ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

[Emagazine] Thanh Hóa: Vạn thuở anh hùng

(TTV) - Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc từ tối cổ đến tận ngày nay, Thanh Hóa luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là địa danh có truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng. Trên mảnh đất xứ Thanh ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn xuất hiện những anh hùng hào kiệt không ngừng đứng lên đấu tranh, thể hiện ý chí chủ quyền và tinh thần độc lập tự cường của dân tộc Việt Nam.

05/05/2019 07:02

 

 

 

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc từ tối cổ đến tận ngày nay, Thanh Hóa luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là địa danh có truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng. Trên mảnh đất xứ Thanh ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn xuất hiện những anh hùng hào kiệt không ngừng đứng lên đấu tranh, thể hiện ý chí chủ quyền và tinh thần độc lập tự cường của dân tộc Việt Nam.

 

 

 

Lời bài hát “Đường về Thanh Hoá” như đưa tôi trở về dưới những bóng dừa xanh dịu mát trong buổi trưa hè, hình ảnh thân quen đã trở thành kỷ niệm về một xứ Thanh yêu thương trong tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ… Xứ Thanh của văn hoá núi Đọ, của văn hoá Đông Sơn, của Bà Triệu cưỡi voi phá giặc, của Lam Sơn tụ nghĩa bình Ngô, cũng là xứ sở quê hương của một nền văn hiến lâu đời, từng là chốn kinh đô của nhà Hồ, rồi biết bao công trình kiến trúc nghệ thuật lộng lẫy nguy nga của các thời Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê đến Tây Sơn và vương triều Nguyễn...

Có lẽ hiếm có vùng đất nào như Thanh Hóa lại có đầy đủ những dấu mốc quan trọng đánh dấu các giai đoạn lịch sử từ tối cổ đến tận ngày nay. Rất nhiều  di chỉ khảo cổ học thuộc hầu hết các thời đại khảo cổ học lớn thời tiền sử và sơ sử đã được phát hiện trên mảnh đất xứ Thanh: Di chỉ núi Đọ, hang Con Moong, văn hoá Hoa Lộc, và đặc biệt là khi những công cụ làm bằng đồng, trống đồng được phát hiện tại làng Đông Sơn năm 1924,  minh chứng cho nền văn hoá Đông Sơn, một giai đoạn văn hoá quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam đã phát triển rất rực rỡ tại mảnh đất Thanh Hoá.
Từ buổi ấy, cánh chim Lạc Việt và nhịp trống đồng Đông Sơn trầm hùng cứ thế dẫn dắt các thế hệ cháu con ở xứ Thanh đi theo guồng quay của lịch sử dân tộc để góp phần soạn trọn bài ca dựng nước và giữ nước Việt Nam.

 

 

 

Danh xưng là tên gọi của một quốc gia dân tộc hay của một con người cụ thể. Tên của một người đã là điều đương nhiên phải có, tên của một dân tộc một quốc gia càng không thể thiếu. Việc xác định danh xưng chính là việc làm để định danh mốc thời gian ra đời, góp phần khẳng định bề dày truyền thống, sự tồn tại phát triển của quốc gia hay con người đó trong tiến trình thời gian. Trong nhiều bộ chính sử, địa chí, văn bia, thư tịch và các công trình nghiên cứu từ thời cổ, trung đại đến thời cận hiện đại, hai tiếng Thanh Hóa đã vang lên đầy tự hào, kiêu hãnh.

 


Nguồn tư liệu về năm ra đời danh xưng Thanh Hoá không nhiều, nhưng với niềm mong mỏi tìm được nguồn cội tên gọi của tỉnh Thanh, ba cuộc hội thảo lớn đã được tổ chức, nhiều mốc thời gian đã được đưa ra tranh luận, và căn cứ vào những ghi chép trên các văn bia: Bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng , Văn bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký…  và căn cứ vào bộ chính sử quan trọng thứ hai của lịch sử Việt Nam (sau Toàn thư) là Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì địa danh hành chính Thanh Hóa được xác định là xuất hiện vào năm Thiên Thành thứ 2 triều Lý Thái Tông (1029).
 

 

Như vậy, theo các cứ liệu lịch sử, từ khi vua Hùng dựng nên nhà nước Văn Lang, Thanh Hóa đã lần lượt trải qua những tên gọi như: Cửu Chân,  Ái Châu rồi Châu Hoan, Châu Ái...  và vào năm 1029 (Năm Thiên Thành thứ 2, triều vua Lý Thái Tông), tên gọi Thanh Hóa ra đời, đây là thời điểm danh xưng Thanh Hoá xuất hiện sớm nhất và còn được giữ cho tới ngày nay.
Việc xác định năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những khẳng định bề dày truyền thống lịch sử hào hùng của con người và miền đất xứ Thanh anh hùng, cách mạng, giàu truyền thống nhân văn, khoa bảng, mà còn là dấu môc, sự kiện quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về truyền thống lịch sử lâu đời đối với quê hương.

 

 

[video(264299)]

 

 

Sau khi danh xưng Thanh Hóa ra đời vào năm 1029, vùng đất này chính thức được xem là một địa giới hành chính rất quan trọng, với vai trò là phên dậu quốc gia. Cũng từ đó, Nhà Lý đã đặt ảnh hưởng quan trọng lên đất xứ Thanh, biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của đất nước.
 

 

Suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, ở đâu trên mảnh đất xứ Thanh cũng đều in dấu hình những anh hùng hào kiệt, những con người đội đất vá trời với tinh thần quật cường kiên trung, không ngừng đứng lên đấu tranh, thể hiện ý chí chủ quyền và tinh thần độc lập tự cường của người nước Nam. Đó là Triệu Thị Trinh đã dấy binh đánh đuổi giặc Đông Ngô trên đỉnh núi Nưa, là Dương Đình Nghệ, người đã chiêu mộ 3.000 binh sinh chống lại cách đô hộ của nhà Nam Hán; Đó là Lê Hoàn - bậc vĩ nhân sinh ra từ giấc mộng hoa sen, đã có công dẹp yên thù trong, giặc ngoài, dựng nên vương triều Tiền Lê vào năm 980. Ông chính là người xứ Thanh đầu tiên khởi nghiệp đế vương, khởi tạo vị thế lẫy lừng cho xứ Thanh, mạch đất sinh Vua – Chúa. Để rồi 520 năm sau, vào năm 1400, Hồ Quý Ly đã dựng nghiệp tại Thanh Hóa lập ra Nhà Hồ, lấy tên nước là Đại Ngu, đóng đô ở thành An Tôn (Vĩnh Lộc). Dù vương triều do ông sáng lập chỉ tồn tại 7 năm, song đã khẳng định khát vọng cũng như tài năng của Hồ Quý Ly trong quá trình canh tân đất nước.

 


Khi Nhà Hồ bại vong, lịch sử xứ Thanh xuất hiện Lê Lợi - một anh hùng kiệt xuất, mà tài năng, lòng yêu nước của ông đã làm thay đổi vận mệnh quốc gia, dân tộc. Vương Triều Hậu Lê do Lê Thái Tổ gây dựng, với 26 đời vua, là vương triều tồn tại dài nhất, đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các vua hiền như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông ... đã lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước, gặt hái những thành tựu rực rỡ về mọi mặt, biến đất nước ta trở thành một quốc gia hùng cường bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.
Vào cuối thời Lê Sơ, năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, lập nên triều Mạc. Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), là một tướng giỏi của Triều Lê, có công lớn trong sự nghiệp “phò Lê diệt Mạc”. Nguyễn Kim không chỉ là người khởi đầu công cuộc trung hưng nhà Lê, mà ông còn là nội tổ phụ của các chúa Nguyễn và ngoại tổ phụ của các chúa Trịnh.
Khi Nguyễn Kim qua đời, con rể ông là Trịnh Kiểm (quê ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) lên nắm quyền, tiếp tục gánh vác sự nghiệp trung hưng, mở đầu cho thời kỳ lịch sử mà dòng họ Trịnh giữ vai trò rường cột góp phần diệt Mạc, phò Lê, khôi phục Thăng Long, đánh dẹp Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi trong 2 thế kỷ.
Năm  1558, Nguyễn Hoàng - con trai của Nguyễn Kim cũng góp công lớn trong việc mở mang lãnh thổ về phía Nam, định hình cương giới hành chính của đất nước. Và đến năm 1802, Nguyễn Ánh, hậu duệ đời thứ 10 của Nguyễn Hoàng đã đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra vương triều Nguyễn, đóng đô tại Phú Xuân, xây dựng nên kinh thành Huế quy mô bề thế. Vai trò của nhà Nguyễn để lại nhiều tranh cãi; Song không thể phủ nhận, vương triều này có nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục; có công lao mở mang bờ cõi và định danh quốc hiệu Việt Nam trong lịch sử.

 

Le-loi-+-vung-dat-thanh-hoa.jpg

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Cũng bắt đầu từ đây, nhân dân Việt Nam sống dưới ách cai trị của thực dân phương Tây, chịu muôn vàn thống khổ. Song, một lần nữa, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của người Việt lại dâng lên mạnh mẽ. Xứ Thanh trở thành căn cứ địa của phong trào Cần Vương kháng Pháp.  Dù các cuộc khởi nghĩa Cần vương xứ Thanh lần lượt thất bại, nhưng các căn cứ Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh...những tên tuổi lẫy lừng: Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Cao Điển... đã khẳng định vị thế của đất và người xứ Thanh trong buổi đầu kháng Pháp.
Bước sang đầu thế kỷ XX, phong trào chống ngoại xâm trên cả nước ngày càng lên cao. Xứ Thanh, vùng đất quật cường đã ngay lập tức chuyển mình, bắt nhịp với không khí kháng chiến sục sôi. Suốt  9 năm trường kỳ gian khổ chống Pháp, Thanh Hóa vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương lớn của toàn dân tộc. Thanh Hóa đã đóng góp gần 35 nghìn tấn lương thực, trên 42 triệu công trái kháng chiến, hơn 1 tỉ 330 triệu công trái quốc gia, đóng hơn 408 triệu tấn lương thực thuế nông nghiệp. Nhờ sự đóng góp ấy, Thanh Hóa 2 lần vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua “Phục vụ tiền tuyến khá nhất”, có 5 người được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND đó là: Anh hùng liệt sỹ Trần Đức, anh hùng liệt sỹ Lê Công Khai, Anh Hùng liệt sỹ Trương Công Man, Anh hùng Lò Văn Bường, anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện.

 


Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, xứ Thanh cũng là một địa bàn cách mạng kiên cường. Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Thanh Hoá là một pháo đài bất khả xâm phạm, một hậu phương to lớn, góp một phần quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

 

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứ Thanh lại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và bảo vệ  vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại này, quân dân Thanh Hóa đã đánh 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B52, bắn cháy 56 tàu chiến, trong đó có 52 khu trục hạm thuộc hạm đội 7 của Mỹ. 25 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 16 đơn vị và cá nhân là AHLĐ, 71 cá nhân là Anh hùng LLVTND, 1.125 bà mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng, 32.146 thương binh và 56.559 liệt sĩ. Những con số tạc nên huyền thoại xứ Thanh bất khuất kiên cường trong sự nghiệp chống Mỹ của dân tộc. Trong những năm tháng ấy, những địa danh  Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép, Đảo Mê, lão quân Hoằng Trường, đội nữ dân quân gái Hoa Lộc đã trở thành những biểu tượng huyền thoại “tượng trưng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam".
Là  cái nôi của các phong trào yêu nước, mảnh đất căn bản của cách mạng, bởi vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Thanh Hóa vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 4 lần. Sự quan tâm của Người cùng lời dặn dò “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” trở thành nguồn động lực lớn lao để nhân dân xứ Thanh  phấn đấu trong lao động, chiến đấu, cùng nhân dân cả nước lần lượt đánh bại 2 kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, tiến lên xây dựng đất nước theo con đường XHCN.

 

 

Tên tuổi những người con xứ Thanh anh hùng đã dệt gấm thêu hoa lên bức địa đồ lịch sử dân tộc với những nét son rực rỡ. Vùng đất từng là “kinh sư chi thượng đô” hiện vẫn còn rất nhiều di tích quan trọng như:  Đền thờ Bà Triệu và Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; Đền thờ Lê Hoàn - di tích lịch sử Quốc gia; Thành Nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới; cùng hàng ngàn di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh khác, làm phong phú nền văn hóa và lịch sử của xứ Thanh.

 

Từ khi Thanh Hóa được chính thức định danh cho đến nay, suốt 990 năm, trên vùng đất này, các thế hệ người Thanh Hóa đã đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. 990 năm danh xưng Thanh Hóa là một dấu mốc đầy tự hào, ở đó mỗi người đều tìm thấy cội nguồn, những giá trị văn hóa đã hình thành nên cốt cách con người xứ Thanh.
Nhớ về nguồn cội, tự hào về bề dày truyền thống của vùng đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc, những người con Thanh Hoá hôm nay càng thấy trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã gây dựng, trao truyền; luôn tự nhắc nhở lòng mình phải giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử vô giá đó và tích cực đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp vững bền.

 



 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

[Longform] Trở lại Trường Sơn huyền thoại

[Longform] Trở lại Trường Sơn huyền thoại

09:26 , 17/05/2024

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp hàng vạn thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ở những vùng trọng điểm ác liệt, kẻ thù đã trút hàng vạn tấn bom, đạn xuống mỗi cung đường Trường Sơn, song với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng thanh niên xung phong Thanh Hóa đã cùng với quân và dân ta lập nên nhiều kỳ tích, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024), những cựu thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa lại có dịp trở lại thăm chiến trường xưa nhằm ôn lại những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa.

[Longform] Những người đi ngược

[Longform] Những người đi ngược

09:55 , 10/04/2024

Đã có những làn sóng di cư tự phát nhiều năm qua. Nhiều bạn trẻ từ quê nghèo đến chốn phồn hoa với ước vọng mưu sinh và đổi đời. Thế nhưng lại có những người dám từ bỏ đô thị, nơi họ có nhiều cơ hội việc làm và mức sống cao, sự thăng tiến, để trở về miền quê nghèo khó, làm lại từ đầu. Dưới con mắt nhiều người, họ từng bị xem là dở hơi, điên rồ.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc

08:48 , 04/04/2024

Có một làng biển xứ Thanh nhỏ bé với mật độ cư dân sinh sống đông nhất cả nước. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn chủ yếu nương tựa vào biển, kiên trì bám biển để mưu sinh. Và đó chính là làng biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa!

ĐỘC ĐÁO PHIÊN CHỢ VÙNG CAO

ĐỘC ĐÁO PHIÊN CHỢ VÙNG CAO

09:27 , 28/03/2024

Trên hành trình khám phá Pù Luông xanh, nếu đi vào thứ 5 hoặc chủ nhật, du khách sẽ bắt gặp phiên chợ Phố Đoàn, xã Lũng Niêm huyện Bá Thước. Phiên chợ mang đậm nét văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao phía tây Thanh Hóa, vì vậy, du khách không chỉ được mua sắm, mà còn được tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống độc đáo và thú vị của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

[Longform] Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam - Góc khuất của niềm tin ảo

[Longform] Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam - Góc khuất của niềm tin ảo

08:35 , 20/03/2024

Người xưa có câu nói “Có bệnh thì vái tứ phương”. Vài năm trở lại đây, nhiều người bệnh, đặc biệt là người già, mắc các bệnh nan y, mãn tính đã không tìm đến các bác sĩ hay y học chính thống với các phương thuốc và phương pháp điều trị bệnh tiên tiến, mà tìm đến phương thức chữa bệnh bằng niềm tin và tâm linh. Thậm chí, là tìm đến phương trời của năng lượng từ vũ trụ không gian với tên gọi “Năng lượng gốc”, thông qua nhóm “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” hay “Năng lượng gốc linh quang vũ trụ kỷ nguyên mới”. Câu hỏi đặt ra là: Liệu phương pháp này có thật sự kỳ diệu như lời đồn?

[Longform] Xã đảo Nghi Sơn – miền đất thanh bình bên bờ sóng

[Longform] Xã đảo Nghi Sơn – miền đất thanh bình bên bờ sóng

08:43 , 16/03/2024

Vùng đất cổ Biện Sơn, nay là xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa chỉ có diện tích khiêm tốn hơn 3km2, nhưng lại có mật độ di tích và di sản văn hóa dày đặc, trải dài cùng quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trông từ trên cao, hòn đảo này như một vòng tay khổng lồ chìa ra biển, êm ái ôm gọn vào lòng một vụng nước màu xanh ngọc bích, đủ độ sâu làm nơi cho tàu thuyền về bờ thư giãn sau những lần cùng các ngư dân đi khơi xa. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm trầm tích lắng đọng, miền đất thanh bình này đang là điểm đến mới được du khách yêu thích khám phá, trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của con người nơi đây.

Cá trắm kho khế: Dân dã, đậm vị quê nhà

Cá trắm kho khế: Dân dã, đậm vị quê nhà

11:03 , 11/03/2024

Với những người con đi làm ăn xa nhà, ai cũng luôn mong muốn trở về sum họp cùng gia đình bên những mâm cơm đầm ấm. Cá trắm kho khế từ lâu đã trở thành món ăn dân dã quen thuộc trên khắp các vùng quê Việt Nam. Đặc biệt, cá trắm được kho niêu đất theo cách truyền thống sẽ mang lại một hương vị rất riêng. Đây là một trong những hương vị gợi nhớ về bữa cơm đoàn viên gia đình đạm chất Việt.

[Longform] Nâng bước em tới trường

[Longform] Nâng bước em tới trường

12:06 , 02/03/2024

Trong những năm qua, với chương trình "Nâng bước em tới trường", cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã hỗ trợ, chia sẻ và tiếp thêm động lực cho hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Từ đó, hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh càng sâu đậm trong lòng dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân anh hùng.

Về Như Thanh – ăn nem ống tre

Về Như Thanh – ăn nem ống tre

09:42 , 29/02/2024

Nem gì mà lại tròn tròn nằm gọn trong ống tre? Đó là một loại nem rất đặc biệt và cũng nổi tiếng của miền núi xứ Thanh. Nem ống tre – nem lợn mán – hay nem lợn cắp nách là những tên gọi khác nhau của món nem đặc sản này.

"Hương xuân vị Tết" của đồng bào Thái

"Hương xuân vị Tết" của đồng bào Thái

15:10 , 11/02/2024

Đối với đồng bào Thái ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, vào những ngày hội, ngày Tết hay khi đón khách quý đến thăm nhà, trên mâm cỗ bao giờ cũng có các món bánh truyền thống, như bánh chưng xanh, bánh ít trắng, bánh ít mật, và đặc biệt không thể thiếu món "kháu túm lém" (bánh chưng nhọn), "kháu túm nọi" (bánh chưng nhỏ). Đây là những loại bánh truyền thống của người Thái, nó không chỉ mang đậm hương vị bản xứ,mà còn gói cả đất trời và tình người sâu nặng nơi vùng cao xứ Thanh.