ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Vì sao việc "khóc giùm" trong đề thi học sinh giỏi Văn bị dư luận phản ứng?

Bên cạnh câu nghị luận văn học cần xem lại nghiêm túc cả nhận định được dẫn và câu lệnh, điều khiến dư luận băn khoăn nhiều nhất là câu nghị luận xã hội.

16/01/2021 13:16

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội), nhận xét về đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội.

Đề yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện sau:

"Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về, người mẹ nhẹ nhàng hỏi :

- Con đã đi đâu và làm gì?

- Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp bạn ấy bị hỏng.- Cô bé trả lời.

- Nhưng con đâu có biết sửa xe?

- Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc".

 

Vì sao việc khóc giùm trong đề thi học sinh giỏi Văn bị dư luận phản ứng? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội.

Câu chuyện trên mang tới bài học khá hiển ngôn về ý nghĩa của sự chia sẻ giữa con người với con người trong cuộc sống hàng ngày - chia sẻ để nhân đôi niềm vui, chia sẻ để giảm nửa nỗi buồn, đó là điều đã được nhắc tới rất nhiều trong các đề nghị luận xã hội - tức là vấn đề rất có ý nghĩa, và không mới.

Nhưng xét cho cùng, cả bao ngàn năm, cuộc sống con người đâu có gì mới mẻ, dù thời các bộ lạc hay thời 4.0, điều khiến con người bận tâm bao giờ cũng vẫn là những cung bậc vui buồn yêu ghét, những đức tính tốt xấu, những thái độ khen chê, những cao cả thấp hèn, những vị tha vị kỉ…, những điều quen đấy mà vẫn lạ, cũ đấy mà vẫn mới, không lặp lại, dù chúng ta luôn tìm thấy chúng trong thiên kinh vạn quyển, kim cổ Đông Tây…

Bởi dòng sông trôi chảy, những con sóng vẫn là sóng mà không còn là con sóng trước đó, mỗi cá thể trong những thời đại khác nhau, với những font văn hóa, hoàn cảnh, khí chất khác nhau…, sẽ đem đến những góc độ soi chiếu, cảm nhận luôn mới mẻ cho những giá trị xưa cũ, vĩnh hằng.

Văn chương vậy, đề văn cũng vậy, chỉ vài chục tác phẩm văn học được học trong nhà trường phổ thông mà các thầy cô suốt bao năm nay đã "chế tạo" biết bao nhiêu đề, bao nhiêu cách hỏi, góc độ hỏi…, đặng tạo ra sự mới mẻ, hứng thú cho học trò.

Tất nhiên, nếu cách ra đề không thay đổi, nếu ngữ liệu văn chương vẫn chỉ giới hạn trong các tác phẩm được học trong nhà trường, thì cũng sẽ đến lúc các thầy cô không còn "đất" để dụng võ, sự lặp lại nhàm chán trong các đề nghị luận văn học là khó tránh khỏi.

Riêng nghị luận xã hội, khi đối tượng bàn luận là cuộc sống xã hội, con người, vấn đề có thể là muôn đời nhưng góc độ soi chiếu, suy ngẫm sẽ không ngừng biến thiên theo thời gian, nếu người thầy chạm được vào những vấn đề thời đại mình, họ sẽ có được những đề nghị luận luôn mới mẻ về chính những phạm trù vĩnh hằng.

Trở lại với câu nghị luận xã hội trong đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội, câu chuyện đề cập tới một nét đẹp trong cách ứng xử nhân ái, biết đồng cảm, yêu thương, chia sẻ. Câu chuyện này có lẽ sẽ tạo sự xúc động cho nhiều thế hệ học trò trước đây, nhưng lại gây phản ứng tâm lý có phần tiêu cực cho học trò, và đông đảo dư luận xã hội thời nay.

 

Vì sao việc khóc giùm trong đề thi học sinh giỏi Văn bị dư luận phản ứng? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội). 

Nhìn nhận một cách công bằng, "khóc giùm" chỉ được coi như một ước lệ của sự chia sẻ, đề bài cũng không khuyên con người khóc trước nghịch cảnh mà khuyên con người biết chia sẻ yêu thương!

Tuy nhiên, khi từ khóa của câu chuyện là "khóc giùm", những chi tiết cụ thể của câu chuyện vẫn tác động trực tiếp tới học trò và dư luận xã hội. Những phản ứng tâm lý là không tránh khỏi bởi tâm thế, thái độ sống của con người thời hiện đại đã khác rất xa thời những cô Tấm ngày xưa khóc đợi câu hỏi ân cần, an ủi của Bụt: "Làm sao con khóc"?

Trước hết, nếu coi việc hỏng xe đạp là nghịch cảnh thì cái gọi là nghịch cảnh của người bạn trong câu chuyện nhỏ quá ư nhỏ nhặt, bình thường để bạn đó phải khóc và người bạn khác phải thương xót, "khóc giùm"!

Thứ nữa, kể cả có một nghịch cảnh thực sự, một nỗi buồn, một sự đau xót, mất mát, tổn thương…, con người thời hiện đại cũng không coi việc khóc và khóc giùm là phương án khuyến khích lựa chọn. Đương nhiên, một giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau đớn của bạn bè là biểu hiện rõ nhất của tấm lòng nhân ái cao đẹp; nhưng nếu sau đó vẫn chỉ là nước mắt, nếu chỉ là "Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc", chi tiết này có thể sẽ đem tới cảm giác bất lực hơn là yêu thương. Và điều đó tuyêt đối không còn phù hợp với mục đích giáo dục cũng như tâm lí thời nay.

Đề thi này khiến tôi nhớ tới một bài học cách đây gần 30 năm. Khi ấy tôi đang dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong trung tâm Việt Nam học của cố GS Đặng Thanh Lê. Có lần tôi chọn câu chuyện về Hàn Bá Du làm ngữ liệu đọc hiểu cho một học viên Hàn Quốc, câu chuyện như sau:"Thời xưa có ông Hàn Bá Du, dù đã lớn nhưng mỗi lần mắc phải lỗi lầm bị mẹ đánh không bao giờ khóc. Một lần nọ ông cũng phạm lỗi và bị mẹ bắt nằm xuống đánh những lần này ông khóc thật to. Người mẹ ngạc nhiên hỏi vì sao lại khóc? Ông giải thích vì những lần trước mẹ đánh ông cảm thấy rất đau nên biết mẹ còn khỏe, còn lần này mẹ đánh không thấy đau như trước nên biết mẹ đã yếu, vì thương mẹ già yếu mà ông khóc".

Sau buổi học đó, GS Đặng Thanh Lê nói với tôi: Hàn Quốc cùng Nhật Bản, Trung Quốc, và cả Việt Nam là những nước chịu ảnh hưởng rất sâu của Nho giáo, nay em đưa thêm ngữ liệu này thì không gian Nho giáo của họ sẽ càng đậm đặc, khắc nghiệt hơn, không hợp với những học viên 6X, 7X trong thời đại này.

Đó là những thập kỉ cuối thế kỉ XX - và sau này, càng ngẫm, tôi càng thấy đó là một bài học quí giá tôi nhận được từ cô giáo của mình - quan niệm của cô về câu chuyện Hàn Bá Du, có thể tôi vẫn còn phải suy nghĩ thêm, nhưng bài học về việc lựa chọn ngữ liệu phù hợp với văn hóa, với tâm lí lứa tuổi, tâm lí thời đại… cho mỗi bài giảng thì quả thật là rất cần thiết cho những người làm nghề có trách nhiệm.

Trịnh Thu Tuyết/ Dân trí


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lưu học sinh Lào – cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt – Lào

Lưu học sinh Lào – cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt – Lào

14:39 , 27/04/2024

Trong những năm qua, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tiếp nhận, đào tạo hàng nghìn sinh viên, học viên các tỉnh của Lào, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn. Họ chính là cầu nối gắn kết, vun đắp thêm cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt- Lào ngày càng keo sơn, bền chặt.

Bế giảng lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa K69.B11, khóa học 2022 - 2024

Bế giảng lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa K69.B11, khóa học 2022 - 2024

11:18 , 27/04/2024

Sáng ngày 26/4, Học viện Chính trị Khu vực 1 thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh uỷ; Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, bế giảng lớp Cao cấp lý luận Chính trị hệ không tập trung K69.B11, Tỉnh uỷ Thanh Hoá,

Thạch Thành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam

Thạch Thành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam

23:27 , 26/04/2024

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, trong các ngày từ 21 đến 26/4, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành, Ban quản lý dự án Vùng huyện Thạch Thành, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam phối hợp cùng các trường Tiểu học Thành Yên, Thành Minh, Thạch Tượng, Thạch Lâm, Thành Mỹ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam.

Linh hoạt các hình thức hướng nghiệp cho học sinh THPT

Linh hoạt các hình thức hướng nghiệp cho học sinh THPT

07:31 , 25/04/2024

Với học sinh THPT, việc chọn nghề luôn là câu hỏi được quan tâm, với rất nhiều trăn trở. Các em đứng trước nhiều lựa chọn và dù chọn con đường nào thì cũng tác động rất lớn đến sự phát triển bản thân sau này. Để giúp cho học sinh THPT nhận thức đúng đắn, sớm về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đang tăng cường, đa dạng và linh hoạt các hình thức hướng nghiệp cho học sinh.

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, hỗ trợ việc làm tại Trường Trung cấp Thương mại và Du lịch Thanh Hóa

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, hỗ trợ việc làm tại Trường Trung cấp Thương mại và Du lịch Thanh Hóa

18:07 , 24/04/2024

Sáng 24/4, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Trường trung cấp Thương mại và Du lịch Thanh Hóa tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho các em học sinh, học viên của trường.

Trường THCS Cù Chính Lan hưởng ứng "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" năm 2024

Trường THCS Cù Chính Lan hưởng ứng "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" năm 2024

17:32 , 24/04/2024

Ngày 24/4, trường THCS Cù Chính Lan, thành phố Thanh Hoá đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" năm 2024.

Các trường mầm non chủ động phòng chống dịch bệnh cho trẻ

Các trường mầm non chủ động phòng chống dịch bệnh cho trẻ

23:17 , 22/04/2024

Hiện nay đang là cao điểm của một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, thuỷ đậu, tay chân miệng, các bệnh về tiêu hoá. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hoá đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trao học bổng toàn phần cho học sinh nghèo vượt khó du học nghề Đức

Trao học bổng toàn phần cho học sinh nghèo vượt khó du học nghề Đức

23:12 , 22/04/2024

Sáng ngày 22/4, Tổ chức Giáo dục và Nhân lực AVT (Hà Nội) phối hợp với Trường THPT Triệu Sơn 1, huyện Triệu Sơn tổ chức trao học bổng toàn phần du học nghề Đức trị giá 245 triệu đồng cho em Vũ Văn Hưng, học sinh lớp 12A7 của nhà trường.

Gần 400 đoàn viên, thanh niên Đông Sơn tham gia tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024

Gần 400 đoàn viên, thanh niên Đông Sơn tham gia tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024

18:00 , 22/04/2024

Sáng 22/4, tại huyện Đông Sơn, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ban Thường vụ huyện Đoàn và Ban Giám hiệu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh cho đoàn viên thanh niên, học sinh năm 2024.

Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hoá sẵn sàng đón những học sinh đầu tiên năm học 2024 - 2025

Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hoá sẵn sàng đón những học sinh đầu tiên năm học 2024 - 2025

09:07 , 22/04/2024

Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hoá - thuộc Hệ thống Trường Phổ thông FPT sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất vào tháng 06/2024 để sẵn sàng đón những học sinh đầu tiên cho năm học 2024 - 2025.