Truyện ngắn "Chị dâu tôi" | Nguyễn Bá Doanh | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Chị dâu tôi" của Nhà văn Nguyễn Bá Doanh qua giọng đọc Huyền Linh.
Chị về làm dâu nhà tôi năm tôi 11 tuổi. Tôi nhớ bữa ấy đang giữa mùa hè, lúa chiêm xuân vừa gặt xong, thả sức cho lũ trẻ chăn trâu chúng tôi chơi bời, bởi không thắc thỏm lo trâu ăn lúa nữa.
Vừa bày trò "vật voi" xong, thằng Hải khịt đánh trâu ra muộn, ngay từ xa nó đã la ầm lên:
- Dũng ơi! Anh Khiết mày về phép, mang cả vợ về nữa, mày về mà xem!
Tôi không tin. Nó đỏ mặt tía tai, giơ hai tay ra thề:
- Tao mà nói sai, sét đánh chết lè lưỡi ra.
(Hồi ấy không hiểu sao lũ trẻ chăn trâu chúng tôi hay thề kiểu ấy). Đến lúc này thì tôi mới tin. Tôi bỏ cuộc chơi nhảy lên lưng trâu "phi nước đại" về nhà. Tôi đang lúi húi cộ trâu vào chuồng, chị Nụ, chị gái tôi đến, ghé sát tai tôi thì thầm: "Anh Khiết lấy vợ rồi, đẹp lắm. Mày vào mà xem". Chị bĩu môi, vênh mặt bỏ đi.
Bà con hàng xóm đã sang chơi từ lúc nào mà đông quá, trải chiếu ngồi cả ra hè, ra bóng mát ngoài sân.
Tôi vòng ra sau nhà, chui qua hàng rào, vào bếp, nhìn lên. Chẳng cần giới thiệu tôi cũng biết, cô bộ đội đang bê nước mời mọi người kia là chị dâu tôi. Chị cao gầy, đen nhẻm, có lẽ còn đen hơn cả da lũ trẻ chăn trâu chúng tôi phơi nắng cả ngày. Bù lại chị có khuôn mặt trái xoan, đẹp, ưa nhìn, mắt đen láy, miệng còn cười rất tươi. Mấy bà ngoài sân thì thào: "Cái ngữ này lội ruộng, cày bừa sao được, lại làm khổ thêm bà Thành thôi (Mẹ tôi tên là Thành), tự nhiên tôi cũng lây nỗi buồn của người lớn.
Là bộ đội nhưng anh Khiết tôi lại là "lính xế" vận tải từ Bắc vào Nam. Cứ mỗi lần ra Bắc nhận hàng, anh tôi lại tranh thủ ghé qua nhà. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi và chị Nụ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội, bằng cách này hay cách khác cũng phải "nhờ" bằng được chị Loan, con nhà thầy Trụ ở xóm trong sang "giúp một tay" bữa thì sang giúp mẹ tôi làm thịt gà, gọt quả đu đủ hoặc nấu nướng trong bếp. Nhưng cũng có khi chỉ là nắm rau thơm, quả ớt, củ hành. Những việc ấy, mẹ tôi thừa biết nếu sai tôi hiệu quả hơn nhiều. Tuy còn trẻ con, nhưng tôi cũng đã hiểu, mẹ tôi và chị Nụ đang "có ý" cho anh tôi.
Rồi hôm ấy, chuyện gì thì chuyện, mẹ tôi cũng lái về chuyện hỏi vợ cho anh. Ban đầu anh còn bông đùa, tếu táo cho qua. Nhưng sau biết không thể "cho qua" được, anh tôi "chuyển hướng" cười trừ. Chẳng ứ, chẳng ừ gì cả. Bực quá mẹ tôi mắng anh. Đến lúc ấy anh mới chậm rãi:
- Đang còn chiến tranh mà mẹ. Lỡ con không về hoặc về nhưng không còn lành lặn, có phải là làm khổ một đời người ta không?
Mẹ tôi đuối lý, lầm bầm câu gì tôi không nghe rõ. Còn chị Nụ vặn vẹo:
- Người như chị Loan mà anh còn chê thì... Em cũng xin chịu... – Anh tôi chỉ cười trừ.
Chuyện chỉ dừng lại ở đấy. Nhưng mà mẹ và chị Nụ vẫn hy vọng, và cả chị Loan nữa, chị vẫn đi lại tình cảm như xưa dù có đến hai năm rồi, anh tôi không tranh thủ về nhà và cũng không thư từ gì cả.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thì niềm hy vọng đó cứ mỗi ngày một lớn lên. Anh tôi sẽ không còn lý do để không lấy vợ. Mẹ tôi đã ngầm nuôi thêm một con lợn, mua thêm mấy buồng cau để bổ phơi khô. Chị Nụ thì công bố xanh rờn: "Anh Khiết mà không lấy chị Loan, thì yêu ai con cũng phá".
Thế mà đùng một cái, vợ anh Khiết hiện hữu ngay giữa nhà. Tôi thì chẳng sao, chị Nụ thì như các bạn đã biết. Còn mẹ tôi, "bàn dân thiên hạ" vui đấy, mừng đấy, nhưng nếu ai tinh ý vẫn thấy phảng phất nỗi buồn.
Nhưng rồi mọi sự nén chịu cũng đến lúc phải bung ra. Sau vài ngày nghỉ cày để làm các thủ tục "cáo gia tiên", giới thiệu con dâu họ mạc, làng xóm. Mẹ tôi lại tiếp tục cùng với con trâu ra đồng. Chị cũng đòi đi làm nhưng mẹ tôi không cho, mẹ bảo:
-Còn làm về lâu về dài con ạ. Vợ chồng cứ ở nhà, còn khách khứa ra vào nữa. Trưa, nếu không bận thì nấu cho em bữa cơm.
Những năm ấy, quê tôi còn nghèo lắm. Quanh năm độn sắn, độn ngô. Dạo ấy đang thu hoạch khoai lang. Nên khoai lang lại là chính. Buổi sáng, mẹ tôi luộc một nồi, mỗi người ăn vài ba củ rồi đi làm. Còn trưa và tối cạo sạch vỏ hấp cơm. Gọi là "hấp cơm" cho nó sang vậy thôi, chứ thực ra phải gọi là gạo hấp khoai mới đúng. Buổi trưa hôm ấy, chẳng biết củi lửa ra sao mà nồi cơm chị nấu đã được chia làm hai phần rõ rệt, phần trên khoai lang chưa được chín mà phần dưới đã thành cháo đặc. Bưng bát cơm lên chị Nụ nanh nọc:
-Con đảm bảo nhà ta sẽ không ai bị bệnh dạ dày.
Còn mẹ tôi thì mát mẻ:
-Ở quê con chắc không phải ăn độn con nhỉ?
Chị rơm rớm nước mắt. Anh Khiết vội thanh minh, nhận hết tội về mình. Bữa cơm trở nên nặng nề, ai cũng ăn chiếu lệ rồi đứng dậy theo, mặc dù bụng vẫn đói. Cũng từ đấy tôi a dau vào hùa với chị Nụ ghét chị ra mặt. Còn chị chẳng biết có hiểu được tâm trạng của tôi không, mà chẳng tỏ thái độ gì. Chị dịu dàng, nhỏ nhẹ, một em, hai em "em giúp chị cái này" "em giúp chị làm hộ cái kia" nghe tình cảm lắm. Chị Nụ bảo "giống người chứ có phải giống vật đâu mà không biết, chẳng qua mày là trẻ con nên chị ấy không thèm chấp", khiến tính từ ái trỗi dậy, tôi càng ghét chị hơn.
Nhưng tôi không thể ghét chị được nữa.
Hôm ấy, thằng Hải "khịt" giơ con ếch ra hỏi tôi:
-Mày đã được ăn thịt ếch nường bao giờ chưa?
-Chưa?
-Mày đúng là...thằng "cà tẩm"... Đến bây giờ chưa biết ếch nướng là gì. Ngon lắm, ngon hơn thịt gà là cái chắc. Về nhà mày đi, tao nướng cho mà ăn.
Chẳng biết hắn bắt chước ở đâu, hay tự nghĩ ra mà giỏi thế, loáng một cái con ếch đã được lột da, gói gọn trong ba, bốn lớp lá chuối tươi. Hắn gạt tro bếp thành một cái ùng, đặt con ếch vào và... đốt. Hắn bảo tôi "cứ đốt mạnh vào, càng nhiều tro nóng ủ lên càng ngon" rơm rạ mùa hè khô nỏ, cháy đùng đùng, bắt lên mái nhà bếp từ lúc nào mà chúng tôi không biết. Lúc chị ở ngoài ao chạy về la ầm lên: "Ôí làng xóm ơi Cứu nhà tôi với Ôí bà con làng xóm ơi Cháy nhà... Chúng tôi mới giật mình, nhào ra. Thì ôi thôi, trên mái nhà lửa cũng đang cháy đùng đùng, chẳng kém gì đống lửa chúng tôi đốt ếch dưới bếp.
Cả xóm chạy sang, cả xóm xúm tay vào dập lửa. Nhưng cũng không cứu vãn nổi. Trong chốc lát hai gian nhà bếp tan hoang cột, kèo, đòn tay cháy nham nhở, bốn bức vách nước xối vào, đất lở từng mảng, trơ ra thành những thanh tre ngang dọc. Trông chẳng khác gì bộ xương đã vạc hết thịt. Nhìn cám cảnh quá. Chị tôi bật khóc hu hu, còn tôi, kẻ đã gây nên tội thì chẳng thấy tiếc xót gì, tôi đang chuẩn bị tinh thần để chịu trận đòn của mẹ.
Từ ngày bố tôi mất, mẹ tôi nhận thêm về mình trách nhiệm làm cha. Cụ thường bảo: "Bố chúng mày chẳng may mất sớm, nhưng đừng đứa nào phải để cho thiên hạ chửi "nhà không có bố" cho nên cụ rất nghiêm trong việc rèn dũa con cái, theo kiểu "thương cho vọt, ghét cho ăn". Mỗi trận đòn của mẹ tôi, không toé máu thì hai mông đít cũng chi chít những lằn roi, đau ê ẩm mấy ngày. Tôi rùng mình tưởng tượng ra cái bỏng rát khi roi mây quất xuống.
Mẹ tôi ngoài đồng tất tả chạy về, cụ đứng khựng, chết lặng. Cụ không nói câu gì, nhưng nhìn khuôn mặt mẹ tái nhợt, đôi môi run run, là tôi biết cơn sấm sét sắp nổ ra. Tôi lì lợm chờ đợi. Lúc ấy chị tôi đang bới đống tro để tìm cái kiềng sắt. Thấy mẹ tôi về, chị bỏ đấy đứng lên, khép nép đứng trước mặt mẹ, giọng vẫn còn đẫm nước mắt:
-Con xin lỗi mẹ, tại con vô ý quá!
Tôi há hốc mồm ngạc nhiên còn mẹ tôi phải hai lần nuốt khan nước bọt, cố kìm cơn tức giận xuống. Cụ mới than thở:
-Khổ quá thôi, biết lấy gì để dựng lại bây giờ.
Thế là tôi thoát được trận đòn. Còn chị lại chuốc và vào thân để chị Nụ có cớ để trề môi, chẩu mỏ. Đúng là "giặc bên Ngô..."
Phải đến hai tháng sau, ngôi bếp mới được dựng lại. Lợi dụng lúc chỉ có hai chị em ở nhà, tôi thật thà hỏi chị:
-Chị ơi, cả nhà chẳng có ai ưa chị, em cũng vậy, thế mà chị lại... Chị không sợ mẹ với chị Nụ ghét chị thêm à?
Chị cười:
-Chị biết, nhưng em là em anh Khiết cũng là em chị, đúng không?
Tôi không ngờ câu nói ấy của chị đã như một tiền định thắt buộc cuộc đời chị vì mỗi bước khôn lớn trưởng thành của tôi sau này.
Chuyến đi phép đưa vợ về làm dâu gia đình lần ấy, đã trở thành lần cuối cùng. Anh Khiết tôi vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà nữa. Anh hy sinh trong chiến dịch vận chuyển hàng lên biên giới Tây Nam. Hôm nhận được tin, đúng vào lúc chị ở ngoài đồng về, chị sững lại giữa sân, gánh cỏ trên vai không có tay chị giữ, đổ ụp xuống. Chị ngã vật ra đất bất tỉnh. Tôi hét lên, chẳng biết tôi hét những gì mà mọi người đang ở trong nhà bổ ra, làng xóm chung quanh tất tả chạy đến. Người đấm bóp, người xoa cao, hô hấp nhân tạo… Chị tôi tỉnh dần. Người ta đưa chị vào nhà, chị ngồi câm lặng giữa tiếng khóc than xé lòng của mẹ, của chị Nụ. Mắt chị ráo hoảnh, vô hồn, nhìn trân trân vào khoảng không vô định. Thỉnh thoảng chị cũng nấc lên vài tiếng rồi lại ngất lịm đi. Trời ơi, có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Giá mà chị cũng khóc được, có lẽ nỗi đau cũng vợi đi. Nghĩ vậy tôi đến bên chị thì thầm "Khóc đi chị, em là con trai mà em cũng khóc đây này". Nước mắt tôi trào ra, rơi xuống vai áo chị. Nhưng chị vẫn trơ như hoá đá.
Nỗi mất mát quá lớn đó đã khiến mẹ tôi và chị Nụ xích lại gần với chị hơn. Tôi có cảm tưởng rằng, hình như ai cũng cố làm được một cái gì đấy, mong bù đắp phần nào nỗi trống vắng trong lòng chị. Chị đón nhận tất cả và trân trọng tất cả. Chị Nụ bỏ hẳn thói quen ngủ với mẹ để vào buồng ngủ chung với chị. Khi đi giặt bao giờ cũng hỏi "Chị có giặt gì không, đưa em giặt luôn cho" (Điều mà tôi chưa hề thấy bao giờ từ khi chị về làm dâu đến giờ). Có việc phải đi đâu xa, bao giờ chị Nụ cũng nhõng nhẽo nèo bằng được chị đi cùng. Chị mắng yêu:
- Đến phải tìm cho cô một anh chàng thôi, chứ tôi làm sao phục vụ cô mãi được.
- Ứ, em còn lâu nhé!...
Còn mẹ tôi đi đâu thì chớ, chứ về nhà, câu đầu tiên mẹ tôi hỏi là "Chị đi đâu con?" (Tôi hiểu "chị" ở đây là chị dâu). Bữa nào ăn bao giờ mẹ cũng nài chị "ăn thêm bát nữa đi con, việc đồng áng không ăn là không làm được đâu". Tôi đọc được trong những cử chỉ ân cần của mẹ một sự thông cảm, chia sẻ của hai thân phận cùng cảnh ngộ. Nhưng xét đến cùng, mẹ tôi còn may mắn hơn chị rất nhiều. Bố tôi mất đi, để lại cho mẹ những đứa con, còn chị đã có gì nào? Là phụ nữ mẹ đã từng có chồng rồi mất chồng, mẹ tôi hiểu hơn ai hết nỗi khổ tâm của chị. Nỗi khổ không phải lúc nào cũng gọi được rõ tên, nói ra lời. Rồi một hôm, nhân ngày giỗ của anh Khiết lần thứ tư (theo giấy báo tử) có đủ mặt ông bác, ông chú nội ngoại và những người thân quyến trong nhà. Mẹ tôi đã chủ động đứng ra xin phép cho chị được đi bước nữa. Nhìn thẳng vào chị, mẹ tôi trìu mến:
- Con ạ, người chết cũng đã yên phận rồi, có thương tiếc cũng không lấy lại được nữa. Nhưng còn người sống, mẹ không nỡ nhìn thấy con cứ vò võ thế này, mẹ khổ tâm lắm. "Thuyền theo lái, gái phải có chồng" con ạ. Mẹ coi con như con gái trong nhà, con phải nghe lời mẹ.
Nói đến đây mẹ tôi vội quay đi kéo tà áo lau nước mắt. Còn chị, chẳng biết sức mạnh nào đã cho chị can đảm đến vậy. Chị bước đến quỳ sụp xuống trước mặt mẹ tôi:
- Con lạy mẹ! Con xin thưa với các bác, các chú, mẹ con đã nói vậy con đâu dám trái lời. Nhưng con chỉ xin mẹ, xin các bác, các chú một điều: Trước khi đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, con phải tìm được mộ chồng con trước đã.
- Thì con cũng biết đấy, - Mẹ tôi dỗ dành – Đã mấy năm nay rồi cả nhà mất bao nhiêu công sức đi tìm, những có kết quả gì đâu. Con gái có lứa có thì con ạh.
- Nhưng con cứ đinh ninh rằng, nhất định sẽ tìm được.
Chị xăm xăm bước lại bàn thờ anh Khiết, thắp ba nén nhang, chắp tay thề độc với chồng:
- Anh Khiết ơi! Anh có thương em thì anh hãy chỉ đường dẫn lối cho em tìm được mộ anh. Em sẽ đưa anh về quê, về với gia đình, cho em được gần kề chăm sóc – Chị nghẹn lời nức nở - Còn chừng nào em chưa tìm được mộ anh, em có chết cũng không nhắm mắt. Anh sống khôn chết thiêng hãy chứng giám cho lời thề này của em.
Cả nhà lặng đi, không khí căng thẳng nặng nề. Chị đã trở lại giường ngồi cạnh chị Nụ từ lúc nào rồi mà chưa ai lên tiếng. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía bác cả. Có lẽ ý thức được vị trí quan trọng của mình, hay còn phải đắn đo cân nhắc mà bác tôi cứ rề rà nhẩn nha, vê điếu thuốc lào bỏ vào nõ. Chậm rãi châm lửa, hút một hơi thật dài, ngửa cổ nhả hết khói rồi mới thủng thẳng:
- Mẹ cháu nghĩ thế cũng phải. Bác và chú Phương đây cũng cho thế là phải… Nhưng cháu còn nặng nghĩa với chồng thì cũng tuỳ cháu thôi. Ép cháu phải đi bước nữa khác nào… đuổi cháu ra khỏi nhà. Xóm làng người ta cười cho…
Nói xong câu đó, bác tôi đứng dậy, với cái tăm cắm vào miệng, xỏ dép ra về. Mẹ tôi nhìn theo khẽ lắc đầu.
Hồi ấy tôi đã lên học cấp ba, cách nhà gần hai chục cây số nên chủ nhật mới về. Thỉnh thoảng tôi cũng nghe nói đến chuyện tìm mộ cho anh tôi. Hỏi, thì chị dịu dàng: "Em cứ để tâm trí vào việc học hành cho tốt, còn việc đó để mẹ và chị lo" (lúc này chị Nụ đã đi lấy chồng).
Thực tình, tôi đã biết gì mà lo, mà muốn lo cũng chẳng được, hơn nữa đầu óc của thằng con trai 16 tuổi như tôi đâu ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của mồ mả đối với người đang sống. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng "chết" là "hết". Một nắm xương tàn chôn vùi nơi đâu mà chẳng được. "Có thì nên, quên thì thôi", quan trọng gì lắm đâu. Nên tôi cũng chẳng để tâm làm gì.
Tôi đâu biết rằng, trong lúc tôi hờ hững đứng "ngoài cuộc" thì ở nhà mẹ tôi đã huy động một cách tối đa những người có thể "nhờ vả" được "vào cuộc" kiếm tìm. Đến như chú Phương tôi, thương binh, chỉ có một chân rưỡi, nửa chân bị cụt được thay bằng chân gỗ, mỗi bước đi phát ra tiếng ọt ẹt nghe đến rợn người, vậy mà mẹ tôi cũng chẳng "tha". Nghe ở đâu có người cùng Trung đoàn vận tải với anh Khiết, hoặc là mẹ hoặc là chị, xa hơn nữa thì nhờ người tìm đến tận nơi dò hỏi. Chỉ trong vòng hơn nửa năm trời mẹ tôi đã đến được hầu hết các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Phòng. Còn chú Phương, theo những thông tin ghi trên giấy báo tử, tìm về Trung đoàn của anh Khiết nhưng sau cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, trung đoàn của anh đã giải thể. Người thì phục viên về quê, người chuyển ngành, các sỹ quan bổ sung vào các đơn vị khác, thành ra, nơi anh hy sinh cũng như ngôi mộ của anh cứ chờn vờn ở phía trước, lúc ẩn lúc hiện, chẳng ai khẳng định được cụ thể ở địa danh nào (sau này chú tôi đã kể lại như vậy).
Rồi một hôm, tôi nhớ, hôm ấy mới là giữa tuần, tan học tôi trở về nhà trọ, chị tôi đang đứng ở cửa chờ tôi. Chị vui vẻ: "đã tìm thấy mộ anh Khiết rồi" - "Thật không chị?" "Thật! Giấy chú Phương viết về đây này, ở bản…xã…huyện N tỉnh Tây Ninh. Cũng may là chú ấy theo đoàn "Đi tìm hài cốt đồng đội" của tỉnh Quảng Trị nên mới tìm thấy đấy!" – Gương mặt chị sáng bừng, nụ cười tươi, chị trẻ lại đến mấy tuổi. Một cảm giác nuối tiếc thoảng qua trong đầu tôi: Tìm thấy mộ anh Khiết, cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ đi lấy chồng, tôi không còn chị nữa. Chị vẫn vui vẻ:
- Mẹ sai chị mang gạo và thức ăn lên cho em và báo cho em biết: Sáng mai mẹ và chị sẽ đi luôn. Chú Phương đang chờ ở trong ấy rồi.
- Sao vội thế hả chị ?
- Nhân tiện có xe. Mà này, (chị nói nhỏ) em biết không, chú Phương vừa tìm được mộ anh Khiết, lại gặp luôn được đồng đội cũ về quê lấy hàng. Em bảo anh Khiết có thiêng không?
Tôi đùa gượng gạo:
- Chắc anh Khiết cũng mong cho chị sớm có hạnh phúc đấy mà.
Chị cười ngượng, mắt long lanh.
Sau chuyến đi ấy trở về, mẹ tôi sút vạc hẳn đi rồi đổ bệnh, nằm liệt. Phục thuốc thế nào cũng không dậy được nữa. Mẹ tôi giục chị:
- Mẹ xem chừng chẳng sống được bao lâu nữa đâu, con xem có ai thương con thật lòng thì để mẹ lo, kẻo hết tang chồng lại tang mẹ thì con đến chết già mất.
- Mẹ cứ nghĩ lẩn thẩn làm gì! – Chị gắt –Mẹ cứ yên tâm thuốc thang cho khoẻ đã. Mẹ khoẻ hôm trước hôm sau con làm đám cưới liền, có khó gì việc ấy đâu cơ chứ.
Từ ngày tìm thấy mộ anh tôi, chị như người được sưởi ấm trở lại. Da thịt hồng hào, đẹp hẳn ra. Cũng có vài ba đám cùng cảnh "đứt gánh giữa đường" đánh tiếng, nhưng chị chưa nhận lời cùng ai. Chị bảo với tôi: "Chị không sao quên được anh Khiết với lại, em thì đang học hành dở dang, chẳng may mẹ nằm xuống, lấy ai quán xuyến việc nhà?"
Sau đó ít lâu thì mẹ tôi mất. Trước lúc xuôi tay cụ vẫy tôi lại gần, nói nhỏ:
- Mẹ dặn riêng con, mộ thằng Khiết là mộ giả đấy. Mẹ buộc lòng phải bắt chú Phương phải làm như vậy để nó toại nguyện mà đi lấy chồng. Con cũng phải động viên nó giúp mẹ nhé. Sau này, khi nó đã yên bề gia thất thì con mới được nói cho nó biết nghe chưa. Đừng trách mẹ, mẹ thương nó quá!
III
Nhà tôi vốn dĩ đã chẳng dư dật gì. Những cuộc kiếm tìm mộ anh và trận ốm kéo dài của mẹ đã đẩy gia đình tôi vào thế túng quẫn. Trước đó còn có bò gạo để hấp khoai, giờ thì khoai sắn cũng không có, phải đi vay hoặc mua chịu đến mùa trả lúa. Vậy mà, cứ chủ nhật tôi về, trong cái túi vải chuẩn bị cho tôi, bao giờ cũng có vài ba bò gạo trộn với khoai khô đủ để ăn cả tuần. Chị bảo "Gì thì gì, cái bụng có no thì học mới vào được. Còn chị có phải học hành gì đâu". Nhìn chị trệu trạo nhai mấy khúc sắn luộc với bát mắm tương mà tôi cứ như người mắc tội. Tôi định bỏ học, chị nhìn tôi nghiêm khắc:
- Đói nghèo tằn tiện rồi cũng sẽ qua, em bỏ học là không được. Trước hết là thiệt cho bản thân em, sau nữa là chị có tội với mẹ với anh Khiết. Nếu thương chị, em phải gắng học hành cho đến nơi đến chốn. Cả nhà chỉ còn có mình em để hy vọng…
- Nhưng em không nỡ làm khổ chị mãi thế này.
- Khổ gì đâu nào? – Chị cười- Nhiều người già yếu hơn chị còn nuôi được ba bốn đứa con ăn học cơ mà!
Từ đấy, tôi bỏ hẳn ý định thôi học và tự hứa với lòng mình phải học "cho đến nơi đến chốn" như lời chị dặn. Giờ, tôi có được chút danh phận với đời, tôi ngàn lần biết ơn chị. Nhất là ánh mắt nghiêm khắc ấy, đã là chỗ dựa tinh thần trong suốt cuộc đời tôi. Lúc thì như một lời cảnh báo khi tôi nhụt chí nản lòng, lúc lại như một lời khích lệ dộng viên, khi tôi gặp những khó khăn trắc trở.
Tôi vào Đại học tiền đóng tiền góp lại càng nhiều hơn. Chị cứ lầm lũi làm, lầm lũi chắt chiu để nuôi tôi ăn học. Nhớ lời mẹ dặn lúc lâm chung là phải động viên chị đi bước nữa nhưng tôi không sao thốt được nên lời. Trong cảnh ngộ thế này, nói ra nó cứ như là "đãi bôi" thế nào ấy. Mãi đến năm thứ 4, năm cuối cùng Đại học, tôi mới xin được việc làm thêm. Đồng tiền kiếm được cũng tạm đủ cho mình sinh hoạt, tôi mới mạnh dạn nhắc lại ý nguyện của mẹ. Chị cười buồn:
-Đừng nói đến chuyện ấy nữa em. Nay mai em lấy vợ, sinh con, mang về chị nuôi cho thế là chị cũng hạnh phúc rồi.
Tôi cũng gợi nhắc đến mộ anh Khiết nhưng chị chỉ im lặng quay đi, cố nén tiếng thở dài.
Ra trường, may mắn tôi xin được việc làm ngay, nhưng tôi chưa kịp báo đền công ơn chị thì chị đã mất. Một cơn co thắt động mạch vành đã cướp chị đi ngay trên tay tôi. Tôi khóc lóc thảm thiết nhìn chị đang xỉu dần mà đành bất lực. Nước mắt tôi làm ướt nhoà gương mặt chị. Nhìn tôi, chị thều thào dặn với:
- Em cố dành.. dụm lấy.. ít.. tiền.. vào trong.. ấy… đưa anh Khiết về với…chị nhé. Mấy năm rồi.. nhà mình.. túng quá…
Tôi nấc lên, cố nuốt những dòng nước mắt đắng chát vào lòng để nói lên sự thật với chị, bởi chị tôi sẽ chẳng bao giờ "yên bề gia thất" được nữa, với lại, có ai lại đi nói dối với người sắp chết bao giờ, tội lắm. Nhưng cũng rất may, tôi vẫn còn tỉnh táo để kìm lại được. Tôi cuống quýt:
-Vâng…vâng…em nhớ…em nhớ…nhất định…
Chị nhắm mắt lại, trút hơi thở cuối cùng rồi thanh thản ra đi. Còn tim tôi lại quặn đau đến tê dại, bởi, đây là lần thứ hai chị phải nghe những lời nói dối. Tôi gào lên:
-Chị ơi!...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.