ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 11/10/2024 14:45

Truyện ngắn “Nụ tầm xuân” | Từ Nguyên Tĩnh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Nụ tầm xuân” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua giọng đọc của Hồng Giang.

Ra trường, tôi chưa xin được việc làm. Ngoài hai bữa "đạm bạc" do mẹ phục vụ là nằm khèo. Mấy đứa bạn rủ đi pích ních, từ chối luôn. Có phải mấy năm trước, mà lâu la gì năm ngoái thôi, tôi là đứa đầu têu. Lên tận Mẫu Sơn ngắm tuyết rơi, tiêu đến đồng cuối cùng, phải đôn đáo chạy xin đi nhờ xe về trường. Bạn bè bảo tôi là đứa lãng mạn. Chả thế, cả nhà dồn ép thi vào học ngành y nhưng chối phắt. Ngành y khổ, bẩn thỉu lắm. Thức đêm thức hôm. Có khi không kiếm được vợ ấy chứ. Tôi đã thi vào kiến trúc. Ước mơ xây những ngôi nhà cao chọc trời.

Nhưng học hết năm thứ nhất, tôi xin sang học môn thiết kế thời trang. Có nhiều đứa bạn trêu chọc. Ôi cái thằng, muốn nhìn nách mấy em chân dài rồi. Tôi nói, sắc đẹp là ngôn ngữ quốc tế. Cái đẹp không có biên giới. Bao nhiêu tiền tôi dành mua các tạp chí thời trang. Tôi mụ mị bởi các cuộc thi hoa hậu. Tôi cam đoan sẽ nặng lời với một tên hãnh diện tiến nào bẻm mép khoe khoang ra vẻ ta đây sành điệu về sắc đẹp. Ôi sắc đẹp, mang tầm của nhân loại. Tôi rất hứng thú trò chuyện để "tẩy não" cho những kẻ ''bịp bợm'' về sắc đẹp. Anh biết không, "hoa hậu trái đất" nó khác "hoa hậu hoàn vũ" ở chỗ nào? Tất nhiên đành phải giảm giọng kẻ cả xuống mức tối thiểu. Xin nhớ cho, tôi cũng có ngoại hình không đến nỗi nào. Anh bạn có cái nhìn "bi kịch" thì làm mặt phiền não phán: - Cậu mà dài hơn một tí thì hay quá! Ý chừng hắn bảo tôi lùn chứ gì? Chưa kịp phản ứng hắn đã bổ cho một búa. Mặt hang hố, có sức cám dỗ người ta đấy. Ôi thôi, biết hắn nói đểu nhưng mà khoái. Đã giúp tôi khám phá bất ngờ. Rất nhiều em người mẫu, cao nhồng, mặt mũi hốc hác, chân tay gầy nhoẵng, đi guốc cao gót chứa đầy nguy hiểm, chỉ cần đụng là đổ kềnh. Ai bảo là đẹp. Mắt nhìn đời vô cảm đến dã man... Vậy mà khoác trên mình những tác phẩm tuyệt cú của nhân loại, cái đẹp nằm ở chỗ nào? Tay bạn có cách nhìn "hài kịch" thì nói phớ lớ: - Mày thật khôi hài. Gặp ai cũng tay bắt mặt mừng như đã quen lâu lắm rồi, thân thiết nhất đời ấy, nhưng bắt tay xong là quên tiệt. Ôi bạn thân yêu, bạn đã cho ta hiểu điều này. Sự lạnh nhạt của ngoại giao. Cứ cụng má bên này, cụng má bên kia, cụng má bên này... nhưng vô cảm.

Tôi đã nói, chưa xin được nơi làm mà lại. Vào mấy "viện thẩm mỹ" Sài Thành, họ ngó lơ qua bản sao học bạ, mới bi kịch chứ:

- Ồ tốt quá ha! Thành tích học tập thật đáng nể. Nhưng chúng tôi cũng chẳng dùng để làm gì cả. Anh có mẫu thiết kế nào không?

- Thú thật tôi có nhiều. Nhưng là bài tập để thày chấm cho điểm thôi ạ!

- Đáng tiếc... ví dụ như mẫu áo dài ngày hội, áo tắm... áo nịt ngực hoặc là... đồ lót?

Tôi đỏ mặt không nói được câu nào. Biển đời mênh mông. Chẳng hiểu họ nói thật hay bỉ tôi đây. Nhưng sự thật, rất nhiều anh tài quốc tế đi lên bằng nghệ thuật thiết kế đồ lót siêu hạng mà lại.

Bây giờ thì tôi chưa có một nơi nào nhận vào làm.

Ở Thủ đô, tôi vào mấy "mỹ viện". Chủ nhân mặt mũi non choẹt. Đeo mi giả, chớp chớp mắt búp bê ngoại, giọng ỏn ẻn:

- Đã qua thực tế "sáng tác" chưa?

- Tôi mới tốt nghiệp.

- Biết vậy nhưng không có lương khi học việc ở "mỹ viện" đâu.

- Nhưng làm công việc gì ạ!

- Mọi công việc do yêu cầu, trừ thiết kế.

- Thế tôi học thiết kế để làm gì?

- Học thiết kế làm gì à? Sao anh lại hỏi tôi. Anh có đủ tiền để đền, nếu cắt hỏng loại vải cao cấp thời trang được không?

Tôi đành về với mẹ. Ngủ qua mùa đông này rồi hẵng hay, vì tôi còn trẻ mà lại. Người trẻ tuổi cũng cần mơ mộng và lãng phí thời gian lắm chứ. Tôi ăn rồi ngủ. Tôi dán mặt vào xem thời trang.

Thật không may, mẹ tôi lăn ra ốm. Mấy năm tôi đi học, mẹ khỏe thế, nay lại ngã bệnh. Lại có dịp cho người thân xuýt xoa, nếu đi học bác sĩ, có điều kiện chăm xóc cho mẹ già. Tôi buồn quá. Đã thế cái Hoài Anh, tên hay thế nhưng học thì thường thôi, nhà cùng làng, tôi đã quên từ lâu, chả hiểu sao lại đến viện thăm mẹ tôi mới chán chứ.

- Cháu nghe tin cô ốm nên bỏ cả việc, vào viện thăm cô!

- Cô cũng ốm sơ sơ thôi, có Hùng ở nhà. Mẹ đưa mắt về phía tôi.

- Chào họa sĩ! Cô ta đon đả nhoẻn miệng cười. Ai bảo cô ta dám nhại mình là "họa sĩ" chứ. Hay biết mình chưa xin được việc. Định nói dăm câu cho bõ tức. Phải rồi. Đúng là con bé vẫn lên cắm hoa thi ngày nào. Có đậu đại học đâu mà cao giọng chứ! Nhưng nhớ đến các nhà ngoại giao khi gặp kẻ thù mà vẫn mỉm cười nên đành dịu giọng. Vả lại cũng không hiểu sao mà mẹ mình lại thân thiết với cô ta nữa.

- Cô nói quá! Tôi không phải họa sĩ... Họa sĩ phải là nhà sáng tác tranh kia mà!...

- Hoài Anh là giám đốc doanh nghiệp may... mẹ cũng hay đến nhờ may nên gần gũi.

Cô ta được thể nói luôn:

- Nếu anh không ngại, xin mời đến thăm xưởng may của em.

Tôi định nói không bao giờ, nhưng nhìn thấy ánh mắt dịu hiền của mẹ nên im luôn.

*

Mẹ khỏi bệnh. Tôi định quay lại ngủ đông, chờ qua tết hẵng hay. Mẹ rầu rĩ:

- Con có định đến "công ty may" của Hoài Anh không đấy!

- Sao mẹ lại bắt con phải đến thăm cô ta chứ?

- Mẹ không bắt. Nhưng con cũng cần được thư thái. Với lại con học thời trang. Cũng nên biết xem người ta cần kiểu dáng nào để thiết kế chứ!

- Gì mấy cái máy khâu ở nhà quê này, mà cũng cần con thiết kế sao?

- Con đừng có cách nghĩ thế! Nông thôn bây giờ cũng ăn no và mặc đẹp rồi con ạ!

- Mẹ định... Tôi toan nói mẹ định tìm vợ cho con sao. Nhưng kịp nén lại. Chui vào chăn. Tivi cũng vừa

báo có đợt rét bổ xung. Tôi cố gắng ngủ vùi nhưng không sao mà nhắm mắt được. Cái cô Hoài Anh này là cái quái gì chứ. Quên luôn đi có sướng thân không. Nhưng khỉ thật, tôi lại cứ nghĩ ngợi về cô ta. Bậy nhất là lấy thân thể cô ta ra làm mẫu, thiết kế các kiểu áo...

Không ngủ được. Tôi tha thẩn men theo bờ hồ trong làng. Quê tôi vẫn tự hào có chiếc hồ đẹp lắm, nằm ở giữa làng. Nó là lá phổi cho cả vùng. Mấy người có tài chiêm tinh nói, phong thủy ở đây được lắm. Có sao kim chiếu mạng. Có một dạo, cán bộ định xẻo ra từng miếng nhỏ để bán dần. Dân viết đơn kiện mãi lên trên mới yên. Thế mà nghe đâu cái Hoài Anh không hiểu sao lại mua được một lô đất bên hồ để mở xưởng may. Cô ta vận động nhà đổi đất cho cô bằng cách tuyển luôn những cô gái trẻ vào làm công nhân. Phí tổn đào tạo nghề do cô ta đài thọ. Chả hiểu đọc được ở cuốn sách nào. Người ta nói "kinh tế toàn cầu hóa" cô cũng nói, làm mẹ tôi cũng bị những từ "sặc mùi tư bản" đó cám dỗ. Tôi không dám hỏi mẹ, cô ta lấy đâu ra vốn để mở cái "công ty may" to kềnh, mà mình là Tổng giám đốc. May quá, hôm rồi chỉ chút nữa là khiêu chiến với cô ta. Hừm. Có đời thuở nhà ai, chưa là giám đốc đã nhảy chỗm lên "tổng" là cái thói ở đâu không biết! Nhưng nghĩ lại mình chỉ là anh chàng chưa có công ăn việc làm, dẫu cầm trong tay cái bằng ưu. Lại nhớ đến lời rỉ tai của tay bạn. Cái con bé Hoài Anh thế mà có chí. Tay không đi rửa bát cho nhà người ta, học được nghề rồi về quê lập nghiệp, giúp đỡ người khác. Thế chả lẽ tôi đi học là sai. Ước mơ này là có lỗi. Có phải thói đời là thế. Bao giờ kẻ có tiền, có địa vị dễ bề làm say lòng người? Càng nghĩ càng thấy mình phức tạp, lắm chuyện. Thật đáng trách, tôi đã vào tới sân của "công ty" cô ta lúc nào không biết nữa. Đã dặn lòng là chớ có vào đó làm gì cho mất mặt. Cũng tại tên bảo vệ lớ xớ có ai mời ra quán nhâm nhi choác rượu từ lúc nào. Đến lúc ngớ mặt định quay ra thì hắn mới bốc hỏa lên vì rượu mà quát:

- Anh chàng kia! Xin phép ai chưa mà vào "công xưởng" đấy!

Giật mình, kịp nhìn lại mình. Đẹp mặt chưa. Lại vẫn quần lửng chuột gặm gấu. Tôi đã mất mấy đêm mài cho thành màu bẩn bụi. Kiểu như họa sĩ quệt bút vào quần cho ra màu khoang vện kỳ dị. Bất ngờ nữa, ở vùng quê mà tôi thường bỏ qua lại mọc lên cái xưởng may to sụ, với biển đề khá kiều diễm, tự tin "May mặc thời đại". Có phải lúc khác tôi đã cười to lên vì liên tưởng đến sự ngông cuồng. Nhưng lúc này đang lúng túng, bởi kiểu ăn mặc không hợp cảnh và bị anh chàng bảo vệ kia quát:

- Trình báo ai mà dám vào phòng "Tổng giám đốc" hả!

- Tôi... Chả lẽ nói là... đi nhầm?

- Có việc gì mà ồn ã thế! Một giọng nói có dự vị quyền lực phát ra. Có phải lúc khác tôi đã co chân bỏ chạy. Nhưng chắc chắn là giọng nói của Hoài Anh rồi. Tôi không biết nói gì cả. Khốn khổ, tài ăn nói của tôi để ở đâu mất rồi.

- Cái anh này không chịu trình giấy tờ - Bảo vệ xồng xộc chạy đến. Có lẽ anh ta sẽ cầm tay tôi kéo ra ngoài cổng cũng nên.

- Tôi mời anh ấy đến đấy! - Hoài Anh đứng trước mặt tôi.

Ai bảo cô ta cầm tay tôi kéo vào phòng hả. Tôi ngồi trên bộ sa lông, nó cũng không kém phần sang trọng như bất kỳ ở nơi khác. Sau này tôi mới kịp nhận ra điều này. Lúc đó, tôi buồn quá. Tôi bị đánh mất đi lòng kiêu hãnh, sự khôi hài vốn có. Rơi vào thế bị động. Ai mà nhìn mặt tôi lúc đó thì biết.

- Đến xem cô có "mốt thời trang" như mẹ tôi nói không? Trời ạ! Tại sao lại đưa mẹ ra làm lá chắn chứ!

Tôi bị cô ta thuyết phục. Sau một hồi cố chống đỡ vì sĩ diện.

- Anh cứ thử xem, cho em một vài mẫu thiết kế. Nếu em và anh mà không có tiếng nói chung, anh đi cũng không muộn.

- Tôi không hiểu có đáp ứng được yêu cầu của cô không?

- Coi như một dịp "ngủ đông"... cũng được. Hoài Anh cười.

Chết tiệt. Tôi nói với cô "ngủ đông" bao giờ mà nhắc lại?

*

Lúc không làm thì đầu bộn lên bao ý tưởng. Nhưng khi bắt tay vào "tìm ý tưởng" thì không làm sao cho thấy tăm hơi ở đâu. Nhưng không được bỏ cuộc. Không những xấu hổ với "tổng giám đốc" mà làm mẹ thất vọng. Tôi không làm sao mà ngủ nổi, mặc dù gió réo ngoài hiên ù ù. Bật cười vì cái ý nghĩ "ngủ đông" thoáng qua đầu.

Tôi chưa kịp "trình lên" Tổng giám đốc mẫu thiết kế vì không khí tết đang ùa về. Công ty đang bận chuyển hàng lên vùng cao để phục vụ bà con đón tết. Mẹ tôi không hiểu sao, tỏ ra vui vẻ, như vô tình khoe hộ cho Hoài Anh. Con bé cũng lắm tham vọng. Mở Shop ở thành phố để giới thiệu sản phẩm, còn muốn đi nước ngoài để giao dịch học hỏi. Bận tối mắt, vậy mà vẫn ghi danh học cao học.

Tôi không nói gì cả. Lòng tự ái có phần lắng dịu. Nhưng tự dưng lại thấy mình cô đơn. Người mẹ gần gũi của mình mà không hiểu nổi. Tôi đem lại điều gì đây, nếu nói là làm đẹp cho đời?

- Anh Hùng giúp cho Hoài Anh một việc có được không?

- Có phức tạp lắm không cô! - Tôi gọi thế có được không nhỉ, tôi thầm nghĩ.

- Anh "thiết kế" cho cây hoa đón xuân có được không?

- Thiếu gì hoa đào mà phải làm hoa giả?

- Hoa đào là một chuyện. Nhưng "nghề may ăn vải"... chả lẽ không sử dụng vải vụn làm ra "một cái gì" thì tiếc lắm.

- Giám đốc có thể cho biết là hoa gì được không?

- Anh Hùng xem nên làm những loại hoa gì.

- Hoa bưởi hay hoa cà... Tôi buột miệng ra hỏi Hoài Anh.

Lưỡng lự một hồi, Hoài Anh nhìn tôi thăm dò, anh cứ nghĩ ra loài hoa gì cũng được. Tôi hơi bị bất ngờ vì ý nghĩ có vẻ lãng mạn của Hoài Anh. Nhưng cũng kịp định thần, nói ra ý nghĩ có vẻ khôi hài:

- Để xem là hoa gì, rồi sẽ đặt tên hay cứ gọi là: "Nụ tầm xuân"?

- Nụ tầm xuân... hoa hồng... có gai đấy! Hoài Anh đỏ mặt, trân trân nhìn vào mắt tôi.

- Nụ tầm xuân! Vô tình tôi nhắc lại.

Tôi vào trong xưởng may thu gom những mảnh vải vụn lại một chỗ. Rồi lại chia ra từng màu khác nhau ra cho thật phân minh. Chọn những sợi thép làm cốt để gắn lên đó những cành, lá. Lấy vải quấn lấy thành búp. Hoa đào thì đã có một cây đào rêu đá, do công nhân đưa quần áo lên miền núi mang về. Chỉ nên tết thành những đóa hồng thôi. Hoa hồng có nhiều màu không là do vải vụn có phong phú hay không. Tất nhiên là phải có nhiều nụ hồng vươn lên và chúm chím sắp nở. Thấy tôi chăm chú làm. Mấy cô thợ may còn rất trẻ trêu:

- Anh "họa sĩ" ơi! Làm hoa hồng gì đấy?

- Hoa hông nhung! Tôi trả lời cho qua chuyện. Nếu im lặng họ lại càng trêu nhiều hơn.

- Hoa hồng có gai đấy! Anh nhớ làm những chiếc gai mới đẹp.

Tôi lặng đi, một ai đó bỗng đọc lên câu ca dao mẹ ru tôi lúc ấu thơ:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng anh tiếc lắm thay!

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng, như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,

Chim vào lồng biết thuở nào ra.

Không hiểu sao tôi lại buồn buồn, thật vô cớ. Hoài Anh đứng bên cây hoa mà tôi không nhận ra. Bàn tay của cô nàng quấn những sợi vải vụn thành những nụ hoa một cách khéo léo. Tôi nhớ ra rồi, những lần thi cắm hoa của chi đoàn năm xưa, Hoài Anh bao giờ cũng thắng cuộc. Tôi hiểu được một điều, dù rằng cuộc sống vẫn thường sảy ra, chỉ vì tôi để nó tuột qua nên mới ngỡ ngàng. Có nhiều con đường lập nghiệp, tôi đi học là cách dễ nhất. Hoài Anh chọn cách đi khó khăn hơn, cô phải chăm lo cho gia đình, rồi mới học hành. Vất vả nhưng thành công quả thực đáng quý trọng.

- Đặt cho tên là Hoa mùa xuân, có được không anh Hùng? Hoài Anh hỏi tôi.

- Phải rồi! Ta đang kết những nụ tầm xuân... tôi định hỏi: Hoài Anh "đã cắn câu chưa" nhưng bật cười vì ý nghĩ chẳng ra sao của mình.

Đoán được ý nghĩ đó Hoài Anh nói rất khẽ nhưng cũng đủ cho tôi nghe:

- Em chưa... nhận "trầu cay" của ai đâu!

Xấu hổ quá, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt cô nàng. Thế mà có lúc ta đây, lắm lý sự.

Mùa xuân đang về. Tôi không ngờ mình đón mùa xuân ngập tràn niềm vui như thế. Nó đến lúc nào cũng không hề biết được. Nụ tầm xuân đã nở hoa, dẫn lối cho tôi đến bên Hoài Anh. Tôi được thiết kế những mẫu thời trang mà mình yêu thích, ở ngay làng quê này. Mong làm đẹp cho đời./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận