nằm trên dãy đồi Sóc thuộc vùng giáp ranh giữa thị trấn Kim Tân và xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi chùa nằm ở một vị trí tuyệt đẹp, “sơn thủy hữu tình”, mặt tiền hướng ra sông Bưởi. Dù vậy, trong những năm cuối thế kỷ 20 do sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn.
Nét đẹp tục gội đầu cuối năm ở bản Thái
Là cộng đồng dân cư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở khu vực miền núi xứ Thanh, đồng bào Thái đã và đang gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như các lễ nghi, phong tục, trang phục truyền thống, ẩm thực hay các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian... Và một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu, đó là tục gội đầu ngày cuối năm để cầu may mắn cho năm mới.
Việt Nam được vinh danh điểm đến du lịch lý tưởng
Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút trên bản đồ du lịch toàn cầu khi được hai tạp chí danh tiếng, National Geographic và Travel + Leisure, đưa vào danh sách những điểm đến lý tưởng cho các chuyến du lịch gia đình và tuần trăng mật năm 2025.
Nem của Việt Nam lọt danh sách đồ chiên rán ngon nhất thế giới
Chuyên trang ẩm thực thế giới - Taste Atlas vừa công bố 100 món ăn chiên rán ngon nhất thế giới. Món nem là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.