ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 28/06/2023 09:00

Truyện ngắn: Ước hẹn không lời | Vũ Duy Hòa | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Ước hẹn không lời" của tác giả Vũ Duy Hòa, bút danh Minh Trang, qua giọng đọc của An Thư.

Một chiều mưa dầm dề, trạm xá nhận thêm một số thương binh từ mặt trận chuyển về.

- Thủy à, cho chuyển ngay số thương binh nặng về lán 3 nghen.

- Dạ!

Nghe anh Thư nhắc, Thủy nhanh chóng cùng tổ trực chuyển bộ đội về các lán điều trị.

Hầu hết thương binh mới đến đều là người Miền Bắc, chỉ có ba người quê ở Miền Tây. Tổ điều trị  của Thủy được phân trực tại lán 3. Mấy ngày theo dõi, thuốc men cho thương binh, Thủy dần dần nhớ tên các anh, trong đó có anh Tám là nặng nhất do bị đa vết thương lại kèm theo sốt rét từ trước. Hằng ngày, sau khi lau rửa vết thương, thay băng, tiêm thuốc cho anh em xong, Thủy thường nán lại chăm cho anh Tám. Cô đoán, anh Tám cũng chỉ khoảng bằng tuổi anh trai của cô. Cùng với những vết thương, sốt rét rừng hành hạ Tám vật vã từng đêm. Nhìn thân hình gầy nhom, chỉ còn da bọc xương lại băng bó khắp nơi, Thủy thấy tội cho anh quá. Mỗi khi bón cháo cho anh, Thủy không cầm được nước mắt. Ngày qua ngày, anh Tám hồi tỉnh dần và những cơn sốt cũng không còn, Thủy vui lắm:

- Thế là anh Tám đỡ rồi, anh Tám cố gắng nghen.

Tám nhìn cô y tá gật đầu tỏ ý cám ơn. Mấy anh thương binh nằm cạnh cũng vui lây:

- Ông sống được là nhờ cô Thủy đêm ngày lo chăm sóc  đấy.

- Có gì đâu mấy anh, nhiệm vụ của em mà. Thủy đáp rồi vội đi lấy thuốc tiêm cho thương binh.

Sau một ngày căng thẳng, mệt mỏi ở lán thương binh, Thủy đang thiu thiu ngủ thì Thư đến.

- Thủy mệt không? Mấy bữa nay, thương binh ở chỗ em thế nào rồi?

- Dạ, anh em cũng khá hơn rồi anh - Thủy đáp.

Thấy Thư ngồi nhìn quanh, Thủy hỏi:

- Anh Thư đến có việc gì không?

- À, anh qua thăm em thôi…- Nói rồi, Thư lúng túng đưa cho Thủy một chiếc đồng hồ nữ:

- Anh tặng Thủy nè.

Thủy giật mình:

- Trời, sao anh lại cho em?  Mà ở đâu anh lại có đồng hồ nữ đẹp ghê?

-  Chiến lợi phẩm anh  để tặng Thủy đó, em có thích không?

Thủy giẫy nẫy lên:

- Ôi, em không dám nhận đâu. Mà ở rừng thì đeo đồng hồ làm gì anh - Nài nỉ thế nào Thủy cũng không nhận, nên Thư đành ra về. Sau hôm đó, mỗi khi biết Thủy về nơi nghỉ là Thư lại tạo cớ đến tìm. Thủy thấy phiền quá, nhưng không dám nói gì vì Thư là cấp trên trực tiếp. Mỗi khi buồn tủi, Thủy lại xuống lán thương binh để chăm sóc và trò chuyện với các anh. Thủy thường dìu anh Tám ra ven suối để được nghe anh kể chuyện về Miền Bắc. Những lúc như vậy, giọng anh Tám trùng xuống:

- Quê anh ở ngoại thành, nơi có rất nhiều hoa đào. Vào mùa xuân, những cánh đào đỏ thắm, lung linh trong gió mơn man thật lộng lẫy. Đã bao giờ em được đi giữa cánh đồng bạt ngàn hoa đào nở chưa?

- Chưa bao giờ đâu anh, em chỉ biết hoa đào qua sách vở thôi. Nơi em không có hoa đào mà chỉ toàn hoa mai thôi à. Sau này thống nhất, có dịp, anh cho em về thăm vườn đào quê anh nghen.

- Nhất định rồi, chỉ sợ xa nên em không ra ngoài đó thôi.

- Anh hứa đi, thế nào em cũng ra mà…

Anh Tám thủ thỉ như nói với chính mình:

- Anh cũng mong vậy, nhưng chiến tranh không biết bao giờ kết thúc.

Thấy anh buồn, Thủy lại động viên:

- Thế nào cũng đến ngày thắng lợi. Ngày đưa em vô cứ, ba em dặn  hãy ráng chiến đấu, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

- Ba em?

- Dạ, đưa em đi được một thời gian thì ba em hy sinh dưới Miền Tây rồi. Hôm chú Tư ở dưới lên tìm em báo tin, em ngất xỉu không tin đó là sự thật. Sau đó em ốm mất một dạo mới phục hồi được anh ạ - Thủy bùi ngùi.

Tám lặng đi một lúc rồi mới hỏi:

- Thế còn má em?

- Dạ, má em hoạt động trong nội thành cùng anh Hai. Từ ngày lên trên này, em cũng không nhận được tin. Em đang chờ dịp nào có ai ở dưới lên thì kiếm coi.

Đang trò chuyện thì có tiếng người giật giọng:

- Cô Thủy về ngay để họp nhé - Thủy nhìn lên, thấy Thư đã đứng ở bìa rừng lúc nào.

Một chiều, Thủy được Thư gọi lên. Thư nhìn Thủy tỏ vẻ rất quan tâm:

- Thủy nè, chuẩn bị có đợt phát triển đảng viên từ số anh chị em trẻ, Thủy cố gắng nghen.

Thủy e dè:

- Dạ, em thấy làm đảng viên khó quá anh!

- Thế mới phải phấn đấu, Thủy cứ yên tâm, có tôi giúp đỡ mà.

Thấy Thư tìm cách kéo dài thời gian trò chuyện, Thủy lấy cớ đã đến giờ thay băng cho thương binh rồi xin phép ra về.

Chiều đổ mưa, Thủy xuống suối, vội vã giặt cho hết đống quần áo của thương binh thì bất chợt Thư chạy đến choàng tấm ni lon cho Thủy:

- Thủy về thôi, mưa lớn mà ở ven suối là không ổn đâu.

- Dạ, cám ơn anh, em xong rồi.

 Thủy chưa kịp bước lên thì Thư ôm ghì lấy cô hổn hển:

- Thủy, Thủy, anh thương em - Thủy bàng hoàng, giằng mạnh, hất tay Thư ra rồi vội vã vọt lên chạy vào rừng mặc cho mưa xối xả.

Bị dầm mưa, tối hôm đó Thủy sốt cao. Một mình nằm trong lán vắng, nước mắt Thủy dầm dề vì tủi. Thư đến mang theo ít cháo:

- Thủy à, ăn chút cháo rồi uống thuốc nghen.

Thủy im lặng không đáp lại. Vừa lúc y tá Thanh đến, Thư  chào hai người rồi ra về.

Đã ba hôm rồi, không thấy Thủy xuống lán, Tám tìm gặp bác sỹ Nam hỏi thăm mới biết Thủy ốm. Đắn đo một lúc rồi Tám mạnh bạo tìm đến lán của Thủy. Thấy Tám đến, mấy cô y tá vui ra mặt:

- Trời ơi! Thương binh mà đi thăm chị em thế này thì không khỏe sao được.

- Chu cha! Mình mong ốm để có người đến thăm mà hổng được nghen.

Tám lặng lẽ nhìn Thủy xanh xao qua trận ốm, rồi bất chợt nắm lấy tay Thủy:

- Em phải cố lên. Khỏe để về quê tìm má chứ, cố nghe em.

Thủy nhìn Tám, nước mắt trào ra, cô gật đầu và nắm chặt bàn tay của Tám.

Hôm Thủy đi làm, Thư xuống tận lán thương binh:

- Em còn mệt cứ nghỉ đi, anh phân công người khác thay rồi.

Thủy khẽ cám ơn Thư rồi vẫn tiếp tục công việc hằng ngày.

Đã quá nửa đêm, Thủy choàng tỉnh vì tiếng bom nổ rầm trời, pháo sáng cháy rực khắp rừng. Cô vội vã chạy đến lán thương binh, thấy anh chị em đang gấp gáp chuyển thương binh đi, ai nấy đều hối hả thu dọn đồ đạc để hành quân.

- Thủy à, em cho chuyển thuốc men đi gấp nhé.

- Dạ, thế còn thương binh thì sao ạ? - Thủy vừa thu dọn vừa hỏi.

Thanh đáp:

- Các ảnh được chuyển đi ngay theo tuyến trên.

Nghe thấy thế, Thủy lập cập chạy theo đoàn thương binh, thấy Tám vừa đi vừa ngoái lại như muốn tìm ai.

- Anh Tám!- Thủy ôm chầm lấy Tám.

- Thủy à, anh phải đi rồi, em ở lại, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!

Thủy nói trong nước mắt:

- Anh ở đâu, nhớ tin cho em nghen.

- Được, anh sẽ tin. Em cố gắng nhé.

Tám bịn rịn chia tay Thủy trong tiếng bom vẫn nổ ì ầm bên kia cánh rừng. Anh đi được một đoạn thì Thủy lại lập cập đuổi theo:

- Anh Tám nhớ nghen, nhà em ở hẻm ba hai trên sáu, quận Tân Bình..; Tiếng Thủy hổn hển. Tám gật gật đầu rồi ra hiệu cho cô quay lại.

 Những hôm đến nơi ở mới, buồn quá, Thủy ra khóm le ngồi thơ thẩn một mình. Cô thấy bâng khuâng, trống vắng và lại thấy ân hận vì chưa kịp hỏi địa chỉ của Tám ở quê.

Đang miên man suy nghĩ thì Thư đã đến khi nào:

- Sao ngồi ngoài này một mình vậy Thủy?

Thủy chưa kịp đáp thì Thư chủ động ngồi xuống bên cạnh:

- Hôm nay anh muốn nói chuyện nghiêm túc với em được không?

- Có chuyện gì sao anh?- Thủy hỏi, mặc dù cô thừa biết Thư muốn nói gì.

Chờ cho Thư nói dông dài một lúc, Thủy nhỏ nhẹ:

- Em rất cảm ơn tình cảm của anh giành cho em. Nhưng chiến tranh còn ác liệt mà anh; sống nay, chết mai, sao có thể bàn chuyện gia đình lúc này được anh ơi.

Thuyết phục Thủy không được, Thư hầm hầm bỏ về.

Một tối đi trực về, thấy Thủy ngồi một mình ngẩn ngơ, Thanh chột dạ:

- Mày biết chuyện gì rồi phải không?

- Chuyện gì vậy? -Thủy hỏi.

- Mày có giỡn không đấy? Không biết chuyện gì mà sao buồn thiu vậy?

- Không có, đâu có biết chuyện gì .

- Vậy à. Bây giờ tao nói cho nghe, nhưng mày phải bình tĩnh nghen.

Nghe Thanh nói, Thủy như muốn khụy xuống, không tin vào tai mình. Hôm rồi, đơn vị xét để kết nạp Thủy vào Đảng nhưng không được vì Thư nói có tin anh trai của Thủy hoạt động bí mật trong nội thành, bị bắt, đã khai báo cơ sở của ta cho địch. Mặc dù tin tức do Thư cung cấp chưa rõ đúng sai, nhưng cũng phải được báo cáo cho cấp trên để xác minh; thế là việc kết nạp đảng của Thủy bị dừng lại. Trước khi ba đưa Thủy đi, dù không biết cụ thể, nhưng Thủy vẫn biết, má và anh Hai vẫn đang hoạt động trong biệt động thành, không thể có chuyện như Thư nói được. Sau ít ngày choáng váng vì tin dữ, Thủy lờ mờ đoán ra lý do khi Thư nhăn nhở tìm đến:

- Vài bữa nữa, có người trên cứ xuống nội thành, em có nhắn má gì không?

Thủy nhìn Thư khinh bỉ rồi bỏ đi.

*

Thế rồi chiến tranh cũng kết thúc, Tám được phục viên về quê. Cả nhà vui như tết. Ông bố long trọng tuyên bố trong bữa cơm liên hoan mừng Tám trở về:

- Nhà có hai chị em. Chị con đã yên bề gia thất, nhưng quê chồng ở xa, năm thì mười họa mới về thăm ông bà được. Con về là may mắn lắm rồi. Nghỉ ngơi một thời gian cho lại sức rồi lo chuyện vợ con đi.

Không muốn làm bố mất vui, Tám chỉ cười trừ. Được mấy tháng sau, Tám xin phép bố mẹ trở lại trường sư phạm, nơi anh đang học dở trước khi lên đường nhập ngũ. Thấy thế, mẹ Tám khóc lóc:

- Con đi mãi mới về, lại bị thương, không ở nhà giúp bố mẹ nay còn đi đâu?

- Trời ơi, bà lạc hậu rồi, nó phải về trường chứ. Nếu không học thì biết nghề ngỗng gì mà làm giúp bà.

Ông bố động viên con và an ủi vợ. Nghe thấy thế, mẹ Tám không cản nữa nhưng giao hẹn:

- Học xong là phải lấy vợ ngay nhé!

- Vâng, mẹ cứ yên tâm - Tám vui vẻ đáp.

Cả khoa ngạc nhiên khi kết thúc khóa học Tám xin vào thực tập tận Sài Gòn. Không ai hiểu việc làm của Tám, nhưng nhà trường cũng chấp nhận nguyện vọng cá biệt của anh sinh viên - Cựu chiến binh - dù không đúng với quy chế đào tạo.

Sau đêm chia tay Thủy tại bìa rừng, Tám được đưa ra Miền Bắc để điều trị và an dưỡng nên anh không có tin tức gì về Thủy. Khi biết người nào từ chiến trường Miền Đông ra là anh lại hỏi thăm về đơn vị quân y ngày đó, nhưng không ai biết gì. Đêm đêm tại ký túc xá của trường, Tám như thấy bóng dáng nhỏ nhoi của Thủy đang nhìn anh như muốn nói: " Anh Tám! Anh hẹn khi nào giải phóng cho em ra quê anh để thăm cánh đồng đầy hoa đào đỏ mà". Có hôm đang ngủ, Tám thấy Thủy đang đứng ở cánh rừng lửa cháy rần rần dưới đạn bom vẫy vẫy tay, nước mắt đầm đìa nhìn Tám đi xa… Tám giật mình choàng tỉnh, không thấy Thủy đâu mà chỉ có màn đêm tĩnh mịch vây quanh.

Lại khoác chiếc ba lô đã cũ, Tám hăm hở vào Sài Gòn với hy vọng khát khao muốn tìm được Thủy và choáng ngợp trước thành phố phồn hoa đô hội. Nhưng Tám không có lòng dạ nào để thăm quan, du lịch. Anh đi khắp phố phường, ngõ ngách để hỏi, tìm nhưng vô vọng. Không ai biết cô Thủy của anh là ai và ở đâu. Qua ngần ấy năm, Sài Gòn đã đổi khác, rất nhiều đường phố đã không còn mang tên cũ; các khu dân cư cũng không nguyên vẹn như trước; huống hồ người tứ xứ vào đây ngụ cư nên không thể tìm ra Thủy giữa phố phường nườm nượp tàu xe. Thế rồi hết thời gian thực tập, phải trở về trường, Tám đành thui thủi quay ra. Ngồi trên chuyến tàu xuyên Việt, Tám như thấy Thủy đang đứng trước mặt anh, áo blu trắng bay lấp lóa trong gió chiều mang theo nỗi buồn vô tận.

Thế rồi cả trường lại có dịp xôn xao khi tốt nghiệp, Tám xin vào công tác trong Sài Gòn. Anh em sinh viên xì xào: " Mấy ông cựu lính lại hoài niệm chiến trường rồi", có người còn nói Tám " Hâm". Bỏ qua mọi đồn đại, Tám xin đi bằng được và lại không nỡ từ chối tâm nguyện của một người lính, cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định cho anh vào Sài Gòn công tác.

Nghe tin Tám vào Sài Gòn công tác, bố anh nổi xung:

- Sao lại bất công như thế. Con vào trong ấy chiến đấu bao nhiêu năm, lẽ ra phải được ưu tiên công tác ở gần nhà chứ! Để bố lên tận Bộ hỏi cho ra nhẽ.

Thấy bố cáu, Tám vội giải thích:

- Ấy, ấy, bố đừng làm thế, khó cho con. Bố ạ, con là đảng viên, phải hoàn thành nhiệm vụ được phân công chứ - Nói cứng thế cho bố nguôi ngoai, nhưng Tám thấy mình như có lỗi với bố.

- Sao con không lo cưới vợ rồi hẵng đi?

Mẹ Tám vừa hỏi vừa khóc. Tám đành an ủi mẹ:

- Mẹ yên tâm, con đi vài năm rồi về cưới vợ cũng không muộn đâu. Bây giờ đường xá, xe cộ thuận lợi, đây với trong đó đi về như cơm bữa . Với lại, con là thương binh hay ốm đau, đã có ai muốn lấy con đâu.

Tám cố an ủi mẹ, nhưng lòng anh như thắt lại khi nhìn mái tóc bạc phơ mưa nắng của mẹ.

Nói thì nói thế, nhưng thương con, hai ông bà lại lo đủ thứ cho Tám lên đường.

*

Việc đầu tiên khi cùng đơn vị xuống tiếp quản Sài Gòn là Thủy đi tìm mẹ. Loay hoay mãi, rất may có một chú trước kia cũng là biệt động thành nay đang công tác tại Ủy Ban quân quản dẫn cô đi gặp mẹ.

Thủy hồi hộp bước vào căn nhà nhỏ lợp tôn lụp xụp tại khu dân cư Đức Hòa:

- Má!

Giọng Thủy như tắc nghẹn lại khi thấy mẹ đang lui cui bên chiếc giường nhỏ.

- Trời, con Ba đó phải hông? Con khỏe không? Bấy lâu nay con ở đâu? Lóng rày không được tin của bay má lo quá chừng.

Thủy ôm chầm lấy mẹ như sợ bà biến mất. Sau một hồi hàn huyên, má nói Thủy lại thắp nhang cho ba. Thủy khóc òa lên khi nhìn thấy hình ba và di ảnh của anh hai trên ban thờ.

- Ngày đó anh hai con bị bể cơ sở, tụi nó rùng bố gắt quá nên mấy anh đưa anh hai con ra ngoài để tham gia chủ lực rồi hy sinh khi đánh vào Biệt khu Thủ đô. Còn má được cơ sở đưa lên đây để tránh địch và hoạt động bán công khai trên này.

- Thế mà ở trên cứ…- Thủy buột miệng khi nhớ lại việc Thư tung tin về anh hai.

- Trên cứ có chuyện gì con?- Má Thủy hỏi.

-  Dạ, không…-Thủy vội đáp.

Ở với mẹ ít hôm, Thủy trở về đơn vị để nhận công tác mới tại một bệnh viện dân y trong nội thành. Sau khi ổn định công việc, Thủy đón mẹ về ở cùng trong gian nhà của khu chung cư do bệnh viện bố trí.

Một chiều đi làm về, vừa vào đến nơi Thủy nghe mẹ gọi:

- Thủy à, con có khách đó.

- Ai vậy má?- Thủy vừa hỏi vừa bước vào nhà , chợt cô sững người lại. Đúng là Thư. Thư đỏm dáng trong bộ đồ ký giả, nở nụ cười đầy ẩn ý:

 - Thủy ngạc nhiên phải không?

Thủy thực sự lúng túng với người khách không mời mà đến:

- Sao anh Thư biết má con em ở đây?

Thư ngồi xuống rồi ra giọng bề trên:

- Quản lý cả quận này sao anh không biết.

- Thế à! Vậy mà em không biết, bây giờ anh làm gì ở trển?

Thư cười mãn nguyện:

- Trời ơi! Cả thành phố người ta biết phó chủ tịch quận mà em sao vô tình vậy.

- Ôi, thật là...em túi bụi công việc thành ra hổng biết được, anh Thư thông cảm nghen.

Thủy đáp qua loa cho xong chuyện. Thấy thế, Thư vòng vo một hồi rồi ra về. Từ bữa đó, Thủy tưởng Thư không đến nữa, ai dè hôm đó, má đi công chuyện, mình Thủy đang cặm cụi ghi chép, Thư lại đến. Quan sát thấy mẹ Thủy vắng nhà, Thư nói như diễn trên sân khấu; nào là anh vẫn thương em, vẫn nhớ em… Nghe chướng quá, Thủy tìm cách ngắt lời Thư:

- Chớ chị ấy có cùng làm việc với anh không?

- Bà vợ anh hả? Trời đất, ông bà già ép dữ quá nên anh phải theo thôi, chứ vợ con gì cái bà chằn đó - Nói rồi, Thư thao thao kể tội bà vợ. Thủy phì cười:

- Ôi trời, phó chủ tịch quận  nói xấu vợ thế không sợ bà quận biết à!

Nghe Thủy nói thế, Thư càng huyên thuyên đủ thứ chuyện. Thấy vậy, Thủy nhẹ nhàng:

- Anh à, muộn rồi, anh về đi kẻo chị và các cháu ở nhà chờ.

Không có cách nào khác, Thư đành ra về. Thủy đang quay vào thì Thư bất ngờ nắm lấy tay Thủy:

- Em à, anh vẫn nhớ và thương em…

Thủy rút mạnh tay ra :

- Anh đừng nói thế. Anh chẳng đã yên bề gia thất rồi sao!

Đêm hôm đó, Thủy không ngủ được, trong màn đêm tĩnh mịch, Thủy nhớ quay quắt hình ảnh gầy gò của Tám  nằm trên giường bệnh và đôi mắt thăm thẳm của anh đang nhìn cô như muốn nói gì.

Ít tháng sau, Thủy xin nghỉ phép và nói với mẹ để ra ngoài Bắc.

- Con ra ngoải có việc gì mà gấp vậy?- Mẹ Thủy hỏi.

- Dạ, con có chút việc của đơn vị cũ má à, con đi ít bữa thôi.

Nghe nói đến công việc của đồng đội cũ, mẹ Thủy đồng ý liền rồi dặn Thủy đi đường cẩn thận. Nung nấu ý định tìm ra quê hương có cánh đồng hoa đào của Tám làm cô phấn chấn hẳn lên. Ngồi trên tàu, Thủy cố hình dung trong tưởng tượng về  quê của Tám nơi đỏ thắm hoa đào theo lời anh kể và gặp anh đang chờ cô giữa cánh đồng lung linh hoa nở. Đang say đắm trong kỳ vọng chợt điện thoại reo lên, Thủy rụng rời chân tay khi đồng nghiệp báo tin mẹ cô ốm rất nặng đang cấp cứu trong bệnh viện. Thế là Thủy vội vã quay vào thành phố, bỏ lại ước mong dang dở, trong lòng rối bời.

Rất may, được cứu chữa kịp thời nên ít hôm mẹ Thủy dần khỏe lại. Sau khi mẹ  được kiểm tra và cấp thuốc, Thủy sang phòng khám  thanh toán để đón mẹ về thì cô chững lại, định thần một lúc rồi kêu lên:

- Anh, anh Tám!

Một người nam giới đang ngồi chờ trước cửa phòng khám  đứng bật dậy rồi lao lại phía cô, giọng thảng thốt:

- Thủy, Thủy... họ ôm chầm lấy nhau, mặc thầy thuốc lẫn người bệnh xung quanh đang trố mắt nhìn. Đúng là Tám thật, không thể là ai khác. Thế mà Thủy còn tưởng trong mơ:

- Trời ơi! Có đúng anh không?- Thủy rờ lên má của Tám nước mắt đầm đìa làm Tám cũng không cầm được nước mắt.

- Anh đến đây hỏi tin về người bạn đang điều trị trong này, không ngờ lại gặp em, trong khi anh đi khắp thành phố tìm em mà không thấy. Tám lau nước mắt cho Thủy. Thủy vẫn chưa kìm được xúc động:

- Em cũng ngóng hoài mà!

Hai người cùng đưa mẹ Thủy về nhà trong niềm vui vô bờ. Tối hôm đó là bữa cơm đầy ý nghĩa của Tám và Thủy. Mẹ Thủy cười đôn hậu:

- Thì ra lâu nay má hỏi có ai chưa nhưng con cứ ậm ừ rồi còn đòi ra Bắc tìm đồng đội, chính là  đây phải hông?

Thủy không nói gì, chỉ nhìn Tám, gò má ửng đỏ.

Sau mấy ngày thưa chuyện với mẹ Thủy, Tám báo cáo nhà trường để trở ra Bắc xin phép bố mẹ ở quê. Tám đến báo tin cho mẹ con Thủy biết, mẹ Thủy nói:

- Sao con không đưa Thủy ra ngoải để ra mắt luôn với ba mẹ con?

Được mẹ đồng ý, Thủy cũng báo cáo cơ quan để cùng Tám ra Bắc.

Vừa thấy Tám về đến nhà, cùng về theo một cô gái, mẹ Tám đã nói ngay:

- Hóa ra lâu nay tôi giục anh lấy vợ, anh cứ viện cớ này, cớ nọ là để bây giờ anh dẫn người ta về phải không? Mẹ già, cha héo, anh lấy vợ tận đẩu tận đâu thì chúng tôi còn nhờ cậy nỗi gì?- Tám thanh minh, giãi bày thế nào mẹ anh cũng không nghe. Bố Tám thương con, nhưng lại thương vợ nên chỉ còn cách nhẹ nhàng an ủi Thủy :

- Cháu đừng buồn, tính bà ấy thẳng như ruột ngựa, nghĩ gì nói nấy.

 Lạ nước lạ cái,Thủy không dám nói gì, chỉ co ro ở góc nhà. Do chưa quen khí hậu ngoài Bắc , Thủy cảm thấy lạnh buốt kèm theo nỗi buồn tê tái xâm chiếm trong lòng; cô thấy nhớ mẹ vô chừng và chỉ mong sớm về bên mẹ.

Hôm về hồ hởi bao nhiêu thì ngày đi buồn tẻ bấy nhiêu; Tám và Thủy lặng lẽ ra ga tàu; khi tàu lăn bánh, những giọt nước mắt của Thủy ướt dầm vai áo của Tám. Tám chỉ biết nắm chặt bàn tay của Thủy như muốn truyền hơi ấm, xua bớt giá lạnh cho cô.

Thấy bộ dạng hai đứa trở vào, mẹ Thủy lờ mờ đoán ra chuyện gì đã xảy ra, nhưng bà chưa hỏi chuyện. Được ít hôm, bà bảo Thủy nhắn gọi Tám đến để cùng ăn cơm. Sau khi hỏi kỹ mọi chuyện, mẹ Thủy nói:

- Má biết vì sao rồi. Để đó cho má, hai đứa xin nghỉ phép rồi đi với má.

- Đi đâu hả má?- Thủy hỏi.

- Đi ra ngoài đó chớ còn đi đâu.

Tám chột dạ:

- Má nói đi ra ngoài nhà con sao?

- Ừa, hai đứa thu xếp đi!- Bà nói như ra lệnh.

Không thể làm khác, Tám và Thủy đành đưa mẹ Thủy cùng ra Bắc. Suốt dọc đường đi, Thủy cứ thấp thỏm không yên và sợ chuyện vẫn không thành.

Bố Tám đón khách niềm nở và chu đáo, nhưng mẹ Tám cũng chỉ chào hỏi qua loa, không tỏ ra mặn mà. Tối hôm đó, sau khi ăn cơm, Tám và Thủy được bố Tám và mẹ của Thủy khích lệ đã kể hết những gì diễn ra trong suốt thời gian Tám bị thương rồi điều trị nơi Thủy công tác và thời gian hai người tìm nhau sau giải phóng; Thủy nhìn thấy nước mắt ứa ra trên khuôn mặt già nua của mẹ Tám.

- Thưa ông bà, tui chỉ có hai đứa, một trai, một gái. Cả nhà tui đi hoạt động; ông nhà tui và thằng hai đều đã hy sinh, chỉ còn con Thủy may mắn từ rừng trở về với tui. Trong chiến tranh, chúng nó đã thương nhau, tui cũng ưng ý, coi  Tám như con; còn tùy ông bà, nếu ông bà thương cho  Thủy được là con cái trong nhà thì nó có hên còn không thì chúng nó vẫn là đồng đội sống chết có nhau…-Mẹ Thủy nói dài dài, nhưng cô không dám ngồi nghe hết nên lén ra sân đứng khóc.  Thấy vậy, Tám ra theo để an ủi cô:

- Em cứ bình tĩnh, bố mẹ nào mà không thương con. Lúc đó, trong nhà vọng ra tiếng của mẹ Tám:

- Ông bà tôi cũng thương chúng nó chứ, nhưng đã thấy thằng Tám nói năng cho ra môn ra khoai thế nào đâu. Nhà này chỉ có hai đứa, cô chị thì lấy chồng xa…

Tối hôm đó, hai bà tỉ tê trò chuyện với nhau đến khuya. Sáng hôm sau , Tám đang giúp Thủy nhặt rau thì thấy mẹ Tám đi ra sau vườn hái  trầu  rồi nhờ bố Tám sang hàng xóm mua cau tươi. Thủy đang loay hoay dưới bếp thì Tám xuống gọi lên nhà. Bố mẹ Tám và mẹ Thủy đang ngồi ở bàn, bố Tám nhìn Tám và Thủy, mỉm cười:

- Hai đứa ngồi xuống đi.

Tám và Thủy ngồi xuống, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ Tám đứng dậy bê đĩa trầu:

- Thưa bà, nếu bà thương cháu thì có chục trầu này, vợ chồng tôi xin bà chấp nhận cho cháu Tám được là con cái của bà.

Mẹ Thủy đứng dậy, run run đỡ lấy đĩa trầu, những giọt nước mắt trào ra. Mẹ Tám cũng đã khóc lúc nào. Thủy nắm lấy tay  Tám rưng rưng .

Ngoài vườn, những nụ đào vào xuân nở bừng  sắc màu đỏ thắm.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận