ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 22/09/2024 16:13

Những đôi chân không mỏi | Nguyễn Ngọc Hải | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe bút ký “Những đôi chân không mỏi” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Hải qua giọng đọc của Tuấn Tú.

Hai bên hông, bên nước, bên cơm, thêm con dao quắm giắt thắt lưng là lên đường, trâu đi trước lão đi sau. Ba con trâu thì béo lão thì gầy, nhưng sức leo núi thì trâu với người chưa biết ai hơn. Từ năm 1998 đến nay, người dân bản Đục, xã Bát Mọt đã quen với hoạt cảnh người trâu cùng tiến của lão. Hồi đầu người ta vẫn nghĩ là lão chỉ đơn thuần đi chăn trâu, sau cái lần lão nhận bằng khen ở huyện về và được bộ đội biên phòng đến nhà tặng quà tết chòm xóm mới biết lão Chuẩn là người cùng bộ đội biên phòng bảo vệ cột mốc và tuần tra đường biên. Kể từ đó đến nay thi thoảng người ta lại thấy lão hớn hở, tay cắp giấy khen khi của tỉnh, khi của huyện, của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, lão tự hào hết nấc với những tấm giấy khen ấy. Lão khoe với tôi bằng một trí nhớ siêu phàm cái này nhận ở đâu, đi cùng đồng chí cán bộ biên phòng nào, được thưởng bao nhiêu, tiền thưởng về sử dụng vào việc gì… nhìn lão cũ rích, gương mặt xương xẩu, tóc đã muối tiêu, được cái miệng rộng mũi to hèn gì lần nào đi nhận khen thưởng về chòm xóm lại được lão mời qua nhà ăn "khao".

*

- Em tính viết về người dân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, công tác lâu năm ở đồn Biên phòng Bát Mọt, anh xem có điển hình nào giới thiệu cho em.

- Lên Bát Mọt vào bản Đục tìm gặp lão Chuẩn. Đúng người chú cần đấy, hai lăm năm gắn bó với 4 cột mốc. Người như tên luôn. Chuẩn không phải chỉnh. Được Thượng tá Thịnh Kiên, nguyên Chính trị viên đồn Biên phòng Bát Mọt "mách nước" tôi Thường Xuân thẳng tiến ngay ngày hôm sau.

Thiếu tá Đỗ Trung Kiên nhân viên đội phòng chống ma túy và tội phạm, được lãnh đạo đồn Biên phòng Bát Mọt cất cử làm "cán bộ đường lối" cùng tôi vào bản Đục, một trong những bản sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã Bát Mọt huyện Thường Xuân. Từ bản Khẹo nơi đồn biên phòng Bát Mọt đóng chân vào bản Đục có hai đường. Đi đường vòng phải hơn hai mươi cây số nhưng đường đổ bê tông dễ đi, còn đi đường tắt chỉ năm cây số, men theo dãy Sáo La, nơi có độ cao hơn tám trăm thước so với mực nước biển. Dãy núi hình cánh cung tạo nên thung lũng Sáo La đẹp hút hồn người bởi tiên cảnh bồng bềnh mây, bồng bềnh sương hay giăng mắc mưa mù thì đến Thiếu tá Kiên cũng không chắc là mình phân biệt được chính xác, nhưng với cái khí hậu ẩm ướt ấy, con đường dài hơn năm cây số trở nên nguy hiểm, trắc trở song cũng thơ mộng hơn. Con đường thật sự là một thử thách cho các tay lái thứ thiệt. Rộng chưa nổi hai mét, đoạn đường đất thì trơn trượt, sình lầy, đoạn đường đá thì khấp khểnh, gồ ghề. Con Jupiter đời 2012 của anh Kiên nhảy tưng tưng, chồm lên đá sỏi, đá tảng, đá hộc… nếu tay lái không chắc, không dẻo thì sẽ "hạ cánh không an toàn" xuống thung lũng Sáo La bồng bềnh mây, bồng bềnh sương và như anh Kiên nói vui là "một tuần sau có mùi may ra mới tìm thấy". Phải đánh vật gần một tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được con đường đau khổ ấy, đến đầu bản Đục cả người cả xe thở phào nhẹ nhõm vì theo lời anh Kiên thì từ đây sẽ là đường cấp phối phẳng phiu và đường bê tông "sang, xịn, mịn". Chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà sàn mốc thếch, gỗ đã bạc phếch theo thời gian, nằm bên bờ ruộng cuối bản Đục. Ngôi nhà hướng mặt về phía những ngọn núi sừng sững cao, bên cạnh là con suối nhỏ, nước trong veo, quanh năm róc rách chảy. Dù đã gọi điện hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến ông Lang Thanh Chuẩn, nhân vật Thượng tá Thịnh Kiên giới thiệu cho tôi, vẫn không có nhà. Năm phút sau cuộc gọi bồi của Thiếu tá Kiên, ông Chuẩn xuất hiện với chiếc xe máy cà tàng:

- Thằng cu cháu lấy vợ, tôi sang xem có việc gì giúp nó một tay. Hai chú lên nhà đi tôi cắm ấm nước rồi lên luôn. Ông nói như thanh minh cho sự lệch giờ hẹn của mình.

Đúng chất người Thái, luôn suồng sã, niềm nở, nhiệt tình với khách đến chơi nhà. Nhà lão trống huơ trống hoác, trơ trọi chiếc tivi 40 inch, thứ tài sản đáng tiền nhất. Theo tay lão chỉ, nhìn lên phía trên nơi gần gác thưng cửa sổ, kéo dài từ phía trên cái tivi đến hết bức thưng phía sau lưng lão ngồi là những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, cỡ vài chục cái chứ chẳng ít. Cái nào cũng có tên Lang Thanh Chuẩn. Lão bảo đó mới là tài sản đáng giá nhất cuộc đời lão, kèm theo nụ cười mãn nguyện.

Đời ông, rồi bố và bây giờ là lão có duyên với biên phòng. Gia đình có truyền thống ba đời tham gia cùng bộ đội biên phòng canh giữ biên cương, cột mốc. Lão tự hào, say sưa kể tôi nghe về điều đấy. Ông và bố lão tự nguyện tham gia cùng lực lượng công an nhân dân vũ trang (tiền thân của bộ đội biên phòng) đánh đuổi tiểu phỉ dọc biên giới. Ngày ấy, mọi thứ hãy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, phải vừa xây dựng cơ sở, vừa xây dựng lực lượng, vừa giúp bà con hai bên biên giới tập trung làm ăn, không bị hoảng loạn tư tưởng vì tiểu phỉ quấy nhiễu, phá hoại. Tình yêu chân chính vốn đơn giản lắm giống như cái cách ba đời nhà lão Chuẩn yêu tổ quốc, yêu biên phòng, tự nguyện vì sự vững bền của dải biên cương dọc miền biên ải xứ Thanh.

Vào cuối những năm tám mươi và đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, bên biên giới nước bạn trải dài từ Bắc vào Nam, các phần tử thổ phỉ được sự tiếp tay bởi các thế lực phản động có điều kiện để ngóc đầu hoạt động trở lại, lực lượng vũ trang của Chính phủ Lào ra quân càn quét, đội quân thổ phỉ lẩn trốn lên vùng biên hòng tìm cách thoát thân. Khi hoạt động của quân Chính phủ lắng xuống, bọn phỉ lại thừa cơ ngoi dậy với nhiều hoạt động hung hăng hơn, tàn bạo hơn, dã man hơn, đe dọa tới tình hình ổn định biên giới cũng như đời sống của người dân dọc biên giới hai nước. Bộ đội ta với tư tưởng chủ động phòng ngừa và trấn áp các phần tử thổ phỉ, đã nhanh chóng triển khai lực lượng dọc khắp khu vực biên giới giáp với nước bạn. Trong đó dân quân tự vệ địa phương được xem là một trong những lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng khác tham gia chống phỉ xâm nhập và quấy phá biên giới. Mắt lão sáng lên khi kể về "một thời trận mạc" những ngày tháng khi còn là dân quân tự vệ của bản, được sát cánh cùng bộ đội biên phòng nằm gai nếm mật trên chiến tuyến biên giới.

Năm 1998, lão Lục, hàng xóm nhà lão, cũng là người tiền nhiệm của lão phải vào Nam theo con cháu, việc trông coi cột mốc không người phụ trách, trong bản chẳng ai đứng ra nhận cái việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ấy. Thấy thế, lão lên đồn Biên phòng Bát Mọt xung phong được làm người trông coi cột mốc thay lão Lục. Được lãnh đạo đồn đồng ý, lão vui ra mặt, về khoe với vợ con. Bốn mẹ con bà Huyền chẳng vui, chẳng buồn, chẳng đồng ý nhưng cũng chẳng ra điều phản đối vì biết tính lão đã quyết làm việc gì thì trời có sụp xuống lão vẫn làm, chỉ thương lão còm nhom như mấy con trâu mùa đói. Cứ ngỡ lão cũng chỉ được ba bảy hăm mốt ngày, ấy thế mà thoáng cái đã 25 năm trôi qua, lão vẫn miệt mài bám rừng, bám mốc, vẫn yêu, vẫn thích, vẫn vác cái "tù và" ấy bằng cả trách nhiệm và sự tự hào. Ngày đầu có vài người trong bản biết lão là người trông coi mốc, ai cũng nghĩ lão là thôn đội trưởng của bản nên phải gánh lấy cái việc đấy, mấy ai biết rằng lão đã phải cuốc bộ năm cây số đường rừng ra tận đồn Biên phòng Bát Mọt tự nguyện xin làm. Từ đấy, mỗi tháng dăm bảy lần, người ta lại thấy lão dắt trâu đi từ tờ mờ sớm và lùa trâu về đến nhà khi không còn rõ mặt người. Hay sau mỗi lần mưa to gió lớn, trời vào đông giá rét, người ta vẫn thấy lão giắt vào hông bên nước, bên cơm, thêm con dao quắm sau lưng, xỏ đôi dép rọ một mình phăm phăm vào rừng. Cho đến năm 2003 lão được nhận tấm giấy khen đầu tiên, đem hết tiền thưởng mời anh em chòm xóm qua nhà lão uống rượu ăn khao lúc đấy họ mới ngờ ngợ nhận ra lão Chuẩn đã thay lão Lục trông coi cột mốc lâu nay.

"Đặc sản của rừng Bát Mọt là vắt. Mùa xuân, mưa mù ẩm ướt, mỗi lần đi tuần tra về là gà vịt lại được bữa liên hoan, từ đầu xuống đến chân anh nào cũng bị vắt bám đen đỏ áo quần…" thiếu tá Kiên bắt đầu câu chuyện hành quân băng rừng bảo vệ mốc giới quốc gia bằng cách nói hóm hỉnh như thế. Khoác lên mình chiếc áo xanh màu lá, từ biên giới Tây Nam giáp ranh Campuchia đến biên giới phía Tây giáp ranh với Lào, mặt trận nào anh cũng có thâm niên. Ít thì vài ba năm, nhiều thì gần chục năm, đủ để thấm và ngấm cái nhọc nhằn của người lính biên phòng, cái khó khăn, vất vả của địa hình, địa vật mỗi nơi anh đến. Năm năm gắn bó với Bát Mọt anh đúc kết ra thứ "đặc sản" của nơi này là vắt cũng là điều dễ hiểu. Năm hai mùa, mùa khô nắng và gió như rang chín toàn bộ sinh linh, mùa mưa, ẩm ướt là mùa sinh sôi của muôn loài. Tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, cột mốc thì không theo mùa. Mùa nào cũng súng khoác vai, ba lô sẵn lương khô, chăn chiếu, xoong nồi, màn, võng, ruột tượng gạo ngang bụng, bi đông nước ngang hông… mưa hay nắng, đông hay hè thì nhiệm vụ vẫn vậy, chui rừng, chèo đèo, lội suối, vượt thung, leo vách đá, đu cành cây đến từng mốc, soát từng hang, kiểm soát đường mòn, lối mở. Sung sướng nhất là khi đi qua mấy đoạn đường mòn, lối mở người dân hai bên biên giới vẫn hay qua lại. Những đoạn này không có đá tai mèo sắc nhọn, chẳng um tùm rậm rạp cây lá để cả tá vắt được dịp "tung cước", nhưng cũng dễ giáp lá cà với các đối tượng buôn hàng cấm. Bọn tội phạm thường bấm bụng "nơi nào nguy hiểm nhất thì nơi đấy an toàn nhất", và năm 2019 đồn Biên phòng Bát Mọt đã có câu chuyện buồn từ một trong những lần giáp mặt đó.

Năm 2013 con đường tuần tra dọc tuyến biên giới Việt - Lào được đưa vào sử dụng, việc này mang nhiều ý nghĩa và tầm quan trọng đối với cả quân sự và dân sự. Bảy kilomet đoạn biên giới Bát Mọt - Sầm Tớ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm soát biên giới, nhất là giúp cho bộ đội và các lực lượng tham gia bảo vệ biên giới giảm quãng đường đi lại vừa xa xôi, vừa khó khăn, hiểm trở.

Bát Mọt được bao quanh bởi núi, ngước lên thấy núi, nhìn xuống thấy vực, bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau cơ man là núi… mà chẳng có ngọn núi nào thấp, chẳng thể phân biệt núi nhỏ, núi lớn, ngọn nào cũng um tùm lau lách, ngọn nào cũng sừng sững thách thức trí lực con người. Trước năm 2013, khi chưa có tuyến đường tuần tra, mọi hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, cột mốc đều phải cuốc bộ cả chục cây số rừng núi, mỗi ngày chỉ đến được một mốc. Bao nhiêu năm, những đôi chân không mỏi của các thế hệ người lính biên phòng đóng quân nơi đây đã chinh phục từng cung đường, từng ngọn núi, thung sâu, vách cao, rừng thưa rừng rậm, suối sâu suối cạn. Những sinh vật kỳ quái lấy rừng thiêng nước độc làm nhà đã không ngăn được họ dấn thân, những người lính mang quân hàm xanh đã xem biên cương là quê hương, bà con đồng bào là anh em ruột thịt, núi đồi, sông suối, rừng rậm bỗng chốc lại trở thành người bạn thân thiết với họ trong mỗi chuyến quân hành.

- Bọn mình được huấn luyện trường lớp bài bản, thực tế công tác tôi luyện để lính biên phòng rắn rỏi, cứng cáp, bản lĩnh hơn, nhưng so "nghiệp vụ" đi rừng với anh Chuẩn thì bọn mình vẫn xếp sau. Anh ấy là con của núi rừng, bàn chân trần biết bám vào đất đỏ lúc còn để chỏm, vân tay anh in trên vách núi đá khi còn nằm trên lưng mẹ, muỗi vắt, rắn rết nghe thấy tiếng thở của anh ấy còn né xa thì anh em biên phòng về nhì so với "đứa con của rừng" là đúng thôi. Thiếu tá Kiên đã phong cho lão Chuẩn là "đứa con của rừng" một cách tâm phục khẩu phục như thế.

Lâu nay tôi cứ mường tượng cảnh tuần tra biên giới là sẽ đi từ mốc đầu đến mốc cuối trên cùng một cung đường, nhưng qua chuyến công tác này tôi mới mở mang, vỡ vạc ra được nhiều điều. Tuần tra không có cung đường nhất định, mỗi cuộc hành quân là một cung đường mới, và để đi đến các mốc sẽ phải đi theo hình rẻ quạt, lên xuống bao núi, bao suối, bao nhiêu kilomet, bao nhiêu thời gian thì phụ thuộc vào hai yếu tố, một là kế hoạch cuộc hành quân và hai là người dẫn đường. Nếu đo theo đường chim bay thì mốc gần nhất là hơn hai cây số, mốc xa nhất là hơn năm cây số, nhưng khi đi thực tế đường rừng thì sai số là "vô cùng", có thể lên cả vài chục cây số. Thế mà suốt hai lăm năm qua lão Chuẩn vẫn miệt mài in hằn vết chân lên từng phiến đá, đám cỏ, con suối, tay lão vẫn để lại hơi ướt mồ hôi lên từng thớ vỏ, cành cây, vách đứng hang sâu cùng cốc.

- Hai lăm năm trông coi cột mốc kỷ niệm nào ông nhớ nhất?

- Mất mốc.

Cả lão Chuẩn và Thiếu tá Kiên đồng thanh một đáp án. Gần như cả hai người đều không cần thời gian để suy nghĩ, họ nhìn nhau cười về cái sự trùng hợp ấy.

Để đặt được một cột mốc phân định ranh giới quốc gia là cả một quá trình lâu dài và phức tạp, là kết quả bởi sự cố gắng của không chỉ một mà rất nhiều người, nhiều bên, nhiều ban ngành liên quan. Khi câu chuyện trên bàn giấy giải quyết xong là đến những ngày tháng gian nan, mướt mồ hôi để xác định cho được tọa độ, vị trí, địa điểm cắm mốc ngoài thực địa trùng khớp với bản vẽ trên giấy. Sau khi xác định được vị trí thực địa, đến khâu thi công là câu chuyện của quá trình "kiến tha lâu cũng đầy tổ". Thi công ở địa hình rừng núi có độ dốc lớn, xe và các phương tiện cơ giới không thể can thiệp, tất cả đều làm bằng sức người. Từng viên đá, từng bao xi măng, từng thanh sắt, từng can nước, mỗi viên gạch đều thấm đẫm mồ hôi của những người lính biên phòng và người dân nơi địa bàn chôn cột mốc. Nếu cõng dưới chân núi nơi địa hình bằng phẳng, người bình thường cõng được năm mươi cân thì khi leo núi chỉ cõng được năm cân là nhiều. Cả tuần trời từng đoàn người miệt mài cõng vật liệu lên núi phục vụ cho việc làm cột mốc đánh dấu biên giới quốc gia bất khả xâm phạm.

Thân mốc làm bằng đá hoa cương nguyên khối nặng tới vài tạ, để đưa được lên đỉnh núi là một quá trình gian nan, vất vả, đó không chỉ là công sức mà còn có cả sự mưu trí của quân và dân ta. Địa hình đồi núi có độ dốc lớn, dễ trơn trượt, sạt lở, điều này gây khó khăn cho việc vận chuyển, để giải quyết bài toán này thì tời bằng dòng dọc là khả thi và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải toàn bộ quãng đường từ chân lên đến đỉnh núi hay dốc thăm thẳm xuống thung sâu đều có thể đặt dòng dọc, có những đoạn mỏm đất, đá chìa ra, độ võng của dây tời không thể kéo qua, có những khi nền đất yếu đe dọa sạt lở không thể cắm cọc gắn dòng dọc vì vậy không được phép dùng tời, còn nhiều trường hợp nữa mà chỉ có sức người là lựa chọn duy nhất. Người ghé vai khênh, người phía trên kéo, người giữ bè luồng và thân mốc vẫn một mực gồng mình, chắc tay, tất cả cùng đồng thanh hô vang rô ta… một hai... "Đoàn kết là sức mạnh" quả không sai, như cái cách mà quân dân ta vận chuyển những khẩu đại pháo 75mm vào trận địa Điện Biên Phủ năm xưa một cách phi thường để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Thoáng chốc nhìn vào mắt hai người tôi mới hiểu nụ cười ấy không chỉ có niềm vui, sự sung sướng mà sâu trong ánh mắt ấy là cả một niềm tự hào, xúc động lớn lao. Đó là kỷ niệm đáng nhớ không chỉ của riêng anh Kiên, ông Chuẩn mà còn là của cả đồn Biên phòng Bát Mọt, của cả bà con nhân dân bản Đục, bản Vịn, bản Khẹo. Họ đã lấy lại được, dựng lại được cột mốc không chỉ bằng sức lực thuần túy mà bằng cả sức mạnh từ lòng yêu nước và tình đoàn kết quân dân một lòng. Tất cả đều tâm niệm rằng cột mốc là phần đánh dấu lãnh thổ tổ quốc mà ông cha, cháu con họ và bao nhiêu thế hệ người Việt đã hy sinh bằng máu để giành lại, để bảo vệ, giữ gìn.

Câu chuyện mất mốc gắn liền với hình ảnh trận lụt lịch sử vào những ngày đầu tháng 9 năm 2017 ở Thường Xuân. Sau ba ngày đêm mưa gió ầm ào, cánh đồng Sáo La trắng băng. Đi một vòng kiểm tra nhà mình và thôn bản thấy không có gì đáng ngại, lão nghĩ chỉ mất mùa, vài nhà bị tốc mái, không có mất mát về người, yên trí quay về xốc lại cái mái bếp. Nhưng linh tính mách bảo lão phải lên thăm mốc, đầu sáng nay lão nghe tiếng động lớn vọng ra từ rừng, lão đoán chắc có lũ ống, ruột lão nóng ran như có lửa. Lão biết giờ đi vào rừng rất nguy hiểm, dù trời đã ngừng mưa nhưng đất no nước sẽ sạt lở bất cứ lúc nào. Mưa nhiều, đất nhão, cây long gốc gặp gió lớn rất dễ đổ, không ai chắc chắn được những quả bom nước trên kia đã hết, chẳng may ứ nước mà nổ tiếp thì không có đường thoát… lão biết hết những nguy hiểm ấy, nhưng cái chân lão không đừng được, cái bụng không để cho lão yên, trong đầu lão lúc ấy chỉ nghĩ đến cột mốc. Vậy là xăm xăm lão đi. Hơn hai tiếng đi không nghỉ, cái cảm giác chồn chân mỏi gối như mọi khi không còn, đường núi trơn trượt, toàn thân lấm lem bùn đất, tay chân xước sát tóe máu mà lão không có cảm giác đau, bởi trong lão có một nỗi đau đau hơn át đi cái đau ở những vết xước ngoài da. Trước mắt lão là vạt núi đỏ au đang rỉ nước, không thấy mốc nữa, con suối bên cạnh đang ào ào chảy, tai lão ù đi, mắt lão hoa lên, chân lão khuỵu xuống, miệng chỉ mấp máy lặp đi lặp lại một từ "mốc! mốc!", tiếng lão lạc đi vì lồng ngực đang tức nghẹn và hơi thở dồn nén. Đất, đá, cây cối của một phần ba quả đồi nơi chôn cột mốc sạt xuống con suối, một cảnh tượng tan hoang, nham nhở, ngổn ngang giống như tâm trạng của lão lúc này. Mọi khi lên đến mốc lão sẽ ngồi nghỉ chân cả giờ đồng hồ cho lại sức rồi mới đứng dậy dùng quắm phát quang cây leo, bụi rậm khu vực xung quanh mốc. Nhưng hôm đấy, đến giờ lão vẫn không biết sức lực ở đâu mà lão có thể vừa lên đã xuống ngay được. "Phải báo biên phòng" đầu nghĩ chân chạy, lão chạy như ma đuổi từ nơi ngọn núi sạt một mạch về đến tổ công tác biên phòng bản Đục.

- Bộ đội ơi, mất mốc rồi, 355 mất rồi.

- Anh Chuẩn đấy à. Có chuyện gì bình tĩnh lại rồi nói - Thiếu tá Kiên trấn an lão.

Con đường men theo núi nối bản Khẹo với bản Đục bị chia cắt tạm thời vì núi lở, con đường phía dưới qua đập tràn ngập sâu, mọi liên lạc giữa đồn và tổ công tác đều qua điện thoại. Sau khi báo cáo tình hình về chỉ huy đồn, bốn anh em trong tổ công tác lên đường vào hiện trường nơi cột mốc bị vùi lấp, dù sáng hôm đó các anh cũng mướt mồ hôi vật lộn với mưa lũ để vớt vát phần nào tài sản của bà con vừa về tổ đang ăn bát mì tôm úp vội thì lão Chuẩn hớt hơ hớt hải chạy đến báo cáo.

"Phải tìm bằng được mốc" chỉ huy đồn ra lệnh. Anh em trong tổ công tác, dân quân bản cùng bà con nhân dân bản Đục, bản Vịn lên rừng tìm mốc. Một tuần sống trong cảnh ngủ võng lều bạt, "mưa dầm cơm vắt", đúng tinh thần, ai có cuốc dùng cuốc, có xẻng dùng xẻng, không có cuốc xẻng thì dùng gậy gộc, tay không lăn đá, bới đất, dao, cưa xử lí cây đổ. Mấy đứa trẻ, vì tò mò đi theo người lớn cũng xắn tay vào bới đất, nhặt đá góp công, chúng hăng hái lắm vì bố mẹ, ông bà nói là lên rừng tìm kho báu. Mặt đứa nào cũng lem luốc nhưng khi mấy chú bộ đội trêu là cười như nắc nẻ, chúng không biết mệt, tiếng cười của chúng cũng làm cho người lớn vơi đi mệt nhọc, gió núi thổi lạnh mà áo ai cũng ướt đầm, mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi.

- Hai hôm đầu tốn rất nhiều công sức mọi người mới hạ thấp được phần đất phía trên, tôi rẽ dòng cho nước đổ vào chỗ đất sạt. Khi có nước sẽ dễ làm hơn, đất và đá nhỏ trôi theo nước, cây đổ và đá lớn thì mọi người tập trung lăn sang hai bên, dựa vào sức nước cào đất sẽ nhanh hơn. Thiếu tá Kiên rành rọt kể với tôi như mọi thứ vừa xảy ra ngày hôm qua.

Cuối cùng phiến đá hoa cương nằm sâu trong đống đất đá sạt lở cũng hiện hình, mọi người vỡ òa sung sướng. Lão Chuẩn mừng rớn, chính lão là người phát hiện ra phiến đá bị cây đè lên. Lão hì hục như thợ đào vàng vớ được mẻ lớn. Lão cười ra nước mắt khi thấy cây lớn đổ đè lên làm thân và chân mốc vỡ làm đôi. Nửa tháng sau khánh thành cột mốc mới, lúc làm nghi thức chào cờ lão đứng trân trân nhìn vào hình quốc huy khắc trên mốc, không ai biết lão đang nghĩ gì chỉ thấy mặt lão đanh lại, ánh mắt cương nghị, hai tay nắm chặt cho đến lúc cùng mọi người ra về.

- Ông đã tính đến khi nào nghỉ chưa?

- Thi thoảng trong bản cũng có người hỏi tôi khi nào nghỉ để họ xin làm thay, nhưng tôi bảo khi nào gối mỏi không leo được núi, tay yếu không cầm được quắm thì mới nghỉ.

Nói xong lão cười khoái trá. Tôi ấn tượng với nụ cười của lão, một nụ cười trong như nước suối, nhẹ như gió rừng. Tiếng cười của lão vô tư đến lạ. Con dao quắm, bình toong và đôi dép rọ vẫn được treo dưới gầm cầu thang ngay lối ra, nói như cái cách của bộ đội là "tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao" đã hình thành trong lão suốt 25 năm gắn bó với biên phòng, với đường biên cột mốc, với cơm nắm cá khô và hết lứa trâu này tới lứa trâu khác./.

Nguyễn Ngọc Hải


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận