ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 09/04/2025 18:00

Truyện ngắn "Nợ làng quê" | Từ Nguyên Tĩnh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Nợ làng quê” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua giọng đọc của Huyền Linh.

Những đêm buồn mất ngủ, tôi thường ra khoảng sân trên gác thượng ngó về quê nhà. Lòng nhớ da diết, cũng có thể đó là cảm giác cô đơn đánh lừa tôi, chứ thật ra tôi đâu có can đảm gắn bó với làng quê của mình. Điều đó là thật một trăm phần trăm, việc gì mà tôi phải bịa ra, để cầu mong một ai bênh vực cho sự hèn yếu của mình. Tôi không có thói ghét nơi chôn rau cắt rốn của mình nhưng lúc viết thơ cho in báo lại khóc rưng rức đánh lừa người đọc. Cảm giác u hoài, buồn nản, tay bấu víu vào khoảng trống mà nhìn về chốn cố hương cứ dai dẳng, lặp đi lặp lại như là bệnh tật. Đã có những đêm vợ tôi thức giấc nhìn thấy, giọng nói khàn khàn ngái ngủ:

- Thì bố mày đã bỏ làng mà đi, còn tiếc chi nữa?

Cô ấy nhớ câu nói cửa miệng của tôi khi gặp bạn bè cùng quê, năm thì mười họa đến nhà. Chén rượu vào khoái miệng, nhận mình là kẻ bạc bẽo với quê nhà. Nhưng nghe ra trong đó lại có vẻ tự hào, thương những kẻ chậm chân không may mắn chưa chuồn được khỏi làng quê, chịu cảnh bần hàn. Tôi khác họ, tôi nghe được câu này: - Rồi em đến phải bỏ làng ra đi thôi anh ạ! - Nhưng nàng vẫn ở làng quê, còn tôi thì đêm đêm nhìn về nơi ấy, thấy lòng mình cô đơn.

Tôi và nàng yêu nhau, bạn sẽ đoán ra ngay thôi. Tôi đứng đắn, còn nàng sai lầm chứ gì. Không phải thế. Khi gặp nàng, ngoài vẻ mộc mạc của người lính thắng trận ra, tôi chỉ có hai bàn tay. Còn nàng đã có một địa vị, hay ít ra cũng có một nghề nghiệp hẳn hoi - kỹ sư nông nghiệp. Được cắm về xã trọng điểm - Em xin mãi mới được về quê đấy. Nàng nói với tôi rồi cười bẽn lẽn. Những năm học ở trường huyện, tôi không nhận ra vẻ quyến rũ này. Bây giờ nàng đã tròn đầy sức trẻ. Tự tin và hy vọng. Tôi có cái hăng hái của kẻ chiến thắng. Qua chiến tranh rồi, tôi làm bất kỳ việc gì cũng được. Miễn là được gần nàng.

Tôi nói cùng nàng: - Em ở lại quê hương là đúng. Làm một kỹ sư nông nghiệp, em không trụ ở đất này thì đi đâu. Tôi khen em là kỹ sư nông nghiệp đầu tiên của làng mình. Tôi mắng những thằng cha đi công tác buộc thêm những bì xác rắn sau xe, lúc về đèo gạo nếp, gạo tẻ, lạc, trứng vịt... Đó là nghe nàng phàn nàn cái kiểu cán bộ thoái hóa, biến chất đục khoét người nông dân.

- Rồi em sẽ thấy, cây cầu làng Bàn Thạch xây dựng to hơn - Mắc đèn điện ở đây. Tiếng loa đài nghe ồn ã xóm làng... Như thuở ta còn bé...

- Có thật thế không anh? - Đôi mắt ngây thơ của nàng ngước lên nhìn tôi. Ôi! Có hàng trăm ngàn vì sao lấp lánh trong đó. Tôi không hề nói quá đâu.

Nếu bạn có dịp ra sông quê tôi mà thao thức nhỉ. Vào đêm vẫn nhìn thấy dãy núi Nưa mờ xa; xa kia là nơi đặt con đập Bái Thượng. Tôi thức dậy để đi củi là nhờ tiếng con đập Bàn Thạch và Bái Thượng thay nhau tấu lên âm thanh hòa trộn vào nhau, đêm sâu mà trầm buồn. Gợi nhớ tiêng tiếc một cái gì không rõ rệt.

Không nói ra nhưng xóm làng ai cũng tin, tôi và nàng sẽ thành đôi. Là đảng viên đã trải qua chiến đấu, vừa nộp xong giấy chuyển sinh hoạt, tôi được giao ngay chức trực đảng, như thể đảng ủy chỉ chờ tôi về là thở phào nhẹ nhõm vì có một người thạo việc. Còn nàng, có học vấn mà thông thuộc đồng đất nên chẳng mấy chốc được bổ sung vào ban quản trị, rồi bầu làm phó chủ nhiệm phụ trách trồng trọt. Hễ cứ nhắm mắt lại là hiện lên cô gái xắn quần móng lợn, lội đồng dẫn phái đoàn tham quan bờ vùng bờ thửa, ruộng cao sản thí nghiệm. Các nhà khoa học ở viện nông học mấy lần đến xin cho nàng chuyển ra đó, nàng không chịu đi. Nàng quá yêu mảnh đất quê nhà, nhưng chắc là còn vì tôi. Nàng muốn sau này tôi hàm thụ xong đại học là lo chuyện cưới xin. Như bao lời nói vun vào đấy thôi, chúng tôi biết chờ đợi nhau để cùng trưởng thành. Nàng đã chờ đợi tôi trong chiến tranh để ngày về nơi làng quê thân thuộc có tấm chồng là người lính. Trong ý nghĩ sâu xa đó còn nhuốm cả kỷ niệm tôi qua nhà giúp nàng giải những bài toán khó. Tôi nắn nót viết tên lên bìa những quyển vở còn tinh khôi mùi thơm của giấy, tên họ của nàng: - Lê Thị Hương Mơ - Tôi cứ thêm vào chữ Hương - Làm cho bao lần nàng phải đỏ mặt vì chữ đệm đó. Gái quê thuở đó mấy ai dám dùng tiếng đệm vào tên của mình.

Ngày tôi về phép qua nhà để đi Nam, có cô gái đi như múa trên con đường làng là nàng đấy. Mơ về nghỉ hè ở quê. Kỳ nghỉ hè ấy... Vì tôi mà nàng xin ở lại thực tập ngay đồng quê nhà mình. Vì nàng mà tôi trở thành người dối trá, xin giấy chứng nhận của bệnh viện đã điều trị, biếu quà cáp để khỏi bị kỷ luật vì trễ phép. Và chuyển sang khung huấn luyện tân binh, ngày ngày viết báo cáo cho thủ trưởng để chờ thời... Nhưng vì tình yêu thơ mộng nên lỗi lầm cũng được thi vị. Kể cho nhau nghe chuyện cũ nàng cứ vỗ vào ngực tôi: "Anh cứ nói xấu em. Tại anh yêu em trước nên mới ra nông nỗi ấy! ". Tôi yêu Mơ nên chỉ mong muốn được về cùng nàng. Không tha thiết gì chuyện được xếp vào nguồn đi đào tạo. Không ao ước gì hơn, mảnh vườn nho nhỏ với mấy gian nhà của cha mẹ mình để lại... Mơ lại sốt sắng với việc tôi đi học đại học. Nàng bảo, anh giỏi bắn súng nhưng còn phải biết cầm bút, sau này đất nước cần có trí thức, không phải lúc nào cũng đi theo con trâu và que cày được... Nàng nói quá lên đấy thôi, tôi chuyên làm văn thư, công vụ, có bao giờ phải ra trận. Tập bắn súng thì chỉ đạt loại trung bình. Còn cày bừa, từ nhỏ đã có anh chị lo cho hết, chỉ việc cắp sách đến trường. Ngày về đến quê là anh họ lo cho cái chân trực đảng, học hành cũng chẳng phải thi. Mấy ông ở trường về tham quan, Mơ đã làm công văn ghi tên cho tôi vào lúc nào. Đến lúc có giấy gọi, còn tự ái, cáu với cả đảng ủy: - Đâu lại có thói quan liêu đến thế không biết - Gọi người ta đi học mà cứ như đùa. Tôi đâu có năng khiếu làm ruộng... Mơ đã khóc, có lẽ nàng thất vọng về tôi hay na ná cái điều gì đó đổ bể trong trái tim nhân hậu của mình... Đêm chia tay ấy thật buồn, con đập Bàn Thạch dội ì ầm vào tâm khảm của nàng. Một con người tháo vát dám từ chối ở thành thị để về gắn bó với làng quê, bất chấp giờ giấc "dân quân" như nàng mà đã ướt lệ:

- Anh ạ! Có lẽ em nhầm!

- Sao. Mơ không tin anh ư? - Tôi đau đớn nghe giọng nói của Mơ.

- Không! Em tin.

- Nhưng em nhầm cái gì?

- Em nhầm...

- Nhầm vì yêu anh chứ gì?

- Đáng lẽ ra em không nên khuyên anh đi học nông nghiệp.

- Vì sao, em nói đi?

- Vì anh... Nàng không tiện nói trắng ra là tôi không có khả năng ấy. Nhưng lại bảo, một xã cần gì đến hai kỹ sư nông nghiệp... Chắc là?...

Tôi không thể nói được điều gì để nàng tin rằng mình suốt đời chịu ơn nàng. Đáng lý tôi nên ở lại. Đáng lý tôi cứ yên tâm với cái chức trực đảng... Nhưng tôi như chiếc xe để cho số phận đẩy đi... Đẩy đi xa nàng hơn.

*

Mơ mạnh dạn đưa giống mới vào đồng ruộng quê nhà. Bao ngày trần lưng với ruộng thí nghiệm nên nàng tin. Đất đai không phụ công mình. Không hiểu nàng nghe ai xui dại mà giao cho từng hộ quản lý. Nàng thuyết trình với ban chủ nhiệm, để từng hộ lo thì công chăm bón đỡ đi rất nhiều. Họ có thể tranh thủ ra thăm ruộng mà không cần sự đốc thúc của đội sản xuất, nghĩa là nàng đầy niềm tin vào tình yêu của con người với đất đai. Nhưng lần đó thì đất đai quê nhà đã phụ nàng thật. Mưa lũ đã xóa bẫng đi từng thửa ruộng trồng lúa cao sản. Nàng như bơi trên đồng ruộng mà không cứu vớt được một tí gì. Phân vừa bón xong đã bị nước cuốn trôi, lúa bị ngâm trong nước hàng tuần nên bị thối hết rễ. Thấy nàng ngồi ôm đầu nơi gốc đa Khua Cốc mà không cầm được lòng. Tôi nói cùng nàng mà chả hiểu mình nói gì:

- Em ạ! Anh chả thích học hành gì nữa đâu.

- Không được, sao anh lại nói thế... Đằng nào cũng cố học lấy cái nghề... Thua keo này ta bày keo khác. Mình làm đúng mà ông trời lại hại thì đành chịu chứ anh.

- Để mình em lo toan làm sao mà anh cam lòng?

- Nhưng anh về cũng giúp được gì cho em đâu?

Nàng nói đúng, tôi có bỏ học về cũng chẳng giúp được nàng. Nhưng để lại mình em với món nợ quê hương thì tôi làm sao ngồi học được.

Nàng nhìn bộ mặt thiểu não của tôi mắt ngấn lệ. Họ truy chụp cho em rằng không biết làm ruộng. Học được đôi ba chữ mà đòi làm ăn lớn, chạy theo thành tích. Tôi biết nàng phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại này. Lúc chia tay nàng nói với tôi một câu rất gở:

- Anh có điều kiện cứ bỏ làng mà đi. Em nói thật mà, em rồi cũng đến nước bỏ làng mất thôi.

Nhưng cái nợ đồng ruộng không buông tha Mơ. Em không ra đi nổi. Còn tôi, tôi đã ở lại chốn thị thành. Do viết mấy mẩu tin khi còn học tập ở trường mà sau khi học xong tôi được tuyển vào viết báo tỉnh. Thôi thì, chả gì cũng là nhà báo, chả gì cũng tránh được những trận ngập lụt và sự thiếu khả năng hiểu biết về đồng ruộng của mình.

Tin tôi được vào tòa soạn báo làm cả làng bàn tán. Rằng tôi là người có chí, biết kiên nhẫn chờ thời. Đi đến đâu cũng được cơm bưng nước rót, được người ta nể vị. Nàng chia tay tôi mà nói lời xót xa: Thôi thế cũng là toại nguyện, anh đã rời được làng quê rồi... Đừng lo cho em nữa... Em không thể bỏ làng theo anh được đâu... Còn mẹ già, đồng ruộng, em thương những người dân lam lũ làng mình - Nghe Mơ nói tôi vừa thương vừa giận. Mơ có biết đâu họ đã đổ lỗi lên đầu em vì nợ nần, thất thoát.

Cây cầu làng Bàn Thạch sau chiến tranh như gầy yếu hơn thời tôi và nàng còn bé. Điện chưa bắt sáng hai bờ sông, những quán xá hai bên đầu cầu cũng dọn hết mất rồi. Chỉ có cây gạo, hoa như lửa cháy cả mùa hè...

*

Tin nàng lấy chồng giữa lúc tôi vừa được biên chế chính thức. Tôi giận cho nàng là kẻ phản bội. Tại sao nàng không chờ tôi yên ổn rồi chuyển xuống thị xã. Gì chứ nhờ vả người quen làm ở ty nông nghiệp cũng xin được về một trại giống nào đó. Có tay nghề như nàng, có cái miệng dẻo của tôi nữa, mấy chốc nàng trở thành trại phó... Tôi oán nàng đã mau quên lời thề thốt năm xưa. Toan không thèm về dự đám cưới của nàng. Nhưng nghĩ lại, thế mà nàng đúng. Tôi chẳng bao giờ cưu mang nổi nàng. Thôi thế cho yên phận nàng đi... Tôi biết mình là kẻ hèn đã phản bội lại nàng nhưng còn tự bào chữa. Tôi đã chối bỏ đồng ruộng quê nhà, mặc cho nàng phải gánh chịu sau đổ bể của vụ cấy chui cấy lủi... Nhưng đau nhất là nàng đã lấy cái tay chủ nhiệm - thằng Quý, kẻ đầu têu chụp lên đầu nàng cái tội làm thất thiệt tài sản tập thể. Cái thằng đi khám nghĩa vụ hai mắt méo xệch bị rớt lại, toác miệng cười, nói phách: - Không có bọn này làm ruộng lấy gạo đâu nuôi chúng mày. Mặt Quý nở bừng chạy ra tận cổng đón tôi vào đám lễ thành hôn. Nụ cười đầy ngạo nghễ và tự tin:

- Bùi, chắc cậu không tin rằng có ngày vui này nhỉ?

- Mày!... Tôi kịp nén lại câu chửi. Kìa có bao nhiêu người quen ra bắt tay. Làm như thể họ đã chờ tôi về mới làm lễ thành hôn cho Mơ không bằng. Tôi đầy nghi hoặc. Có phải những ánh mắt kia đang oán trách tôi, không làm tròn bổn phận của một người vệ sĩ bảo vệ cho cỗ xe tình yêu của mình đi tới đích. Nếu không có Mơ ra cầm tay kéo vào ghế ngồi thì tôi đã bỏ đi khỏi đám rồi. Nàng nói, vẫn cái giọng đêm nào chúng tôi ngồi chờ rạng đông, gõ dao vào đòn gánh để đi rừng hái củi: - Em biết, thế nào anh cũng về. Tôi nghe được trong đó như thể có sự kìm nén nghẹn ngào...

Đám cưới của Mơ và Quý thật vui, có hát hò. Cô dâu và chú rể bị đám thanh niên kéo lên trước mọi người yêu cầu hôn nhau. Thằng cha trưởng ban văn hóa miệng dẻo quẹo đọc những câu thơ nhăng nhít:

Em là con gái của làng

Tháng năm cửa khép đợi chàng xe duyên

Bao giờ đến hẹn thì lên

Bõ công cha mẹ ngày đêm đợi chờ

Tôi đã uống nhiều nhặn gì mà không làm chủ được đôi chân mình nữa. Rời khỏi đám vui tân hôn lúc nào không hay biết. Lòng đầy oán hận Mơ. Nghĩ rằng nàng đã phản bội tôi. Nàng muốn trả thù sự trốn chạy của tôi bằng đám cưới của nàng và Quý. Nước mắt trào ra tự lúc nào, lòng tôi nặng trĩu nỗi đau thất tình.

Cây đa Khua Cốc đây rồi. Dưới gốc đa này đã bao lần tôi và Mơ ngồi chờ mặt trời lên, vượt qua con sông nhà Lê sang Mã Mây hái củi. Mẹ tôi bảo, ngày xưa nơi đây toàn lốt chân hổ về ăn đêm, đi rình con mồi. Mơ cù vào nách tôi bảo tôi là con hổ về bắt con mồi là nàng tha đi.

- Anh làm sao vậy? - Tiếng Mơ làm tôi giật mình. Nàng như thể từ trong gốc đa hiện ra. Nàng nén lại lời nghẹn ngào từ trong ngực. Em phải chờ cho anh công thành danh toại rồi mới đi lấy chồng...

- Thôi im đi! - Tôi không kìm được sự phẫn nộ. Vì ở giữa đồng không mông quạnh này tôi cần gì phải ý tứ.

- Em không muốn anh phải khổ vì lời hứa hẹn.

- Nhưng tại sao lại?...

- Lại lấy anh Quý chứ gì? - Nàng dằn giọng nói nốt câu tôi còn ấp úng.

- Cứ cho là như thế...

- Tại sao em không nói cùng anh một tiếng?

- Anh tự ái chứ gì? Nàng cười thành tiếng - Lúc yêu em, anh có đi báo cáo với anh Quý không?

- Nhưng nó là thằng đểu, đổ toàn bộ lỗi lầm vụ giống má lên đầu em...

- Anh đừng nói thế... Cái sai của sự ấu trĩ một thời... Có thế, bây giờ anh ấy mới thương yêu em gấp nghìn lần...

Tôi đắng họng. Không hiểu sao tôi lại nói được lời giả ân giả nghĩa ấy không biết:

- Thôi, em về đi, kẻo hàng xóm dị nghị. Tôi không dám nói thẳng ra là sợ thằng Quý ghen tuông. Tôi sợ Mơ sẽ khẳng định chuyện đó không bao giờ có, thì lòng tôi tan nát, đớn đau.

*

Bây giờ thì tôi hiểu ra, tôi đã chạy trốn khỏi nàng. Tôi là kẻ phản bội nàng. Đêm thức dậy khi nghe tiếng con tàu ì ầm vào ga, lắng nghe tiếng xe rồ máy muộn mằn, tôi lại nhớ tiếng ì ầm sâu trầm của con nước đập Bàn Thạch. Trời lạnh, tay tôi cầm tay nàng thêm chặt, gõ con dao vào đòn gánh cho bớt sợ. Đi từ đêm vào rừng hái củi, bán lấy tiền ăn học. Học kiếm tấm bằng làm rạng rỡ cho quê nhà... Tôi không làm được điều đó, để mặc nàng ở lại làng quê...

Mới đây, tôi về huyện nhà viết báo. Viết về những người anh hùng của làng quê. Chủ tịch huyện niềm nở mời:

- Anh Bùi nên viết về người làm ruộng ở Bàn Thạch.

- Ai vậy? Tôi rất sợ chạm mặt tay Quý, chồng của Mơ.

- Chị Hương Mơ anh biết chứ?

Mơ không đồng ý cho tôi viết. Nàng nói, cái chuyện làm ruộng ai chả biết./.

Từ Nguyên Tĩnh


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận