ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 14/02/2025 14:35

Bút ký “Nhát cuốc làng rèn” | Bùi Hữu Thược | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe Bút ký "Nhát cuốc làn rèn" của nhà văn Bùi Hữu Thược qua giọng đọc Minh Hồng.

Bảy giờ sáng, ông Hào đã đánh xe oto đỗ xịch ở sân nhà tôi, tính ông chính xác đến từng phút. Ông xuống xe nói ngay:

- Tôi hoàn thành nhiệm vụ phụng dưỡng chó, mèo, gà, ngỗng rồi và xin phép tạm biệt các vị ấy lúc sáu rưỡi. Tôi và ông giờ ta đi ăn sáng, uống cà phê rồi tám giờ đi làng rèn.

Tôi trả lời ngay:

- Đi thôi!

Ông Hào có cái cuốc xới xáo rất ngọt, nhãn hiệu con gà trống của Trung Quốc từ thập niên 60-70 thế kỷ 20 của bố mẹ ông để lại, tuy mòn vẹt nhưng cuốc vẫn rất sắc và sướng tay. Thằng chú cạnh nhà ông, vườn cũng rộng, mượn. Không rõ đã vào sọt đồng nát để bảo vệ sức khỏe cho ông anh U70? Hay hắn quá thích?... Hắn nói, không thấy nữa. Ông tiếc đứt ruột, biết thế không khảo thêm. Lộn tìm mua cuốc con gà trống mấy vòng không có, một hôm ông lọ mọ ra tận nhà tôi, mặt đỏ lựng, vừa đặt đít xuống ghế ông liền lệnh:

Thằng con trai ông đâu? Gọi nó ra đây! Vâng ạ. Cuốc rất sắc, sướng! Hơn đứt cuốc con gà trống Trung Quốc. Sao ông ở một mình buồn thế?

Tôi vội gọi con trai đang đi làm cách nhà mấy kilomet về. Ông nói như bổ lên bàn:

- Mày làm rể làng rèn, nhớ về bảo bố vợ mày rèn cho bác cái cuốc tốt, hết bao nhiêu bác trả, tiền hay rượu đều có.

Nó biết ông tính thích cuốc xáo, hôm sau nó về làng rèn tìm lấy ngay không chỉ một mà hai cái: một vét xáo và một cuốc. Nhờ có hai cái "vũ khí" cầm tay sát sườn ấy tôi kéo theo hai ông bạn, hai cây rượu, làm cuộc hành quân đưa "vũ khí" vào tận nhà cho ông. Một ông nguyên là giáo viên chuyên toán thường gọi là "lò luyện đan" và một ông "chính trị gia" nguyên là hiệu phó trường chính trị tỉnh. Ngày chống bành trướng ba ông cùng đại đội, các ông là chúa sinh ra nhiều trò nghịch: chui vào hang đá trên chốt lừa bọn Tàu cho chúng vãi tốn đạn, khi bọn chúng tưởng bở bò lên các ông mới cho ăn kẹo đồng; rồi thì thi nói phét mỗi khi ngớt tiếng súng, đồng đội nào thua, phải mất thuốc lá, thuốc lào…

Tay "chính trị gia" đến trước cổng nói lớn:

- Đảng, chính quyền và thảo dân hôm nay giao cả "cuốc gia" cho ông đây! Ông Hào hớn hở ra đón nói ngay:

- Xin tuân chỉ, biết ba vị đến giao trọng trách lớn tôi đã chuẩn bị gỏi cá Dang bãi ngang và rượu tăm chôn góc vườn chu đáo.

Có cuốc, ông bỏ mặc ba lão già với mâm rượu, ra vườn cuốc cho đã hờn vì từ ngày mất cuốc người ông bức bối, tay chân như bị cùm, khí huyết như tắc nghẽn. Vả mồ hôi, xoa tay ông nói:

Hôm đó, bốn ông được bữa no say toát mồ hôi. Từ hôm đó, sau mỗi lần cuốc xáo, ông lại điện dặn tôi:

- Bữa mô tôi và ông ta phải ra chơi với ông thông gia của ông, uống rượu cảm ơn ông ấy đã cho tôi hai cái cuốc sắc làm vườn rất đã hờn! May có cái cuốc, tôi mới giải tỏa cơ bắp, lưu thông khí huyết, tinh thần thêm sảng khoái, đỡ bức xúc với bà xã, hưu rồi mà cứ líp ở thủ đô không chịu về quê.

Ông dân bãi ngang, trắng sóng cát bốn mùa. Ông lăn lộn với con cá củ khoai, gian lao với vằng lưới, cái liềm, cái cuốc, vật vả với con tính, mẹt chữ, qua hết lớp nhỏ đến lớp lớn, đi lính quăng quật với bom đạn không chết. Rồi ông tích cóp chữ nghĩa, cộng trừ công trạng lên đến chức Vụ trưởng tổng hợp, chuyên cày cuốc xới xáo trên mặt giấy trong văn phòng Chủ tịch nước. Về hưu, ông tuyên bố tiếp tục làm người tử tế, không cày xới công việc anh em đã đang làm, chỉ cuốc xới chăm mảnh vườn tổ tiên ông để lại. Nên cây trái vườn ông sum suê, mùa nào thức nấy. Từ khi về hưu ông cho vợ chồng tôi đủ thứ, nào: chay, ổi, bưởi, hồng, chuối, bồ quân đến nước mắm, trứng gà, trứng ngỗng, chó con, mèo con… Và có dịp tết, ông cho tôi cả một lồng đến bảy tám con gà toàn trống to xù, gáy loạn làm cả xóm mất ngủ. Không ít bạn bè cứ muốn lui tới với ông vì tính ông bổ bả chân chất, vườn ông nhiều quả, chuồng nhà ông nhiều gà và đặc biệt ông có chum rượu ngon chôn góc vườn. Gần biển, nên sáng nào ông cũng chạy vài cây số, cuốc xới một lúc cho mảnh vườn rồi mới tắm rửa ăn sáng, chân tay ông từ khi hưu có vẻ lại săn săn, bớt beo bủng. Da tóc ông về già lại đỏ như sấy khói. Mặt ông có gió biển vuốt ve nên có phần thư thả, giảm bớt những nếp nhăn toan tính cung đình. Nhiều người nóí:

Ông bảo:

- Buồn chi? Đã có hai con chó, hai con mèo, hai mươi con gà và bốn con ngỗng, lại cuốc xáo suốt ngày, buồn chi? Chỉ nhớ tý bà xã, về hưu còn luyến tiếc với cái thú "gõ đầu bọn đầy tớ", ở miết thủ đô thôi!

- Sao bả không về ông?

- Vì bả còn nghiện dạy cách làm "công bộc" cho lớp quan kế cận…

Tám giờ ăn uống xong, qua cửa hàng rượu ông mua một chai uytky Âu châu 1lit rồi đi thẳng làng rèn Tiến Lộc, huyện Hậu lộc. Đến gần làng đã nghe tiếng búa to nhỏ, tiếng máy mài máy cắt inh tai. Lửa đá mài bắn sáng tung tóe như sao chổi giáng hạ vào các xưởng. Ông thông gia niềm nở ra đón. Pha ấm nước, tôi giới thiệu khách với ông, mỗi người mới uống một hớp trà, ông Hào nói ngay:

- Vì cây dây leo, cảm ơn ông đã biếu tôi hai cái cuốc tốt lắm! Tôi có chai rượu biếu ông tiếp bạn hữu. Bây giờ, uống nước rồi ông cho chúng tôi đi tham quan làng nghề của ông, nghe và dùng sản phẩm rồi, bây giờ phải thấy gia công chế tác mới đã...

- Vâng, mời hai ông đi theo tôi.

Chúng tôi theo chân ông thông gia. Ngay gian cạnh nhà là một xưởng máy gia công cán dao, to nhỏ, ngắn dài đủ loại, của vợ chồng anh Phạm Văn Đại con trai cả ông thông gia của tôi đảm nhiệm, sản phẩm làm ra giao nhập cho khắp làng rèn và các xưởng rèn trong ngoài tỉnh. Dọc đường ngõ là hàng đống gỗ làm cán dao để la liệt. Ông thông gia dẫn chúng tôi vào gia đình ông Khôi bên cạnh. Bước vào sân, ông thông gia giới thiệu với mọi ngừời:

- Đây là ông thông gia của tôi- bố chồng cháu H, đây là ông Hào bạn của ông thông gia tôi mới ở Hà Nội về, các ông có mong muốn đến thăm làng nghề Tiến Lộc của ta.

Mọi người chào chúng tôi nhưng tay mắt vẫn tập trung vào công việc. Trước mắt chúng tôi là búa máy, quạt, máy mài, máy gọt, máy phay, lò than đỏ rực, mọi thứ đều sử dụng điện đang hoạt động nhịp nhàng. Các thợ đang điều khiển máy đập, mài, tinh chỉnh sản phẩm dao to, dao nhỏ ngắn dài đủ các kiểu. Trong sân, khu thì để vật liệu, khu để phôi, khu để thành phẩm cần đóng gói, nhiều chồng cao các hộp cát tông sản phẩm nhãn mác ngay ngắn chờ xuất xưởng…Sau đó, chúng tôi đến nhà anh Phạm Văn Năm, hai vợ chồng anh chuyên sản xuất cuốc. Ông Hào nhận ra ngay loại cuốc ông đang sử dụng. Anh Năm cho biết: nguyên liệu làm ra loại cuốc tốt phải là thép tốt, gia công phải đúng kỹ thuật. Rồi anh giới thiệu máy móc, từng cung đoạn để làm ra cái cuốc hoàn chỉnh. Chúng tôi hỏi, anh Năm cho biết, vợ chồng anh đầu tư khoảng hai tỷ đồng cả máy móc vật liệu, thuê hai công nhân, trả lương, chi phí tất các khoản, lãi ròng một tháng được khoảng 30 triệu. Chưa kể xưởng, anh chị còn hỗ trợ khách hàng, các đại lý bán hàng vài tỷ hàng hóa chưa thu về nữa.

Chúng tôi đi thăm gần chục xưởng các gia đình chung quanh: nhà sản xuất cuốc, nhà sản xuất dao, nhà sản xuất liềm, nhà chuyên kéo cán thép, nhà chuyên gia công phụ kiện cho máy cày máy bừa, nhà chuyên cung ứng than- cung cấp chất đốt cho làng... Riêng sản xuất dao đã có rất nhiều loại: dao to, dao nhỏ , dao thái chuối, dao chặt cây… Xưởng chuyên sản xuất dao theo chất liệu thép đen truyền thống, nhiều cung đoạn bí truyền rất tỷ mỹ, có xưởng chuyên làm dao bằng thép trắng không rỉ nhập ngoại. Tôi nghĩ, điện khí hóa, giấc mơ của nền sản xuất chủ nghĩa xã hội với Tiến Lộc hôm nay đã thành hiện thực.

Đi khoảng hơn một tiếng chúng tôi về ăn cơm với ông thông gia. Tiến Lộc gần biển nên trên mâm toàn đặc sản biển nào: tôm, mực, cua, cá …Và uống rượu Chi Nê OCOP 3 sao một loại rượu nổi tiếng của Hậu Lộc chiết xuất từ nếp cái hoa vàng kết hợp nhiều vị thuốc thảo mộc nên thơm ngon lạ. Cả nhà vui vẻ nói đủ thứ chuyện, vui nhất là chuyện làm ăn tấn tới, làng không còn hộ nghèo, con em của làng được ăn học… Qua câu chuyện chúng tôi biết làng có từ bao giờ không ai nhớ, chỉ biết ban đầu làng tên là làng Tất Tác là tên chung của ba làng Ngọ, Bùi, Sơn có nghề rèn cha truyền con nối. Thờ thành hoàng làng là ông tổ nghề rèn Lê Cao Sơn người đất Bắc di cư vào xứ Thanh. Đình làng thờ ông Cao Sơn là Thành hoàng làng-Thánh Tổ nghề rèn. Về sau con cháu của làng di cư mang nghề rèn đi nhiều nơi. Nghề rèn của làng từ xưa đã góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Trong đó, phải kể đến đóng góp nghề rèn của làng xây dựng chiến khu Ngọc Trạo chống Pháp. Làng Tất Tác này bây giờ có khoảng hai ngàn hộ, gần mười ngàn người. Bây giờ, làng rèn đã thành đơn vị hành chính xã chia thành 5 làng là: làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn, làng Xuân Hội và làng Thị Trang. Hiện làng rèn có tổng 20 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp trực tiếp làm nghề rèn và hơn 1.500 hộ chuyên rèn. Sản phẩm của làng có hàng ngàn mẫu mã. Giá trị sản phẩm rèn cùng các địch vụ đi kèm năm 2023 đạt 604 tỷ đồng chiếm 93,3% tổng thu nhập của xã. Bình quân thu nhâp đầu người đạt 63 triệu đồng năm 2023. Đất làng này đắt ngang đất thủ đô Hà Nội. Lớp trẻ của làng bây giờ chăm chỉ làm ăn, nhiều thanh niên chưa xây dựng gia đình nhưng đã có vốn nhiều tỷ đồng. Và trong câu chuyện ông thông gia mời anh em ăn xong ở lại đi tham quan tiếp làng nghề. Vừa ăn xong một thanh niên khoảng 26-27 tuổi cao to trắng trẻo đi oto đến. Ông thông gia giới thiệu:

- Đây là cháu Phạm Văn Tiến -Bí thư đoàn thanh niên của làng, chủ một xưởng rèn, sẽ dẫn các ông đi tham quan.

Mấy anh em tôi lên xe đến xưởng rèn Tấn Lộc Tài của anh Tiến, trên con đường bê tông của làng mới mở rộng rãi. Xưởng Tấn Lộc Tài của anh nằm trong khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp 3ha bao gồm nhiều xưởng thành phần của bà con trong xã. Anh có hai xưởng diện tích 1600m2. Bước chân vào xưởng chúng tôi đã thấy máy móc hiện đại được lắp đặt ngay ngắn đang hoạt động nhịp nhàng, cơ man là sản phẩm, nhiều gói hàng hóa đã hoàn thiện, công nhân đang say sưa công việc. Các sản phẩm dao thép không rỉ xưởng Tấn Lộc Tài đạt tiêu OCOP 3 sao đang được đóng gói để chuyển đi khắp các vùng miền. Chúng tôi được chủ nhân giới thiệu máy móc trong dây chuyền sản xuất; số lượng công nhân lao động thời điểm cao đến hơn 100 người; sản phẩm của xưởng Tấn Lộc Tài đã đi khắp 64 tỉnh thành trong nước và nhiều nước trên thế giới. Ông Hào mua ngay 5 bộ dao nội trợ mỗi bộ ba con đựng trong hộp gỗ thông bóng lộn có khắc chìm thương hiệu Tấn Lộc Tài đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tặng cho các bà gồm: vợ ông, vợ tôi và vợ mấy ông bạn. Sau tham quan xưởng rèn Tấn Lộc Tài, chúng tôi đến xưởng anh Kiều Văn Bích 33 tuổi chuyên sản xuất dụng cụ cầm tay. Xưởng mới đầu tư một hệ thống máy hoàn toàn tự động hơn chục tỷ đồng với công nghệ tui và mài hiện đại nhất thế giới. Hệ thống máy tui mài dao mỗi ngày ra xưởng gần năm ngàn con dao, sản phẩm nào cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi được biết làng còn có một số loại sản phẩm làm từ thép đen truyền thống của xưởng anh Thế Anh cũng đạt OCOP 3 sao.

Đi một vòng trong làng, chúng tôi thấy nhà nào cũng xây cất khang trang, nhà có xưởng rèn đều được trang bị thiết bị điện khá hiện đại. Bà con được sự khuyến khích của Đảng ủy Chính quyền xã rất phấn khởi tự tin, tự sắp xếp mỗi gia đình thực hiện một cung đoạn từ cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất đến phân phối sản phẩm bằng nhiều hình thức hỗ trợ lẫn nhau trong nghề rèn. Đặc biệt, bà con hỗ trợ nhau tiếp cận điện khí hóa, tự động hóa và sử dụng hệ thống thương mại điện tử 4.0 trong sản xuất và quảng bá bán sản phẩm. Nên nghề rèn ở đây đã giải phóng phần lớn sức lao động cơ bắp, tận dụng phát huy hết lao động trong làng, luân chuyển vốn nhanh và tạo việc làm cho hàng ngàn lao đông các địa phương xung quanh, tạo nên môi trường sản xuất kinh doanh bền vững và hiệu quả.

Anh Tiến, anh Bích là tấm gương cho thanh niên làng rèn gắn bó phát triển nghề truyền thống. Được kết quả và mọi người ghi nhận như hôm nay các anh tuy còn trẻ nhưng cũng đã trải qua rất nhiều gian nan thử thách mà người thường khó vượt qua được. Qua quảng cáo hàng ngày trên mạng chúng tôi đã biết về sản phẩm làng nghề Tiến Lộc tốt và rẻ. Hôm nay đến tận nơi mới thấy sự đổi thay điện khí hóa, số hóa nhanh chóng của làng rèn Tiến Lộc, sự thay đổi đáng khâm phục bộ mặt của nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Tư, giám đốc công ty khoa học Ánh Dương ở thành phố Thanh Hóa chuyên nghiên cứu sản xuất ra những máy móc tự động hóa có mặt trong đoàn tham quan, cũng phải nhận xét: làng rèn Tiến Lộc đã đưa hầu hết các máy móc hiện đại trên thế giới về kỹ thuật rèn vào công việc của mình.

Anh Phạm Văn Đại chủ xưởng làm cán dao có hai cô con gái học rất giỏi đang học ở hai trường đại học nổi tiếng cả nước tâm sự:

- Làng của chúng cháu mấy năm gần đây rất phấn khởi vì được sự quan tâm của Đảng và Chính quyền, chính sách kinh tế mở cửa, nghề rèn rất phát triển; máy móc ngày một thay cơ bắp; từ già tới trẻ ai cũng chăm chỉ, yêu nghề rèn, yêu làng. Lớp trẻ bây giờ có điều kiện ăn học, khoa học kỹ thuật được ứng dụng nhiều, số lượng sản phẩm tăng, chất lượng sản phẩm ngày một tốt, uy tín của làng ngày một cao. Dân làng chỉ mong chính quyền mở rộng diện tích khu công nghiệp làng nghề để giải phóng những xưởng sản xuất còn chật chội trong các hộ gia đình, giúp cải thiện môi trường, mở rộng sản xuất, nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống của bà con.

Riêng anh Tiến tâm sự:

- Để đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong thời đại kỹ thuật số, cơ sở của chúng cháu nói riêng và làng nói chung phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường, phải đầu tư trang thiết bị tiên tiến hơn nữa để làm ra nhiều loại sản phẩm đảm bảo chất lượng cao đáp ứng thị trường trong nước và cả nước ngoài. Trong sản xuất khó khăn nhất là vốn, hiện nay tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng đang là khó khăn của các xưởng sản xuất nhỏ trong làng. Bà con rất mong được tiếp cận với nguồn vốn để phát triển… Anh nói tiếp:

- Bên cạnh làm giàu kinh tế thì làm giàu tri thức, văn hóa cũng đang là vấn đề mà mỗi thanh niên làng cháu đang trăn trở. Để làng nghề phát triển đúng hướng và bền vững, thanh niên chúng cháu mong muốn các cấp các ngành quan tâm nghiên cứu hoạch định giúp đỡ để làng chúng cháu sớm là một làng nghề rèn: văn hóa, thông minh, kiểu mẫu, thanh niên chúng cháu được cống hiến cho làng cho đất nước nhiều hơn.

Trên đường về ông Hào im lặng, mãi ông mới nói:

- Ở nhà nhất mẹ nhì con, về hưu rồi cứ tưởng thời mình là oanh liệt nhất. Đấy! Có bổ mấy nhát cuốc...Về xóm thôn mới thấy quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên (*). Đất nước mình chỉ cần yên bình, có cơ chế đúng và thông thoáng thì sẽ giàu nhanh chóng và giàu vững chắc, vì dân ta nhất là lớp trẻ bây giờ rất thông minh, rất cần cù chịu thương chịu khó, lại gắn bó và yêu thương làng nước, đúng là "hậu sinh khả úy". Nhìn chung cách nghĩ, cách làm của lớp trẻ bây giờ rất khâm phục, rất mừng các ông ạ!


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận