ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 21/06/2023 17:37

Truyện ngắn: Gốc lim cô đơn | Bùi Hữu Thược | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Gốc lim cô đơn" của Nhà văn Bùi Hữu Thược qua giọng đọc của Thùy Dung.

Dư dắt chiếc xe đạp lọc cọc, lội qua con suối nước lũ vừa rút, phù sa còn đục, rác rưởi vướng đầy ngọn cây. Lên tới đỉnh dốc Cộc Ma, cái dốc ai lên cũng phải nghỉ để thở, để hít gió đông, để ngắm lại phía sau những mỏm đồi ngụp lặn trong mây. Xa xa là làng quê, mái tranh như những cái nấm rơm già hết nước èo ọt túm tụm, lọt thỏm giữa cánh đồng vạt xanh xanh, vạt vàng úa. Y nắn nắn cái ba lô nhàu nát, trong có hai bộ quần áo đã sờn cùng vài cuốn sách giáo khoa xuất bản từ hơn mười năm trước. Trong đó còn có cái quyết định của Trưởng ty Giáo dục cho y làm giáo viên Văn tại trường cơ sở Lâm Phong, hưởng lương khởi điểm 46 đồng 7 hào 5 xu. Bước vào cổng trường, một quang cảnh hoang sơ đập vào mắt y: một mảnh đất triền đồi đá lô nhô, nằm bên con suối nhỏ, nước chảy rì rào dưới tán cây rừng. Rễ cây rũ xuống mềm mại đu đưa, giống mái tóc thiếu nữ đang gội đầu   bên suối. Vài chiếc lán học như những chiếc lều, tranh nứa tuềnh toàng, nằm im như lắng nghe tiếng chim chóc, côn trùng thi nhau bắt nhịp cho đàn bướm ngũ sắc dập dờn. Con suối đầu nguồn chảy qua trường nước lũ đã dần xanh trong lại. Từng đàn cá nhỏ vảy ánh bạc bơi bơi, nhiều con lật ngửa, lật nghiêng như trêu ghẹo. Y cứ ngẩn ngơ. Thế rồi Dư lên lớp, buổi đầu y cứ theo sách mà thuyết, chẳng biết học sinh có hiểu gì không? Chỉ thấy chúng cứ há hốc mồm nghe y nói.

Đêm đầu ngủ ở rừng sau buổi lên lớp, y không ngủ, y thức suốt đêm càng nghĩ càng quý cái nghề y đã chọn, vì đó là mơ ước, là công sức, là chìa khóa cho cuộc sống của y. Rồi y nghĩ về tiền lương mà mai kia y sẽ được cầm, so với nhà nông, sau bao năm xây dựng hợp tác xã, hòa bình rồi gia đình y sáu người hết sáng lại chiều bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, cuối vụ chia theo công điểm mới được vài tạ cả khoai lẫn thóc, tính chỉ được ngót nghét trăm đồng. Rồi y lại cố nhớ tên học sinh lớp học của y nào là: Lò A Ri, Vừ Văn Rợ, Mùa Vư Quơ… đọc trẹo cả lưỡi. Ừ mà trong đám học trò có con Lò Thị Sin, dân tộc Thổ, mới lớp 5 sao mà phổng phao, mắt đen, da trắng, trông hiền như quả trám.

Từ ngày có mấy giáo viên mới về trường, cây rừng thêm xanh sau mùa lũ, cái sân trường bé nhỏ dưới tán rừng như sáng lên. Đám trẻ con cứ quấn lấy mấy thầy cô giáo mới như gặp đoạn suối mát. Bọn chúng đến lớp học ban ngày, rồi cả ban đêm. Nhiều đứa đòi ở lại ngủ với thầy, cô để được nghe kể chuyện. Có hôm cha mẹ chúng còn đến tận trường mời thầy cô về nhà mình ngủ thăm cho vui cái bản. Hôm ấy trời cuối năm không khí heo khô như co lại. Gió bấc cứ vít cây rừng xuống. Lá rừng xao xác rụng đầy sân trường. Ngoài con suối cạn có tiếng lao xao. Trẻ con nháo nhác bám quanh một người mặc quân phục khoác ba lô đang ục ịch bước.

- Thốn! Đúng thằng Thốn rồi! - Tiếng trong bản vang lên.

Thốn đi bộ đội từ năm 1967, đã mười một năm nay hắn mới về. Hắn nhìn mọi thứ bằng

con mắt một mí, ngày xưa đã bé bây giờ nó lại càng bé so với khuôn mặt mập ú, nhiều thớ thịt nằm ngang ở cái tuổi tứ tuần. Không biết có phải tại con mắt hắn híp lại không, mà bản Lơ của hắn bây giờ mọi thứ đều bé lại so với ngày trước. Hắn ngạc nhiên nhìn ngôi trường, vài căn nhà phên lá như một con vật lạ ngồ ngộ bên bờ suối.

Hắn nhớ, ngày xưa, nơi đây hoang vắng rậm rạp, hắn hay lùng sục chim, sóc. Đêm thì cùng Mịn vợ hắn bây giờ (….)Mịn có con khi tuổi chưa đầy mười sáu. Năm hai mươi bốn tuổi Mịn đã có năm đứa con với hắn, cũng là năm hắn nhập ngũ.Thốn vẫn bước ục ịch, lơ đãng nhìn bọn trẻ rách rét, nháo nhác chạy theo. Hắn rẽ ngoặt vào lối cây sồi đầu dốc, nơi mà hắn thường trèo bắt chim non và trứng chim nướng ăn ngày nào.Cách gốc sồi không xa là ngôi nhà bố mẹ hắn dựng gần sáu mươi năm về trước: cột đã nao nao, nóc võng xuống như một con bò già còmcõi, gân cốt phơi ra, tranh pheo xơ xác như một mớ lông gà gô bị tuốt dở. Mấy đứa con và Mịn ra cầu thang đứng co ro, nhìn ngơ ngác không biết ông khách lạ mặc quân phục là ai. Một lúc sau Mịn mới nói giọng run run:

   - Bọ Thốn về a! Con Sin, con gái thứ hai nhưng lớn hơn thằng anh cả. Nó phổng phao, đôi má hồng lên như quả nhót chín, nhìn trân trân ông bộ đội vào nhà. Thốn không nói không rằng, leo lên cầu thang, đặt ịch cái ba lô bên bệ cửa nhìn vào căn nhà, hắn thở dài như đẩy xa mọi thứ nhỏ bé, rách rưới, bẩn thỉu trong căn nhà ra xa người hắn. Mấy đứa con ngơ ngác như bầy sáo ra ràng. Thốn mở ba lô chia mỗi đứa vài cái kẹo xanh đỏ.Đứa nào cũng chìa tay lấy, rồi đi vào xó nhà nhìn lấm lét bỏ vào miệng, không nói không rằng. Thốn nằm nhìn lên nóc nhà lỗ chỗ sáng. Ừ, thế mà hơn mười năm, lần này là lần thứ hai hắn về nhà. Lần đầu hắn về trước khi đi B, khi căn nhà nhỏ này còn cả cha mẹ hắn và 5 đứa con không đủ chỗ để hắn trút những rạo rực bức xúc trong người, hắn và Mịn lại ra bụi nứa già bên suối. Rồi những năm như chồn cáo ăn bờ ở bụi, đạn bom đì đụp trên đầu sống chết như bong bóng trước gió. Hắn nhớ nhất những trận tập kích đồn bọn Mỹ(…). Chưa có lệnh nhưng tay chân hắn cứ trườn lên, lăm lăm quẳng trái phá vào trong hàng rào. Đồng đội phải cố ghì hắn lại. Sau trận đánh lần đó hắn được kết nạp Đảng. Hắn nhớ: sau 30 tháng 4 ngày giải phóng Sài Gòn, qua vài đêm học đánh vần chưa thạo mặt chữ, hắn có giấy chứng nhận trình độ văn hóa lớp 5. Rồi hắn được vào đội quân quản, đeo bang đỏ, hò hét quát tháo mấy quán hàng, chợ cóc. Đêm đêm đuổi bắt mấy gái đứng đường. Lúc đầu bắt mang vào trạm, lấy tên tuổi lời khai điệu bộ nghiêm túc lắm, nhưng hắn chỉ nghe có giấy bút nhưng không ghi chép được. Lâu dần hắn bắt mà không mang vào trạm nữa, ép vào xó tối hay gốc cây, cột điện nào đấy. Về sau hắn lùng trong các nhà hàng. Bọn "mẹ mìn, tú bà" lại dấm dúi cho Thốn mỗi đêm vài đứa để bịt cái miệng. Hắn khỏe như con bò mộng đi lùng suốt đêm hết hotel này đến nhà hàng nọ.

Thốn về lần này là phục viên. Ba ngày sau được Đảng ủy xã mời lên bổ sung vào cấp ủy, rồi giao nhiệm vụ cho hắn làm bí thư kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Lâm Phong. Thốn từ ngày về càng lầm lì ít nói, chỉ đôn đốc dân làng phá rừng theo nghị quyết của chi bộ, để xây dựng làng thành mô hình hợp tác mới, thành "pháo đài" giàu sang như hắn nói. Nhiều lần ngồi ngang thân cây vừa hạ, nhựa chảy mùi hăng hắc hút một hơi thuốc lá Tam Đảo, hắn lại nhớ chốn phồn hoa đô hội, nhớ tiếng còi xe, nhớ mùi nước hoa ngai ngái thoang thoảng, nhớ những cảnh mùi mẫn (…) với mấy con cave nhà nghề mà ở núi rừng không có. Căn nhà sàn bé nhỏ sáu mẹ con chúng ngày nào nằm đứa thò đầu, đứa thò chân không chứa hết nay có bố về mỗi đêm kẽo kẹt đôi lần. Thằng Thốn sau mỗi lần "cày cuốc" trong đêm ườn người chiếm hết hơn nửa sàn nhà(…) Từ hôm chồng về Mịn đẫy ra như cây ngô gặp đất thấm phân ải, làm rẫy cả ngày không thấy mệt, chỉ mong tối về vùi bếp. Ở nhà Mịn vật lộn với miếng ăn cho sáu mẹ con nhưng Mịn vẫn tròn lẳn như con heo trong rú Miết. Mịn được nước da trắng nõn nà, đôi chân thẳng dài, đôi mắt đen hoang dại. Đêm đêm nghe tiếng kèn lá ngực Mịn lại phập phồng rạo rực, lưng không thể nằm, đôi chân không thể đứng yên được. Chờ năm đứa nhỏ thở đều Mịn lại lần nhẹ xuống cầu thangmất hút trong đêm. Có lần Mịn đi theo tiếng kèn lá của bọn trai dưới Mó vào Rừng Sến cả tuần cách nhà vài chục cây số. Mấy đứa nhỏ ở nhà đói khóc, hai ông bà nội già vừa đi tìm Mịn, đi đào củ mài trong thung Mây nuôi đàn cháu bị bầy ong Lỗ đốt rồi chết. Rất may Mịn biết uống thuốc lá nên chỉ có năm đứa không đẻ thêm đứa nào nữa. 

Gần canh ba trở đi Mịn ngủ say như khúc trẳng. Thằng Thốn lại huơ cái chân đi rừng

không đụng lá của hắn quờ quạng, mọ mẫm sang phía bên kia hai thằng con trai. Hắn bò hai tay như con vượn núi Miết. Con Sin trong cơn mê ngủ chỉ biết lúc đó có tay ai to lắm rờ mó đê mê, rồi đè lên(…) Con Sin sau vài tuần bố về mặt mày ủ rũ, ngơ ngơ ngác ngác như ma xó ám, đi học hồn phách như để trên cây(…)Mấy bài chính tả Dư dạy Sin viết đẹp bao nhiêu thì nay chữ như rẫy ngô bị gió lốc. Vài tháng sau, con Sin học thưa dần rồi không đến lớp hẳn. Dư buồn vì lớp học vắng bóng đứa học trò có đôi mắt như mắt nai mùa xuân. Có tin đồn: con Sin mang bụng chửa. Dư buồn, giảng bài giờ như bò già gặm cỏ khô không còn nước miếng. Ánh mắt của y không còn sóng sánh, không còn chỗ để mỗi lúc lên bổng xuống trầm dừng lại ở một vị trí gần cuối lớp.

Thằng Thốn hôm đó nói với Mịn đưa cho Sin đi học trường Văn hóa tập trung của huyện. Hai bố con sáng ăn cơm, thêm một mo cơm nắm rồi đi. Mịn lên rẫy hôm đó cái bụng như chứa hòn than đỏ, linh cảm thấy một điều gì không ổn với con Sin. Nó xanh gầy. Sao ánh mắt của thằng Thốn nhìn con Sin gần đây lạ lắm?

Ngày sau đi rẫy về Mịn đã thấy con trâu đực dái béo tròn cột ở gốc cây sồi. Bọn con nít đang lấy que chọc chọc vào dái nó, con trâu hếch cái mũi, nhe cái lợi không răng, lắc lắc cái đầu như đắc ý. Leo lên cầu thang, thấy thằng Thốn đang nằm dang tay chân ngáy, thở ra nồng nặc mùi cồn, Mịn lay mạnh hỏi:

- Con Sin đâu?

- Tao đổi lấy con trâu rồi.

Mịn tru lên như một con vượn mất con. Từ hôm đó trên rẫy vắng tiếng dao, tiếng cuốc.

Tháng ba đói, lớp học vắng dần. Sáng sớm, Dư thấy trên bàn mảnh giấy nhàu nhàu. Nét chữ nghẹo ngoằng như con giun đất của thằng Ri: "Thưa thầy! Bếp nhà em hết ngô rồi, hết sắn rồi. Xin thầy cho em nghỉ học đi đào củ mài trong thung Mây. Bọ, mế em ốm không đi đào được, cả nhà em đang đói". Dư chợt tỉnh, thoáng thấy hình ảnh nhà mình ở quê. Và trong cái bếp dựng bằng bốn cây rừng không bóc vỏ của trường bây giờ cũng không còn hạt gạo, hoặc một lát sắn khoai nào, cả trường đang ngóng hai thầy đi lấy lương thực, ba ngày nay chưa về, nghe đâu tháng này huyện cũng không còn lương thực, giáo viên phải nhận phân đạm thay gạo.

Những cơn bão năm đói như đến sớm, gió thốc từng cơn. Dư hết chèo lại chống bốn bức phên để mấy cô giáo ngồi, mọi người ướt như chuột lột. Gần sáng gió đã đưa cả mấy bức phên, cùng tranh pheo xuống suối, cây rừng đổ ngổn ngang, cành gãy như những cánh tay chới với, kêu oan với ông trời. May không ai việc gì. Thôi! Trời làm phải chịu. Nhưng dù sao thì Dư cũng phải về nhà xem nhà cửa và mẹ già ra sao? Y biết quê y vùng thấp gió còn mạnh hơn nhiều. Ba gian nhà gỗ tạp ông bà để lại cho bố mẹ y bây giờ chỉ còn một đống đổ nát. Mấy cây cột đã mục mưa nhiều mềm ộp, gãy toác. May mẹ Dư ngoài bảy mươi tuổi vẫn bình an. Dư về cố lục lọi tìm giá sách vở mà y thường đọc, giờ chỉ còn một đống mềm nhũn bồ hóng lẫn bùn đất bê bết. Không kịp ngủ trọn một đêm, ba giờ sáng Dư lọ mọ tìm con dao còn giắt phía dưới tấm phên đổ, Dư cùng ông chú ruột lên dốc Mó để lấy dây rừng về dựng lại nhà. Đi trong đêm, chân Dư như đi trong mây cứ loạng quạng. Dốc Mó cách nhà hơn hai chục cây số. Dư đã từng đi rừng kiếm củi, đốt than nhiều nhưng chưa vào tới khu vực này bao giờ. Trên đường đi, hai chú cháu gặp từng đoàn xe tải nặng đang chớp thiên tai hoạn nạn, chạy như ma đuổi xé nát đường chở gỗ về xuôi. Lên đỉnh dốc cao Dư nhìn thấy những cánh rừng bạt ngàn, những thung lũng mây ngập tràn như bông. Hai người lại qua những trảng cỏ tranh xanh mướt. Mặt trời lên đỉnh đầu, ông chú đi trước chân trần bước thoăn thoắt. Ông cúi xuống bên bìa rừng cuối trảng cỏ bứt một chiếc lá: mặt trên xanh,mặt dưới hơi nâu ráp. Một ít nhựa trắng dịu thơm chảy từ cuống lá ra ngón tay gân guốc của ông. Ông bật nói:

- Đây rồi! May quá anh giáo ạ, lần này ta tìm được nó sớm. Đó là loài dây bò trên mặt đất, chỉ có người kỳ cựu đi rừng mới biết. Quê Dư gọi là dây rọ. Dây màu nâu, bằng đầu đũa nhỏ, dây nào to mới bằng ngón tay út, bò thẳng trên mặt đất, dài mấy cây số, luồn từ quả đồi này sang quả đồi khác, bò đến đâu rễ nhỏ mọc ra bám xuống đất đến đấy. Dây dùng buộc nhà, đan lát khi khô quắt khít lại, cứng như thép, không bao giờ bị mối mọt. Buộc đòn tay nhà bằng dây rọ nếp đều tăm tắp như những vòng xuyến của người vùng cao. Cột, kèo gió bão có thể gãy nhưng dây không bao giờ đứt. Dư và ông chú lần theo ngọn rọ. Ông cắt, Dư quấn địu theo sau qua hết hai ngọn đồi cây to rậm rạp, vẫn chưa thấy gốc dây đâu. Vòng dây trên vai Dư tỏa mùi thơm man mát. Qua một con suối cạn nước, dây rọ chạy vào cánh rừng Sến, cây đứng như rừng cọ cao tít tắp ngước nhìn không thấy lá. Tiếng con gõ kiến, tiếng con chim "bắt cô trói cột" loạn cả rừng, thỉnh thoảng bọn vượn đầu bạc, đầu vàng lại hú nghe rợn rợn.Sợi dây bị một con trăn như bắp đùi nằm chắn ngang, nó sực tỉnh khi sợi dây bị kéo chạm vào bụng. Con trăn chỉ ngóc cái đầu lên chút ít quay vài chục độ quan sát như đây là địa phận của nó không ai được đến gần rồi lại nằm im. Ông chú phải cầm cục đá ném "rầm" một cái vào gốc cây bên cạnh, nó mới từ từ bò đi nơi khác. Dư sợ quá vội trèo tót lên cây. Bó dây nặng trên vai Dư như đồng tình làm cầu nối cho bọn vắt xanh lém lém bám vào cổ, thấy ngứa Dư sờ lên cổ áo hai ba con vắt no tròn rớt lành lạnh qua bụng rồi rơi xuống đám lá khô mục dưới chân, y thấy một luồng như điện, gai lạnh chạy ngược từ xương cụt lên tận đỉnh đầu. Theo sợi dây, hai chú cháu còn qua một trảng rộng đầy cỏ săng lá sắc như dao, mầm nhọn như kim thép có thể xuyên qua cả rễ cây lớn.

Loại cỏ này lợp nhà vài ba chục năm chưa hỏng. Dây lại luồn qua một cánh rừng lim xanh nguyên sinh hàng ngàn năm cây đứng uy nghi. Vỏ mỗi cây trút xuống gốc như những ngọn núi, cành vươn giống những cánh tay cần cẩu lớn, vươn đến đâu vỏ cũng trút đến đấy như những dãy núi. Dư cứ đứng ngẩn ngơ nhìn rừng cây bạt ngàn chưa ai đụng một nhát dao nào. Người ta bảo rừng lim độc lắm, trai tráng làng Dư chết nhiều vì nghề sơn tràng chuyên xẻ gỗ lim bán cho vùng xuôi. Bọn cai rừng thời Pháp quản lý rừng lim như quản một kho báu vật. Gỗ lim xanh đất này bền hơn sắt thép, hàng trăm năm mưa gió không suy suyển; mối mọt đều phải đầu hàng; cưa, đục là thép hảo hạng mới chịu nổi. Thấy gỗ lim tuyệt vời, người Pháp còn bắt phu trồngthêm ở quanh vùng nhiều cánh rừng lim xanh nữa. Có tiếng con vượn ré lên trên đầu, nó đang bế con nhỏ nhảy trên cành cao chót vót. Vượn con mặt đỏ hỏn vẫy vẫy tay như tạm biệt.

Ông chú bảo:

- Bỏ bó dây lại đây thôi anh giáo ạ, ngày mai ta quay lại lấy, để cuộn bó khác.Tay ông vẫn thoăn thoắt phát cây rừng để theo sợi dây. Trước khi qua một ngọn đồi nữa hai người gặp một đàn trâu vài chục con béo mộng, đang nằm quay đầu ra bốn phía trong suối cạn, vừa nghe tiếng động chúng đã chạy ầm ầm như một cơn bão lớn. Ông chú bảo:

- Đây là trâu nhà ông Cà Đơ thả vào rừng, đó sinh sôi hàng trăm con, thành trâu rừng không bắt được. Theo sợi dây hai chú cháu còn qua một con suối, đầu nguồn của dòng sông Mực, còn gọi là sông Yên, nước trong thấy tận đáy. Hai bên suối cây to cao vút mọc san sát, phong lan bám hoa nở đầy thơm ngát. Sợi dây qua suối bật lêntheo tay ông chú kéo, mớ cá thấy động nhảy bì bụp. Dư nhìn xuống suối trong cơ man là cá, đủ loại to nhỏ từng đàn, từng đàn nối đuôi nhau. Y bây giờ mới chứng kiến người ta bảo sông Mực nhiều cá vì có rừng lim trút lá, cá sông Mực rất ngon. Sông Mực có cá mè, cá trắm nặng hàng tạ. Người đã bị sốt rét ăn cá mè sông Mực thường bị sốt lại.

Bỏ suối cá lại, y vội vàng chạy qua những lùm cây thấp và dây leo dưới rừng già theo ông chú. Y vấp phải bãi phân voi khô suýt ngã. Ngẩng đầu lên ông chú giơ tay chỉ:

- Nhà ông Cà Đơ đây rồi.

Nhìn theo tay ông, đồi bên kia dưới cánh rừng già vài chiếc nhà sàn như những túp lều nhỏ thấp thoáng, bóng hoàng hôn đổ những tia nắng như chiếc quạt lửa xuyên qua kẽ lá. Bó dây trên vai Dư đã trĩu nặng, ông chú bảo cứ bỏ lại ngày mai quay lại lấy. Vừa vứt bó dây xuống đất, bầy lợn rừng giật mình chạy rào rào kêu eng éc. Mấy con chồn nhảy tót lên cây làm trám chín rụng rào rào. Đàn khỉ thấy động cũng chuyền cành tán loạn, làm bầy vẹt rừng bay loạn xạ.

Hai chú cháu lượm vài trăm mét dây rọ nữa, đến cạnh gốc lim già hàng chục người ôm mới xuể. Ông bảo:

- Gốc rọ đây rồi, gốc này vài chục gánh dây mới hết.

Dư thấy gốc của dây không to chỉ bằng cán dao có dăm bảy nhánh dây tỏa ra các hướng. Khu đất gia đình ông Cà Đơ ở trong một thung lũng nhỏ lọt thỏm giữa rừng, như biệt lập với xã hội. Vạt ruộng ven suối cấy lúa bông đã hoe vàng. Cái giếng khơi như vũng trâu đằm cạnh ruộng, bên cạnh giếng có một tảng đá to;một con trâu già sừng cong dài đang đứng nhai lại bên gốc cây. Bốn ngôi nhà sàn lợp lá đơn sơ cách nhau chừng dăm chục mét. Người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi đứng dưới cầu thang nhìn trân trân hai người đàn ông dưới xuôi tiến lại gần như hai vật lạ. Dư nhanh miệng:

- Chào bác.

Người đàn ông gầy guộc chỉ "ừ" một tiếng tay vẫn vịn cầu thang. Ông chú không nói không rằng vớ cái điếu cày làm bằng ống giang dài hơn mét, dựng ở cầu thang nhét thuốc, châm lửa, rít một hơi dài, nhả làn khói bay trong chiều như khói tàu hỏa.

Người đàn ông hỏi:

- Đi lấy rọ à?

- Vâng. - Dư trả lời.

Ông biết vào rừng dịp này của đám dân Kinh là tìm rọ dựng lại nhà sau bão. Dư nhìn ngôi nhà thông thống, không có một tài sản nào có giá, chỉ có vài dúm bắp ngô khoảng vài ký treo lủng lẳng trên xà nhà. Bà vợ ông đang nướng mỗi con chẫu chàng trên bếp than leo lét, mùi thơm bay ra làm bụng Dư thêm cồn cào. Bà nói lơ lớ tiếng Kinh:

- Bên này đông người hai bác sang bên ông bà rộng hơn.

Dư cảm thấy họ rất thật thà, họ đang ở trong một kho báu mà rất nghèo. Theo tay người đàn bà chỉ, hai chú cháu đi về ngôi nhà bên trái, khi bước lên cầu thang bằng cây gỗ tròn đẽo từng bậc bằng rìu, không còn thấy rõ mặt người. Bếp lửa đỏ rực đang nổ lách tách. Một ông già bảy tám mươi tuổi, da ngăm đen người gân guốc ngồi bên bếp lửa đang vân vê điếu thuốc cuốn bằng lá. Cuối nhà một phụ nữ đang nhặt rau hay làm gì đó nhìn không rõ mặt. Dư bước lên suýt tụt chân xuống sàn nhà vì sàn lát bằng cây rừng cong queo, nhiều chỗ lọt cả đứa trẻ. Ông chú nói:

- Chào ông, chú cháu tôi vào lấy ít dây rọ về dựng lại nhà đổ vì bão. Xin ông bà cho ngủ nhờ một đêm.

Ông già vẫn vân vê điếu thuốc không ngẩng lên, nói lơ lớ tiếng Kinh:

- Nằm b.ê.n đ.ớ. - Ông chỉ tay về phía góc bên trái gần cầu thang lên xuống.

Hai chú cháu dựng hai con dao vào góc, giở nắm cơm vắt, ăn xong mỗi người uống một bát nước lá rừng hăng hắc của ông bà chủ. Dư không quen đi rừng xa, mệt xin phép đi nằm trước, đầu gối lên chiếc gối đẽo bằng đoạn gỗ to hơn bắp chân. Dư nghe hai ông nói chuyện câu được câu mất. Đại để vợ ông mất hơn năm, ông mới cưới vợ mới cách đây vài tháng. Nghe đâu họ gái thách cưới một con trâu kéo gỗ. Ngày rước dâu chỉ mỗi bố cô dâu đưa cô dâu lên, rồi dắt trâu về. Ông chủ còn nói với ông chú mùa màng năm nay thua vì lợn rừng, chuột, chim, khỉ phá nhiều. Rồi mặc muỗi đốt, Dư ngủ lúc nào không hay.

Trời chưa sáng rõ mặt, ông chú đã gọi:

- Dậy, dậy đi anh giáo! Còn phải lấy đủ dây kẻo về nhà tối mất.

Dư dụi hai con mắt cay xè. Tay rờ xuống khuỷu chân ngưa ngứa, cái gì mềm nhũn, cảm giác ớn lạnh từ xương cụt lại chạy ngược lên đỉnh đầu Dư. Con vắt no tròn như quả sim chín lành lạnh theo bắp chân lăn long lóc rơi tọt xuống dưới sàn.

Bà chủ dậy sớm đốt lửa nấu cơm từ khi nào, xới sẵn hai bát cùng một bát măng đắng, ít muối lạc đặt trên chiếc mâm gỗ ghép bằng hai mảnh ván. Miệng mặn chát đắng Dư cố nuốt hết bát cơm với vài cọng măng. Dư lại uống bát nước thơm hăng hắc mùi lá cây rừng, vơ vội con dao chào ông chủ, theo ông chú xuống cầu thang.

Đang chú ý bước xuống bậc thang nhá nhem, y đụng bà chủ bụng lu lú ôm mấy cây củi đang định bước lên. Bà chủ cất tiếng:

- Em chào thầy!

Dư nhìn trâng trâng không tin vào mắt mình nữa. Y thốt lên:

- Sin! Sao em lại ở đây?!

Mấy đoạn củi khô trên tay từ từ rớt xuống chân Sin. Dư thấy ở hai khóe mắt Sin hai vệt như nhựa của dây rọ trào ra. Sin ôm lấy cây cầu thang từ từ gục xuống. Dư vội đỡ bế cô học trò nhỏ nhẹ tênh lên sàn về phía góc bên kia có tấm chiếu rách và hai cái gối gỗ đẽo nham nhở. Ông già đắp lên người Sin mảnh chăn nhuộm nâu loang lổ . Dư hỏi ông:

- Cô ấy có sao không?

Ông già nói lơ lớ:

- Bà í vẫn th.ường t.h.ế.

Dư bàng hoàng lao xuống cầu thang như chạy trốn. Y thấy hai chân mình nặng hơn khi leo dốc Mó, đất dưới chân Dư đang sụt lở... Dư về ốm, có người nói Dư đi rừng không quen bị ngã nước. Người y cao đã gầy, nay càng gầy đen trông như một cây sào cứ ngất ngưởng như cây nêu trước gió. Y mất ngủ, chợp mắt y thường mơ: y cầm dao xông đến hỏi tội thằng Thốn. Nhưng chạy lên cầu thang nhà nó, cầu thang gãy. Y chới với leo lên đến sàn, vừa bước thì chân y đã tụt xuống lỗ hổng cứ chới với.

Thằng Thốn ngồi ngạo nghễ cười đắc ý. Hắn bảo: "Tay giáo kia! "Mất dạy" rồi phải không?

Còn học sinh đâu mà dạy? Muốn đi phá rừng với tao kiếm nhiều tiền thì về mang lên góp với tao một con trâu".

Đỡ ốm y mua vài ấm chè xanh, nhờ bà con trong xóm dựng lại ngôi nhà cho mẹ, trước ba gian bây giờ chỉ còn lại hai gian, phải trốn vài cây cột. Đói, dột, trường lớp èo ọt, lớp của Dư chủ nhiệm chỉ còn vài đứa. Thầy cô thiếu đói mang cả mắm tôm, thuốc lào, cá khô dưới xuôi lên bán, rồi mua luồng, nứa, than củi, gỗ kết bè đưa về xuôi. Có chủ trương chia cho mỗi thầy cô ở các trường một vài sào rẫy để trồng khoai sắn tự túc lương thực.

Dư lục trong đống sách vở tìm một tờ giấy. Y viết đơn xin không dạy học ở bản Lơ, Lâm Phong nữa. Y xin đi bộ đội vì biên giới phía Bắc đang có chiến sự. Hai gian nhà nắng lên tranh rạ cũ và mớichen nhau loang lổ, mùi bồ hóng ngai ngái. Dư ở với mẹ thêm mấy ngày, kê lại cái bàn thờ bốvà gia tiên, thắp nén hương trước khi nhập ngũ.Y cứ ra lại vào, trong đầu y luôn nghĩ cách kiếm vài chục cân lương thực cho mẹ để yên tâm lên đường, nhưng thật khó khăn. Dư tìm đến bìa rừng tìm Hạ. Thằng Hạ nhìn Dư chằm chằm bảo:

- Mày eo dây thế kia, cưa xẻ, khuân vác gỗ sao được, đứng ngoài canh gác bọn kiểm lâm cho tao. Thằng Hạ ở làng Đoài, thường gọi là Hạ Cọp. Gần đây vài trăm người ở mấy làng xung quanh bỏ ruộng hợp tác xã cho cỏ mọc theo hắn vào rừng đốn gỗ bán kiếm gạo ăn. Hắn tổ chức mang trâu bò, súng ống, nồi niêu đi theo như đánh trận. Thằng Hạ đen như cây rừng cháy. Mấy năm trước một mình hắn vác súng vào rừng tìm bằng được con cọp ở Chẹt Voi hay bắt lợn bò của dân làng ăn thịt. Ngày thứ tám hắn vác đầu con cọpvề quẳng giữa sân đình, cả làng trố mắt nhìn ai cũng khiếp. Từ đó hắn được gọi là Hạ Cọp. Đoàn lâm tặc của Hạ Cọp được canh gác bảo vệ nhiều vòng. Nếu có kiểm lâm tới thì bắn chỉ thiên hai phát súng. Quanh khu vực khai thác gỗ của Hạ Cọp còn cài mìn. Lợn, chồn, cáo vướng mìn đều tan xác. Hạ Cọp tập hợp một đội khoảng 30 tay súng đều là cựu binh phục viên, họ giỏi xẻ gỗ, phần lớn họ đều là những gia đình thiếu ăn, khó khăn vợ con nheo nhóc. Súng đạn của các đội dân quân trong vùng phần lớn được trang bị cho đội quân này. Một hôm đoàn lâm tặc của Hạ bị công an và kiểm lâm bao vây trên đồi Lim xanh. Khi phát hiện có động tĩnh bị vây Hạ bắn hai phát súng tập hợp, lệnh cho đội cựu binh dàn thế trận. Một lát sau dưới chân dốc vọng tiếng loa kêu gọi những người phá rừng ra đầu thú để hưởng khoan hồng. Hạ cho quân bắn tỉa thủng loa, ném mấy quả lựu đạn hù dọa xuống khu vực chân dốc. Kiểm lâm, công an tập hợp lực lượng tấn công lên đồi nhiều lần song đều bị đánh bậtxuống. Nhiều ngày trong rừng tiếng súng đạn nổ ầm ầm như chiến trường mấy năm trước. Không bắt được một lâm tặc nào trong đám của Hạ, khu rừng lại im ắng. Người thì bảo công an và kiểm lâm sợ bọn Hạ Cọp không dám vào, người thì bảo công an kiểm lâm không muốn triệt đường cơm cháo của dân nên không đánh lên nữa. Đâu lại vào đấy mỗi ngày hàng chục xe tải lớn chở gỗ Hạ khai thác về xuôi. Ngồi gốc cây ngóng xuống đường canh gác cho Hạ ba ngày Dư không thấy bóng một ông công an kiểm lâm nào. Ngày thứ tư Hạ ở đâu đi tới bất thình lình vỗ vai Dư nói:

- Ông giáo về đi, tao đã cho bọn đàn em mang cho cụ nhà 50 kí gạo rồi. - Đêm đó Dư được một giấc ngủ dài hơn đêm khác. Hàng chục cánh rừng lim cổ thụ Hạ phá chỉ còn lại gốc cây lố nhố. Hắn cùng thuộc hạ chia nhau cắt rừng tìm nguồn khai thác mới. Gặp cây lát, cây gụ hoặc cây lim xanh to nào Hạ cho đàn em bổ ba nhát rìu: Hai dọc, một ngang thành hình chữ "H", coi như cây đó là của riêng Hạ, không lâm tặc làng nào dám đốn. Có lần, một toán lâm tràng làng Đông đốn cây lim có dấu ba nhát rìu. Thằng Hạ không nói không rằng cứ cho xẻ xong xuôi vận chuyển ra đến đường, rồi quân của Hạ đến bốc lên xe chở đi đồng thời đấm đá, đập nát đồ đoàn của họ. Một hôm Hạ luồn rừng tìm được một cánh rừng lim xanh và lát hoa chưa một nhát rìu nào. Hắn đang đánh dấu vào những cây to hàng chục người ôm không xuể để thuộc hạ của hắn đốn thì nghe có tiếng người rên rỉ. Đi quanh gốc cây lim xanh cổ thụ hắn nhìn thấy một phụ nữ bụng to đang quằn quại, đầu đứa bé đang thập thò.

Hắn chưa vợ nhưng như bản năng hắn lao lại cởi ngay chiếc áo đang mặc đi rừng của mình lót dưới mông người mẹ. Người phụ nữ vật lộn mãi mà chỏm tóc đen nhánh thập thò không chịu ra thêm. Hắn đặt tay lên trán người mẹ đầm đìa mồ hôi và bảo:

- Đừng sợ, cố lên bé sắp ra rồi.

Người mẹ trẻ tay ôm chặt rễ cây, môi mím chặt, mặt tái không còn hạt máu, hàng chục lần gồng lên nhưng đều vô vọng. Hắn ngồi bên tay xoa lên bụng người mẹ vài ba phút bảo người mẹ hít thật sâu lấy sức rặn một lần nữa. Người mẹ nằm một lúc lấy lại sức gồng lên như con giun bị giẫm, đứa bé trong bụng mẹ ào ra như dòng thác khóc thét lên. Hắn mừng quá lấy dây rừng thắt và dùng dao đi rừng cắt rốn cho cậu bé. Người mẹ qua cơn nguy kịch dần hồi tỉnhlại. Hắn ngỡ ngàng cứ nhìn không chớp mắt hai mẹ con như thiên thần giữa rừng sâu: Người mẹ trắng nõn nà, nét mặt thanh tú, hàng mi cong cong đẹp như vẽ, đôi mắt to đen mơ màng khi đứa con rúc vào bầu vú. Người mẹ trẻ hồi tỉnh lại kể cho hắn nghe hoàn cảnh éo le của mình bị cha đẻ hiếp rồi bị bán làm vợ một ông già… Hắn nghe thương quá! Hắn bứt một ít dây rừng, ngồi cạnh hai mẹ con bện thành một chiếc võng chắc chắn. Hắn hú một tiếng như sói, vài chục phút sau có ba người thuộc hạ đến, Hạ bảo họ đưa hai mẹ con về gửi ở nhà bà con cách nhà hắn không xa. Từ khi về quê Hạ ở, Sin ngày một thêm đẹp. Vài ngày, từ rừng Hạ lại về, ngắm nhìn, ôm hôn thằng bé rồi hắn lại đi. Hạ có ý định cho Sin đi học tiếp và làm nhà lớn rồi mới cưới Sin. Một thời gian cả khu rừng lim xanh và lát hoa ấy và nhiều khu khác nữa thuộc hạ của Hạ đốn hết, trừ cây lim chỗ Sin "vượt cạn" y bảo mọi người không ai được đốn. Thằng Thốn góp con trâu đực khỏe ngày kéo ba bốn cây gỗ về sân trường, vài hôm lại có chuyến xe ô tô chở đi. Nghe người ta nói cuối năm nhà chủ nhiệm làm nhà mái bằng. Mỗi khi nhìn con trâu kéo gỗ bị bọn lâm tràng của bản đánh lằn ngang lằn dọc, nhiều lúc nó khuỵu xuống lại bị gậy vụt túi bụi để bắt nó đứng dậy, trong đầu thằng Thốn lúc đó lại nghĩ đến đứa con gái không biết có giống con trâu hay không?

Mới ngày nào nó béo tốt thế, qua mấy tháng nó gầy rộc, xương giơ ra, khoe bốn cái bai chèo. Đêm nằm Thốn nghĩ: "Có tiền làm cái nhà rồi vào Mó đón mẹ con con Sin về chơi mấy hôm, rồi cho nó thêm vài bộ quần áo". Hắn nhớ hôm con Sin về nhà chồng có mỗi bộ váy áo đã vá trên người.

*

Không lâu chính quyền có lệnh truy nã Hạ và nhiều người trong làng vì tội phá rừng khi hắn chưa kịp cưới Sin. Hắn bị bắt, bị phạt tù giam 10 năm. Ở tù được hai ngày Hạ vượt ngục, tối về đưa hai mẹ con Sin xuống thuyền vượt biển. Dư đánh nhau bị thương ở Mường Pẻn biên giới phía Bắc được chuyển về điều trị ở tuyến sau. Khỏi vết thương, bảy năm học thêm Khoa học xã hội, y có bằng Phó Tiến sĩ, Dư được giữ lại học viện giảng dạy triết học. Mấy lần học sinh đưa y về sông Mực, tận đầu nguồn chỉ còn những đồi đất đỏ lở loét, rừng bị đào tận rễ. Y cố tìm tung tích Sin nhưng chẳng ai biết cô ở đâu. Khu vực ông Cà Đơ ở chỉ còn lại một con suối trơ sỏi đá, vắng tanh. Lọt giữa những đồi cỏ tranh cháy nham nhở chỉ còn một cây lim to vạm vỡ trơ trụi không ai dám đốn vì đồn có hồn ma hai mẹ con người Thổ ở đấy. Dư về bản Lơ, ngôi trường xưa giờ đã xây lợp ngói.

Mọi người bảo: "Ông Thốn có nhà mái bằng đầu tiên cả làng, bếp mái bằng, chuồng lợn nhà chủ nhiệm cũng mái bằng. Bà Mịn ốm đã mất lâu rồi, ông Thốn bị kỷ luật vì tội phá rừng sau bảy năm làm chủ nhiệm, lú lẫn một thời gian dài mới chết cách đây vài năm". Bốn thằng con trai thì hai thằng nghiện bỏ đi mất tích; một thằng bị gỗ đè, một thằng thì bị tai nạn giao thông chết. Còn con gái có người nói theo bọn lâm tặc, có người lại nói vào rừng đẻ bị cọp bắt cả mẹ cả con tại gốc cây lim hiện còn trơ trụi, tìm không thấy xác./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận