ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 26/09/2024 15:20

Truyện ngắn "Mẹ và con" | Nguyễn Huy Súc | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Mẹ và con" của tác giả Nguyễn Huy Súc qua giọng đọc Hồng Giang.

Ban đầu bà vừa đi vừa rao khắp xóm. Giờ thì bà đem hàng đến từng ngõ, từng nhà, theo thứ tự bà nhẩm tính từ lần bán trước. Bà gọi chủ nhà giọng thân tình: Nước mắm đến ngày rồi đây!.. Đại loại những câu như vậy! Rồi bà trở thành người thân của cả xóm, ai cũng bảo nước mắm của bà đượm hương thơm đặc trưng của nước mắm làm từ cá nục, cá cơm vừa ngon, sạch, giá lại phải chăng. Rồi mọi người gọi bà là bà Thúc Thụ, bởi người ta biết bà sinh ra ở làng làm chượp mắm Thúc Thụ. Bà dựng xe đạp có làn nước mắm buộc sau xe rồi gọi bà Khoái. Bà Khoái đang lúi húi từ lối dàn tầm tơi đi ra, kéo bà Thúc Thụ vào nhà, vừa đi vừa nói: Bà Thúc này, (bà Khoái thường bỏ chữ Thụ sau gọi bà là bà Thúc cho dễ), tháng ni để cho tôi một lít ăn, hai lít cho mẹ cháu đưa lên thành phố nhá! Một líc thì có ngay, hai líc thì sáng mai mới có. Nội nhật trong ngày mai là được. "Làm quà cho người thành phố à? Quả cáp chi đâu, mẹ cháu đi chăm thằng cháu nội thứ hai, chắt của tôi đó! Rứa à? Mẹ cháu đi hơn ba tháng nay rồi. Rứa mà tui vẫn thấy chị cò đây lấy nước mắm đều. Ừ thì vẫn! Lần mô bà cũng đưa nước mắm đúng thứ bảy, là ngày mẹ cháu về với tôi. Trai hay gái, bà?. Trai. Tôi chỉ có một cây một trái. Tôi với mẹ cháu nói mãi chúng mới chịu đẻ đứa thứ hai ni đây, cho có anh có em, mấy đời nhà này toàn con một. Vợ chồng hắn nói cụ nội lên thành phố ở chơi với chắt rồi khi mô mẹ cháu về thì cụ về. Đi thì bát hương nguội lạnh, vườn tược ao chuôm ai trông. Bọn choai choai mà vô đánh kích thì ao cá toi! Mẹ cháu cũng nghĩ như tôi. Rồi mẹ cháu nhờ con cháu họ, đang làm cấp dưỡng ở trường mầm non, sáng tối sang nấu ăn cho tôi, còn bữa trưa cháu nó xin với cô hiệu trưởng nạp tiền báo một suất cơm ở trường. Được cái lanh lợi, sạch sẽ, cơm nước cho trẻ xong là nó chạy nhoằng về, cặp lồng cơm vẫn nóng, thức ăn cũng sốt. Tôi biểu không cần rứa, già rồi ăn chi nhiều đâu mà phiền. Nhưng mẹ cháu không chịu, nói là ăn ít ăn nhiều chi ngày cũng phải ba bữa. Tối, con lớn nhà nó sang học bài rồi ngủ với tôi. Bà Thúc Thụ ghé gần tai bà Khoái: Này bà, chớ có bán nhà đi theo bọn hắn ra thành phố rồi không có đường mà lui đâu nhá! Bán là bán răng được. Tôi cũng như mẹ cháu, chồng hy sinh khi chưa đến ba mươi, đời như trái núi sập xuống đầu, tưởng không còn sống được nhưng vẫn ở vậy nuôi bố cháu, đến đời mẹ cháu cũng không đi bước nữa, ở vậy để nuôi con. Giờ mẹ cháu có hai thằng cháu nội là tôi có hai thằng chắt rồi! Đẻ bố cháu năm sáu lăm, được hai tháng thì ông nhà tôi tòng quân, năm sáu bảy ông nhà tôi hy sinh. Một mẹ một con, cố nuôi cho con khôn lớn. Hết lớp mười, bố cháu được vô học trường xây dựng. Ra trường bố cháu lại tình nguyện vô phục vụ quân đội. Lấy mẹ cháu là giáo viên trường làng. Năm tám tám bố cháu lại hy sinh ngoài đảo Gạc Ma, khi con còn đỏ hon hỏn! Bà Thúc Thụ ngồi thần ra, mắt rưng rưng. Bà Khoái cầm tay bà Thúc Thụ, kể tiếp: "Khổ lắm bà ơi, tôi cũng rứa rồi đến đời mẹ cháu cũng rứa, thấy mình góa bụa nhiều người đàn ông xóa vợ có, bỏ vợ có, vợ bỏ có, mẹ cháu còn có cả trai tân đến gạ về làm vợ người ta. Ai cũng hứa coi con mình là con chung. Hứa chọn trường tốt cho con đi học, lớn lên mua xe tốt cho con đi .., thôi thì đủ! Nhưng mẹ cháu nó nói thẳng thừng: Em cám ơn anh. Em không thể nghe anh được. Em đã có tấm gương của mẹ chồng để soi! Tôi nghe mà ứa nước mắt. Đêm năm canh nằm nghĩ sao mà một đống cái vất vả lại cứ đeo vô nhà mình. Cũng may thằng cu cháu hay ăn chóng lớn nên tôi mới có sức để chăm ẵm nó; lại có anh em, bạn bè, nhà trường giúp đỡ cho mẹ cháu giành thời gian cùng các thầy cô mà dạy học. Từ khi hết mẫu giáo lên lớp một nó lớn nhanh lắm bà ơi. Năm lớp chín, lớp mười nó vạm vỡ hơn bố nó nhiều. Nó thi vô trường nông nghiệp. Tôi biểu đời ông bà vất vả với con trâu cái cày rồi, cháu chọn cái nghề chi nhè nhẹ mà học, sau còn làm cho đỡ vất. Nhưng mẹ cháu biểu tôi là để cháu nó chọn theo ý nó. Khi học hết đại học bảo nó lấy vợ nó cứ ù ỳ. Mẹ cháu cũng biểu cứ để cho cháu nó tự suy nghĩ. Cháu nó về làm việc ở cơ quan nông nghiệp trên tỉnh. Ở cái Viện lúa má gì mà nghe mẹ cháu nói hết trên ruộng lúa rồi lại về phòng thí nghiệm. Đi khắp từ bắc vô nam. Đùng một cái nó lại đi học ở nước ngoài. Chuyến cu cậu ở nước ngoài về đã sét ba chục rồi mới chịu lấy vợ. Cháu nó lấy cái con cùng cơ quan. Đẻ thằng đầu vô mẫu giáo rồi đến thằng thứ hai đây. Mẹ được nghỉ hết sáu tháng rồi phải lên làm việc. Thằng sau ni không được cứng cát như thằng đầu, may mà năm ngoái mẹ cháu đến tuổi nghỉ hưu nên năm nay mới lên đỡ thêm cùng bà thông gia. Đi thì đi mà mẹ cháu cứ ngay ngáy chuyện tôi ở nhà nên cứ chiều thứ sáu về, sáng thứ hai đi. Tuần mô thằng con không phải họp hành, không phải đi công tác là đánh ô tô đưa mẹ về. Những hôm bận, nó lại dặn chú lái taxi gần nhà đưa về. Hôm vừa rồi mẹ cháu mang về cho tôi cái hộp nước tổ yến đây, bà xơi với tôi một lọ, cho vui! Bà Khoái vừa nói vừa đưa lọ nước yến vào tay bà Thúc Thụ, rồi hạ giọng: Nghĩ thương con thương cháu nên lắm lúc tôi nói với mẹ cháu"Tau là cái tội của mẹ con bay!". Mẹ cháu gạt đi, biểu: Có bà có ông mới có con có cháu, được như bây giờ là công ơn của ông của bà như trời như biển đấy bà ơi!..

Bỗng bà Thúc Thụ khóc òa lên. Bà Khoái chột dạ, luýnh quýnh vớ cái khăn bông đang vắt vai đưa cho bà Thúc Thụ. Răng lại mau nước mắt rứa! Tôi nói động đến bà à? Bỏ quá cho nhá! Bà không có nỗi, đó là tôi nghe bà nói rồi tôi tủi thâng thôi. Bà biết không, cũng là con mà bà! Bà Thúc Thụ kể: Năm sáu chín, ông nhà tui đi bộ đội, vợ chồng tui đã có một thằng cu bốn tuổi với hai con hỉm, đứa hai tuổi, đứa sáu tháng. Năm nên tám, mùa nực thằng cu đi học về, mấy đứa rủ nhau xuống ao tắm không may bị chết đuối. Hai đứa con gái, con chị ốm oặt ốm ẹo, mười tuổi mà như cái kẹo, học trước quên sau. Đưa lên bệnh viện khám người ta biểu thiếu cái chất chi trong óc nên không lớn được. Con em thì phổng phao, học hành giỏi giang. Ngày hòa bình người ta về ầm ầm mà không thấy ông nhà tui về, mấy tháng sau có giấy báo ông nhà tui đã hy sinh. Bà Khoái rưng rưng nước mắt. Bà Thúc Thụ ngẹn ngào: Mẹ góa con côi, cảnh đời mất mát, thiếu vắng khó lòng bù đắp nổi. Biết rứa nhưng phải làm mà nuôi cho con ăn học bằng người. Tui cố giữ nghề làm chượp mắm từ ông cha để lại mà vợ chồng tui đã bỏ công ra mở rộng, vun đắp. Tui thuê thêm người làm. Làm nước mắm từ năm sáu mươi chum chượp. Cơ ngơi dần dần to lên, có của ăn của để. Tôi gửi nước mắm đến các đại lý trong tỉnh, ngoài tỉnh. Chỉ buồn con cháu đầu kém phát triển, tính tình chậm chạp, có lúc lại bẳn tính không thích cái chi là phá. Con em về sau thi vào trường Đại học sư phạm, ra làm cô giáo cấp 3. Chồng hắn cũng nghề giáo. Hai đưa dạy cùng trường trên huyện, về sau thằng chồng hắn được chuyển lên làm cán bộ trên tỉnh, làm chức chi không biết mà ô tô đón đi đưa về suốt. Rồi vợ chồng hắn chuyển nhà lên thành phố ở. Hai đứa con hắn học đại học xong, có việc làm đề huề, vợ chồng hắn đã mua cho mỗi đứa một cái nhà ở Hà Nội!.. Rồi hắn xin về hưu. Rồi mở công ty mua bán đất đai, nhà cửa... Rồi hắn về nằng nặc đòi tôi bán công ty nước mắm của tôi đi lấy tiền hùn vô công ty của hắn. Hắn biểu giờ mẹ già rồi làm chi cái nghề đó cho nhọc. Tui nói cơ ngơi ni là của ông bà, của mẹ với bố con gây dựng mấy chục năm mới thành. Không bán được! Mấy chục chum làm chượp làm ra nước mắm, hàng năm trả lương đầy đủ cho năm, sáu nhưn công, lãi nuôi sống cả nhà còn có tiền để ra hàng chục triệu. Nhà bán đi thì ở đâu? Bát hương thờ ông bà, thờ bố con ở đâu? Hắn biểu cứ bán đi rồi mẹ với chị lên nhà con mà ở. Phòng rộng, thoáng mát. Sống ở thành phố bằng vạn nông thôn! Rước bát hương của bố lên nhà con, ông bà đã có bác Hòa thờ chứ chi đến phần nhà ta. Tui biểu không được, thờ bố hắn ở trên nhà hắn ông bà ông vải bên chồng hắn không cho vô. Hắn biểu tui lạc hậu. Thời bây giờ bên nam cũng như bên nữ, bên nội cũng bên như ngoại. Tui biểu chuyện trên trần khác, dưới âm khác, xưa nay nhiều việc làm trái khoáy hậu họa đã thấy nhãn tiền. Chị mi tật nguyền phải để tau làm cái công ty chế biến nước mắm ni nuôi tau, nuôi chị mi còn có đồng tích trữ về sau tau già, tau chết chị mi còn có cái mà sống chứ! Đã nói với mẹ là con sẽ đảm bảo hết cuộc sống của mẹ, của chị. Góp tiền vô công ty của con là tiền đẻ ra nhiều tiền, là ngỗng vàng đẻ ra trứng ngỗng vàng! Không như cái công ty gà ri của mẹ đẻ ra trứng gà ri đâu. Mà con cũng phải có phần chứ, không lẽ chỉ mình mẹ và chị được. Nếu mẹ lo về sau chị không có tiền sống thì sau nhượng bán công ty, mẹ gửi vào ngân hàng cho chị một phần ba, còn hai phần ba mẹ góp vô công ty của con, người mang tên cỗ phần là mẹ, của mẹ tuốt. Lãi cỗ tức tha hồ mẹ tiêu!.. Nhùng nhằng mãi, hắn cứ thúc ép tui. Tui phải mời bác Hòa, anh ruột nhà tui, sang để thưa chuyện. Bác Hòa nghe tui kể đầu đuôi chuyện con em thúc ép tui bán công ty, là bán cả đất đai nhà cửa để đi với hắn. Bác Hòa nói sáng nay bác định sang nói chuyện với tui, thằng út nhà bác về mách là nghe đâu con em đang thuê thằng Đán, đầu gấu trên Chợ Huyện dọa đánh những người hay mua hàng nhà tui, cấm họ đến mua hàng; sẽ vô đập vỡ một hai chum chượp trong mấy chục chum chượp nhà tui. Khi nghe thằng út nói hắn thuê đầu gấu phá phách, bác Hòa cho thằng cả nhà bác lên chỉ mặt hắng mà nói, có cả mặt chồng hắng, thằng cả biểu hắn khôn hồn thì về mà điều đình với bọn đầu gấu dừng lại, nếu để sảy ra chuyện thì thằng cả không để cho yên đâu. Thằng chồng hắng khi nghe thằng cả nói, giật mình hỏi hắng ngay. Hắng biểu việc của hắn không mượn xía vô. Chồng hắng giật cái điếu cày từ tay thằng cả dơ lên phang hắn, may mà thằng cả ôm ngay lấy chồng hắng không thì hôm đó to chuyện!.. Hôm sau chồng hắn về thăm tui, ở nhà lâu hơn, sang bác cả với mấy nhà xung quanh rồi về ăn cơm với mẹ con tui. Như mọi lần, thăm nơi các chum chượp, hỏi mọi chuyện hàng họa, hỏi chuyện nhưn công thuê mướn, nói có khó khăn chi thì biểu. Tui định đem cái chuyện vợ hắn đòi bán công ty ra nói với chồng hắn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đời mô thì rể cũng vẫn là khách, nên tui không nói nữa..! Dưng rồi đêm nằn tui nghĩ đi nghĩ lại, dù răng hắng cũng là con mình, thôi thì:"đất không chịu trời thì trời phải chịu đất!". Tui đồng ý để hắn làm giấy chuyển nhựơng công ty. Được hơn bốn tỷ. Hắn biểu đã chuyển khoản ra ngân hàng gửi tiết kiệm cho con chị một tỷ, phần hắn một tỷ, còn hai tỷ tui biểu để tui mua một cấy nhà nhỏ, cho tui và con chị ở rồi buôn bán kiếm ăn. Hắn biểu hắn đã chuyền luôn vô công ty của hắn rồi. Việc tạu nhà để sau hắn tính!..

Tui rước bát hương nhà tui sang nhà bác Hòa, lấy ba chân hương lên phòng vợ chồng hắn giành cho mẹ con tui, bốc bát hương để tuần nhật thắp vọng cho ông nhà tui đỡ tủi. Ở không cũng buồn, tôi biểu để tui thuê xe về quê lấy nước mắm lên giao các cửa hàng. Hắn không cho, hắn biểu làm rứa là xấu mặt nhà hắn.

Vài tháng đầu thì mẹ mẹ con con, chị chị em em, về sau hắn biểu đưa con chị lên tầng trên cùng, dọn cái phòng lâu nay đang làm kho cho chị ở. Tôi biểu con chị phải ở cùng phòng với tui để tui còn quản lý. Hắn biểu chị hay nói lằng nhằng, khách đến người ta biết người ta khinh nhà hắng. Thằng chồng hắng theo ý tôi, bảo hắn không đưa chị lên tầng trên cùng không an toàn. Hắn làu bàu. Thằng chồng trừng mắt, mặt đỏ tía tai, gầm lên. Hắn phải chịu nhưng giao hẹn với tui khi có khách thì bắt con chị khẽ mồm hay tui phải đưa con chị lên tầng trên cùng ngồi khi khách về mới được đưa xuống. Hắn vẫn cứ mặt sưng mày sẻ, đụng tý là hắn gắt tui và chị hắng. Hắng biểu tui với chị hắn là hai cái tàu há mồm, ăn như rồng rắn, điện nước dùng như phá..! Chồng hắn biểu không được hỗn như rứa. Hắn trả lời không phải việc của ông!..

Đợt con chị hắng sốt liên miên, thuốc thang ở nhà không chuyển nên phải đi viện. Tui chăm chị hắn ở viện hơn nửa tháng. Cứ cách ngày chồng hắn lại xuống thăm, nói bác sỹ cần thuốc mà bệnh viện không có thì kê rồi đi lấy, đưa tiền cho tui mua cơm cháo, hoa quả, xà phòng, nước sôi, giấy vệ sinh... Còn hắn, hơn nửa tháng chỉ đảo xuống một lần, ở khỏng mười lăm phút, hỏi chuyện qua quýt, chả đếm xỉa đến chuyện hỏi tui còn tiền để mua thêm các thứ hay không!..

Mấy đứa cháu con bác Hòa lên viện thăm em, thấy cung cách của hắn đối với mẹ con tui chúng chỉ lắc đầu, mấy đứa cho tiền, khuyên tui cố nén tâm lại mà chăm con chị! Chuyến đó không có thằng chồng hắng với mấy đứa con bác Hòa ở dưới nhà lên thì mẹ con tui khốn đốn.

Sau lần đó, xuất viện về tui nói với hắn tiền tui còn ở chị, giờ tui cần tiền bồi dưỡng thêm cho chị chị, chị trả cho tôi một ít. Hắn vùng vằng: Lờ lãi chi? Hai năm nay các người ăn ở đâu?. Ơ hay! Khi đầu lên ở với anh chị, chị nói với tui là ăn uống của mẹ và chị không thành vấn đề! Nhưng tui biểu với chị là tui còn tiền nên năm đầu tôi góp tiền ăn, tiền sinh hoạt với chị mỗi tháng tui và chị của chị, tôi đưa cho chị một chục triệu. Rồi sang năm thứ hai, tui sẽ lấy tiền như chị nói để góp tiền ăn và tiền sinh hoạt của tôi và chị của chị! Chị lại biểu rứa thì góp tiền ăn luôn hai năm cho chị, chị đang cần tiền. Những ngày tui sắp đi, tui thu nợ nần từ các bạn hàng nên trong người tui có hơn ba trăm triệu, tui giữ lại mấy chục để thỉnh thoảng về quê chạy đi chạy lại với bà con mỗi khi ma chay, giỗ Tết, còn lại ba trăm triệu tui đưa cho chị, coi như tui góp tiền sinh hoạt của hai người bay tui hai năm rồi, chị quên à? Bay tui lên dây mới được hai mươi tháng 6 ngày! Hết rồi! Ăn như vua chúa, còn đài! Rứa là bay tui thua chị rồi! Hắn không nói chi, xách túi đi, biểu có công việc. Tui nghĩ chuyện ni là chuyện mình khốn rồi đây. Tui lục tủ soạn đồ, cái hộp tui để các thứ, không thấy cái sổ tiết kiệm của con chị đâu. Khuya hắn mới về, tui hỏi hắn quyển sổ tiết kiệm của con chị răng không thấy nữa. Hắn biểu là hắn vay, hắn đã rút ở ngân hàng hôm tui với con chị đang ở dưới viện. Trời ơi là trời! Con ơi là con!.. Tui nói với chồng hắn. Thằng chồng hỏi hắn. Hắn trả lời: "Đã nói rồi, chuyện chi của gia đình tôi ông đừng có can thiệp vào". "Sao cô lại cạn tàu ráo máng với mẹ và chị thế? Làm sao mẹ chịu được?"."Không chịu được thì chết quách đi"."Cô nói thế mà nói được à?"."Không được cũng phải được. Không phải việc của ông!". Hai vợ chồng hắng đôi co cho mãi đến gần sáng. Tôi cũng không ngủ được. Tôi nghĩ nguồn cơn ni là phải về quê thôi. Tìm chỗ mà tá túc, mà kiếm ăn. Sáng ra, xe cơ quan đến đón chồng hắn đi công tác. Ở nhà, tui nói với vợ hắn để bay tui về quê. Hắn biểu tui về thì về, đây không giữ! Thế chị trả cho tui một ít tiền, về tui mua lấy một chỗ để bay tui chui vô chui ra! Hết rồi! Có gan góp vốn, bây giờ thua lỗ phải có gan chịu chứ! Tui có biểu tui góp đâu, chị chuyển ngắt ngọn của tui đó chứ!

Hắn im lặng bỏ lên phòng... Tui vơ quần áo của hai mẹ con vô một cái bì xác rắn, cho cái bát hương lâu nay tui vẫn thắp cho ông nhà tui vô cái túi giấy bóng, ra ngõ đón taxi...

Vê quê, vợ chồng bác Hòa và các cháu giữ hai mẹ con tui lại bên nhà bác. Bác nói: Mọi chuyện bố con tôi đã tính và biết trước, nhưng không giám can thím. Giờ thím với cháu cứ tạm ở vô cái nhà dưới trước thằng cả ở, giờ nó làm nhà mới trên phố Chợ, nhà mới nên vợ chồng hắn sắm toàn đồ mới. Mọi thứ ở nhà cũ còn để nguyên, cũ nhưng còn tốt chán. Rồi bác nói với các con: Mấy đứa xúm tay vô, quét dọn rồi đưa đồ của thím với em bay vô, ở đó rồi sau hẵng hay!..

Hai hôm sau thằng chồng hắn về. Thở dài sườn sượt. Đi ra đi vô rồi gọi thợ quét vôi, trám vá và mua thêm mấy thứ cho tui với con chị.

Giờ thì tui với con chị hắn ở đấy. Tui lấy nước mắm từ công ty của thằng cả đi bán kiếm đồng lãi, thêm vào khoản trợ cấp để hai mẹ con tui để sống. Tui đi, ở nhà anh chị Hòa quán xuyến con chị. Nhờ cả vô vợ chồng con cái anh chị ấy, nhở vô anh em, họ hàng, bà con xóm làng... Đời tui có nhiều nổi khổ. Dưng khổ nhứt vẫn là khổ do con tui gây ra. Đúng là "có con tội sống", chị ơi!

Bà Thúc Thụ đứng lên. Bà Khoái cũng đứng lên theo khách. Bốn bàn tay nhăn nhăn nheo nắm lấy nhau, bà Khoái nghẹn ngào:

- Không hẳn là rứa mãi được! Trời cũng có lúc mưa lúc nắng. Người cũng có lúc này lúc khác! Là người có học, cũng làm cô giáo dạy dỗ học trò, chắc chắn cô nhà sẽ đổi tâm tính mà nhìn lại thôi, chị à!..

- Cám ơn chị! Vợ chồng anh Hòa cũng nói với tôi như rứa. Nói chi thì nói hắn cũng là con mình! Giờ hai con mắt hắn như đang bị che lấp, thân mình hắn như con chim bị đang vướng mũi tên!.. Tui không mong lấy lại tiền từ hắn, chỉ mong hắng nghĩ lại đến cái tình mẫu tử, tình cốt nhục, tình lân bàng! Không được mười phần cũng được lấy năm phần, sáu phần của con dâu chị!.. Tui về nhá! Sáng mai tui mang nước mắm lên.

Bà Thúc Thụ xắc lại cái làn có cái can nhựa buộc vào sau xe. Bà Khoái tiễn bà Thúc Thụ ra ngõ.

Ánh vàng lung linh của ráng chiều đổ xuống vườn cau, ao cá, nhìn hai bà mẹ như đang đi trong cung điện của đất trời./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận