ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 27/09/2024 15:38

Bút ký “Hướng dương” ngược núi | Linh Nga | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe bút ký “Hướng dương” ngược núi của tác giả Linh Nga qua giọng đọc Minh Hồng.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…"

Tiếng đọc lảnh lót của cô em gái học lớp mười một trong buổi trưa hè oi ả khiến tôi miên man theo dòng cảm xúc ùa về kỷ niệm một tháng trước… Tôi hướng mắt nhìn theo vầng mặt trời gắt gỏng nhớ về đồi hoa hướng dương Tén Tằn nơi phên dậu, cách thành phố gần 300 kilomet đang vươn mình với sức sống mãnh liệt.

Xuôi theo dòng ký ức, một cuộc hội ngộ đặc biệt của chúng tôi - đại diện lớp người trẻ không biết đến chiến tranh, sống trong hòa bình, no ấm, đủ đầy, trở về với mảnh đất Mường Lát rừng thiêng nước độc, với đầy dấu tích lịch sử oai hùng khiến lòng bỗng trầm tư, suy nghĩ về hình ảnh của người lính mang quân hàm xanh, một lòng trung thành với Đảng, nhiệt huyết với dân, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên biên giới.

Mang theo cảm xúc vui, lo và hồi hộp lên xe sau khi được Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh mời tham gia chuyến đi thực tế trên các đồn biên phòng tuyến Mường Lát. Những anh chị dày dặn kinh nghiệm chinh chiến đường trường thủ thỉ: Ngày xưa mỗi lần nhắc đến đi Mường Lát là ai cũng ngán ngẩm, đường ngày ấy chỉ một màu đỏ au, mù mịt bụi, khúc khuỷu lên xuống, đầy ổ voi, ổ trâu, vực sâu thăm thẳm, trơn trượt vô cùng nguy hiểm. Còn bây giờ đường nhựa chạy lên tận nơi. "Đúng rồi đấy, cái ngày xưa thế hệ các cô từ thành phố lên Mường Lát đi xe máy chứ làm gì có ô tô như bây giờ. Đường đi có chỗ vấp đá nhảy dựng lên như ngựa phi…".

Đến cầu Hồi Xuân hướng đi Mường Lát, đi thêm chừng hai tiếng chinh phục hơn 100 kilomet những cung đường quanh co nhiều ngã ba, ngã bảy dốc lên cao vút rồi lại tụt xuống chòng chành. Chiếc xe cua tròn, đổ đèo, rung lắc không ngừng. Phía trước đường trải nhựa phẳng lỳ, bên trái nhìn lên là núi đá rừng cây hùng vĩ, bên phải nhìn xuống là vực sâu hun hút. Theo quán tính, hai tay tôi bịn rít vào hông ghế đối diện, người lảo đảo nhưng vẫn cố rảo mắt nhìn ra ngắm ghềnh núi đá xanh thẳm. Phong cảnh nên thơ hữu tình tạc vào nhau xen kẽ những làn khói nương tua tủa như sương phủ. Từng thửa ruộng bậc thang ngào ngạt hương lúa, nối đuôi nhau từ chân núi lên chót đỉnh tít tắp chẳng hề thua kém một Sapa trong lời đồn. Mây vờn núi, sông vờn suối. Bức tranh hòa vào màu nắng thật đẹp.

Xe dừng trước cổng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn khi ông mặt trời đã ngả nghiêng quá đầu, đang phả liên tục những hơi thở ngồn ngột, bỏng rát vào mặt chúng tôi. Dù có bao bọc khăn mũ kín mít thì cũng chẳng thấm tháp gì so với cái nắng tháng năm của vùng cao biên viễn. Bước xuống xe ai cũng uể oải, loạng choạng, nhưng nhanh chóng tươi vui, vững vàng trở lại khi được cả Đồn trưởng - Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyên cùng Chính trị viên - Thượng tá Thịnh Văn Kiên và các anh em trong đồn hân hoan bắt tay chào từng người một. Anh Kiên chủ động mời mọi người vào phòng họp nghỉ ngơi uống nước cho lại sức. Hình ảnh người lính xuất hiện trước mắt tôi thật giản dị và gần gũi. Các anh không quên thăm nom sức khỏe, dặn dò giờ giấc sinh hoạt cho từng thành viên vì thấy chúng tôi mới lên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn (tên tiếng Thái có nghĩa là: Tuần phòng trên núi) được đặt ở lưng chừng dốc núi thuộc địa bàn xã Tén Tằn (nay là khu phố Chiềng Cồng), thị trấn Mường Lát. Đồn có nhiệm vụ quản lý bảo vệ 23,292 kilomet; từ cột mốc 274 đến cột mốc 282. Nơi đây là cửa ngõ quan trọng về ngoại giao bởi đồn có cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào; Đền thờ Tư Mã Hai Đào nơi câu chuyện nổi tiếng về chàng Phò mã Tén Tằn cầm binh đánh trận. So với các đồn khác trong vùng có phần cũ kỹ, khó khăn hơn hẳn.

Qua lời tóm tắt của Chính trị viên Thịnh Văn Kiên tôi biết được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn trong thời gian gần đây đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ. Nổi bật là các hoạt động dân vận, phụ giúp bà con nghèo vùng biên đang gặp khó khăn như: Tiết học biên cương, Tay kéo biên phòng, Cháo yêu thương, Xuân biên phòng ấm lòng dân bản… đều gặt được những thành quả ngoài mong đợi. Trong đó, mô hình "Hoa hướng dương biên cương" giữa thung lũng bãi bồi ven Quốc lộ 15C cạnh đầu nguồn con sông Mã là một điển hình mới trong hoạt động của đồn. Mô hình đã thu hút hơn 1.000 du khách gần xa ghé thăm, chụp ảnh, thưởng thức cảnh đẹp, thu về gần 20 triệu đồng và mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Tôi ngỏ ý với đồng chí Chính trị viên về việc muốn tìm hiểu về sự phát triển kinh tế, văn hóa, đời sống của nhân dân bản địa. Ngay lập tức anh Kiên giới thiệu đồng chí Hà Viết Chiến, thuộc Đội Vận động quần chúng của đồn sẽ là hướng dẫn viên giúp tôi tìm hiểu thật kĩ "những gì em muốn". Quả thật, mới gặp Thượng tá Thịnh Văn Kiên lần đầu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, trò chuyện lòng tôi như được sáng rõ nhiều điều. Anh như sợi chỉ đỏ liên kết các đồng đội, đồng chí của mình lại với nhau, cùng chung tay nối liền mạch thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước một cách thông suốt, hiệu quả.

Tiếp xúc với Thiếu tá chuyên nghiệp Hà Viết Chiến, tôi gặp ở anh một vốn văn hóa dân tộc phong phú. Hóa ra anh là người dân tộc Thái, sinh ra từ vùng đất "Vịt Cổ Lũng tiến vua" - Xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước. Sinh năm 1981, đến năm 2001 anh nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng; do có sự phấn đấu tốt nên anh được chọn đi học khóa 2 cử tuyển Trung cấp Biên phòng. Năm 2005 ra trường anh được phân công lên Đồn Biên phòng Tén Tằn công tác. Anh bén duyên với chị Vi Thị Phấn là giáo viên trường mầm non Tén Tằn, sinh năm 1984 người dân gốc ở đây. Anh chị sinh được hai cháu là Hà Viết Trung và Hà Thùy Dương. Bởi vậy Mường Lát đối với anh chẳng khác gì là quê hương ruột thịt thứ hai của mình. Sau vài năm luân chuyển công tác giữa các Đồn Tén Tằn, Tam Chung, rồi đi tăng cường phía Nam cho biên phòng tỉnh Kiên Giang, đến năm 2018 anh được trở lại tiếp tục công tác, cống hiến tại quê hương Tén Tằn. Dù ở đâu, anh cũng nhanh chóng thích nghi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cư dân ở Tén Tằn chủ yếu là các dân tộc: Mường, Thái, Kinh, Mông… trong đó người Thái chiếm khoảng 65%. Là người con của núi rừng, lại có thâm niên lâu năm công tác ở vùng biên giới chạy dọc tỉnh Hủa Phăn nên anh Chiến thạo từng gốc cây, ngọn cỏ, thấu rõ hoàn cảnh, hiểu được tính cách, tiếng nói của từng người dân nơi đây. Anh Chiến chẳng khác gì người con của bản, thân thuộc, có phần dày dặn kinh nghiệm hơn, để đồng bào tin tưởng, trao đổi mọi câu chuyện của đời sống như: Trên vườn đồi này trồng cây trái mới nào cho hiệu quả? Hay nuôi trâu bò sao cho mau lớn và không dịch bệnh? Nhiều khi đến cả gia cầm, gia súc chẳng may bị ốm hay trượt dốc rơi xuống vực thì các anh cũng phải tức tốc có mặt để giúp đỡ bà con.

Lấy dân làm gốc, coi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương", anh Chiến cùng anh em đơn vị đã hiểu rõ tính chất công việc khắc nghiệt vốn có, cùng đồng cam cộng khổ, thương yêu, chia ngọt sẻ bùi với nhau như một đại gia đình lớn. Công việc hằng ngày luôn phải nắm bắt tình hình, kiểm tra, kiểm soát các vấn đề từ văn hóa - giáo dục - kinh tế - xã hội đến quốc phòng - an ninh; liên tục bám sát địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự. Cùng với việc tổ chức các buổi tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật, Đội Vận động quần chúng thường xuyên giúp đỡ đồng bào xây dựng nông thôn mới như: làm đường bê tông, thu hoạch mùa màng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ các gia đình chính sách...

Tôi có hẹn với anh Chiến đi khảo sát thực tế địa bàn các khu phố Na Khà, Buốn và Chiên Pục. Đúng 15 giờ chiều tôi có mặt tại cổng đồn. Anh Chiến gọi điện lại báo tôi chờ một lát, anh đang dở tay làm nốt con lợn cùng anh em để tối nay mời đoàn, rồi sẽ qua liền. Tôi nghĩ thầm trong đầu: "Chà, các anh bộ đội ở đây vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà". Câu chuyện về chương trình "Cháo yêu thương" vào mỗi sáng thứ ba, do đồn triển khai đã trao gần 5.000 suất cháo cho bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát; trong đó 30 nồi được đồng chí Chiến đích thân thổi lửa, thao thức biết bao đêm cùng với anh em làm tôi chưa hết ngạc nhiên. Bây giờ tôi lại thấy cả một Hà Viết Chiến trong hình bóng của một anh lính hậu cần thuần thục làm lòng lợn khéo tay và tháo vát. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi lên đường…

Chiếc xe máy Wave đã cũ bắt đầu tòng tọc chạy vòng trên những con đường đại ngàn cảnh đẹp nên thơ. Tôi hắng giọng phá tan bầu không khí chùng xuống vì nắng nóng: "Nghe nói anh đang sửa nhà, bận quá mà nhờ anh đưa đi như này có phiền không ạ?". Anh cười ồ, rồi lắc đầu: "Không sao đâu, anh sắp xếp ổn mà!". Rồi anh chia sẻ thêm: Tén Tằn nói riêng và Mường Lát nói chung đều gặp phải cảnh thiên tai lũ lụt thường xuyên. Mùa khô từ tháng 11 trở đi cuộc sống nơi đây dường như đóng băng. Khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, từ sinh hoạt cho đến sản xuất nông nghiệp - công việc chính kiếm sống của đồng bào. Vào mùa lạnh, gia súc gia cầm thường xuyên dính phải dịch bệnh, chưa kể khí hậu lạnh giá trên vùng cao này đến con người còn chẳng chịu được nữa huống hồ gì là con vật…

- Mùa đông Covid lịch sử năm 2020 chắc hẳn là kỷ niệm khó quên của anh và đồng đội phải không?

- Đúng là khổ lại thêm khó. Đồng bào ở đây nhiều người chưa hiểu được hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Bên cạnh đó địa bàn nhiều đường mòn, lối mở; người dân qua lại tự do và giữ lối sinh hoạt theo phong tục, tập quán cũ còn nhiều lạc hậu. Chúng tôi phải đi đến từng hộ gia đình rà soát, phát khẩu trang, thuốc dự phòng rồi tuyên truyền vận động. Đến khi dịch bệnh bùng phát họ mới bắt đầu sợ và hợp tác với bộ đội hơn. Đồn cũng phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng huyện, trạm y tế thị trấn Mường Lát tiến hành phun thuốc phòng dịch ở các điểm trường trên địa bàn. Khu vực cửa khẩu, đơn vị cấp 5.000 khẩu trang, phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân và hành khách qua lại. Những ngày dịch bùng mạnh, cả đội phải phân công trực 24/24 những khu vực điểm nóng có ca dương tính, hỗ trợ thuốc men, đồ ăn và nhu yếu phẩm cho bà con hàng tháng trời không rời vị trí.

Trên con đường quanh co đi vào bản, từng cơn gió đầu mùa bỏng rát phập phồng lồng vào từng quả đồi, ngọn núi sâu hun hút, hù dọa cả cánh rừng bạt ngàn đang xanh mướt mượt mà, phá tan sự lạnh lẽo của câu chuyện mùa đông Covid-19 năm nào. Cái gắt gỏng của mùa hạ hiển hiện trong từng hơi thở gấp gáp của người dân trên nương rẫy; cái nắng ấy cháy nhẹm cả làn da, thớ thịt rồi lân la nhuộm màu vàng khè, cháy đỏ trên ngọn tóc túm của lũ trẻ con Thái, Mông, Khơ Mú,… chân nhảy nhịp sáo, dấu chân in hằn vết đỏ au của đất lẫn sự ráp rịt của sỏi đá, đang dung dăng dung dẻ tới trường.

- Đông là thế. Vậy còn hè thì chắc cũng vất vả anh nhỉ?

Anh Chiến cười từ tốn, rồi lắc lắc đầu khiến những giọt mồ hôi lã chã trên vầng trán trút vào khóe mắt cay nhẹm: "Nhà báo lên mấy hôm nay vẫn may, chưa gặp phải trận gió Lào. Mùa hè ở đây có phần khắc nghiệt, mối nguy hiểm nhất mà chúng tôi luôn phải cảnh giác cao đó là cháy rừng. Bà con dân bản có thói quen đốt nương rẫy nên dễ xảy ra các đám cháy. Chính vì vậy mà chúng tôi phải đi tuần thường xuyên, nếu phát hiện có khói sẽ lập tức điều động đội đến để xử lý kịp thời, tránh lửa lây lan ra cả cánh rừng gây nguy hiểm.

Những cơn gió đi qua vầng thái dương vẫn tiếp tục vi vu thổi, rồi bất giác trôi tuột vào lời hát ru ngọt ngào: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng…".

Ghé khu phố Na Khà tham quan mô hình trồng bưởi lớn nhất khu của gia đình anh Hà Văn Thụy, sinh năm 1981, người dân tộc Thái. Thấy bóng anh Thụy, anh Chiến gọi to: "Cho bắt cóc mấy phút nào"… Anh Thụy từ xa cười lớn: "Nhất trí!". Tôi thấy loáng thoáng một dáng người đen nhẻm, gân guốc, toàn thân mồ hôi nhễ nhại. Anh phóng chiếc xe máy đẫm màu đất đỏ, yếm đã tháo ra trần trụi, dẫn đường cho tôi và anh Chiến đi sang khu trang trại. Hỏi ra mới biết anh Thụy hôm nay có việc bận, vừa tham gia tổ nấu ăn liên hoan tổng kết cho con em trên trường cùng hội phụ huynh nhưng nghe đồng chí Chiến gọi thì vội có mặt!

Vườn bưởi mới canh tác được hai năm nằm trên sườn đồi đất đỏ, đã lú nhú quả xanh rì bằng nắm tay. Khu vườn được gia đình anh đầu tư mười lăm triệu đồng cho 150 gốc bưởi Diễn trên diện tích đất khoảng 3 héc ta. Tôi hỏi anh lấy giống ở đâu? Tôi muốn xin thông tin viết bài chứ không phải để "lấy nghề". Anh cười lớn rồi chậm rãi kể: "Giống thì do công ty ở dưới xuôi mang lên. Sau khi mua về thì được anh Chiến hướng dẫn kỹ thuật đào hố, cải tạo đất kém dinh dưỡng, trồng, chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh". Anh chia sẻ thêm: "Trồng bưởi Diễn trên vùng đất này cũng là một sự liều lĩnh vì ở đây thời tiết khắc nghiệt vốn dĩ không phải giống cây ăn quả nào cũng ra quả".

Theo bản năng khám phá, tôi vừa đi vừa ngắm nghía tham quan một vòng, khu vườn không rộng như những trang trại dưới xuôi, nhưng tôi thấy ở đó có một sức sống và cả ước mơ mãnh liệt của người dân nơi rẻo cao này. Dưới cái nắng như đổ lửa, một màu xanh xanh vươn thẳng mình được phủ đầy trên thửa nương đất đỏ cằn cỗi, bướm và côn trùng cũng có phần thích thú bay lượn như muốn chiếm hữu làm của riêng… Đang vẩn vơ quan sát, tôi bắt được hình ảnh đồng chí Chiến lúi húi mắc cài lại hàng rào chắn cây bị bung rũ bên những luống cây vẫn còn thoang thoảng mùi hoa ven đồi. Hai anh ngồi bệt xuống chia sẻ tiếp về câu chuyện quanh vườn bưởi, anh Chiến không quên dặn dò cẩn thận về việc bón phân cho cây, rồi nhắc anh Thụy lần sau trồng luống mới phải đào hố sâu ít nhất 30cm và cân đối khoảng cách giữa các cây thật đều thì cây mới tốt, vườn mới đẹp… Tôi liên tưởng tới hình ảnh mà Thượng tá Thịnh Văn Kiên đã kể: Lần đầu tiên khi về nhận công tác ở đơn vị có bắt gặp một người nhỏ cỏm đang cheo leo trên cổng đồn, thoăn thoắt lăn sơn giữa trưa nắng, những tưởng là một người thợ chuyên nghiệp đang cố làm cho xong công việc đã nhận khoán… Hóa ra người thợ sơn ấy lại là Thiếu tá Hà Viết Chiến.

Ngước nhìn quanh vùng đồi vẫn lỗ chỗ những khu vực còn trọc, tôi cứ thắc mắc mãi tại sao lại chỉ trồng ít cây giống như vậy? Sao không vận động nhiều hộ gia đình trồng trọt hết để nâng cao hiệu quả kinh tế? Đang ngẩn ngơ suy nghĩ thì tôi bị tiếng gọi của hai anh làm giật mình, hai ống quần đen bấy giờ đã dính đặc những bông cỏ may lẫn xuyến chi đâm vào ngứa nhạm, tôi chạy vội xuống vẻ mặt vẫn đang còn hăm hở. Anh Chiến cho biết: "Mỗi một giống cây khi trồng ở vùng này đều phải thử nghiệm, vì đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng đất đai của từng bản, xã sẽ khác nhau". Thấy tôi tỏ ra ngờ ngợ, anh tiếp tục giải thích: "Sau khi trồng thử nghiệm có hiệu quả, anh và đơn vị mới tuyên truyền cho bà con nhân rộng. Hiện tại, đầu ra của nông sản miền núi vẫn rất khó vì đường sá quá xa. Việc sản xuất cũng như tiêu thụ chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp. Thế nên chúng tôi phải hết sức cẩn thận trong việc hướng dẫn cũng như tuyên truyền để tránh bị "bà con bắt đền".

Phát triển kinh tế vẫn là một bài toán khó ở hiện tại. Tôi nhìn ra được sự khắc khoải của anh…Tiếp tục vòng qua các bản ruột của anh Chiến, đi đến đâu cũng gặp những tiếng chào rộn rã: "Chào ưới" (Chào cô), "Chào noọng" (Chào em), "Pay lơ-ơ-ơ" (Đi đâu thế)… Tôi thích thú nhờ anh dạy cho vài câu chào bằng tiếng Thái để tí nữa áp dụng. Men theo câu chuyện bốn mùa đi qua vùng biên nghèo khó này, kì thực mùa nào cũng gặp vất vả. Người dân nơi đây cũng đã thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, với địa hình sỏi đá hiểm trở. Nhưng có những hộ gia đình, chỉ một cơn lũ đi qua là chẳng còn nhà để ở. Như năm 2018, trận bão lớn xảy ra trong khu vực gây thiệt hại nặng nề. Gia đình ông Vi Minh Thân bị sạt lở, ngôi nhà sàn đơn sơ bỗng hóa hoang tàn, nóc bay, vách gỗ trôi theo dòng nước xoáy. Khi ấy, cả gia đình bất lực đứng nhìn, rồi ôm nhau khóc. Nhận lệnh từ cấp trên, đồng chí Chiến và các chiến sĩ lập tức đội mưa xuống đưa gia đình sơ tán, rồi nạo vét bùn đất trôi vào nhà, tháo dỡ dựng lại, lợp mái lá; cưa, xẻ, xiết cài từng chiếc đinh vít đóng ván sàn, dựng thành vách. Những việc làm giúp dân của những người lính mang quân hàm xanh khiến tôi liên tưởng đến những câu thơ của nhà thơ Kim Khánh: "Các anh, nối tay nhau làm cầu bắc vào bản/ Trẻ nhỏ bế, người già cõng/ Người sợ thì dắt tay/ Cánh tay các anh làm dây/ Rồi đu qua cơn lũ....".

Đâu đó bóng dáng người lính quân hàm xanh luôn thường trực ở từng góc nhỏ trong đời sống hằng ngày của đồng bào vùng cao. Mặc dù công việc có phần nặng nề, đa nhiệm là thế nhưng trong các năm qua, bộ đội biên phòng luôn vượt qua mọi khó khăn, với chủ trương "ba bám, bốn cùng" xuyên suốt, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Nhiều nỗi lo âu thường trực của người dân đang được giải quyết. Các anh luôn sát cánh cùng chính quyền, thường xuyên giúp đỡ, thăm hỏi nhân dân để cùng bà con tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Bên cạnh công tác văn hóa cộng đồng, tăng gia sản xuất, giúp nhân dân phát triển kinh tế thì người lính vận động quần chúng còn thường xuyên phối kết hợp với các tổ đội, bộ phận khác trong đơn vị đặc biệt là Đội phòng chống ma túy và tội phạm để giải quyết vấn nạn nóng bỏng trong suốt nhiều năm qua tại khu vực biên giới Mường Lát.

Đúng như cái tên, anh Chiến vào hết mọi việc không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được giao. Có cả một Hà Viết Chiến tham gia các trận đánh án ma túy… Thiếu tá Bùi Bá Tía, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng chia sẻ: Đồng chí Chiến là người con đồng bào dân tộc. Anh có nhiều thuận lợi trong công tác vì am hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa, cũng như đã có thời gian công tác lâu năm, nắm chắc tình hình các đối tượng trên địa bàn. Trước khi qua Đội Vận động quần chúng vào tháng 3 năm 2022, đồng chí Chiến đã có thời gian công tác bên Đội phòng chống ma túy và tội phạm, tại thời điểm đơn vị có rất nhiều vụ án "nóng" về ma túy. Anh là người đạt được nhiều thành tích nổi bật nhất đồn trong những năm gần đây: Chiến sĩ thi đua các năm 2019, 2020, 2022; Bằng khen của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Lần đánh án nào mà anh nhớ nhất? Trên con đường đã dịu nắng, tôi tò mò hỏi anh về công việc "đánh án" mà đồng chí Tía có nhắc đến?

Anh chần chừ đôi chút, rồi khiêm tốn: Bản thân cũng chỉ sẵn lòng làm mọi việc theo lệnh cấp trên giao, trong quá trình phá án có hỗ trợ các đồng đội để áp giải đối tượng cũng như tham mưu cho lãnh đạo khi phát hiện ra các đối tượng tình nghi đang hoạt động trên địa bàn mà anh đi tuần nắm được.

Tôi muốn hỏi nhiều hơn, nhưng anh nhìn đồng hồ, rồi hẹn vào dịp khác… Chiếc xe bỗng dừng khựng lại trên một cánh đồng bậc thang ngào ngạt hương lúa chín, thênh thang nắng vàng. Mắt tôi rực sáng lên khi trông thấy đồi hoa hướng dương trong ánh nắng chiều đang bung tỏa dìu dịu, phía nơi đầu nguồn sông Mã chảy vào đất Việt từ bên phía bạn Lào, vẫn còn hiển hiện như một chứng tích hào hùng. Thượng tá Thịnh Văn Kiên là người đã đem mô hình "Hoa hướng dương biên cương" kết hợp làm du lịch và phát triển kinh tế đến với người dân Tén Tằn. Chẳng có ai tin và dám làm, anh đã cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn trực tiếp đi vận động và cam kết sẽ hỗ trợ kinh phí để họ mua gạo nếu thu nhập thấp hơn trồng lúa. Lúc ấy, mới có vài gia đình đồng ý giao đất ruộng để trồng hoa thử nghiệm. Chỉ sau ba tháng, những bông hoa hướng dương vượt qua khí hậu khắc nghiệt, đua nhau nở rộ trên cánh đồng bậc thang thu hút du khách trong và ngoài vùng nô nức ghé thăm như một hiện tượng lạ chưa từng xảy ra nơi biên giới.

Lội chân trần đi qua vài thửa ruộng để tiến vào vùng chính trồng hoa, tôi gặp mấy chị em và biết mọi người đều là thành viên "Tổ hoa" thuộc Chi hội phụ nữ khu phố Chiềng Cồng. Tôi may mắn được gặp đủ cả "chị cả", "chị hai"… những chủ nhân của mô hình: Chị Hà Thị Nhiên, Hà Thị Nhường, Vi Thị Luyến, Vi Thị Lượng, Lương Thị Hiệu cùng một cháu học sinh đi cùng các chị ra đây để hỗ trợ trồng vụ mới… Chị Lương Thị Hiệu, thế hệ 9x bằng tuổi tôi, vừa chăm chỉ tưới nước cho luống cây mới trồng, vừa chủ động chia sẻ: "Thật sự từ lúc bắt đầu không ai nghĩ rằng cánh đồng hướng dương lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Nhất là dịp đầu tháng ba, trên facebook chỉ bạt ngàn một màu vàng tươi của cánh đồng hướng dương. Công sức vất vả ba tháng trời ròng rã của chị em cũng như các anh biên phòng đã được đền đáp". Chị giới thiệu từng gốc cây hoa, từng luồng nước tưới chảy vào ra sao; chỉ cho tôi biết những vật dụng và các mô hình trò chơi được các chiến sĩ biên phòng Tén Tằn chung tay dựng lên phục vụ du khách; và không quên nhấn mạnh công lao của anh Hà Viết Chiến: Anh Chiến là một trong những chiến sĩ mát tay nhất, anh kiêm thợ xây, thợ cày, kiêm luôn cả thợ điện nước và trồng trọt, rồi trực tiếp hướng dẫn chị em canh tác, chăm sóc vườn hướng dương cẩn thận. Chị phấn khởi: Cây hướng dương nơi đây có sức sống mãnh liệt như vậy một phần đều do bàn tay các chiến sĩ biên phòng cả đấy. Đúng là "có sức người sỏi đá cũng thành hoa".

Đứng từ phía đầu cánh đồng lúa đang độ chín vàng ruộm, xa xa phía sau những ngọn núi nhấp nhô, hoàng hôn lấp lửng thúc giục cả một chân trời hồng tím, bông hướng dương Hà Viết Chiến của núi rừng biên cương Tén Tằn đang vươn đôi cánh tay của mình về phía những tia nắng quái chiều hôm còn sót lại, tỉ mỉ, cẩn trọng, cầm cuốc cào xới, san bạt những hố nông, sâu cho chị em gieo hạt đón vụ mới. Chốc lát, đôi tay anh thuần thục cầm cưa máy gọn gàng như cầm súng, cắt những thanh nan rào theo kích cỡ thống nhất rồi xếp gọn lại. Bông hoa hướng dương bằng da, bằng thịt với bộ quân phục màu xanh, có cầu vai xanh, có sao có gạch, luôn thoăn thoắt chân đi, tay làm, rất ít nói, đang khoe sắc như thế này đây. Bông hoa ấy cũng như hàng trăm, hàng nghìn người lính biên phòng đang căng mình trấn giữ dải biên cương xứ Thanh, có chút khắc khoải, trầm ngâm, nhưng sẵn sàng nở nụ cười đôn hậu, làm rực rỡ cho biên cương đại ngàn.

Chia tay Mường Lát, khép lại những ngày được ăn, được ở, được cùng những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn lên nương, vào bản vừa qua chắc chắn sẽ là những kỷ niệm khó phai mờ. Chân dung, hình ảnh về anh "Bộ đội Cụ Hồ" hôm nay với vẻ đẹp nhân hậu, sáng ngời cũng như những bông hoa hướng dương nơi biên cương, thầm lặng, khiêm nhường. Dẫu có bão tố phong ba, hay nắng cháy da cháy thịt thì những bông hoa ấy vẫn luôn hướng về phía mặt trời, tỏa sắc vàng rực rỡ. Cũng như những người lính quân hàm xanh, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng vẫn vững vàng một lòng theo Đảng, muôn việc vì dân. Họ là những người con ưu tú của thời đại, sẵn sàng ngược nắng, ngược gió, ngược núi đồi, ngược dòng nước lũ để bám trụ, quyết xua đi cái đói nghèo đang đeo bám dai dẳng.

Tin rằng trong tương lai không xa, đồi hoa mặt trời nơi biên cương Tén Tằn sẽ lan tỏa mạnh mẽ, giấc mơ về đích Nông thôn mới của quân và dân nơi đây sớm trở thành hiện thực./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận