ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường

Chị Lê Thị Hương, ở thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc được xem là một trong những nghệ nhân thuộc thế hệ trẻ “tiếp lửa” văn hóa Mường của vùng đất Châu Ngọc, được chính quyền địa phương, Nhân dân trên địa bàn và các thành viên trong Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Mường ghi nhận, tôn vinh. Qua hơn 20 năm gắn bó với những khúc hát Xường, Đang, có mặt trong nhiều đêm hội cồng chiêng… chị Lê Thị Hương đã không ngừng học hỏi, rèn luyện, tiếp nhận vốn văn hóa văn nghệ dân gian, nâng cao năng lực trình diễn của mình. Ghi nhận những đóng góp của chị trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tháng 9 năm 2022, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Đức Dũng - Tuấn Anh - Đức Anh

15/08/2024 06:40

Trên mảnh đất xứ Mường của huyện miền núi Ngọc Lặc, nếu như Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng thuộc lớp người "truyền lửa" thì nghệ nhân ưu tú Lê Thị Hương chính là lớp người "tiếp lửa". Mọi người biết đến chị qua các hoạt động giao lưu, liên hoan văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, từ khi còn là cô gái tuổi chưa tròn đôi mươi đến hôm nay. Chị cũng nhiều lần đạt giải cao tại các kỳ liên hoan văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, cũng như toàn quốc.

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 1.

Với chị Lê Thị Hương, là người con của đất Mường, nên việc tiếp nhận văn hóa truyền thống của cha ông, với chị là một lẽ tự nhiên như "cơm ăn, nước uống" vậy. Chị kể cho chúng tôi nghe về những ngày tuổi thơ tới trường, được đọc những trang sách, nghe những bài giảng của thầy cô về sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc dân tộc. Rồi được tham gia những đêm diễn văn nghệ của thôn xóm, nghe những chia sẻ đầy trăn trở của các bậc cao niên trong việc làm thế nào để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Mường… Mưa dầm thấm lâu, chị đi cùng các mẹ, các bà đến từng buổi tập, từng đêm diễn, nhiều thành quen, rồi yêu những làn điệu dân ca, dân vũ của quê mình lúc nào không biết. Chị tự luôn tự hào vì trong gia đình có cha, mẹ, ông bà… đều là những người hát xường, đang có tiếng trong vùng. Bên bếp lửa nhà sàn, những tâm tình diễn giải, những lời hát xường ngọt ngào sâu lắng đã thắp lên trong chị về tình yêu với văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 2.

Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Hương dạy hát Xường

Chị Lê Thị Hương cho biết, học hát xường, đang không khó, nhưng để hát hay thì trước hết, cần phải có niềm say mê. Nếu như hát "đang" là kể lại những câu chuyện bằng lời hát; thì hát "xường" chính là biến lời ăn, tiếng nói thành câu hát.

Người Mường có thể hát xường ở nhiều sự kiện, như: mừng nhà mới; mừng đám cưới; ngày hội đại đoàn kết... với nhiều loại xường, trong đó xường giao duyên là phổ biến nhất. Xường giao duyên là hình thức phong phú và có nhiều bài hát. Nội dung lời hát của xường giao duyên rất đa dạng, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, làng bản, đất nước; tình yêu, lòng chung thủy, đức tính cần cù lao động của con người... Lời của những câu xường giản dị, mộc mạc. Lời hát cất lên từ trái tim rạo rực thương yêu, không phân biệt địa vị cao, thấp trong xã hội, không vì vật chất. Đây là một trong những nghệ thuật trình diễn đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa truyền thống dân tộc Mường, với một cấu trúc trình tự bắt buộc ở từng cung bậc tình cảm của đôi trai gái khi ngỏ lời yêu.

Ông Bùi Hồng Nhi, Nguyên Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Cái hay, cái đẹp trong hát xường, đó chính là sự vận dụng của người hát vào từng điều kiện hoàn cảnh khác nhau, làm cho con người thêm gần gũi nhau hơn. Hát xường có nhiều bậc, tương ứng với các cung bậc tình cảm của con người. Bởi vậy, hát xường đã khó, để hát hay, lại càng khó hơn rất nhiều".

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 3.

Không chỉ thành thạo các làn điệu xường với 12 bậc, trên 650 bài hát, nghệ nhân Lê Thị Hương còn nhiệt tình tham gia những đêm hội cồng, chiêng và tích cực tiếp thu trò diễn Pồn Pôông do Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng truyền dạy. Trò diễn Pồn Pôông được cộng đồng dân tộc Mường đất Châu Ngọc xem là báu vật. Ở đó, không chỉ là những câu chuyện kể về thủa hồng hoang "lập trời, lập đất", mà còn diễn tả công cuộc đấu tranh dựng xây làng, bản, gìn giữ non sông, đất nước; những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, trong cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, vạn vật… Tất cả đều được những người tham gia trò diễn Pồn Pôông tái dựng một cách chân thực, đầy tự hào.

Trải qua hàng chục năm theo học nghệ nhân Phạm Thị Tắng, chị Hương càng cảm nhận được tâm huyết, nhiệt tình của lớp người đi trước với văn hóa truyền thống, chị luôn thấy mình phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa Mường.

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 4.

Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Hương, thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc

Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Hương, thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi được nghe các bà, các mẹ hát ru, lớn lên, lại được nghe hát xường, hát đang, những câu hát ấy theo tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Tôi ghi nhớ và dần thuộc lòng những câu hát ấy. Theo các bà, các mẹ tham gia hội làng, tôi lại hát cho mọi người cùng nghe. Tôi thật sự yêu thích và mong muốn được gìn giữ cho thế hệ sau những khúc hát dân ca của dân tộc mình".

Theo chị Hương, việc của thế hệ đi trước chính là định hướng, truyền dạy, để con cháu mình không xa lạ với văn hóa truyền thống, và để mỗi người thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa ấy. Với mỗi người con đất Mường xứ Thanh nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên dải đất hình chữ S nói chung, tình yêu và sự say mê không tự nhiên mà có, cũng không bỗng nhiên mất đi, bởi văn hóa truyền thống như mạch nguồn, âm thầm chảy trong đời sống cộng đồng. Mạch nguồn ấy lớn lên từng ngày, tạo thành một dòng chảy văn hóa trong trái tim mỗi người, đó chính là tình yêu đối với quê hương, đất nước, là niềm tự hào về dân tộc Việt Nam…

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 5.

Bà Trương Thị Phi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nghệ nhân Lê Thị Hương đã cùng với Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Mường có nhiều buổi sinh hoạt, truyền dạy cho các em học sinh và Nhân dân những làn điệu dân ca, những điệu múa, trình diễn cồng chiêng… góp phần vào việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Mường".

Xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc có hơn 90% dân số là người dân tộc Mường. Những năm qua, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống của Nhân dân trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Với nghệ nhân Lê Thị Hương, chị không chỉ là "người tiếp lửa", mà còn là "người truyền lửa" văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay trên đất Mường Châu Ngọc. Qua hàng chục năm gắn bó, đến nay, chị Lê Thị Hương đã cùng với chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Sơn thành lập được Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường với hàng chục thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Chị Lê Thị Hương cũng trở thành hạt nhân cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Chị Lê Thị Đào, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Là một người thuộc thế hệ trẻ nhưng tôi thực sự có những đam mê với hát xường, hát đang, với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tôi tham gia cùng Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Mường, được các bà, các chị, nhất là chị Hương đã hướng dẫn cho tôi rất nhiều, từ những câu hát, cách thể hiện… Giờ tôi có thể tự tin khi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương mình".

Nghệ nhân Lê Thị Hương, người “tiếp lửa” văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 6.

Ông Đặng Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Đặng Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tập trung vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bởi vậy, chúng tôi đã thành lập được Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Mường với những câu hát xường, hát đang, trong đó, nghệ nhân Lê Thị Hương có vai trò rất quan trọng, góp phần cùng với địa phương tiếp tục gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của Nhân dân trong đời sống".

Niềm đam mê, sự tích cực trong các phong trào văn hóa, văn nghệ suốt nhiều năm qua của nghệ nhân Lê Thị Hương đã được các cấp, ngành và Nhân dân ghi nhận, biểu dương. Bên cạnh những nỗ lực của các hạt nhân như chị Hương, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành văn hóa, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Ngọc Lặc sẽ tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc xứ Thanh.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh/TTV

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát"

Tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát"

11:07 , 19/02/2025

Tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa vừa mở lớp tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát" năm 2025.

Về làng cổ Tường Vân

Về làng cổ Tường Vân

10:38 , 19/02/2025

Nằm bên dòng sông Cầu Chày, làng Tường Vân xã Định Thành, huyện Yên Định có lịch sử lập làng và phát triển cách đây hàng nghìn năm. Ngôi làng này cũng là quê hương của hai anh em Tiến sĩ họ Khương nổi danh trong lịch sử: Khương Công Phụ và Khương Công Phục.

Tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường

Tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường

23:12 , 18/02/2025

Trung tâm Văn hóa điện ảnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thạch Thành vừa tổ chức 2 lớp tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường và biên đạo, dàn dựng các tiết mục văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lâm.

Sẵn sàng cho Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian năm 2025

Sẵn sàng cho Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian năm 2025

20:20 , 18/02/2025

Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân năm 2025 được tổ chức theo hình thức đại tế 5 năm 1 lần. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/2/2025 (tức ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực phong phú, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái và Thổ. Hiện nay, huyện Như Xuân đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lễ hội.

Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.

23:06 , 17/02/2025

Ngày 17/2 (tức ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ), UBND thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn tổ chức Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.


Trung Quốc miễn thị thực cho khách Việt đến Tây Song Bản Nạp

Trung Quốc miễn thị thực cho khách Việt đến Tây Song Bản Nạp

06:16 , 17/02/2025

Trung Quốc sẽ miễn thị thực cho đoàn du lịch từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đến thăm Tây Song Bản Nạp - một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - nếu du lịch trong vòng tối đa 6 ngày.

Mùa du lịch văn hóa

Mùa du lịch văn hóa

18:09 , 16/02/2025

Với sự đa dạng về văn hóa và thiên nhiên, du lịch văn hóa xứ Thanh đang là “điểm hẹn mùa xuân” hấp dẫn du khách gần xa. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 675 nghìn lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình du lịch này.

Về nơi cửa biển

Về nơi cửa biển

15:24 , 16/02/2025

Với hơn 102km đường bờ biển, từ lâu, tỉnh Thanh Hóa lưu dấu ấn đậm nét của các cửa biển lớn…

Triển lãm sinh vật cảnh huyện Hoằng Hóa năm 2025

Triển lãm sinh vật cảnh huyện Hoằng Hóa năm 2025

09:39 , 16/02/2025

Sáng 15/2, Hội Sinh vật cảnh huyện Hoằng Hóa phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Medipha đã tổ chức triển lãm sinh vật cảnh năm 2025.

Xã Cẩm Vân tổ chức Khai mạc lễ hội Chùa Màu

Xã Cẩm Vân tổ chức Khai mạc lễ hội Chùa Màu

23:02 , 15/02/2025

Sáng ngày 15/2 (tức ngày 18 tháng Giêng âm lịch) Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Vân phối hợp với hội phật giáo huyện Cẩm Thủy tổ chức khai mạc lễ hội Chùa Màu năm 2025.