ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 27/02/2023 18:24

Truyện ngắn "Bạn của ông" | Đào Hữu Phương | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Bạn của ông” của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc của Huyền Linh.

Tan trận cầu, Hiếu mặc vội quần áo rồi nhảy lên chiếc xe máy điện, lao ra đường. Không khí trên đường thật đông vui, tấp nập. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, cái Tết đầu tiên không cô vít, không phong tỏa, không phải khẩu trang nên trên gương mặt mọi người ai cũng vui. Hiếu càng vui hơn khi nghĩ đến món quà mà nó sắp được nhận. Lúc sáng, trên đường cùng các bạn ra sân vận động Hiếu đã nhìn thấy chú Hội phóng con SH đi về phía nhà mình. Trên xe ngoài giỏ quà Tết sang trọng còn một cái hộp rất đẹp mà Hiếu biết trong ấy đựng một món đồ đang là thứ rất được bọn trẻ yêu thích, đó là chiếc trực thăng điều khiển từ xa. Chú Hội là nhân viên dưới quyền của ông nội Hiếu khi ông còn đang làm việc. Chú rất tâm lý. Năm nào Tết đến ngoài giỏ quà biếu ông chú đều có quà riêng cho anh em Hiếu. Đó là những món đồ chơi rất thời thượng và đắt tiền. Không biết Tết năm nay cái Lan được chú cho thứ gì chứ phần Hiếu chắc chắn sẽ là một chiếc trực thăng điều khiển từ xa rồi.

Hiếu luồn tay kéo cái chốt bên trong, đẩy cánh cổng sang bên rồi dắt xe vào sân. Cửa phòng khách rộng mở nhưng không khí trong nhà rất yên ắng. Hiếu dựng xe, nhìn vào. Không thấy ông đâu. Trên bàn nước ngoài bộ ấm chén cũng không có thứ gì khác. Mọi năm, giỏ quà chú Hội đem biếu ông thường đặt trên cái đôn kê sát bàn nước rồi cài lên đó tấm thiệp "Chúc mừng năm mới" của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Chiều ba mươi, mẹ đặt thêm một lọ hoa tươi bên cạnh rồi cứ để thế suốt mấy ngày Tết. Trên mảnh sân nhỏ dưới giàn hoa giấy ông đang ngồi đọc báo. Chồng báo Tết tờ nào cũng dầy. Hai bộ bàn ghế kê liền nhau, trên mỗi bàn đều có đĩa bánh kẹo, bộ ấm chén, lọ chè và phích nước. Hiếu chạy lại, ngồi cạnh ông, hỏi:

- Ông ơi, mẹ và em cháu đi đâu rồi? Ông vừa tiếp khách à?

Ông bỏ cặp kính cận ra, để tờ báo xuống bàn, xoa đầu Hiếu nói:

- Về rồi đấy à? Mẹ đưa em ra siêu thị mua mấy thứ. Ông vừa tiếp các cụ trong câu lạc bộ hưu trí của khu. Hôm nay bọn ông có chương trình đọc và bình thơ của hội viên. Vui lắm.

- Thế chú Hội có ở lại dự không ông? Cháu thấy chú ấy cũng hay làm thơ lắm.

Ông lắc đầu:

- Chú Hội không đến.

Hiếu ngạc nhiên:

- Sáng nay trên đường ra sân vận động cháu thấy chú ấy đi vể phía nhà mình rồi mà? Chú ấy còn mang một giỏ quà và nhiều thứ nữa…

- Chắc là chú ấy đi biếu quà Tết ai đó chứ không phải là ông. Bây giờ ông đã hưu rồi còn gì. Ông vừa cười vừa nói.

Hiếu thắc mắc:

- Ông ơi, thế những người như ông lúc về hưu thường mất hết bạn bè à?

Ông xoa đầu Hiếu:

- Không! Nhưng có một số sẽ không quan tâm đến mình nữa. Những người như chú Hội thì còn phải lo nhiều mối quan hệ khác…

Thấy Hiếu ngồi thừ mặt, vẻ không vui, ông nói:

- Nhưng thằng cháu đừng lo. Mất đi một vài bạn cũ nhưng ông lại có thêm nhiều bạn mới. Họ lại rất chân thành và cởi mở. Sáng nay nếu cháu ở nhà thì cháu sẽ thấy, bọn ông bình thơ, trò chuyện rất vui. Ông xếp gọn mấy tờ báo lại, quàng tay lên vai Hiếu, nhìn ra xa, nói - Bạn thì nhiều, nhưng ông vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó…

- Là cái gì vậy ông?

- Cháu đoán thử xem. Việc này chỉ có cháu mới giúp ông được.

Hiếu lắc đầu:

- Cháu chịu. Ông nói tên thứ đó ra đi. Cháu sẽ tìm bằng được cho ông.

- Không phải tìm. Chỉ cần cháu đồng ý…

- Nghĩa là cháu có thứ ấy à? Hiếu ngắt lời ông.

- Ừ! Đó là tình bạn.

- Tình bạn? Hiếu phá lên cười - Cháu là cháu của ông cơ mà? Mà sao ông lại muốn kết bạn với trẻ con?

- Không phải trẻ con mà là người bạn nhỏ. Cháu đồng ý là bạn ông nhé. Ông muốn có lúc được ngồi trò chuyện với cháu như với một người bạn. Ông còn muốn nhờ cháu giới thiệu thêm cho ông những người bạn cùng tuổi của mình nữa.

- Được thôi ông ạ! Hiếu quàng tay ôm ngang thắt lưng ông - Cháu sẽ giới thiệu với ông mấy thằng bạn thân của cháu. Chắc chúng nó sẽ thích lắm.

Ông mừng ra mặt:

- Chắc chắn nhé! Ông rất muốn nghe tâm sự của các cháu và chắc rằng ở ông cũng có nhiều chuyện các cháu có thể nghe được. Nào, đồng ý thì ông cháu mình làm một cái nghéo tay đi. Ông vừa nói vừa chìa ngón tay trỏ ra khum lại. Hiếu thích thú cũng khum ngón trỏ của mình ra nghéo chặt tay ông. Hai ông cháu cùng cười vui vẻ.

Hiếu về nhà trong tâm trạng không được vui. Nó vừa cùng nhóm bạn làm một chuyến du xuân vùng lòng hồ về. Ông kéo Hiếu ngồi xuống chiếc ghế cạnh mình, hỏi:

- Sao trông cháu bần thần như người mất của ấy. Có tâm trạng gì à?

Hiếu tựa đầu vào ngực ông, thủ thỉ hỏi:

- Ông ơi, nếu mình cho ai đó một số tiền mà sau đó thấy người ấy không đáng được nhận số tiền ấy thì mình có nên tiếc không?

- Rắc rối nhỉ! Cháu nói cụ thể ông nghe xem nào.

Hiếu kể:

- Lúc bọn cháu vào thắp hương Đền thờ cụ tổ Cầm Bá Thước ra thì gặp một người có dáng vẻ rất đáng thương lết đôi chân tàn tật đến xin tiền. Các bạn cháu người cho ông năm ngàn, người cho mười ngàn. Riêng cháu vì từ sáng đến giờ gặp ai xin cũng cho nên số tiền lẻ mang theo đã hết. Trong túi cháu lúc ấy chỉ còn lại duy nhất tờ hai trăm ngàn đồng. Nhìn người ăn xin thật đáng thương, hỏi mượn tiền lẻ của các bạn thì không tiện thế là cháu quyết định lấy đồng bạc cuối cùng trong túi ra biếu ông trước ánh mắt ngạc nhiên của các bạn và rất nhiều người…

- Chỉ có thế thôi à? Vậy đừng lăn tăn nữa. Số tiền ấy để rồi ông sẽ bù cho…

- Chuyện không chỉ có thế đâu. Ông để cháu kể tiếp đã. Không lâu sau đó có một chiếc ta xi chạy đến đậu trước cổng đền, bóp còi inh ỏi như thúc giục ai đó mau ra xe. Người ăn xin vội bỏ tiền vào túi rồi lết đôi chân tàn tật đến chỗ chiếc ta xi đỗ, nhanh nhẹn tự tay mở cửa, lên xe ngồi rồi đóng sập cửa lại. Chiếc ta xi rú ga lao đi…Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cháu và đám bạn cháu cùng những người có mặt trong sân Đền lúc ấy ai cũng ngỡ ngàng rồi chuyển sang nghi hoặc. Đám bạn cháu thì chắc chắn mình đã bị lừa và quay sang chất vấn cháu vì sự rộng rãi quá tay khi cho người ăn xin kia cả hai trăm ngàn. Tất cả đều khẳng định: "Lão này chắc chắn không phải là người tàn tật. Chúng ta đã bị lừa rồi!"

Nghe Hiếu kể xong nội cười, hỏi:

- Vì thế mà cháu thấy tiếc tờ hai trăm ngàn ấy?

Hiếu lắc đầu:

- Cháu không tiếc nhưng từ lúc ấy cháu cứ có cảm nghĩ mình vì quá nóng vội nên đã cho tiền nhầm người.

Nội lại hỏi:

- Nhưng nếu lúc ấy vì nghĩ số tiền quá lớn mà cháu không cho ông ấy đồng nào rồi cái ta xi ấy đến và ông ấy vẫn lên xe đi thì cháu sẽ nghĩ gì? Có ân hận vì đã bỏ qua một cơ hội để giúp đỡ những người tàn tật đáng thương không?

Hiếu gật đầu:

- Chắc là có.

Nội xoa đầu Hiếu, nói:

- Nếu có chuyện ấy thì cái cảm giác ân hận chắc còn làm cháu khó chịu hơn cái cảm giác mất tiền vì đã cho nhầm người như lúc này… Ở đời có những sai lầm tưởng rất nhỏ nhưng có khi nó làm người ta phải ân hận mãi. Để ông kể cháu nghe chuyện này. Hồi trẻ, một lần ông cùng mấy cán bộ huyện xuống xã phát gạo cứu đói. Có một hộ chỉ có hai ông cháu được xã xếp vào diện cần cứu trợ đặc biệt nên để ở đầu danh sách. Khi xuống xã đoàn đã làm ngược lại: Phát gạo cho những hộ có tên ở cuối danh sách trở lên với ý định dành tất cả số gạo còn lại cho hai ông cháu. Nhưng khi đến nhà thì mọi người phát hiện ra một chuyện: Trong nhà có một nồi cơm điện rất mới, mở ra là một nồi đầy cơm trắng. Cạnh đó là một túi đựng mấy cân gạo loại đắt tiền. Trên bếp có một xoong đầy thịt lợn nạc kho, tỏa mùi thơm phức… Mọi người nhìn nhau và sau khi ra sân hội ý chớp nhoáng đều thống nhất nhận xét: Với mức sinh hoạt thế này thì không thể gọi là thiếu đói được. Thế là cả cán bộ thôn và cán bộ xã đều đồng ý để đoàn đưa bì gạo 50 cân dự định phát cho hai ông cháu nhà ấy về huyện. Rồi cháu có biết sau đó chuyện gì đã xảy ra không? Hơn nửa tháng sau bên bệnh viện huyện đưa sang tin có một bệnh nhân vừa được đưa lên bệnh viên cấp cứu. Ông già hai mắt lờ đờ, bụng thì lép kẹp. Bác sĩ trưởng khoa xem mạch rồi khẳng định: Ông không có bệnh gì mà chỉ lả đi vì đói. Người ta bón nước cháo cho ông và chỉ một lúc sau ông đã tỉnh lại. Ông được chuyển xuống khoa nội để chăm sóc. Liền sau đó bên trường Trung học Phổ thông thầy trò khiêng sang một học sinh. Em này cũng trong tình trạng nguy kịch và hiện tượng cũng giống như ông già. Bác sĩ trưởng khoa cũng cho em uống nước cháo rồi chuyển xuống khoa nội để chăm sóc…Lúc này người ta mới biết hai bệnh nhân chính là hai ông cháu của cái hộ nghèo ở xã nọ, vì không có gạo đã nhiều ngày hai ông cháu chỉ toàn ăn rau má cầm hơi…Tìm hiểu  kỹ ông còn biết thêm chuyện này: Người cháu vốn là một học sinh giỏi và sống rất tình cảm nên được các thầy giáo, cô giáo và bạn học cả lớp quý trọng. Khi biết em và ông nội sống rất thiếu thốn, cả lớp đã quyên góp được một số tiền để giúp đỡ hai ông cháu. Vì thấy ông cháu em đã phải ăn cháo nhiều ngày lại biết tin huyện sắp có đợt cấp gạo cứu tế nên các bạn đã bàn nhau dùng số tiền ấy mua một cái nồi cơm điện, một túi gạo ngon loại năm ki lô gam và một cân thịt lợn nạc đem xuống, tự tay nấu cơm, kho thịt cho hai ông cháu rồi mới ra về. Các bạn ấy về chưa được bao lâu và ông cháu cậu học trò nghèo ấy chưa kịp dọn cơm ăn thì đoàn cứu trợ của bọn ông đến…Và cái mọi người nhìn thấy là một nồi cơm điện còn mới được nấu bằng loại gạo đắt tiền và xoong thịt lợn nạc kho… Không một ai tìm hiểu thêm và tất cả đã đưa ra một kết luận vội vàng để rồi sau đó dẫn đến hậu quả khôn lường. Bọn ông đã phải làm kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước Chủ tịch huyện…Chuyện này cứ đeo bám ông suốt một thời gian dài. Ông xem đây là bài học đắt giá của một người là công bộc của dân và từ đó có thói quen làm việc gì, dù nhỏ cũng phải xem xét kỹ.

- Thế … bây giờ họ sống thế nào ông? Hiếu tò mò hỏi.

- Sau đó mấy năm thì ông cụ mất. Mất vì tuổi cao sức yếu chứ không phải vì thiếu đói vì huyện đã cho hai ông cháu được hưởng một chế độ trợ cấp thường xuyên đặc biệt. Người cháu thi đỗ vào học viện quân y, trở thành một thầy thuốc giỏi. Chú ấy hiện là bác sỹ ở một bệnh viện lớn của quân đội. Ông trả lời rồi quay sang bảo Hiếu - Bây giờ ông cháu mình trở lại câu chuyện của cháu đi.

- Chuyện của cháu? Có cần bàn nữa không ông?

- Cần chứ! Ông nghĩ đây là vấn đề cũng khá tế nhị, cần một câu trả lời thỏa đáng...

- Một câu trả lời thỏa đáng? Cháu nghĩ làm gì có chuyện ăn xin đi ta xi!

- Có đấy! Sáng nay bọn ông cũng mới bàn đến đề tài này. Chuyện một số người ăn xin thuê xe ôm hoặc tắc xi để di chuyển địa điểm hành nghề là có thật. Sau Tết chỗ nào cũng mở lễ hội, nhiều người không muốn xin tiền ở một nơi cố định mà tìm cách chuyển địa bàn. Họ thuê xe ôm hoặc rủ nhau ba bốn người thuê hẳn một chuyến tắc xi để làm việc ấy. Trường hợp cháu vừa nói có thể tóp người ăn xin này sau khi hành nghề ở khu vực Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn và Đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước đã thuê tắc xi để di chuyển về khu di tích Lam Kinh. Cháu thử tính xem, khoảng cách giữa hai điểm du lịch là gần ba mươi ki lô mét, nếu họ đi bộ thì đến bao giờ mới tới.

- Việc ấy cháu nghĩ cũng có thể chấp nhận được. Nhưng cháu chỉ băn khoăn một điều là liệu họ có đúng là những người tàn tật đáng thương không…

- Nếu có tỉ lệ chắc cũng không đáng kể. Những người đã phải tính đến việc ngửa tay xin đồng tiền bố thí của thiên hạ chắc họ cũng đã cùng đường, không ai muốn làm việc ấy đâu. Cháu đừng lăn tăn nữa. Cũng chỉ là một chút để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn thôi mà. Ông nghĩ cho nhầm còn hơn bỏ sót…

- Cho nhầm còn hơn bỏ sót! Hiếu bật dậy, dang tay ôm lấy cổ ông - Cháu hiểu ý ông rồi./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận