ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 24/06/2023 17:12

Truyện ngắn: Người quê | Lê Vạn Quỳnh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Người quê” của nhà văn Lê Vạn Quỳnh qua giọng đọc của Thuỳ Dung.

1. Đã hơn một năm nay tôi hay về quê, nguyên do là muốn sửa lại chỗ thờ cúng cha mẹ cho khang trang hơn và phần khác có âm mưu mà tôi đã nói nửa đùa nửa thật với mấy thằng bạn ở quê, lo sớm chỗ đất hậu sự, bởi nhiều dự án đang bung ra nuốt đất màu đất lúa thậm chí cả đất cồn mả, tuổi ngoài lục thập không nói cứng giữa trời đất được. Xe vừa dừng tại ngã ba đầu thị trấn, bước xuống tôi đã nhận ra thằng Hóm, bạn thời trẻ trâu. Mới thấy tôi lỉnh kỉnh túi cặp, Hóm đã la lên: "Dạo này chán đánh bắt xa bờ hay sao mà siêng về quê rứa ta?". Tôi cười, đáp: "Về để còn xếp hàng đợi lượt kiếm suất hai thước đất Cồn Rậm bên kia nổ lội chứ!". Bỗng nhiên tôi thấy mặt Hóm nhàu đi khi nghe nhắc tới nổ lội, cái nơi mà khúc sông con chảy cuối làng sắp bắt dòng vào sông Cái, nước ở đây có lúc dềnh lên tạo vực xoáy lại lắm khi cạn rặc để muốn vào cồn Rậm người ta chỉ việc xắn quần là lội qua. Hóm còn chưa kịp đối đáp cùng tôi thì có người hớt hải từ phía nổ lội chạy về la tướng lên: "Tay Săm cấm khẩu, mắt trợn như mắt lợn luộc rồi!". Hóm chẳng lấy gì làm ngạc nhiên mà còn nói mạt mỉa: "Lúc hắn qua đây, nhìn thoáng cái bản mặt tau biết răng hắn cũng toi, cấm khẩu là phúc tổ nhà hắn còn tí ngõng ấm vòi đấy!". Tôi bảo Hóm: "Sao cậu lại khoái tỉ như thế! Dù sao hắn cũng là người làng! Ta ra xem có giúp được gì không?". Hóm xua tay: "Đâu đến lượt! Đấy!". Quả đúng như lời Hóm, một chiếc Ford bảy chỗ màu ghi phóng bạt mạng rú còi inh ỏi như xe cứu hỏa lao vụt qua chỗ hai đứa chúng tôi đứng. Hóm coi như không biết có chuyện đó và rủ tôi về nhà. Không chờ tôi phản ứng, Hóm xách giúp tôi cái túi nặng nhất, cắm cúi bước đi. Tôi đành phải cun cút theo hắn trong khi đường làng vẫn có nhiều người nhớn nhác hỏi han bàn luận chuyện tay Săm bị cấm khẩu.

2. Thằng Hóm thật may khi được ăn quả thừa tự ngôi nhà gỗ năm gian lợp cọ do cha ông để lại; hồi còn học ở quê, bọn tôi luôn kéo đến đó trú nắng và tán gẫu kiểu ta đây ở cái tuổi gà trống mới bắt đầu nghênh mào, te te học gáy. Nay, ngôi nhà được thay bằng ngói ta mới khựa và Hóm chép miệng bảo, đó là chiều ý trưởng thôn để làng sớm được công nhận ngói hóa toàn tòng, chứ khoản chống nóng thì thua đứt cái anh mái cọ. Chép miệng kêu cái bẹp rồi Hóm bình thêm, cái mẽ ngoài của làng giải quyết được sở mỗ gì khi lũ trai mới nứt mắt ra đã siêng ăn nhác làm, phóng xe như kẻ phát rồ, cái quần còn mới tinh mà gối mà gấu đã mài cho rách bươm, vai ngực thì chúng toàn xăm những hình quái quỉ; con gái, con đứa đang tuổi hơ hớ mà quần đùi ngắn đến bẹn, áo hai dây đặt hờ cuối mép vai làm mồi cho gió, tóc nhuộm đỏ như tôm luộc, chỉ tổ bôi mỡ cho kiến bò! Tất cả mấy thứ nhăng nhít đó là do thằng Săm mang về… Tôi ngắt lời Hóm: "Cậu cố chấp rồi, cái thứ cậu vừa bảo là nhăng nhít giờ làng nào cũng có, chứ đâu riêng ở làng Bãi này". Hóm cự ngay: "Ở làng mô tau không biết, chứ mắt tau thấy từ hồi thằng Săm mang hơn chục đứa trai gái làng ni đi bưng bê quán ô kê o cò cho hắn thì mấy trò nhăng nhít rộ hẳn lên, lây mau như cỏ ngú gặp đất màu, không ngăn được"

Săm là con trai lão Sắm. Từ ngày làng Bãi lên thị trấn, cánh đồng Bồi bao gồm cửa sông Cái, ngã ba Vòng cùng bãi bồi ven sông được quy hợp thành khu dịch vụ công nghiệp. Vài trăm mẫu ruộng màu, ruộng lúa bị xe ủi cày xới tanh bành, hàng hàng những cau những dừa bên đường cái quan bị chặt trụi và thay vào đó là những bãi cát đổ cao ngất ngưởng như gò như đồi, rồi nhà xưởng, quán nhậu, phòng karaoke, hiệu ảnh viện, salon thời trang tóc… mọc lên. Dân làng Bãi mà nay được phiên thành dân đô thị đang lác mắt vì tay Săm kéo quân về làm sáng danh họ Nguyễn Phúc nhà hắn. Bây chừ có người trong làng gọi bố của Săm là cụ Sắm, bọn họ còn phong cả một quí danh dài dặc gắn với đẳng cấp của con trai: cụ thân sinh đại gia Nguyễn Phúc Săm... Tuy vậy cũng có người nói giọng chì chiết, cho đó là thứ trọc phú hoạnh phát vì mới ngày nào nhà lão quanh năm khoai sắn không đủ lửng bụng, chỉ thiếu chưa phải đi ăn mày. Chì chiết là vậy nhưng người làng cũng không khỏi ngạc nhiên khi con trai lão Sắm lại giầu bốc lên. Có lẽ mả tổ nhà lão có bùa ngải kết. Nhưng ông Hó là thày cúng biết coi tướng số, từ ngày Săm nổi đình đám hay kể, nhìn Săm hồi nhỏ, ông từng bảo thằng bé có phúc lộc quí nhân phò trợ, nó lại cầm tinh con Mèo nên chỉ cần ăn vụng cũng đủ no bụng cả đời.

Săm trạc tuổi tôi và Hóm, hồi cấp II đều là học trò thầy giáo Đô; khi bọn tôi lên lớp bảy thì Diệu con gái út của thầy vào lớp năm. Có đêm trường diễn văn nghệ sang khuya, Hóm đưa Diệu về tận ngõ mà không dám vào nhà chào thầy. Săm thì khác. Hắn khôn trước tuổi mặt lúc nào cũng hơn hớn đón chuyện với cái cổ vươn vướn như cổ gà chọi. Không rõ học ai, trước lúc khám bộ đội, Săm uống café thật đặc, bác sỹ quân y thấy tim đập nhanh, chập chờn như có tiếng thổi, huyết áp tăng cao liền loại; hắn còn có phương án hai là nuốt giấy pô luya xé vụn vào bụng phòng khi người ta có chiếu điện quang thì dạ dày có dấu hiệu thủng lỗ chỗ nhưng phương án này chưa bao giờ bị khám tuyển đụng đến. Ít lâu sau, hắn lọt được vào tầm ngắm kén chồng cho cô gái chân đi chấm phẩy con ông phó Ty Thương nghiệp. Rồi thêm vận may vài lần cơ cấu, Săm nghiễm nhiên thành Cửa hàng trưởng lương thực cạnh sông Bưởi, nước sâu trong vắt, hai bờ rợp bóng tre ngà. Cửa hàng lương thực sơ tán thời chiến chỉ có chục gian nhà tre trát vôi cát lợp cọ cho nhân viên tá túc; nhà kho xây bằng gạch cốm, lợp ngói ta; sân kho khá rộng để xe tải có thể ra vào. Cán bộ, công nhân viên độ ba chục, phân nửa coi giữ, thu mua hoặc phân phối sắn gạo. Mọi sửa sang, xây mới nhà cửa đều bằng tiền nhà nước nên thủ trưởng canh ty cùng kế toán kiếm tiền cục tiền vặt là chuyện Săm đã đi trước thiên hạ.

Là người biết cách cho mọi sự trở nên bóng nhẫy, Săm có máu hát hò lại dẻo mỏ cười nói. Thứ bảy hằng tuần thủ trưởng tập trung cơ quan, sơ kết công việc tuần qua, cuối buổi phổ biến việc tuần tới; tối, chi tiền đời sống mỗi nhân viên có tấm vé một hào đi tập thể ra bãi xem phim chiến đấu màn ảnh rộng. Sáng thứ hai, Săm trực tiếp đọc báo tin chiến sự trong Nam, ngoài Bắc. Thỉnh thoảng thủ trưởng chuyển giọng và không quên đáo nhìn dãy ghế cuối phòng họp, nơi đó có Diệu người cùng làng con thầy học cũ. Săm nhận thấy, cứ mỗi lần nghe ta thắng trận, mắt cô nàng lại ánh lên, lọn tóc đen dài vòng ra trước cổ, tôn thêm nước da trắng nơi bờ vai. Diệu đẹp. Một vẻ đẹp buồn. Người làng Bãi đồn rằng Diệu và Hóm yêu nhau; nhà hai đứa chưa kịp qua lại thì Hóm nhập ngũ vào mặt trận phía Nam.

Săm chạy các cửa xin cho cơ quan được xây ngôi nhà năm gian, phân cho mỗi nhân viên bộ phận hành chính một phòng. Diệu được phân gian đầu hồi gần bờ hoa dâm bụt, kề bên là phòng họp chỉ có bóng người ban ngày, tiếp đến phòng thủ trưởng, hai phòng còn lại cạnh giếng nước được phân cho hai cán bộ hay bị cử đi tìm nguồn tại cơ sở. Hóm đã có lần kể với tôi, cái nhà năm gian đó là Săm âm mưu giăng mắc lưới tơ tình. Sau lễ nhập trạch, nhân viên nhận phòng ở được chừng vài tháng là bắt đầu vào chính hè, Săm phát động phong trào học bơi dạy bơi trong cơ quan để anh chị em tăng cường sức khỏe và có thêm cơ hội kết đoàn. Hắn chủ động dạy bơi cho vài người làm mẫu, đến lượt Diệu được thủ trưởng dạy bài bản thì cô tự nhoài người bơi lẹ ra giữa sông, động tác mềm mại uốn lượn chẳng khác gì dáng nàng tiên cá. Săm hớn hở bơi theo cô trước con mắt ngạc nhiên, ngưỡng phục của cả đám nhân viên. Hắn bơi đến gần chỗ Diệu thì bỗng cô bất ngờ chìm nghỉm. Mọi người tri hô, hai người đàn ông thuộc diện bơi giỏi lao ra hợp sức với Săm tìm kiếm Diệu. Đang khi ấy thì Diệu bất ngờ nổi lên gần bờ chỗ mấy chị em đang đợi học bơi. Từ bữa đó, cả cơ quan và thủ trưởng Săm có vẻ nể Diệu. Họp sơ kết cuối tuần, Săm dõng dẽo cười tươi tuyên bố Diệu đáng mặt là con cá kình trên sông Bưởi. Và cũng từ đó, mỗi bận tắm táp cùng đám nhân viên, Săm hay bơi ra thật xa, tay vẫy Diệu nhưng cô nàng chỉ cười trừ. Một lần, trời đã bắt đầu sâm sẩm bỗng dưng mọi người thấy Săm đang sải tay bơi thì cái đầu chấp chới rồi chìm hút. Lúc đầu ai cũng tưởng thủ trưởng trổ tài kiểu cô Diệu hôm trước để giải quyết khâu oai nhưng hơn phút trôi qua không thấy bóng Săm, những người biết bơi và cả Diệu nữa đều bơi bổ ra chỗ Săm, ngụp, mò. May sao có mấy bè luồng vừa xuôi đến, nghe tiếng kêu cứu, người trên bè lao vội xuống sông mò tìm thì kéo được Săm khi đó đang bị chuột rút co quắp tận đáy sông. Lên được bờ thì mũi và miệng Săm ngập ngụa những bùn là bùn ; hắn đã hết thở, người tím tái, tai có máu rỉ ra. Đám nhân viên nữ mặt nhợt như lá dong còn Diệu phải vịn vào cây phi lao cạnh bến mới khỏi ngã. Mấy người đàn ông còn vững trí nhấc chân kéo tay dốc ngược đầu cho nước và bùn, và cả rãi nhớt từ trong Săm ộc ra. Rồi họ cứ thế cõng Săm đi cấp cứu. Buổi tối hôm đó có đến mấy lần tin đồn, lúc thì bảo Săm đã tỉnh, thở được nhưng cấm khẩu, chắc chỉ đêm là đi hẳn... Cán bộ công đoàn vội lục hồ sơ tìm lí lịch để lên kế hoạch tang lễ hậu sự.

Cũng đêm hôm đó, không hiểu sao Diệu lại đột ngột về quê trên cái xe máy k3 cà tàng, khi qua đoạn đường gần Cồn Rậm thì bất ngờ cả xe lẫn người văng xuống nổ lội có vực xoáy chết đuối. Diệu đi một mình nên không ai rõ cơ sự. Người ta đoán già đoán non và đồn thổi thành chuyện ở làng Bãi. Có người quả quyết cô đã bị thằng Săm rủ rê bậy bạ, có chửa nên khi nghe tin hắn chết nghĩ bí liều mạng.

Nhưng Săm không chết như tin đồn. Lên viện đông y thầy thuốc châm cứu một tuần là môi mỏ hắn lại giảo hoạt như trước. Ngày Hóm phục viên nghe lời đồn đại chẳng muốn tin miệng thế gian nhưng lòng đắng ngắt, như một sự lỡ làng cay độc nên phải bảy tám năm sau mới lấy vợ.

3. Vợ Hóm đi làm về thấy tôi và Hóm thì vội sà vào báo tin mới, thằng Săm phải chuyển đi Hà Nội rồi, không khéo hắn sẽ đi trước lão Sắm. Nội tình nhà đó giờ rối như canh hẹ. Vợ Hóm thao thao rành rẽ, nào gần đây lão Sắm cứ ốm lên ốm xuống, lúc tỉnh lúc mê như bị ma ám; nào Săm đã về quê mấy lần tính chuyện hậu sự. Hắn đưa ra phương án bắc cầu xi măng kiên cố nối hai bên nổ lội cho xe năm tấn có thể qua; làng mừng nhưng lo sức đóng góp không nổi. Hắn bảo sẽ công đức toàn bộ kinh phí cỡ vài trăm triệu. Người già trong làng đều hiểu Săm làm cầu là để đám tang bố hắn không phải võng qua nổ lội, dân làng sẽ phải chịu ơn, cái cầu sẽ mang tên hắn và làng sẽ chấm dứt cảnh cứ mỗi lần có người chết, xe tang chở linh cữu vào nghĩa địa Cồn Rậm khi qua nổ lội thì phải dừng ; đám phu khiêng cùng người trung tuổi mở dây néo, tháo đòn khiêng, trai tráng tay đỡ tay nâng, bàn chân khẽ khàng bíu chặt vào đám bùn nhão, nước ngập sát háng mà cứ phải nhích từng tí một. Thực ra, việc xây cầu qua nổ lội vào nghĩa địa là chuyện nhỏ. Làng có trên sáu trăm đinh, mỗi suất chỉ cần bỏ ra trăm bạc, bỏ sức ba bốn chục công, sẽ ngon lành ngay. Nhưng vì chuyện sinh sự phân bì hơn thiệt giữa suất đinh có cha mẹ lấp ló miệng lỗ với suất cha mẹ còn đang trường sức đầu đội vai gánh mà chuyện đóng góp không thành. Vậy nên khi Săm tuyên bố công đức cho việc xây cầu, làng như trút được gánh nặng thế kỷ trên vai. Tiếc cái, niềm vui đó rộ lên không được mấy bữa thì lại có chuyện. Săm không lấy tiền từ túi mình mà hắn sai thằng Tháu xóm Chùa thâu thêm tiền đóng luật của mấy đứa lô đề cho vay nợ lãi, đám bảo kê nặn bóp dân hàng chợ nhưng khủng nhất phải là rút ruột bọn mua đi bán lại các dự án gom đất ruộng một sào năm, sáu chục triệu thành khuôn viên biệt thự dăm sáu tỷ … Có đứa bị ép bóc quá cay đắng rủa Săm  như cá trê đói, lên chùa cầu cho cả cái làng Bãi bị ôn dịch quật chết hết để bọn họ được nhờ. Cũng chưa biết chừng cái việc dùng tiền với vỏ ngoài công đức lại được Săm phù phép bằng tiền nhà nước sau đó bỏ túi cũng nên. Nghe thế, dân làng Bãi, nhất là Hóm, tức điên. Hóm xin các cụ đứng đầu mỗi chi của từng dòng họ trong làng họp khẩn và nhất trí chấm dứt ngay cái thứ công đức trời bêu đó. Săm cáu. Không những vẫn bắt đàn em phải xong nghĩa vụ mà hắn còn tìm cách đẩy nhanh tiến độ xây cầu. Sáng nay cùng lúc tôi đụng phải thằng Hóm nơi đầu làng cũng chính là lúc Săm về thực địa lần nữa thì tái phát cấm khẩu phải cấp cứu.

Nghĩa tử nghĩa tận, biết lão Sắm gần đất xa trời, cơm nước ở nhà Hóm xong, tôi liền đến thăm. Nhà lão đã chớm khung cảnh tang gia. Tôi đặt cân đường hộp sữa cạnh giường lão, khẽ gọi: "Cụ ơi, cháu là Quyền, con ông Hành đến thăm cụ đây ạ!". Lão Sắm không máy tai sau câu nói của tôi. Có lẽ lão đang lịm đi như đèn hết dầu. Bỗng tôi thấy lão Sắm mặt quay vào vách tường vẻ như đang lịm đi lại đột nhiên nghiêng người, chống tay ngồi dậy thều thào nói: "Đến rồi!". Lão vừa nói xong thì ông Hó đã dựng cái xe đạp ở mé sân. Lão Sắm nhắc lại: "Đến rồi, có thế chứ!". Ông Hó nói câu chiếu lệ: "Ổn rồi! Thần sắc cụ bửng lên rồi đó!". Ông còn cầm và nắn tay lão Sắm như thầy lang xem mạch. Lão mệt mỏi thều thào hỏi ông Hó: "Mệnh thằng Săm ra răng, thầy Hó? Có chi thầy cứ hai năm rõ mười để có nhắm mắt tôi cũng không bứt rứt". Thầy Hó bấm đốt tay tính càn khôn ất giáp một hồi rồi nói rõ rành từng lời với lão: "Con trai  cụ trời còn độ cho ít nhất là hai con giáp nữa, cụ cứ yên tâm dưỡng bệnh, trong ngoài mươi bữa nữa anh Phúc Săm sẽ ra viện thôi".

Bỗng có tiếng phụ nữ bật khóc rống lên ở ngoài sân và liền đó cái bà vừa khóc là em út lão Sắm lao vào nhà gào lên: "Anh ơi, các cháu ơi, thằng Săm nguy rồi, vợ hắn vừa điện. Ối trời ơi, cháu nói biếu tôi cỗ ván hậu sự vàng tâm, chừ như rứa, tôi kêu ai? Săm ơi là Săm ơi!". Tin dữ bà em vừa báo khiến lão Sắm đổ vật xuống. Cấp cứu không vực được, thầy Hó lại tính ất giáp càn khôn, phán rằng đầu giờ thân ngày kia, tức là ba giờ đưa cụ để được giờ tốt.

Đám ma cụ Sắm, trái với dự tính của Nguyễn Phúc Săm, chả có cái xe con nào, chỉ có người làng đi đưa nhưng cũng đông, cũng đầy buồn đau tiếc nuối vì dân làng Bãi xưa nay sống ân nghĩa tương giao. Vong cụ Sắm lại may mắn là vong đầu tiên đi một mạch từ làng ra nghĩa địa Cồn Rậm bằng xe tang. Số là, ngay đêm cụ mất, Hóm đã kêu tất cả hai bốn đứa sinh năm Tân Mão trong làng đóng góp được mười hai triệu sáu trăm ngàn đủ để mua ba ống cống bê tông đạt chất lượng i zô-2016 trên tỉnh; đường kính mỗi ống độ thước mốt dài hai thước rưỡi, đem đặt ngang nơi nổ lội rồi rải đá dăm. Mãi đến tối ngày trước khi đưa đám cụ thì mới xong cây cầu tạm. Sau đó một ngày linh cữu thằng Săm con trai cụ Sắm cũng đi một mạch ra nghĩa địa Cồn Rậm qua cây cầu đó, cũng có đông người làng với nhang khói cùng cái cúi đầu vĩnh biệt của tình làng nghĩa xóm

4. Dịp thanh minh, tôi về quê từ mửng sáng và ra thẳng nghĩa địa Cồn Rậm; thật ngạc nhiên vì từ xa đã thấy cây cầu tạm ngày trước nay thành cây cầu mới khang trang. Lại gần thì gặp ngay thằng Hóm đang cầm cây hương cùng bó huệ trắng vái dài về hướng vực xoáy nổ lội; sau đó hắn thả hương hoa xuống nước rồi dán mắt vào bó hoa cuốn cuốn vào chỗ xoáy. Tôi hiểu, Hóm vừa làm việc tâm linh cho âm hồn Diệu. Cầm tay hắn tôi trách, sao không báo chuyện đã xây cây cầu mới qua nổ lội. Hắn bảo, cậu đã công đức lần trước rồi, khỏi phiền. Việc xây cầu cũng đơn giản thôi, hắn đã thuận ý các cụ gửi tâm thư kêu gọi con cháu trong làng đỗ đạt thành tâm công đức. Tiền về cũng kha khá. Để đồng tiền không sinh ra sự... bạc, một ban quản lý được lập để điều hành và giám sát xây cầu. Cây cầu mới được hoàn thiện khá nhanh với bốn trụ áp vào hai đầu lan can chạy chỉ trắng, phần huỳnh ra sơn màu vàng, ba ống cống đặt từ trước vẫn được giữ nguyên vì chúng là thứ nồi đồng cối đá; cầu đẹp và vững chả khác gì cầu nơi phường phố.

Tôi vái ba vái xuống hướng vực xoáy nơi nổ lội rồi cùng Hóm đi vào nghĩa địa Cồn Rậm. Khi qua hai ngôi mộ mới xanh màu cỏ ngú vừa kịp bén rễ để vào phía trong, Hóm dừng tôi lại cúi đầu thở dài, nói: "Mới biết sống ở đời là khó!"

Người đến tảo mộ bắt đầu đông. Xe máy xe đạp, ô tô nhiều, nhiều lắm. Hương hoa đồ lễ bời bời như núi như non... Cũng là người làng nhưng trong tiết thanh minh, tôi thấy họ thân thiết với nhau hơn, thiện tâm và hiền hiếu hơn./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận