Longform
img
Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng huyện Như Xuân - Ảnh 1.

Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng huyện Như Xuân

Như Xuân có cảnh quan thiên nhiên phong phú, với các khu vực địa hình chuyển tiếp từ Tây sang Đông, xen lẫn các thung lũng và hồ nước đã tạo nên những danh lam thắng cảnh độc đáo, như: Hồ Sông Mực, thác Đồng Quan, thác Cổng Trời... 

Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng huyện Như Xuân - Ảnh 2.

Nằm trên địa bàn hai huyện Như Xuân và Như Thanh, Vườn Quốc gia Bến En có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đất đai thấp Bắc Trường Sơn và là nơi cư trú của các loài lim xanh, cá nước và nhiều loài chim di cư. Vườn quốc gia Bến En đa dạng với 3 hệ sinh thái (hệ sinh thái rừng núi đất nhiệt đới đai thấp, hệ sinh thái ngập nước, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi) với 1.389 loài thực vật và 91 loài động vật. 

Nằm trong Vườn quốc gia Bến En, hồ sông Mực là hồ nước ngọt lớn trong vùng, phong cảnh sơn thủy hữu tình với 21 hòn đảo lớn, nhỏ. Cảnh quan nơi đây đã thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, trải nghiệm.

Nằm trên địa bàn xã Hóa Quỳ, thác Đồng Quang đang là danh thắng hấp dẫn của huyện Như Xuân. Thác được hình thành từ những khe suối, dòng chảy lớn, nhỏ trên đỉnh núi Pù Mùn, qua các vách đá, thảm thực vật rậm rì, hòa vào nhau chia thành 3 dòng lớn là thác Thanh Lâm, thác Đồng Quan và thác Cổng Trời. 

Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng huyện Như Xuân - Ảnh 5.

Thuộc khu vực rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, cảnh quan xung quanh thác Đồng Quang đuợc gìn giữ khá nguyên sơ, trong lành. Khu danh thắng này đã được huyện đầu tư một số hạng mục công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan. Các công trình được hoàn thiện bao gồm đường bê tông, đường đi bộ, cầu qua suối, hồ trữ nước, hệ thống nhà chòi... Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ của thác Đồng Quang đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Chị Vũ Thị Hiền, xóm Chuối, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân cho biết: "Khi có khách du lịch, người dân địa phương nhắc nhở du khách bỏ rác thải đúng nơi quy định. Trên này có các sọt rác để khách bỏ vào đấy cho khỏi ảnh hưởng đến môi trường".                                

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, huyện Như Xuân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường và Thổ với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội dân gian như: Lễ hội Đình Thi của dân tộc Thổ; lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của dân tộc Thái... Nhiều bản làng còn giữ được những  nhà sàn theo kiến trúc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm.

Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng huyện Như Xuân - Ảnh 6.

Những năm qua, để khai thác phát triển du lịch cộng đồng, huyện Như Xuân đã chủ động tham mưu xây dựng hệ thống văn bản, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tạo hành lang pháp lý, giữ vững trật tự, kỷ cương trong quản lý và hoạt động văn hóa, thể thao cùng dịch vụ du lịch. Việc thanh tra, kiểm tra các điểm du lịch, di tích trên địa bàn huyện được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Huyện đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khôi phục lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian; khai trương công bố khu di tích danh lam thắng cảnh. Đến nay Như Xuân  đã có một số điểm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với du lịch tâm linh được đưa vào khai thác như: thác Đồng Quan, thác Cổng Trời; Di tích lịch sử Đình Thi, đền Chín Gian… Đồng thời củng cố và nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng địa phương, đẩy mạnh quảng bá nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch. Mặc dù mới hoạt động trong thời gian gần đây, nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của du lịch cộng đồng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Như Xuân đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa, mời các đoàn chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu, khảo sát, đánh giá, tư vấn xây dựng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua nhiều lần khảo sát, Như Xuân đã hình thành kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng như: Hang Kẽm, làng cổ Tân Hùng, nơi lưu giữ tới 79 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái, bến thuyền Tân Bình…

Ông Đỗ Hoàng Hữu, Giám đốc công ty Du lịch Quốc tế Hữu Nghị

Qua khảo sát, các chuyên gia và đơn vị lữ hành đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện Như Xuân, đặc biệt là hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, để tránh sự trùng lặp trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, mỗi điểm đến cần tạo ra những sản phẩm đặc trưng, khác biệt và tạo nên thương hiệu, thế mạnh cạnh tranh từ sản phẩm du lịch chất lượng cao bởi chính tiềm năng, bản sắc văn hoá của cộng đồng. 

Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng huyện Như Xuân - Ảnh 8.

Cùng với đó, các chuyên gia du lịch và đại diện các đơn vị lữ hành cũng đề xuất, để phát triển du lịch cộng đồng, huyện Như Xuân cần tư duy hướng thu hút đầu tư hợp lý, phù hợp với tiềm năng, đặc biệt là thu hút sự vào cuộc của cả cộng đồng. Trước hết cần khảo sát lại các điểm đến, lập bản đồ dựa trên ưu thế vùng, mời gọi nhà đầu tư vừa và nhỏ; phát động khởi nghiệp du lịch cộng đồng tại địa phương; khuyến khích thanh niên địa phương khởi nghiệp từ du lịch. Từ đó khôi phục lại các nghề và làng nghề truyền thống để hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng. 

Các chuyên gia du lịch cho rằng: Để tạo nên nét riêng có, không trùng lắp thì bên cạnh ưu thế tài nguyên thiên nhiên đa dạng, huyện Như Xuân cần thu hút du khách bằng những nét văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng các dân tộc anh em cư trú trên địa bàn. Theo đánh giá, các sản phẩm du lịch hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, thiếu độc đáo, không có sự kết nối, chủ yếu là khách trong huyện và tham quan trong ngày.

Ông Ngô Kỳ Nam, Chuyên gia nghiên cứu phát triển dự án du lịch

Để thực hiện "Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", huyện Như Xuân sẽ tập trung phát triển tại 3 khu vực: Về phía Tây của huyện, sản phẩm du lịch nổi bật với các hoạt động khám phá, trải nghiệm "thung lũng người Thái vùng 6 Thanh", với điểm nhấn là đền Chín Gian và lễ hội Dâng trâu tế trời. Về phía Đông của huyện, bao gồm các thôn thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Bến En phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng mang hương vị vùng sông nước, tạo nên những trải nghiệm độc đáo. Về khu vực trung tâm, bao gồm các thôn thuộc phạm vi thác Đồng Quan, thác Cổng Trời với sản phẩm khám phá thác và các hoạt động vui chơi, giải trí. 

Huyện Như Xuân đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo sinh kế mới hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Như Xuân đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo sinh kế mới hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức cư dân địa phương và khách du lịch, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Trong thời gian tới, bên cạnh việc thu hút đầu tư, để phát triển du lịch cộng đồng, trước hết huyện Như Xuân có thể tạo điều kiện thuận lợi để các nhà quản lý, người dân tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để phát huy nội lực tại chỗ. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các địa phương đều phát triển du lịch, Như Xuân cũng sẽ phải có nghiên cứu kỹ về nguồn khách, định hướng thị trường để phát triển sản phẩm du lịch phù hợp. Có như vậy, mới phát huy được giá trị tiềm năng thiên nhiên, con người để vùng đất này phát triển ngày càng tươi đẹp và trù phú.

Tác giả: Mai Ngọc - Thanh Văn
Trình bày: Linh Phượng

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận