Truyện ngắn "Bạn đường" | Nguyễn Huy Súc | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Bạn đường" của tác giả Nguyễn Huy súc qua giọng đọc Lê Dung.
Bà Ứng quảy cái gánh một đầu buộc cái rọ có mấy củ sắn, bên trên phủ nắm lá lô hội, một đầu là cái rọ có mấy cái măng. Bà đi sát ra rìa đường nhựa. Đêm qua, hai mẹ con bà nói chuyện tới gần sáng. Con gái bà đi bộ đội được ba tháng nay, nhớ nó lắm nên bà Ứng mới bỏ công việc nhà để lên thăm con gái. Sáng nay, nó định xin anh thủ trưởng cho nó nghỉ một buổi sáng để đưa chân bà. Nhưng nghe bạn cùng tiểu đội của nó đến chơi nói là đơn vị đang tập gấp rút để tuần sau còn phân công người học lái xe, người học y tá, người học điện đài...Bà Ứng bảo nó không phải đưa chân bà nữa, ở lại cố gắng tập cho bằng chị bằng em.
Có xe ô tô của của đơn vị đi lĩnh quân trang, anh thủ trưởng nói với đồng chí lái xe và đồng chí quân nhu cho bà Ứng đi nhờ. Đến ngã tư cây bông, xe dừng lại. Hai anh bộ đội đỡ bà Ứng xuống xe. Bà chào và cám ơn hai anh bộ đội, bà rẽ sang bên tay phải để về Nhổn. Bà Ứng đi được một lúc, bà hơi khó chịu vì mùi xăng khi còn ngồi trên xe, giờ thấy người mềm mệt, bà vào quán nước dưới bóng cây sấu bên đường. Bà bán hàng rót cho bà bát nước chè xanh. Bà Ứng uống vào đến đâu là thấy mát và dễ chịu đến đấy. Trả tiền nước xong, bà Ứng ra gốc cây sấu ngồi. Bà hàng nước cũng trạc tuổi bà Ứng, thấy bà Ứng có vẻ mệt mỏi, xách cái ghế một ra gốc cây bảo bà Ứng ngồi duỗi thẳng hai chân ra cho thoải mái. Bà Ứng đỡ lấy cái ghế, đặt sát vào gốc cây sấu, ngồi tựa lưng vào thân cây. Ngồi được một lúc thấy mất hẳn chóng mặt, bà Ứng gỡ mái tóc ra vấn lại.Tóc bà rụng nhiều. Mái tóc giờ đã xẹp lại còn ngắn. Già thật rồi! Tóc còn đâu dài, dày và đen nhánh như thời con gái khi bà và ông gặp nhau ở hội đua thuyền làng Đăm. Bà nhớ nhất cái anh thuyền rồng của Thôn Thượng. Thuyền đã đẹp, các tay chèo toàn những anh to con, bảnh bao, sáng sủa. Bắp tay, trái chân anh nào anh nấy khi đưa mái chèo thịt cứ nổi vằn lên từng thớ trông cứ như những quả chuối ngự ghép lại, vặn xoắn, thích ơi là thích! Hai bên bờ người đông như nêm. Trống phách, chuông mõ lẫn tiếng reo hò vang khắp một vùng rộng lớn đến náo nức cả lòng người. Có một số người còn xuống tận mép nước, chạy theo thuyền làng mình. Hét thật lớn hai tiếng "cố lên! cố lên!", cho trai làng mình nghe để gắng chèo mà giật giải. Nhưng các tay chèo Thôn Trung, Thôn Hạ địch sao nổi các tay chèo Thôn Thượng. Các tay chèo Thôn Thượng chèo đã nhanh, lại bén nước nên thuyền cứ lao vun vút về phía trước, bỏ thuyền Thôn Trung, Thôn Hạ lại phía sau. Anh cả Ứng, năm đó là học trò của lò vật ông Bạ Liêu, cũng là tay chèo của thuyền Thôn Thượng ấy. Khi đã lĩnh được giải rồi, anh nào anh nấy mặt tươi roi rói. Vừa cười vừa nói, để cả bộ quần áo vàng, sọc xanh với cái khăn đỏ vấn trên đầu, len trong biển người xem hội, xông đến mấy chỗ người ta đang diễn trò múa sư tử, hát bội, hát chèo, hát quan họ để tìm người thân. Nhiều bài hát hay lắm. Nhưng bà Ứng nhớ nhất cái câu được mấy cô hát điệu chèo cổ: "Làng Đăm... í..a, là làng Đăm có hội, í...a, là hội đua thuyền...Có lò luyện vật í...a, lại có miền... Có miền trồng rau...". Rồi từng đôi, từng đôi gù nhau đi. Chuyện trên trời dưới đất. Nói xa nói gần. Hẹn hò, tình tứ. Anh cả Ứng với cô Loan, tên tục của bà Ứng thời bấy giờ, bén duyên nhau từ hội Đăm năm ấy.
Bà Ứng thấy khỏe lại, bà mang trả cái ghế lại cho bà hàng nước, cám ơn rồi quảy cái gánh lên vai. Đi tiếp. Bà Ứng đi sát vào lề đường phía tay phải. Đang mãi đi, bỗng nghe có tiếng chuông leng keng ở phía sau. Một chiếc xích lô tiến lên sát người bà Ứng, người đàn ông ngồi trên xe hỏi cộc lốc:
- Xích lô không?
- Dạ có.
- Về đâu?
- Bác cho em về Đăm. Thôn Thượng, xã Tây Tựu.
- Đăm…Thôn Thượng, Tây Tựu…Mười một, mười hai cây.
- Có đâu Bác? Chín cây, hơn chín cây một chút.
- Cột cây số còn đó chứ. Mười một cây đấy!
- Đây về Đăm bác lấy bao nhiêu?
- Hai chục đồng.
- Sao mà cao thế bác?
- Thế bà bảo mấy?
- Chín cây, hơn chín cây một tý, em gửi bác bảy đồng?
- Trời ơi! Mạt quá. Không đủ tiền hao mòn xăm lốp với nước nôi.
- Thôi thì em gửi bác bảy đồng rưỡi?
- Không được?
- Thế thì tám đồng vậy ?
- Cò kè bớt một thêm hai thế bà? Bà thử nghĩ xem, trời thì trời này. Lại máy bay máy bò, ai mà cũng
như bà thì đám xích lô chúng tôi chết .
- Thôi em gửi bác tám đồng rưỡi, bác giúp em?
- Không đủ sức bỏ ra bà ơi! Cái nghề này nó bạc bẽo lắm. Đổ mồ hôi,
sôi nước mắt mỗi khi lên dốc. Khó nhọc lắm chứ có như các bà nghĩ đâu?
- Vẫn biết như vậy. Nhưng mà xin bác cũng nghĩ lại cho các em, đây về Đăm từng ấy tiền là bằng hai, bằng ba chuyến rau các em đưa ra chợ Nhổn đấy bác ạ?
- Ồ! Nhà cái bà này, bà lại đi so đạp chuyến xích lô hàng chục cây số với hai cái sọt rau nhà bà ư? So thế thì còn lâu bà mới đi được xích lô. Hay bà đi bộ quách đi. Khỏi mất mấy sọt rau nhà bà?
- Ờ, thì em cũng nói vậy mà nghe thôi. Chứ đi hay không là quyền bác phần nhiều chứ đâu phải mình em?
Thôi thì em gửi bác chín đồng. Bác giúp em?
Ông xích lô không trả lời. Ông đạp xe vượt lên một đoạn xa, nhanh như người chạy trốn rồi mới vòng xe lại,vừa quay xe vừa bảo bà Ứng:
- Thôi, bà lên đi. Thế là tôi chịu lỗ với bà đấy.
Bà Ứng đặt cái gánh xuống vệ đường, rút cái đòn gánh ra khỏi hai cái rọ. Ông xích lô ghì vững xe rồi bảo bà ngồi lên xe. Ông xuống xe, cầm hai cái rọ đặt vào hai bên đôi chân bà Ứng, trên cái bệ dành để chân của khách. Đẩy xe ra giữa đường, ông lấy đà nhảy phốc lên xe, đạp xe bon bon trên con đường nhựa. Xe đi được khoảng dài, bà Ứng ngồi im, tựa lưng vào thành ghế đệm. Gió đồng nhẹ thổi, hương thơm của những trà lúa trổ đang phơi màu làm bà Ứng thấy dễ chiu. Bà nhắm mắt lại, lim rim khi ngủ, khi thức. Ông xích lô cắm cổ đạp. Lưng áo ông ướt đẫm. Mồ hôi trên đầu, trên trán thi nhau túa ra, chảy xuống mặt, chảy cả vào hai khóe mắt làm ông thấy xon xót. Một tay ông giữ thanh lái, một tay ông lấy cái khăn bông mầu xanh vắt ở cổ lau đỡ mồ hôi, ông lên tiếng hỏi bà Ứng:
- Bà đi miền núi về hay sao mà mang toàn măng với sắn thế ?
Bà Ứng giật mình bừng tỉnh, hỏi lại:
- Dạ ! Bác hỏi em?
Ông xích lô hỏi nhắc lại, giọng cao hơn lần trước:
- Bà đi miền núi về hay sao mà mang toàn măng với sắn thế?
- Vâng. Em lên thăm con gái. Cháu nó đi bộ đội đóng trên Hòa Bình.
- Tận Hòa Bình mà bà gồng gánh đi bộ cho đến đây à?
- Đi bộ đâu bác. Đi nhờ ô tô của đơn vị cháu đến ngã tư cây bông đấy chứ. Xuống xe, đi được một quãng em chóng mặt như người say xăng, chân lại mỏi, em mới vào quán bà hàng nước gốc cây sấu. Hết mệt rồi lại đi. Nếu không gặp bác thì em thủng thẳng đi bộ mãi rồi cũng về. Tối đâu thì tối cũng phải về. Nóng ruột với lứa rau ở nhà quá. Đã đến ngày thu hoạch cả rồi, một mình nhà em ở nhà thì bấn cho ông ấy lắm.
- Rau làng Đăm thì nhất rồi. Ngày nào tôi chẳng qua đấy. Nhiều nhà xây nhà tầng nhờ trồng rau.
- Cũng có một số xây nhà tầng. Nhưng họ còn có thêm nghề buôn bán chạy chợ. Chứ chỉ nhìn vào trồng rau không thôi thì chỉ đủ ăn, rồi đám xá, lễ lạt, giỗ tết, đủ là may mà bác.
- Thế cô nhà là thứ mấy của ông bà mà đi bộ đội?
- Cám ơn bác đã hỏi thăm. Cháu là út.
- Bao tuổi rồi?
- Năm nay cháu tròn hai mươi.
- Thế đã có đám nào chưa?
- Cũng có một hai đám trong làng đánh tiếng. Nhưng mà bạn bè học hành của nó nhiều, mình biết sao được ý nó ưng ai hả bác. Tối hôm trước ngày nó nhập ngũ, em gặng hỏi nó, nó bảo chuyện đó lo gì. Sang năm, đất nước hòa bình, tính sau.
- Thanh niên bây giờ là thế cả. Không phải nói ai xa, thằng nhà tôi hăm sáu, hăm bảy rồi mà hôm về phép để đi B, tôi và bà nhà tôi bảo nó cưới cái con bé cùng phố, cũng là bạn đại học với nhau đấy. Hồi thằng nhà tôi chưa đi, hai đứa thường hay qua lại bài vở với nhau. Sáng nào con bé cũng đạp cái xe phượng hoàng của nó qua nhà tôi để hai đứa cùng đến trường. Ríu ra ríu rít bên nhau. Ai cũng bảo là đẹp đôi. Bà nhà tôi với bà mẹ con bé là bạn thân với nhau từ hồi còn con gái. Hai bà muốn cho nó yên bề gia thất lắm chứ. Thế mà chúng nó có chịu cưới cho đâu. Không hiểu chúng nó hò hẹn nhau thế nào,mà thằng nhà tôi nó bảo hãy biết đấy đã. Nay mai đất nước hòa bình, con về, thầy u sẽ có con dâu như ý thầy u.
- Thế thì y như cái thằng thứ ba nhà tôi, trên cái con tôi vừa đi thăm về đấy bác. Được nghỉ phép để đi B, ông bà tôi cũng bảo nó cưới vợ, nó nhất định không chịu. Bên em cũng đã có chục trầu sang nói chuyện rồi. Bên đường gái ông bà ấy cũng thuận cho cưới. Nhưng cả hai đứa nó đều bảo Mỹ thua, ngụy nhào đến nơi rồi. Thầy u không thấy máy bay Mỹ rụng như sung ấy à. Hòa bình nắm chắc trong tay rồi! Khi đó tha hồ mà cưới. Thằng nhà tôi đi B tháng trước, tháng sau, con bé đang học ở trường bách khoa, cũng nhập ngũ rồi vào miền Nam luôn.
Ông xích lô gắng đạp lên dốc. Gió từ các rặng cây hai bên đường thổi nhẹ. Trời bắt đầu nắng gắt. Thỉnh thoảng lại thấy thấp thó trên đồng lúa, đồng rau hai bên đường những trận địa pháo. Nhất là cái đoạn qua cầu, mấy anh dân phòng dục mọi người nhanh chân lên. Đang giờ cao điểm, không nên chậm chạp.
Qua cầu được khoảng hơn cây số bỗng có tiếng máy bay rất gần. Súng từ các ụ pháo trên cánh đồng hai bên đường cùng nhau phát hỏa. Tiếng nổ vang trời. Chiếc xích lô đang bon nhanh trên dường bỗng dừng lại đến khựng một cái. Bà Ứng đang luống cuống chưa biết phải làm sao thì đã bị ông xích lô kéo xuống và nhét bà vào cái hầm ngay ven đường. Đột nhiên có tiếng rít ngay bên tai. Hầm chật, ông xích lô chận lên đầu lên cổ bà Ứng và thét bà cúi xuống. Một tiếng nồ đinh tai nhức óc. Đất đá tung lên mù mịt. Cứ nghe bịch bịch rào rào trên lưng ông xích lô rồi đất đá chảy xuống người bà Ứng. Mắt mũi bà Ứng tối xầm lại. Hàng loạt tiếng nổ chát chúa rợn cả người…Tiếng máy bay xa dần. Ông xích lô đứng thẳng lên, đầu và cổ bà Ứng mới ngẩng lên được. Tiếng nổ trên trời thưa dần. Không còn tiếng máy bay nữa. Ông xích lô nhảy lên mặt đất. Ông đưa tay xốc vào nách bà Ứng kéo bà lên. Bà loạng chọang, nhưng bà cố lấy lại thăng bằng, xung quanh mù mịt bụi đất. Cái xích lô băng đi một đoạn , nửa trên bờ, nửa dưới ruộng. Ông kéo cái xe lên, đưa các ngón tay ra nắn mấy cái lốp, lua các nan hoa, nắm chắc lấy cái yên xe lắc lắc rồi nói như ra lệnh cho bà Ứng:
- Đi thôi ! Nhanh, phòng nó còn vòng lại.
Cái rọ sắn của bà Ứng còn trên xe, lăn lóc ở cái chỗ để chân, cái rọ măng văng xuống mép ruộng. Ông xích lô cầm cái rọ măng lên, xếp vào chỗ cũ và dục bà Ứng lên xe. Bà mới ngồi xuống chưa yên chỗ thì ông đã đẩy xe ra giữa đường lấy đà nhảy lên xe, đạp gấp. Xe vừa đi được một đoạn, bỗng bà Ứng la lên:
- Có tiếng khóc. Có tiếng khóc, bác ơi!
Ông xích lô cho xe dừng lại, lắng tai nghe:
- Đúng. Có tiếng khóc.
Ông nhìn sang bên phải đường không thấy gì thì bà Ứng đã nhảy xuống xe la ông, ríu cả lưỡi lại:
- Chỗ con bò! Chỗ con bò!
Ông xích lô đánh mắt sang bên trái, một con bò nằm chỏng vó lên trời. Bà Ứng đã chạy về phía có tiếng khóc. Ông nhảy xuống xe chạy theo bà . Bên cạnh con bò là một đứa bé mình bê bết máu, mặt mày nham nhở bùn đất. Bà kéo vạt áo của mình lau bùn đất trên mặt, trên ngực, trên bụng cho thằng bé. Một bên chân thằng bé máu phụt ra. Ông xích lô la:
- Bị cái chân! Bị cái chân - Ông vừa nói vưa lấy cái khăn bông xanh ông vắt vai để lau mồ hôi, rịt phía trên đoạn chân đang chảy máu. Ông bế xốc thằng bé lên, chạy thẳng ra xe. Bà Ứng chạy theo sau ông. Ông bảo bà Ứng ngồi lên xe rồi ông đặt thằng bé vào lòng bà . Ông nhảy lên xe, đạp gấp. Phía sau ông có tiếng máy bay vòng lại. Những ụ pháo ở các cánh đồng hai bên đường lại thi nhau nhả đạn. Tiếng nổ ở trên trời, ở dưới đất, đinh tai nhức óc. Mảnh đạn rơi lõm bõm dưới nước. Ông xích lô bảo bà Ứng cứ bình tĩnh, còn mình thì gò lưng lấy sức đạp cho xe lao nhanh hơn. Thằng bé rên rền nghe thảm thiết, lúc lại ngắt quãng. Gắng một đoạn dài nữa, ông xích lô và bà Ứng mới đưa được thằng bé đến bệnh viện, ở một khu vườn rộng, dưới bóng những cây sấu và bạch đàn. Ông xích lô dừng xe lại, giữ cho xe thăng bằng và bảo bà Ứng xuống xe từ từ. Vừa lúc đó, có một người đàn ông, trạc tuổi ông xích lô, bước tới. Thấy vậy, ông ta giúp bà Ứng bế thằng bé vào phòng cấp cứu.
Thằng bé được các bác sỹ đưa ngay vào phòng mổ. Bên ngoài, bệnh viện yên ả, người đông nhưng ai cũng đi nhẹ, nói khẽ. Thầy thuốc mặc áo choàng xanh đi lại qua các phòng. Bệnh nhân ở đây cũng mặc đồng phục mầu xanh lá cây. Người thì chân bó bột, người thì tay buộc nẹp, đeo dây băng lên cổ.
Bà Ứng ngồi chờ ở hành lang phòng mổ. Những người chờ người nhà đang phẫu thuật nói chuyện về trận ném bom hôm kia, ở đầu cầu. Một người chết. Hai người bị thương. Có một cái máy bay bốc cháy ngay trên bầu trời thành phố. Thằng giặc lái nhảy dù ra khỏi máy bay, lơ lửng trên trời. Mới đặt chân xuống đất, thằng giặc lái đã bị ta tóm cổ. Buổi chiều, đài ta đưa tin ngoài cái máy bay rơi tại chỗ, còn thêm một cái nữa ra đến biển thì bốc cháy và đâm đầu xuống nước. Thế là ta diệt của chúng nó hai máy bay.
Có cô y tá từ phòng mổ ra hỏi thằng bé bị thương ở chân vừa mới được đưa vào tên là gì để viết hồ sơ bệnh án. Bà Ứng ngập ngừng một lát, rồi khai:
- Đăm. Tên cháu là Đăm.
- Cháu là cái gì Đăm. Họ ấy mà, thưa bà ?
- Thì cháu là Nguyễn Văn Đăm.
- Cháu bao nhiêu tuổi, thưa bà?
- Mười hai, mười ba tuổi chi đấy. Cô cứ ghi cho cháu nó mười hai cũng được.
- Ở xã nào, thưa Bà?
- Xã Tây Tựu.
Bà Ứng cứ khai tuồn tuột như vậy. Cô y tá ghi chép xong, vội vàng quay vào phòng mổ.
Phải hơn một tiếng đồng hồ sau người ta mới đưa thằng bé xuống phòng bệnh nhân . Bà Ứng đi theo mấy cô bác sỹ vào giường nó. Cô y tá đưa cho bà Ứng một cái áo mầu xanh, giống áo của bệnh nhân, bảo bà khoác vào. Cô hướng dẫn bà Ứng giữ nhẹ cái đầu thằng bé cho nó nghiêng về một bên, để đờm dãi trong miệng nó chảy ra, không bị sặc. Cái tay thằng bé đang truyền thuốc được cột bằng băng vải trắng xuống thành gường. Cô y tá dặn bà nếu thấy chai nước đang truyền sắp hết thì gọi cô ngay. Nói đoạn, cô ghé sang gường bệnh nhân khác, vừa ở phòng mổ đưa xuống. Một người đàn ông từ gường bên đưa cho bà Ứng một cái ghế và dặn bà đừng ngồi lên gường bệnh nhân để cho bệnh nhân được sạch sẽ. Bà Ứng vừa đưa tay nhận cái ghế vừa nhìn ông ta, hóa ra là cái ông đã giúp bà Ứng đưa thằng bé vào phòng cấp cứu, khi bà đang loay hoay bế nó từ trên xe xuống. Ông ta cũng đang chăm bà vợ gãy chân, vừa phải mổ, nằm cách thằng bé hai gường. Một lúc lâu, thằng bé cựa và từ từ mở mắt ra. Nó nghiêng đi, nghiêng lại, rồi nhắm mắt. Bà Ứng gọi thằng bé mở mắt ra. Bà cầm chén nước định cho thằng bé uống thì cô y tá đang cắm truyền cho bệnh nhân ở gường bên cạnh đã nhắc bà khoan hãy cho cháu uống. Cô đưa cho bà một cục bông bằng đốt tay cái, bảo bà thấm nước rồi xấp vào cái môi khô của thằng bé, để tỉnh hẳn mới cho uống nước được. Truyền là thay cho uống, cho ăn rồi. Thật may cho cả thằng bé và bà Ứng. Một lúc lâu thằng bé tỉnh lại. Nó gọi mẹ. Nó khóc. Bà Ứng bảo nó nằm im, tay bà giữ tay thằng bé. Nó rên, kêu đau, nhưng rồi nó cũng vâng lời bà, nằm yên không kêu la nữa.
Bà Ứng sực nhớ ra ông xích lô. Bà báo cáo cô bác sỹ phụ trách phòng thằng bé nằm để bà ra ngoài một lát. Bà Ứng còn dặn thêm ông đang chăm vợ mổ chân để mắt đến thằng bé rồi vội chạy ra cổng bệnh viện. Bà nhìn đi nhìn lại mới thấy ông xích lô đang đậu xe ở gốc cây sấu bên kia đường. Bà vội chạy sang nói với ông xích lô:
- Trời ơi! Em mê muội hẳn đi thành bắt bác đợi em lâu quá. Bác bỏ quá cho em?
- Thằng bé sao rồi?
- Bác sỹ nói là thằng bé bị gãy một bên xương đùi. Phải luồn cái đinh hay cái thép gì đó vào. Nghe ra là nặng lắm bác ơi. Máu chảy nhiều quá. Cô y tá nói là đã phải tiếp máu cho nó ngay trong phòng mổ. Họ nói may mà đưa nó đến chưa muộn. Nếu chậm khoảng mươi mười lăm phút nữa thì có thánh cũng không cứu được. À, bệnh viện hỏi tên, hỏi tuổi thằng bé, em khai cho nó tên là Đăm. Khi cô y tá hỏi, em lúng túng quá. Em chỉ nhớ mỗi cái tên làng em nên em khai cho nó mang cái tên làng em. Tên Đăm. Nguyễn Văn Đăm, được không bác?
- Miễn là nó sống là được rồi. Còn cái tên của nó ta sửa sau. Thế bây giờ nó đã tỉnh hẳn chưa? Bố mẹ nó đã đến chưa?
- Cháu nó vừa tỉnh lại. Nó la đau và gọi mẹ nó. Bố mẹ nó chưa ai tới cả. Em dỗ nó nằm yên, nó đã nín và nằm yên rồi. Hay là bố mẹ nó không biết nó đã được đưa đến đây?
- Ừ nhỉ. Thế mà nãy giờ tôi chỉ lo nhỡ nó có xấu số đi thì một mình bà lo liệu thế nào được nên tôi phải chờ. Chờ nên nghĩ không ra. Có biết tôi làm một cuốc về lại chỗ nó bị thương, tìm bố mẹ nó, đưa họ đến đây. Thật là đầu óc tôi sao mà nó mụ mỵ đến thế kia chứ !
Ông xích lô vừa đỡ cái rọ sắn và cái rọ măng xuống xe vừa nói với bà Ứng:
- Thôi thì để bây giờ tôi trở lại chỗ đó, vào mấy cái làng gần đó hỏi thăm tìm báo cho bố mẹ nó biết. Bà cố gắng ở lại đây với nó nhé. Bố mẹ nó đến, tôi đưa bà về, không tối đâu mà lo.
Cùng lúc ông xích lô dỡ hàng xuống xe, bà Ứng mở cái ruột tượng trong người ra, lần dở lấy tiền dúi vào tay ông xích lô:
- Này bác! Thôi thì bác thông cảm cho. Em phải ở lại với thằng bé cho đến khi nó tỉnh hẳn, em sẽ báo cáo thật với các bác sỹ là em và bác đã đưa nó từ đầu cầu, chỗ máy bay ném bom đến đây. Không biết nó là con cái nhà ai cả. Em xin tạm giao thằng bé lại cho các bác sỹ, cho bệnh viện, xong em mới về được. Em với thằng bé, em gửi tạm bác ba chục vậy. Bác cầm tạm lấy, nhỡ dọc đường xe cộ có làm sao...
Bà Ứng mới nói đến đấy thì ông xích lô đã trợn trừng mắt lên nhìn thằng vào mặt bà Ứng, hai cái môi ông cứ giật giật:
- Bà! Bà! Bà, bà tệ thật. Bà cho... Bà cho cái thằng tôi... Cho cái thằng tôi là cái thằng không nghĩ được như bà chắc?
Ông xích lô nói gay gắt như quát, rồi ông nhảy phốc lên xe, đạp thẳng. Bà Ứng đứng ngỡ ngàng, tay cầm mấy đồng bạc run run, nhìn theo ông.
Bà Ứng trào nước mắt ra. Bà hối hận về những câu nói vừa rồi. Đúng là lòng người khó đoán. Người ta nói sẩy chân còn vợi lại được, sẩy miệng khó mà lấy lại được!..
Bà Ứng tần ngần cho mấy đồng bạc vào lại cái khăn bao và quay vào bệnh viện ./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.