ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 13/11/2023 15:19

Lên đỉnh Linh Sơn | Lê Ngọc Minh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe bút ký “Lên đỉnh Linh Sơn” của Lê Ngọc Minh qua giọng đọc của Thùy Dung.

Chúng tôi, mấy đứa vốn lính tráng nhập ngũ đầu những năm 1970, còn sống sót sau mấy cuộc chiến trận đánh Mỹ, đánh Pol Pot, đánh Tàu, đầu xuân Quý Mão này í ới gặp nhau bằng một cuộc du xuân để kỷ niệm 50 năm hành quân cùng chiếc gậy Trường Sơn "đá mòn mà đôi gót không mòn".

Cơ duyên hạnh ngộ làm sao trước ngày xuất phát lại gặp đoàn công tác của Hội Điện ảnh Việt Nam do đích danh ông chủ tịch Hội, Đỗ Lệnh Hùng Tú dẫn đầu vào Thanh để đi thực tế làm phim về đề tài lịch sử, văn hóa cội nguồn. Trong bữa cơm có be rượu nút lá chuối "tẩy trần" còn thêm món rau má khoái khẩu đặc sản bản địa gói đẹp như trầu têm cánh phượng tại khu văn hóa du lịch Linh Kỳ Mộc, ai đó bỗng đọc lên mấy câu trong Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi: "Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/ Lúc Khôi huyện quân không một đội". Thế là hai đoàn liền nhập thành một, "tây tiến" về hướng Linh Sơn, còn có tên gọi là núi Chí Linh hoặc dãy Pù Rinh (là núi, Rinh - Linh là thiêng). Ông bí thư huyện ủy Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng và ông chủ tịch huyện Hoàng Văn Thanh, nơi có ngọn Linh Sơn xuống thành phố Thanh Hóa công tác, nghe tin có một đoàn "khủng" như thế, lại có cả diễn viên NSƯT, đại tá Thanh Loan, Ni sư Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn và cô Riêng trong phim Người về đồng cói… nổi tiếng liền đến chào và sáng hôm sau, hai ông cùng "tùy tùng" hành trình với đoàn công tác về huyện nhà. Ông Hà Huy Tâm, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa truyền thống Việt Nam là một nhà nghiên cứu khá am hiểu về phong thủy và danh thắng xứ Thanh đã tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái…

Xe chạy từ thành phố tỉnh vượt qua thị trấn huyện lỵ Lang Chánh chừng hơn ba mươi cây số thì đến bến đáp đầu tiên là bản Mè Giang, xã Yên Khương, giáp với cổng trời và ruộng bậc thang danh thắng nổi tiếng. Sở dĩ lãnh đạo huyện Lang Chánh chọn cho khách bến đáp ở nơi xa xôi này là vì, tại đây có một cây sấu ngàn năm, tọa ở cuối dãy Linh Sơn cách quốc lộ 16 chưa đầy bốn trăm mét. Cái khoảng cách tuy ngắn tủn so với cự ly đường rừng đại ngàn nhưng lại khá quanh co, khúc khủyu, dốc liền dốc, đá chồng đá, thế nên mỗi chúng tôi phải tự tìm cho mình một "chiếc gậy Trường Sơn" từ cây que sẵn có dọc hai bên lối đi.

Lãnh đạo huyện của vùng núi thiêng Linh Sơn muốn đoàn đến thăm cây sấu đại thụ còn vì một duyên cơ nữa. Đó là hồi khởi lập công ty du lịch Ma Hao thuộc Không gian văn hóa sinh thái Linh Kỳ Mộc tại thành phố Thanh Hóa, các nhà đầu tư được mách có thể mua cây sấu này về trồng trong khu vực sưu tầm các loại cây cổ thụ có niên đại trăm năm, ngàn năm. Song, lúc đến nơi, nhìn thấy tầm vóc phi phàm của cụ sấu đại thọ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi, viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa truyền thống Việt Nam, người kiến tạo nên Linh Kỳ Mộc và Không gian văn hóa Việt liền đề nghị địa phương để lại phối hợp cùng bảo tồn an toàn tuyệt đối cho cụ.

Khi được đứng dưới gốc đại thụ, mọi người trong đoàn công tác đều thật sự kinh ngạc trước tầm vóc hoành tráng của cụ sấu. Cụ cao đến mức phải ngửa cả mặt lên mà vẫn chưa nhìn thấy hết ngọn; đường kính phần gốc của cụ được đo được hơn bảy mét. Vừa nghe "số đo" đó, nhà điện ảnh Nguyễn Văn Tân liền đọc câu ca dao thời còn học phổ thông: "Đường kính mà nhân với Pi (3,1416…) / Đó là cách tính chu vi hình tròn". Nghe thế, nhiều kết quả tính nhẩm liền lên giọng hưởng ứng: "Chu vi là hai mươi mốt mét", "Không! Phải hơn 22 mét mới đúng!"… Thế rồi, từng người liền giang đôi cánh tay cùng kết nối thành một vòng tròn, hơn mười người kết mà chưa "lấp" được một nửa vòng thân của cụ sấu, vì cái chu vi ấy có những chỗ lồi ra, chỗ lõm vào đến hàng mét. Ở gốc cụ sấu đã có phần rễ lộ thiên trồi lên thành hình thanh long, bạch hổ. Anh cán bộ trẻ của phòng Văn hóa huyện luôn "lưu ý" chúng tôi, phải chắp tay tạ, mỗi khi ai đó vô tình chạm phải "đầu rồng".

Giã từ cụ sấu, gửi lại rừng Yên Khương "chiếc gậy Trường Sơn", chúng tôi ngược đường 16, quay trở về hướng về địa điểm chính của hành trình. Đó là bản Năng Cát, xã Trí Nang, nơi có thác Ma Hao, có miếu thờ Nghĩa quân Lam Sơn và cũng là nơi có con đường lên đỉnh Linh Sơn cao vợi mịt mờ trong mây ngàn đầu xuân…

Trên xe, như được dịp để trổ các ngón kiến văn về thời đoạn lịch sử Nghĩa quân Lam Sơn gắn bó sống còn với dãy Linh Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Huy Tâm hào hứng kể rằng: Sau hội thề của thủ lĩnh Lê Lợi và mười tám nghĩa sĩ ở Lũng Nhai, bên chân núi phía tây của dãy Linh Sơn, Nghĩa quân Lam Sơn tích cực xây dựng lực lượng, rèn đúc khí giới, nêu cao chí lớn, tập hợp lòng dân. Ngày mồng ba tháng Giêng, năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi được được các nghĩa sĩ tôn lên làm Bình Định vương, dựng cờ đại nghĩa, đánh đuổi giặc Minh, trung hưng nền độc lập cho Đại Việt. Ngày 9 tháng ấy, Mã Kỳ, tên tướng nhà Minh cai quản thành Tây Giai (Tây Đô) đem hai cánh quân thủy bộ đông đến mười lăm ngàn tên đến vây vùng Lam Sơn hòng bóp chết cuộc khởi nghĩa từ trứng nước. Bình Định vương liền lui quân lên vùng Lạc Thủy, đặt kế mai phục. Ngày 13 tháng Giêng, các cánh quân của giặc đã truy đuổi và áp sát căn cứ địa Lạc Thủy. Lúc này toàn bộ lực lượng của Bình Định vương chỉ có có 35 tướng võ, một số ít ỏi văn nhân mưu sĩ, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 14 thớt voi... Cả quân lẫn tướng không quá hai ngàn người. So sánh lực lượng đôi bên thì quân số của Nghĩa quân Lam Sơn quá là nhỏ bé trước một vạn rưỡi quân thù. Thế nhưng bằng cách đánh mai phục, Nghĩa quân Lam Sơn đã chém hơn ba ngàn thủ cấp giặc, bắt được hàng nghìn quân tư khí giới, khiến giặc phải bỏ chạy. Bình Định vương liền cho quân rút lui ngay khỏi Lạc Thủy, dời đến Linh Sơn để bảo toàn lực lượng.

Sau cú choáng váng Lạc Thủy, Mã Kỳ liền dùng tên Ái, một kẻ phản bội, dẫn đường truy kích nghĩa quân, chúng bắt mất vợ con của nhiều nghĩa sĩ, trong đó có cả bà vợ thứ hai Phạm Thị Nghiêu và con gái Lê Thị Đào Nữ mới lên 9 tuổi của Bình Định vương. Trước sự tấn công càn quét, truy đuổi ráo riết của giặc, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Để thoát khỏi cảnh bị vây hãm cùng đường, Lê Lai, một vị tướng trẻ, chỉ đứng sau Lê Lợi một bậc trong hội thề Lũng Nhai đã tự nguyện đóng giả Lê Lợi, dẫn một toán dũng sĩ xông ra phá vòng vây, đánh lừa quân địch nhử chúng đến tận Eo Lê, nơi chỉ cách thành Tây Giai chưa đầy năm dặm, quyết một trận sống mái. Tại đây, người Anh hùng đã anh dũng hy sinh. Nhờ đó, Bình Định vương và nghĩa quân thoát khỏi vòng vây dày đặc của quân thù, phân tán ra thành các nhóm nhỏ, bám vào dân, xây các khu căn cứ khắp vùng núi Chí Linh (Linh Sơn), chuẩn bị cho trận chiến mới chống giặc…

*

- Sắp đến bản Năng Cát rồi! - Anh cán bộ trẻ phòng Văn hóa huyện Lang Chánh bỗng lên tiếng.

Nghe thế, mọi người đều nhìn ra ngoài, thấy ở ngã ba đường lớn có biển chỉ dẫn: Năng Cát - 2,5 km.

Liền đó, anh cán bộ này "xin phép" ông Tâm để giới thiệu tóm tắt về bản Năng Cát nằm dưới chân dãy Linh Sơn thuộc xã Trí Nang, một xã vùng núi cao, có diện tích gần 70 km2. Đây là bản của đồng bào dân tộc Thái với những nếp nhà sàn truyền thống hầu như còn nguyên vẹn từ cổ xưa ẩn giấu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và sinh cảnh đa dạng. Trong bản có 124 hộ thì có tới 122 hộ nhà sàn, một không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản miền núi cận quốc lộ 16, với kiểu dáng nhà sàn cổ của người Thái miền Tây xứ Thanh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Huy Tâm cho biết thêm, hai chữ Năng Cát, tên của bản Thái này là do chính Lê Lợi đặt cho. Số là, có một lần ngài cùng bốn năm nghĩa sĩ bị giặc truy đuổi suốt cả ngày. Khi dạt được đến đây thì trời đã tối, ai ai cũng bụng đói, sức kiệt, Lê Lợi cùng các thủ túc phải vào nhà dân xin được ít gạo, mượn được một cái năng (tức cái nồi hai) để thổi cơm. Mùa khô lòng suối cạn dòng, trời lại tối, vét mãi mới được ít nước thổi cơm. Khi cơm chín, mọi người ăn thấy có lẫn cát sàn sạt nhưng vẫn cố nuốt để có sức đi tiếp. Trước lúc rời đi, Bình Định vương đã đặt cho bản người Thái này cái tên Năng Cát (tức là cái năng thổi cơm có lẫn cát). Tên gọi ấy tồn tại đến tận ngày nay.

Bản Năng Cát nằm dưới chân thác Ma Hao, là ngọn thác lớn nhất của hệ thống sông Cảy. Thác bắt nguồn từ đỉnh Linh Sơn, có độ cao khoảng hơn 1.300 mét, diện tích lưu vực của thác phủ trên 178 ha, bao gồm thác nước, suối và rừng… Câu chuyện về bản Năng Cát và thác Ma Hao chỉ tạm dừng khi xe chúng tôi đỗ lại trước cổng nhà văn hóa thôn.

Một đoàn thiếu nữ người Thái trong trang phục ngày hội đánh chiêng chào đón chúng tôi. Ở thời khắc này mới thấy hết được ngôi vị đẳng cấp của diễn viên sô lit màn bạc trong lòng công chúng. Từ người có tuổi đến các thanh niên thiếu nữ vây tròn lấy NSƯT Thanh Loan - Ni sư Huyền Trang, hết chụp ảnh tập thể đến chụp ảnh đôi, ảnh ba; ảnh cảnh nghệ sĩ cầm dùi đánh chiêng, vít cần uống rượu chóe… Ông chủ tịch Hội Điện ảnh Đỗ Lệnh Hùng Tú bấm tay tôi, hướng mắt về cuộc hạnh ngộ đó, nói một câu thật hình ảnh: "Thanh Loan hệt như ong chúa giữa một đàn ong thợ!".

Một cuộc giao lưu văn nghệ nhanh chóng hình thành đúng với tinh thần "tứ hải giai huynh đệ". Trước khi hát một ca khúc về thác Ma Hao, danh thắng bậc nhất của quê hương mình, cô đội trưởng văn nghệ bản Năng Cát phi lộ: "Bài hát về thác Ma Hao mà em sẽ hân hạnh được phục vụ các anh chị trong đoàn công tác về thăm Lang Chánh có cội nguồn gắn kết sâu sắc với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đó là trong những ngày bị giặc bủa vây ráo riết, thủ lĩnh Lê Lợi đã cùng một nhóm nghĩa sĩ và chú chó săn của ngài vừa đánh vừa rút lên đỉnh Linh Sơn. Khi một con suối chảy xiết dưới chân thác chắn ngang, ngài và các nghĩa sĩ vội trầm mình xuống suối, bơi qua thác nước để thoát hiểm nhưng con chó săn của ngài thì cứ đứng trên bờ ngoe nguẩy đuôi rồi lùi lại.

Rồi bỗng thấy con chó săn quay mình lao phốc về phía sau, dũng mãnh xông thẳng vào đám giặc Minh và lũ chó ngao của chúng...

Tranh thủ khoảnh khắc ấy, Lê Lợi cùng các nghĩa quân vượt qua thác nước an toàn.

Trước sự dũng mãnh quên mình của con chó săn cảm tử, toán giặc Minh và đàn chó ngao của chúng hoảng sợ, tháo chạy mất vía…

Từ bên kia chân thác, Bình Định vương cùng toán nghĩa quân liền bơi qua suối, quay lại tìm con chó săn. Mọi người thấy nó đang mệt nhọc lết từng bước rồi lả dần đi, chỉ còn đủ sức ngáp, ngáp được mấy cái trước khi gục hẳn.

Bình Định vương rỏ ước mắt thương cảm con chó săn trung thành quả cảm rồi cùng các nghĩa sĩ chôn cất chu đáo như chôn cất một chiến binh tử nạn của ngài. Từ đó thác nước có tên gọi theo tiếng Thái là Ma Háo (nghĩa là chó ngáp). Về sau người dân đọc chệch đi, thành Ma Hao…"

Xong mấy lời phi lộ, cô đội trưởng văn nghệ bản ra hiệu cho nhạc công dạo đàn rồi vào lời hát. Giai điệu rộn ràng như đưa người nghe lên đỉnh thác, nơi có "Cửa Gió" với những âm thanh của đại ngàn, có tiếng ầm ào từ thác nước, có tiếng chim chóc hót ca… Tất cả tạo nên một hợp âm đa tầng rất ảo diệu, dư ngân...

Rời buổi giao lưu chúng tôi mang theo các nội dung của ca từ về thác Ma Hao lên Cửa Gió. Vì đã có con đường trải bê tông nhựa đi dọc bên bờ thác nên không ai phải "sắm" chiếc gậy Trường Sơn nữa. Trên Cửa Gió nhìn xuống toàn cảnh thác là một bức thiên nhiên tuyệt đẹp: Những khối đá lớn được bào mòn bởi thời gian và dòng chảy tạo nên nhiều hình thù kỳ thú, chỗ thì như một đàn voi đang quỳ phục, nơi thì các hòn đá chồng xếp lên nhau giống như hình khối Trống Mái; chỗ thì như những chùm quả trứng khổng lồ đủ mọi kích thước xen lẫn vào nhau, chỗ thì như một tòa non bộ phối cảnh hài hòa...

Phía dưới chân thác có miếu Nghĩa quân. Hình ảnh chú chó săn nghĩa tình và quả cảm đã được bà con bản Năng Cát công đức, tạc thành tượng đá, đặt bên góc phải dưới bàn thờ lớn…

Mấy nhà điện ảnh phát lộ tia chớp sáng tạo, bàn nhau viết một kịch bản phim hoạt hình về hình tượng chú chó săn làm nên sự tích thác Ma Hao. Bằng thể loại phim hoạt hình, các nhà biên kịch, đạo diễn, họa sĩ… tha hồ mà họa thần thái cùng chiến công tả xung hữu đột của con chó săn thông minh đã đánh lui đám giặc Minh và lũ chó ngao đông đúc của chúng.

*

Trời về chiều, điểm đến cuối cùng trong hành trình du xuân "tây tiến" của chúng tôi là đỉnh Linh Sơn.

Con đường mòn bám chênh vênh giữa một bên là núi một bên là vực đã được mở rộng đủ cho một làn xe chạy nhưng lòng đường thì vẫn còn lên xuống, gập ghềnh, ổ trâu, ổ gà, nổ lội trắng phớ đá cuội, chẳng khác gì một nhánh của đường Trường Sơn thời chiến. Chỉ với bảy cây số từ chân lên đỉnh mà chiếc Ford bán tải hết lắc lư, chồm lên, chồm xuống… chạy mất bốn lăm phút mới lên được cao trình 1.300 mét, là nơi có một cái thung nhỏ nằm chênh vênh trên nóc Linh Sơn.

Theo nhà nghiên cứu Hà Huy Tâm, ngày Nghĩa quân Lam Sơn mới dấy nghĩa đang xây dựng căn cứ, rèn tập binh mã ở vùng Ngọc Lặc thì quân Minh kéo đến vây bọc mấy vòng. Lực yếu, lương khan, chống cự không nổi, Nghĩa quân phải phân tán mỗi người một nơi. Trong đêm tối, Bà Chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thần thông thành những khoảng sáng như bó đuốc lớn, soi đường cho các nghĩa sĩ, tập hợp họ lại và đưa lên Linh Sơn. Tại đây, nghĩa quân phát triển lực lượng; chải gió gội mưa; nằm gai nếm mật, ba lần đánh lui các cuộc càn quét của hàng vạn binh mã giặc; bảo vệ vững vàng Linh Sơn rồi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa, làm bàn đạp tấn công ra Bắc với các trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Xương Giang, Bình Than, Chi Lăng… và cuối cùng giải phóng Đông Đô - Thăng Long, kết thúc cuộc kháng chiến mười năm, đem lại nền hòa bình, tự chủ cho Đại Việt.

Để tri ân công lao của Bà Chúa Thượng Ngàn, Lê Thái Tổ đã phong Bà là Lê Mại đại vương, (nằm trong hệ tín ngưỡng tam phủ, tứ phủ nay đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại) đã cho lập lập miếu thờ Bà ở nhiều nơi, trong đó có một đền ở Linh Sơn.

Cao trình 1.300 là một khoảnh đất nhỏ tương đối bằng bịa, hiện đang còn vài ngôi nhà bỏ hoang của một hạt kiểm lâm đã chuyển trụ sở đến vị trí khác. Tại đây, vẫn còn nhiều dấu tích về các huyền thoại công quả của bà nên người dân địa phương đã hiếu tâm, lập một cái miếu tạm để thờ Bà Chúa Mẫu Thượng Ngàn, Lê Mại đại vương. Chúng tôi rất ấn tượng với cái bát hương khá lớn bằng đá trắng do người dân địa phương sưu tầm được mang lên miếu tạm quanh năm hương khói cho Bà.

Phía bên trái ngôi miếu tạm có hai cây ổi cười, độ cao và tán lá chẳng kém gì cây ổi cười ở Lam Kinh. Phải chăng trong mạch nguồn phong thủy giữa hai vị trí lịch sử này có một hệ long mạch linh thiêng vĩnh hằng kết giao? Có thể lắm chứ, vì như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về" (Đất nước).

Được biết, tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch cấp vốn để cùng huyện Lang Chánh mở rộng, trải nhựa con đường lên đỉnh Linh Sơn. Hy vọng rằng trong tương lai cái miếu tạm sẽ được xây dựng thành một ngôi đền khang trang thờ phụng Bà Chúa Mẫu Thượng Ngàn để du khách muôn phương về chiêm bái.

*

Rời đỉnh Linh Sơn, xe chạy xuôi chiều có phần thuận lợi hơn. Dọc đường xuống núi, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy có các cụm dăm bảy chiếc xe máy đời mới dựng sát vào nhau mà không hề thấy một bóng người nào. Có thể đó là của người trồng rừng hoặc của các nhóm nào đi picnic, đi… phượt.

Hai bên đường còn giữ được nhiều khoảnh rừng cổ thụ. Càng xuống gần chân dốc càng có nhiều cánh rừng trồng đã lên màu biếc xanh sau mưa xuân cuối tháng Giêng. Được biết công ty Du lịch Ma Hao đã trồng hơn một ngàn ha cây sưa, cây hương đỏ, đặc biệt các loại dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh, lan Kim Tuyến... cũng đang được trồng ở nhiều diện tích lớn.

Từ phía chân đốc nhìn về đỉnh Linh Sơn, thấy mây chiều đã bắt đầu phủ kín tầng chót, chúng tôi đều chắp tay cảm tạ Linh Sơn, cảm tạ Lang Chánh về một cuộc du xuân "tây tiến" đầy khám phá thú vị với nhiều thao thiết tư duy.

Người về nắm tay người ở lại, xao xuyến hứa rằng: "Chúng tôi không nói lời từ biệt mà chúng tôi nói lời sẽ trở lại trong các cuộc gặp gỡ mới với dự án làm phim, với các công trình nghiên cứu về văn hóa lịch sử, với các sáng tạo văn học nghệ thuật khác về một vùng đất đã làm chói sáng lịch sử dân tộc, lịch sử xứ Thanh!".


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận