ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Các chính sách mới áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020. Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020.

29/01/2020 09:45

Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Cán bộ, Công chức và hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức, nhiều quy định của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức Luật Viên chức đã được ban hành, tập trung vào một số chính sách lớn như liên thông trong công tác cán bộ, đổi mới công tác tuyển dụng, sửa đổi công tác đánh giá cán bộ…Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, từ ngày 1/7/2020, đội ngũ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức thay vì công chức như quy định của pháp luật hiện hành.

Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành, Luật cũng đã có quy định giao Chính phủ quy định chuyển tiếp đối với công chức trong các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ (Điều 85); đồng thời cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước (Khoản 3 Điều 84).

Bên quy định đội ngũ lãnh đạo, quản lý là công chức như hiện hành, việc quy định áp dụng Luật Cán bộ, Công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với đội ngũ này do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp khác với cơ quan hành chính.

Trong thời gian qua, Đảng đã ban hành hiều chủ trương về tách bạch giữa quản lý nhà nước với doanh nghiệp, chẳng hạn như chủ trương “thu hẹp và tiến tới không còn chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, UBND tỉnh, thành phố đối với DNNN”; “tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước”. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước:“Thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức”.

Trên cơ sở chủ trương nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức đã không tiếp tục quy định giao Chính phủ quy định việc áp dụng chế độ công chức đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây vẫn là đội ngũ cán bộ giữ vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước. Vì vậy, Luật cũng giao Chính phủ ban hành quy định riêng đối với đội ngũ này, tập trung vào công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác cán bộ, phù hợp với tính chất, đặc thù công việc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đáp ứng được sự năng động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Cho phép liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện trở lên

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, xã, phường, thị trấn là một cấp hành chính trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, là nơi trực tiếp giải quyết các mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước. Đây cũng là cơ quan trực tiếp tổ chức, triển khai thực hiện nhiều đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ năng lực, trình độ sẽ góp phần quan trọng, tạo nền tảng căn bản để cải cách bộ máy nhà nước.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137-CP ngày 7/8/1969 quy định về chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, trong đó phân định rõ cán bộ xã gồm 2 nhóm đối tượng là cán bộ chuyên trách và cán bộ nửa chuyên trách; xác định số lượng, chức danh cán bộ xã làm công tác đảng và công tác chính quyền. Các quy định về cán bộ xã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và ngày càng được hoàn thiện.

Qua nghiên cứu hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước cho thấy yêu cầu quy định thống nhất đội ngũ công chức từ cấp xã đến Trung ương là xuất phát từ thực tiễn thực hiện ở một số địa phương. Tuy nhiên, cũng cần đặt trong mặt bằng tổng thể trên cơ sở nghiên cứu kỹ về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phù hợp với tổ chức chính quyền Trung ương và 3 cấp ở địa phương như hiện nay.

Để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, Luật đã bổ sung quy định cho phép liên thông giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với công chức cấp huyện trở lên, theo đó, quy định rõ các đối tượng viên chức, cán bộ và công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước và người đã từng là cán bộ, công chức nếu có nhu cầu và đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được tiếp nhận vào làm công chức từ cấp huyện trở lên mà không phải thực hiện các quy định như tuyển dụng mới (Điều 38).

Thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.

Luật Cán bộ, Công chức và các văn bản quy định chi tiết đã phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức trong công tác tuyển dụng. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tuyển dụng đối với công chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện do Chính phủ quy định và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về tuyển dụng công chức tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, còn để xảy ra nhiều sai phạm; chưa thực sự tuyển dụng được người đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng công chức với thẩm quyền quyết định tuyển dụng. Để khắc phục những bất cập này, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra chủ trương tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng theo hướng “thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, khoản 2 Điều 39 Luật Cán bộ, công chức đã bổ sung quy định về thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm định chất lượng đầu vào. Có thể nói đây là quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyển dụng thời gian vừa qua.

Cũng cần khẳng định rằng quy định về thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào không làm ảnh hưởng đến thẩm quyền tuyển dụng của bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương vẫn có thẩm quyền quyết định trong tuyển dụng công chức phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm và điều kiện đặc thù của bộ, ngành, địa phương mình.

Việc giao Chính phủ quy định chi tiết và thực hiện theo lộ trình cũng nhằm bảo đảm thực hiện từng bước, tránh những xáo trộn không cần thiết, ảnh hưởng đến việc tuyển dụng công chức trên phạm vi cả nước. Khi xây dựng các văn bản trình Chính phủ quy định chi tiết, Bộ Nội vụ sẽ đặc biệt chú trọng tới yếu tố này, đồng thời bảo đảm giảm thiểu thủ tục hành chính, không quy định phát sinh “chứng chỉ kiểm định đầu vào”, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm theo đúng chủ trương của Đảng.

Thực hiện ký hợp đồng xác định thời hạn với viên chức

Về ký kết hợp đồng xác định thời hạn, theo quy định của pháp luật hiện hành thì có 2 loại là hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn. Viên chức được tuyển dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 đến 36 tháng); sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn thì viên chức được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đồng thời, Luật cũng quy định về chế độ tập sự đối với người trúng tuyển viên chức.

Quy định về việc ký kết hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn trong thời gian qua còn một số vướng mắc, cụ thể như sau:

Việc phân biệt 2 loại hợp đồng dẫn đến sự bất bình đẳng, tâm lý “trên” – “dưới” giữa người ký hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không thời hạn;

Việc quy định về hợp đồng không xác định thời hạn đối với đội ngũ viên chức sẽ không khuyến khích cơ chế cạnh tranh, không có vào, có ra, từ đó không tạo động lực trong công việc, dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả;

Quy định về hợp đồng không xác định thời hạn cũng dẫn tới một thực trạng là các đơn vị sự nghiệp công lập còn ỷ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, kém năng động, sáng tạo dẫn đến quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ công diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Để giải quyết bất cập nêu trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã xác định “Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).”. Đây là chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến đội ngũ viên chức, trong đó phần lớn là viên chức hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ.

Quá trình xây dựng chính sách và thể chế hóa, nội dung này cũng đã được phân tích rất kỹ về ưu, nhược điểm của từng phương án, trong đó đề cao yêu cầu bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, tránh xáo trộn gây tâm tư trong đội ngũ, đồng thời cũng phải tạo cơ chế để các đơn vị sự nghiệp và người lao động chủ động, có động lực, từ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Tăng thời gian xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức

Theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức hiện hành thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật. Thực tế cho thấy quy định như vậy là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu.

Mặt khác, trong thời gian vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó quy định rõ về thời hiệu kỷ luật; đồng thời có một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền.

Xuất phát từ yêu cầu đó, để bảo đảm tính nghiêm minh, nghiêm khắc, kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định tăng thời hiệu xử lý đối với tính chất từng loại hành vi vi phạm gắn với hệ quả pháp lý (theo thứ tự 2 năm, 5 năm và không tính thời hiệu đối với một số hành vi cụ thể); bổ sung quy định không tính thời hạn giải quyết các vụ việc theo thủ tục tố tục vào thời gian để xác định thời hiệu và quy định xóa tư cách chức vụ đối với người có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã thôi việc, nghỉ hưu; tăng thời hạn xử lý vi phạm kỷ luật từ 60 ngày và 90 ngày (đối với các vụ việc phức tạp) lên thành 90 ngày và 150 ngày; quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật (không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng đối với trường hợp bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; không bổ nhiệm chức vụ trong thời hạn 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức.

Bổ sung quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Bên cạnh đó, Luật cũng tập trung sửa đổi những quy định còn vướng mắc từ thực tiễn thực hiện, trong đó có công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Có thể nói cùng với quá trình chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức từ hệ thống chức danh nghề nghiệp sang vị trí việc làm thì công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay “là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.”.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức nêu trên, Luật đã bổ sung quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, đội ngũ công chức, viên chức ở nước ta công tác trong các lĩnh vực rất rộng với những đặc thù khác nhau phụ thuộc vào từng công việc, vùng miền. Vì vậy, Luật cũng quy định giao người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định phù hợp với địa phương, bộ, ngành mình, bảo đảm đúng tiêu chí được đề ra. 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện

Thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện

15:22 , 06/05/2024

“Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” là một trong ba chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025. Qua quá trình thực hiện, đến nay diện mạo thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, sạch đẹp; con người thành phố hành xử thân thiện, lịch sự, văn minh, nhân ái và nghĩa tình.

Mất an toàn giao thông trên quốc lộ 47 đoạn qua thành phố Thanh Hoá đi Sầm Sơn

Mất an toàn giao thông trên quốc lộ 47 đoạn qua thành phố Thanh Hoá đi Sầm Sơn

14:59 , 06/05/2024

Quốc lộ 47 đoạn thành phố Thanh Hóa đi Sầm Sơn là tuyến đường trọng điểm dẫn xuống khu du lịch biển Sầm Sơn. Tuy nhiên, trên tuyến tình trạng người dân vi phạm quy định khi tham gia giao thông diễn ra khá nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Những đóng góp của Thanh Hóa trong  chiến dịch Điện Biên Phủ

Những đóng góp của Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ

11:32 , 06/05/2024

Năm 1957, khi về thăm Thanh Hóa lần thứ 2, Bác Hồ đã khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó". Có được niềm vinh dự ấy là bởi Thanh Hóa đã đóng góp rất lớn về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm.

Bảo đảm cấp nước cho phát triển sản xuất công nghiệp

Bảo đảm cấp nước cho phát triển sản xuất công nghiệp

11:10 , 06/05/2024

Để bảo đảm nguồn nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp, các ngành có liên quan và các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục phục vụ các khu công nghiệp.

Vĩnh Lộc phát huy dân chủ để huy động sức dân

Vĩnh Lộc phát huy dân chủ để huy động sức dân

09:49 , 06/05/2024

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc luôn quan tâm đẩy mạnh thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, qua đó khơi dậy sức mạnh toàn dân, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng Nhân dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng Nhân dân

08:29 , 06/05/2024

Thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ là thành quả của nhiều nhân tố, trong đó có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy, trực tiếp là Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Trên cương vị là Bí thư Ðảng ủy-Chỉ huy trưởng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò quan trọng trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Mỗi khi nhắc đến chiến dịch này, mọi người dân Việt Nam đều nhắc đến ông với tất cả niềm tự hào, kính trọng.

Cần sớm khắc phục tình trạng cá chết tại các lồng, bè ở Bá Thước

Cần sớm khắc phục tình trạng cá chết tại các lồng, bè ở Bá Thước

08:28 , 06/05/2024

Thời gian qua, nhiều lồng, bè nuôi cá trên sông Mã - khu vực huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tổng số lồng bè nuôi cá bị ảnh hưởng là 168 lồng, khối lượng thiệt hại ước tính hơn 11,35 tấn của 122 hộ dân ở các xã: Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung, Lương Ngoại và thị trấn Cành Nàng.

Dự báo thời tiết 6/5: Thanh Hóa và nhiều nơi trên cả nước có mưa giông

Dự báo thời tiết 6/5: Thanh Hóa và nhiều nơi trên cả nước có mưa giông

08:16 , 06/05/2024

Dự báo thời tiết ngày 6/5/2024, khu vực Thanh Hóa và nhiều nơi trên cả nước sẽ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to vào chiều và đêm.

Cảnh báo giả mạo trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông để lừa cài ứng dụng chứa mã độc

Cảnh báo giả mạo trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông để lừa cài ứng dụng chứa mã độc

08:09 , 06/05/2024

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) đưa ra cảnh báo trang web giả mạo cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

23:15 , 05/05/2024

Sáng ngày 5/5, tại tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Trung ương Kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức Tổng duyệt cấp Nhà nước Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ tổng duyệt.