ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 18/11/2023 14:50

Truyện ngắn "Mùa hoa gạo" | Trịnh Tuyên | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Mùa hoa gạo” của nhà văn Trịnh Tuyên qua giọng đọc Huyền Linh.

Cứu! Cứu! - Tiếng kêu hoảng hốt của người bị nạn vọng lên từ phía cánh đồng rậm rạp, hoang vắng giữa đêm khuya khiến ông bà Phê thức giấc. Con chó có bộ lông màu xám trắng xô ra cửa tru lên mấy tiếng như cảnh báo cho chủ. Con chó không sủa theo giọng của chó nhà mà nó chỉ hú lên, âm thanh đặc biệt của loài sói rừng, nghe hoang dã, u oán. Con chó này vốn là con của một con sói cái. Hơn hai năm trước, mẹ nó bị đám thợ săn trong bản bắn chết, để lại mấy con sói con mồ côi, nheo nhóc, chạy tản mát khắp nơi. Lần ấy, ông Phê lên rừng hái lá thuốc, thấy nó nằm thoi thóp dưới gốc cây hoa dẻ rừng chờ chết, thương tình, ông mang chăm sóc. Tiếng chó tru lên lên đơn độc, dội vào vách đá, phản hồi trở lại, chìm lỉm giữa màn đêm mịt mùng, đặc quánh.

Ngày trước, khi cha mẹ ông Phê còn sống, đã có rất nhiều lần nghe tiếng kêu "cứu… cứu" tuyệt vọng giữa đồng khuya như thế, nhưng khi tìm đến nơi phát ra tiếng kêu thì nạn nhân đã tử vong. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, không biết bao nhiêu người dưới vùng xuôi đi tìm trầm trên núi Khú bị lạc xuống cánh đồng hoang vu này rồi bị chết thảm bởi rắn độc cắn. Thi thể họ không người mai táng, nằm lẫn với xác động vật cùng chung số phận, thối rữa theo những trận mưa dầm dề kéo dài hàng tháng trời, để lại trên mặt cỏ hoang những bộ xương cốt xếp theo đủ hình dạng, phơi màu trắng đục, tháng ngày dầu dãi dưới ánh trăng suông hay giữa trưa hè nắng như đổ lửa, trông đến rợn người, . Lần này nghe tiếng kêu, như có linh tính mách bảo, ông Phê biết người này còn trẻ, có thể chống chọi được lâu, khả năng cứu được. Lập tức ông ngồi lên, lay gọi đứa con gái đầu lòng mà cũng là độc nhất nằm phía giường bên cùng dậy. Dắt vội miếng gỗ cây ngao đá nhỏ vào thắt lưng, đốt thêm thẻ trầm đã chẻ sẵn, nhỏ chỉ bằng ngón tay út cho tỏa khói thơm ngào ngạt rồi cha con mới cùng đi ra phía cánh đồng, nơi đang phát ra tiếng kêu cứu của người bị nạn. Từ thời cha mẹ ông Phê và sau này là vợ chồng ông làm nhà ra đây, chưa có ai từ trên núi lạc xuống thoát chết khi đi qua cánh đồng đầy ma quái và rắn độc này. Hơn trăm năm về trước, cánh đồng này là thủ phủ của các loài rắn độc. Rắn từ núi Khú, núi Doanh, núi Tam Bồng theo quán tính hay do trọng lực hút từ cao xuống thấp mà chúng dồn cả lũ cả lĩ xuống cánh đồng rậm rạp bị che phủ bởi trăm loài thảo mộc, ngun ngút tử khí nơi đây. Khi hậu ẩm ướt, âm khí nặng nề, địa hình lẫn đất lẫn đá, lại có nhiều hang hốc, rễ cây, kẽ đá, và nhất là nguồn thức ăn dồi dào, bởi ếch nhái, ễnh ương chẫu chuộc, chuột trũi sinh sống dọc các hang hốc, bờ sông sói lở, tạo nên chốn thiên đường cho các loài bò sát chen chúc sống chung theo bản năng gớm ghiếc của đồng đồng loài bọn chúng. Phía bên ngoài cánh đồng hoang là con sông nổi tiếng hung dữ, thác chảy ầm ào, gào thét suốt ngày đêm, bọt nước tung lên trắng xóa mờ trời. Trên các ngọn cây bờ cỏ, cơ man là những cái đầu rắn độc nấp trong tán lá xanh thoắt ẩn thoắt hiện. Có con đầu hình tam giác, xanh lè như màu lá cải non. Lại có con đầu bé tí, đuôi đỏ tía như quả ớt chỉ thiên chín nẫu, sẫm màu lửa, miệng thia lia những cái lưỡi dài, đen bóng, tẽ đôi, ẩn chứa thần chết bên trong. Những giọt nọc độc cực mạnh chuyển động ngầm dưới hai chiếc răng nanh hình vòng cung, sẵn sàng lao tới cắm vào bất kỳ nơi nào trên thân thể kẻ thù, tiết ra loại độc tố ghê gớm, khiến đối phương dù to khỏe gấp trăm ngàn lần cũng phải gục ngã. Dưới lớp cỏ cây rậm rạp ấy, hàng ngàn con rắn đủ loài trườn đi trườn lại, quằn quại, quắn xiết. Khi đói, con lớn nuốt con bé, không nuốt được thì tranh cướp nhau từng con ếch, con nhái, ễnh ương , chẫu chuộc nào vô phúc bị dòng nước nước lũ hay nước mưa trên núi cuốn xuống. Linh dương, trâu rừng, tê giác, báo hoa, báo đốm, cả cọp beo… bất kể vật hay người, khi sa xuống cánh đồng này là lập tức bị tê liệt bởi bởi cái mổ chí mạng của chúng. Đêm hay ngày cũng thế. Đám cạp nong cạp nia, hổ đất, hổ mèo, hổ mang chúa, rắn lục đuôi đỏ, chàm quạp, lục sừng… nhăm nhăm lao tới tấp, tìm kiếm, săn đuổi con mồi quyết liệt trong cuộc mưu sinh theo bản năng sinh tồn mà tạo hóa tạo ra và Chúa Trời ban cho chúng…

Hai cha con lặng lẽ vượt qua mấy bờ đất khấp khểnh, chỗ thấp chố cao, nhấp nhô những tảng đá núi bị che phủ dưới lớp cỏ mục và dây rừng, chân bước bập bềnh như lội trên sóng nước. Dưới chân họ có bao nhiêu con rắn đang trườn đi trườn lại, nhưng khi chúng ngửi thấy mùi hương trầm tỏa ra từ tay người cha, tức khắc chúng nằm yên như đang say ngủ. Đó là thứ gỗ trầm đặc biệt lấy từ ruột cây ngao đá mọc chờm ra trên vách núi cao. Loại trầm ấy không quý giá như trong ruột cây gỗ gió nhưng lại là khắc tinh của loài rắn độc. Khi khói của loại gỗ này bay ra, làm cho thính giác của trăm loài rắn độc tê mê như bị thôi miên, chúng trở nên hiền lành, vô hại.

Hai cha con đi qua một khoảng bờ đất rậm rạp, cỏ lác, cỏ gai lớp lớp chồng lên nhau thì thấy một người đàn ông đang ngồi gục xuống bờ đất. Anh ta không còn kêu được nữa, toàn thân gần như tê liệt. Một chân của anh ta duỗi thẳng, con rắn hổ mèo quấn chặt ngang bụng, còn miệng nó thì ngậm chặt mấy ngón chân. Bình tĩnh và thận trọng, ông Phê đưa miếng trầm đang tỏa khói nghí ngút vào gần đầu con rắn. Con rắn nằm im, lờ đờ, duỗi dần ra như sắp chết. Ông thận trọng dùng ngón tay cái đã cụt đến gần nửa, thọc vào miệng con rắn cho rộng ra, nhẹ nhàng gỡ nó khỏi thắt lưng và bàn chân người bị nạn rồi xốc vội anh ta lên vai. Nhưng hình như sức ông đã yếu, chỉ đi được vài bước, lưng đã trĩu xuống, không làm sao bước thêm được nữa. Cô con gái cầm đèn đi trước, quay đầu lại, thấy thế, liền đưa cây đèn cho cha.

"Cha! Cha cầm lấy đèn đi cha"!

Người cha thì ngón chân ngón tay cùi cụt, nhưng con gái ông lại có thân hình cân đối, tròn lẳn của một thiếu nữ vừa độ trăng tròn, giọng nói êm ái dịu dàng, cánh tay dài, khỏe khoắn, nhanh nhẹn xốc người bị nạn từ vai ông già sang mình. Hai cha con cùng nhanh chân rảo bước về nhà.

Cô gái đặt người bị nạn lên chiếc giường tre được lót bằng nhiều loại cỏ khô, tỏa mùi thơm dìu dịu. Rất nhanh, người cha đi vội vào phía trong, lấy ra một ống nứa nhỏ, miệng ống nút bằng lá cây khô, bên trong đựng một thứ nước sóng sánh, màu vàng như tơ tằm. Ông đưa mắt ra hiệu. Lập tức người vợ cùng cô con gái lật nạn nhân nằm ngửa, kê đầu lên gối cao. Người con gái có đôi bàn tay trắng hồng với những ngón thon dài, bóp nhẹ hàm cho miệng nạn nhân há ra. Người cha nhanh nhẹn dốc thứ nước sóng sánh ấy vào miệng. Nhưng quai hàm nạn nhân đã cứng đơ, cái chết đến rất gần. Ông Phê liền bịt mũi nạn nhân và gập mạnh đầu anh ta lại. Ực! Cổ họng anh ta giật mạnh lên rồi giãn ra trong một áp lực cơ học cuối cùng của người bị nghẹt thở. Anh ta đã nuốt được nước giải độc quý giá vừa đổ vào miệng. Ông phê thở phào, nói nhỏ với vợ con: "Sống rồi"!...

***

Đầu thế kỷ trước, ở một bản người Mường có tên là Gia Dụ, vị trí nằm gần như gối đầu lên ngọn thác Ngốc Cùng, vùng thượng du một con sông lớn có tiếng là hung dữ. Nhiều đoạn sông bị những hòn đá núi khổng lồ đổ xuống do những vụ động đất từ thời tiền sử chặn ngang khiến dòng nước tức tối vồng lên cao rồi đổ xuống, nhìn lên giống như cái bờm của một con chiến mã khổng lồ. Mùa lũ thì gầm thét, căm hờn oán giận, mùa nước cạn lại như rên rỉ khóc than. Trong một gia đình vợ chồng nghèo ở gần cuối một bản Gia Dụ ấy, người chồng bỗng dưng mắc chứng bệnh lạ. Các đầu ngón chân, ngón tay của anh tự nhiên cứ cụt dần, nước vàng lẫn máu rỉ ra, tanh tưởi và đau đớn. Ít lâu sau, người vợ cũng bị chứng bệnh tương tự. Rõ ràng chứng bệnh này lây nhiễm rất nhanh. Người trong bản cho rằng cả nhà ấy đã bị mắc chứng hủi( theo cách gọi của cư dân ngày ấy) một căn bệnh lúc bấy giờ thuộc hàng "tứ chứng nan y", không phương cứu chữa. Vì lo sợ bị lây nhiễm căn bệnh gớm giếc nên cả bản không ai dám bén mảng đến nhà vợ chồng nhà này. Cuối cùng vì sự tồn vong của cả bản, lão lang Mường liền mời thầy mo đến. Sau khi lập đàn cúng bái, dân bản chọc tiết con trâu mộng lấy máu tế thần rừng, liền tập hợp đinh tráng mang gậy gộc, vôi bột đến đổ xung quanh nhà ấy và buộc vợ chồng phải dời đi nơi khác, thật xa, nếu không đi, nhà sẽ bị thiêu cháy, còn người đem chôn sống rồi rắc vôi bột lên trên để diệt con vi trùng hủi, tránh hậu họa cho cả bản. Vợ chồng nhà ấy, tức là bố mẹ ông Phê bây giờ, trong cơn bĩ cực, hoảng loạn, không còn biết dọn đi đâu, đành phải chuyển ra cánh đồng hoang vắng đầy thú dữ, rắn rết, không một bóng người qua lại này lánh nạn, tồn tại cho đến bây giờ.

Trong những hoàn cảnh khốn khổ tuyệt vọng của con người, đôi khi hình như lại có bàn tay nhân từ của Đức Chúa Trời giơ ra cứu vớt. Sau khi ra cánh đồng dựng nhà sinh sống, bố mẹ ông Phê tình cờ phát hiện ra một loại cây rừng có công hiệu kháng lại nọc rắn cực độc ấy. Khi bị rắn cắn, chỉ cần nhai nát vài lá cây đó, nuốt lấy nước, nọc độc trong máu sẽ bị trung hòa. Còn ruột cây ấy thì khi đốt lên, trăm loài rắn độc hít phải đều lảng xa. Bố mẹ ông Phê và sau này là vợ chồng ông, nhờ cây ngao đá ấy mà đi lại trong bãi hoang đầy rắn độc vẫn bình yên vô sự. Lũ rắn độc hít phải thứ thần dước đó, như một phản xạ tự nhiên, chúng trở nên đù đờ, hiền lành. Trong hoàn cảnh đói rét bệnh tật, vì chưa trồng trọt được lương thực, nhờ có tình yêu, và vũ khí là cây ngao đá mà bố mẹ ông Phê bình an cuốc đất, trồng ngô, gieo lúa, đánh cá dưới sông, tự nuôi sống mình, sau đó sinh ra ông Phê. Dân bản Gia Dụ ngày ấy đinh ninh là vợ chồng nhà bị bệnh hủi không chết do rắn độc cắn thì cũng chết vì đói rét. Nhưng họ cũng không thể ngờ là gia đình nhà bị hủi, năm tháng trôi qua vẫn tồn tại, bất chấp hiểm nguy rình rập và sự kỳ thị của những người dân trong bản. Từ phía cánh đồng xa xa, đêm đêm, người trong bản Gia Dụ vẫn nhìn thấy ánh lửa ấm áp trong gia đình bị hủi lọt qua vách nứa, lấp lánh reo vui. Và mỗi buổi chiều, khi trời quang mây tạnh, ngọn khói lam yên ả trong ngôi nhà tre lá của vợ chồng nhà ấy vẫn tỏa lên, báo hiệu một cuộc sống bình yên.

Năm tháng cứ thế trôi qua, người con trai của đôi vợ chồng bị hủi đó lớn lên và trở thành một chàng trai tráng kiện. Trong một lần ra sông đánh bắt cá, anh đã cứu được một người con gái trẻ trên thượng nguồn bị lũ cuốn. Đó là một trận mưa lũ khủng khiếp nhất của thế kỷ. Nước sông dâng lên ngập đến chân thác. Thác cũng không thể gầm gào bởi không còn chênh lệch dòng chảy. Buổi sáng hôm ấy, anh Phê đang ngồi bên bờ sông, ngay khúc ngoặt gần nhà. Gỗ rừng, nhà sàn, trâu bò bị nước cuốn ken đặc trôi trên mặt sông. Bổng anh nhìn thấy một cái đầu người nhấp nhô và một cánh tay chấp chới giữa dòng nước xiết. Không đắn đo cân nhắc, anh vội lao xuống dòng nước lũ như một con rái cá. Khi tiếp cận, thì đó là một cô gái trẻ. Cả nhà cô bị dòng lũ quét cuốn trôi, chỉ mình cô còn sống sót vì nhanh tay ôm chặt nhánh của một cây gỗ lớn. Cả hai gần như trần truồng khi vào đến bờ. Duyên số đến như có từ tiền kiếp. Để đền ơn cứu mạng, cô gái đã đồng ý kết duyên với anh và trở thành vợ ông bây giờ…

"Cha đưa tay con rửa nước lá thuốc nào cha". Tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của con gái như kéo ông khỏi dòng hồi ức buồn thảm. Vừa nói, con gái ông vừa bê chậu nước lá thuốc đã pha chỉ còn hơi âm ấm, đặt cạnh người cha. Cô nhẹ nhàng dùng khăn lau từng đốt ngón chân bị vi trùng hủi ăn gần cụt hết, màu da đã tái ngắt. Ông Phê cảm thấy thật dễ chịu. Bệnh tình của ông hình như có đỡ hơn trước do nước thuốc lá ông tìm được có khả năng kháng khuẩn mạnh.

- Đỡ hơn không cha?

- Cha đỡ nhiều rồi con gái ạ! Con dành thời gian chăm sóc người đàn ông bị rắn cắn đêm qua đi con. Trông anh ta thật tội nghiệp. Chắc ở dưới xuôi, cũng thuộc vào những gia đình đói khổ nên mới lặn lội lên miền rừng hoang núi thẳm tìm trầm mong đổi đời đó con.

- Con đã cho anh ta uống thuốc và đắp lá lên chỗ rắn cắn rồi mà cha!

- Ừ! gái yêu của cha! Cả nhà ta đã bị đẩy ra cánh đồng hoang vắng này, cha con mình gắng làm điều thiện, cứu người, cứu vật khi hoạn nạn, may ra trời Phật động lòng, giải thoát kiếp nạn cho cả nhà ta chăng?

- Vâng! Thưa cha! Con xin vâng theo lời cha dạy.

Chao ôi! Con gái ông hiền lành thánh thiện là thế! Trong sâu thẳm tâm hồn, ông có thể tự mình chăm sóc bản thân, nhưng ông muốn con gái ông thực hành tự lòng nó, để rồi ông mừng. Ông mừng không phải vì ông được con ông báo hiếu. Ông mừng là nó đang tự giải cứu cuộc đời nó và tương lai con cháu nó sau này bằng thực hành cái tâm cái đức. "Ở đời, để có được cái tâm sáng ấy, phải tự bồi đắp từ mấy kiếp nhân sinh đó con! Cha con ta phải làm lại tự kiếp này" - Ông tự nhủ…

Người đàn ông bị rắn độc cắn đêm qua đã tỉnh táo. Anh ta còn trẻ, da mặt tái xám do nhịn đói đã nhiều ngày, lại bị nhiễm độc, ngơ ngác nhìn những người trong nhà. Nhìn bát nước lá thuốc cô gái đang bưng trên tay, anh đã hiểu ra tất cả. Đêm qua anh bị rắn độc cắn và đã được những người trong một gia đình này cứu sống. Anh nhìn thấy hai vợ chồng chủ nhà đều bị "con hủi" ăn gần cụt hết các ngón chân và một bên ngón tay. Chỉ có cô con gái tay chân lành lặn, nước da tươi non, hồng hào và rất xinh đẹp…

- Cháu đội ơn hai bác và cô đã cứu sống! Ơn này cháu sống xin tạc dạ, thác mang theo ạ! Xin hai bác và cô cho cháu lạy ba lạy ạ! - Anh run run quỳ gối trước mặt ông bà Phê.

-Đứng dậy đi cháu! Ông Phê bổng dưng thấy một tình cảm ấm áp như tình cha con trỗi dậy. Mấy chục năm nay, nhà ông có người lạ nào đến viếng thăm dâu? Tất cả người dân trông thấy người trong gia đình ông đều "trốn như trốn hủi". Ông đưa đôi tay cùi cụt đỡ chàng trai đứng lên.

- Cháu ạ! Hai bác và em gái đây cũng từng lâm vào cảnh ngộ khốn cùng, sống cũng như chết! Cháu thấy đấy! Trước là ông bà, giờ thì đến vợ chồng bác. Khi những người trong gia đình bác bị bệnh, dân làng đã dồn đuổi cả gia đình ta ra cánh đồng hoang vu và đầy rắn độc này. Vì ông trời con thương cho nên cả nhà ta đến bây giờ vẫn sống bình yên. Vận số nào run rủi cho bác cháu ta gặp nhau? Nào, lại đẩy cháu. Mà làm sao cháu đi lạc vào chốn đồng hoang đầy rắn độc nơi đây?

- Hai bác ơi! Quê cháu ở một vùng đồng bằng phía hạ lưu con sông cạnh nhà ta đây. Cháu theo bạn lên núi tìm trầm để may ra đổi đời, nhưng họ đều mắc một chứng bệnh lạ, đã chết trên núi cả rồi. Chỉ còn lại một mình, cháu đành lần mò xuống núi, tìm đường về quê. Vì hàng ngày, từ trên núi cao, cháu đã nhìn thấy ánh lửa từ bếp nhà bác lọt qua vách nứa. Có thể đó là nguồn ánh sáng mà Đức Chúa Trời ưu ái hướng cho cháu đi tới chăng? Nhìn con sông gập ghềnh uốn khúc bên cạnh nhà ta, mách bảo cháu hãy mau tìm xuống, nơi đó đang có người ở, sẽ được họ cứu giúp. Cháu đành liều mình băng rừng tìm đường xuống, theo niềm tin tự bản thân, nhưng không ngờ khi qua cánh đồng này thì bị nạn. Có lẽ trời còn thương cháu nên mới được hai bác và em nhà cứu giúp. Cháu xin thề sẽ tình nguyện ở lại nơi đây hầu hạ hai bác cho đến trọn đời mãn kiếp ạ!

- Đừng thề vội, con trai! Lời thề phát ra thì nhẹ, nhưng để thực hiện, còn nặng hơn ba quả núi kia! Dưới quê, cháu vẫn còn song thân kia mà! Không có tình thân nào bằng ruột thịt đâu cháu. Cháu có thể ở lại đây với hai bác và em gái cháu, nhưng khi nào động lòng nhớ cha mẹ, công dưỡng dục sinh thành, cháu cứ việc kết bè, thả trôi theo dòng con sông bên nhà ta mà về xuôi"…

Chàng trai đã ở lại với ông bà Phê và cô con gái, tận tâm báo đáp ân tình của người đã cứu giúp mình. Có thêm người trai trẻ khỏe trong nhà, gia đình ông như được tiếp thêm sinh khí. Vợ chồng ông Phê vỡ thêm được nhiều thửa đất trồng trọt. Họ sống yên ổn và hạnh phúc bên nhau, cách biệt với làng bản, những kẻ đã nhẫn tâm xua đuổi và dồn gia đình họ đến sát chân tường. Mặc dù sống bên cạnh bố mẹ cô gái bị hủi, nhưng anh không hề ghê sợ, cùng cô gái chăm sóc chu đáo ân nhân của đời mình. Rồi anh đem lòng thương yêu cô gái xinh đẹp và ngỏ lời yêu cô.

- Em xin anh! Cô gái run rẩy quỳ xuống trước mặt chàng trai. Cô khóc vì sung sướng. Cô biết rằng, cả nhà cô bị dồn đuổi ra chốn cùng cực này thì gặp được một người đã khó chứ nói chi có người đàn ông nào thương yêu? Cô thổn thức:

- Anh hãy về xuôi với cha mẹ và cô em gái của anh đi! Anh ở lại đây nhỡ lây bệnh của bố mẹ em thì sao? Em không dám nhận lời đâu anh!

Chàng trai quả quyết: -Anh không đi đâu cả! Anh đã đến đây rồi thì không bao giờ bỏ mặc cha mẹ và em! Anh dám chắc là ông trời sắp đặt chuyện vừa qua để thử thách tình yêu của chúng ta mà thôi, em ạ! Em đừng e ngại điều chi nữa! Anh đã mang lòng yêu thương em ngay từ lúc đến nhà. Anh sẽ ở bên em, cùng em chăm sóc cha mẹ già đến trọn đời.

Cô gái thực sự cảm động. Cô đã nghe thấu những lời nói ân tình từ sâu thẳm trái tim chàng trai. Họ ôm chặt nhau trong nước mắt vui sướng, lẫn tủi hờn.

Những ngày sau đó, thương con, ông bà Phê làm thêm một cái lán để ở. Vợ chồng chúng nó phải ở riêng. Trong thâm tâm, ông bà suy nghĩ, ở riêng ra như thế, chúng sẽ không bị lây căn bệnh quái ác của cha mẹ. Sau này chúng sẽ sinh cho ông bà những đứa cháu lành bệnh, xinh xắn…

Vào một chiều cuối xuân, khi đó, ngoài trời đang là tiết thanh minh. Những cây gạo dọc hai bờ sông bung hoa đỏ rực cả một góc trời. Từng chùm hoa lác đác rơi xuống khắp hai bờ sông, đỏ rực, trông xa như ai vừa đổ lửa. Chàng trai tự nhiên thấy bụng cồn cào như lửa đốt, lòng tha thiết nhớ quê, anh rụt rè đến gần thầm thì với cha vợ:

-Cha ơi cha! Con đã ở lại đây với cha mẹ và vợ con hơn hai mùa hoa gạo rồi! Cha có thấy không! Ngoài bờ sông kia, hoa gạo nở đỏ rực như lửa đốt lòng con. Con muốn xin phép cha mẹ cho con về xuôi, nơi cha mẹ già và hai đứa em đêm ngày nhắc nhớ con. Chắc rằng lâu nay, họ tưởng con đã chết thảm nơi rừng xanh núi thẳm. Bố mẹ và hai em con chắc khóc nhiều lắm vì thương xót con. Con muốn mang tin vui về cho bố mẹ và các em con. Cha ơi cha! Cha mẹ cho con về một thời gian rồi con sẽ ngược lên cùng với vợ con hầu hạ cha mẹ, cha mẹ nhé!...

Lúc bấy giờ ông bà Phê cũng đã yếu, nhưng thương con rể và nó nói cũng có tình có lý lắm. Lâu nay nó sống bên cạnh ông bà, biết rõ nó là rể hiền. Ông gật đầu chấp nhận.

- Con đã quyết như thế thì cha mẹ cũng đành chấp thuận. Nhưng con nhớ lời cha dặn đây! Về quê gặp được bố mẹ, các em xong rồi thì sắp xếp công việc, quay lên với vợ con, con nhé! Nếu con không lên, vợ con chắc sẽ không sống nổi đâu. Vì cuộc đời nó không thể thiếu vắng con, con rể yêu quý của cha nhé! Cả nhà ta giờ chỉ còn trông cậy vào con thôi…

- Vâng! Thưa cha. Con hiểu rồi ạ! Con xin hứa với cha, chỉ có cái chết mới chia lìa con với vợ con thôi cha!

Sáng hôm sau, cả mấy cha con cùng chặt luồng, nứa kết thành một chiếc bè nhỏ, làm thêm mái lán che mưa nắng, một mái chèo và một cây sào dài để chống, rồi cả bốn người bịn rịn chia tay, người nào cũng rơi nước mắt. Chàng rể tự đẩy bè ra xa bờ, một mình vượt gềnh thác, theo dòng sông về xuôi. Đêm hôm đó, trên chiếc giường tre, chỉ còn lại cô gái nằm một mình. Ngoài kia là dòng sông nước đang réo ầm ầm, càng về khuya càng dữ. Chắc mé trên thượng nguồn vừa có mưa lớn. Bụng dạ cồn cào, cô không sao chợp mắt được, lo cho chồng gặp cơn lũ lớn, bè mảng mong manh, liệu có an toàn mà về với gia đình anh không? Ở phía bên kia cánh đồng, nơi hai năm về trước chồng cô bị nạn, không gian như còn lưu lại tiếng kêu "cứu với, cứu với". Âm thanh như kéo dài, ngân vọng như tiếng kêu của một loài chim ăn đêm. Cũng từ phía ấy, bỗng đâu vang lên tiếng kêu éc éc của con chim lợn đệm vào, như báo trước một điềm gở. Cô gái nằm quay mặt vào bờ liếp, ôm mặt nức nở. Trong bụng cô, cái mầm sống nhỏ nhoi mà chàng trai vừa theo dòng nước về xuôi gửi lại đã bắt đầu cựa quậy…

Ba năm trôi qua, thằng bé trai kháu khỉnh, giọt máu của chàng trai gửi lại, cất tiếng nói bi bô bên mẹ, nhưng cha nó thì vẫn biệt vô âm tín cùng với lời thề sẽ quay trở lại. Không biết anh ta quên lời thề với ông bà Phê và người vợ trẻ yêu quý hay đã bị dòng nước lũ hung dữ dìm xuống đáy sông sâu rồi…

***

Đó là một buổi chiều cuối xuân, đang độ tiết tháng ba, ngày mà gần hai mươi năm trước, chàng trai bị rắn độc cắn được cha con ông gìa bị bệnh hủi cứu sống, từ biệt họ,về xuôi. Nước sông ở hai bờ con sông này đang vào mùa đông ken. Phía trên ngọn thác Cùng Cốc, tiếng nước chảy trong veo, vẳng xa lúc thăng lúc trầm như tiếng nhạc. Dọc hai bên bờ sông, hoa gạo nở bung, rực đỏ cả một khoảng trời. Có hai mẹ con người đàn bà từ dưới bờ sông bước lên. Họ tìm đúng vị trí của ngôi nhà ngày trước, ngồi bên nhau như đợi một ai đó. Người mẹ đã luống tuổi, mái tóc trên đầu chị đã có nhiều sợi bạc. Cảnh vật nơi đây hoàn toàn thay đổi. Cánh đồng ngày xưa đầy rắn độc đã được san ủi, mở rộng đến tận phía chân núi. Dưới chân ba ngọn núi, những ngôi nhà vừa mới xây, có vẻ như một xóm làng nào đó tái định cư. Hai mẹ con ngồi ở vị trí ấy, cùng nhìn sang phía bên kia sông, nơi có ngôi đền thờ Thủy Thần tọa lạc dưới chân dãy núi đá. Ngọn núi cao sừng sững, có vách dựng đứng hình cánh buồm, chắn ngang một khoảng trời, trông xa như một cánh buồm no gió. Ngôi đền thờ Thủy Thần ấy đã có từ mấy trăm năm trước. Năm tháng trôi qua, ngôi đền vẫn được dân quanh vùng chăm sóc, nghi ngút khói hương. Chắc chắn rằng, người đàn bà ấy đã xác định đúng vị trí này, nơi mà hơn hai mươi năm trước, gia đình bà đã dựng nhà sinh sống. Không gian như bị nhuốm đỏ bởi nhưng bông hoa hoa gạo từ trên cành cao bị gió lay, lã tã rơi xuống. Chiều đã muộn. Khi hai mẹ con nhà nọ có ý định xuống thuyền trở về thì trên ngọn cây gạo, bỗng dưng có một con chim màu vàng tía cất tiếng kêu "kíếu kiếu". Âm thanh của tiếng chim như mừng rỡ chứ không giống tiếng kêu "cứu với, cứu với" của người bị nạn hơn hai mươi năm về trước, tiếng chim như gợi nhớ lại hồi ức xưa, khiến chị bất giác bồi hồi. Bất ngờ từ phía bờ sông, cũng lối đi mà hai mẹ con vừa đi lên, bổng xuất hiện một người đàn ông đi tới. Ông ta ăn vận quần áo lính đã cũ sờn, từ từ tiến lại phía hai mẹ con. Dưới ánh chiều tà, khuôn mặt đầy nếp nhăn của ông như sáng rực lên. Người đàn bà chăm chăm nhìn như bị thôi miên. Mặt chị bỗng dưng tái đi, chị thét lên một tiếng, hai chân bủn rủn như muốn khụy xuống. Chàng trai trẻ vội vàng chạy lại đỡ lấy mẹ. Trong tích tắc, người đàn ông cũng nhận ra người đàn bà đó là vợ mình, cho dù đã xa nhau hơn hai chục năm. Ông chạy lại ôm gì lấy vợ, cả hai người đứng lặng yên dưới ánh nắng chiều đang gần tắt, giữa màu hoa gạo đỏ rực bên sông…

***

Đêm ấy, chị kể cho anh nghe tường tận khúc nôi của gia đình mình. Chị bảo, sau khi anh lên bè trôi theo dòng sông về xuôi, ba năm sau, cha mẹ và chị được được Nhà nước đưa vào trại phong để chữa bệnh. Căn bệnh quái ác tưởng vô phương cứu chữa thì lúc này đã có thuốc đặc trị. Vì khi chia tay, gia đình ở cách biệt với dân bản, không biết được chính xác ngày tháng, mà chị chỉ nhớ khi ấy đang là mùa hoa gạo. Những cây gạo cổ hai bờ sông bung hoa đỏ rực. Từng đàn chim sáo bay đến đậu trĩu cành, khiến những bông gạo đỏ rực đã tàn, rơi lả tả xuống gốc cây như những chùm lửa. Không nguôi nỗi nhớ chồng, năm nào cũng thế, mỗi khi đến mùa hoa gạo nở, chị lại tìm về vị trí ngôi nhà xưa, với niềm hy vọng người chồng của chị nếu còn sống cũng nhớ đến mà tìm nhau. Vậy mà lần này, niềm tin yêu mãnh liệt về một cuộc gặp gỡ với người chồng thân yêu đã thành sự thật…

Còn anh, anh kể cho chị nghe những tháng năm vất vả truân chuyên của cuộc đời mình. Năm ấy, khi anh về đến quê nhà, cha mẹ anh mừng lắm. Anh đã kể cho cha mẹ nghe về việc anh bị lạc xuống cánh đồng đầy rắn độc và bị nạn. May được cha con một gia đình cứu giúp thoát. Anh đã yêu và lấy cô con gái nhà ấy làm vợ. Năm ấy, cũng là năm chiến tranh lan ra miền Bắc, anh vào quân ngũ, dấn thân nơi trận mạc gần chục năm trời. Không thể gửi thư tin cho chị, và có gửi thì thư cũng không đến tay. Khi bị thương, anh được xuất ngũ thì cha mẹ anh đã qua đời, cô em gái lấy chồng, cậu em trai vào lính. Thương nhớ người vợ tội nghiệp, anh bươn bả ngược sông, tìm đến nơi ở xưa thì chỉ còn lại nền đất mốc meo, rêu phong phủ kín. Nhưng anh vẫn nuôi một niềm tin, là nếu vợ anh còn sống, thì chắc chắn cứ đến mùa hoa gạo cũng sẽ tìm về chốn cũ tìm anh. Với một niềm tin như thế, hàng năm, cứ đến tháng ba, mùa hoa gạo, anh lại tìm về chốn xưa mong gặp được người vợ hiền, ân nhân của đời mình. Anh vẫn nhớ như in con đường nhỏ từ bờ sông đi lên, phía bên kia là ngọn núi hình cánh buồm, dưới chân núi, có đền thờ Thủy Thần. Còn ngôi nhà của gia đình vợ, phía bên phải là cây gạo cổ, gốc rễ sù xì, có một cành lớn vươn ra phía bờ sông. May thay, tấm lòng của vợ chồng anh, trời Phật đã phù hộ…


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận