Truyện ngắn: Mưa trên đỉnh núi Vầu | Trần Đức Sơn | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn: Mưa trên đỉnh núi Vầu nhà văn Trần Đức Sơn qua giọng đọc của Nguyễn Hường.
1. Bắt đầu là những tia chớp lóe sáng, rạch lằn ngang dọc trên nền trời. Rồi tiếng sấm. Đùng đoàng. Rền vang. Tiếp ứng là gió cuộn và mây dồn. Những đám lá khô bị hất tung, bay táo tác. Một khung cảnh hỗn loạn. Mọi vật bị cuốn vào cỗ máy vận hành hết tốc lực, cuồng nộ và xoáy tít. Vạt cỏ chân núi Vầu bị bứng lên từng mảng, cứ thế cuốn phăng đi. Cả thôn Nước Lia nằm sát bìa núi chốc chốc rung lên, cảm giác những ngôi nhà khi thì lắc mạnh, lúc lại ngã nhào, rúm ró... Tiếng heo kêu, tiếng trâu bò rống, tiếng gà, tiếng vịt loạn xạ, nhốn nháo. Mưa sầm sập kéo đến nhấn chìm vạn vật vào màn nước đục mờ. Bầu trời đen kịt, nặng trịch như đè lên cái thôn đã nhỏ lại nằm tách biệt như bám vào sườn núi chênh vênh này.
Bao giờ cũng thế, mưa từ đỉnh núi Vầu, từ nhiều năm nay, đều khiến người ta sợ, giống cơn thịnh nộ của kẻ thù hiểm ác hơn là biểu hiện thường tình của thời tiết trong vòng quy luật tất yếu mà mẹ thiên nhiên giáng xuống trần gian. Dân vùng này, ngoại trừ ông Lộc, người cao tuổi nhất thì chẳng ai biết rõ về câu chuyện khiến người dân phải rời xứ ra đi phân nửa từ khi nước con suối Cái đục ngầu, nổi bọt. Mùi tanh tưởi của quặng, mùi hăng hắc của lá mục, cả mùi gây nồng, lợm mửa của máu và xác động vật.
Nhưng ông Lộc là người kín tiếng, chỉ ngước cặp mắt sâu u ẩn khuất dưới cặp chân mày rậm đã bạc trắng, chứ không nói gì. Ông hay tư lự, nhìn về phía núi Vầu. Nơi ấy những công trình xây dựng dở dang, tạm bợ, bỏ hoang cũng gần mười năm rồi. Những cột xi măng, cốt thép. Những tường rào. Những hầm, hố. Mọi hạng mục đều nham nhở, khoét lõm cả một triền núi rộng. Cây rừng bị đẵn hạ, nằm la liệt. Qua thời gian và phơi mưa nắng, những phiến gỗ quý đã mối mục. Ngói tôn xếp chồng cũng bị hoen gỉ. Ông Lộc lúc khỏe thường đi lên đấy, dạo quanh một lát rồi về.
- Đất dẫu lành mà lòng người không tốt thì khó trụ được!
Ông buột miệng khi có ai đó hỏi thăm về những "tàn tích" còn lưu dấu ngổn ngang triền núi Vầu. Khi nói về điều này, gương mặt ông lại giãn ra, trông đầy phấn khích. Cảm giác, chuyện về những công trình một thời rộ lên rồi tắt ngúm, ông là người hiểu rõ. Nhưng ông chưa bao giờ hé răng, cũng như đề cập đến lực lượng bí ẩn nào đó đã khiến những doanh nghiệp, công ty muốn "rửa tiền" phải bỏ của chạy lấy người như thế. Chuyện có vẻ rối rắm và khó hiểu, lại mang đầy yếu tố tâm linh. Người trong thôn, đa số dân tứ chiếng, chọn vùng đất này sinh sống, thường đồn ông Lộc "già làng" từng là lính trinh sát và tay thợ săn thiện xạ, trăm phát trăm trúng. Súng của ông đã hạ gục không biết bao nhiêu kẻ địch mà kể, còn bàn tay ông, máu của thú rừng nhuộm đỏ, gột mãi chẳng phai. Nghe bảo trong nhà ông, nơi góc bí mật còn có bộ sưu tập xương thú. Họ cứ xì xào, bàn tán. Đến tai, ông chỉ cười buồn chứ không xác nhận. Còn nguyên nhân những trận mưa lốc từ đỉnh núi Vầu làm tình, làm tội người dân thì chưa ai tường tận được. Cũng chỉ mình ông Lộc, thường mùng một âm là xách túi nải, cứ thế cắt rừng mà đi. Đến khi mặt trời lọt sâu xuống chân núi xa xôi tận vùng biên viễn, ông mới quay gót trở về. Dân làng lại đoán mò, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhưng đành bất lực. Rồi người ta dần lảng ra bởi cái lắc đầu của ông Lộc khiến họ không đủ kiên nhẫn tìm hiểu thêm. Để rồi từ người già đến trai tráng, cả những phụ nữ góa chồng đều mang khối tâm tư đè trĩu. Đôi lúc, trong cuộc chuyện, họ hỏi thăm nhau, chỉ dè dặt về bí mật những trận mưa như trút giận từ đỉnh núi Vầu.
Mưa trái mùa không dai dẳng, chỉ sầm sập chốc lát rồi ngừng. Trời lại trong xanh. Nắng xiên rừng chói lọi. Cảnh vật trở nên yên bình, cảm giác như chưa có chuyện gì xảy ra trước đó. Có chăng chỉ dòng suối Cái chạy vòng mé thôn nước ngầu đục. Những tảng đồi lở lói, xói mòn như vết thương khổng lồ đỏ lòm phơi dưới trời chiều ngút ngàn mây giăng.
2. Thạo trở về nhà sau trận mưa. Anh chạy như ma đuổi. Áo quần ướt đẫm. Gương mặt thất thần. Và anh ngã quỵ bên bếp lửa. Vì rét. Vì đói. Hay vì điều gì đấy, không ai biết. Người trong thôn xô lại nhìn anh, đầy hiếu kỳ và rồi lặng lẽ ai về nhà nấy. Chỉ còn Thạo câm lặng, cặp mắt vô hồn, thu lu trong góc tối. Vợ anh, người đàn bà có gương mặt xương xẩu, hai gò má cao lại lốm đốm tàn nhang, cũng im lặng, nhìn nồi cơm đang sôi lục bục. Rồi tức tưởi khóc.
Suốt đêm ấy, Thạo không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Tàn khuya, anh mở cửa ra sân ngước mắt về phía đỉnh núi. Núi Vầu không còn cây cổ thụ nào sống sót, nạn phá rừng đã tàn diệt khu rừng nguyên sinh bạt ngàn màu xanh và thâm u, huyền bí. Nhớ lại, chỉ tiếc nuối và xót xa. Ngày ấy, lâm tặc và thợ săn hoành hành, dân các vùng lân cận đổ về đông nghịt. Cứ chập tối là từng đoàn xe ùn ùn chạy ngang thôn Nước Lia. Gỗ chất cao và những con thú rừng máu me đầm đìa, hai mắt trợn ngược đang bị chuyển về xuôi. Người dân lo sợ, ngán ngẫm, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bọn lâm tặc và bọn thợ săn cứ ẩn dật đâu đó chừng vài tháng, thấy tình hình yên ổn lại xuất hiện, mà bọn chúng càng ngày càng đông, như nấm mọc sau mưa, thế nên chẳng mấy chốc cây cối, muông thú trên đỉnh núi Vầu không còn một bóng.
Dãy núi cao đầy màu xanh, rất bề thế, che chắn cho thôn làng bây giờ trơ khất, chỉ còn đá tảng và bụi cây gai mọc thấp, cùng những mảng màu nham nhở của đất đỏ lở loét. Tiếng hót của những loài chim chào buổi sáng không còn nữa. Bởi mấy cụm săng lẻ hiếm hoi cũng bị gió quật ngã trong trận bão vừa rồi. Tiếng tác của con mang, tiếng gọi đàn của con nai hiền lành giương cặp mắt ngơ ngác cũng mất biệt. Thác gầm réo nghe to hơn, giận dữ và hờn oán. Mặt trời lâu nay cũng khó phân định được mùa, cứ chói chang, ném từng vốc lửa xuống thôn làng. Câu chuyện về vị thần Mặt Trời trên đỉnh núi Vầu hàng ngày nhìn nhân gian, nheo nheo cặp mắt đã không còn được lưu truyền. Những tia nắng vàng hanh, sưởi ấm cánh rừng làm sáng lên màu xanh tươi tốt, hứa hẹn những điều lành, điều thiện cũng hoàn toàn bị triệt tiêu. Thay vào đấy, là sự gắt gỏng có phần dữ tợn của thiên nhiên. Sấm sét và giông gió, mưa tuôn và thác gào luôn làm cho dân làng bất an, lo sợ.
3. Thạo ngồi ở bậc thềm nhìn vơ vất. Gương mặt anh tươi tỉnh hơn dù vẫn còn xanh xao. Gượng dậy sau mấy ngày nằm liệt giường, cơm cháo không buồn nuốt. Anh chống tay, vịn vách rồi lần đi ra đầu ngõ. Thôn vắng tanh. Giờ này mọi người đã xuống đồng, lên rẫy cả. Vợ Thạo cũng đón xe về ngoại mượn ít tiền lo thuốc thang cho chồng.
Ông Lộc đứng nhìn Thạo một hồi rồi chép miệng chứ không nói gì. Bữa nghe tin Thạo "ngã nước", ông đem qua mấy thang thuốc nam, bảo vợ Thạo sắc cho chồng uống. Ông còn chống gậy lên núi hái thêm vài loại lá cây nữa. Vợ Thạo làm theo lời ông, cho chồng uống ngày hai cữ lúc lửng bụng. Có vẻ thuốc ông Lộc cắt phát huy tác dụng, trông Thạo linh hoạt và đỡ hơn phần nào. Anh ăn được, đã nói cười với vợ và ngủ không còn thấy ác mộng.
- Mày còn thấy đau nhức chỗ nào nữa không? Mày ngủ còn mơ thấy gì nữa không?
Ông Lộc sẽ sàng nắm tay Thạo, lắc nhẹ. Thạo như bừng tỉnh, rụt người, co rúm, thất thần. Ông Lộc bóp chặt cánh tay Thạo. Thạo lùi về phía sau rồi chạy dúi dụi vào nhà.
Chuyện gì thế nhỉ? Khổ, có khi Thạo điên loạn rồi. Mà anh ta đã gặp chuyện chẳng lành gì khi đi rừng chăng? Người trong thôn bắt đầu thêu dệt đủ chuyện. Rằng núi Vầu linh thiêng lắm. Giữa rừng sâu, heo hút có một cái hang động rộng lớn, chứa đầy xương. Người ta không phân biệt được xương người hay xương thú, bởi chúng chồng chất lên nhau, trắng hếu. Ban đêm từ đống xương mục rữa theo thời gian ấy, phát ra ánh sáng đầy mê dụ. Hễ đi rừng, nếu ai vô tình "va phải" thứ ánh sáng như ma trơi lúc ẩn lúc hiện ấy thế nào cũng bị hành cho đến chết, nếu không cũng phát cuồng.
Thạo bị báo ứng rồi. Không ai biết điều đấy, ngoài ông Lộc. Ngày ấy, khổ quá, dù ông Lộc khuyến cáo, cả răn đe nhưng vốn bản tính ương ngạnh, Thạo đã bất chấp tất cả, cứ đêm đêm là lén ông, tiếp tay cho kẻ xấu. Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, những loài động vật quý hiếm bị Thạo "chỉ điểm". Bọn xấu hả hê với thành quả có được, Thạo thì đút túi mấy tờ tiền mà mặt không chút cảm xúc.
Dằn vặt, đau khổ suốt một thời gian dài. Thạo chạy đi tìm ông Lộc rồi quỳ thụp xuống chân ông, khóc nấc. Ông Lộc đỡ kẻ lầm đường lạc bước đã quay trở về và bóng gió rằng, thôn Nước Lia sẽ giàu có, ấm no khi cây cối trên núi Vầu xanh tốt. Chính ông đã chặn đoàn người vào rừng cưa, xẻ gỗ lậu. Ông bứt cúc áo, cho chúng xem vết thương in hình con rết bầm nơi ngực trái, di chứng của một thời hào hùng. Rồi nhanh như cắt, ngón trỏ trái đứt lìa như lời thề độc. Bọn lâm tặc mặt xanh lét, cắt không giọt máu, cúi gằn, giải tán. Núi Vầu tạm yên. Những mảng đất đỏ nham nhở xen cùng đá tảng dần phủ xanh sắc lá. Con suối Cái tuôn đầy nước, chạy quanh thôn, yên bình. Nhưng rồi, quy hoạch, dự án từ đâu ùn ùn kéo về. Khu du lịch sinh thái. Công ty khai thác quặng... Nhiều đoàn xe lại ngược xuôi núi Vầu. Những tấm bản đồ được căng ra. Những đường kẻ dọc ngang, băm nát quả núi. Ông Lộc mất ăn mất ngủ, trằn trọc suốt mấy đêm. Một người lính từng vào sinh ra tử, một thợ săn khét tiếng, tay đã nhúng chàm, đã quay đầu làm lại cuộc đời khi biết được giá trị của vùng xanh che chắn, bảo vệ con người đành chịu thua bọn người cơ hội, thực dụng đó hay sao?
Ông đi từng nhà, gõ từng cửa cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh. Tới nỗi các quan chức thấy ông lão phương phi, có chòm râu bạc trắng, ngón trỏ bị cụt tận đốt trong thì ngán ngẩm, lắc đầu. Họ giải thích đã là quy trình thì theo trật tự trước sau, có thời gian nghiên cứu, bác cứ yên tâm trở về báo với thôn làng là núi Vầu sẽ không bị xâm phạm.
Nhưng rồi lời nói gió bay, núi Vầu vẫn bị xẻ thịt. Những trận mưa từ núi Vầu như trút giận xuống đầu người dân Nước Lia vô tội.
4. Đã ba mùa rẫy đi qua, hai mùa ong nữa lại về, Thạo chưa một lần bước chân ra khỏi trụ đá đầu thôn. Ngày này qua tháng khác, anh quần quật với công việc heo gà, ruộng rẫy, thỉnh thoảng xuống suối rẽ dòng đơm cá. Chuyện trong thôn, dưới xã, Thạo giao hết cho vợ. Cứ thế anh lầm lũi đi, lầm lũi về trên đường mòn mọc đầy gai xương rồng và cây xấu hổ dẫn lên núi Vầu. Anh đi lấy củi và nhặt đá về kê cao bức tường quanh nhà, có vẻ anh muốn thu cuộc đời mình lại, tách biệt với thế giới xung quanh. Người trong thôn, từ già đến trẻ, dần xa lánh anh, và hình như trong câu chuyện của họ anh cũng không hề được nhắc tới. Chỉ có vợ Thạo là đau khổ, buồn bã, than vãn trước tính khí thất thường của chồng. Nhưng biết làm sao được. Thạo là người đàn ông đầu tiên và duy nhất trên đời để chị tựa vào, bám víu. Chính Thạo đã đưa tay ra cứu chị khỏi những hệ lụy đớn đau của số phận. Anh cho chị biết thế nào là đời sống vợ chồng, biết thế nào là nhục cảm, là bản năng của con người để thăng hoa cảm xúc, để vui vẻ, tươi cười, để chấp nhận tảo tần vun vén nếp nhà đã lâu chưa có tiếng cười con trẻ.
Đôi lúc chị buồn bã, nhất là khi nhìn đám trẻ hàng xóm đi học về ngang qua nhà. Trông chúng hồn nhiên, dễ thương làm sao. Giá như vợ chồng chị có một đứa con, trai gái gì cũng được. Nhiều lúc lẩn thẩn, chị lại chì chiết mình, hành hạ mình vô dụng. Nhưng ánh mắt van xin, có phần hối lỗi của chồng khiến chị quên đi những ý nghĩ tồi tệ thỉnh thoảng lại xâm chiếm tâm hồn.
- Hậu quả chiến tranh từ thời cha ông mà con cháu phải chịu. Than ôi!
Ông Lộc đã cảm thán như thế sau khi nốc liền tù tì mấy chén rượu. Ông say nên nói nhiều vô kể. Thạo ngậm ngùi, cúi mặt. Một đứa con, những tiếng cười, giọng nói trẻ thơ đối với anh sao mà quá xa vời. Có lần, gom góp tiền bán nông sản và gia súc, hai vợ chồng khăn gói về thành phố khám bệnh. Người bác sĩ nhìn lướt hai vợ chồng rồi đầy sẻ chia, nói với anh rằng..., âu cũng là số phận... ngày nay dù khoa học phát triển nhưng chuyện có con lại rất khó khăn cho nhiều trường hợp vợ chồng... anh chị hiểu và thông cảm cho nhau, yêu thương nhau nhiều hơn...
- Trời ơi, tôi đã làm gì nên tội!Thạo nấc lên một tiếng than dài giữa màn đêm tịch mịch.
5. Người trong thôn bảo Thạo bị ma trên núi Vầu ám. Anh làm gì phải bị trả giá như thế cơ chứ? Họ từng thấy anh phản đối ra mặt bọn người dưới xuôi lên băm vằm núi Vầu làm khu du lịch, khiến hệ sinh thái bị đảo lộn, hao mòn. Chim chóc bay đi, trốn biệt. Thú rừng hoảng hốt, thục mạng. Hay có điều gì khuất tất. Chỉ mình ông Lộc hiểu chuyện. Ông hay qua nhà Thạo, ôm đầu Thạo, vuốt mái tóc xơ cứng lởm chởm trên đỉnh đầu mấy sợi tóc đã ngả màu. Thạo khóc hức hức như đứa trẻ bị đòn oan. Ông Lộc nháy mắt cho vợ Thạo lui ra sau bếp, để mặc cho Thạo trút hết nguồn cơn qua những dòng nước mắt. Lòng ông Lộc cũng đang bị xáo trộn ghê gớm. Những mảnh vỡ của kí ức xa xưa chợt lóe sáng, hiện về...
Giây phút hiếm hoi được nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. Ông và người đồng đội, cha của Thạo ngắm lớp lá vàng rụng đầy mặt đất và ngạc nhiên, trầm trồ trước bức tranh thiên nhiên được dệt lên từ sự hài hòa, chen lẫn giữa lá vàng, lá đỏ với lá xanh. Cả khu rừng xôn xao lúc trời sắp giao mùa. Khung cảnh đẹp làm sao! Người bạn lính thốt lên. Khi một trận gió ào ào thổi tới, lá trên cây rơi lả tả, còn lá dưới đất cũng cuốn bay theo chiều gió… Hai người tựa lưng vào gốc cây nói về những dự định sau ngày chiến thắng. Bức thư bạn gái gửi cho ông chưa kịp đọc vẫn còn nằm trong túi. Ông lấy ra, hai người đọc cùng. Nỗi nhớ vượt hàng trăm cây số về với góc phố thân yêu, gốc xà cừ, con đường tắt qua sân chiếu bóng… Ngước nhìn bầu trời trong xanh xuyên qua từng kẽ lá, những vệt nắng lung linh nhảy nhót mà lòng ông bồi hồi, xao xuyến… Một ngày gần đây thôi, ông sẽ trở về. Trong ngày cưới của ông, người bạn lính sẽ không thể vắng mặt. Rồi họ phải rời cánh rừng thay lá, mặt đất trải một thảm sắc vàng để bước vào chiến dịch. Đấy là một cuộc đụng độ quân sự lớn giữa hai bên, một thử nghiệm tuyệt vời, mở đầu cho những diễn biến tiếp theo gay go và ác liệt hơn. Trong cuộc tấn công tiểu đoàn bảo an phe đối địch, đại đội thương vong gần hết. Ông cũng bị thương ở chân. Còn người bạn lính ở ụ pháo bên cạnh bị một quả mìn làm sát thương, cay xè đôi mắt… Dù máu chảy ướt đẫm ống quần nhưng ông vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đồng đội đánh chiếm được các căn cứ đối phương, lúc đấy ông mới đồng ý để được chuyển về hậu tuyến... Chuyện này ông từng kể trong những lần gặp mặt truyền thống. Nhưng có một điều, ông lại muốn đào sâu chôn chặt. Bởi ông nghĩ, nói ra cũng thế thôi. Hậu quả của nó đã tiềm tàng trong từng tế bào những người lính như ông, để có dịp lại phát tác, hủy hoại. Cái chất lỏng màu trắng sữa, hăng hắc ám ảnh một hôm bàng bạc cánh rừng. Lá rụng, cành khô. Đầy chết chóc.
Rồi trong chuyến trở về chiến trường xưa, ông rất vui khi gặp lại một số đồng đội, gặp lại những người dân địa phương. Những kỉ niệm làm lòng ông ngập tràn cảm xúc. Ông và cha Thạo đi thăm lại những cánh rừng phía dãy núi cao, nơi ấy giờ là một cánh rừng xanh tốt. Nơi ấy là một hang động. Nơi ấy là chiến tích một thời. Họ đứng dưới những tán cây xanh, nhìn những đỉnh núi cao, chạy dài. Ông nhặt một chiếc lá vàng nằm trên thảm lá đưa cho người bạn. Họ im lặng, xúc động. Đôi mắt người bạn chí cốt như thể động đậy, ứa ra vài giọt nước mắt. Bạn ông đang nhớ về một người con gái giao liên vụt qua đời như là định mệnh. Rồi họ đi tìm người con gái ấy. Mãi hơn mười năm sau mới lần ra manh mối. Nhưng cuộc đời lắm biến cố xảy ra. Tin tức về cô gái giao liên năm xưa chưa kịp mừng vui thì bạn ông đã nhận lấy hệ lụy đau đớn. Hai người đã có với nhau một đứa con trai từ mối tình thoáng qua. Nhưng ác thay, người phụ nữ đáng thương đã chết sau tháng ngày mòn mỏi sống và chờ đợi người yêu trong nếp nhà nhỏ dựng tạm bên rìa một thôn nhỏ. Cha con họ gặp nhau chưa tròn câu phụ tử thì oan nghiệt lại giáng xuống đời người cha. Bạn ông đã rời xa cõi tạm sau cơn sốt rét ác tính. Cậu con trai tên Thạo, một lần nữa bơ vơ. Còn ông, chân núi Vầu, nơi đôi chân một thời tuổi trẻ giẫm nát đã gọi ông đến, dựng nhà, sinh sống. Ông đến với núi rừng cảm giác như trở về với những gì yêu thương, bình yên nhất sau những mất mát, đớn đau mà số phận cố tình vùi dập. Chất độc âm thầm ngấm vào người khiến ông bao lần mê sảng. Có khi đang trưa bỗng rét run, mồm sùi bọt trắng. Ông gắng gượng mà sống. Tìm đủ phương thuốc để chữa trị. Rồi vì lời trăng trối cuối cùng của người bạn lính, ông đưa Thạo theo cùng, sớm hôm dựa vào nhau mà sống.
6. Một mùa đông nữa lại về. Cũng vì biến đổi khí hậu nên thời tiết thất thường và có phần khắc nghiệt hơn mọi năm. Đỉnh núi Vầu tuyết phủ trắng xóa. Mỗi ngày tuyết rơi càng dày thêm khiến cho rừng cây rụng hết lá, trơ cành xơ xác. Gió núi u u từ sáng sớm đến tàn khuya. Thôn Nước Lia bị bọc trong không gian đầy hơi lạnh và lúc nào cũng sũng nước. Mọi nhà dân đều đóng kín cửa. Những đống lửa le lói được nhen lên. Trâu bò già chịu lạnh không nổi, rống lên mấy tiếng rồi ngã quỵ. Con suối Cái nước đã đóng băng, cá nổi phơi bụng trắng ngập dòng chảy. Cỏ hai bên bờ ngả vàng hiu hắt. Ông Lộc cùng Thạo trùm kín người trong chiếc áo tơi dày. Họ bấm chân mà đi. Có đoạn trơn trượt, ngã dúi dụi. Mặc, hai người vẫn cố bước. Gió rét khiến mặt mày cả hai tái nhợt, răng va vào nhau lập cập.
- Con không đi nữa đâu cha!
Tiếng gọi "cha" đầy trìu mến phát ra từ miệng Thạo, rất rõ ràng và tự nhiên. Ông Lộc quay lại, nắm chặt tay Thạo, ra sức kéo:
- Mạnh mẽ lên con, chúng ta sống được là nhờ vào núi Vầu cả đấy!
- Nhưng con sợ...
Thạo bỏ lửng câu nói. Ông Lộc buông Thạo ra, xụi lơ hai cánh tay, ngửa mặt hướng về đỉnh núi đầy tuyết như dải khăn tang khổng lồ quấn quanh.
- Con về đi, mình cha đi cũng được!
Thạo mím chặt môi, nửa muốn lùi lại nửa muốn dấn bước. Ông Lộc bất ngờ nhìn xoáy vào mặt Thạo. Một luồng khí lạnh hơn cái lạnh của thời tiết bên ngoài vây lấy anh, khiến anh bồng bềnh trôi trong cảm giác không trọng lượng... Trong bóng tối của đáy mắt người đàn ông mà anh xem là cha, là nghĩa phụ, hình như có ánh chớp lóe lên sáng ngời từ cánh rừng nào đấy rất xa, rồi một chuỗi âm thanh trầm ấm quen thuộc, liên hồi và giục giã… Hình ảnh con mãnh thú gầm gừ qua kẽ răng khi rình mồi hay chống cự kẻ thù? Không phải, đấy là tiếng kêu thống thiết của loài thú tật nguyền khi trúng tên. Nó giương cặp mắt van xin, cầu cứu.
Có một sự thôi thúc mơ hồ đưa chân Thạo bước. Nhẹ tênh. Ông Lộc rủ rỉ bên tai anh về cuộc chiến ngày trước. Rằng cha Thạo là một chiến sĩ dũng cảm, hễ ngắm đúng mục tiêu thì bao giờ cũng hân hoan thu về chiến lợi phẩm. Ông Lộc nói nhiều lắm. Thạo cũng bất ngờ, không hiểu sao ai dồn sức cho ông già trên tám mươi mà đi khỏe thế. Cứ nghĩ lan man, đến đoạn suối sâu phải men theo lằn đá thì Thạo mới sực tỉnh. Cảnh núi rừng bao la mở ra trước mắt anh, vừa lạ lẫm vừa thân thuộc.
Tiếng động mạnh bất ngờ làm rung chuyển một vùng núi non rộng lớn. Thạo nép sát vào người ông Lộc, sợ sệt. Ông Lộc đẩy nhẹ người Thạo ra, răn đe:
- Chốn rừng này là của dân Nước Lia, chúng ta không sợ gì cả!
- Nhưng... - Thạo ấp úng.
- Đừng ảo giác... Hổ rừng này trước đây nhiều lắm nhưng nó chẳng làm hại ai bao giờ. Có chăng khi chốn sơn lâm bị phá hủy, buộc chúng phải trả thù.
Một tiếng gầm chói óc vang lên như minh chứng cho điều ông Lộc vừa nói là hiệu nghiệm. Bóng con hổ xám lướt vút qua, cỏ cây ngã rạp và tuyết trắng rơi tràn, phả khí lạnh vào mặt từng đợt...
Thạo run rẩy. Con thú không kiềm chế nổi cơn giận dữ, khát máu đã thôi thúc bản năng thành khối năng lượng khổng lồ bùng lên giết chết kẻ thù. Nó đang trên hành trình rượt đuổi...
- Đúng rồi, hệ lụy của lòng tham đã khiến thần núi Vầu nổi giận. - Ông Lộc đưa tay chỉ những vật liệu hư hỏng nằm khuất lấp dưới lớp cỏ dày và cây dại.
- Họ đã không khuất phục được lòng dân, chế ngự được sự sinh tồn của thiên nhiên. Họ đã thất bại. - Ông Lộc đắm chìm trong mớ suy tư hỗn độn về cái thời người ta muốn xẻ thịt núi Vầu. Chính ông đã kịch liệt phản đối. Bất chấp nguy hiểm, ông phải bảo vệ được vùng sinh thái phồn thịnh cho dân làng. Ông đi vào sâu trong núi. Hang động linh thiêng, nơi đồng đội của ông đã nằm xuống. Ông tự dệt nên những huyền tích liêu trai, những câu chuyện hoang đường ghê sợ để nhằm xua đuổi bọn người xấu xa, làm đủ mánh khóe để cướp đất rừng, trục lợi ngân sách nhà nước.
- Chuyện xe xúc múc toàn xương người và bị bùng cháy thì sao hả cha?
- Ngẫu nhiên thôi con, múc nhằm quả mìn sót lại thôi. Nhưng dựa vào đấy, người dân thổi vào đó sự linh thiêng...- Cha hay vào rừng những ngày mùng một?
- Thạo tiếp tục hỏi, vẻ tò mò.
- Cha đi thăm đồng đội. Những con người đã hy sinh anh dũng và nằm lại rải rác trên cánh rừng, hang động, bờ đá. Một nén nhang thắp lên sưởi ấm linh hồn họ con à!
- Dạ, thưa cha! Còn hiện tượng mưa từ núi Vầu luôn dữ dội và khắc nghiệt thì sao? - Thạo thắc mắc, lòng nhẹ nhõm ít nhiều. Rừng núi như mở rộng, thênh thang. Nhịp ngày đang trôi trên những cành cây đã giũ sạch tuyết trắng. Nắng hanh vàng rọi xuống, lấp lánh con đường mòn đưa lối hai con người trở về nhà.
- Có gì đâu, cây rừng bị tàn phá, vùng xanh bị thiêu rụi, không khí nóng lên... Mùa mưa tới, tấm chắn không còn, mưa từ phương xa dội về, cứ thế trút xuống đời người dân vô tội... Âu cũng là số kiếp!
Hai người về đến đầu thôn Nước Lia. Ngoảnh lại nhìn dãy núi Vầu, nơi những cụm cây bắt đầu nảy chồi đâm nhánh sau mùa đông lạnh giá. Rồi nếu có những cơn mưa thì nước cũng sẽ điều hòa mà rơi nhẹ xuống đồng đất, rẫy nương. Và từ các con suối nước sẽ từ từ dâng lên trôi ra sông về biển cả.
Thạo cố nhớ lại những chuyện đã xảy ra với mình. Cơn sốt rét vì dầm mưa nơi thâm u cùng cốc, vì chất độc quái ác ghim sâu trong từng mạch máu. Sức khỏe anh đuối dần cộng với việc lo nghĩ về đời sống vợ chồng, cố gắng lắm mà vẫn chưa có được mụn con. Cũng may vợ anh hiểu chuyện, thông cảm. Anh đã yên tâm phần nào khi vợ anh thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, để cùng chồng làm ăn, vun vén hạnh phúc là đủ rồi.
Một chuỗi cười vui vẻ vang lên. Những ký ức, tàn phai cũ vừa ập tới chồng chéo lên lập tức bị xóa vết. Thạo lâng lâng đứng trước sân nhà, ngước mắt nhìn lên đỉnh núi Vầu xanh thẫm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.