ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 10/02/2023 10:15

Truyện ngắn "Tiếng gọi của âm thanh" | Lê Xuân Giang

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Tiếng gọi của âm thanh" của nhà văn Lê Xuân Giang qua giọng đọc của Thùy Dung

Ở khẩu đội, tôi làm số 7. Anh em gọi số 7 này là số "chạy ngoài". Hôm nay tôi đang trồng cây ngụy trang lên miệng hố bom ở cạnh hầm pháo thì khẩu đội trưởng đến bảo:

-  Cậu để đấy, vào chuẩn bị đưa Đăng đi viện.

- Đi ngay bây giờ hả anh ?

- Ừ. Vào chuẩn bị đi !

Tôi hỏi "Đi bây giờ hả anh?" không phải là tôi không muốn đưa anh Đăng đi lúc này. Tôi cũng như anh em trong khẩu đội đều muốn anh Đăng đi viện luôn từ khi anh mới bị thương kia.

Mười giờ sáng hôm qua bọn địch tập trung hơn 50 lần chiếc máy bay trút bom xuống khu vực Hàm Rồng này. Nhưng mọi đợt công kích của chúng đều bị đánh bật ra. Một chùm bom sát thương rơi ngay cạnh công sự pháo của khẩu đọi tôi. Áo anh Đăng bị hơi bom xé toạc. Cả chiếc mũ sắt cũng bay biến đi đâu mất. Mặc, pháo của khẩu đội chúng tôi vẫn nổ giòn giã.

Đánh xong, anh Đăng cứ quanh quẩn trong hầm pháo, ai nói gì anh cũng chỉ cười. Tiếp đến một trận nữa, anh vẫn đánh như thường. Vị trí số 5 lao đạn của anh vẫn không phút nào ngừng, mặc dầu tốc độ trận đánh hết sức khẩn trương. Nhưng khi bọn giặc chạy tan tác rồi, vùng trời Hàm Rồng đã trở lại yên tĩnh, chúng tôi vào hầm nghỉ, thấy anh Đăng lại vẫn quan quẩn bên mâm pháo, khẩu đội trưởng mới chạy ra ngoài, gọi:

- Đăng ơi ! Vào uống nước !

  Anh Đăng vẫn ngồi lặng im, chẳng một tiếng trả lời.

Thấy lạ, khẩu đội trưởng vội chạy đến tận nơi, phát vào vai anh, hét tướng lên:

- Ma bắt hồn rồi à ? Sao ngồi đực ra đây ?

Anh Đăng giật thót người, tròn xoe mắt nhìn khẩu đội trưởng:

- Cái gì ? Cái gì đấy ?

- Vào uống nước chứ còn cái gì nữa !

- Cái gì ? Hử ? Cái gì ?

Thấy anh Đăng cứ đứng ngây như phỗng, khẩu đội trưởng chợt nhận ra, sửng sốt kêu to:

- Thôi chết ! Thằng này điếc rồi, các cậu ơi !

Chúng tôi chạy ùa ra. Khẩu đội trưởng đang vạch tai anh Đăng ra xem. Anh Đăng cứ ngúng nga ngúng nguẩy:

- Không việc gì ! Không việc gì mà !

- Yên, để xem nào ! Thế này mà cứ ỉm đi. Liều thật ! Gọi y tá  lại đây !

Đồng chí y tá và chính trị viên cùng đến. Tôi đứng ngầm lo lắng nhìn đồng chí y tá khám tai cho anh Đăng. Liệu màng nhĩ có việc gì không ? Nó mà thủng còn nghe ngóng gì được nữa!

Sau khi xem xét kỹ, đồng chí y tá nói :

- Màng nhĩ mới bị tấy đỏ, nhướm máu, cho đi điều trị vẫn còn khả năng hồi phục lại được.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Chính trị viên quyết định luôn:

- Cho đi viện ngay. Khẩu đội cử người đưa đi đường cẩn thận.

Anh Đăng nhìn vào từng người. Anh biết tất cả đang nói về caí tai của mình, nhưng vì không nghe được, mặt anh lộ vẻ bực bội.

Đồng chí y tã xòe bàn tay viết mấy chữ cho anh Đăng xem. Mới được hai chữ "đi viện" anh đã sửng sốt quay ra chỗ khác, nói dằn giọng:

- Viện à ! Sao lại đi ?

Và anh giải thích cho cả chính trị viên lẫn chúng tôi:

- Tôi không đi đâu. Tai tôi điếc, nhưng mắt tôi vẫn tinh, sức khỏe tôi vẫn tốt, còn nạp đạn được, sao lại bắt tôi đi viện ?

Nói xong, anh nhìn chằm chằm vào mắt từng người như cầu cứu chúng tôi ủng hộ. Chúng tôi đều không thể chiều theo ý anh được. Tai anh như thế, không ở nơi yên tĩnh thì làm sao nó khỏi được. Ở đây ngày nào chả đánh, ít ra dăm bảy trận, tiếng bom tiếng đạn dội vào có nguy cơ thủng màng nhĩ mất. Lúc ấy, dù có đắp thuốc vào cũng không mọc được cái màng nhĩ mới. Nhưng giải thích cho anh hiểu lúc này không dễ. Số 5 là số khó. Hòa - số phụ - mới tập, đánh chưa quen. Anh đi, khẩu đội sẽ gặp khó khăn.

Cặp lông mày thưa còn lấm tấm bụi đất của chính trị viên nhíu lại. Lát sau anh vỗ nhẹ vào vai anh Đăng, nói dịu dàng:

- Chiến đấu còn lâu dài….

Sực nhớ ra anh Đăng không nghe được, chính trị viên đưa tay vào túi quần lấy ra vỏ bao thuốc lả, lật mặt sau ra viết. Anh Đăng dán mắt theo ngòi bút, nét mặt đăm chiêu. Chính trị viên viết một thội, rồi dừng bút nhìn anh Đăng như chờ đợi anh chấp hành ý kiến của mình. Anh Đăng tránh cái nhìn ấy, vẻ mặt không vui. Anh nói thủng thẳng:

- Thôi được. Đã là kỷ luật thì tôi đi.

Nghe anh đáp vậy, tôi bỗng thấy vừa muốn anh sớm vào viện, vừa buồn vì phải xa anh. Vắng anh, khẩu đội vắng mất một tay lao đạn điêu luyện đã đành, lại còn vắng nốt cả một giọng hát có thể nói là số một của đại đội nữa. Anh là người hát hay. Giọng anh vừa ấm lại vừa vang, nhất là những bài dân ca, anh hát thì tuyệt, nghe sao mà đằm thắm, thân thương đến thế…

Anh thẫn thờ đi về phía lán ở. Nhưng không hiểu sao mới được chừng vài chục bước, anh quay ngoắt  lại, chạy nhân như gió đến trước mặt chúng tôi, giơ cao nắm tay, tuyên bố:

- Để sớm mai tớ đi, bây giờ muộn rồi !

Chúng tôi trố mắt nhìn anh. Khẩu đội trưởng vạch mấy chữ xuống đất: "Lên mà hỏi đại đội".

- Được ! - Anh gật mạnh đầu đáp.

Dứt lời, anh chạy đi luôn. Và chả biết anh nói thế nào với đại đội mà khi chạy về anh đã vui vẻ báo cho chúng tôi biết:

- Tớ được ở lại đêm nay rồi !

Chúng tôi cùng vui với niềm vui của anh.

Đêm ấy địch quấy liên tục. Báo động, chúng tôi chạy hết ra trận địa. Anh không nghe được tiếng kẻng nên vẫn ngủ trong hầm. Biết vậy, khẩu đội trưởng bảo:

- Để nó ngủ mai nó đi viện. Hòa lên thay, đánh cho quen đi !

Hòa mới đánh ban ngày được hai trận và đều phải có anh Đăng kèm. Nhưng đánh ban đêm, cậu ta chưa được dự lần nào, nên tuy cố gắng tập luyện đấy mà thao tác "mò" vẫn chưa quen, còn hay để hóc đạn lắm.

Một chiếc A6 xuất hiện. Chúng tôi biết được là nhờ tiếng ì ầm từ xa dội về. Bỗng nó ập tới nghe đánh ào một tiếng như cơn lốc. Đạn bắn đỏ trời. Một chùm bom rơi xuống, ánh sáng xanh lét lóe lên, rồi vụt tắt. Tiếng nổ rung cả hầm. Khẩu đội tôi mới bắn được ba viên, pháo đã trục trặc, phải ngừng lại. Khẩu đội trưởng hỏi giật giọng:

- Sao thế ? Hóc hả ?

- Không… không rõ… - Hòa ấp úng.

- Kéo băng mới ra ! - Khẩu đội trưởng bảo Hòa.

Hòa kéo luôn mấy lần cũng không được. Đang lúng túng thì đã nghe có tiếng anh Đăng oang oang ở cửa hầm:

- Báo động sao không gọi người ta hả ?

Chưa ai kịp nói gì, anh đã sấn đến:

- Sao đấy ? Không bắn được à ?…

Anh nhảy đại tới bên pháo, gạt Hòa sang một bên, ấn băng đạn lấy đà và đột ngột kéo giật trở lại. Tiếng sắt thép siết mạnh vào nhau tưởng đến nẩy lửa.

- Xà beng ! Xà beng đâu ? - Anh Đăng thét ầm lên.

Lại một thằng địch nữa lao vào. Các khẩu đội bạn đã nổ súng. Trận địa lại sáng rực. Anh Đăng như một thiên thần, vung xà beng giáng mạnh một phát vào buồng đạn. Viên đạn bật tung ra, và thoáng cái đã nghe tiếng đạn vào nòng.

- Bắn đi ! - Anh giục số I.

Pháo của khẩu đội tôi lại nổ. Trong đêm nghe tiếng nổ rất đanh. Nhìn những viên đạn đỏ rực bay lên, lòng chúng tôi nhẹ hẳn đi.

Hết báo động, tôi nán lại xem anh Đăng hướng dẫn Hòa. Anh nói:

- Lắp băng thứ hai là phải lao mạnh cho hai đầu băng ăn khớp với nhau. Nghe cạch một tiếng mới được. Rõ chưa ?

Rồi anh thao tác có đến trên chục lần cho Hòa xem. Đêm tối mà anh làm ngon như không. Trước kia anh học số 5 rất vất vả. Hôm nào cũng đánh vật trên pháo mà không mở nổi khóa nòng. Số 5 đòi hỏi phải khỏe, nhưng lúc ấy sức anh còn yếu. Khẩu đội trưởng đề nghị sẽ  chuyển sang số khác. Anh không nghe, bảo: "Rèn mãi khắc được thôi". Bây giờ anh đang giữ kỷ lục về thao tác số 5  của đại đội.

Sau lần báo động ấy, anh giao hẹn:

- Có báo động phải gọi tớ ngay đấy nhé ! Cứ như lúc nãy, tớ bóp cổ cho lè lưỡi ra, đừng trách đấy !

Vào hầm, tôi và anh nằm cạnh nhau. Khẩu đội trưởng phân công tôi gọi anh. Những lần sau, mới thấy tôi khẽ đụng tay vào màn là anh đã biết ngay.

*

Tôi xếp gọn những cây ngụy trang trồng dở lại để đưa anh Đăng đi viện.  Ba lô của anh đã buộc cẩn thận. Biết không chần chừ được, anh tự làm lấy để khỏi phiền người khác. Tôi xốc ba lô của anh lên vai, anh giật lại:

- Để tớ mang cho !

Anh đi bắt tay từng người. Đến Hòa, anh giơ cả hai tay chộp vào vai cậu ta, lắc lắc mấy cái rồi nói:

- Đánh cẩn thận nhé ! nhớ kéo băng cho hết nấc. Tao đi vài bữa, nghe đường được là tao tếch về ngay thôi !

Anh và tôi đi xuống chân đồi. Trời đã bắt đầu loe nắng. Anh Đăng im lặng, khoác ba lô đi trước như mải suy nghĩ điều gì. Nhưng đột ngột, anh quay lại, bảo tôi:

- Chán thật ! Đi với cậu mà không nói chuyện được !

- Thì anh cứ nói đi ! - Tôi đáp.

Chưa nghe ra, anh ghé sát vào mặt tôi, hỏi gặng:

- Cái gì ? Cậu bảo cái gì ?

Tôi phải vạch mấy chữ xuống đường. Anh mỉm cười gật đầu rồi lại đi. Vừa đi anh vừa bảo:

- Đi viện thế này lại không được nghe thằng Chiến nó hò.

Tôi định bảo: " Ở nhà anh cũng có nghe được đâu", nhưng lại thôi. Anh vẫn nói thủng thẳng:

- Thằng Chiến nó hò thì hay, mà nó hát lại dở. Chỗ rung, chỗ ngân nó cứ tuột đuỗn ra như đứa thổi lửa ấy !

Anh nói to có lẽ vì sợ tôi không nghe được hay chính anh cũng không nghe được tiếng nói của mình. Giọng anh cứ vang lên:

- Dạo mới đi bộ đội, tớ hát hay hơn bây giờ nhiều. Chả thế ở đường 20 đã có một cô thanh niên xung phong mê tiếng hát của tớ. Lúc đó tớ là trinh sát pháo binh đi chuẩn bị trận địa. Bọn tớ ở cạnh một đơn vị thanh niên xung phong. Đêm đêm bọn tớ nằm trên võng hát nghêu ngao với nhau rất vui. Không ngờ các cô nghe được, kéo nhau đến. Có cô đội trưởng, dáng người manh mảnh, ngỏ lời yêu cầu bọn tớ dạy hát cho các đội viên của cô. Cô ta còn bắt tớ chép một lô bài hát vào cuốn sổ tay đóng bằng giấy gói hàng. Có bài lúc hát thì thuộc, lúc đọc từng lời lại quên, thành thử tớ cứ phải vừa hát vừa chép. Thấy "hiện tượng" vậy, cô ta giằng lấy bút, chép lấy và nói: "Em chép để tranh thủ nghe anh hát mấy lần nữa cho thuộc bài, thuộc điệu". Thế có hay không ? Chưa hết, nói xong câu đó, cô ta ngước cặp mắt thau lên nhìn tớ, cười khanh khách nữa mới vui chứ ! Ờ sao mà "trong ấy" các cô hay hát, hay cười đến thế ! Thanh thản, hát cười đã đành, bom đạn giặc nó tưới trên đầu, chạy về hầm cũng hát, hát, tiếng cười của cô đội trưởng là hay, là giòn hơn cả. Nó trong, nó ấm, nó lại như sáng, như mất cả núi rừng ấy !

- Anh yêu cô ấy à ? - Tôi buột miệng hỏi.

- Cái gì ? Cậu bảo cái gì ? Anh hỏi lại tôi.

Tôi mỉm cười viết xuống đường: "Người yêu à ?"

- Không ! Tớ có người yêu ở quê rồi !

Chúng tôi lại đi. Và anh lại kể:

- Sau khi trinh sát xong, bọn tớ về hậu cứ chuẩn bị chiến dịch. Lúc vác pháo trở vào, lại qua đấy thì… - Giọng anh trầm hẳn xuống… - thì bọn tớ không còn được nghe tiếng hát, tiếng cười của cô đội trưởng ấy nữa ! Cậu có biết cô ấy chết trong trường hợp nào không ? Giữa cái đêm cô ấy gác trên trọng điểm, B 52 đến đánh. ? Bom chà đi chà lại mà không quả nào trúng hầm quan sát. Mọi người chạy lên chỉ thấy chiếc hầm vẹo đi mà cô ấy cũng chỉ ngồi gục xuống như người đang ngủ, không có lấy một vết thương, người vẫn mềm nguyên, vậy mà cô ấy đã hy sinh rồi ! Tiếng bom đấy, tiếng bom đấy, cậu ạ !…

Anh im lặng, cứ lầm lũi đi, một lúc sau anh mới nói tiếp:

- Tiếng bom B 52 và cái chết của cô ấy cứ ám ảnh tớ mãi. Pháo 130 của ta bao phen giã liên hồi kỳ trận vào các căn cứ giặc mà tớ vẫn chưa hả dạ… Nhưng chiến dịch kết thúc, trên đường về cứ, chính tớ cũng bị B 52 quần cho một chầu. Sức dài vai rộng như tớ mà đọ với B 52 còn ứa máu tai ra đấy. Thoạt tiên tớ còn nghe được. Dần dần màng nhĩ tấy lên, chỉ nghe lục bục trong tai những tiếng bom là tiếng bom…

Đang đi, một chiếc dép của tôi bị bật quai. Tôi ngồi lại chữa, vẫn nghe tiếng anh vẳng lại. Có hồi còi ô tô sau lưng, tôi vội né vào bên đường. Quai dép vẫn chưa rút lên được. Chiếc ô tô phóng vượt lên, rồi tự nhiên đỗ sịch lại, nỗi còi inh ỏi.

- Muốn chết hay sao đấy ? Tay lái xe nhô đầu ra khỏi buồng lái, đập thình thịch vào thành xe, hét tiếp - Cái "Ông tướng" kia ! Điếc à ? Có tránh ra không ?

Tôi giật mình, cầm chiếc dép tụt quai, hớt hải chạy lên. Tôi túm lấy anh Đăng, kéo vào bên đường mà anh vẫn còn ngơ ngác. Khi thấy chiếc xe lù lù sau lưng, anh mới hiểu ra. Đồng chí lái xe cho xe chạy chậm lại, giơ tay ra dọa:

- Muốn cắt hộ khẩu hả ?

Tôi xua tay, đáp:

- Đồng chí ấy hỏng tai đấy !

Đồng chí lái xe quay sang gắt luôn với tôi:

- Thế ông cũng điếc à ? Dẫn thương binh đi thì cẩn thận chứ ?

Chiếc xe rồ máy vụt đi. Anh Đăng quay lại hỏi :

- Họ nói gì đấy ?

Tôi chỉ vào ô tô, vào anh, vào mặt đường. Anh ậm ờ cho qua chuyện, rồi lại đi và lại kể:

- Vì hòng tai lần ấy, tớ cũng phải đi viện như bây giờ đấy. Tai điếc, lạ lắm cậu ạ ! Đã không nghê được mà lúc nào tớ cũng thấy văng vẳng như có tiếng ai gọi mình. Có đêm mình nằm mơ thấy một đoàn quân ta đang hành quân vào, tớ thì đang ngồi nghỉ dưới gốc cây săng lẻ, có người gọi tớ, yêu cầu tớ hát. Tớ hát luôn. Tiếng hát tớ sao mà trong trẻo, ngân vang đến thế. Một câu thích quá reo lên: "Tặng nhà nghệ sĩ ven đường món quà này !". Thế là một quả dừa ném đánh bịch một cái vào người tớ. Tớ giật mình tỉnh giấc mới biết mình đã hát toáng lên làm cả lán phải thức hết. Còn tớ, tớ moi óc nhớ xem mình đã hát bài gì trong mơ thì trong tai mình lại chỉ lục bục những tiếng bom là tiếng bom… Hôm đó văn công quân đội về trại phục vụ, anh em kéo tớ đi xem tớ cũng đi. Đến giờ biểu diễn, nhìn cung cách một cô lên đứng trước sân khấu, tớ biết cô này đang giới thiệu. Khi cô ta vào, một tốp ca nữ ra. Tớ quay lại hỏi thằng bạn ngồi đằng sau: " Họ hát bài gì đấy ?". Lúng túng mãi nó mới tìm được cách lấy ngón tay viết trên lưng mình mấy chữ "Quảng Bình quê ta". Tớ nghe bài này không biết bao nhiêu lần rồi. Lần nào nghe cũng thấy rạo rực xao xuyến lạ thường. Thế mà lúc ấy tờ càng dỏng tai lắng nghe, thì lại càng như có tiếng bom ào ào dội lên. Ức quá ! Tớ lấy tay đập thình thịch vào ngực mình lúc nào không biết. Nhìn thấy người ta hát mà tai lại nghe thấy rặt tiếng bom nổ thì còn xem làm gì ? Tớ bật dậy đi về. Thằng bạn kéo tớ lại. Tớ không nói được lời nào, chỉ im lặng giật tay ra. Nó len bừa qua biển người, chạy theo túm lấy tớ. Tớ cố lấy giọng bình tĩnh, nhưng tiếng nói đã nghẹn lại: "Mày… Mày vào xem đi… Tao… tao về thôi !". Thoát khỏi tay nó, tớ chạy một mạch như sợ có ai đuổi theo. Về lán, tớ nằm vật ra giường, vừa hờn tủi, vừa căm giận…

Anh dừng kể. Không khí lặng đi. Lúc sau anh mới lên tiếng:

- Đồng chí bác sĩ của trại là người đã nhiều tuổi, lúc nào cũng điềm tĩnh. Ông ấy nhìn vào ai là như đọc được ý nghĩ của người đó. Thấy tớ nằm vật vã trên giường, ông viết mấy chữ "Cậu có muốn nghe được không ?" vào mảnh giấy rồi vừa đưa cho tớ vừa cười như giễu cợt. Tớ trả lời: "Sao tôi lại không muốn nghe ?". Ông ấy bảo tớ dậy. Rồi ông ấy "bút đàm" với tớ rất nhiều. Nào là liên quan giữa các chức phận của tai với các bộ phận khác. Nào là khả năng hồi phục của thần kinh thính giác, và cả phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả của thuôc men nữa chứ ! Cuối cùng ông ấy viết: "Muốn thì ai cũng muốn. Người ta chỉ hơn nhau ở chỗ có biết thực hiện những mong muốn của mình hay không thôi !". Rồi ông lại cười, nụ cười của người cha hiểu rất rõ tâm tính đứa con của mình. Nghe lời bác sĩ, tớ không nằm lỳ nữa. Tớ giúp anh nuôi làm bếp, tớ đi tăng gia, tớ đánh bóng chuyền… Đủ cả ! Quả nhiên tốc độ hồi phục của tai tớ tiến triển rất nhanh. Nghĩ càng thấm thía những lời khuyên của ông  bác sĩ…

Anh vừa nói đến đây thì tiếng kẻng báo động từ các phía rộ lên. Tôi giữ anh Đăng lại, nghe ngóng. Thấy tôi ngửa mặt lên trời, anh cũng nhìn theo.

Nghe tiếng động cơ ì ầm từ xa, tôi có cảm giác chống chếnh của người không quen đứng ngoài cuộc. Anh Đăng hết nhìn lên trời lại nhìn về trận địa. Quả đồi nơi chúng tôi đặt trận địa tròn như mâm xôi, ở đây mới thấy thế đứng của nó cao hẳn lên. Con đường kéo pháo hằn rõ một thẳng tắp. Bên trái con đường là vị trí của khẩu đội tôi. Chắc anh em đang ngồi cả trên mâm pháo.

Tiếng pháo tầm cao rền vang. Những điểm nổ đen đặc như những nắm đấm in đậm giữa trời. Bị đánh vào đội hình, bọn địch bay tán loạn. Tôi kéo anh Đăng ngồi xuống, anh không chịu. Mắt anh không rời khỏi tốp đi đầu, miệng lẩm bẩm: "Nhiều quá ! Chúng đến nhiều quá !".

Tốp đi đầu vòng lên thượng nguồn sông Mã, tiếng động cơ réo ầm ầm. Đến đỉnh núi Đọ, chúng vòng lại, bổ nhào. Đạn bắn, bom nổ. Không khí ngột ngạt đến tức thở.

Những âm thanh hỗn độn đạp vào nhau ồn ào, vang động. Tất cả tạo thành cơn lốc xoáy tung trước mặt chúng tôi.

Khuôn mặt anh Đăng bồn chồn, đôi mắt anh sáng lên giận dữ. Tôi hồi hộp lo lắng, dồn mắt về vị trí của khẩu đội. Trong khói bom, tôi vẫn nhận ra những chớp lửa lóe sáng đầu nòng pháo. Anh Đăng bỏ ba lô xuống, nói rất nhanh, nhanh đến nỗi líu cả lưỡi:

- Tớ… tớ về đây ! Tớ… tớ nghe được… được rồi !

Tôi hốt hoảng vội túm lấy anh:

- Không được ! Sao lại về ?

- Buông ra ! Tớ nghe được rồi ! Đấy, khẩu đội ta bắn đấy ! Pháo nổ ghê quá ! Tớ về thôi !

Tai anh đang rỉ máu, anh về sao được ? Nhưng nói với anh thế nào bây giờ ? Tôi dang tay kiên quyết chặn anh lại. Nhìn thẳng vào mặt tôi, anh nói:

- Tớ nghe được rồi mà ! Đấy ! Nó bổ nhào đấy ! Đại đội bắn kia kìa ! Một thằng cháy rồi ! Buông ra ! Bom nổ mày không nghe thấy à ?…

Tôi giữ anh lại, anh đẩy tôi ra. Tôi gào đến khản cổ: "Không được ! Không về được !". Nhưng anh có nghe được đâu, cũng không thèm nhìn mặt tôi nữa. Bom rơi, đạn nổ ! Trận địa chúng tôi bồng bềnh trong khói bom. Anh xô tôi ngã ngửa ra. Tôi vùng dậy, với theo anh nhưng không kịp. Tôi đành quay lại nhặt ba lô rồi lại chạy theo anh, vừa chạy tôi vừa gọi:

- Anh Đăng ! Anh Đăng ơi !

Tôi về đến trận địa, trận đánh cũng đã kết thúc. Đứng sững lại ở cửa công sự, tôi thở dốc, mặt nóng bừng lên. Trên vị trí số 5, anh Đăng nhìn tôi, nét mặt rạng rỡ. Cả khẩu đội cùng nhìn vào tôi. Tôi đoán anh em sẽ trách móc tôi ghê lắm. Tôi bối rối quá. Quả nhiên anh khẩu đội trưởng hất cằm, hỏi tôi:

- Sao ? Sao để nó "đào ngũ" thế ?

Tôi đứng lặng đi không nói được câu nào, cổ cứ nghẹn lại. Tôi biết nói thế nào với các anh khi lòng tôi cũng rộn lên muốn về với khẩu đội. Thấy tôi cứ ngây ra, anh Đăng đến thanh minh cho tôi:

- Tôi nghe được rồi. Tôi thấy nó bổ nhào. Pháo ta bắn lên. Bom nổ. Tôi nghe được thật mà !

Ai có thể tin một người hỏng tai đến mức như anh lại nghe được như thế ! Nhưng với chúng tôi thì tất cả đều tin như một sự thật.

Tháng 10 năm 1976

                                                                                 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận