Truyện ngắn "Nguyên mẫu" | Đào Hữu Phương | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Nguyên mẫu” của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc Huyền Linh.
Cường đặt từng bước ngắn trên mặt đường vừa được thảm nhựa. Từ ngày phải nghỉ việc, mỗi lúc buồn hoặc có tâm sự gì Cường đều tìm đến quán lão Trần. Lão Trần sống độc thân trong hai gian nhà cấp bốn ở đầu làng. Thu nhập chủ yếu dựa vào cái quán nước. Lão rất ít đi khỏi nhà, nhưng nhờ có cái Laptop cũ mua lại với giá rẻ, chuyện gì lão cũng biết. Cường vào quán lúc lão đang lúi húi sắp xếp lại mấy thứ trên bàn. Thấy Cường, lão ngẩng lên, hỏi: Có chuyện gì mà trông thiểu não thế? Hôm nay không đi làm à? Cường kéo ghế ngồi, giọng chán chường. Đổ trần tầng một xong rồi. Hai tuần nữa mới làm tiếp. Lão Trần pha ấm trà mới, rót ra hai chén. Uống đi cho nóng! Lão giục Cường rồi cũng nâng chén của mình lên chiêu một ngụm. Cái trường hợp của chú mày, đang từ một công chức xã, lương tháng vài triệu, ngày hai buổi áo quần lúc nào cũng tươm tất, giờ theo mấy tay chủ thầu xây dựng đi phụ hồ nghe chừng cũng khó hòa nhập, đó là chưa kể sức chú biết rồi có kham nổi công việc nặng nhọc này lâu dài không. Anh có ý kiến thế này, hay là chú mày tập trung vào việc viết lách đi. Mấy năm tu nghiệp ở Trường Viết văn Nguyễn Du, giờ về sống giữa một vùng quê đầy biến động, không viết được tiểu thuyết thì cũng thành một cây bút truyện ngắn xuất sắc chứ! Nhiều nhà văn học ở trường ấy giờ họ chẳng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học cả rồi đấy ư? Cường phì cười, suýt sặc khi nghe lão Trần thao thao như nước dội mái tôn. Đặt vội li trà xuống, Cường xua tay nói. Anh! Có phải ai học qua ngôi trường ấy đều thành thiên tài cả đâu. Lớp nhà văn mà anh nói khi nhập học nhiều người thậm chí còn chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3, nhưng gia tài văn chương của họ lúc ấy đã rất nhiều tác phẩm nổi tiếng rồi. Đến lứa bọn em, cả khóa chỉ vài người có truyện ngắn hoặc thơ được in ở những tờ báo không mấy tên tuổi. Khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng đi xin việc chẳng nơi nào nhận vì người ta chỉ tuyển những người có nghiệp vụ chuyên sâu về nghề báo. Bạn bè em hầu hết đều chịu cảnh thất nghiệp hoặc chấp nhận làm những công việc trái nghành, trái nghề. Đứa nào may mắn lắm, có chú, bác đang làm việc mới xin được một xuất biên chế ở Đài truyền thanh huyện. Riêng em phải chấp nhận về quê làm một công chức quèn ở Đài truyền thanh xã, vừa lo viết tin bài, vừa phải dậy sớm từ bốn, năm giờ sáng để làm công việc của một phát thanh viên. Rồi còn bao nhiêu việc không đâu. Nào soạn thảo báo cáo cho các đoàn thể, nào hỗ trợ mấy tay thú y đi tiêm phòng dại cho đàn chó. Tưởng như thế đã là quá nhếch nhác, quá thiệt thòi nhưng bây giờ lại bị đẩy ra rìa vì hai xã tháp làm một, biên chế thừa ra. Xét về bằng cấp, cái bằng của em mới xem qua có vẻ oai hơn cái bằng Trung cấp học ở Trường đào tạo Phát thanh, Truyền hình tỉnh của cô Linh xã bạn, nhưng người ta chọn cô ấy vì nó đáp ứng các tiêu chí của công việc làm báo…Thôi, mọi sự giờ đã an bài. Đừng nhắc đến nữa anh. Lão Trần phảy tay. Chú như vậy là rất thiếu ý chí! Không lẽ kiến thức mấy năm học ở trường ốc lại bỏ đi à? Phải đem nó ra mà sử dụng chứ! Anh thấy nhiều người học hành có ra gì đâu, nhưng người ta vẫn viết được những thiên truyện ngắn, những bài thơ, tuy không hay lắm nhưng vẫn được in, vẫn có nhuận bút đấy thôi. Họ tuy ít học, nhưng viết được là nhờ có năng khiếu. Năng khiếu là thứ trời cho. Nó quyết định đến năm sáu mươi phần trăm công việc sáng tác. Ngoài ra còn vốn sống nữa. Nhà văn cần phải đi nhiều, biết nhiều…Vốn sống? Mắt lão Trần sáng lên. Ý chú mày muốn nói đến thực tế đời sống mà người viết phản ánh trong tác phẩm, đúng không? Cần gì phải đi đâu xa, vùng quê mình có bao nhiêu chuyện đáng viết. Chỉ cần có kỹ thuật để kết nối và kể lại những câu chuyện ấy. Mà những kiến thức đó thì nhà trường chẳng đã trang bị cho chú từ A đến Z rồi ư? Nhưng có phải nghe chuyện gì, thấy chuyện gì cũng viết được đâu. Cường lắc đầu. Văn chương tuy là được quyền hư cấu nhưng ít nhiều cũng phải dựa vào nguyên mẫu, nhất là những người mới cầm bút như em. Tác phẩm in ra sẽ rất khó tránh những chuyện phiền phức khi đụng chạm đến người này người khác, đặc biệt là với những người đang nắm giữ trọng trách trong bộ máy công quyền hay một thế lực kiểu xã hội đen nào đó…Lão Trần gật gù khi nghe Cường trải lòng rồi nói. Ừ! Đúng là cũng khó thật đấy. Nhưng anh có ý này, chú tham khảo xem có vận dụng được không…Là ý gì vậy anh? Cường ngước nhìn lão Trần, hai mắt sáng lên, chờ đợi. Lão Trần nhấp thêm một ngụm trà, thong thả nói. Anh biết một nhà văn. Ông ấy sống ở thành phố nhưng lại có nhiều tác phẩm hay viết về nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm ông ấy về quê vài lần và cũng có chừng ấy lần đón khách ở quê lên, ai cũng được ông ấy lưu lại ít nhất một đêm để hàn huyên, tâm sự. Những gì ông ấy viết ra đều từ những chuyến thăm quê và nghe chuyện của những người từ quê lên chơi kể lại. Đọc tác phẩm của ông ấy rất dễ nhận ra bức tranh toàn cảnh một vùng quê có mối quan hệ họ hàng phức tạp, những âm mưu, thủ đoạn trong tranh chấp quyền lực, những trò tinh quái của lãnh đạo địa phương khi bắt tay với các đại gia bất động sản lập dự án để thu hồi đất của nông dân với giá rẻ mạt rồi chia lô, bán nền với giá cao ngất ngưỡng ngay trước mũi họ…Em hiểu anh muốn nói gì rồi! Cường thất vọng ngắt lời chủ quán. Nhưng anh ơi, trường hợp của em làm sao có thể đem so sánh với nhà văn ấy được. Ông ấy là người viết chuyên nghiệp, là công chức Nhà nước, sống ở thành phố, có chuyện gì đều đã được các cơ quan pháp luật bảo vệ. Chứ em sống ở đây, vợ con em sống ở đây, làm sao tránh được sự trù dập, trả thù …Lão Trần khoát tay. Vậy nên anh muốn chú mày thử làm ngược lại…Làm ngược lại! Anh nói rõ hơn em xem nào? Nghĩa là chú mày nên lên thành phố tìm hiểu. À, không phải tìm hiểu mà là thâm nhập thức tế để tìm nguyên mẫu, lấy tư liệu và cảm hứng mà sáng tác…Anh nghĩ em là thằng thần kinh à? Lên thành phố để tìm nguyên mẫu? Có điên không? Bĩnh tĩnh nào! Lão Trần vẫn thủng thẳng. Anh đã nói hết đâu. Chú nên lên thành phố một chuyến, tìm đến nhà một doanh nhân có gốc là người làng mình mà bây giờ là công dân thành phố chính hiệu và chắc chắn phải rất giàu…Là ai vậy anh? Ông Thanh! Lúc ông ấy bỏ làng đi chú mày còn chưa tìm được nơi đầu thai…Lâu thế rồi kia à? Mà vì sao ông ấy phải bỏ làng ra đi? Em nghe nói thời hợp tác xã người ta quản lý lao động chặt chẽ lắm kia mà? Có chuyện ấy! Nhưng không phải vì thế mà không đi được. Vấn đề là nguyên nhân dẫn đến việc ông ấy phải bỏ làng ra đi…Anh nói cụ thể đi! Cường tỏ ra sốt ruột và vì cũng bắt đầu thấy tò mò. Vì sao ông ấy phải bỏ làng lên thành phố? Chưa phải thành phố mà là lúc ấy chỉ là thị xã. Chuyện này có liên quan đến bố anh. Hồi ấy bố anh là phó bí thư chi bộ kiêm chủ nhiệm hợp tác xã. Đó là thời kỳ hợp tác xã làm ăn be bét nhất. Xã viên rất nhiều hộ dính nợ hợp tác xã mà không trả được. Chi bộ họp ra quyết nghị phải thu nợ bằng mọi giá. Ban quản trị hợp tác xã thành lập đoàn thu đến từng nhà kê biên, thu giữ tất cả những gì có thể thu được đem về kho. Ông Thanh lúc ấy mới hai mươi tuổi, là đảng viên vừa được kết nạp nhưng đang trong thời kỳ dự bị được phân công làm tổ trưởng một tổ thu. Ông tỏ ra không mấy hào hứng với công việc này. Trong lúc các tổ khác làm rất tốt nhiệm vụ được giao thì tổ của ông ấy chỉ thu được một cái phích Rạng Đông cũ. Đã thế khi về đến trụ sở hợp tác xã, đáng lẽ làm thủ tục nhập kho thì ông ấy lại tự động xách cái phích đến nhà xã viên nọ trả lại. Bố anh bực lắm, giận dữ hỏi: "Tại sao đồng chí lại làm như thế?" Ông ấy thản nhiên trả lời: "Tôi không thể làm khác được. Con bà ấy đang ốm. Cả nhà có cái phích để đựng nước nóng, mình thu mất người ta lấy gì dùng lúc đêm hôm!" Bố anh nói: "Vậy đồng chí cố tình chống lại nghị quyết của chi bộ à?" Ông ấy cũng trả lời với một thái độ rất thẳng thắn: "Tôi không chống lại nghị quyết. Nhưng tôi thấy việc chúng ta đang làm rất thiếu nhân tâm!" Bố anh nóng mặt, đập bàn quát: "Đồng chí…à, anh, anh đã cố tình chống lại nghị quyết của chi bộ. Nhân danh bí thư, tôi tuyên bố xóa tên anh khỏi danh sách đảng viên dự bị. Kể từ giờ phút này anh cũng không còn là thành viên của đoàn thu nợ nữa." Ông Thanh đứng dậy phủi áo ra về. Về nhà chưa được bao lâu thì anh trai ông ấy đạp xe về, hùng hổ lao vào túm áo ngực em quát: "Thanh! Mày vừa làm cái trò gì thế? Mày mới là đảng viên dự bị mà lại làm trái nghị quyết của chi bộ. Vậy là bao nhiêu công lao phấn đấu bây giờ đổ sông đổ bể hết rồi! Cút! Đi khỏi nhà tao ngay!" Ông Thanh không cãi lại anh trai nửa lời, lặng lẽ thu xếp quần áo, rồi lặng lẽ đi khỏi làng…Ông ấy đi đâu, làm gì nhiều chục năm sau cả làng không ai biết. Tháng trước, khi xem một phóng sự của đài truyền hình tỉnh anh tình cờ nhận ra ông ấy trong cương vị một doanh nhân thành đạt của thành phố. Anh có ghi lại địa chỉ khu phố nơi ông ấy ở. Chỉ tiếc là không biết số nhà. Anh nghĩ chú nên xuống chỗ ông Thanh một chuyến, biết đâu khi về lại viết được một cái truyện ngắn hay…Em hiểu ý anh rồi! Cường tỏ ta thất vọng. Nhưng anh bảo em đường đột đến gặp ông Thanh với tư cách gì? Con trai một người đã kỷ luật và đẩy ông ấy ra khỏi làng ư? Đừng ngại chuyện ấy! Lão Trần vỗ vai Cường. Cứ đàng hoàng tự giới thiệu là con trai bí thư chi bộ muốn gặp ông ấy để thay mặt người quá cố nói một lời xin lỗi. Chắc chắn ông ấy sẽ trút hết ấm ức lên đầu cậu, sẽ tung ra những lời miệt thị anh ruột và đám người hèn kém ở cái làng quê nghèo khó của mình…Chú phải nghĩ cách kích động như kiểu đổ thêm dầu vào lửa cho ông ấy chửi bới thật hả hê rồi bí mật mở điện thoại ghi lại sau này mà sử dụng…Cường đưa cả hai tay lên đầu, lạy lão Trần liền ba lạy. Bái phục! Bái phục! Nói vậy nhưng trong thâm tâm Cường lại nghĩ: " Không ngờ anh cũng tinh quái thật đấy! Nhưng thật lòng tôi phải rất cảm ơn anh vì đã cho tôi biết việc làm này của bố tôi."
Cường tìm được khu phố lão Trần nói không mấy khó khăn. Một con đường thảm nhựa chạy thẳng giữa hai dãy nhà có kiểu dáng khá hiện đại. Khác với những con phố ồn ào Cường vừa đi qua, không khí ở đây thật yên tĩnh. Cường rẽ vào một quán nước, gọi lon Coca Cola uống. Chủ quán nhìn Cường, hỏi: Hình như cậu muốn tìm nhà ai? Cường thật thà đáp: Cháu muốn tìm một người quen nhưng không biết số nhà. Cậu có thể cho tôi biết tên người ấy không? Chú ấy lúc ở làng có tên là Thanh…Ông Thanh làng Bùi, phải không? Cường mừng quá. Phải ạ! Bác biết chú ấy? Ông ấy là ân nhân của cư dân cả khu phố mới vùng ven đô này đấy. Anh không phải đi tìm nữa. Nhà ông ấy kia rồi! Chủ quán vừa nói vừa chỉ sang ngôi biệt thự bên kia đường. Hôm nay ông ấy đi thăm và tặng quà các cháu học sinh một trường Mẫu giáo trong thành phố, chắc cũng sắp về rồi. Một chiếc Toyota bất ngờ lao tới, đậu trước cổng ngôi biệt thự. Ông ấy về rồi! Chủ quán bảo Cường rồi đứng dậy, lên tiếng khi chủ nhân chiếc Toyota vừa mở cửa bước ra. Ông Thanh! Ông có khách trên quê xuống thăm này. Cường bỗng thấy hồi hộp khi sắp phải tiếp cận người đồng hương mà anh đang mong được gặp. Chưa kịp ra dắt xe thì chủ nhân chiếc Toyota đã sang đường. Cháu chào chú! Cường chủ động lên tiếng trước. Cậu…cậu là…Ông Thanh tỏ ra ngỡ ngàng. Cháu là Cường. Cháu từ làng Bùi xuống. Cháu muốn tìm chú để hỏi mấy việc. Thế à? Ông Thanh mừng ra mặt. Vậy sang nhà tôi đi! Ông nói lời cảm ơn chủ quán rồi cùng Cường qua đường. Ông mở khóa, đẩy hai cánh cổng sang bên, giục Cường dắt xe vào trước rồi lên xe, nổ máy đưa chiếc Toyota vào sân. Chốt cổng xong, ông quay vào mở cửa rồi giục Cường: Cậu vào nhà đi. Ông mở nắp hai lon nước ngọt, vừa rót ra li vừa hỏi: Cậu xuống lâu chưa? Tìm tôi có việc gì quan trọng không? Xa làng mấy chục năm, giờ tôi cũng không nhận ra cậu là con cái nhà ai nữa. Cường ngập ngừng giây lát rồi mạnh dạn tự giới thiệu: Bố cháu là Thân, chủ nhiệm hợp tác xã. Ngày chú bỏ làng về thành phố cháu còn phải mấy năm nữa mới ra đời…Cậu là con trai ông Thân, bí thư chi bộ, chủ nhiệm hợp tác xã à? Thế…hai bác có khỏe không? Mẹ cháu không được khỏe, còn bố cháu thì… mất rồi ạ! Vậy ư? Tôi xin lỗi! Bác mất lâu chưa? Dạ, cũng hơn năm năm rồi! Chủ nhà không giấu nổi vẻ buồn. Ông nhìn Cường rồi hỏi: Anh chị tôi sống thế nào, cậu có hay qua nhà chơi không? Cô chú ấy vẫn khỏe. Kinh tế thì khá hơn các gia đình khác vì cả hai anh con chú ấy đều có công việc ổn định. Chủ nhà trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi: Cậu bảo tìm tôi có việc cần hỏi. Là việc gì vậy? Cường đắn do một lúc rồi mạnh dạn nói: Cũng không có việc gì đâu ạ. Chỉ là lúc sắp mất bố cháu có dặn cháu là sau này cố gắng tìm chú để nói lời xin lỗi vì quyết định cứng nhắc của mình đã đẩy chú phải đi khỏi làng…Chủ nhà lặng đi rồi đột ngột xua tay nói: Chuyện ấy…lâu rồi mà. Sau này mỗi khi nghĩ lại tôi thấy mình cũng sai. Lẽ ra tôi phải có ý kiến ngay từ lúc chi bộ họp bàn để ra nghị quyết, nhưng tôi đã không đủ can đảm. Vì vậy cũng chưa bao giờ tôi oán trách bác, oán trách anh tôi…Cường như người trút được gánh nặng. Anh tò mò hỏi: Thế…những ngày đầu về thị xã chú sống thế nào? Một thân một mình, phiếu gạo không có…Cũng không có gì khó khăn lắm. Những ngày đầu tôi vào chợ Vườn Hoa làm công việc khuân vác thuê, cơm nước mua ăn ngay trong chợ, tối đến vào phòng bảo vệ ngủ nhờ. Được một tuần hay mười ngày gì đó thì có người rủ đi đúc than tổ ong. Thấy cảnh chợ búa nhếch nhác, tôi đồng ý đi luôn. Nơi tôi đến chính là vùng đất này. Bây giờ là phố xá khang trang thế, chứ hồi ấy nó chỉ là một cánh đồng hoang, quanh năm bùn lầy nước đọng. Ông chủ mới của tôi đã thuê lại của xã để mở xưởng đúc than tổ ong, loại chất đốt chủ yếu lúc bấy giờ của thị xã và cả vùng ven. Công việc hàng ngày của bọn tôi là múc bùn hoa lên trộn với than cám để đúc thành những viên than tổ ong. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thấy tôi nhanh nhẹn, lại có bằng tốt nghiệp trung học, ông tin tưởng giao cho việc quản lý lao động và ghi chép sổ sách. Cuộc đời tôi sang trang khi cô con gái út của ông tốt nghiệp Cao đẳng Kế toán ở Trường Thương mại Trung ương 5 về. Ông tác thành cho chúng tôi rồi ít lâu sau giao luôn quyền điều hành xưởng đúc than cho vợ chồng con gái. Được ít năm thì thị trường chất đốt có sự thay đổi. Người ta bắt đầu dùng ga và bếp ga để đun nấu. Lượng than tổ ong tiêu thụ giảm dần. Vợ chồng tôi nhanh chóng chuyển sang kinh doanh mặt hàng mới này để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của xã hội. Bây giờ trong tay tôi đã có một cơ sở sang chiết ga quy mô nhất nhì thành phố và một mạng lưới các đại lý bán lẻ ở nhiều huyện, thị…Chú thật tuyệt vời! Cường không giấu nổi cảm phục, thốt lên. Nhưng vì sao khi đã thành đạt rồi chú vẫn không về quê thăm vợ chồng anh trai? Chủ nhà trầm ngâm một lúc rồi đáp: Nhiều lúc cũng rất muốn về, nhưng lại ngại. Một phần còn vì công việc chiếm nhiều thời gian quá. Tôi đã theo học một khóa Quản trị kinh doanh. Rồi còn phải kiêm thêm nhiệm vụ của một phó hội trưởng Hội doanh nhân thành phố. Giao lưu, họp hành rồi đi thăm hỏi, làm từ thiện suốt. Mấy năm nay thì cô vít hoành hành, cách ly, phong tỏa hết đợt này đến đợt khác…Chủ nhà nhìn đồng hồ. Chuyện của tôi đơn giản cũng chỉ có vậy. Hôm qua bà xã tôi cùng mấy bà trong Hội lên Mường Lát thăm và tặng quà các cháu học sinh một số điểm trường vùng sâu trên ấy, mai mới về. Lát nữa tôi đưa cậu đến cơ sở sang chiết ga của tôi tham quan rồi ta vào cái quán gần đấy ăn trưa luôn. Mà tôi quên chưa hỏi, bây giờ cậu làm gì? Có kế tục công việc lãnh đạo của bố không? Cường lắc đầu. Cháu thậm chí còn chưa được kết nạp đảng, nói gì lãnh đạo ai. Hiện giờ thì cháu đang thất nghiệp. Thất nghiệp? Vâng! Cường đáp rồi kể lại hoàn cảnh của mình cho chủ nhà nghe. Nghe xong, ông liền đưa ra một phương án: Hay là cậu xuống đây làm với tôi. Công việc sang chiết ga cũng không nặng nhọc lắm, thu nhập lại ổn định. Nhưng phải chấp nhận xa nhà. Cường như người vớ được vàng. Nếu được chú giúp cho công việc như thế thì còn gì bằng. Cháu cảm ơn chú. Chủ nhà lại nói: Tôi có tâm nguyện muốn đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở quê nhưng chưa biết đầu tư vào lĩnh vực nào. Theo cậu nên đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả? Cường nói: Như cháu được biết thì từ ngày nhập xã, cơ sở vật chất của các cấp học đều ổn định, công sở làm việc của xã thì thừa ra một, nhưng đường giao thông, nhất là tuyến liên xã lại chưa đạt chuẩn. Lãnh đão xã mới quyết định bán khu công sở không sử dụng để lấy tiền nhựa hóa những tuyến đường còn chưa nâng cấp. Mười lăm lô đất đưa ra đấu giá đúng vào thời điểm giá đất khắp nơi đang được thổi lên. Tham giá đấu giá lần này có mấy đại gia bất động sản ở thành phố. Họ bỏ giá rất cao nên đã giành được quyền mua toàn bộ các lô đất ấy. Tiếc là sau đó giá đất liên tục hạ nhiệt nên tất cả đều đã bỏ cọc…Chủ nhà gật gù. Vậy là địa phương đã bị một quả giống Tân Hoàng Minh mua đất ở Thủ Thiêm của thành phố Hồ Chí Minh rồi…Là tình trạng chung thôi chú ạ, huyện cháu thời gian ấy rất nhiều xã dính…Thôi bỏ đi! Không bàn chuyện đấu giá đất nữa. Nhưng qua chuyện này tôi đã xác định được lĩnh vực để đầu tư rồi. Cậu về giúp tôi tìm hiểu kỹ số tiền cần thiết để nâng cấp mấy tuyến đường ấy. Tôi sẽ bàn với bà xã tính toán, nếu ít thì tài trợ một trăm phần trăm, nếu nhiều quá thì tài trợ một phần thích hợp. Tôi muốn hỏi cậu cái khu công sở không sử dụng là của xã nào? Của xã mình chú ạ. Vậy thì tốt rồi! Tôi nhớ khu đất ấy. Nó rất thuận lợi cho việc kinh doanh xăng dầu và ga. Tôi nảy ra ý định sẽ xin mua hoặc thuê lại của địa phương một lô, chừng mười mét mặt đường để mở một cửa hàng kinh doanh ga. Nếu kế hoạch này thành công, cậu không phải xuống thành phố làm việc nữa mà sẽ ở lại quê nhà, trước mắt giúp tôi trông coi việc xây dựng sau đó làm nhiệm vụ quản lý cửa hàng ấy cho Công ty. Cường không giấu nổi niềm vui. Anh nói như reo lên: Ôi chú! Nếu được thế thì còn gì bằng. Chủ nhà đứng dậy, vui vẻ. Thống nhất thế nhé! Nào, giờ cũng đến bữa rồi, đi ăn trưa thôi. Mời cậu!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.