ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 15/07/2024 15:04

Truyện ngắn "Phu nhân Quan Bố chính sứ" | Nguyễn Huy Súc | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Phu nhân Quan Bố chính sứ” của tác giả Nguyễn Huy Súc qua giọng đọc Huyền Linh.

1. 

Ông huyện Kim Anh gọn gàng trong bộ quần áo nâu bạc mầu. Ông ra sân xước một cái lá dừa, vấn loa kèn rồi trở vào nhà lấy hộp thuốc lào vo một điếu cho vào kèn lá. Ông châm đóm, ngậm một hớp nước, rít một hơi dài, ngửa cổ nuốt đến ực một cái, nhả khói. Ông đứng lên, hai tay kéo hai tà áo, ngoái cổ sang bên phải rồi sang trái, đầu gật gật có vẻ tâm đắc, hỏi vợ: "Mình thấy tôi giống bác nông phu chưa?". Bà huyện Kim Anh nhìn chồng. Bà ngắm đằng trước, rồi vòng ra sau lưng, khẽ nói: "Quần áo, đi đứng, hút thuốc sâu kèn thì hệt nông phu, nhưng nước da thì... khó lắm!". Ông huyện nhìn vợ, cười: "Tôi đi dưới trời nắng chỉ vài ba ngày là đen choay ngay đấy mà. Không khéo đến các làng, họ lại thuê tôi làm thợ cày ấy chứ!". Bà huyện cười, mắt say nhìn chồng: "Được rứa đã may. Còn hai anh tú nữa!". Ông huyện Kim Anh đang vui chuyện với vợ bỗng giọng trầm hẳn xuống: "Mình nghĩ mà xem, nhà ta tôi và chú Năm nữa là hai đời, có ba người làm quan phụng sự triều đình, góp phần lo an lành cho bá tánh. Ơn vua, lộc nước cũng đã được hưởng. Giờ nước gặp buổi can qua, vua đã có Chỉ dụ Thiên hạ cần vương, tuy nhỏ, nhưng mình là người đã từng có chức tước, con cái mình được dạy dỗ, học hành đến nơi đến chốn, chúng cũng đã nhận biết được lẽ đúng sai. Tôi và chú Năm từ ngày cáo quan về quê, được dân làng một lòng ủng hộ; đồng niên, đồng môn, đồng liêu, rồi học trò của cha, học trò của tôi, học trò của chú Năm đã hội tụ lại thành những toán nghĩa quân ngày đêm tập luyện võ nghệ, đúc súng đạn, rèn giáo gươm, vuốt cung tên...Việc ăn uống của nghĩa quân, mình đã cùng mẹ, các thím, các con dâu hết lòng lo toan, làm tôi và chú Năm an lòng. Dân trong làng, ngoài xã nhìn thấy nghĩa lớn của nhà ta, họ đã không tiếc tiền của, công sức cho việc luyện võ, nuôi quân... Tưởng như con đường đi đến thắng lợi sẽ hanh thông, nhưng việc đánh đồn Tây ở Bút Sơn và đốt phá phủ đường Hoằng Hóa không đạt được như mong muốn. Lần này, tôi, chú Năm và hai con lại xa nhà theo Lệnh cần vương, mọi việc ở nhà trông cậy cả vào mẹ, vào mình, vào thím Năm. Mẹ tuổi đã già, cha vừa qui tiên năm ngoái, rồi lần này con cháu đi xa, không khỏi làm sức khỏe của mẹ sa sút.". Ông huyện Kim Anh dừng lại, nhìn vợ như đắn đo điều gì đó khó nói, đang phải tìm cách diễn đạt. Bà huyện như đoán được ý chồng, bà sửa lại chiếc khuy áo ngực cho ông: "Mình cứ an lòng ra đi. Mọi việc ở nhà trên có mẹ, tôi và thím Năm cùng các em. Bây giờ không tính trước được. Đến đâu ta liệu đến đó. Miễn là công việc của mình, của hai con và chú Năm xuôi chèo mát mái là mừng". Bà huyện thấy mũi cay sè. Bà tránh ánh mắt của chồng. Rồi bà mạnh dạn thay đổi cách xưng hô: "Còn chuyện dì hai và các con ngoài Bắc, mình an tâm! Cần làm việc chi cho dì hai và các con ngoài đó thì mình cứ nói!" Ông huyện Kim Anh nhìn vợ, nghẹn ngào: "Tôi cám ơn mình! Mình nghĩ được như vậy là tôi mang ơn mình lắm!". Bà huyện nhẹ nhàng đặt những ngón tay mềm của mình lên môi chồng: "Mình đừng nói vậy làm em khó nghĩ. Con nào cũng là con chung. Dù chưa hỏi ý kiến mình, nhưng em đã tính sẽ xin với mẹ, sai Khoá Tĩnh ra Bắc, tin cho dì hai biết tình thế ni. Chuyển cho dì hai và các con ngoài đó một khoản tiền để ăn uống, nuôi một người hầu gái. Dì hai và các con phải đi khỏi chỗ ở lâu nay một độ, càng sớm càng tốt!". Ông huyện Kim Anh nhìn vợ, trong lòng lâng lâng. Ông vòng hai tay ra ôm ghì vợ vào người, ông nói nhỏ vừa đủ hai người nghe:"Tôi cám ơn mình!". Bà huyện đứng yên trong vòng tay chồng. Một thứ tình cảm bản năng bỗng được đánh thức trong bà. Bà đưa hai tay ra ôm ngang thắt lưng chồng. Hai tai bà nghe mồn một những tiếng thình thịch từ lồng ngực chồng đang truyền sang lồng ngực rạo rực của mình. Bà kiễng chân lên một chút cho cằm của mình nằm gọn trên bờ vai săn chắc của chồng. Đôi mắt bà lim rim. Hơi thở của ông làm bà dịu vợi những lo toan. Bà muốn được như thế này mãi. Hạnh phúc nồng ấm làm hai người ngất ngây...

Trời dần tối. Những ngọn bạch lạp được thắp lên trong phòng khách. Mọi người cúi chào Cụ bà Bố chính sứ. Không ai nói với ai, họ đứng im lặng chờ ý của Cụ bà. Không gian yên tĩnh. Hương thơm từ cây hoa ngọc lan thoảng bay vào nhà. Cụ bà Bố chính sứ ngồi trên chiếc sập gụ bỏm bẻm nhai trầu. Khi con cháu đã tề tựu đầy đủ, cụ nhìn khắp lượt mọi người, rồi nói: "Ta đã cho người soạn lễ trên nhà thờ, bây giờ thì các con, các cháu cùng ta lên thắp hương cáo gia tiên để Hai anh huyện, Hai cậu tú ra đi cho đúng hẹn!".

Thắp hương cáo gia tiên xong. Mọi người trở lại phòng khách. Cụ bà Bố chính sứ đưa tay ra kéo Ông huyện Bình Lục lại gần hơn, dặn: "Anh huyện Kim Anh với anh đều là trụ cột trong nhà, vắng hai anh, ta với con cháu trong nhà phải bấn bá âu cũng là chuyện thường tình. Rồi Hai cậu tú, nhẽ ra không có chuyện nghe theo lệnh Cần Vương thì phải học nữa mà theo với các bạn đồng môn, đồng lứa. Nay mai Hai mợ tú sinh nở, đó là một niềm vui cho nhà ta. Đã có kết nụ, ắt có ngày nở hoa! Anh em, bố con, chú cháu cố mà lo Việc Nước cho nó chu toàn để phụng sự triều đình, để không phụ nguyện ước của cha ông, không phụ lòng của bá tánh. Các anh có lo cho bay tôi ở nhà cũng không được. Cứ an lòng ra đi mà làm công Việc Nước cho đúng với đạo làm người!".

Nghe mẹ nói đến đây, Ông huyện Kim Anh, Ông huyện Bình Lục, Hai cậu tú quỳ xuống lạy mẹ! Mọi người cũng đều quỳ cả xuống trước mặt Cụ bà Bố Chunhs sứ. Cụ Bà xua tay: "Đứng lên! Đừng làm rứa". Cụ bà Bố Chính Sứ cúi xuống, một tay luồn vào nách Ông huyện Kim Anh, tay kia luồn vào nách Ông huyện Bình Lục, kéo hai con đứng dậy. Mọi người trong nhà thấy vậy đều đứng lên theo. Trong nhà rộn lên vì những tiếng nói của mọi người dặn dò nhau...

Lý trưởng Lê Huy Chuyên từ ngoài đình làng vào xin được gặp Ông

huyện Bình Lục. Ông huyện Bình Lục cùng ba bố con Ông huyện Kim Anh tạm biệt gia đình ngay. Theo kế hoạch, đầu giờ Hợi(1) mọi người trong toán quân đi Ba Đình phải có mặt ở Bảng Môn đình để thắp hương, xin phép Thành Hoàng làng. Các vị hào mục(2), phó lý, các ông ngũ hương(3) đều có mặt. Thắp hương trình Thành Hoàng làng xong, toán quân lên đừơng...

2. 

Cụ bà Bố Chính Sứ mấy ngày nay lòng như lửa đốt. Suốt đêm qua, hầu như Cụ bà không đặt lưng xuống giường. Cụ ngồi nhai trầu, chờ tin của các con cháu và Nghĩa quân Cần Vương Lưỡng Bột. Trời về sáng. Trăng cuối tháng như cái lưỡi liềm đang luồn trong mây chuyển dần về phía Tây làm cho khu vườn trước nhà một thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Có tiếng chuông kéo gọi mở then cửa ngõ, Cụ bà Bố Chính Sứ đang chờ xem là ai thì Khoá Tĩnh đã dẫn khách vào đến đầu hiên. Thì ra lý trưởng Lê Huy Chuyên với tú tài Nguyễn Thiện Thông. Khác với mọi lần, hôm nay hai người xin được lên thắp hương ở nhà thờ quan Bố Chính Sứ rồi mới vào phòng khách. Cụ Bà phu nhân quan Bố Chính Sứ đã cảm nhận được có gì đó không bình thường. Chưa kịp ngồi xuống, lý trưởng Lê Huy Chuyên đã khoanh tay trước ngực: "Bẩm Cụ...". Ông lý trưởng nói mà như có cái gì đang chặn ở cổ họng. Mặt ông tái mét, hai môi ông run run, giật giật. Ông cố lấy lại bình tĩnh để thưa với Cụ bà Bố Chính Sứ, mẹ của hai Ông Huyện, bà nội của Hai Cậu tú: "Bẩm Cụ bà, Ông huyện Bình Lục, Ông huyện Kim Anh với hai Cậu Tú đã bị bọn Pháp bắt khi các Ngài cùng nghĩa quân Lưỡng Bột ta vượt qua sông để đến căn cứ Ba Đình!". Giọng Ông lý trưởng nghẹn lại. Nước mắt, nước mũi tuôn ra. Cụ bà Bố Chính Sứ choáng váng, lảo đảo. Con dâu, cháu dâu bật khóc. Những người hầu và con cháu nhanh tay đã kịp đỡ lấy Cụ bà. Một lúc sau định thần lại, Cụ bà Bố Chính Sứ đỡ lấy tách trà từ tay người hầu gái cũng đang dàn dụa nước mắt. Nhấm một chút nước trà, Cụ bà nhìn hai vị khách, hỏi: "Bị bắt! Cả thủ lĩnh và nghĩa quân?..Trời!..". Giọng Cụ bà lạc đi. "Rồi răng nữa?.." Tú tài Nguyễn Thiện Thông đứng cạnh Ông Lý trưởng, nói đỡ: "Bẩm Cụ bà! Bọn chúng đưa hai Ông Huyện và hai Cậu Tú lên Hạc Thành, tra hỏi không moi được những bí mật của nghĩa quân ta, bọn chúng đã đưa hai Ông Huyện, hai Cậu Tú và mấy Nghĩa quân ta ra hành quyết ngay đầu cầu Bố Hạ!". Nhà cửa quay cuồng chao đảo, Cụ bà Bố Chính Sứ, hai Bà Huyện và hai Mợ Tú gục xuống. Người hầu và con cháu vừa khóc vừa xúm lại, người vuốt ngực, người xoa dầu vào hai thái dương, vào hai bàn tay, hai bàn chân lạnh ngắt, bất tỉnh. Nhất là hai Mợ Tú lại đang bụng mang dạ chửa làm mọi người càng bối rối thêm. Một lúc sau, Cụ bà từ từ mở mắt. Bà huyện Kim Anh, Bà huyện Bình Lục hồi tỉnh. Hai bà huyện gượng ngồi dậy. Từ phía sau Bà huyện Kim Anh đưa người ra đỡ mẹ chồng dựa vào người mình. Bà huyện Bình Lục đưa hai tay ra túm tóc ở một bên thái dương con dâu giật nhẹ và nói cho các cô hầu gái đang vội vã xoa dầu cho cháu dâu làm theo. Lúc sau thì hai Mợ Tú mới từ từ mở mắt ra, chầm chậm nhìn mọi người...Cụ bà Bố Chính Sứ nhìn thẳng vào Ông lý trưởng Lê Huy Chuyên và tú tài Nguyễn Thiện Thông, hỏi: "Ai nói tin ni cho các anh biết? Răng lại như rứa được? Nếu là như rứa, ta tính làm răng đây?". Tú tài Nguyễn Thiện Thông gạt nước mắt rồi lập bập thưa: "Bẩm Cụ! Sau khi chúng hành quyết hai Ông Huyện và hai Cậu Tú và mấy Nghĩa quân ta, chúng xẻo tai ông Quyền Thạc, đánh đập Nghĩa quân còn lại rất giã man rồi đưa xuống nhà giam... Đêm qua, nhờ có nội công nên ông Quyền Thạc cùng số Nghĩa quân ta trốn thoát được. Ông Quyền Thạc đã cho hai nghĩa quân chạy về báo cho làng biết sự việc đã xảy ra. Hiện giờ, ông Quyền Thạc với số Nghĩa quân còn lại đang ở Bố Hạ, kín đáo theo sát các hành động của chúng, tìm cách giữ và lấy thi hài các ngài đưa về làng. Làng đã cho võ quan Lê Quang, Nguyễn Mễ, Lê Huy Chân cùng một số văn thân lên Bố Hạ cùng với ông Quyền Thạc và một số Nghĩa quân đang ở trên đó, phải lấy kỳ được thi thể các Ngài, đưa về làng! Các vị hào mục, các vị cao niên Lưỡng Bột ta cử chúng cháu vào, trước là thắp hương báo cáo với linh hồn quan Bố chính sứ, sau là xin lời chỉ dạy của Cụ bà?". Tú tài Nguyễn Thiện Thông nghẹn lại. Lý trưởng Lê Huy Chuyên tiếp lời: "Bẩm cụ, khi rước được thi hài hai Ông Huyện và hai Cậu Tú về, làng xin được quàn linh cữu hai Ông Huyện với hai Cậu Tú ở Bảng Môn đình để làng chịu tang và lo việc mai táng. Ý của làng là như rứa, xin cụ một lời chỉ dạy?" Mọi người trong nhà cố Quan Bố Chính Sứ khóc nức nở. Cụ bà Bố Chính Sứ lặng người, không thể khóc ra tiếng được nữa. Cổ họng nghẹn lại. Trên ngực như có một tảng đá đè nặng. Cụ Bà ngã gục ra chiếc trường kỷ. Bà huyện Kim Anh ôm lấy mẹ chồng gào khóc thảm thiết. Bà huyện Bình Lục ôm lấy hai Mợ Tú đang khóc mà như nghẹn lại. Năm người đàn bà, một người là mẹ, là bà; bốn người là vợ và mẹ của bốn Nghĩa quân vừa hy sinh...nước mắt đầm đìa, nghẹn ngào ôm ghì lấy nhau dưới ánh sáng leo lắt của những cây bạch lạp. Một ngọn gió mồ côi ngoài vườn len vào nhà làm những ngọn bạch lạp vật vờ như chực tắt khiến cho phòng khách tranh tối tranh sáng. Cụ bà Bố chính sứ đã ngồi dậy được. Cụ lấy lại bình tĩnh bảo gia nhân soạn lễ để Cụ cùng con cháu lên thắp hương ở bàn thờ quan Bố Chính Sứ...

Thắp hương cáo cố quan Bố chính sứ và gia tiên xong. Cụ Bà nói mọi người ngồi xuống những chiếc chiếu cói trải để quỳ lạy mỗi khi thắp hương. Cụ bà Bố Chính Sứ nhìn Ông Lý trưởng và tú tài Nguyễn Thiện Thông, nói: "Từ trước tới nay, làng ta không có lệ quàn linh cữu ở Bảng Môn đình. Bảng Môn đình là nơi tôn nghiêm, để thờ Thành Hoàng làng; là nơi tế lễ, hội hè; nơi vinh danh các bậc gương sáng, việc thiện; là nơi con cháu trình Thành Hoàng làng về bằng cấp đỗ đạt, chức tước vua ban, nước thưởng; là nơi làm việc của làng văn, làng hộ...Lẽ làm răng nhà ta lại giám hưởng sự ưu ái đó của làng được! Anh Lý và Cậu tú ra bàn bạc với làng, khi lấy được thi thể con cháu ta về, xin làng cho nhà ta quàn linh cữu Hai anh huyện, Hai cậu tú ở nhà thờ này. Nơi thờ gia tiên và quan Bố Chính Sứ. Lân bàng, anh em họ hàng nội ngoại, nghĩa quân, làng văn, làng hộ, học trò, bạn hữu cứ phúng viếng bình thường như mọi người làng quá cố khác. Con cháu ta cũng là con cháu làng, là văn thân, là nghĩa quân Cần vương của Lưỡng Bột, là bá tánh của vua, là con chúa Thành Hoàng làng! Anh Lý với Cậu Tú nói với làng là nhà ta xin cảm tạ những ưu ái làng dành cho nhà ta. Còn ý của ta như rứa, xin với làng cứ rứa mà làm!". Nói đến đây Cụ bà ngừng một lúc. Trong phòng khách mọi người lặng đi. Rồi cụ bảo Bà huyện Kim Anh, Bà huyện Bình Lục, hai Mợ Tú ở lại bàn chuyện hậu sự với ông Lý Chuyên và cậu tú Thông. Những người khác lui xuống nhà dưới lo các việc chuẩn bị cho bốn đám tang.

Khi chỉ còn hai Bà huyện, hai Mợ Tú, Ông lý trưởng và cậu tú Thông, Cụ bà Bố chính sứ hạ giọng: "Người chết vì dân vì nước còn gian nan mới đưa được về. Không biết là có đưa về được không! Nhưng chắc chắn giặc Tây và quân tay sai bán nước hại nòi còn về làng ta để phá phách, thậm chí là chém giết chứ không cho dân làng yên đâu. Nhất lại như nhà ta, lúc còn mồ ma cha hai Anh Huyện, khi làm Bố Chính Sứ Quảng Nam, quân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng, ông đã đứng về phe chủ chiến nên bị nhà vua quở trách. Hai Chị Huyện, hai Mợ Tú phải nghe ta: Đêm nay, khi Nghĩa quân mang được hai Anh Huyện với hai Cậu Tú về, thì hai Chị Huyện, hai Mợ Tú cùng với Khóa Tĩnh, Khóa Tri, hai thằng ấy nó vừa khỏe vừa kín miệng, lên cùng với Anh Lý với Cậu tú đây. Làng xã thêm ai nữa thì tùy Anh Lý chọn. Nhưng phải chọn người hiền lành, kín miệng. Ta cất hai Anh Huyện với hai Cậu Tú ở thửa ruộng của nhà, trên Mã Mông. Ở đó, vừa xa đường cái quan, lại xa điếm Mộc Bài. Đang mùa thu hoạch, những cây lạc, cây ngô người ta còn vứt vương vãi trên mặt ruộng chưa kịp mang về. Dọn những cây ngô, cây lạc đi mà chôn người xuống. Tình thế ni cũng không nên mời thầy địa lý nữa. Ta nhớ người xưa đã nói: Phủ Hoằng ta, bên bờ bắc sông Mã, ở Hàm Rồng có núi Châu Phong, dân ta thường gọi là Núi Nít, làm chấn sơn; phía biển, ở tổng Ngọc Chuế, có núi Linh Trường, dân ta thường gọi là núi Hà Rò, làm hộ sơn. Lâu nay, ở Lưỡng Bột ta với các làng phía nam phủ Hoằng, khi an táng người quá cố thường có câu: "Đầu Núi Nít, đít Hà Rò". Ta đặt hai Anh Huyện, hai Cậu Tú đầu gối núi Nít, chân đạp Hà Rò là tầm mắt họ nhìn ra biển cả rộng mênh mông. Hai Anh Huyện, hai Cậu Tú lúc sinh thời nghe theo Lệnh dụ thiên hạ Cần Vương của vua Hàm Nghi, là có cái nhìn rộng lớn. Bây giờ hai Anh Huyện, hai Cậu Tú nằm xuống vì Dân vì Nước, ta cất hai Anh Huyện với hai Cậu Tú như rứa là hợp với âm dương! Không đắp thành mộ mà hoàn thổ phẳng phiu lại như cũ. Vứt trả những cây bông, cây ngô, cây lạc ra mặt ruộng, để người qua lại, kẻ đi làm đồng không ai biết... Đó là những phần mộ thật. Phải giữ kín! Ở nhà ta cũng phải đóng bốn cỗ quan tài, lấy sọ dừa làm đầu, cây núc nác làm thân, cành dâu làm xương. Kiểu hình nhân thế mạng. Anh Lý, Cậu Tú biết chứ? Hai chị huyện biết chứ? Nếu công việc trôi chảy, ở trên bái ta cất hai anh huyện, hai cậu tú xong, thì ở đây ta làm lễ phát tang cho họ. Vào lúc giờ Sửu(4) hay giờ Dần(5) chi đó, còn tùy việc ở trên Bái... Quàn đúng ba ngày đêm cho bà con viếng rồi vào giờ Thìn(6) ngày thứ tư ta đưa tang. Ta đưa hai Anh Huyện, hai Cậu Tú lên cồn Đông Cung, cất ở đó cho quang minh chính đại. Xin làng chọn người làm phường tướng để trừ quỷ sứ, thần trùng, dẹp đường cho hương hồn các con cháu ta về nơi tiên cảnh được mát mẻ!". Cụ bà Bố Chính Sứ dừng lại, đưa mắt về phía cửa sổ ở hồi nhà nhìn ra vườn nhà để giấu đi những giọt nước mắt như đang rơi xuống lá vàng, cành khô. Trời đã tảng sáng. Tiếng giun tiếng dế vẫn rên rỉ nghe mà thảm thiết! Cụ bà Bố Chính Sứ nén được tiếng thở dài và nói tiếp:"Anh Lý nhớ là phường tướng phải đủ: Ông Trung Phương là Mậu Kỷ thổ để thiết tướng. Ông Đông Phương là Giáp Ất mộc. Ông Nam Phương là Bính Đinh hỏa. Ông Tây Phương là Canh Tân kim. Ông Bắc Phương là Nhâm Quý thủy. Hai Anh Huyện với hai Cậu Tú về với ông bà ông vải cùng một ngày, hôm đó là ngày Sửu, cầm tinh con trâu. Anh Lý chọn lấy một người làm thằng Nhật Thần đội cái đầu trâu bằng giấy. Một người đóng hổ để dẹp đường, đội cái đầu hổ bằng giấy. Phải có một người giữ hổ. Các lễ trong đám tang phải làm cho đủ. Giả mà như thật! Anh Lý, Cậu Tú, các con, các cháu hiểu chứ? Chỉ có con cháu, với Anh Lý, Cậu Tú đây, cùng nữa chỉ một vài thân tình như người trong nhà biết với nhau đó là mộ gió. Nơi để cho con cháu, học trò, đồng môn, đồng liêu thắp hương tưởng nhớ khi Tết đến Xuân về... Phòng khi bọn giặc Tây và quan huyện có về xoi mói, quấy nhiễu, dọa dẫm đàn áp thì cũng có chỗ cho chúng phá phách. Đỡ khổ cho bà con làng xóm, đỡ xót cho nhà ta, cho họ hàng. Ý ta thì như rứa. Anh Lý với Cậu Tú thấy có làm được không? Mà phải làm như rứa! Chuyện không được bàn rộng với nhiều người!".

Ngừng một lát, Cụ bà Bố Chính Sứ nhìn mọi người như đắn đo, rồi nói: "Việc thứ hai ni cũng phải làm, trước hay sau đưa tang thì hai Chị Huyện với hai Mợ Tú, Anh Lý với Cậu Tú đây tính xem làm răng cho tiện thì làm: Đó là, hai Chị Huyện đưa hai Mợ Tú với các cháu nhỏ tản cư đi nơi khác một vài tháng. Phòng khi bọn Tây về để sát hại gia quyến những người chống lại chúng. Không chỉ có nhà ta mà còn những cha mẹ già, con trẻ của các anh trong hội cầm đầu Nghĩa quân cũng nên lánh đi một độ". Ông Lý Chuyên và mọi người đang còn suy ngẫm thì bà huyện Kim Anh nói: "Thưa mẹ, nhà con còn dì hai và hai con ở ngoài Bắc, trước khi đi, nhà con và con có bàn xin với mẹ tìm cách tin ra đó cho ba mẹ con dì ấy tản cư. Bọn chúng về đây được, ta phải phòng chúng mò ra đó tìm dì hai và các con ở ngoài đó". Cụ bà Bố Chính Sứ nghe vậy, nhìn Bà huyện Kim Anh rồi nói luôn:"Chị cả nhắc ta rứa là phải, chứ ta nào có quên mẹ con nhà nó ở ngoài đó. Chị cả nghĩ được như rứa ta cũng thấy nhẹ lòng". Bà huyện Bình Lục nghe xong lời của mẹ chồng liền có lời: "Thưa mẹ! Có bác cả, Ông Lý và Cậu Tú đây, ý con thì việc tản cư bây giờ là việc cần phải làm gấp. Đi đâu thì đi, xa hay gần cũng phải đi, phải chia ra nhiều nơi: Mẹ là người ta phải đưa đi đầu tiên, có hai người hầu gái đi kèm để nâng nhấc mẹ khi tắt lửa tối đèn. Con và thằng út nhà con một nơi để con còn quản lý nó và dạy nó học. Không phải người giúp việc, tự con thu xếp được. Hai mợ tú nhà ta đều đang có mang, mỗi người phải ở mỗi nơi với một người hầu gái. Bác cả một nơi, một người hầu gái. Việc ba mẹ con bác gái của bác cả ở ngoài Bắc thì, trước đây Khóa Tĩnh đã có lần mang thư của nhà con ra Kim Anh cho bác trai, Khóa Tĩnh đã thông thạo đường, nên bây giờ ta cho Khóa Tĩnh mang tiền bạc ra tin cho bác gái và hai cháu ngoài đó tản cư đi nơi khác một độ". Bà huyện Bình Lục thêm vào: "Thưa mẹ, thím Năm nói rứa cũng giống ý con. Xong việc ở đây ta cho Khoá Tĩnh ra ngoài Bắc luôn cho kịp. Không phải người giúp việc cho con, như thím Năm, các con xin được tự lo và sắp xếp cho bản thân". Cụ bà Bố Chính nghe con dâu nói xong, ngồi ngẫm nghĩ, bấm đốt ngón tay và nói: "Hai Chị Huyện nghĩ như rứa chỉ đúng một bề. Hai chị phải có người lo cơm nước, giặt dũ. Có rứa, hai Chị Huyện mới đủ sức lo chuyện chung của nhà ta. Chị huyện Bình Lục dẫn một nửa con cháu đi tản cư một hướng. Chị huyện Kim Anh dẫn một nửa con cháu đi một hướng khác. Hai chị phải quán xuyến, trông coi con cháu. Công việc không phải nhẹ đâu. Ta nghĩ hai Chị Huyện mang cả hậu duệ nhà ta tạm thời đi lánh nạn một độ là bảo vệ cho đời sau, chứ bản thân hai Chị Huyện không đi tản cư! Cứ đến phiên đại chợ Quăng(7), hai Chị Huyện mang theo một xách vải tấm giống những người đi chợ bán vải, lại kín đáo về nhà cho ta biết mọi việc ở nơi tản cư con cháu ta làm răng? Tiền gạo còn hay hết? Cần thêm những thứ chi cho các con các cháu? Tiện thể, hai Chị Huyện gặp nhau, nói chuyện với nhau về các con cháu mình quán xuyến. Hai Chị Huyện chỉ nói nhỏ riêng với ông bà ngoại của các cháu biết, chứ không được đưa các cháu về tá túc ở bên ngoại. Mình về ở bên nớ sẽ không an toàn cho nhà ngoại. Nhỡ chúng phá phách nhà cửa bên ông bà ngoại tội lắm. Theo ta, khi cất hai Anh Huyện với hai Cậu Tú xong là hai Chị Huyện phải dẫn con cháu đi ngay. Đám tang ở nhà, Anh Lý với Cậu Tú đây lo thỉnh cho phường khóc mướn". Ông Lý Chuyên thưa: "Bẩm Cụ bà, sự ra đi của hai Ông Huyện, hai Cậu Tú như nghiêng cả Lưỡng Bột ta, con nghĩ ai mà chẳng rơi nước mắt! Ý của Cụ bà, làng xin được mời phường khóc mướn ở làng dưới". Cụ bà Bố Chính Sứ suy ngẫm một lát rồi nói: "Về phần ta, ta không đi tản cư. Các con, Anh Lý với Cậu Tú đây cứ nghĩ mà xem, những người cần giết bọn chúng đã giết rồi. Chúng đã giết một lúc bốn người nhà ta. Bốn người của hai đời! Chắc bọn chúng chưa biết hai Cậu Tú đã có vợ sắp sinh con. Bây giờ, ta nghĩ là nghĩ cho con, cho cháu. Phải giữ cho đời sau! Còn ta, cứ để ta ở nhà. Mọi công việc nhà của các gia nô cứ làm như bình thường. Lâu nay ai lo đồng ruộng cứ ra đồng. Mấy ả lâu nay dệt vải cứ dệt vải. Nhà có tiếng chim của khung cửi kêu(8)cũng bớt đi nỗi buồn. Anh Lý - Cụ bà Bố Chính Sứ nhìn thẳng vào ông lý trưởng- ta biết bây giờ Anh Lý thay Anh huyện Bình Lục lo việc cho Nghĩa quân. Cần đến tiền của thì các anh cứ nói. Nhà ta khi mô cũng có khoản tiền giành làm việc nghĩa. Chỉ tiếc thân già này chân chậm mắt mờ, không cùng các anh gánh vác việc làng, việc xã được!". "Bẩm Cụ! Những lời chỉ dạy vừa rồi của Cụ đã là công lớn Cụ giành cho làng rồi đấy ạ! Ý nguyện của làng bây giờ là mời Cụ đi tản cư một thời gian. Dinh cơ và nhà thờ quan Bố Chính Sứ dân làng sẽ bảo toàn chu đáo!". "Các anh cứ để ta ở nhà với dân làng, với họ hàng, với các anh! Nếu chúng vô phá làng, ta khắc sẽ có cách của ta!.. Nếu ta cũng đi, nhà cửa đâm ra trống vắng. Vô chủ. Chúng sẽ lấy cớ nhà ni theo Văn thân, theo Cần vương đánh Tây, bây giờ sợ quan huyện, quan tỉnh, quan Tây mà bỏ trốn. Nó có cớ để đốt phá cái cơ ngơi ông cha và quan Bố chính sứ nhà ta gây dựng để sống, để thờ phụng tổ tiên, để đi lại với họ hàng, làng xã... Đốt nhà ta được, nó sẽ đốt sang những nhà khác, lan khắp cả xóm làng! Răng ta lại cam lòng để chúng muốn phá làng thì phá? Muốn đốt làng thì đốt? Muốn đánh, muốn giết người thì đánh giết người? Ở lại nhà, ta cùng làng xã, cùng Anh Lý, cùng Cậu Tú, cùng Nghĩa quân...Nếu bọn chúng phá làng, chúng ta sẽ sống mái với bọn chúng! Các con, các cháu cứ an tâm nghe theo lời ta mà ra đi!..".

Hai Bà Huyện, hai Mợ Tú ôm lấy Cụ bà Bố Chính Sứ, khóc nức nở...

Ông Phó Lý từ ngoài Bảng Môn đình vào rỉ tai báo Ông Lý trưởng để ông biết và thưa lại với Cụ bà Bố Chính Sứ, hai Bà Huyện, hai Mợ Tú biết là có tin về: Nghĩa quân Lưỡng Bột ta đã lấy được thi hài của hai Ông Huyện, hai Cậu Tú. Nhưng thuyền ta vẫn chưa sang sông được mà còn trú bên làng Vạn chài Ái Sơn, chờ đêm xuống, lựa thời cơ an toàn mới đưa các Ngài về làng.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận