ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Sắc màu Pù Luông

Pù Luông là một dãy núi trải dài qua hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Pù Luông cũng là tên gọi của Khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích hơn 17.600 ha. “Thiên đường giữa đại ngàn” là danh xưng mà nhiều du khách dành tặng cho vùng đất này sau khi được trải nghiệm, khám phá. Sức hút của Pù Luông đến từ khung cảnh núi non, suối thác kỳ vĩ, thơ mộng mà “mẹ thiên nhiên” ban tặng, những thung lũng trải dài với ruộng bậc thang lúa chín vàng, những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong sương sớm, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của cư dân bản địa với sắc màu văn hóa độc đáo… Vẻ đẹp chất phác của con người và phong cảnh non nước Pù Luông hòa quyện, tạo nên một bức tranh đẹp mê hồn. Nhiều văn nghệ sĩ đã đến đây để tìm nguồn cảm xúc và chất liệu sáng tác.

Bá Phượng – Văn Tráng

08/06/2024 17:35

Các họa sĩ của Ban Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã có nhiều chuyến đi lên vùng cao xứ Thanh và Pù Luông đã giúp họ có nhiều cảm hứng để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời.

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa cho biết: "Đi thực tế sáng tác là hoạt động thường niên của các Ban trong Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, trong đó có Ban Mỹ thuật. Mục đích của những chuyến đi là giúp cho các hội viên, các họa sĩ ghi chép lại thực tế cuộc sống, lấy cảm hứng sáng tác để đưa vào tác phẩm của mình. Năm nay khác mọi năm là chuyến đi có chủ đề "Khát vọng xứ Thanh". Năm nay, Ban tổ chức về với Pù Luông, các xã Thành Lâm, Thành Sơn của huyện Bá Thước. Đây là vùng quê đang có sự khởi sắc về kinh tế, đặc biệt là du lịch đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đây là dịp để các họa sĩ nắm bắt được sự thay đổi của vùng quê xứ Thanh, nói chung và vùng cao, nói riêng, kịp thời đưa vào tác phẩm của mình".

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 2.

Đây không phải là lần đầu tiên các họa sĩ xứ Thanh về sáng tác tại Pù Luông. Họ đã có nhiều lần đến với vùng đất này, bởi vẻ đẹp quyến rũ, mê hoặc của cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống nơi đây. Năm nay, các họa sĩ Ban Mỹ thuật lại tiếp tục tổ chức cho hơn 30 hội viên đi thực tế sáng tác ở Pù Luông. Đặc biệt, tham gia chuyến đi năm nay có nhiều họa sĩ cao tuổi. Đoàn đã tham quan, trải nghiệm thực tế tại bản Báng và bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Đôn (xã Thành Lâm), thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm)…

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 3.

Một trong những điểm dừng chân thu hút các họa sĩ là cánh đồng ruộng bậc thang của bản Đôn, xã Thành Lâm và bản Báng, xã Thành Sơn. Thời điểm các họa sĩ có mặt, lúa bắt đầu chín, lác đác ở vài thửa ruộng, bà con nông dân bắt đầu gặt và gùi lúa về.

Ruộng bậc thang của Pù Luông uốn lượn theo địa hình tự nhiên, nằm rải rác quanh các chòm bản, xen kẽ với những nếp nhà sàn truyền thống của cư dân bản địa.

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 4.

Họa sĩ Lê Xuân Quảng, năm nay đã 87 tuổi, là người có tuổi đời cao nhất trong đoàn đến với Pù Luông lần này. Chúng tôi rất bất ngờ và cảm động khi chứng kiến sức lao động, sáng tạo của người họa sĩ đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm". Dù đi một quãng đường dài hơn 150 km từ thành phố Thanh Hóa lên miền sơn cước này, nhưng khi vừa xuống xe, ông đã tìm ngay được vị trí để sáng tác. 

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 5.

Với những khoảnh khắc lao động nghệ thuật nghiêm túc và thăng hoa, người họa sĩ già đã truyền cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ. Sau chuyến đi này, họa sĩ Lê Xuân Quảng đặt ra mục tiêu sẽ có ít nhất 2 tác phẩm về non nước, con người Pù Luông.

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 6.

Họa sĩ Lê Xuân Quảng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Lê Xuân Quảng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: "Đất nước rộng và đẹp lắm, từ phong cảnh miền núi đến miền biển. Có phong cảnh đẹp thì mới có tranh đẹp. Nhưng nếu không đi thực tế, không có chất liệu cuộc sống thì không thể có tranh đẹp được. Ví dụ như khi chụp ảnh một cây chuối thì nó khác, khi vẽ một cây chuối thì nó lại bồi đắp thêm tâm hồn người nghệ sĩ. Tâm hồn người nghệ sĩ khác với cái máy ảnh. Không đi là nghèo về trải nghiệm, nghèo về trí tuệ và không có tranh. Muốn có tranh thì phải đi và vẽ".

Họa sĩ Trương Thế Minh, 74 tuổi, nguyên Trưởng Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng tràn đầy cảm xúc, hứng khởi khi được về thăm Pù Luông cùng các đồng nghiệp và học trò. Đối với ông, đề tài về nét đẹp lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số miền sơn cước, những đổi mới trong đời sống và phong cảnh… được ông ưu tiên lựa chọn để đưa vào các bức họa của mình. Ông thường gom nhặt chất liệu cuộc sống, ghi lại bằng các bản phác họa và hoàn thành nó sau khi trở về từ chuyến đi thực tế.

Họa sĩ Trương Thế Minh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ thêm: "Cảm nhận của tôi về Pù Luông khác ngày trước nhiều, nhưng nơi đây còn giữ được nhiều bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong chiến tranh, ở trên các đỉnh núi Pù Luông này chứng kiến nhiều chiến công của du kích, dân quân tự vệ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Hiện nay, Pù Luông đã thay da đổi thịt, là nơi hội tụ của bản sắc văn hóa, phong phú và đa dạng, trong phát triển du lịch. Ở đây thiên nhiên và con người cũng đã thay đổi, thế nhưng nét đặc trưng văn hóa vẫn được bảo lưu, phong cảnh vẫn còn khá nguyên sơ. Tôi thích vẽ đỉnh núi, rừng cây, ruộng bậc thang và những nét hình thể và màu sắc của người lao động nơi đây".

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 7.

Đối với họa sĩ Lê Hải Anh, Pù Luông không còn là địa danh xa lạ, bởi anh đã có rất nhiều chuyến đi thực tế đến nơi này. Thế nhưng, mỗi chuyến đi, anh vẫn háo hức như lần đầu tiên đặt chân đến và có thêm nhiều cảm xúc mới. Được ngắm những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, những nếp nhà sàn bình yên giữa đồi núi bao la, hay hình bóng những con người lao động chăm chỉ… anh lại say sưa sáng tác và cho ra đời những tác phẩm mới. Chuyến đi này, họa sĩ Hải Anh đã "gặt hái" được hai tác phẩm trực họa.

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 8.

Chọn một địa điểm có view khá đẹp, trước mặt là núi non hùng vĩ, bao quanh là cánh đồng ruộng bậc thang mướt mát, họa sĩ Phạm Thắng đã thu tầm nhìn của mình vào một bức tranh phong cảnh với những mảng màu tươi tắn. Ở bất cứ góc độ nào, Pù Luông cũng khiến tâm hồn con người rung động bởi cảnh trời mây, núi rừng khoáng đạt và vẻ đẹp hồn hậu của cư dân bản địa.

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 9.

Trong đoàn tham gia chuyến đi Pù Luông lần này, có nhiều họa sĩ còn rất trẻ về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Lê Thị Ngọc Mai và Phạm Hồng Vân là những bạn trẻ vừa mới bước ra từ các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật được tổ chức thời gian gần đây. Đặc biệt, Hồng Vân vừa có tác phẩm đoạt giải B tại Triển lãm "Non nước xứ Thanh" do Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức vào tháng 12 năm 2023. Chuyến đi về với Pù Luông lần này là dịp để các họa sĩ trẻ có thêm những trải nghiệm quý để nâng cao chất lượng sáng tác.

Họa sĩ Phạm Hồng Vân, sinh viên khoa Mỹ thuật, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Là sinh viên sư phạm Mỹ thuật, trong quá trình học tập em cũng đã sáng tác một số tác phẩm. Nhưng để trau dồi thêm kiến thức và cảm hứng sáng tác, em đã xin tham gia vào các chuyến đi thực tế của Hội Văn học nghệ thuật. Trong chuyến đi Pù Luông này, em được đi đến các làng nghề truyền thống, được sinh hoạt cùng người dân, đã cho em nhiều cảm xúc và cảm hứng và trở về có chất liệu sáng tác".

Sắc màu Pù Luông- Ảnh 10.

Họa sĩ Lê Thị Ngọc Mai, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức rất nhiều chuyến đi thực tế sáng tác, nhưng đây là lần đầu tiên mình may mắn được tham gia cùng với đoàn về với Pù Luông. Mình rất vui vì được trải nghiệm phong cảnh đẹp cùng với các họa sĩ. Mình mong rằng, sau chuyến đi này mình sẽ có thêm nhiều cảm xúc để có thể sáng tác nên những tác phẩm đẹp và ý nghĩa để tham gia các cuộc triển lãm, góp phần nhỏ bé của mình vào nền mỹ thuật của tỉnh nhà".

Về Pù Luông, được hòa mình vào thiên nhiên, hít căng lồng ngực hương của hoa rừng, lúa nương, cảm nhận làn gió mát lành… là những trải nghiệm khó quên đối với các họa sĩ trong chuyến đi này. Cảm nhận nhịp sống yên bình ở miền sơn cước, nạp năng lượng tích cực, tâm hồn những người nghệ sĩ được thăng hoa. Để từ đó, họ có thêm nhiều tác phẩm mới, tô điểm cho cuộc đời thêm vui tươi.

Nguồn: Ký sự miền sơn cước/TTV

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Hiên ngang đồi Quyết Thắng

Hiên ngang đồi Quyết Thắng

15:27 , 17/11/2024

Hàm Rồng - một thắng tích nổi tiếng, nơi đây sông núi ruộng đồng, xóm làng, phố xá hòa quyện đan xen, tạo thành cảnh quan kỳ vĩ rất sinh động với nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng còn sống mãi với thời gian. Trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nổi bật là 2 chữ “Quyết thắng” trên ngọn núi Cánh Tiên lừng lững, hiên ngang, chứng kiến bao đổi thay của vùng đất Hạc thành.

Bảo tàng Thanh Hóa chuyển đổi số

Bảo tàng Thanh Hóa chuyển đổi số

11:30 , 17/11/2024

Thời gian qua, bằng những giải pháp cụ thể, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã và đang từng bước số hóa hiện vật hiện đang lưu giữ. Từ đó, góp phần thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, trải nghiệm.

Bình yên tại thiên đường nghỉ dưỡng Lamori

Bình yên tại thiên đường nghỉ dưỡng Lamori

09:09 , 16/11/2024

Trong mỗi chuyến hành trình đến với Xứ Thanh, du khách đều có những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn chờ đón. Ngày hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị một điểm nghỉ dưỡng với vẻ huyền ảo đầy cuốn hút - đó chính là LAMORI Resort, tọa lạc tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân.

Tây Ninh - Điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất vùng Đông Nam Bộ

Tây Ninh - Điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất vùng Đông Nam Bộ

08:23 , 15/11/2024

Trong những năm qua, Tây Ninh đang vươn mình mạnh mẽ thành điểm đến hấp dẫn của Đông Nam Bộ, với bức tranh du lịch đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên độc đáo.

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI trong lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI trong lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch

20:17 , 14/11/2024

Chiều ngày 14/11, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị bàn giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI).

Thiêng liêng những kỉ vật đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc gửi tặng Bác Hồ

Thiêng liêng những kỉ vật đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc gửi tặng Bác Hồ

08:03 , 14/11/2024

Cách đây 70 năm, trên chuyến tàu tập kết ra Bắc, đồng bào miền Nam đã gửi tặng Bác Hồ những kỉ vật thiêng liêng chứa dựng niềm kính yêu dành cho Người. Những món quà ý nghĩa ấy đã được Bác trân trọng, nâng niu và gìn giữ với tình cảm tha thiết “Miền Nam yêu quý luôn trong trái tim tôi”.

Hàng nghìn khách tham quan Bắc Bộ Phủ

Hàng nghìn khách tham quan Bắc Bộ Phủ

07:45 , 13/11/2024

Bắc Bộ Phủ với kiến trúc Pháp cổ cùng nhiều câu chuyện lịch sử đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến xem trong lần đầu mở cửa.

Du lịch Ninh Bình cán đích sớm với trên 7,6 triệu lượt khách

Du lịch Ninh Bình cán đích sớm với trên 7,6 triệu lượt khách

07:42 , 13/11/2024

Chỉ trong 10 tháng, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 30,86% so với cùng kỳ và bằng 102,4% so với kế hoạch năm 2024.

Việt Nam đón trên 14,1 triệu lượt khách quốc tế 10 tháng đầu năm 2024

Việt Nam đón trên 14,1 triệu lượt khách quốc tế 10 tháng đầu năm 2024

16:07 , 12/11/2024

Theo số liệu mới đây nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10/2024, Việt Nam đón 1,42 triệu lượt khách quốc tế.

Thanh Hoá bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thanh Hoá bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

10:13 , 12/11/2024

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương và đội ngũ nghệ nhân dân gian, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian của tỉnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể còn mở ra cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch cho các địa phương.