ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 05/07/2024 15:49

Trần Lê Vang - Người của những con đường huyền thoại | Nguyễn Minh Khiêm | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe bút ký “Trần Lê Vang- người con của những con đường huyền thoại” của tác giả Nguyễn Minh Khiêm qua giọng đọc của Thùy Dung.

Sau bao công tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng có được số điện thoại của ông. Ngay cú bấm chuông đầu tiên ông đã nhận ra tôi, gọi đúng tên tôi. Tôi quá ngạc nhiên. Sao bác lại nhận ra em? Tiếng cười rung lên trong máy. Giọng ông hiền lành, ấm áp, tôi vẫn thường xuyên theo dõi anh trên ti vi, trên đài, báo mà. Ông đáp thế. Đến nhà nhá. Đến nhà nhá. Ông giục mời không giấu được sự mặn nồng, vồn vã. Tất nhiên, tôi lập tức lên đường. Cách vài trăm thước tôi đã nhận ra ông. Vẫn dáng người mảnh dẻ, dong dỏng cao. Vẫn khuôn mặt đầy nếp nhăn. Nụ cười cởi mở, rạng rỡ. Những nếp nhăn ngày xưa như thế nào bây giờ vẫn ngyên thế ấy. Hai tay ôm tôi, ông bảo, thế mà đã bốn mươi mấy năm còn gì. Đúng là đã hơn bốn mươi năm. Rồi ông điện gọi thêm mấy người cùng đơn vị, tuổi sáu chín, bảy mươi đến chung cuộc rượu. Gian nhà chật hẹp kê chiếc giường một sát tường, diện tích còn lại vừa đủ trải một chiếc chiếu. Mấy anh em xếp bằng ngồi vòng tròn quanh mâm hàn huyên chuyện một thời mở đường biên giới.

Nhìn căn nhà cấp bốn đơn sơ, ngói mũi lợp kiểu vảy cá xuống màu thời gian, bộ bàn ghế giản đơn, sân gạch, giếng nước không ai nghĩ đây là cơ ngơi của một người nhiều năm quyền Bí thư rồi Bí thư Đoàn Ty giao thông Thanh Hóa; nhiều năm giữ chức vụ Đội Phó, Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đoàn thanh niên Đội Thanh niên Tình nguyện (42 – 12), (nay là Đội Thanh niên xung phong N 42); nhiều năm liên tục làm Bí thư Đảng ủy Cảng Thanh Hóa (Cảng Lễ Môn). Lý lịch của ông là lý lịch của một cựu TNXP thời chống Mỹ oanh liệt. Ba mươi năm công tác. Mười năm trực tiếp dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ. Năm năm mở đường biên giới Việt - Lào. Hiền lành. Giản dị. Gần gũi với mọi người. Yêu thương đồng đội, đồng chí hết lòng. Liêm khiết. Mẫu mực. Trong sáng. Tuổi tám mươi vẫn cùng với gia đình đồng đội cũ, cùng các cấp chính quyền chạy hết cơ quan này đến cơ quan khác từ tỉnh đến Trung Ương đề nghị công nhận liệt sĩ cho những người lính hy sinh cách đây hơn bốn mươi năm. Ai cũng trân trọng ông. Ai cũng nể phục. Nhắc đến ông là nhắc đến một biểu tượng dấn thân, triệt để cách mạng. Nhắc đến ông là nhắc đến một biểu tượng sinh ra dành cho những thử thách lớn, đương đầu với những thử thách lớn góp phần làm nên lịch sử một thời đại lớn. Nhắc đến ông là nhắc đến hình ảnh người cán bộ cống hiến, không vụ lợi, không đòi hỏi bất cứ ưu tiên, ưu đãi nào cho mình. Tất cả sức lực, trí tuệ dành cho công việc. Tất cả nghị lực, năng lực, tất cả những phẩm chất cao đẹp nhất của tuổi trẻ, của người cán bộ, người đảng viên hiến dâng cho đất nước.

Nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Thanh Hóa có hai con đường huyền thoại: Con đường thuyền nan huyền thoại trong chống Mỹ cứu nước; Con đường biên giới Việt – Lào huyền thoại trong xây dựng đất nước hòa bình. Tuổi trẻ, sức lực, nghị lực, khát vọng của ông gắn liền với hai con đường huyền thoại ấy. Chúng tôi gọi ông là người Bí thư Đoàn của một thế hệ vàng, người cán bộ của một thế hệ vàng - Người của những con đường huyền thoại. Ông là Trần Lê Vang. Ông sinh ngày mùng 1 tháng 1 năm 1940, tại làng Châu Phong (nay là xóm Bốn), xã Xuân Thọ, Thọ Xuân (nay là huyện Triệu Sơn), Thanh Hóa.

Ký ức của ông là ký ức hào hùng của ngành giao thông vận tải Thanh Hóa nói chung, ký ức hào hùng về Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước và Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa nói riêng trong những năm chống Mỹ. Ông có mặt trong Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước từ ngày đầu tiên đến phút cuối cùng. Ông là người được ủy quyền thành lập Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa trên đất Quảng Bình. Trọng điểm bom đạn có ông. Nơi gian khổ nhất có ông.

Tháng 3 năm 1963 ông là Thanh niên tình nguyện xây dựng đường sắt Thanh Hóa – Vinh. Ông được biên chế vào đội cầu Trần Quốc Bình. Đó chính là Đội cầu Hàm Rồng, trực tiếp làm cầu Hàm Rồng. Cầu được thông xe vào ngày 19 tháng 5 năm 1965 nên cầu Hàm Rồng được mang tên cầu 19 tháng 5 – Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Ngày mùng 3, mùng 4 tháng tư năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá Nam Ngạn, Hàm Rồng ác liệt. Đội cầu cùng quân dân tỉnh Thanh Hóa dũng cảm đánh trả máy bay giặc mỹ dưới mưa bom bão đạn đảm bảo an toàn mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam.

Máy bay Mỹ đánh phá miền bắc ngày càng ác liệt. Đường số Một từ Thanh Hóa vào Quảng Bình chỗ nào cũng là trọng điểm bom Mỹ. Trung Ương giao cho Thanh Hóa mở con đường vận tải bằng thuyền nan đưa lương thực, thực phẩm, hàng hóa vào chi viện cho miền Nam. Cuối năm 1965, Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước Thanh Hóa được thành lập. Ông Đào Đức Hinh, Phó Ty Giao thông được điều xuống làm Chủ nhiệm công Ty; ông Nguyễn Văn Đảng, Phó Chủ nhiệm Công ty; Bí thư Đảng ủy Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước là ông Dương Văn Cương, người mà mười năm sau, tức năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc lại được điều lên làm Bí thư Đảng ủy Đội TNTN (42 -12). Gần ba nghìn người từ các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc và hàng trăm công nhân từ công trường 101 sân bay Sao Vàng được điều động làm công nhân thuyền nan. Có huyện một Xê ( C ). Có huyện hai C. Có huyện 3 C.

Hàng nghìn chiếc thuyền nan được đóng mới. Công việc khai thác nguyên vật liệu tre, luồng, nứa, mây song từ các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân đưa về xuôi phục vụ cho việc đan thuyền. Thuyền bè từ sông Âm, sông chu về xuôi mắc nhiều đá ngầm, ghềnh, thác. Bè vỡ. Bè mắc cạn. Đội Công trình 6 được thành lập. Nhiệm vụ của Đội là dò tìm đá ngầm, đá nổi dưới lòng sông Âm, sông Chu. Khi phát hiện đá, dùng mìn đánh, dọn sạch, thông dòng cho bè, thuyền xuôi nhanh, không bị cản trở. Nhiều người gọi đây là đội Công binh đường thủy Công trình 6. Ông được bầu làm Phó bí thư chi đoàn, trực tiếp phụ trách hoạt động Chi đoàn. Lúc này, máy bay Mỹ phát hiện thấy nhiều thuyền bè của ta đi trên sông Âm, sông Chu về xuôi. Mỹ tăng cường dải bom. Hạ nguồn có bom. Thượng nguồn có bom. Việc dò tìm đá, nổ mìn trên sông rất dễ trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ. Toàn đội đã vượt qua bom đạn, đảm bảo thuyền bè về xuôi không bao giờ bị tắc. Vì thế hạn chế được rất nhiều thương vong, mất mát.

Do thành tích xuất sắc trong lao động, từ Đội công trình 6, ông được điều về đi học lớp Sơ cấp Kỹ thuật ở Thiệu Châu, Thiệu Hóa. Học chưa được bao lâu, do nhu cầu phục vụ chiến đấu, cả lớp được Ty Giao thông điều về làm cầu phao phà Ghép. Nơi làm phao được bố trí tại một địa điểm bí mật, ngụy trang kín đáo ở xã Quảng Long, Quảng Xương, phía trên phà Ghép mấy cây số. Ba mươi học viên là ba mươi lính thực hành. Công việc cụ thể của đội Kỹ thuật là đóng các phao bằng luồng. Tất cả các phao này đã có một khung sắt được thiết kế thao một kích thước nhất định. Nhiệm vụ của đội kỹ thuật là cắt luồng xếp vào khùng, nêm thật chặt. Hạn chế độ dơ đến mức tối đa. Dù bom nổ rung lắc đến đâu phao vẫn đảm bảo chắc chắn. Không phải chỉ làm phao đủ cho một cầu mà phải làm rất nhiều phao dự trữ. Tan cầu phao này có ngay phao làm cầu khác. Khi đóng xong phao, ém sẵn dọc bờ sông khuất lấp. Đêm đến, đơn vị vận chuyển xuống Ngọc Trà. Đây là cầu phao tránh phà Ghép, cầu phao tránh đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ở thời điểm ấy. Ngày thì máy bay Mỹ lùng sục, dải bom. Ban đêm thì pháo kích của giặc từ biển vào. Một ngày không biết bao nhiêu trận. Có lần, mười hai giờ đêm, vừa đưa được phao xuống Ngọc Trà, mưa bom bão đạn của kẻ thù không biết từ đâu tới nổ long trời lở đất. Lửa đỏ rực một vùng. Hàng trăm cột nước thi nhau dựng trên sông. Hàng trăm khối đất tung lên mù mịt. Pháo sáng trông rõ từng hạt bụi. Hoàn chỉnh công trình cầu phao Ngọc Trà, tháng 1 năm 1966, ông được điều về Công ty vận tải thuyền nan chống Mỹ cứu nước với chức vụ Phó Phòng Kế hoạch. Công ty Thuyền nan được thành lập tháng 11 năm 1965. Ông Đào Đức Hinh, Phó Ty giao thông trực tiếp làm Chủ nhiệm công ty. Ông Nguyễn Văn Đảng làm Phó Chủ nhiệm công ty. Ông Dương Văn Cương làm Bí thư Đảng ủy công ty, người mà mười năm sau, năm 1975, lên làm Bí thư Đảng ủy Đội TNTN (42 – 12) mở đường biên giới Hồi xuân – Tén Tằn. Công ty thuyền nan còn có tên là Công ty 185. Ông giải thích, 185 là tên số điện thoại của Công ty. Lúc bấy giờ, có số điện thoại riêng là hiếm lắm. Nói đến 185 là nói đến Công ty thuyền nan. Ngay sau đó, ông được điều vào làm Trạm Trưởng Trạm 5 của Công ty vận tải thuyền nan chống Mỹ cứu nước.

Cung độ vận chuyển của Công ty từ Thanh Hóa vào đến Vinh, Nghệ An có 12 trạm. Trạm Một ở Vức. Trạm Hai ở Quảng Long. Trạm Ba ở cầu Khe Than, kênh Than, đoạn Ghép bắt vào. Trạm Bốn ở Ba Làng, Tĩnh Gia. Đoạn này quản lý từ Ba Làng đến cầu Vằng, cầu Hổ. Trạm Năm, từ cầu Hổ vào Quỳnh Dị, Hoàng Mai, Nghệ An. Trạm Sáu, từ Hoàng Mai vào…Trạm Mười Hai ở thành phố Vinh. Ông Nguyễn Văn Đảng, Phó chủ nhiệm Công ty trực tiếp làm Trạm trưởng. Trạm Vinh là Trạm cuối cùng, cũng là đầu mối, điều hành toàn bộ công việc từ Vinh vào đến Quảng Bình.

Trạm Năm từ cầu Lau đi vào hết kênh Son ra lạch Cờn. Khi nước thủy triều lên, lạch Cờn, lạch Bạng gặp nhau tại kênh Son. Nhìn từ phía tây xuống phía biển lúc này kênh Son rất thẳng. Một con vịt bơi trên kênh cũng không lọt qua mắt kẻ thù. Trạm Trưởng phải rất thông thuộc thủy triều, lạch sông, con nước. Nếu không nắm chắc thời điểm nức sinh, nước đại, nước kiệt, không nắm chắc thủy triều, độ sâu nông chỗ bãi bồi nơi lạch Cờn, lạch Bạng gặp nhau sẽ rất nguy hiểm. Trạm trưởng phải chịu trách nhiệm trước hàng trăm sinh mạng con người, hàng nghìn tấn hàng hóa chi viện cho tiền tuyến. Bọn Mỹ nắm rất vững quy luật thủy triều, đặc điểm ở đây. Chính vì thế nó luôn xuất hiện đúng thời điểm. Bom đạn luôn xuất hiện đúng thời điểm. Người trạm trưởng phải rất chính xác khi ra lệnh cho thuyền vào, thuyền ra. Sai một chút, lập tức phải trả giá đắt. Không chỉ có thế. Trạm Năm còn là nơi ba con đường chiến lược giao nhau: Đường thủy (kênh Son) giao cắt với đường bộ (đường số Một) giao cắt với đường sắt (đường sắt Bắc Nam). Bên cạnh đó, Hoàng Mai là một điểm thắt cổ chai giữa Thanh Hóa và Nghệ An y hệt dốc Xây Tam Điệp, điểm thắt giữa Thanh Hóa với Ninh Bình. Chính vì thế, đây là rốn bom rốn đạn của kẻ thù. Ngày nào cũng rốc két. Ngày nào cũng bom. Hết đợt này đến đợt khác. Dân ở đây đi xơ tán hết. Trạm nằm giữa cánh đồng làng Thái Hòa, xã Trường Lâm, Tĩnh Gia. Trạm có năm người. Một trạm trưởng, hai y tá, 2 điều độ. Máy bay đánh phá liên miên, thương tật nhiều nên trạm phải có hai y tá. Bình quân ngày nào cũng có bốn Xê (C) thuyền nan qua Trạm. Hai C trong tuyến ra. Hai C chuyển hàng ngoài vào. Mỗi C 30 thuyền. Đơn vị thuyền nan chỉ có C, A, không có trung đội. Một C từ 5 đến 6 A. Mỗi A 5 thuyền. Mỗi thuyền 2 người. Một nam, một nữ.

Nam khỏe cầm lái. Nữ chủ yếu cầm chèo. A nào đi với A ấy. Đi cùng đi. Nghỉ cùng nghỉ. Như vậy một ngày đêm có khoảng 120 thuyền qua trạm Năm.

Cùng ở Trạm Năm lúc ấy còn có anh Hồng, người của Ty công an, anh Hàm, người của quân đội. Cùng chung một Trạm nhưng công việc của ai nấy làm. Trong ba người, anh Hàm được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bên canh Trạm Năm có Trạm KT66. Đây là Trạm của Đội xà lan vận tải hàng thuộc lực lượng thứ ba của quốc phòng. Phương tiện vận tải là thuyền sắt, xà lan sắt. Thuyền nan của Công ty bị bom bị đạn còn dễ tháo dỡ, dọn dẹp. Xà lan của trạm KT66 bị bom đạn thì vô cùng vất vả. Mỗi lần thuyền, xà lan trúng bom phải liên hệ ngay với huyện, xã. Hàng trăm, hàng nghìn dân công được huy động trong đêm. Hàng trăm tấn lương thực được trục vớt lên. Cái nào phơi được thì phơi. Cái nào không phơi được thì cấp phát ngay cho dân. Xác thuyền nan thì lôi lên dọn dẹp tiêu hủy. Xác xà lan, thuyền sắt không ai kéo đi tiêu hủy được. Trạm KT 66 phải dùng mìn phá hủy phương tiện để giải phóng lòng sông. Khi Mỹ thả bom từ trường các phương tiện sắt này không thể hoạt động được nữa. Trạm KT66 chấm dứt hoạt động. Từ Cầu Lau vào đến Quỳnh Dị còn duy nhất Trạm Năm. Mục tiêu duy nhất bom đạn Mỹ dội xuống.

Tuần nào, tháng nào cũng có thuyền bị trúng bom, trúng đạn. Có tuần hai, có tuần ba. Nhưng có một lần ác liệt nhất, khốc liệt nhất, hàng trăm đợt máy báy, hàng trăm đợt pháo kích lại không mất một con thuyền nào. Lần ấy, con nước lên không đúng như dự tính. Hàng trăm thuyền mắc cạn ở kênh Son. Trạm báo cáo Ban chỉ huy. Ban chỉ huy báo cáo tỉnh. Tỉnh phải báo cáo vào Quân khu Bốn nhờ giúp đỡ. Bộ Tư lệnh Quân khu bốn ra lệnh mọi hỏa lực phòng không của ta từ Thanh Hóa vào Nghệ An phải tập trung bảo vệ đoàn thuyền nan trên kênh Son. Máy bay Mỹ đánh cả ngày cả đêm. Pháo kích cả ngày cả đêm. Mưa bom, bão đạn đúng nghĩa đen của nó. Nhưng không một máy bay nào của chúng có thể tiếp cận đoàn thuyền. Hỏa lực của ta quá mạnh. Không thuyền nào trúng bom trúng đạn. Không người nào bị thương. Đó là điều kỳ diệu đối với một đơn vị trong chiến tranh. Bản thân ông cũng có một điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng. Một thùng rốc-két nguyên vẹn chưa bắn quả nào từ máy bay Mỹ rơi xuống đúng góc vuông chữ e-lơ ( L) hầm của ông nhưng không nổ. Không một quả rốc két nào nổ. Ông đã sống sót, không thương tật. Sự kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng. Tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng. Nhưng có ngày trời yên biển lặng thì lại thành ngày tang tóc đau thương. Một trận bom tọa độ vu vơ bất chợt, trạm của ông xé ruột xé lòng tiễn đưa năm đồng đội. Máu họ đẫm người ông. Họ ngừng thờ trên tay ông. Trạm Năm của ông không ít kỷ niệm như thế.

Đầu năm 1968, Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa được thành lập. Nhiệm vụ của Đoàn vận tải Lam Sơn là vận chuyển lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam nhưng thực chất là chi viện cho Quảng Bình. Ông được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cử làm Trưởng Ban đại diện thay mặt Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa vào bàn bạc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình để thành lập Đoàn vận tải Lam Sơn trên đất Quảng Bình. Ông được giao toàn quyền từ quan hệ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đến giải quyết mọi vấn đề về vận tải từ nhân lực, phương tiện, điều độ trên đất Quảng Bình. Những năm 1965 – 1967, Mỹ gần như cắt đứt mọi con đường chi viện từ Bắc vào Nam. Đường Một, đường 15A, 15C, đường sông Nhà Lê…tất cả đều bị chặn bởi hàng nghìn tấn bom đạn. Miền Bắc không chi viện kịp cho miền Nam. Quảng Bình đã huy động mọi nguồn lực chi viện cho miền Nam. Quảng Bình đã vét đến hạt thóc cuối cùng trong túi. Năm 1968, Trung Ương giao cho Thanh Hóa vận chuyển gấp hàng chục nghìn tấn lương thực chi viện cho miền Nam và "trả nợ" cho Quảng Bình, "hồi sức" cho Quảng Bình. Cho đến bây giờ ông không vẫn thể nào quên được sự đón tiếp vô cùng long trọng của lãnh đạo Quảng Bình. Chiến tranh ác liệt. Bom đạn dữ dội. Hai bên đường rừng, từ ga Tân Đức, men dọc sông Gianh xuống, chỗ nào cũng băng dôn khẩu hiệu "Nhiệt liệt chào mừng Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa vào giúp Quảng Bình". Đi đến đâu cán bộ tỉnh bố trí đón tiếp đến đó.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ưu tiên cho đoàn ở trong một nhà dân ở làng Vĩnh Tuy. Đây là nơi làm việc của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Hầm trú ẩn dưới nền nhà rất kiên cố. Trước khi đoàn Thanh Hóa đến, ngay tại căn nhà này đã hứng chịu đau thương vô cùng thảm khốc. Một quả bom bi mẹ nổ trúng năm người đàn ông đang ngồi vót que hương ở sân. Cả năm người hy sinh. Bàn ghế, giường chiếu trong nhà còn đỏ máu tươi. Bom bi như quả na, quả ổi chưa nổ còn lổn nhổn khắp vườn.

Theo chỉ đạo của Đảng ủy Công ty, tại trạm Đại diện Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa tại Quảng bình được thành lập một Chi bộ, bí danh là Chi bộ B3. Ông Trần Lê Vang được chỉ định làm Bí thư. Khi thành lập, Chi bộ B3 có bốn đảng viên. Lúc đông nhất, B3 có mười đảng viên.

Nhận hàng hóa lương thực, thực phẩm từ Cửa Hội, Cửa Lò Nghệ An, các đoàn thuyền nan vượt vời vào thẳng sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Từ cửa Nhật Lệ, thuyền ngược vào sông Long Đại, phà Long Đại lên sông Kiến Giang, Lệ Thủy ngược lên Trường Sơn. Thuyền chỉ vận chuyển hàng hóa đến thác Bồ. Từ thác Bồ, toàn bộ hàng hóa do đoàn dân công xe thồ hỏa tuyến vượt Trường Sơn đưa vào Quảng Trị. Trong ký ức của ông, sông Nhật Lệ, sông Long Đại, sông Kiến Giang, miền tây Quảng Bình đến Trường Sơn vùng Tây Bắc Quảng Trị, chỗ nào cũng gặp người Thanh Hóa. Thuyền nan Thanh Hóa. Xe đạp thồ Thanh Hóa. Thanh niên xung phong Thanh Hóa.

Bình quân mỗi ngày có khoảng mười A qua trạm B3. Mỗi A có từ 4 đến 5 thuyền. Có nghĩa, mỗi ngày trạm B3 phải nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát, điều độ an toàn cho không dưới bốn mươi thuyền (cả ra lẫn vào). Trạm B3 đóng rất gần phà Long Đại. Ngày nào trạm cũng rung chuyển trong tiếng gầm rú của bom đạn Mỹ. Bom đánh thuyền. Bom đánh hàng. Người chết. Người bị thương. Không mấy ngày không phải thay thuyền mới. Không mấy ngày không báo cáo thiệt hại người và hàng hóa về Vinh.

Việc báo cáo về Ban chỉ huy chẳng dễ chút nào. Vinh là trạm đầu mối điều hành mọi công việc của Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa cung đoạn từ Vinh vào Quảng Bình. Ông Nguyễn Văn Đảng, Phó Chủ nhiệm Công ty làm Trưởng trạm. Điện thoại không có. Ô tô không có. Một là phải nhờ điện thoại của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Hai là đạp xe đạp từ Quảng Bình về Vinh. Phần lớn là cử giao thông viên đạp xe về Vinh. Nhưng cũng có lần trạm trưởng trực tiếp phải đi. Bây giờ nghĩ lại quá sợ, quá phiêu liêu. Ấy thế mà lúc ấy đi được. Đi bình thường thanh thản, chả bức xúc gì. Bom đạn theo mình, tránh mình. Quen đi cũng thấy bình thường.

Tháng 9 năm 1969, chiến dịch vận chuyển lương thực giúp Quảng Bình kết thúc. 9915 tấn lương thực được vận chuyển. Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 1970, thuyền nan Thanh Hóa cũng không phải vượt vời vào Hà Tĩnh, Quảng Bình nữa. Nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa của Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước chỉ vận chuyển lương thực, thực phẩm từ Thanh Hóa và đến Vinh.

Cùng thời điểm ấy, ông Trần Lê Vang được điều về làm Bí thư Đoàn Công ty vân tải thuyền nan chống Mỹ cứu nước Thanh Hóa. Cầm quyết định mới được bốn tháng, ngày mùng 1 tháng 1 năm 1970, ông lại được điều lên làm Phó Bí thư - Quyền Bí Đoàn ngành Giao thông vận tải Ty giao thông vận tải Thanh Hóa, trực tiếp phụ trách công tác Đoàn Đoạn Một gồm: Đoàn của các đội TNXP Đò Lèn, Cầu Lèn, Cầu Cừ, (Hà Trung), cầu Tào, cầu Hàm Rồng, Cầu phao Hàm Rồng, cầu phao phía bắc Yên Vực vào đến cầu Ghép, phà Ghép cầu tránh Ngọc Trà. Những năm bảy mốt, bảy hai, Hàm Rồng, phà Ghép, Đò Lèn vẫn là trọng điểm ác liệt. Số bom đạn bọn Mỹ dội xuống các khu vực này còn nhiều hơn những năm 1965, 1966. Ông lại có mặt ở mọi điểm nóng ác liệt trong rốn bom rốn đạn.

Đoạn Một dấy lên phong trào "Ba xung kích": Xung kích trong lao động; xung kích sẵn sàng chiến đấu; xung kích trong học tập rèn luyện. Đoàn Thanh niên Đoạn Một được Đảng ủy Ty giao thông tin tưởng giao cho phụ trách hai Công trình quyết thắng: Công trình quyết thắng thứ nhất là làm cầu phao Hàm Rồng (bây giờ là cầu Hoàng Long); Công trình quyết thắng thứ hai là cầu phao phía bắc làng Yên Vực. Ngày ra quân máy bay Mỹ điên cuồng dội bom vào khu vực thị xã Thanh Hóa, Hàm Rồng, Nam Ngạn. Đoàn viên thanh niên anh dũng bám cầu, bám phà đảm bảo đưa xe, hàng an toàn. Cùng thời điểm này, giặc Mỹ thả thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm phong tỏa sông Ghép, phà Ghép. Bến phà Ghép được gọi là Bến phà Thanh Niên Đoạn Một. Anh hùng liệt sĩ Mai Xuân Điểm và anh hùng Vũ Hùng Út phá bom từ trường ở phà Ghép xuất hiện trong phong trào "ba xung kích" của Đoàn TN Đoạn Một giai đoạn này. Năm 1973, ông được bầu làm Bí thư Đoàn Ty giao thông vận tải Thanh Hóa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong không khí ca khúc khải hoàn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông hòa bình hạnh phúc. ông nhận quyết định lên làm Đội phó, Bí thư Đoàn Đội Thanh niên tình nguyện (42 – 12). Đây là Đội TNTN mở đường biên giới Việt – Lào. Rồi ông được bầu vào Thường vụ Ban chấp hành Đảng ủy Đảng bộ Đội TNTN (42 – 12). Trên con đường huyền thoại này, Trần Lê Vang gặp lại ông Dương Văn Cương, người Bí thư Đảng ủy Công ty Thuyền nan chống Mỹ cứu nước. Cuộc gặp mặt, cuộc chung sức của những con người một thời huyền thoại, gắn bó với những cung đường huyền thoại. Xưa là đường sông, đường biển. Nay là đương bộ, đường rừng núi Trường Sơn hiểm trở. Xưa là miền Đông – Nam xứ Thanh. Bây giờ là miền Tây – Bắc xứ Thanh. Suốt sáu năm (từ 1975 – 1980), ông gắn bó với sự nghiệp mở đường biên giới, gắn bó với phong trào Đoàn của TNTN(42 – 12) trên biên giới.

Con đường Hồi Xuân – Tén Tằn dài 112 Km, 516 cầu cống, chạy qua 9 xã: Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động, Thiên Phủ, Hiền Trung, Hiền Kiệt, Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung (nay thêm hai xã: Nhi Sơn, Mường Lý). Con đường Lốc Toong – Nam Động, dài 17 Km qua 3 xã: Trung Hạ, Trung Thượng, Nam Động. Trên tổng chiều dài 129Km, chạy xuyên trong lòng Quan Hóa (nay là Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát) chỗ nào cũng in dấu chân ông. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của tỉnh như Hoàng Văn Hiều gọi đây là công trình lớn nhất, cao đẹp nhất, chói ngời chủ nghĩa yêu nước, thể hiện cụ thể nhất sự thông minh, sáng tạo, vượt khó khăn gian khổ tột cùng của tuổi trẻ Thanh Hóa trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, phát triển văn hóa dân tộc, tăng cường tình hữu nghị Việt – Lào bền đẹp sau chiến tranh.

Hơn ba nghìn đoàn viên thanh niên được biên chế thành 12 C trực tiếp lao động sản xuất trên tuyến cộng với một C hậu cần, một C Tăng gia sản xuất, một C xây dựng công trình, một C cơ giới. Tất cả trải dài suốt chiều dài gần 130 cây số của hai con đường. Tinh thần Thanh niên Ba xung kích lại được bùng lên giữa núi rừng biên giới: Xung kích trong lao động. Xung kích trong sẵn sàng chiến đấu. Xung kích trong học tập rèn luyện. Tháng nào cũng chiến dịch. Chiến dịch nọ nối chiến dịch kia: Chiến dịch Mùng ba tháng hai. Chiến dịch hai sáu tháng ba. Chiến dịch ba mươi tháng tư. Chiến dịch mười chín tháng năm. Chiến dịch mười chín tháng tám. Chiến dịch mùng hai tháng chín…Công trường nối công trường: Công trường Cổng Trời. Công trường Lát Xê. Công trường Pù Nhi. Công trường Lốc Toong. Chiến dịch nào cũng do Đoàn phát động. Công trường nào cũng mang tên công trường Đoàn. Công trường Đoàn nào ông Trần Lê Vang cũng làm trưởng Ban công trường. Có công trường huy động những Đoàn viên ưu tú thử thách để kết nạp vào Đảng như công trường Cổng Trời, công trường Pù Nhi. Qua những lần thử thách như thế, hàng trăm đoàn viên được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Có Công trường huy động những Đoàn viên vừa tốt nghiệp Bổ túc văn hóa cấp II (tốt nghiệp 7) như công trường Lốc Toong. Ngoài hai C theo biên chế có mặt từ đầu ở đây, công trường biên chế thêm hai C nữa: Một C Trưng Vương, hơn một trăm Đoàn viên nữ; một C Quang Trung, hơn một trăm Đoàn viên nam. Chỉ riêng vách đá chòm Toong, Công trường Đoàn đã sử dụng hết 42 tấn thuốc nổ. Công trường Lát Xê sử dụng hơn một chục tấn thuốc nổ.

Năng suất lao động từ các C đến Công trường Đoàn bao giờ cũng từ 120% đến 200%. Phong trào báo tường, văn nghệ, tập san phát triển mạnh mẽ. Đội văn nghệ của Đội có đủ loại nhạc cụ. Nhiều tiết mục tự biên tự diễn. Mười hai C trực tiếp sản xuất, C nào cũng có các lớp xóa mù, nhiều C có các lớp sáu, bảy. Từ năm 1977 đến 1979, hơn bốn trăm Đoàn viên, thanh niên được xóa mù (hết lớp 4); hơn 200 trăm Đoàn viên tốt nghiệp cấp II Bổ túc văn hóa. Hơn ba nghìn Đoàn viên thanh niên nhưng không một ai đào ngũ, không trường hợp nào bị kỷ luật vì quan hệ bất chính.

Có được thành tích ấy, điều đầu tiên khẳng định phải có một Đảng ủy mạnh, một Ban chỉ huy mạnh, một Đội Trưởng thống soái mạnh, một đội ngũ cán bộ Đoàn mạnh nhưng vai trò của Bí thư Đoàn – Trần Lê Vang là vô cùng quan trọng.

Ông có mặt mọi lúc mọi nơi. Chỗ nào có đoàn viên, chỗ đó có Trần Lê Vang. Chỗ nào có Công trường Đoàn, chỗ đó có mặt ông. Pù Nhi có ông. Lốc Toong có ông. Đất sụt ở Pù Hin Hại có ông. Ông nhớ như in cài buổi sáng kinh hoàng ngày 22 tháng 7 năm 1977. Hơn 60 vạn khối đất đá từ nửa quả núi Pù Hin Hại sụt lở. Giao thông liên lạc viên từ trên tuyến chạy về la hét, bác Duy ơi, Thủ trưởng ơi, hai đại đội bị đất sụt chết gần hết rồi. Ông và ông La Thế Duy điều ngay chiếc xe ben lên hiện trường. Rất may, hậu quả rất đau đớn nhưng không khủng khiếp đến mức hai đại đội chết gần hết như giao thông liên lạc trong lúc quá hoảng hốt báo cáo. Ba người lính đã bị đất đá vùi lấp. Ông bám chiếc dây an toàn dài mấy trăm mét lần xuống đáy thung tìm ba người lính, ba người Đoàn viên, ba đồng hương của ông là Lê Thị Tràn, Lê Thị Hương, Lê Viết Dũng đất đá vùi dưới đáy thung sâu. Chính ông nâng họ lên. Chính ông áp tải ba chiếc quan tài đưa họ về quê.

Năm 1980, ông được cấp trên điều về đi học trường Hoàng Văn Thụ. Tháng 6 năm 1982, ông được điều về làm Bí thư Đảng ủy Cảng Thanh Hóa (cảng Lễ Môn cũ). Mười một năm liên tục ông được tín nhiệm ở cương vị này. Năm 1993, cấp trên cho ông được nghỉ hưu theo chế độ. Tròn ba mươi năm cống hiến cho Đảng, Nhà nước. Về địa phương, Đảng ủy xã Xuân Thọ lại động viên ông làm Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã. Thế là ông lại tiếp tục công tác thêm 22 năm nữa. Năm 2015, ông mới chính thức thôi gánh vác công việc tập thể giao cho. Nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm thương những người lính, những đoàn viên của mình hy sinh cách đây hơn bốn mươi năm. Bản thân họ chưa được công nhận Thanh niên xung phong, chưa được công nhận liệt sĩ. Gia đình họ chưa được hưởng bất cứ chế độ gì tương tự như thân nhân liệt sĩ. Ông và một vài người cán bộ Đoàn cùng đơn vị TNTN (42 -12) xưa không quản mệt nhọc, khó khăn, giúp gia đình hoàn chỉnh giấy tờ, hồ sơ cùng gia đình đi hết cơ quan có thẩm quyền này cơ quan khác có thẩm quyền khác đề nghị giải quyết chế độ, công nhận những người lính hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mở đường biên giới là liệt sĩ. Như thế đủ hiểu, ông là người nhân hậu, nhân văn, tình nghĩa, đầy trách nhiệm, chan chứa tình người.

Nhìn hai gian nhà chẳng thấy treo Bằng khen, Huân chương gì, chỉ vài cái giấy khen của Hội người cao tuổi để ngay kệ cửa sổ bên chiếc giường một, tôi phân vân hỏi ông, em không thấy bác treo Huân chương, Bằng khen ở đâu nhỉ. Ông Trần Lê Vang cười, có nhiều chứ. Huân chương, Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương nhiều lắm. Tôi đang để một đống trong kia kìa. Ông thật thà thế, đơn giản thế, mộc mạc thế. Cống hiến bao nhiêu cũng không cần lên tiếng. Thành tích bao nhiêu cũng không cần trưng bày. Đất nước đã sinh ra một thế hệ vàng trong chống Pháp, chống Mỹ. Ông Trần Lê Vang là một biểu tượng cao đẹp trong những biểu tượng cao đẹp của thế hệ vàng ấy. Trong trái tim chúng tôi, ông còn là biểu tượng cao đẹp của những con đường huyền thoại.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận