ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc

3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, về những bước phát triển đột phá, tầm nhìn chiến lược nhằm biến cơ chế đặc thù thành cơ chế vượt trội, đưa Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới...

26/12/2023 12:33
Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 1.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 2.

Là tỉnh được Bộ Chính trị ban hành cơ chế đặc thù về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xin ông cho biết những tiền đề để Thanh Hóa thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị ngày 5/8/2020?

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm kết nối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với vùng Đồng bằng sông Hồng... Được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương hội tụ đủ ba vùng địa lý, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, đất liền nhìn ra Vịnh Bắc Bộ với thềm lục địa bao quát 17.000 km2.

Trên địa bàn tỉnh có Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp; hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quan trọng quốc gia đi qua, như: Cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 10, quốc lộ 47, quốc lộ 45, quốc lộ 217, quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt Bắc Nam... Đặc biệt, Thanh Hoá đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với nguồn nhân lực dồi dào trên 2,2 triệu lao động, chiếm 60% dân số của tỉnh.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020, của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra; nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 3.

Từ những tiền đề đó, Thanh Hóa cần đặt ra tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá như thế nào để đi đến “khát vọng thịnh vượng”, thưa ông?

Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, tỉnh Thanh Hóa xác định phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển bốn trung tâm kinh tế động lực, năm trụ cột tăng trưởng và sáu hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội...

Bên cạnh việc xác định 27 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đề ra 6 chương trình trọng tâm: 1- Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; 2- Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; 3- Chương trình phát triển du lịch; 4- Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; 5- Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; 6- Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Ba đột phá trong nhiệm kỳ là: 1- Đột phá về phát triển hạ tầng; 2- Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; 3- Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 4.

Xin ông cho biết trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu, kết quả ấn tượng như thế nào trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới?

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, 3 năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung cao độ cho công tác quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX...

Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2040, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục khởi sắc.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn vượt dự toán; tốc độ tăng thu đạt 11,3%; trong đó năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020.

GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách nhà nước tăng cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết và so với năm 2020.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết.

Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành bạn được tăng cường.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác và đạt kết quả tích cực.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 5.

Trong nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Thanh Hóa xác định hoạt động xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính là đặc biệt quan trọng. Xin ông cho biết những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc cải thiện môi trường đầu tư cũng như cải cách các thủ tục hành chính ở địa phương?

Hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian qua được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh luôn duy trì trong nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước.

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10.700 doanh nghiệp được thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước; tổng vốn điều lệ đăng ký 112 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2023, Thanh Hóa có 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 5,6 doanh nghiệp/1.000 dân. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên.

Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 6.

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, xin ông cho biết những bài học được rút ra từ thực tiễn?

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, Quy chế làm việc và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; coi trọng việc giữ gìn, phát huy đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và trong nhân dân để cùng chung sức, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của tỉnh.

Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và có trọng tâm, trọng điểm; phải thực sự sâu sát, quyết liệt, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện dứt điểm từng nội dung công việc; vừa chủ động giải quyết kịp thời những nhiệm vụ trước mắt, những vấn đề bức xúc, phát sinh, vừa chú trọng những vấn đề lớn, lâu dài, có tính chiến lược để tạo bước đột phá trên từng lĩnh vực; nắm chắc tình hình, dự báo sát đúng, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững.

Ba là, nhận thức đúng vị trí của Thanh Hóa trong khu vực và cả nước. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nội lực của tỉnh, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bốn là, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thường xuyên rà soát, kiện toàn, bố trí, sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ...

Năm là, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý các vi phạm, khuyết điểm ngay từ khi mới phát sinh.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 7.

Những khó khăn, thách thức nào đang đặt ra đối với sự phát triển của Thanh Hóa?

Việc tỉnh Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách “đặc thù” mới chỉ là kết quả của những nỗ lực ban đầu để chúng ta tạo đột phá trong thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp và có hiệu quả hơn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, về bản chất, việc có được cơ chế “đặc thù” vẫn là sự “xin - cho” về cơ chế và nếu vẫn tiếp tục theo cách tiếp cận cũ thì hiệu quả rất hạn chế và có giới hạn. Điều quan trọng là cần phải biến các cơ chế, chính sách “đặc thù” thành các cơ chế, chính sách “vượt trội”, trước hết là trong xây dựng môi trường thể chế và quản trị địa phương - tức là tạo ra sự khác biệt và lợi thế nhờ đạt tới một “đẳng cấp” trong phát triển cao hơn

Tỉnh Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu; tỉnh vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đó là: các nhân tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, thách thức lớn hơn và khó lường hơn, nhất là biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa thực sự bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu doanh nghiệp có vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh,... Đây là những yếu tố tác động bất lợi đến sự phát triển của tỉnh.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 8.

Xin ông cho biết, để hiện thực mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, Thanh Hóa xác định những mục tiệu cụ thể nào để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống?

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021, của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới;... Đổi mới phương thức sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn...; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 9.

Bên cạnh các giải pháp về kinh tế, Thanh Hóa cần làm gì để xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh, chăm lo đời sống, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau?

Song song với các giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh,  tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...

Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh.

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc- Ảnh 10.

https://vneconomy.vn/thanh-hoa-no-luc-hien-thuc-hoa-muc-tieu-som-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi-o-phia-bac.htm

Nguồn: vneconomy.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Bình minh sau cổng trời

Bình minh sau cổng trời

08:29 , 22/10/2024

Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tạo nên luồng gió mới để Mường Lát phát triển toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Những hủ tục dần bị loại bỏ, tệ nạn xã hội dần được dẹp trừ, người dân chăm lo lao động, sản xuất với những mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao. Và điều quan trọng nhất, Nghị quyết số 11 đã nhân lên niềm tin, khát vọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát vượt khó, nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ân tình xứ Thanh

Ân tình xứ Thanh

09:43 , 04/10/2024

Bão số 3 Yagi mang đến vô vàn đau thương và mất mát cho đồng bào miền Bắc, nhưng cũng chính cơn bão lịch sử này đã khẳng định khối đại đoàn kết vững vàng, bền chặt của dân tộc Việt Nam; là minh chứng hùng hồn cho nghĩa đồng bào yêu thương gắn kết.

995 năm Thanh Hóa: Tự hào quá khứ - Rạng rỡ tương lai

995 năm Thanh Hóa: Tự hào quá khứ - Rạng rỡ tương lai

13:54 , 08/06/2024

Thanh Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt- nơi chứa đựng những trầm tích lịch sử, văn hóa dày sâu; nơi tên đất tạc vào sử sách, hồn người kết tụ tinh hoa. Người xứ Thanh, qua biến thiên thời gian và thăng trầm lịch sử, đã kiến tạo nên những giá trị lớn lao, kỳ vĩ; góp phần làm nên bề dày truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

[Longform] Trở lại Trường Sơn huyền thoại

[Longform] Trở lại Trường Sơn huyền thoại

09:26 , 17/05/2024

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp hàng vạn thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ở những vùng trọng điểm ác liệt, kẻ thù đã trút hàng vạn tấn bom, đạn xuống mỗi cung đường Trường Sơn, song với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng thanh niên xung phong Thanh Hóa đã cùng với quân và dân ta lập nên nhiều kỳ tích, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024), những cựu thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa lại có dịp trở lại thăm chiến trường xưa nhằm ôn lại những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa.

[Longform] Những người đi ngược

[Longform] Những người đi ngược

09:55 , 10/04/2024

Đã có những làn sóng di cư tự phát nhiều năm qua. Nhiều bạn trẻ từ quê nghèo đến chốn phồn hoa với ước vọng mưu sinh và đổi đời. Thế nhưng lại có những người dám từ bỏ đô thị, nơi họ có nhiều cơ hội việc làm và mức sống cao, sự thăng tiến, để trở về miền quê nghèo khó, làm lại từ đầu. Dưới con mắt nhiều người, họ từng bị xem là dở hơi, điên rồ.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc

08:48 , 04/04/2024

Có một làng biển xứ Thanh nhỏ bé với mật độ cư dân sinh sống đông nhất cả nước. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn chủ yếu nương tựa vào biển, kiên trì bám biển để mưu sinh. Và đó chính là làng biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa!

ĐỘC ĐÁO PHIÊN CHỢ VÙNG CAO

ĐỘC ĐÁO PHIÊN CHỢ VÙNG CAO

09:27 , 28/03/2024

Trên hành trình khám phá Pù Luông xanh, nếu đi vào thứ 5 hoặc chủ nhật, du khách sẽ bắt gặp phiên chợ Phố Đoàn, xã Lũng Niêm huyện Bá Thước. Phiên chợ mang đậm nét văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao phía tây Thanh Hóa, vì vậy, du khách không chỉ được mua sắm, mà còn được tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống độc đáo và thú vị của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

[Longform] Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam - Góc khuất của niềm tin ảo

[Longform] Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam - Góc khuất của niềm tin ảo

08:35 , 20/03/2024

Người xưa có câu nói “Có bệnh thì vái tứ phương”. Vài năm trở lại đây, nhiều người bệnh, đặc biệt là người già, mắc các bệnh nan y, mãn tính đã không tìm đến các bác sĩ hay y học chính thống với các phương thuốc và phương pháp điều trị bệnh tiên tiến, mà tìm đến phương thức chữa bệnh bằng niềm tin và tâm linh. Thậm chí, là tìm đến phương trời của năng lượng từ vũ trụ không gian với tên gọi “Năng lượng gốc”, thông qua nhóm “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” hay “Năng lượng gốc linh quang vũ trụ kỷ nguyên mới”. Câu hỏi đặt ra là: Liệu phương pháp này có thật sự kỳ diệu như lời đồn?

[Longform] Xã đảo Nghi Sơn – miền đất thanh bình bên bờ sóng

[Longform] Xã đảo Nghi Sơn – miền đất thanh bình bên bờ sóng

08:43 , 16/03/2024

Vùng đất cổ Biện Sơn, nay là xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa chỉ có diện tích khiêm tốn hơn 3km2, nhưng lại có mật độ di tích và di sản văn hóa dày đặc, trải dài cùng quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trông từ trên cao, hòn đảo này như một vòng tay khổng lồ chìa ra biển, êm ái ôm gọn vào lòng một vụng nước màu xanh ngọc bích, đủ độ sâu làm nơi cho tàu thuyền về bờ thư giãn sau những lần cùng các ngư dân đi khơi xa. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm trầm tích lắng đọng, miền đất thanh bình này đang là điểm đến mới được du khách yêu thích khám phá, trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của con người nơi đây.

Cá trắm kho khế: Dân dã, đậm vị quê nhà

Cá trắm kho khế: Dân dã, đậm vị quê nhà

11:03 , 11/03/2024

Với những người con đi làm ăn xa nhà, ai cũng luôn mong muốn trở về sum họp cùng gia đình bên những mâm cơm đầm ấm. Cá trắm kho khế từ lâu đã trở thành món ăn dân dã quen thuộc trên khắp các vùng quê Việt Nam. Đặc biệt, cá trắm được kho niêu đất theo cách truyền thống sẽ mang lại một hương vị rất riêng. Đây là một trong những hương vị gợi nhớ về bữa cơm đoàn viên gia đình đạm chất Việt.