ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 06/07/2024 13:00

Truyện ngắn "Cỏ dại" | Bùi Hữu Thược | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Cỏ dại" của Nhà văn Bùi Hữu Thược qua giọng đọc Thùy Dung.

Cường gặp ông Sáu - chủ tịch xã, người hàng xóm. Ông đang đi tham khảo mô hình về làm trại cai nghiện ma túy cho cái xã thuần nông ngàn năm yên bình quê ông. Banđầu Cường ngường ngượng, mắt nhìn lấm lét,nhưng chỉ chốc lát đã chuyện trên trời dưới đất như một cái máy. Hắn khoe với ông Sáu: Vào trại cai ma túy lần này mới được gần hai năm, đây là lần thứ 15 hắn vào trại; trại của huyện có hơn2.000 con nghiện đang cai, vào đây được ăn mặcđầy đủ, được chữa trị HIV, được học nghề, được tham gia văn nghệ và hắn đang làm tổ trưởng tổ đốt gạch gần trăm đứa, kiêm tổ phó tổ văn nghệthể thao của trại. Bố hắn người Nam tập kết ra Bắc làm kiểm lâm. Mẹ hắn gặp ông kiểm lâm ấy trong một lần luồn rừng lấy măng, bụng to trước khi cưới rồi sinh ra hắn. Từ đó bà không sinh đẻ gì nữa. Sau giải phóng, chữ nghĩa không nhiều nhưng về Nam, ông bố hắn cũng có tí danh lợi; nghe đâu làm trưởng phòng Tài chính một huyện. Khi còn công tác người ta nói ông luôn đúng nhịp độ: chớp thời cơ để lên chức giữ ghế, và rất khoan thai khi thanh quyết toán các công trình xây dựng, hợp đồng kinh tế. Cái nào nhanh cũng vài tháng, còn thường kéo vài năm để mỗi phi vụ ông đút túi được ít nhất 5 - 10% kinh phí. 

Ngày còn đi học, bà mẹ sai Cường giã cua nấu canh, lần đầu hắn giã chắt đổ hết nước, lấy bã bỏ nấu với rau. Lần thứ hai hắn giã vỡ đôi chiếc cối đá và cũng từ đó hắn không phải làm gì nữa. Hắn ngày nhỏ trông sáng sủa, có khiếu đá bóng hay, nói năng lưu loát, lại còn biết cả trò gấp gấp tờ giấy rồi hóa ra đồng năm ngàn, mười ngàn... Khi học phổ thông, nhà trường rồi xóm, xã kéo hắn đi thi đấu bóng đá khắp nơi. Hắn học qua quít cộng trừ chưa thạo các thầy cô vẫn cho đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, vẫn lên hết lớp này đến lớp khác, để đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao lấy thành tích góp vào các tiêu chí làng văn hóa, hay giáo dục toàn diện cho trường. 

Và hắn cứ lêu lổng đá bóng, không biết hắn tốt nghiệp cấp 3 lúc nào? Hắn cũng như bố mẹ hắn đều không hay! Chỉ thấy năm nào Cường cũng có giấy khen, bằng khen, rồi những cái cúp xanh, vàng, đỏ chóe về thành tích học tập và đá bóng. 

Ngày học phổ thông, có lần đội bóng của Cường đi đá với các đội thiếu niên trong huyện. Bọn thanh niên mách nước: Muốn thắng dễ ợt, chỉ cần nghe bọn tao hít tí thuốc trắng trước khi vào hiệp thì đá cực hay! Đúng thế thật, Cường cùng mấy đứa trong đội bóng hít khói cái chất trăng trắng đốt trên giấy bạc mà bọn đàn anh cho trước khi đá, đá rất khỏe, hay và lần nào cũng thắng. Chỉ sau vài lần, Cường và mấy đứa trong đội bóng không thể không hít được nữa, lao vào con đường nghiện ngập ma túy. Chúng thi nhau cắm xe đạp, xe máy và tài sản có giá trị vào các hiệu cầm đồ. Có đứa còn mang cả thẻ cảnh sát của bố mẹ đi cắm. Các bậc phụ huynh cứ im lặng chi tiền mà chuộc lại, nói ra sợ mất thể diện.

Vợ đầu bố mẹ hắn cưới cho hắn là con của gia đình công nhân tử tế, khi hắn vừa học hết cấp 3. Ông bố tính, cưới vợ để hắn biết chăm lo gia đình, từ bỏ chơi bời nghiện ngập. Ban đầu bà con cô bác ai cũng khen cô vợ hắn tuy hình thức không đẹp lắm nhưng có duyên và chịu thương chịu khó, một dạ hai vâng, buôn bán, chạy chợ đủ nghề chắt chiu từng đồng từng cắc vun đắp gia đình. Nhưng chỉ được một thời gian êm ấm, về sau hai vợ chồng chúng chuyên cãi vã, xô xát, ít khi hàng xóm được một ngày yên tĩnh. 

Thế rồi, một thời gian sau hai đứa bỗng im bặt, làng xóm ai cũng tưởng vợ chồng hắn bảo ban nhau làm ăn, xây dựng gia đình. Chẳng ngờ bấy lâu cô vợ hắn không chạy chợ nữa, quần áo hở hang, mắt xanh mỏ tía, tóc tai hoe vàng như lông bò mùa đông, rồi ả nghiện ma túy cùng hắn. Hai đứa mua heroin về đóng cửa ngồi cạnh chiếc bàn ở giữa nhà, dưới chân bàn thờ gia tiên. Chúng dùng móng tay út để dài nhuộm tím như mỏ vẹt, chậm rãi xúc từng dúm bột trắng đưa lên giấy bạc. Miệng chúng bạnh ra, chúng dùng bật lửa ga chuyển thành khói trắng chui qua mũi, chui qua miệng vào hai lá phổi. Mỗi đứa hít thêm một hơi thuốc lá Vinataba, để hãm trong phổi lâu lắm mới từ từ nhả làn khói cặn bã mỏi mệt từ trong hai cổ họng tỏa ra chậm rãi qua những kẽ răng và bốn lỗ mũi, cùng với cái mùi ngai ngái, khen khét như lông chuột chù cháy. 

Ngày lại ngày cứ thế trôi qua, mọi thứ đồ đạc từ ti vi, xe máy đến điều hòa, tủ lạnh… Trong nhà theo khói lần lượt ra đi. Khi về hưu, bố hắn còn cái đài bán dẫn National Panasonic ba băng, vật dụng có giá trị còn lại duy nhất trong nhà, cũng là kỷ niệm của một thời bao cấp, một thời bon chen đùm bọc. 

Ông chủ tịch huyện là đồng hương cùng ông bày mưu tính kế, chỉ đạo công đoàn cơ quan  bình lên bình xuống, mất gần một tháng, nghe ngóng tình hình đâu vào đấy, mới đặt bút ký giấy phân phối cho ông, để khỏi mang tiếng là cục bộ. Ông cất kỹ trong đáy rương ở đầu giường, tối tối ông mở nghe chuyện cảnh giác. 

Hai vợ chồng hắn bàn mưu tính kế đã lâu. Trong đêm con vợ mò tìm được chìa khóa mở rương, vớ chiếc đài chạy. Ông bố thấy đuổi theo. Thằng chồng đứng chặn cửa giơ chân ngáng, ông ngã sóng sượt. 

Sau lần ấy ông đổ bệnh ốm rất nặng. Khi hấp hối ông gọi hai vợ chồng Cường lại dặn: "Ba rất thương hai đứa, chỉ mong các con cai nghiện ma túy, giữ được căn nhà mặt phố này làm nơi kiếm kế sinh nhai, sinh con đẻ cái, giữ lấy nền nếp gia phong và đừng quên hương khói cho tổ tiên. Ba chết các con đừng làm gì linh đình, chỉ kiếm ấm chè xanh mời bà con khối phố…". Hai vợ chồng nó vâng dạ, nhưng mắt chúng thì đang liếc nhìn mấy đồng tiền còm cõi mà anh em họ mạc và bà con làng xóm cho bố chúng trong những ngày tận số. Nói xong ông trút hơi thở cuối cùng. 

Tiếng kèn trống đưa ma ông cũng là hiệu lệnh cho bất cứ thứ gì trong nhà sót lại và cả ngôi nhà mặt phố ra đi. Một hôm nghe thấy tiếng rao mua đồng nát, bà mẹ và hai vợ chồng nó đang ăn cơm, vợ liếc chồng, hai đứa vội vàng xếp bát đĩa ra ngoài cái mâm nhôm. Thằng Cường gấp tư cái mâm lại như chiếc bánh đa gặp mưa, bồi thêm ba nhát dao rồi xách chiếc mâm chạy ra ngõ bán lấy mười ngàn đồng. 

Mẹ hắn già yếu bất lực, buồn khổ, tuyệt vọng vì vợ chồng hắn. Bà không nhà, không nơi nương tựa, rồi qua đời khi chưa tới tuổi 60. Lúc đó vợ chồng hắn đang trong trại cai nghiện, không đứa nào thấy mặt mẹ.

Ra trại vợ chồng hắn bỏ Nam ra Bắc cậy nhờ bên ngoại. Suốt ngày, bất kể mưa nắng hắn bắt vợ bán bánh canh, dưa cà ở đầu đường. Ngồi ở quán cách đó vài chục mét, hắn đếm lần lượt không sót vợ bán được bao nhiêu bát canh, bao nhiêu túm cà túm dưa, chừng đủ tiền một tép thuốc là hắn lại sấn tới tịch thu ngay. Được vài năm cô vợ chết vì bị lao lực và nhiễm HIV. 

Sau ngày vợ hắn mất ít lâu, có cô Hân 25 tuổi, chuyên bán bánh lá buổi sáng, có một đứa con gái 6 tuổi, chồng mới chết vì tai nạn giao thông, say hắn như điếu đổ, vì cái khoa nói của hắn. Gia đình cô Hân can ngăn, cô vẫn kiên quyết lấy. Thôi đành, bên vợ dành dụm cho hai đứa nó ít tiền cắm chiếc lều ven đê. 

Rồi bọn nó sinh con. Nghe tin hắn đẻ con trai, ông chú ruột vô sinh di tản sang Mỹ năm 1975 mừng lắm, gửi về cho hắn 8.000 đô để hắn nuôi con, nhằm có người hương khói giữ chân hương bàn thờ tổ tiên. Lấy được tiền, hắn liền khuân về một chiếc xe máy Trung Quốc cũ, một bộ loa thùng to đùng đã dầm dập và mua cho cô vợ đôi hoa tai hai đồng cân. Suốt ngày không nghe tiếng loa inh ỏi thì lại nghe tiếng xe thủng bô nổ điếc cả tai. Hắn vênh mặt, ta đây chẳng kém ai! Trong nhà lại rập rình mấy thằng bạn nghiện, suốt ngày chè chén, tâng bốc vợ chồng hắn. 

Hắn còn nói với ông Sáu: "Bây giờ cháu mới cảm thấy thương bố mẹ và vợ con cháu, chú có cần tiền cháu cho vay". 

Ông Sáu cười nói: "Thôi cháu cứ để đấy nuôi vợ con". 

Ông nói vậy nhưng cũng hỏi ý kiến một vài người có kinh nghiệm, ông thầm nghĩ hay mình cứ giả vay tiền của thằng cháu rồi đi gửi tiết kiệm cho nó, khi nào thật cần thiết thì rút ra cho nó, nhưng mọi người đều can ngăn. 

Được vài tháng tiếng loa, tiếng xe máy im bặt chẳng nghe đâu nữa, đôi hoa hắn cũng giật của vợ chảy máu tai, bán vội để tiêm chích. Dần dà bóng bọn nghiện trong nhà hắn cũng biệt tăm. Chứng nào tật nấy, tiền hết hắn lại đánh cô vợ kế như két, bắt nó làm quần quật cả ngày để lấy tiền hút chích. Nhà rách như tổ đỉa. 

Được gần năm sau, Hân bị bệnh giun chui cuống mật, túng quẫn không đủ thuốc thang, suy kiệt rồi mất, để lại hai đứa con: một lên tám và một chưa đầy năm. Con chị thương nhớ mẹ khóc hoài. 

Mặt thằng bố tỉnh khô bảo: "Chết thôi khóc cóc chi mày!". 

Bà ngoại chúng nó hơn 70 tuổi ở một mình không nơi nương tựa, vội đưa đứa chị mồ côi cả cha lẫn mẹ về nuôi. Hôm đi con chị ôm thằng em khóc. Nhìn cảnh con bé vừa mất cha, mất mẹ lại phải xa đứa em nó hằng yêu quý không ai cầm được nước mắt. 

Thằng Cường ngồi ôm đứa nhỏ, hút chích hết mấy đồng bà con phúng viếng vợ còn sót, dỡ  luôn mấy tấm tôn bán cho hàng đồng nát. Hắn nằm ngửa mặt lên trời, cơn đói thuốc đang đến. Nghĩ ngợi lục tìm mãi, hắn sực nhớ ra còn cái bát hương bằng đồng chế tác bởi công nghệ Đài Loan, giá hơn trăm ngàn. Bà cô mua cho để thờ bố mẹ, gia tiên hắn. Hắn vùng dậy, mắt sáng lên như tìm ra một thế giới mới. Hắn vồ lấy bát hương, vứt chân nhang, đổ tro xuống nền nhà. Bụi bay mù cả túp lều. Hắn mặt lem luốc, ôm chiếc bát hương phóng từ trong túp lều mù mịt bụi ra bờ sông cọ cọ cát tí chút, rửa qua loa. Để mặc thằng cu đói khóc, hắn ôm bát hương bằng đồng chạy lên đầu phố bán cho mụ buôn đồ thờ bốn chục ngàn, được một lần chích. 

Quay về thấy mớ tro giữa nhà, hắn sực nhớ đó là những gì còn lại của tổ tiên, hắn chắp tay vái đống tro ba cái, rồi nằm ềnh ra tấm chiếu rách bên thằng con đói lả. Mấy hôm trước hắn nói với mọi người sẽ đưa thằng nhỏ về quê nội nhờ nuôi, quê hắn ở miền Trung. Mấy người bà con thương tình, người vài chục, người dăm ngàn. Hắn gom góp được vài trăm, bế xốc thằng bé xanh nhớt như tàu lá héo ra ga tàu về quê, nghe đâu là Quảng Đà. 

Mới đi được mấy lòng ga, ngựa quen đường cũ, quen thói móc túi trên tàu, người ta bắt được cho hắn một trận nhừ tử. Khi đó trong túi hắn còn hơn trăm ngàn đồng, còn thằng nhỏ không biết hắn bỏ đi đâu? 

Vào trại sau này mọi người hỏi, hắn nói đã bán thằng bé trước khi lên tàu cho bọn buôn trẻ con đi Trung Quốc mà mặt cứ tỉnh bơ như đá. 

Mới đó đã gần hai mươi năm, từ một đứa trẻ thơ ngây trong trắng, hắn nghiện - quay cuồng chai lì với cơn lốc trắng ma túy, hơn mười lần vào trại; cai, rồi lại từng ấy lần tái nghiện. Thật xót xa cho hai đứa trẻ! Chúng bơ vơ biết lưu lạc về đâu?  

Gặp lại ông Sáu, hắn đang say sưa nói như đinh đóng cột, lần này hắn sẽ cai nghiện và nếu được ông đồng ý hắn sẽ về làm nòng cốt cho trại cai nghiện của xã ông…


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận