ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Phu nhân nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Người đếm chữ phi thường...

Năm 1939, khi kết hôn với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tác giả của những tiểu thuyết và vở kịch nổi tiếng như "Đêm hội Long Trì", "Sống mãi với thủ đô", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Vũ Như Tô", "Bắc Sơn", "Lũy hoa"... bà Trịnh Thị Uyên, một người con gái gốc Hàng Đào (Hà Nội) vừa tròn 18 tuổi…

14/08/2018 08:59

Lúc đó bà mới chỉ một lần thấy ông cười, lúm đồng tiền ẩn hiện nơi gò má, bà đã đặt hết tin tưởng vào ông...

Và sau này, con trai út của họ, người mồ côi bố từ lúc 5 tuổi đã nhận xét về mẹ mình: "Mẹ tôi yêu cha tôi, như bao người phụ nữ Việt Nam khác yêu chồng mình. Nhưng trong mối tình sâu đậm và chan chứa yêu thương của bà, tôi nhìn thấy một sự khác biệt mà không phải người phụ nữ Việt nào cũng yêu chồng theo cách ấy. Mẹ tôi đã yêu cha tôi bằng tình yêu của một người vợ luôn tôn thờ và ngưỡng mộ chồng".

1. Bà Trịnh Thị Uyên, vợ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là thiếu nữ Hàng Đào, tụ hội nét thanh lịch duyên dáng của con gái đất Kinh kỳ. Phụ thân của bà là cụ Trịnh Sỹ Trinh, một nhà nho đỗ đạt có địa vị cao trong xã hội. Cụ Trinh không dạy chữ cho con gái nhiều bằng dạy nền nếp gia phong và "công - dung - ngôn - hạnh".

 

Bà Trịnh Thị Uyên và 5 người con.

Bà học bổ túc đến lớp 4 thì nghỉ nhưng con nhà dòng dõi nên bà ham học hỏi, thông minh cùng sự nhạy cảm, tinh tế đã giúp bà hoàn thành xuất sắc vai trò làm vợ hiền, người tri âm tri kỷ, người thư ký cho chồng - nhà văn tài năng và danh tiếng Nguyễn Huy Tưởng, người từng là Đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946, Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ. Sau hòa bình 1954, ông làm Ủy viên BCH Hội Nhà văn khóa I (1957). Ông cũng là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng.

Nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và bà Trịnh Thị Uyên cho biết: Khi hai ông bà mới lấy nhau, cha anh chỉ là một thư ký Sở Thuế quan, còn đang tập viết văn, làm thơ. Nhưng chỉ một lần gặp gỡ, những linh cảm phụ nữ mách bảo về người chồng đã làm cho trái tim của mẹ ông rung động và quyết định làm vợ ông từ năm 18 tuổi.

Từ khi lấy nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cuộc đời của bà bước sang một trang mới, không còn là người con gái sống trong "êm đềm trướng rủ màn che" của vòng tay gia đình nữa, mà đó là những tháng ngày thương nhớ dài dằng dặc vì phải xa chồng, những gian khổ khi đất nước rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc, bà cùng ông và 5 người con gồng gánh qua nỗi đoạn trường.

Rồi cả những niềm hạnh phúc khôn xiết khi những tác phẩm ông viết đã nổi danh và được đón nhận. Trong sự thành công vang dội ấy của tài năng văn chương Nguyễn Huy Tưởng, có sự đóng góp công sức của người vợ tảo tần, ngoài việc ngày ngày chăm lo cho gia đình, bà còn là "thư ký" đắc lực của mỗi tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. 

Nhà văn Huy Thắng kể về thời điểm năm 1946, khi tình hình chính sự căng thẳng, chiến tranh có thể bùng nổ và lan rộng ra bất kỳ lúc nào, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã giục vợ đưa các con đi tản cư cùng với gia đình ông bà ngoại ở Thanh Trí, Phúc Yên. Chiến tranh nổ ra, cuộc sống tản cư rất cực khổ, gia đình ông bà ngoại lại quay trở về Hà Nội.

Bà Trịnh Thị Uyên một nách ba con nhỏ đi theo cha mẹ, trong khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ở vùng chiến khu Việt Bắc. Bà xa ông, có khi nhớ quá lại lấy áo của chồng mặc vào cho đỡ nhớ... Nhiều lần nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tìm cách cho người vào nội thành đón bà và các con lên chiến khu Việt Bắc nhưng bà lo sợ sự ra đi này ảnh hưởng đến các cụ thân sinh (vì có người theo Việt Minh, sẽ bị xử rất nặng).

Giữa tình và hiếu, bà đã gạt nước mắt kiên quyết không đi cùng chồng mà ở lại. Đến đầu năm 1951, trước sự cương quyết của chồng, bà đã dắt ba đứa con đi tìm chồng. Họ đã có thêm 2 người con sau đó, nhà văn Huy Thắng là con trai út. Khi Huy Thắng lên 5 tuổi thì nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bị lâm trọng bệnh và qua đời.

Bà Trịnh Thị Uyên mất chồng năm 39 tuổi. Từ một người phụ nữ thụ động về sinh kế, chỉ biết chăm lo việc nữ công gia chánh, mọi thứ đã có chồng lo liệu. Từ khi chồng mất, bà phải bước ra khỏi cái bóng của chồng, một mình đương đầu với cuộc sống để lo chu toàn cho 5 người con bé dại. Bà được bố trí công việc văn thư thủ quỹ ở Hội Nhà văn, sau đó là Nhà xuất bản Văn học.

2. Nhà văn Nguyễn Huy Thắng kể lại: "Những năm chống Mỹ, có một thời gian chúng tôi theo cơ quan mẹ sơ tán về vùng đất Sơn Tây. Mẹ tôi làm ở Nhà xuất bản Văn học, ngoài công việc thủ quỹ còn được cơ quan giao thêm việc đếm chữ. Bấy giờ nhuận bút sách tính theo số chữ. Sách ra, có bản in thử, người ta sẽ cho đếm số chữ rồi nhân với mức nhuận bút được trả. Mùa hè nóng nực, chúng tôi thường chờ tắt nắng một lúc là mấy mẹ con mang chõng, mang ghế ra góc vườn ngồi.

Khi ấy trời đã dịu mát và còn đủ sáng để tranh thủ làm một cái gì đó. Tôi thì đọc sách. Còn mẹ tôi thì đếm chữ trên một bản in thử vừa mới được chuyển từ Hà Nội lên. Bà ngồi hơi cúi người, bản in thử để mở trên đùi, một tay cầm bút chì, một tay chiếc quạt giấy. Cả hai tay đều làm việc liên tục. Tay quạt luôn phe phẩy trong khi tay bút liên tục đưa dò trên các hàng chữ, miệng nhẩm lẩm đếm theo. Mẹ tôi làm việc đó vô cùng cẩn thận, mỗi khi cảm thấy bị nhầm là đếm lại ngay, kẻo “để thiệt cho tác giả”, như bà vẫn nói.

 

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Tôi đọc mãi cũng mỏi, thỉnh thoảng ngừng đọc, ngẩng lên, vẫn thấy bà cặm cụi đếm, tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự cần mẫn của bà. Bẵng đi một dạo, tôi không thấy mẹ tôi đếm chữ nữa. Tôi hỏi thì được bà cho biết bây giờ đã có thêm người đếm chữ ở dưới Hà Nội, không phải đưa lên nơi sơ tán nữa. Nhưng rồi một hôm, tôi lại thấy mẹ tôi đếm chữ.

Không phải đếm trên bản in thử, cũng không phải đếm cho một tác giả nào khác, mà chính là đếm cho... cha tôi. Đó là cuốn Bắc Sơn, vở kịch nổi tiếng của cha tôi hồi đầu Cách mạng, nay được tái bản. Khỏi phải nói mấy mẹ con chúng tôi vui sướng đến thế nào. Không chỉ niềm vui tinh thần thôi đâu, kèm theo đó sẽ là tiền nhuận bút, tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng thật quý báu đối với gia cảnh chúng tôi khi đó".

3. Mồ côi cha khi còn bé dại, Nguyễn Huy Thắng lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và của các chị gái. Tất cả những ký ức về cha mình đều được lọc qua lăng kính của mẹ và các chị. Hình bóng cha anh, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, choán ngợp trong thế giới của mẹ anh. Cảm tưởng như ông chưa bao giờ mất đi mà vẫn hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ, trong từng hơi thở của bà. Thậm chí, sách của cha, nhiều đoạn trong cuốn "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Tìm mẹ"... Nguyễn Huy Thắng đã thuộc làu.

 

Bà Trịnh Thị Uyên và nhà văn Huy Thắng (hồi còn bé).

Mẹ anh lúc nào cũng trăn trở với những trang bản thảo của chồng. Hình ảnh mẹ anh với chiếc hòm sắt đựng đầy bản thảo và 40 tập nhật ký lớn nhỏ của cha anh như vật bất ly thân mỗi khi mẹ túm đàn con đi sơ tán chạy giặc. Khi nỗi nhớ chồng dài dặc và đầy day dứt trong bà, thì bà kể về những kỷ niệm lúc nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn sống cho các con nghe.

Cũng giống như hầu hết các nhà văn, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng hay thích được “vui” với anh em. Mỗi khi có nhuận bút là thể nào ông cũng bớt lại một chút để “khao bạn”. Khi thì ông mời đi ăn đặc sản, khi thì mời về nhà. Mấy mẹ con bà chuẩn bị cơm nước xong đâu đấy rồi lui ra ngoài “buồng con” với nhau, để các bác được tự nhiên thoải mái. Vui rượu với bạn, nhưng  lần nào nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng ra xem “mấy mẹ con có đủ ăn không”. Thấy bà Uyên cứ lúi húi dọn dẹp mãi, có lúc ông tỏ vẻ ái ngại, có lần còn ngỏ ý được làm đỡ, bà phát hoảng lên, chỉ sợ ông lại làm bẩn thêm ra.

Một lần khác, ông nhận được thư của họa sĩ Dương Bích Liên từ Cẩm Phả gửi về. Đọc xong, ông vui lắm, chỉ cho bà xem đoạn kết và bảo: “Anh Liên anh ấy khen em đây này!”. Thì ra, đó là câu họa sĩ Dương Bích Liên hẹn gặp lại: “Gặp nhau thể nào chúng ta cũng phải có một buổi tối như ở Trịnh Tây, nhưng đối với tôi, ấm cúng hơn cả vẫn là ở trong khung cảnh gia đình thân yêu của anh!". Lúc đó bà cảm động chỉ biết nhìn ông tỏ ý biết ơn vì sự tế nhị của ông Liên trong cách khen gia đình bạn.

Do công việc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng hay đi về giờ giấc thất thường. Nhưng bất luận ông đi lâu hay chóng, đi guốc hay đi giày, mang theo xe hay đi người không, hễ ông về đến dưới nhà là bà đã biết.

Và điều đặc biệt là dù ông có về muộn đến mấy, bà cũng cố thức chờ bằng được. Cũng có khi mệt quá bà ngủ thiếp đi, nhưng chỉ cần nghe tiếng chân ông là bà đã choàng tỉnh. Bà ra mở cửa sẵn sàng để ông khỏi phải gọi. Ông thấy thế vui lắm, nhưng có lúc không muốn bà phải đợi lâu, lần nào ông cũng bảo bà lần sau đừng thức khuya như thế, cứ để ông về gọi cửa cũng được.

Nhưng bà luôn nghĩ chồng sẽ vui, mà làm việc ấy cũng chẳng khó khăn gì, thì cớ gì lại không cố thức đợi! Những lần ông đi xa về thường là không mấy khi báo trước. Nhưng chỉ cần xe về đến dưới nhà là thể nào mấy mẹ con cũng biết, sau một tiếng reo: “Bố về!" là cả nhà ùa xuống, tíu tít vợ chồng, bố con, người thì nhảy tót lên lòng bố, người thì giành lấy mấy quả bưởi, bó mía bố mua về làm quà…

Lúc nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ra đi, bà Trịnh Thị Uyên mới 39 tuổi. Và trong suốt cả cuộc đời còn lại, cho đến ngày ra đi ở tuổi 89 là 50 năm tròn, bà Trịnh Thị Uyên chăm lo cho 5 người con trưởng thành và những đứa con tinh thần chính là các tác phẩm của ông sống mãi với thời gian.

Trong những trang hồi ký còn lại của cuộc đời mình, bà đã viết: "Thời gian và bổn phận đã làm được điều mà lý trí không giúp nổi. Bản năng nuôi con của người mẹ đã giúp tôi hồi phục, trở lại thực hiện cái nhiệm vụ mà bằng ánh mắt nhà tôi đã giao phó cho tôi suốt mấy chục năm qua, là thay anh ấy nuôi dạy con cái. Nỗi buồn dần dần trở thành nỗi nhớ. Nỗi đau rồi cũng mất đi vẻ sắc cạnh ban đầu. Sự xót xa cho cái số mình vất vả mãi cũng phải nguôi ngoai. Chỉ còn lai láng trong tôi duy nhất một cảm giác mãn nguyện tốt lành mà cùng với thời gian càng trở nên thấm thía: Được là vợ của anh ấy!".

Trần Hoàng Thiên Kim/Cand.com.vn


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Kỷ niệm 599 năm ngày mất của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần

Kỷ niệm 599 năm ngày mất của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần

23:18 , 02/05/2024

Sáng ngày 2/5, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân đã tổ chức Lễ hội Đền thờ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần năm 2024, kỷ niệm 599 năm ngày mất của bà (24/3 Ất Tỵ 1425 - 24/3 Giáp Thìn 2024).

Thanh Hóa đứng đầu về doanh thu du lịch trong dịp lễ 30/4 - 1/5

Thanh Hóa đứng đầu về doanh thu du lịch trong dịp lễ 30/4 - 1/5

21:20 , 02/05/2024

Trong 5 ngày nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 (từ 27/4 đến 01/5/2024), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8,0 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.

Thanh Hóa đón 1,5 triệu lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5

Thanh Hóa đón 1,5 triệu lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5

18:00 , 01/05/2024

Theo thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ từ 27/4 đến 01/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón tăng trưởng kỷ lục, vượt mục tiêu đề ra của địa phương với khoảng trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 27,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023; tổng thu du lịch đạt trên 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023.

Sức hút từ "Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An"

Sức hút từ "Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An"

14:00 , 01/05/2024

Diễn ra từ ngày 26/4 đến 01/5, Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An" năm 2024 đã thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân và du khách.

Gia tăng lượng khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

Gia tăng lượng khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

20:16 , 30/04/2024

Kỳ nghỉ lễ 5 ngày, tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, lượng khách du lịch tăng cao đột biến. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trước về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác nên hoạt động dịch vụ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Chiếu cói Quảng Xương

Chiếu cói Quảng Xương

10:28 , 30/04/2024

Thanh Hoá là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, trong đó đặc biệt có nghề dệt chiếu cói. Và nhắc đến chiếu cói, bên cạnh những địa phương như Nông Cống, Nga Sơn thì Quảng Xương cũng là một miền quê có sản lượng lớn chiếu cói lớn được xuất khẩu. Từ lâu, những đôi chiếu Quảng Xương đã đi muôn nơi và trở thành vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc lứa đôi.

Truyền hình trực tiếp Khai mạc Lễ hội du lịch biển 2024 "Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca"

Truyền hình trực tiếp Khai mạc Lễ hội du lịch biển 2024 "Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca"

20:14 , 29/04/2024

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh TTV và Livestream trên Fanpage và kênh Youtube của Đài PTTH Thanh Hóa

Các huyện miền núi hấp dẫn du khách trong dịp lễ 30/4, 1/5

Các huyện miền núi hấp dẫn du khách trong dịp lễ 30/4, 1/5

19:39 , 29/04/2024

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, ngoài những bãi tắm đẹp, những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những khu vui chơi sôi động, nhiều du khách đã lựa chọn các khu, điểm du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá cho kỳ nghỉ của mình. Đây là cơ hội để loại hình du lịch này được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

Khai trương Chợ du lịch - Chợ đêm Hải Tiến

Khai trương Chợ du lịch - Chợ đêm Hải Tiến

16:01 , 29/04/2024

Tối 28/4, tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến đã tổ chức lễ khai trương Chợ du lịch - chợ đêm Hải Tiến, đánh dấu mốc chợ chính thức đi hoạt động từ đầu mùa hè 2024.

Thanh Hoá hút khách du lịch trong 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ

Thanh Hoá hút khách du lịch trong 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ

16:00 , 29/04/2024

Trong hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, thời tiết khá thuận lợi nên hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các khu du lịch biển đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, vui chơi và nghỉ dưỡng.